Đi vào dòng thơ “Ngỡ Mắt Môi Xưa” của Võ Thạnh Văn.
Ảnh Chân Dung của LÊ DIỄM, chụp bởi Võ Thạnh Văn.
Tôi từng đi lạc vào rừng chữ đẹp lung linh trong 10 nghìn câu thơ lục bát “Kinh Vô Thường” của Nhà Thơ Võ Thạnh Văn (một bộ sách lớn, 2 tập, dày 1500 trang giấy). Và, tôi cũng từng thưởng ngoạn những tranh ảnh anh lấy từ vũ trụ bao la của Thượng Đế, qua nghệ thuật nhiếp ảnh. Những tác phẩm trong nghệ thuật Nhiếp Ảnh của anh đã thổi hồn cho vật thể sống động, tôi lồng vào khung cửa hẹp cho riêng mình. Tôi rất thán phục, bộ môn nào, niềm đam mê nào của anh cũng tỏa sáng đến đỉnh điểm. Chân thành cám ơn anh, tạ ơn những giờ ẩn dật của Phù Hư Dật Sĩ. Nhờ đó, nhờ vào những tháng ngày ẩn dật trốn đời ấy, đã gom góp và tích tụ nhiều niềm vui, làm hành trang thú vị trong đời sống của riêng tôi. Ta lần lượt đi sâu hơn vào Phần 2/12 (từ câu 11 đến câu 20) của trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa.”
* * * * *
Trong thời gian lắng đọng từng sát na cô miên, nhà thơ Võ Thạnh Văn đã cuộn tròn mạch sống trong nhịp tim đập chậm qua giai điệu thơ tứ ngôn. Bay xuyên qua ảo giác, Võ Thạnh Văn đã chạm mặt nỗi nhớ người xưa, dù trải qua bao năm tháng bể dâu cuộc đời. Mắt là cửa ngõ thâu suốt tháng năm, chất chồng kỷ niệm riêng tư vào bộ óc tâm hồn. Môi là nơi phát âm ngôn ngữ bay vào không gian, là phương tiện chuyển tải rung động, là lời khóc lời cười diễn cảm sự cố của cả người và ta, của vạn hữu khách quan hiện hữu thường biến chung quanh.
(11)
“ngỡ mắt môi xưa
“về quanh đâu đó
“dường như trong gió
“dường như trong mưa
Hẳn Võ Thạnh Văn, một thời duyên khởi đã từng yêu, cùng người yêu mình quay cuồng trong nhân gian, một thời cũng hỷ nộ, luyến ái… Cuộc tình thơ mộng đẹp ngời ngợi ấy, dường như, cả chàng và nàng tưởng như sống và chết cùng chung một con đường, một số phận. Nào ngờ, ai học trước được chữ ngờ, tuy thở trong cùng một không gian, nhưng ngọn gió nào chia đôi ta thành hai lối rẻ?! Võ Thạnh Văn chừ, chỉ còn “Ngỡ” về những hoài niệm của mắt môi xưa. Còn “ngỡ” là không chắc, là mơ hồ, là nghi hoặc… Chàng thi nhân vẫn cứ “ngỡ” là mắt là môi thấp thoáng còn đạy, đi về… trong gió trong mưa.
(12)
“từ ta xa nhau
“biệt tăm nhánh tóc
“bao lần em khóc
“ẩm cuộc tình đau
Du khúc ngày đã xa nhau, sợi tóc em không còn bay quanh ta, nhưng vẫn còn nghe đọng tiếng khóc, tình sầu ủ trong em và anh… Dù gì, dù bất cứ thế nào, trong thời gian xa nhau vời vợi, qua những cơn mơ, qua nhiều mộng mị, ta vẫn còn nhau. Ta vẫn gần nhau, mắt môi và từng hơi thơ… Em vẫn đi về. Mắt môi vẫn mỉm cười. Ta mơ và tưởng mình nằm mơ. Ta mộng và tưởng mình đang mộng… Mộng và thực lẫn lộn trong ta. Ta vẫn nhớ thương. Ta bày tỏ nhớ thương trong từng trang thơ, và dấu chân em đầy ắp những trang thơ ấy… Như Phạm Thiên Thư đã từng vẻ ra hình ảnh sống động đầy thi vị. “Ta về thắp nến làm thơ, tiếng chân còn vọng nửa tờ thư tôi” (Động Hoa Vàng).
