TẤT CẢ ĐỀU LÀ THUYỀN (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Khi chương trình thăm viếng trong tang lễ Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã xong. Một khoảng trống hiếm hoi trong hai ngày tấp nập, đó là lúc mọi người được mời ra ngoài để chuẩn bị lễ di quan nhưng nhân viên nhà quàn chưa đậy nắp quan tài.

Tận dụng khoảng trống đó, tôi lại đứng với anh một chút. Đặt tay lên người anh. Im lặng nhìn anh lần cuối. Anh không còn cười, dĩ nhiên, và tôi cũng không nói. Thời gian chỉ một hai phút nhưng với tôi thật là dài. Biết anh lần đầu vào thập niên 1990 và được anh cho phép gọi bằng anh. Tôi học ở anh quá nhiều nhưng khi anh còn sống chưa bao giờ có một dịp để cám ơn anh dù đôi lời khách sáo, nói chi là một bài viết về kiến thức mênh mông và hành trình hoạt động da đạng của anh.

Chúng tôi lái xe suốt đêm. Chiều thứ Sáu nào cũng vậy, xa lộ Boston trở thành một bải đậu xe. Chúng tôi dừng lại ở Exit 11 trên đường I90 West để đón thêm hai anh bạn. Họ đứng bên đường chờ gần hai tiếng đồng hồ. Giữa tháng Ba, mùa đông New England chưa qua hết. Sương đêm đóng một lớp dày trên hai vai áo nhưng không ai than trách. Vài giọt sương trên tóc đâu lạnh bằng cái lạnh của buổi tiễn đưa.

Tôi đến chào chị Bích. Chị vòng tay ôm lấy đứa em từ xa mới về. Bác đứng cạnh bên nhắc nhở chị vài lần sắp đến giờ làm lễ nhưng chị chưa buông tay. Hai chị em đứng yên một lúc khá lâu trong linh thiêng huyền diệu của tình người. Không ai nói với nhau lời nào. An ủi hay chia buồn đều không còn đủ nghĩa. Giữa lúc ồn ào và khói hương nghi ngút nhưng trong lòng nghe tịch lặng làm sao.

Hoa anh đào sắp nở dọc bờ sông Potomac nhưng với chị mùa xuân sẽ mãi mãi không về. Dòng sông của đời chị đang cạn dần và nhánh cây khô sẽ chỉ khô thêm. Một chiếc ghế trước hiên nhà sẽ được xếp lại. Căn phòng sẽ rộng hơn. Người phát thư sẽ không còn giao những gói sách gởi về từ nhiều nơi trên thế giới. Chị không đọc nữa, nếu có chăng chỉ tìm đọc lại những tờ thư cũ đã nhạt màu. Ngọn gió đông phương đã thổi lại phương đông nên nơi chị ở sẽ là những buổi chiều không gió. Những ngày tháng tới chị sẽ sống như một người mất bóng, loay hoay đi tìm một nửa khác của mình. Thương chị rất nhiều khi nghĩ tới ngày mai.

Trong hai ngày thứ Sáu 11 và thứ Bảy 12 tháng Ba, hàng ngàn người đã đến, không chỉ trong vùng Maryland, Virginia, Washington DC mà còn từ Dallas, Houston, California, Ottawa, Boston và nhiều nơi khác tôi không biết hết, để tiễn đưa anh. Trong các trang mạng xã hội, hàng ngàn tin nhắn tiếc thương và chuyển lời kính tiễn hương linh anh. Trong số những người đến có nhiều người chưa hề gặp mặt anh. Tại sao? Anh tài năng đa diện như nhiều người nhắc đến? Anh học cao hiểu rộng? Anh là chủ tịch, lãnh đạo của nhiều tổ chức, hội đoàn?

Không, họ đến chính là để cám ơn tấm lòng của anh đối với quê hương.

