QUAN DUONG & NHẠC SĨ HUỲNH CÔNG ÁNH (Quan Duong)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Quan Dương và nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh chụp năm 2018 tại New Orleans

Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh chụp năm 1968 khi còn mang lon thiếu uý 

Khoảng thập nên 80 – 90 chưa có chương trình HO khi còn sống ở trong nước tôi không hề nghĩ là sẽ có ngày qua được nước Mỹ . Hằng đêm vẫn lén mở đài VOA qua đó tôi đã nghe đến tên Huỳnh Công Ánh trong phong trào Hưng Ca cùng với Việt Dũng , Nguyệt Ánh , Phan Ni Tấn , Châu Đình An . Những lời ca trong bài hát về quê hương VN khắc khoải đã làm sục sôi dòng máu thời trai trẻ ôm súng nằm rừng . Tôi nghe đến tên anh nhưng không hình dung được và không nghĩ là có một ngày nào đó mình gặp được người nhạc sĩ tài hoa này . Vậy mà cuối cùng chúng tôi đã gặp nhau và sống cùng thành phố . Đã vậy lại còn chơi thân với nhau . Suy ra không thân không được bởi vì ngày nào cũng gặp mặt ngồi cùng chung trong mỗi lần sinh hoạt hàng tháng của Hội cựu SVSQ Thủ Đức Louisiana. Hai chúng tôi đều xuất thân từ Quân trường này.
Huỳnh Công Ánh khóa 3/68 còn tôi khoá 6/69 nên anh là huynh trưởng theo truyền thống quân trường . Cấp bậc cuối cùng của anh là Đại úy Đại đội trưởng trinh sát thuộc Trung đoàn 40 Sư đoàn 22 bộ bình VNCH . Ở hải ngoại anh nổi tiếng về cuốn hồi ký VỰỢT TÙ VƯỢT BIỂN dày 600 trang viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh . Cuốn hồi ký kể lại cuộc vượt ngục của mình ra khỏi khu 1 trại Tân Kỳ Nghệ Tĩnh vào năm 1980 và sau đó năm 1981 lái tàu vượt biên đến đảo Pulau Bidong thành công . Khi viết lại cuốn hồi ký, anh ước vọng người Mỹ và nhất là lớp trẻ Việt Nam đang trưởng thành tại hải ngoại sau này đọc để hiểu rằng muốn có được tự do thế hệ của người lính VNCH trong chiến tranh VN đã phải đánh đổi những gì .
Hai chúng tôi thường kể nhau nghe chuyện ở tù . Tôi ở tù trong Nam còn anh ở tù ngoài bắc nhưng tựu chung hoàn cảnh tù tội ở đâu cũng gian khổ na ná như nhau . Song tôi đặc biệt chú ý đến câu chuyện tình xảy ra giữa anh và một cô thôn nữ tên Trần Thị Hoa . Người con gái Nghê Tĩnh này trong một lần đi xem văn nghệ do tù nhân cải tạo trình diễn trên sân khấu là lò gạch của Trại tù đã đem lòng ngưỡng mộ anh chàng tù ca sĩ bất đắc dĩ Huỳnh Công Ánh dù biết anh chàng ta đã có gia đình và lại là bên thất trận . Từ sự ngưỡng mộ Trần Thị Hoa đã bất kể nguy hiểm lén lút giúp anh mua áo quần bộ đội của Việt cộng để anh cải trang trốn khỏi trại tù. Đó là cái mốc của định mệnh đánh dấu một chuyện tình không có đoạn kết trong hoàn cảnh bi thảm của lịch sử . Giờ đây đã 40 năm trôi qua kể từ năm 1980 lần cuối anh trốn khỏi Khu 1 Trại Tân Kỳ Nghệ Tĩnh Huỳnh Công Ánh vẫn chưa một lần nào gặp lại người con gái của ngày xưa và không biết số phận cô ấy giờ sống chết ra sao , nhưng trong lòng anh luôn ghi nhớ . Đó là món nợ ân tình không thể dùng tiền trả được.
