SỤP ĐỔ NIỀM TIN (Huỳnh Quốc Bình)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

LTG: Bài viết này được gởi đến quý độc giả có thể trước và sau, hoặc ngay cao điểm của ngày lễ Phục Sinh. Đây ngày lễ quan trọng của những ai có niềm tin vào Thiên Chúa. Dù vậy, ngày này sẽ không có  ý nghĩa gì, nếu con người chỉ buồn năm phút trong cao điểm “Đêm Thương Khó” của Chúa; rồi sau đó con người trở lại các sinh hoạt như thể không có gì xảy ra và chờ năm sau tiếp tục buồn, hay tiếp tục vui… Thì những buổi tổ chức đó chỉ tốn thì giờ của nhau, phí tiền ga, điện nước của các ngôi thánh đường hay nhà thờ, chứ chẳng ích lợi gì. (HQB)

Easter is right around the corner, and what better way to celebrate the resurrection of our Lord than with Scripture. Whether you're looking for important verses to add to your Easter cards or you simply want to learn more about the significance of Christ's death and resurrection, you can find it all in the Bible.

Tôi tin tưởng tuyệt đối vào quyển Thánh Kinh mà tôi có trong tay. Dù vậy, tôi vẫn thử tự đặt mình vào vị trí của những người tìm cách bài bát đạo Chúa, hoặc xách mé niềm tin của những ai tin vào sự cứu rỗi của Chúa, để có một câu hỏi theo kiểu “thách đố” rằng, nếu nhân vật Jesus trong Thánh Kinh không sống lại thì sao?

Câu trả lời rằng, nếu Chúa Cứu Thế Jesus không sống lại, đức tin của những người Thiên Chúa Giáo sẽ hoàn toàn bị sụp đổ. Thật ra, trong Thánh Kinh Tân Ước đã có câu trả lời cho điều này. Đây là lời khẳng định của Sứ-đồ Phao-lô: “Nếu Ðấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích…” (1 Cô-rinh-tô 15:17a)

Lễ Phục Sinh cũng như Lễ Giáng Sinh, Thánh Kinh Tân Ước không đề cập đến hai lễ này và bắt buộc con dân Chúa phải tổ chức ăn mừng gì cả. Dù vậy con người bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời là hành động đáng khen. Sự kiện Con Trời giáng trần, hoặc khi Con Trời từ “kẻ chết sống lại” có ý nghĩa gì với chúng ta hay không, cũng còn tùy thuộc vào tấm lòng của từng người nữa.

Trong bài viết và bài giảng, “Ăn năn hay lên án”, tôi có một số nhận xét về mùa “Lễ Phục Sinh”. Thời điểm này, nhiều con dân Chúa kiêng ăn, cầu nguyện. Kiêng ăn và cầu nguyện là một truyền thống tốt đẹp của những ai có niềm tin vào Thiên Chúa. Kiêng ăn như một hình thức hãm mình, bày tỏ lòng ăn năn sám hối về tội lỗi của mình qua lời cầu nguyện với Thiên Chúa, chứ không phải để khoe khoang đạo đức. Đây là truyền thống tốt đẹp mà Chúa Cứu Thế Jesus và các môn đệ của Ngài từng thể hiện. Kiêng ăn không phải là đạo đức mà biết ăn năn tội lỗi mới là hành động thể hiện sự đạo đức.

Ngày nay con người tổ chức “Lễ Phục Sinh” để kỷ niệm và mừng về thời điểm Chúa Cứu Thế Jesus đã sống lại sau khi chết. Dù vậy, không phải ai cũng tin điều này. Bằng chứng là gần hai ngàn năm qua, vẫn có những người cố tạo ra những “bằng cớ” và cố gắng thuyết phục người khác tin rằng, nhân vật mang tên Jesus xứ Do Thái, chẳng chết gì cả. Có người hết sức năng nổ trong việc tán phát những tài liệu, bài viết cho rằng Chúa Jesus không chết lúc bị đóng đinh trên thập tự giá, mà “từng qua Ấn Độ và sống những năm còn lại ở Kashmir”. Họ còn buông những lời lộng ngôn với Thiên Chúa hay Con Trời một cách vô tội vạ nữa kìa. Dù con người có tin về sự giáng trần của Chúa Cứu Thế Jesus, sự chết của Con Trời và sự sống lại của Chúa Ngôi Hai hay không, chương trình cứu rỗi nhân loại mà Đức Chúa Trời đặt trên vai của Chúa Jesus Christ vẫn phải được thực hiện, theo lời Thánh Kinh.

Tạ ơn Đức Chúa Trời vì Chúa Cứu Thế Jesus đã sống lại. Sự kiện Chúa chết và sống lại đã được chính Ngài cho biết trước. Phúc Âm Ma-thi-ơ đã chép điều này, “Ðang khi Ðức Chúa Jêsus và môn đồ trải qua trong xứ Ga-li-lê, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Con người sẽ bị nộp trong tay người ta. Họ sẽ giết Ngài, nhưng đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đồ bèn lo buồn lắm. (Ma-thi-ơ 17: 22-23)

Mùa Lễ Phục Sinh chúng ta thường nghe thấy điều gì?

