PHỤ NỮ GỐC VIỆT LÀM RẠNG DANH VĂN HÓA VIỆT- BÀ LOAN DE FONBRUNE PARIS

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person, indoor and text that says 'Fashion'

May be an image of 1 person and standing

Một buổi chiều tháng 3 năm 1994, có một thiếu phụ đến gõ cửa căn nhà gỗ của ông Vương Hồng Sển trên đường Nguyễn Thiện Thuật quận Bình Thạnh. Ngôi nhà gỗ lúc ấy còn rất đẹp, được chăm sóc kỹ lưỡng. Khi cô đến, ông Sển ra tiếp cô ở trong vườn phía trước nhà. Cô nhắc về ông bà nội mình là ông Chưởng khế Đoàn Bá Lộc và bà Sáu Nhân, vốn là người quen cũ của ông ở Sa Đéc. Ông hỏi thăm về ông Chưởng khế, về số sách quý của ông ấy khi sang Pháp năm 1979 có mang theo được không. Ông cho cô xem một số đồ cổ trước khi cô ra về.
Cuộc gặp chóng vánh đó được ông Sển ghi lại trong cuốn “Tạp bút năm 1994” xuất bản đầu năm 2014: “…khách này ra về để lại một bức danh thiếp, tôi tiễn khách ra về rồi ăn năn không kịp vì vị khách này, danh thiếp đề:…
Tôi viết đến đây và chực viết tên họ của thiếu nữ tân khách của tôi ra đây, nhưng chợt nghĩ lại và không viết, vì thiếu nữ trên danh thiếp là mạng phụ của một dòng tộc (dòng đơ “de Fontbr…) thiếu nữ này là nhân viên “đặc cách” (Chargée de mission) của viện trứ danh Musée Guimet ở Paris của Pháp, – cho hay năm 1963, tôi đã từng qua học tập tại viện này về khoa đồ cổ từ tháng sáu… và tôi nói hối hận vì không được tiếp xúc lâu với thiếu nữ này để học mới thêm chút ít về chuyên môn khảo cứu…”
Hơn hai mươi năm đã trôi qua, chị Loan de Fontbrune vẫn nhớ cuộc gặp đó. Ghé thăm cụ Sển, không chỉ để tìm hiểu về thú chơi cổ ngoạn của cụ mà chị vốn được đào tạo chuyên môn. Đó là chút thời gian trở về quá khứ, khi còn là nữ sinh trường Tây Marie-Curie, đã chớm thích hội họa và cổ ngoạn, từng tìm đến tận nhà họa sĩ Tú Duyên, nhà họa sĩ người Việt gốc Hoa nổi tiếng Đới Ngoạn Quân để mua tranh. Khi gặp cụ Sển, chị như sống lại với ông bà nội những ký ức thời Pháp thuộc, khi bà nội còn quen biết bà Dương Thị Tuyết vợ trước cụ Sển, chơi thân với bà Marguerite Duras và bà Năm Sa Đéc, người vợ sống cho đến cuối đời với cụ Sển.
Con đường trở thành một chuyên gia nghiên cứu và sưu tầm nghệ thuật có cỡ tại Paris, kinh đô nghệ thuật của cả thế giới của chị Loan là một chặng đường dài, chưa hề bị xao lãng và được dẫn dắt từ ngọn lửa đam mê không thể tắt. Ba mất sớm (gia đình gốc Huế), chị sống cùng với mẹ (ông cố ngoại của chị làm quan dưới đời vua Thành Thái) và người cha kế là một bác sĩ phẫu thuật ở Chợ Lớn. Chị ảnh hưởng ông nội tính ham đọc sách, có thể đọc từ sáng đến tối; đến lúc tuổi già còn học thuộc làu các cuốn tự điển, học tiếng Anh… nói vui là học cho kiếp sau… Ham đọc, chị khám phá trong sách thế giới của nghệ thuật, mỗi ngày thêm đậm. Chị học tiếng Pháp từ mẫu giáo ở trường Fraternité (trường Bác Ái) Chợ Lớn và trường Marie-Curie. Từ năm 1975 đến 1977 học và thi bằng correspondance với Centre National de Télé-Enseignement, CNTE, section Littérature (Văn chương). Chị đậu tú tài Pháp năm 1977, sau đó dạy tiếng Pháp hai năm ở trường mình đã tốt nghiệp. Thời gian rảnh, chị học đàn piano, học vẽ, học võ Aikido đến đai đen. Yêu nghệ thuật từ nhỏ, chị đọc, ghi lại và nhớ tên các danh họa Trung Hoa thời xưa.