Trong cuộc sống của mỗi một chúng ta , ngoài tình yêu nam nữ ra còn có nhiều thứ tình bao dung hơn mà nếu chữ tình đó đem thả xuống dòng nước thì sẽ bị nước cuốn trôi đi . Nếu khắc trên trời xanh thì một ngày nào đó sẽ có những chòm mây bay ngang qua che khuất . Nếu khắc lên hy vọng thì sẽ bị chông gai gập ghềnh trong cuộc sống cản ngăn trắc trở . Chỉ có khắc lên trái tim thì chữ tình kia mới sẽ cùng ta vĩnh cửu . Tôi tin rằng trong trái tim của Huỳnh Công Ánh hình bóng người con gái tên Hoa đã hằn chung cùng với những tháng ngày lất lây làm tù nhân trên đất Bắc
Mời quí anh chị nghe anh Huỳnh Công Ánh kể lại chuyện tình đó . Mà cũng biết đâu được cô gái tên Trần Thị Hoa giờ đã là một phụ nữ lục tuần ở đâu đó đọc được bài viết này.
QUAN DUONG
                                                            ****************************
TRẦN THỊ HOA
NGƯỜI CON GÁI NGHỆ TĨNH
Huỳnh Công Ánh
Để kỷ niệm 25 năm ngày thành lập hợp tác xã nông nghiệp Tân Kỳ, Xã có yêu cầu cho đội văn nghệ ra trình diễn, ca hát cho dân làng nghe. Để trao đổi, hợp tác xã sẽ cho trại một ít gạo nếp và thịt trâu để “bồi dưỡng!”
Dân chúng trong những vùng có trại nhốt tù từ trong Nam ra, các cô gái địa phương rất thích anh em tù “Nguỵ,” trắng trẻo, đẹp trai, lại ăn nói dễ thương, đàn hay, hát giỏi. Khi trại đồng ý cho đội văn nghệ ra Xã trình diễn, họ cho tụi tôi ăn uống thả dàn, có thịt heo, thịt gà, xôi, cơm, ăn no nê trước khi trình diễn. Hợp tác xã muốn Trại đưa đội văn nghệ ra đàn hát, và bù lại, họ sẽ cho trại heo, gà, rau quả.
Sân khấu được dựng lên trên sân phơi lúa của Hợp Tác Xã, buổi văn nghệ đông ngẹt người xem. Có những người phải đi xe bò, xe ngựa từ huyện, hoặc những làng mạc xa xôi khác đến. Lúc đó tôi nhớ tôi hát hai bài: “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh,” bài “Lá đỏ”. Trong đám người dự buổi văn nghệ hôm đó, có một cô gái tên Hoa, rất thích hai bài hát này của tôi. Và cuộc tình bắt đầu nảy nở từ đêm trình diễn đó. Lò gạch do đội chúng tôi phụ trách gần nhà cô Hoa. Xung quanh lò gạch là những ruộng bắp của dân, mùa này bắp đã trổ bông, lên rất cao. Lao động xong, giờ “thu dụng cụ” thì đội xếp hàng ra sông tắm.
Một buổi chiều, khi đội làm gạch về, đoàn tù xếp hàng dài,, xa xa thì có mấy vệ binh vác súng đi theo. Về sau này thì vệ binh cũng chỉ canh chừng đi xa xa, vì nghĩ trật tự cũng ổn định, không có chuyện gì xẩy ra. Đột nhiên bên ruộng bắp, có một cô gái chạy nhanh ra, nhét vô tay tôi một miếng giấy nhỏ rồi nhanh chân biếng mất sau ruộng bắp. Anh em trong hàng, ai cũng thấy rõ! Bọn nó suỵt suỵt, có đứa còn níu vai tôi:
– Nó viết cái gì vậy, mở ra coi đi mày!
Lúc đó, tôi cầm miếng giấy mà cũng run, lỡ vệ binh bắt được quá phiền. Tôi nắm miếng giấy chặt trong tay, mà chưa dám mở ra coi. Mấy ông bạn trong đội lại giục:
– Mở ra coi nó viết cái gì vậy mày? Mở ra đi.
