SINH VIÊN MỸ GỐC CAMPUCHIA TÌM TỰ DO CHO THƯƠNG PHẾ BINH VNCH (Ts Nguyễn Đình Thắng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Những “người dưng nước lã” đang tranh đấu và bảo bọc đồng bào của chúng ta

Ngày 31 tháng 1, 2016

http://machsongmedia.com

Christsna Sot, nam sinh viên Mỹ gốc Campuchia, vừa hoàn thành một công tác rất đặc biệt: Gây quỹ để đóng tiền thế chân cho một thương phế binh VNCH đang bị giam giữ ở Trại Giam Sở Di Trú Thái Lan ở Suanphlu, Bangkok. Cách đây 2 tháng, Christsna bắt đầu kêu gọi người trong gia đình và bạn bè đóng góp và khởi xướng gây quỹ trên trang mạng GofundMe.com.  Sau hơn một tháng gây quỹ được trên 700 Mỹ kim, chưa được nửa số tiền cần thiết, Christsna cầu cứu. Tôi đưa lời kêu gọi của em lên trang facebook “Vietnam Advocacy Day” – trang thông tin về Ngày Vận Động Cho Việt Nam hàng năm ở Quốc Hội Hoa Kỳ — thì chỉ trong chưa đầy 2 ngày số tiền đóng góp vọt lên trên 2 nghìn Mỹ kim, không những đủ tiền thế chân mà còn dư chút đỉnh để người TPB VNCH này sinh sống được vài tháng trong khi chờ toán luật sư của BPSOS ở Thái Lan can thiệp về quy chế tị nạn.

Sinh viên Chistsna

Christsna hiện là sinh viên Đại Học California — Berkeley ở Bắc California. Cha mẹ của em là những người tị nạn Campuchia chạy thoát chế độ Pol Pot và đến định cư ở Oakland, California.

Khoá học mùa Thu năm ngoái, Christsna tham gia chương trình trao đổi sinh viên giữa trường Đại Học California – Berkeley với Đại Học Thammasat, một trong những trường đại học nổi tiếng của Thái Lan. Trong thời gian học ở Thái Lan, Christsna tình nguyện với văn phòng pháp lý của BPSOS tại Bangkok. Christsna và một bạn sinh viên, cũng trong chương trình trao đổi sinh viên kể trên, được giao trách nhiệm mỗi tuần đi thăm các người tị nạn bị giam ở Trại Giam Suan Phlu. Đây là nơi giam giữ những người bị chính phủ Thái Lan xem là nhập cư bất hợp pháp.

Người tị nạn dù được Liên Hiệp Quốc công nhận hay chưa công nhận tư cách tị nạn cũng đều bị xem là nhập cư bất hợp pháp. Nhiều người tị nạn Việt Nam đã bị giam vào đấy. Trong đó có một vài tên tuổi được biết đến như là Trương Quốc Huy hay Đặng Chí Hùng. Con số người tị nạn bị giam ở Suan Phlu nhiều hơn vậy nhiều nhưng ít được ai biết đến. Khi đã vào trại giam Suan Phlu ở Bangkok rồi thì nạn nhân sẽ bị giam vô thời hạn. Cách duy nhất để thoát ra là hồi hương hay định cư ở quốc gia khác – trường hợp này chỉ xẩy ra trong một số trường hợp hiếm hoi có sự can thiệp của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ như trường hợp của Trương Quốc Huy và Đặng Chí Hùng. Còn một cách thứ ba là đóng tiền thế chân để tại ngoại, nhưng việc này lại tuỳ thuộc chính sách hôm nắng hôm mưa của chính phủ Thái Lan và quyết định tuỳ nghi của giới chức trại giam.

Hàng tuần, Christsna và người bạn đều đến trại giam Suan Phlu để thăm những người tị nạn mà toán luật sư của BPSOS quan tâm bảo vệ. Thường mỗi lần đi thăm, hai sinh viên này còn đem chút quà cho người tị nạn đang bị giam cầm. Nếu có việc khẩn cấp, hai em này báo lại cho toán luật sư để kịp thời can thiệp.

Sinh viên Christsna cùng với cô luật sư người Thái và Giám Đốc về Phát Triển XHDS người Mỹ của BPSOS (ảnh BPSOS)

Chú Bình

Một trong những người mà hai em sinh viên đã hàng tuần thăm nuôi là “chú Bình”, một thương phế binh VNCH. Mỗi lần đến thăm nuôi, thấy chú Bình bò lê dưới đất vì nhà giam không cho sử dụng xe lăn, Christsna và người bạn sinh viên không cam tâm làm ngơ. Hai em sinh viên bàn với nhau và quyết tâm kéo chú Bình ra khỏi trại giam. Đó là lý do Christna khởi xướng cuộc gây quỹ kể trên để đóng tiền thế chân cho chú Bình.

“Bình” không phải là tên thật của Chú.