(13)
“ta vẫn thường mơ
“tưởng mình nằm mộng
“dáng em mây lộng
“đi về trang thơ
“Ai có về trên bến tương tư,” mới hiểu trạng thái Võ Thạnh Văn lơ lững giữa mơ và mộng, nhìn mây chiều lộng… ta vẻ dáng em. Dáng em ngày xưa, mà hôm nay còn trừu tượng đi vào trang thơ. Trăng là hình ảnh chiếu sáng vào ban đêm. Ánh sáng trăng không soi rỏ từng góc cạnh vạn vật trên nền trời, mặt đất. Vành trăng tròn vàng, trăng luôn đơn độc bên hàng tỷ những vì sao lấp lánh trong vũ trụ thiên hà. Nhưng, trong vũ trụ đố ai đếm được bao nhiêu sao rơi trong từng sát na? Những trụy tinh đi về đâu? Những băng hà còn hay mất? Những vì sao “đổi ngôi” cho nhau chăng? Và trăng, đến kiếp nào trăng mới hết đơn côi khi rơi vào màn đêm đen cô tịch?
(14)
“thơ ta chất trăng
“tình ta mời gió
“người về qua đó
“sông nước sương giăng
Cũng là trăng. Lại là trăng… Mây, gió, trăng… là 3 thực thể luôn hiện hữu quanh ta, trong cõi sinh tồn hiện hữu nầy. Gió đưa mây lưu lạc. Mây đi ngang che khuyết một phần mặt trăng. Khi mây bay qua trăng lại tròn vành vạnh, sáng. Người đi dưới trăng nhiều khi còn cảm giác trăng là bạn, trăng luôn luôn theo từng bước chân mình, soi sáng từng bước lữ hành. Tiên Điền Nguyễn Du: “Dặm khuya ngất tạnh mù khơi / Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.” (Đoạn Trường Tân Thanh). “Chất trăng” trong thơ Võ Thạnh Văn ẩn chứa một tình nghĩa thủy chung, vẹn tròn, bất diệt của người hay ta. Hề, tình trăng với gió, qua thơ, bằng mọi góc cạnh, Võ Thạnh Văn giăng sương sông, mắc lưới gió… Sông nước bắt ánh trăng cho người?
(15)
“ta qua bến sông
“tìm người đập sợi
“sóng xanh gờn gợn
“trời đất mênh mông
Mây Gió Trăng Nước… là những biểu tượng ẩn dụ lãng mạn quanh đời, trong đời, của cuộc sống xô bồ bận rộn nhân sinh… Nhưng, qua suốt dòng lịch sử, qua những bến sông xưa trong huyền thoại hay huyền sử hay khuyết sử hay tình sử… thì muôn đời còn lãng mạn. Võ Thạnh Văn tìm người đập sợi, như Hoàng Cầm tìm lá diêu bông? “Sợi” ở đây là sợi tơ duyên, là “sợi tơ” tình óng mượt của người con gái bến nước Trữ La? Tìm người xưa đập sợi là tìm sợi vô hình trói buộc?! Ai đã đập sợi làm dậy sóng định mệnh, đổ vở?! Chỉ còn một mình ta, sau bao nghìn năm, vẫn tìm kiếm giữa mênh mông trời đất… Người biết cho chăng? Có ai biết chăng?! Hỡi Đệ Nhất Hồng Nhan Đại Tri kỷ… người biết chăng?!