Anh đến với mọi người và lắng nghe lời nói của mọi người. Dù là một buổi dạy các sinh viên gốc Việt hát dân ca hay một hội nghị quốc tế về Biển Đông cũng đều được anh quan tâm và chuẩn bị một cách chi tiết như nhau. Anh không ngồi trong phòng lạnh để viết bài đăng báo nhưng dấn thân bằng cách lên đường. Hai năm trước tôi đến Châu Âu và ghé thăm một lãnh đạo cộng đồng. Anh chị chủ nhà mời tôi ở lại và còn nói thêm “Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng ở lại nhà này”. Tôi qua California và ở lại nhà một người quen, chủ nhà cũng nói, “Phòng anh ngủ là phòng dành cho khách, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng mới ngủ ở phòng này”. Tôi đến Dallas cũng vậy, nhà của Bs Nguyễn Văn Hào, một người quen chung là nơi chúng tôi trọ suốt thời gian ở đó. Tuy nhiên, trên hành trình vô cùng chông gai anh đã bước lên, bên cạnh những ủng hộ, thân tình, kính trọng cũng có rất nhiều điều tiêu cực đến với anh. Tiêu cực được hiểu là những lời phê bình vượt giới hạn đạo lý và đạo đức của con người. Dù khen hay chê, cuối ngày, trên môi anh vẫn nở một nụ cười bao dung và thanh thản.

Anh là bậc đạo sư, bậc thầy của tôi vì anh đọc những lời tiêu cực mà vẫn an nhiên. Với tôi, để được bình an, tôi phải tránh xa những vùng tiêu cực. Đức tính bao dung, cảm thông và tự tại đó đã làm Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trở thành chiếc cầu của những người yêu nước Việt đang cố tìm một điểm chung để ngồi xuống với nhau. Muốn gì, trước hết phải ngồi xuống và biết lắng nghe. Chiếc cầu đó vừa gãy và sẽ còn rất lâu hay có thể không một người nào thay thế được.

Nhắc đến chiếc cầu, tôi chợt nhớ câu chuyện về cụ già Dupont ở Thụy Sĩ. Mỗi đêm trong suốt hai mươi mùa đông cụ đã cắm một chiếc lều bên cầu Lausanne để tìm cách cản ngăn những người bị bịnh trầm cảm tự tử cho đến ngày cụ qua đời. Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Bích, suốt bốn mươi mốt năm đã dâng hiến cuộc đời cho lý tưởng tự do. Rất nhiều người tự hào về lý tưởng nhưng không bền bỉ và tận tụy như anh và chỉ lý tưởng khi nào chính họ không bị phê bình, phán xét.

Anh cũng là người như tất cả chúng ta, mang theo trong máu các đặc tính tốt xấu từ lúc sinh ra nhưng hơn nhiều trong số chúng ta là anh tha thứ. Anh tranh luận khi cần tranh luận nhưng với một tâm trong sáng, không hận thù và nhất là biết khi nào dừng lại. Trong Phật giáo, tôn giáo của anh, đó là hạnh nhẫn nhục. Người cầu đạo cần nhẫn nhục để đắc đạo cho bản thân mình, anh nhẫn nhục để hoàn thành mục đích cao cả của đời anh là mang lại tự do dân chủ nhân bản do dân tộc Việt Nam. Câu chuyện về thiền sư Hakuin khi bị hàm oan đã nói “Thế à” và khi được giải oan cũng chỉ nói “Thế à” có thể chỉ là một bài giảng theo cách “oan ức không cần biện bạch” thuần túy về thiền học để dạy người học đạo về hạnh nhẫn nhục. Anh không cần học bài giảng đó bởi vì “Thế à” vốn đã là cách sống thật của anh.

