SAU BREXIT, ANH QUỐC CHUYỂN HƯỚNG QUỐC PHÒNG VÀ NGOẠI GIAO VỀ CHÂU Á

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Female soldiers in Afghanistan

Nữ quân nhân Anh – hình minh họa

Trong văn bản quan trọng nhất về chiến lược ngoại giao – an ninh – quốc phòng từ Chiến tranh Lạnh, Anh Quốc xa dần châu Âu để hướng về châu Á – Thái Bình Dương.

Công bố phúc trình ‘Integrated Review of security, defence, development and foreign policy‘ hôm 16/03/2021, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định Anh Quốc đang đứng trước một “thế giới đầy cạnh tranh, nhiều thách thức và cơ hội”.

Hai đe dọa lớn

Trả lời BBC cùng ngày, Sir Alex Younger, Cựu Giám đốc Tình báo Anh (MI6) nói dù không có nhu cầu tuyên bố một “Chiến tranh Lạnh mới”, nhưng Anh Quốc coi Nga và Trung Quốc là “đe dọa mang tính thế hệ”.

Theo BBC News, Anh Quốc nay không muốn đóng vai trò cầu nối giữa Hoa Kỳ và châu Âu, vị thế mà Anh tự chọn cho mình trong cục diện sau Thế Chiến 2.

Đây là chuyển hướng hậu Brexit, và Anh Quốc tách ra khỏi các vấn đề đang xảy ra ở lục địa châu Âu tuy vẫn muốn có vai trò quan trọng trong NATO để đối mặt với Nga.

Và có vẻ như Anh không coi Trung Quốc “đồng đẳng” với Nga về mức độ đe dọa.

Báo Sunday Times trong một bài phân tích cuối tuần qua cho rằng giới chức Anh coi Nga là “đe dọa an ninh, quân sự trực tiếp” sau các vụ tấn công bí mật trên đất Anh, và sau hàng loại đợt tàu chiến, máy bay Nga tới gần không phận, hải phận Anh.

Còn Trung Quốc có thể chỉ là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, và là quốc gia vẫn có thể hợp tác được ở một số lĩnh vực, trong khi bị Anh cùng đồng minh vây chặn ở lĩnh vực khác.

Nếu đúng như vậy thì xét ra cách nhìn của Anh về Trung Quốc không khác xa nước lớn nhất EU là Đức.

President Donald Trump in the White House Situation Room

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA MEDIA

Anh sẽ cho xây ‘Phòng tình huống’ giống ‘Situation Room’ bên Mỹ (trong hình chụp thời TT Trump) tại Văn phòng Chính phủ ở White Hall, London

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer gần đây nói thẳng rằng Trung Quốc là đối thủ của Đức, và cần chống Trung Quốc ở những chỗ cần chống, và hợp tác ở những nơi có thể hợp tác, theo đài Deutsche Welle.

Anh tìm vai trò toàn cầu mới

Còn theo ông James Landale, phóng viên ngoại giao của BBC News thì chính phủ Anh đã cam kết ‘tái bố trí’ lại chiến lược ngoại giao, an ninh và quân sự vì thấy “hệ thống toàn cầu nay đã không còn phù hợp” với quyền lợi của Anh sau Brexit.

“Các liên minh mới sẽ cần được xây dựng quanh việc chuyển hướng, đem trọng tâm của ngoại giao và quân sự về Ấn Độ – Thái Bình Dương, liên kết với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, theo những gì văn bản chiến lược nói ra,” ông Landale viết trên trang BBC News (16/03/2021).

“Từ nhiều năm, vị trí của Anh trên thế giới được định nghĩa bằng tư cách thành viên Liên hiệp châu Âu và quan hệ với Hoa Kỳ, mà Anh thường cho là cầu nối hai bên. Nay thì Brexit thay đổi toàn bộ.”

“Chính phủ Anh muốn tìm cho quốc gia một vai trò toàn cầu mới.”

Tháng tới, dự kiến thủ tướng Johnson sẽ có chuyến thăm Ấn Độ, chuyến công du cao cấp đầu tiên của ông kể từ dịch Covid hoành hành trên toàn thế giới một năm nay.

Tuy thế, Anh Quốc hy vọng kiểm soát và hạ được số lây lan nhờ chương trình tiêm chủng đại trà tốc độ cao hơn các nước châu Âu và từ giữa năm nay sẽ có thể cho phục hồi giao thông nội địa.

HMS Queen Elizabeth

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA MEDIA

Hàng không mẫu hạm thế hệ mới HMS Queen Elizabeth dự kiến sẽ tới vùng biển Đông Nam Á trong thời gian tới

Phúc trình vừa công bố được đưa ra vài tháng sau khi Thủ tướng Johnson nói sẽ tăng chi phí quốc phòng của Anh trong bốn năm tới thêm 16,5 tỷ bảng (gần 23 tỷ USD).

Ngoài việc tân trang vũ khí, Anh sẽ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), chiến tranh mạng và một bộ tư lệnh không gian (space command) nhằm bắn hỏa tiễn đầu tiên cho dự án đó vào năm 2022.

Anh sẽ cho xây “phòng tình huống đặc biệt” (situation room), theo kiểu Mỹ, trong Văn phòng Chính phủ để thủ tướng và các bộ trưởng chỉ đạo trực tiếp các chiến dịch an ninh, quân sự quan trọng.

Ở Mỹ, trong Nhà Trắng có ‘phòng tình huống’ (White House Situation Room-WHSR), tên chính thức là phòng hội nghị Kennedy (Kennedy Conference Room), có các thiết bị điện tử, do thám trực tuyến để tổng thống và các tư lệnh điều khiển, ra lệnh trực tiếp cho các sứ vụ tối mật, như vụ ám sát Osama bin Laden thời Barack Obama (2011).

Phe đối lập Anh, qua lời lãnh đạo đảng Lao Động Keir Stammer đã chỉ trích chiến lược mới của chính phủ “rất tệ hại”.