Năm 1979, vì ông nội có quốc tịch Pháp nên cả nhà sang Pháp sinh sống. Ra đi khi mới hai mươi tuổi, trong hành trang mang theo, chị quý nhất là ba bức tranh lụa của họa sĩ Tú Duyên và bốn bức tranh nhỏ xíu chạm ngà của họa sĩ Đới Ngoạn Quân. Đến Pháp, chị qua bảy năm Đại học ở Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Institut National des Langues et Civilisations Orientales), gọi tắt là Langues’ O, nổi tiếng dạy về các sinh ngữ và văn hoá của Á châu. Môi trường này thích hợp vì chị thích và có khiếu về ngoại ngữ, ở trường cũ đã học tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Đức. Chị tốt nghiệp và lấy bằng cấp về tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Nhật.
Trong thời gian học ở đây, năm 22 tuổi, một người bạn gái rủ chị ghi tên cuộc thi Hoa hậu Á châu do người Hoa ở Paris tổ chức lần đầu ở quận V, salle Maubert-Mutualité, giải nhất là một vé khứ hồi đi Hong Kong. Chị ghi tên, được vào vòng chung kết trong số vài trăm người đẹp Á châu hải ngoại dự thi và cuối cùng đã được chọn làm Hoa hậu. Chị toại nguyện giấc mơ đi du lịch ở Trung Hoa khi học tiếng Hoa khi xưa. Trong thời gian học, chị còn được học bổng đi Đài Loan (cả nước Pháp chỉ chọn hai người giỏi nhất của hai trường nổi tiếng nhất ở Paris).
Học ngôn ngữ xong, chị tiếp tục giấc mơ đến với nghệ thuật của mình: học về mỹ thuật Châu Á tại Ecole du Louvre, Institut d’Art et d’Archéologie, Đại học Sorbonne,… Chị lấy bằng cấp về Anh ngữ (Oxford) và bằng cấp cuả Institut d’Etudes Supérieures des Arts (IESA).Vừa học, chị đọc sách bằng tiếng Hoa, Nhật…, tự tìm tòi, sưu tầm và nghiên cứu thêm về mỹ thuật Việt Nam vì lúc đó ở Pháp rất ít và gần như không có người chuyên môn về văn hóa Việt. Chị tìm hiểu và học cách phân biệt đồ Việt Nam với đồ xưa của các xứ châu Á khác (Tàu, Nhật, Hàn, Thái, Khmer…) và dần đi sâu vào ngành này.
Chị được ông Albert Le Bonheur, Conservateur en chef của bảo tàng Guimet (Musée National des Arts Asiatiques), chuyên về lĩnh vực Khmer và Champa, và cũng là thầy của chị, nhận làm việc dưới quyền của ông, với chức danh là nhân viên “đặc cách” (Chargée de mission) của bảo tàng, khu vực Đông Nam Á (département Asie du Sud-Est). Chị được phép mở các tủ kính trưng bày để lau chùi, chạm vào các hiện vât quý giá, xem xét và nghiên cứu các hiện vật trong kho. Nhờ công việc này, chị phát hiện nhiều tượng gỗ sơn son thếp vàng, bàn thờ, chuông và khánh đồng của Việt Nam rất đẹp nhưng không ai ở bảo tàng rõ xuất xứ. Từ đó, một số bức tượng được đem ra khỏi kho để trùng tu, trưng bày (và được trưng bày trong triển lãm được khai mạc tháng 7/2014: “Rồng bay – Nghệ thuật Cung đình Việt Nam”). Sau đó, các bảo tàng khác của nước Pháp (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris-Museum d’Histoire Naturelle de Paris, Bảo tàng quốc gia về gốm sứ Sèvres-Musée National de la Céramique de Sèvres, Bảo tàng Limoges-Musée de Limoges,…) cũng mời chị vào kho để giám định các hiện vật và chị đã tìm được nhiều món gốm Việt ở các bảo tàng này, ví dụ bộ đồ trà Bát Tràng mà phái đoàn đi sứ của cụ Phan Thanh Giản đã tặng cho bảo tàng Sèvres mà chị đã từng nghe kể về chuyện này trước đó. Trong kho cuả bảo tàng Guimet, có nhiều món Bleus de Hué do cụ Vương Hồng Sển tặng lúc qua Pháp…