Giữa thập niên 1990, khi chúng tôi, một nhóm chuyên viên trẻ, đến vấn kế vận động quốc hội Mỹ về nhân quyền, anh khuyên nên thành lập các ủy ban nhân quyền, càng nhiều càng tốt và không nhất thiết phải đông người vì chính phủ hay quốc hội Mỹ có thể không quan tâm đến cá nhân một cử tri nhưng một ủy ban thì là chuyện khác. Cũng từ quan điểm đó, những đoàn thể, tổ chức mà anh thành lập hay lãnh đạo, đều là những chiếc ghe anh mượn để tìm cách đưa đất nước sang bờ tự do dân chủ. Anh ra đi rất nhẹ nhàng, nhanh chóng, thảnh thơi bởi vì anh trả lại chứ không vác theo những chiếc thuyền gỗ nặng nề như vài người khác.

Những năm sau này, tôi may mắn được gần gũi anh nhiều. Sau những bữa cơm, bên những tách trà, nhiều khi hết chuyện tích cực để nói, chúng tôi đem chuyện tiêu cực ra để “giải lao”. Khi tôi đem một quan điểm của người nào đó khác với quan điểm của anh ra bàn, câu mà tôi nghe nhiều nhất ở anh là “Các anh đó cứ ….”. “Các anh đó cứ cho rằng tôi ham danh, ham quyền chức”. “Các anh đó cứ phê bình tôi thay đổi quan điểm, lập trường chính trị”, “Các anh đó cứ chưa đọc nội dung đã vội kết luận” v.v… Bao giờ anh cũng dùng câu “Các anh đó cứ”, rất ít khi nào tôi nghe anh nhắc đích danh một người nào. Anh vô cùng trí thức vì kính trọng nhân cách của mọi người dù trong đó có người không đồng ý với anh. Một trong những bài học anh để lại cho các thế hệ Việt Nam là bài học về nhân cách.

Một danh ngôn quen thuộc “Hãy sống như anh sẽ chết ngày mai và học như anh sẽ không bao giờ chết”. Anh sống đúng với nội dung câu nói đó. Anh nghiên cứu và viết về mọi thứ kể cả về thức ăn, một lãnh vực mà anh không quan tâm lắm nhưng vẫn viết bởi vì có ích cho người khác. Anh chạy đua với thời gian vì hơn ai hết anh hiểu sức khỏe của mình có hạn tuy nụ cười vẫn tràn đầy, tinh thần vẫn lạc quan. Là một cựu hướng đạo sinh, anh nhảy cò cò với các cháu một cách hồn nhiên nhưng dĩ nhiên anh biết sinh trụ dị diệt là định luật không ai tránh khỏi.

Khi quan tài anh hạ xuống trời sương mù nhưng không một giọt mưa hay tiếng khóc. Mọi người dường như đã nuốt nước mắt ngược vào lòng. Giờ phút cuối cùng, bác Nguyễn Văn Đặng của Hội Cao Niên, thổi bài Ngày Về của Hoàng Giác để “Anh Bích nghe”. Anh Bích không còn nghe nữa mà đã về quê hương nhưng tiếng kèn còn vang vọng trong tâm hồn của những người còn lại. Trong nỗi đau thường có mầm hạnh phúc. Tiếng kèn xúc động của bác Đặng cũng là lời nhắc nhở mọi người hãy sống một cuộc đời như anh Bích cho quê hương, đất nước và tình người để rồi ngày cuối của cuộc đời mình, sẽ được tiễn đưa trong tiếc thương và trong tình cảm đậm đà như thế.

Tôi vẫn còn là đứa bé mồ côi. Những gì tôi biết, tôi hiểu, tôi viết phát xuất từ những lời khuyên nhủ, khuyến khích của những người như anh. Khi anh khen tôi, tôi hãnh diện và sung sướng nhưng không phải với tư cách một nhà văn hay nhà thơ cùng vuông chiếu mà là một đứa con, một học trò. Tôi cám ơn những người đi trước không bằng diễn văn đầy những tĩnh từ bóng bẩy nhưng trong tận đáy lòng tôi dòng suối tình thương vẫn chảy êm đềm. Bên dòng suối đó, có anh từ trên cao nhìn xuống và bên dòng suối đó anh vẫn còn sống, ít nhất cho đến ngày tôi cũng sẽ ra đi.

Trần Trung Đạo