SỰ QUYẾT ĐỊNH CỦA NATO MANG TÍNH SINH TỬ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Các nước màu xanh là thành viên NATO năm 2024

Vào tháng 7 tới, 32 thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tề tựu về thủ đô Washington DC để họp và kỷ niệm 75 năm thành lập NATO đã có những thành tích to lớn như ngăn chặn sự xâm lược của Cộng Sản Liên Xô trong 40 năm Chiến Tranh Lạnh, chấm dứt các cuộc chiến tranh vùng Balkan như Bosnia có thể đe dọa nền hòa bình châu Âu. Giờ đây, NATO đang ngăn chặn tham vọng của Putin nhằm tái tạo một “Thế Giới Nga” muốn sáp nhập dần các vùng có người nói tiếng Nga gần biên giới bằng cách “trưng cầu dân ý” (dù bất hợp pháp) để sáp nhập vào Nga như họ đã làm ở Ukraine. Trong tương lai gần có thể là Moldova và các quốc gia thuộc vùng Baltic. 

Để củng cố sức mạnh và ý chí của NATO. Cần phải điều chỉnh một số nhược điểm mà NATO đang gặp phải là các cơ sở công nghiệp sản xuất quốc phòng của Mỹ và các nước châu Âu không đủ để chi viện vũ khí kịp thời cho chiến trường Ukraine. Cả Mỹ và châu Âu phải nghiêm chỉnh giải quyết những lổ hổng to lớn đó để tạo niềm tin cho NATO nói riêng và thế giới tự do dân chủ nói chung.

Sức mạnh chính nghĩa của NATO

Liên Minh NATO khởi đầu ngày 17/03/1948 với 5 nước (Bỉ, Anh, Pháp, Hà Lan và Luxembourg); Cuối năm 1948, Tại Washington DC các nhà lãnh đạo châu Âu đã gặp các giới chức cao cấp quốc phòng và ngoại giao Hoa Kỳ dưới sự chủ toạ của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ George C. Marshall để thảo luận thành lập một liên minh quân sự của các nước Tây Phương. Ngày 04/04/1949 một Liên Minh Quân Sự được ký kết bởi Tổng Thống Mỹ Truman tại thủ đô Hoa Kỳ lấy tên North Atlantic Treaty Organization (NATO) gồm 12 nước tham gia (5 nước khởi đầu thêm Mỹ, Canada, Bồ Đào Nha, Ý, Na Uy, Đan Mạch và Iceland). Từ đó đến nay, qua chín vòng mở rộng, giờ đây NATO có đến 32 quốc gia trong đó nhiều nước trước đây trong khối Cộng Sản Liên Xô sau khi sụp đổ đã hàng loạt xin gia nhập vào Liên Minh NATO.

Một Liên Minh chính trị quân sự nếu không có chính nghĩa thì không thể lớn mạnh nếu không muốn nói là bị mất dần theo thời gian. NATO là một Liên Minh có chính nghĩa nên nó lớn mạnh từ 12 nước 1949 đến 32 nước tham gia năm 2024. Sự lớn mạnh đó là do chính nghĩa đi đúng theo nguyện vọng của nhân loại muốn được sống tự do, dân chủ chống lại sự cầm quyền độc tài cai trị.

Sự quyết định dựa trên tuyệt đối 100% của NATO là điều “sinh tử”

Trong Hội Đồng Thường Trực Liên Hiệp Quốc có 5 nước (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Cộng, Nga) bất cứ một việc gì trên thế giới cũng quyết định theo sự đồng thuận 5/5 mới thực hiện. Trong tình hình thế giới chia làm hai thế lực từ việc nhỏ đến việc lớn chống nhau như nước với lửa thì sự đồng thuận còn khó hơn mò kim đáy biển! Từ đó tiến tới sự bế tắt của Liên Hiệp Quốc để giải quyết nhiều vấn đề. Nếu LHQ không sớm cải tổ phương cách quyết định đồng thuận tuyệt đối này thì sẽ lâm vào tình trạng bế tắc toàn diện trong tương lai. NATO hiện đang rơi vào hệ lụy của sự quyết đinh tuyệt đối 100%  đó.

Theo các điều khoản trong tài liệu thành lập NATO tại Washington DC năm 1949, việc kết nạp các thành viên mới vào NATO dựa trên sự đồng thuận 100% của các thành viên hiện có. Nguyên tắc đồng thuận này đã trở thành một chuẩn mực chi phối cách quyết định khác của NATO. Điều này trong trang website của NATO đã xác quyết: “Việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận là một nguyên tắc cơ bản. Nó đã được xử dụng làm cơ sở duy nhất cho việc ra quyết định của NATO kể từ khi thành lập Liên Minh vào năm 1949”. Tuy nhiên, thực tế có thể không phù hợp với tình hình ngày nay.

Lấy một vài thí dụ điển hình:

Trong những năm gần đây, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã thu được lợi ích cho mình từ việc cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này cho thấy quy tắc đồng thuận tuyệt đối đã dễ dàng bị lạm dụng như thế nào bởi một một người lãnh đạo thành viên tin rằng họ có thể đạt được. Từ một NATO mang sự sống chết của toàn khối trở thành nơi trục lợi chính trị của một vài lãnh đạo của thành viên là một điều không chấp nhận được của bất cứ một tổ chức nào!