Trong thời gian năm năm làm việc ở bảo tàng, chị viết nhiều bài về đồ sứ ký kiểu cung đình Huế (bài nghiên cứu đầu tiên về đề tài này ở Pháp), các lăng tẩm triều Nguyễn; thuyết trình về văn hoá Việt,… Chị giúp Bảo tàng Hoàng gia Bỉ tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên ở nước ngoài về mỹ thuật Việt Nam. Dự án này phải mất mười năm mới thành hiện thực và để đưa cả trăm hiện vật quý đi triển lãm, Quốc hội Việt Nam phải ra Luật Di sản văn hóa và nhờ đó, sau này mới có những cuộc triển lãm kế tiếp trên thế giới và việc sưu tầm đồ cổ Việt Nam được chính thức thừa nhận. Và nhờ làm việc ở bảo tàng Guimet, chị có dịp đến nhà các tư nhân để xem các hiện vật của Việt Nam mà họ muốn tặng cho bảo tàng, phần lớn do ông bà, cha mẹ khi xưa sống ở Việt Nam để lại.
Khi bảo tàng Guimet đóng cửa để sửa chữa, chị trở về sống ở Việt Nam trong bảy năm mới trở về Paris. Chị cũng tham gia khai quật các lò gốm xưa ở Bình Định (Gò Hời) với Bảo tàng hoàng gia Bỉ (tài trợ) và Viện khảo cổ Hà Nội, bảo tàng Bình Định. Chị cũng sưu tầm thêm tranh của các hoạ sĩ miền Nam (trường Mỹ Thuật Sài Gòn, trường vẽ Gia Định, trường Mỹ nghệ Biên Hoà,…).
***
Niềm say mê nghệ thuật từ nhỏ cùng với ngành học chuyên môn khiến chị nghĩ đến việc sưu tầm nghệ thuật rất sớm. Lúc đầu là từ những món đồ cổ bắt gặp ở Pháp. Mỗi khi tình cờ thấy đồ Việt Nam, một cái khay trầu, cái dĩa đồ sứ men lam Huế, chị như được gặp một người đồng hương hay bạn cũ. Nhiều vật đối với chị như có linh hồn, có lịch sử, có chuyện để kể. Và khi có hiện vật trong tay, chị muốn tìm hiểu và nghiên cứu sâu, qua những hiện vật đã tìm được hay tình cờ biết thêm được nhiều điều thú vị, nhiều hiện vật còn giữ nhiều bí ẩn, câu hỏi chưa trả lời…
Sống ở Paris, được thấy tranh đẹp của các họa sĩ nổi tiếng đem ra bán, rất mê nhưng đang là sinh viên nên không có tiền mua và chị tiếc mãi đến giờ. Sau này khi lập gia đình, chồng của chị là chủ galerie Cahiers d’Art nổi tiếng, là người chuyên nghiệp trong lĩnh vực sách và mỹ thuật hiện đại (Picasso, Matisse,…) và có tiếng tăm đã giúp chị sưu tầm tranh Việt Nam mà cách nay hơn 25 năm ít ai quan tâm. Đam mê mạnh mẽ nên có nhiều khi chị lén mua tranh và đồ cổ mà chồng không biết, hoặc nói giá thấp hơn để ông đỡ xót vì lâu nay chị chỉ mua mà không bán ra. Ở Pháp có nhiều tranh của các họa sĩ khóa mỹ thuật Đông Dương mà người Pháp mua vào những năm 1930 ở Việt Nam hay trong các triển lãm thời đó ở Paris. Đó là một thời kỳ phát triển hội họa vàng son nhất của mỹ thuật hiện đại Việt Nam mà chưa từng trở lại. Chị bắt đầu mua tranh Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ,… dễ tìm mua vì các tác giả này lúc đó còn đang sống ở Pháp và có thể mua qua các buổi đấu giá tranh. Rồi có khi “của tìm người”, nhờ bạn bè biết chị thích sưu tầm tranh nên giới thiệu người bán hay mang tranh đến bán. Bao nhiêu năm qua, chị bỏ rất nhiều công sức theo dõi tất cả các cuộc đấu giá ở Pháp và các nước khác, đến các phòng tranh xem triển lãm và mua tranh, đi rảo các chợ trời bán đồ xưa hay mua thẳng từ họa sĩ hoặc gia đình của họ…Về sau, biết dễ bị thách giá vì ham mua, chị đấu giá không ra mặt nữa mà chỉ qua điện thoại vì khi thấy chị có mặt là mọi người biết ngay là có tranh hay đồ quý chị muốn mua.