Chú sinh năm 1951, là binh nhì thuộc Tiểu đoàn 38, Liên đoàn 5 Biệt Động Quân, bị trọng thương và bị bắt làm tù binh ở trận Quảng Trị năm 1972. Trao đổi tù binh năm 1973.

Cụt cánh tay phải, chân đi không được. Đời sống càng ngày càng bị bức bí ở Việt Nam sau 1975 nên hai vợ chồng phải trốn qua Thái Lan. Cả 2 được cấp giấy bảo vệ của CUTN/LHQ nhưng phải chờ nhiều năm mới đến lượt phỏng vấn để cứu xét tư cách tị nạn. Ngày 28 tháng 1 năm ngoái, chú Bình và người bạn là cựu quân cảnh VNCH đã bị cảnh sát Thái bắt. BPSOS cùng với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ phối hợp can thiệp; một tuần sau hai người được thả về sau khi đóng tiền phạt 200 Mỹ kim mỗi người – đó là do may mắn chúng tôi can thiệp kịp trước khi họ bị đưa vào Trại Giam Suan Phlu.

Xui xẻo, sau đó vài tháng chú Bình lại bị cảnh sát Thái Lan bắt khi đang xin ăn trên đường phố Bangkok cùng với vợ. Lần này họ đưa cả 2 vợ chồng vào thẳng Trại Giam Suan Phlu. Chúng tôi không kịp trở tay.

Vợ của chú Bình chịu không thấu điều kiện vô cùng khắc nghiệt của trại giam – còn tệ hơn nhà tù — nên đành chấp nhận hồi hương; cô được một mạnh thường quân ngoại quốc giúp tiền vé máy bay và tiền phạt nhập cư bất hợp pháp.

Toán luật sư BPSOS thường xuyên đến thăm chú Bình ở Trại Giam Suan Phlu. Chú chỉ có độc mỗi một bộ đồ trên người, không có bộ thứ hai để thay đổi. Sức khoẻ của chú sa sút do điều kiện sống khắc nghiệt và thiếu vệ sinh, thiếu dịch vụ y tế trong trại giam. Có lúc chú đã nghĩ đến chuyện hồi hương để đoàn tụ với người vợ. Sau nhiều hôm trằn trọc, chú quyết định dứt khoát không hồi hương dù phải sống hết sức cơ cực trong trại giam.

Đầu tháng 9, Christsna và 7 sinh viên nữa bắt đầu đến làm việc tình nguyện với toán luật sư của BPSOS. Christsna và một sinh viên được giao trách nhiệm hàng tuần đến thăm chú Bình và các người tị nạn khác bị giam ở Trại Giam Suan Phlu.

Cuối tháng 9, tôi sang Thái Lan công tác. Một hôm ở văn phòng tình cờ tôi gặp vợ chú Bình. Cô cho biết là đã trốn sang Thái Lan trở lại để trông nom cho chồng. Khổ nỗi cô không thể đến thăm chồng ở trại giam vì sẽ bị bắt giam lại ngay. Cô chỉ biết ngóng tin từ toán BPSOS mỗi tuần đi thăm chú Bình về. Trong suốt mấy tháng trời Christsna là “giao liên” chuyển tin giữa 2 vợ chồng chú Bình, mỗi tuần một lần.

Các thực tập sinh khoá Mùa Thu năm 2015 — Christsna đứng giữa, ngày 2 tháng 10, 2015 (ảnh BPSOS)

Chương trình thực tập sinh

Từ năm 2014 đến nay, BPSOS đã tiếp nhận khoảng 20 sinh viên thuộc chương trình trao đổi sinh viên giữa các đại học Hoa Kỳ và Đại Học Thammasat ở Bangkok. Các sinh viên người Mỹ này ngoài giờ học còn phải tình nguyện với một tổ chức bất vụ lợi. Nhiều sinh viên chọn BPSOS vì chúng tôi là một trong số ít tổ chức hoạt động vừa ở Hoa Kỳ vừa ở Thái Lan – làm cho các em cảm thấy gần gũi và thân thiện.

Hơn nữa, có những em sinh viên muốn phục vụ cho người tị nạn hay nạn nhân của các chế độ độc tài vì gốc gác gia đình của các em. Bố mẹ Christsna là người tị nạn từ Campuchia. Có mấy sinh viên gốc Hmong tị nạn từ Lào. Lại có em có bố mẹ tị nạn từ Hungari. Và có em xuất xứ là Miến Điện, Trung Quốc, Iran… Các sinh viên muốn giúp người tị nạn thường đến BPSOS vì chúng tôi là một trong hai tổ chức duy nhất ở Bangkok có chương trình pháp lý bảo vệ người tị nạn. Tổ chức kia là Asylum Access Thailand, hợp tác rất chặt chẽ với chúng tôi.