(16)
“ta đến trữ la
“tìm người dệt lụa
“bóng em một thuở
“sóng nước phù hoa
Điển tích Tây Thi, người con gái giặt lụa đập sợi bến nước Trữ La Thôn ngày trước, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc… gặp chàng Phạm Lãi tài hoa. Đại Thần Phạm lãi, người được vua Ngô Phù Sai giao công việc truy tìm mỹ nhân để dâng Việt Vương Câu Tiễn mà mưu trả mối hận mất nước, mối nhục thử phân và 3 năm nằm gai nếm mật… Vô vọng. Vô tung tích. Thi nhân lãng tử Võ Thạnh Văn lục lạo trong mộng trong mơ tìm kiếm người tình thất lạc, ví như những chàng trai bộ tộc Israel đi dọc dòng sông Babilon thưở trước, tìm người con gái bị đày làm nô lệ Palestine. Hoặc như những chàng trai tráng các bộ lạc Da Đỏ cởi ngựa xuôi ngược dòng sông Missisipi của Hiệp Chủng Quốc để tìm kiếm những bóng hình thoáng gặp thoáng mất… của những sơn nữ bộ tộc lạ… vì bản chất di cư, di canh thời cổ…
(17)
“ta qua nam xương
“tìm người tiết phụ
“vách loang bóng rũ
“thấp thoáng chân tường
Đến đây, trở về với huyền thoại Nam Xương trong tiết khúc #17, Võ Thạnh Văn nhắc đến điển cố người thiếu phụ Vũ Thi Thiết, nết na thùy mị, xinh đẹp. Chồng là chàng Trương đi chinh chiến, nàng ở nhà tần tảo nuôi mẹ chồng và con thơ. Nhớ thương con trai chinh chiến, mẹ chồng sinh bịnh rồi mất, nàng dâu Thị Thiết rất chu đáo lo ma chay, tế lễ. Rồi những đêm cô lẻ trong bóng đêm hiu quạnh, sợ con thiếu thốn tình cha, nàng hay đùa với con bằng cách chỉ cái bóng của mình trên vách và nói với con đó là cha về. Khi chồng trở về sau chinh chiến, con thơ không nhận cha. Chàng Trương nghe con nói buổi tối cha mới trở về, nên chàng đâm ghen tuông, đánh đập vợ. Nàng giải oan bằng cách trầm mình dưới nước, tuẩn tiết để minh oan.
Từ cuộc đời người tiết phụ Nam Xương năm xưa, Võ Thạnh Văn cảm nhận nét cô liêu, hiu quạnh khi người thiếu phụ môt mình lo toan cuộc sống, nuôi dạy con thơ một mình, làm tròn thiên chức cao quý của người mẹ, dù số phận nàng không được sống tròn vẹn trong tình nghĩa phu thê hạnh phúc như người. Nhưng tấm lòng trung trinh của nàng luôn được người đời ca tụng, và hôm nay, qua NMMX, thi nhân nhắc nhớ và trân trọng như một gương trung liệt… có lẽ mang đậm nết hình ảnh người mình yêu.
(18)
“ta vượt nghìn xưa
“tìm về cai hạ
“thép gươm trướng lạ
“đẹp giọt rượu đưa
Chưa hết, thi nhân tiếp tục cuộc tìm kiếm hình ảnh lý tưởng của lòng. Nhắc nhớ về câu truyện lịch sử xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Quốc cổ đại, trong giai đoạn Hán Sở tranh hùng… Hạng Vũ đóng quân ờ Cai Hạ, với 50 vạn quân hùng hậu, bách chiến bách thắng. Thế quân Hạng Võ như chẻ tre… quyết thư hùng một chuyến với 52 vạn quân của Hàn Tín đang bao vây tứ bề. Một đêm, Hạng Vũ nghe bốn mặt quân Hán hát khúc Sở Ca của nước mình. Đó là mưu “tâm lý chiến”của Phá Sở Đại Nguyên Nhung Hàn Tín. Sở bá Vương Hạng Võ cảm thấy lòng quân Sở dưới trướng tán loạn, thế lớn đã mất… Hạng Vương tra gươm vào vỏ, vô Soái Doanh uống rượu cùng Ngu Cơ, rồi bất giác bật lên tiếng bi ai:
Sức bạt núi, hề, khí trùm đời
Thời bất lợi, ngựa không chạy
Ô Chuy không chạy, biết làm sao đây
Ngu cơ ơi, tính thế nào?
Chén rượu “Ngu Cơ biệt Hạng Vũ” ấy đẹp lung linh lãng mạn… Mãi cho đến hôm nay, sử sách và văn chương còn nói đến… Đồ bàn (Bình Định), Trà kiệu (Quảng Nam) là kinh đô ánh sáng một thời cùa Đế Quốc Chiêm Thành. Sau nhiều trận chiến ác liệt của nhiều triều đại, hàng vạn thây người ngã chết vì chiến tranh. Bản đồ nước văn minh một thời oanh liệt của người Champa đã bị xóa. Kinh đô Trà Kiệu đã mất, vua tôi người Champa thiên đô về Đồ Bàn thuộc tỉnh Bình Định… Cả 2 di tích lịch sử cận đại ấy vẫn còn sừng sững cho đến ngày hôm nay.