Đi đến đoạn đường, khuất bóng vệ binh, tôi mới dám mở ra. Trên miếng giấy nghệch ngoạc mấy chữ viết rất xấu, như chữ học sinh lớp Ba:
– Em tên Hoa, em muốn làm quen với anh Ánh.
Tôi cầm miếng giấy nhỏ trong tay, cảm giác lâng lâng như vừa uống chút rượu, có cảm giác sung sướng lạ lùng. Cô Hoa này, mặt trái xoan, tóc dài, cổ cao, phải nói là rất đẹp, khoảng chừng 18 tuổi là nhiều. Bạn tù của tôi, nhiều người đã trông thấy cô Hoa. Ông Hà Kỳ Lam sau này, trong một bài viết, đã gọi Hoa là “hoa khôi Tân Kỳ.”
Khoảng thời gian một, hai tháng sau, công việc nấu nước của tôi cũng thuần thục. Mỗi lần ra chỗ lao động thì tôi vào công việc, xuống sông Hiếu, gánh nước lên, nhúm bếp rồi thả rông đi kiếm rễ tranh hay rau má ngoài bìa ruộng. Lần đầu đi gần, sau hết rau hết rễ tranh kiếm không ra thì đi xa hơn. Thường lúc tôi lui cui nấu nước, anh cán bộ Phượng lại bếp ngồi hút thuốc và cũng hỏi tôi nhiều chuyện. Phượng cũng là một trong số những người rất thích nghe tôi hát và có vẻ cảm tình với tôi. Phượng nói:
– Tôi, tôi biết chứ! Anh ốm yếu như thế này thì đâu có thể làm lao động nặng được.
Thời gian này, trại bắt đầu cho gia đình tù ra thăm nuôi. Vợ tôi ra thăm, có đem thức ăn khá nhiều cho tôi. Tôi giao cho hai bạn tù là Phan Gia Loan và Lê Quang Thảo, tức em của Đại Tá Hải Quân Lê Quang Mỹ, giữ. Lúc đó, tôi còn ở đội văn nghệ, còn hai anh bạn ở nhà khác, nhưng cứ chiều về, thì anh em “cải thiện,” lo nấu nướng giúp cho tôi . Nhờ chuyến thăm nuôi này, mà tôi có ít thuốc men để phòng khi đau ốm cho mình và cho anh em. Lúc đó, trong túi tôi có tiền, gia sản tôi có quần jean (ngoài Bắc gọi là quần bò,) có áo len. Từ khi quen cô Hoa, tôi mới đem những thứ này để đổi lấy gà, xôi. Nhờ đi lại “tự giác,” trong đội, ai muốn “mua, bán, đổi chác” thì tôi đi đổi rồi mang về cho anh em. Thành ra, tôi làm nghề trung gian buôn bán, ai muốn ăn xôi, có xôi, ai muốn ăn gà, có gà cho anh em. Có vật dụng đem đi, một hai bữa là có lương thực đem về, nên anh em trong đội, ai cũng “hồ hởi, phấn khởi” chuyện “cải thiện” này và rất thích tôi.
Sau này, tôi mới “hiến kế” cho cán bộ Phượng:
– Nhà lô của đội mình cần phải tăng gia sản xuất. Bây giờ tôi đề nghị như thế này: tôi sẽ đi mua một con gà mái cùng với mấy con gà tơ. Hằng ngày, tôi vừa nấu nước vừa chăm sóc đàn gà. Khi bầy gà lớn lên, sinh sản ra nhiều, cán bộ có thể bán để mua một chiếc xe đạp. Đây cũng là hình thức cải thiện trong lô, hợp pháp mà cán bộ có xe đạp để đi công tác. Nghe tôi nói vậy y hỏi:
– Thế à, vậy tiền đâu anh có để mua gà?
– Cán bộ cũng biết tôi có vợ mới ra thăm mà. Có tiền, đi lui tới, tôi làm được chuyện này, cán bộ yên tâm.