Mỗi sinh viên được giao một công tác dưới sự trông nom và dìu dắt của một nhân viên BPSOS. Có em thì hàng tuần đến nhà dậy Anh văn cho trẻ em và người lớn tị nạn. Có em thì đi “thăm nuôi” người tị nạn ở trại giam như Christsna. Có em giúp thông dịch. Có em chuyên đi xin đồ đạc cũ để phân phối lại cho các gia đình tị nạn. Có em soạn thảo các bản tin tiếng Anh hay giúp cập nhật trang mạng của BPSOS dành cho người tị nạn. Có em chuyên đi chụp hình làm tài liệu để chúng tôi vận động quốc tế… Công việc giao phó tuỳ theo sở thích và năng khiếu của mỗi sinh viên.

Qua tiếp xúc với những người tị nạn khốn khó, các sinh viên này học được rất nhiều. Trước hết là hiểu được những gì mà ông bà cha mẹ của họ đã trải qua khi là người tị nạn hay di dân. Chứng kiến cuộc sống tị nạn, các em cảm nhận sâu sắc hơn những ưu đãi mình đang thụ hưởng ở đất nước Hoa Kỳ. Không ít em tâm sự rằng mấy tháng thực tập với BPSOS đã giúp các em thay đổi cách nhìn và định hướng cuộc đời.

Đáng tiếc là trong ngần ấy em thực tập sinh gốc gác từ nhiều quốc gia, chưa có một em nào gốc Việt.

Hai em sinh viên Mỹ gốc Hmong Lào đang đi xin các vật dụng trong nhà cho người tị nạn và đồ chơi cho trẻ em tị nạn Việt (ảnh BPSOS)

Toán hoạt động của BPSOS

Các hoạt động của BPSOS ở Thái Lan do một toán 5 nhân viên toàn thời, trong đó có 3 cô luật sư gốc Mỹ, Anh và Thái, một người quản trị Mỹ và một thông dịch viên trẻ người Úc gốc Việt. Ngoài ra còn có 4 người phụ việc bán thời gian. Cộng thêm các em thực tập sinh đến từ Hoa Kỳ thì toán hoạt động này lúc nào cũng trên chục người. Đó là chưa kể hàng năm đều có phái đoàn từ Hoa Kỳ đến yểm trợ, trung bình 3 tháng một lần. Đặc điểm của toán hoạt động là thành viên đến từ nhiều quốc gia, mang nhiều quốc tịch. Mỹ có, Úc có, Việt có, Anh có. Thái có.

Tuy con số có vẻ đông, nhưng công việc của họ hết sức đa đoan vì vừa phải lo cho khoảng 800 đồng bào tị nạn đang sống lây lất ở Thái Lan trong hiểm nguy và tương lai vô định, vừa lo nối kết hoạt động với các ngày càng nhiều tổ chức nhân quyền và dân chủ toàn vùng. Họ còn phải họp hành với các phái đoàn chính quyền Tây Phương hay Liên Hiệp Quốc đến Thái Lan công tác. Họ cũng trông nom và quản lý các hoạt động của BPSOS ở Malaysia.

Câu chuyện của sinh viên Christsna và chú Bình, thương phế binh VNCH, thể hiện chủ trương của BPSOS về khu vực hoá và quốc tế hoá các vấn đề liên quan đến Việt Nam, kể cả nạn buôn người, bảo vệ tị nạn, phát huy nhân quyền và dân chủ, đòi tự do cho tù nhân lương tâm… Đó là cách thức mà chúng tôi tạo thế đứng và tăng nội lực cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại và xã hội dân sự ở Việt Nam.

Cũng qua sự việc này tôi thấy rằng những người quan tâm tham gia quốc tế vận hàng năm với BPSOS là những người luôn luôn sẵn sàng đóng góp. Mỗi năm họ đều bỏ ngày nghỉ, bỏ tiền bạc, bỏ công sức để đến Quốc Hội Hoa Kỳ và lên tiếng cho đồng bào không tiếng nói ở trong nước. Đã 4 năm liền như vậy. Và khi kêu gọi đóng góp thêm nữa cho những đồng bào kém may mắn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, họ đều nhanh chóng hưởng ứng.

Nhưng không chỉ có những người này, mà còn nhiều người nữa, người Việt và không phải người Việt, mà chúng tôi không hề quen biết, cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Christsna. Có người giúp 5 Mỹ kim; có người 200 Mỹ kim. Tất cả đều là những tấm lòng vàng trong cộng đồng chúng ta và trên thế gian để giúp một chú thương phế binh đau ốm bệnh hoạn thoát cảnh giam cầm ở một phương trời xa xăm.

Người Việt ở hải ngoại ít ai biết rằng trong số những người Việt đang lánh nạn ở Thái Lan, ngoài chú Bình ra, còn có một thương phế binh VNCH nữa, cũng thuộc binh chủng Biệt Động Quân, và một số cựu quân cán chính VNCH. Họ sống cuộc sống lẩn lút hằng ngày hằng giờ để tránh né bị bắt, bị giam và bị dẫn độ. Trong nhiều năm chúng tôi vẫn lầm lũi bảo vệ, giúp đỡ và tranh đấu cho họ, với sự yểm trợ của những tấm lòng vàng.

Nguyễn Đình Thắng