Qua thời gian, bộ sưu tập của chị, riêng về tranh thì cũng khoảng vài trăm bức, có gần như đầy đủ các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và Pháp thời đó. Trong đó cũng có những bức tranh đẹp của họa sĩ ít tiếng tăm hơn mà chị mua để nghiên cứu. Chị có việc để làm nhưng chưa thể làm đối với bộ sưu tập của mình như kiểm kê, chụp hình, nhận định, đánh giá, nghiên cứu, viết sách và triển lãm để giới thiệu, chia sẻ với mọi người. Ngoài tranh, trong đó có các chủ đề khác sưu tập như tài liệu, hình ảnh, bưu thiếp, sách vở xưa, đồ gốm, đồ gỗ, đổ cẩn xà cừ, đồ đồng, đồ thêu, cổ vật thời nhà Nguyễn, tượng, bàn ghế, vật dụng của dân tộc ít người…
Vài bức tranh quý hiếm nhất mà chị có, gắn với những kỷ niệm đẹp khi đi mua tranh. Đa số đều có tiểu sử và nguồn gốc rõ ràng mà dưới con mắt chuyên môn, chị đã nghiên cứu, tìm đọc tài liệu và thư từ của ông Giám Đốc đầu tiên trường Mỹ thuật Đông Dương, Victor Tardieu và các catalogues triển lãm xưa ở Pháp. Trong đó có những bức như “Jeunes femmes prenant le thé” của Vũ Cao Đàm; “Deux jeunes filles” của Mai Trung Thứ; “Les Cannas” của Nguyễn Tường Lân, là một bức lụa rất hiếm của hoạ sĩ nổi tiếng này. Trong số tranh chị mua, có những kỷ niệm chị còn lưu lại trong trí nhớ:
Một hôm, chồng chị được một bạn đồng nghiệp rủ đến nhà một bà cụ ở Paris cần bán sách để chia gia tài cho con cháu. Bước vào nhà, ông thấy treo bức tranh lụa trên tường nên hỏi thăm. Bà cụ nói bức này bà được ông chồng mua tặng lúc vợ chồng mới cưới và đã được in trong tạp chí l’ Illustration, số No#l 1932. Bà nói bức này vẫn treo trên tường từ đó đến nay và đồng ý bán cho “cô vợ việt Nam” sưu tầm tranh Việt của khách. Chị rất vui mừng khi nhận bức tranh từ tay của bà vì nó vô cùng quý giá, đó chính là bức “Lên đồng” của họa sĩ tài danh về tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Bà cụ, tên là Pierre Massé viết giấy chứng nhận để lại bức tranh cho chị, nêu cái tên mà chị thuộc lòng từ lâu qua chú thích trong tờ tạp chí “Les sorcières, sưu tập P. Massé”. Chị thật không ngờ có ngày mình tìm lại được và sở hữu bức tranh ngỡ đã thất lạc từ lâu. Chị nghĩ đúng hơn, bức tranh đã tìm ra chị..!
Bức “La classe familiale” của họa sĩ Phạm (Quang) Hậu là một bức tranh lụa hiếm hoi của tác giả này vì ông chuyên vẽ sơn mài. Bức này chị có được hoàn toàn do may mắn. Số là chị có một cô bạn làm y tá, người Pháp. Khi phải đến nhà một bà cụ để chăm sóc, cô bạn phát hiện bức tranh nằm trên tường, rất đẹp. Hỏi ra, bà cụ cho biết khi dọn về căn hộ này cách nay vài chục năm, bà đã thấy nó nằm trên tường do người chủ cũ bỏ lại khi giao nhà. Qua sự giới thiệu của cô bạn y tá, chị đã rất sung sướng mua được bức này.