Những sự việc của NATO xảy ra từ trước đã “vạch đường cho hươu chạy” nay thành một hệ lụy:
– Năm 2009, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng đã có nỗ lực ngăn cản ông Anders Rasmussen vào chức vụ Tổng Thư Ký NATO. Dù bất thành, nhưng cũng gây khó khăn không ít cần phải giải quyết… dĩ nhiên phải có sự mặc cả nào đó cho “thuận mua vừa bán”.
– Thủ Tướng Hungary Viktor Orbán gần đây đã ngăn chặn NATO viện trợ cho Ukraine. Ban đầu NATO gặp nhiều khó khăn trong sự việc này, buộc Quốc Hội châu Âu có biện pháp mạnh muốn ra Nghị Quyết tước quyền bỏ phiếu của Vikor Orbán. 
– Thủ tướng Slovakia, Robert Fico vừa mới trở lại nắm quyền vào tháng 10/2023 vừa qua đã lên tiếng gây ồn ào về việc đòi NATO chấm dứt hỗ trợ cho Ukraine.

Thử xem một tình huống tệ hại sẽ như thế nào? 

Một ngày nào đó, Nga cử hàng ngàn “người lính ngụy trang” đến một quốc gia lân cận trong khối NATO, cùng lúc điều động các đơn vị quân sự lớn áp sát vùng biên giới của nước đó. “Những người lính nguỵ trang” của Nga kích động nổi lên tìm cách kiểm soát một thành phố. Rồi Moscow yêu cầu thay đổi chính phủ của thành viên NATO với sự cáo buộc chính phủ đó đã theo đuổi các chính sách thù địch với người dân nói tiếng Nga.
Khối NATO họp khẩn thực hiện Điều 5 (1 thành viên NATO bị xâm lăng thì toàn khối NATO phải đem quân tới cứu), nhưng có một lãnh đạo của thành viên NATO thân với Putin bỏ phiếu từ chối áp dụng Điều 5. Như vậy là điều 5 của NATO bị tê liệt. Nga lợi dụng cơ hội đó xua quân qua biên giới…

Sự kiện khác của khối NATO đã xảy ra vào năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu NATO chuẩn bị kế hoạch bảo vệ nước Thổ là thành viên NATO trước sự tấn công của Iraq nhưng đã bị ba thành viên NATO khác chặn lại. Điều 5 NATO không thực hiện được! Tất cả đó là hệ quả của sự đồng thuận tuyệt đối 100% của NATO.

NATO ra đời mục đích chính là chống Nga, trong tình hình thực tế hiện nay, Nga đã vượt qua nhiều thử thách của NATO và có thể gây nguy hiểm trong tương lai.

– Nga vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây để có khả năng đeo đuổi cuộc chiến xâm lăng Ukraine, khác với dự đoán của nhiều người lãnh đạo phương Tây.
– Nga đã tìm kiếm vũ khí và máy bay không người lái từ Triều Tiên và Iran để tiếp tục chiến tranh ở Ukraine.
– Nga Đã tái cấu trúc ngành công nghiệp quốc phòng trong nước ở một mức độ đáng kinh ngạc. Gần 40% ngân sách quốc gia của Nga hiện được dành cho quốc phòng.
– Nga đã bù đắp những tổn thất của họ tại chiến trường Ukraine nhanh hơn nhiều so với các nhà quan sát dự đoán.
Trước tình hình như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo NATO lo lắng rằng Putin có thể tấn công một hoặc nhiều thành viên của Liên Minh NATO trong vòng 3 đến 5 năm tới. Sở dĩ Nga dám làm như vậy vì NATO thiếu phản ứng nhanh chóng và quyết liệt mà một phần không nhỏ do trở ngại của sự đồng thuận tuyệt đối 100%.

Vậy thì tại hội nghị thượng đỉnh Washington DC vào tháng 7 sắp tới, các thành viên NATO nên thảo luận tìm ra phương cách để đưa ra thủ tục bỏ phiếu có thể đa số 2/3 thay vì 100%. Điều này sẽ loại đi những quốc gia thành viên lạm dụng đồng thuận 100% để phục vụ lợi ích của Nga và lợi ích cho mình.

Với tình hình quốc tế đầy đe dọa và nhu cầu cân bằng sự gắn kết của NATO lớn hơn, đưa ra quyết định nhanh chóng hơn, đã đến lúc NATO phải thay đổi luật lệ quyết định tuyệt đối 100% tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 này. Phải cần loại bỏ quyết định 100% đầy rủi ro trong tình huống nguy hiểm do một thành viên nhỏ bé có thể bỏ phiếu ngăn NATO thực hiện Điều 5.

 https//vietquoc.org


Bài viết dựa trên những tài liệu của của các ông:

1) Eric S. Edelman: Dại sứ Hoa Kỳ tại Phần Lan dưới thời Bill Clinton và tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời George W. Bush (con). Ông cũng từng là thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách về chính sách.
2) David Manning: Nhà ngoại giao người Anh, Đại diện thường trực (đại sứ) của Anh tại NATO.
3) Franklin C. Miller: Nhân viên cao cấp về chính sách nguyên tử và kiểm soát vũ khí tại Ngũ Giác Đài và là thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.