Những điểm chính thường được nhắc đến trong Mùa Phục Sinh gồm có: Sự phản bội của Giu-đa (Judas Iscariot) môn đệ của Ngài. Sự chịu đựng và nỗi thương khó mà Chúa Jesus phải gánh chịu. Các môn đồ bỏ chạy. Thiên Chúa quay lưng với tội lỗi mà Chúa Jesus đã gánh cho con người. Chúa bị giết, và đã sống lại. Và, nhiều bài giảng tại các ngôi thánh đường, nhà thờ, trên báo chí, truyền thanh, truyền hình để lên án Giu-đa một cách hùng hồn. Tội của Giu-đa đã bán Chúa chỉ vì 30 nén bạc. Giu đa đã chỉ điểm cho binh lính La-mã bắt Chúa bằng cái hôn giả dối… Nhưng sau đó Giu-đa đã ăn năn, ném bạc trả lại, và đi thắc cổ tự tử.

Theo tôi, thay vì để thì giờ lên án Giu-đa, chúng ta cần ăn ở tử tế, sống theo những lời dạy của Chúa thì sự rao truyền, làm chứng hay giảng dạy của chúng ta mới có kết quả. Nếu chúng ta chỉ biết lên án Giu đa mà có đời sống theo kiểu Giu-đa thời đại, thì chúng ta cũng nên coi chừng. Có ngày chúng ta cũng sẽ thắc cổ như Giu-đa.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi?

Ngày xưa Giu đa phản Chúa, còn ngày nay chúng ta thì sao? Giu đa chỉ điểm Chúa bằng cái hôn giả dối, chúng ta có ám hại anh em mình bằng những lời “đạo đức ngoài môi” hay không? Giu đa phản Chúa chỉ vì 30 nén bạc, chúng ta có phản Chúa vì chạy theo quyền lực, vật chất đời này không? Nếu chưa có, chúng ta nên A-men và tạ ơn Chúa. Nếu có, chúng ta cần ăn năn và lìa bỏ những thứ nghịch lại Thánh Kinh, để chúng ta không phạm tội cùng Chúa.

Chúng ta không thể nhận mình là con dân Chúa mà có cách sống như con cái ma quỷ. Chúng ta không thể lặn hụp trong tội lỗi mà nhận mình là con dân Ngài. Chúng ta không thể ra vẻ thánh thiện nhưng lại không muốn gần gũi những điều thánh thiện, giống như mấy câu Thơ của Thi Sĩ Tường Lưu:

Ngoài đời tôi sống đua tranh

“Mánh mung” có hạng, lòng tham có thừa.

Vậy mà, đi nhóm nhà thờ

Thì tôi ra vẻ… “thánh đồ” hơn ai.

Cần rao giảng hay làm chứng về sự chết và sống lại của Chúa

Chúng ta không cần phải là linh mục, mục sư, giáo sĩ, hoặc phải có tiền lương cao, thì mới làm điều đó, mà phải sử dụng mọi cơ hội, phương tiện, dịp tiện trong sáng, để trở thành môn đồ xứng đáng của Ngài. Chúng ta không cần phải có “chiếc áo” nhà dòng hay luôn có “quyển Thánh Kinh” trên tay, bằng cấp treo đầy tường, để chứng minh mình là người hầu việc Chúa, đầy tớ Chúa, hoặc con dân Chúa có học và khả năng thần học vượt bực, rồi mới rao giảng về sự cứu rỗi của Chúa.

Người đời thường nói, “chiếc áo không làm nên nhà tu”. Nhưng quyển Thánh Kinh thì khác, bởi Kinh Thánh từng thay đổi nhiều người từ xấu trở nên tốt qua nhiều thời đại, với điều kiện những người đó phải biết làm theo lời Kinh Thánh, chứ không cần phải cầm Kinh Thánh kè kè bên mình mỗi khi bước ra ngoài đường, mới thiêng liêng. Chúng ta thử đọc lại lời phán của Chúa Cứu Thế Jesus, sẽ rõ, “Quả thật, ta nói cùng các người, những kẻ thâu thuế và phường dĩ điếm sẽ được vào nước Ðức Chúa Trời trước các ngươi.” (Ma-thi-ơ 21: 31b)

Chúng ta vui mừng vì Chúa Cứu Thế đã sống lại và tin tưởng vào lời hứa của Ngài. Vì hễ Chúa Jesus đã “từ kẻ chết sống lại”, những người tin Ngài sẽ sống lại, dù đã chết rồi. “Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.” (Giăng 11:25)

Trong  thư gửi cho người Ga-la-ti, Phao-lô đã khẳng định vị trí của mình như sau, “Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Ðức Chúa Jêsus Christ và Ðức Chúa Trời, tức là Cha, Ðấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại,” (Ga-la-ti 1: 1)

Chúng ta cũng cần mạnh dạn như Phao-lô, đừng để bằng cấp thần học, chức tước trong Giáo Hội làm cho chúng ta chỉ loay hoay tìm kiếm nó mà lại lơ đễnh công việc chứng đạo; tức là giảng về sự chết và sự sống lại của Chúa chúng ta. Chính môn đệ của Chúa Cứu Thế Jesus từng hỏi nhau rằng, “lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao” (Lu-ca 24:32b). Không phải “nóng nảy” vì không được người khác gọi mình là “cha”, “sư” hay “thầy” mà nóng nảy để rao truyền về sự chết và sự sống lại của Ngài.

Huỳnh Quốc Bình

Email: huynhquocbinh@yahoo.com 

            https://huynhquocbinh.net/