Về bức “Les brodeuses” của Tô Ngọc Vân, trước khi có được bức này chị đến phòng đấu giá Paris và lần đầu thấy hai bức tranh lụa quý hiếm của họa sĩ Tô Ngọc Vân, nổi tiếng về sơn dầu, được bán bởi con trai của bác sĩ nổi tiếng Pierre Huard (đã viết quyển Connaissance du Viet Nam). Rất tiếc hai bức tranh đẹp và quý hiếm này được chị đẩy gía rất cao nhưng không mua được, cuối cùng dùng số tiền dự tính chuyển sang mua bức tranh lụa “La cueillette des simples” tuyệt đẹp của họa sĩ Lê Phổ. Vài năm sau, chồng của chị đến một galerie nổi tiếng ở Paris đã mua tặng chị bức tranh lụa “Les brodeuses”, là một trong hai bức đã bị vuột mất trước kia. Anh tặng chị bức này để mừng sinh nhật vợ. Chị vô cùng cảm động khi nhận món quà quý giá này sau bao năm thương nhớ và luyến tiếc.
Cách đây nhiều năm, chị suýt mua được tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị, họa sĩ rất nổi tiếng từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Lúc đó, một tỉnh nhỏ ở Pháp có đấu giá một bức tranh lụa đẹp của ông. Chị đấu giá qua điện thoại khi đang đi trên xe hơi cùng với chồng đến gặp một người bạn. Đang đấu giá, xe đi ngang qua một vùng không phủ sóng, điện thoại bị ngưng nên bức tranh đã được bán với giá rẻ. Mãi sau này, chị mới mua được bức tranh “L’Hiver” của Họa sĩ Lương Xuân Nhị.
Về bức “La couturière” của họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh. Bức lụa này có lẽ là bức tranh duy nhất và rất quý hiếm của họa sĩ này. Khi mua cùng với một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, chị không biết họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh là ai. Người bán hai bức tranh đó lúc đó cũng không biết tác giả của hai bức tranh là ai. Sau này, xác định được họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh tốt nghiệp thủ khoa Khóa IV trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1928-1933).
Bức sơn mài lớn thật đẹp “La rencontre” của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung mà chị có là bức tranh đã được tặng cho bà Mộng Điệp, thứ phi của Vua Bảo Đại trong khoảng thời gian đầu thập niên 1950 khi bà ở Buôn Ma Thuột giữ “hoàng triều cương thổ”. Lúc bà còn sống, chị thường đến nhà bà ở Paris thăm viếng và trò chuyện với bà cả ngày. Bà rất thương chị, thường kể chuyện xưa trong cung, về mẹ vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, về ấn kiếm,…, và cho xem hình ảnh xưa. Bà đã để lại cho chị bức tranh này và nhiều đố sứ ký kiểu cung đình Huế khác của vua Bảo Đại…
Nhờ sưu tầm được nhiều tranh của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, chị được giới nghệ thuật Paris biết đến và trân trọng sự hiểu biết về lĩnh vực này. Các nhà đấu giá, chuyên môn thường nhờ chị thẩm định giúp tranh Việt, thật, giả. Lợi thế của chị là nhờ có được số lớn tranh gốc để nghiên cứu, so sánh cũng như nhiều năm kinh nghiệm, quen nhìn tranh. Đến năm 2012, bảo tàng Cernuschi (bảo tàng của thành phố Paris) có ý định tổ chức triển lãm về Việt Nam cho năm chéo Pháp -Việt, chị đề nghị tổ chức triển lãm tranh Việt Nam và các thầy trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp lập ra. Triển lãm này rất thành công, khoảng 15.000 người từ các nước trên thế giới đã đến xem, trong số đó có gia đình và học trò của các hoạ sĩ Việt Nam và Pháp như Nam Sơn, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Jules Galand, Robert và Mariette Balick,… đến xem và viết thư khen ngợi, cho biết thêm thông tin về các họa sĩ Pháp trong triển lãm khiến chị rất cảm động. Catalogues in mấy ngàn cuốn đã bán hết và được in lại thêm mấy ngàn cuốn nữa cũng đã bán hết. Chị là “Commissaire invité” của triển lãm này.