(19)
“ta về đồ bàn
“ta qua trà kiệu
“đường cong vi diệu
“ngủ giấc miên man
Qua khổ thơ #19, đường cong nào vi diệu? Dường cong vi diệu của đền tháp? Hay đường cong vi diệu của Chiêm Nữ? Thực tế, ngày nay chỉ còn lại ít di tích như tường thành, tượng đá, đền đài hoang phế. Tuy nhiên, phong cảnh thiên nhiên của hai thắng cảnh này thường thu hút nhiều du khách về tìm lại không gian bình yên kỳ diệu. Dĩ vãng oanh liệt một thời… chỉ còn thoảng trong gió. Đền dài hưng thịnh một thời nay chỉ còn là phế tích… Nhưng, ở đây, thi nhân không đi tìm hoàng thành tráng lệ, không tìm dĩ vãng vàng son… mà chàng đi tìm người đẹp… Nét lãng mạn nầy chắc chắn bắt nguồn từ việc chàng tự nguyện ẩn dật 10 năm làm tên vô gia cư, thăm viếng và ăn ngủ tại hàng trăm núi non sông nước của miền Bắc Vịnh, thuộc vùng bắc bộ Cựu Kim Sơn.
(20)
“chắc mai em về
“trong cơn ngái ngủ
“đường mây mưa phủ
“bến mộng thê thê
Suốt một đời người, Võ Thạnh Văn với bút danh Phù Hư Dật Sĩ, đã tìm kiếm được gì? Chắc chắn là chẳng được gì, ngoài hình ảnh xinh đẹp, tài hoa, cao sang, quý phái, tình tứ, thủy chung… của người tình. Người tình ấy chỉ còn trong mộng, trong mơ, trong tâm hồn nhất như chuyên biệt của tác giả. Nhưng, mặc kệ, chàng vẫn cứ ước mơ, ước mơ nàng sẽ về. Người đẹp, chắc chắn là một giai nhân thuộc hàng Hồng Nhan Tri Kỷ, sẽ trở về, dù về trong mơ, trong mộng, trong cơn chập chờn ngái ngủ… giữa cảnh đời nghiệt ngã hoang mê. Chắc nàng đã về, về thật, nhưng về trong những cơn bão rớt của cảnh đời thê lương mộng mị.
* * * * *
Về hình thức, nhà thơ phù hư dật sĩ Võ Thạnh Văn nhả chữ rất thô sơ, mộc mạc, giản phác, nhưng bóng bảy, súc tích, cô đọng. Vì là một con người suốt` đời dài đọc sách, chàng thông hiểu kinh điển và văn học sử các nền văn hóa khác nhau… Nếu người đọc không đi ngược tìm hiểu về giòng sông lịch sử của các nước Trung Hoa, Đại Việt, Chiêm Thành, Mỹ Quốc, Trung Đông v.v… thì không thể cảm hết những nét thơ trừu tượng và đầy biểu tượng thường xuyên xuất hiện trong 48 khổ, trường thi “Ngỡ Mắt Môi Xưa.”
Có phải chăng, vì những tình cờ lịch sử, đã xô đẩy hàng triệu con dân Việt ra khỏi quê hương, xa lìa nguồn cội? Có phải chăng, vì những oan khiên cuộc sống, mà hàng triệu hạt giống xuôi dòng ấy đã nở hoa, đã kết trái, đã cho đời lộc biếc chồi non và những hứa hẹn thu hoạch? Một nhà văn Do Thái, nhận giải NOBEL Văn Chương, người ta hỏi: “Thường thì khi một cây bị trốc gốc trôi giạt xa quê hương thì sức sáng tạo của họ kể như chết theo trên miền đất lạ…Tại sao ông còn sáng tác được?” Nhà văn ấy trả lời: “Tuy tôi xa quê hương, nhưng tôi mang theo cả QUÊ HƯƠNG trong tim mình.” Đó là tâm trạng và cũng là hành trạng của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn chăng?!
LÊ DIỄM,
San Hô thành,
Xuân Quý Mão 2023.