Cũng trong năm chéo Pháp-Việt 2013/2014, Viện Hàn Lâm Hải Ngoại Pháp (ASOM) mời chị làm “Commissaire” cho triển lãm họ tổ chức ở Hà Nội (Viện Lưu Trữ Quốc Gia số 1), TP HCM (Bảo tàng Mỹ Thuật, Viện Văn Hoá IDECAF) về đề tài “Bốn Thế Kỷ Giao Lưu Pháp-Việt”. Sau đó, ở Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia Paris (CARAN), tổ chức triển lãm đề tài đặc biệt là “Các Nhà Nhiếp ảnh Pháp đầu tiên ở Việt Nam”. Chị đóng vai trò chính trong triển lãm này, hoàn toàn được tự do lựa chọn các hình ảnh xưa và chi phí không giới hạn, mời những nhà nghiên cứu để viết bài trong catalogue, sắp đặt triển lãm… Triển lãm thành công được dư luận khen ngợi, chờ đợi ra catalogue đang được thực hiện và các tỉnh phía Nam nước Pháp cũng đề nghị mang xuống đó trưng bày. Cuối tháng 6, chị Loan được bầu với số phiếu cao nhất để nhận chức danh “Correspondant” của Viện Hàn Lâm Hải Ngoại Pháp (5e section – Enseignement, Littérature, archéologie, et Beaux-arts). Trong số những người nổi tiếng có tên trong Viện Hàn Lâm, là: Alexandre Yersin, các vua Khải Định, Bảo Đại, hoàng thân Bửu Lộc; Phạm Quỳnh, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng,…
Đối với chị Loan de Fontbrune, nghệ thuật giúp chị nhận dạng và đánh thức tình yêu quê hương nằm sẵn trong tiềm thức. Quê hương ban đầu là Sài Gòn, nơi sinh ra và lớn lên, với những tiếng rao hàng, kiosques Nguyễn Huệ dịp Tết về, bữa ăn sáng ở cà phê Givral, tiếng ca cải lương văng vẳng trên radio, hương vị mì Tàu Chợ Lớn,… Đến khi bước vào thế giới nghệ thuật, quê hương mang tầm vóc lớn hơn, quê hương của những phụ nữ Việt nâu sồng, quê nghèo trong tranh của Nguyễn Phan Chánh, của Hà Nội hào hoa thanh lịch và nét mơ màng trên mặt thiếu nữ Hà Thành một thời trên tranh Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ. Quê hương thấm vào từng chút một lại từ nơi rất xa, nên khi trở về Paris sau bảy năm về Việt Nam làm việc nghiên cứu từ 1989 chị cảm thấy mình lại làm một cuộc ly hương nữa. Khi sống ở Pháp, mùa đông lạnh khiến chị nhớ nắng ấm của Sài Gòn, ra đường nhớ những người buôn bán ở vỉa hè mời gọi mua nước, mua báo, nhớ các bài hát. Cũng như tất cả những người Việt ở hải ngoại, chị nhớ thương về Sài Gòn xưa và tiếc những kiến trúc, cảnh quan đẹp đã không giữ được.
Nên những bức tranh, cổ vật Việt Nam đang bù đắp những trống trải trong lòng khi nhớ về nơi sinh ra và lớn lên. Quê hương trong tranh luôn rất đẹp, nên chị Loan de Fontbrune luôn nhìn thấy một quê hương đầy diễm ảo và thơ mộng. Đó là hạnh phúc của chị, bên cạnh niềm hạnh phúc rất lớn là được sống trong môi trường nghệ thuật đỉnh cao ở một kinh đô nghệ thuật của thế giới, có lẽ là quá viên mãn đối với một đời người.
Photo :Loan de Fontbrune ngày đậu tú tài trường Marie Curie, lãnh thưởng cuốn sách hội họa của danh họa Van Dongen. Ảnh chụp tại khuôn viên trung tâm Văn hóa Pháp tại Sài Gòn.
Phạm Công Luận