Nghe tôi nói thì tuy “bên trong như đã, mặt ngoài còn e!” y làm thinh không nói năng gì. Hôm sau tôi mới nói:
– Cán bộ cho tôi ra làng để mua ít mít hay xoài về ăn.
Thực ra là tôi muốn mua cho y để lấy lòng. Rồi hôm sau nữa, cán bộ Phượng bằng lòng cho tôi đi kiếm gà về nuôi như kế hoạch tôi đã trình bày. Tôi nhờ Hoa mua cho tôi một con gà mái với 4-5 con gà tơ đem về. Đem gà về, nuôi trong nhà lô, tôi thấy ai cũng vui. Tôi nhắc lại với quản giáo:
– Khi nào gà lớn rồi, cán bộ muốn thì có thể đem bán để cán bộ mua xe đạp, chỉ giữ lại mấy con cho nó đẻ tiếp mà thôi. Thế là công việc hối lộ đầu tiên đã suôn sẻ. Từ đó, Phượng có thiện cảm và dễ dãi với tôi nhiều hơn. Thỉnh thoảng tôi lại nói với y:
– Cán bộ cho tôi ra làng mua con gà về ăn.
Tôi mua gà về, luộc lên, cũng ăn vài miếng cho có lệ, nhưng phần lớn dành cho y và để y mang về cho vợ con. Tôi làm đủ mọi cách để lấy lòng y, trời lạnh, tôi cũng đem cả áo len cho y. Cứ dần dần từng bước và nhẹ nhàng như thế. Phần y, thấy tôi tử tế, hiền lành, nên tin tưởng và cho tôi đi xa và lâu hơn. Trở lại câu chuyện về cô Hoa. Lúc tôi nhận được miếng giấy của cô Hoa là lúc còn ở trong đội văn nghệ. Từ khi cả buồng biết chuyện cô Hoa, tôi được ưu đãi, là không phải bốc thăm để được đi lượm phân trâu nữa mà chỉ bốc thăm cho một người. Đi lượm phân trâu phải hai người: một người kéo xe, gọi là xe cải tiến, còn một người đẩy. Khi đi quanh làng, thấy phân trâu thì 2 bạn bốc lên xe để về bón phân trồng rau. Đội văn nghệ được lao động nhẹ là trồng rau, khoai cho trại mà thôi. Ngoài nhiệm vụ lượm phân ra, anh em trong trại ai muốn đổi chác quần áo, xôi, gà, bánh trái, v.v.. thì qua trung gian của tôi, tôi đưa ra cho cô Hoa, nhờ đổi giùm. Thế là tôi bắt được một cái nghề đặc biệt hơn ai hết. Cô Hoa thấy tôi gánh nước, đào rễ tranh, hái rau má vất vả. Cô gặp tôi nói:
-Không có công an ở đây, em phụ anh gánh nước được không?
Tôi trả lời:
-Không được. Cô đi đi. Lỡ công an mà thấy là tôi bị còng.
Nói xong, tôi vội vàng đi tránh ra xa.
Có những ngày khi ra bờ sông gánh nước, tôi thấy một bó rễ tranh ở đó. Rồi khi thì rau má, khi thì rau bắp. Cô kiếm phụ và để đó cho tôi để tôi đỡ vất vả. Cô không dám đến gặp tôi ở bờ sông nữa vì sợ tôi bị còng, chỉ để rau, để khoai, rễ tranh ở bờ sông, âm thầm giúp tôi mà thôi. Nếu các bạn là tôi trong lúc này thì sẽ cảm giác như thế nào? Sẽ mang ơn đến bao giờ? Chỉ nói đến ơn nghĩa thôi chứ không nói đến cái thổn thức chen vào cùng tình cảm giữa trai gái. Vì tôi có ý đồ trốn trại nên dứt khoát, tôi không muốn bịn rịn, phạm nội quy. Nếu phạm nội quy nữa thì làm sao tôi còn ở đội đạp gạch của cán bộ Phượng? Đó là lý do hễ thấy cô ngoài bờ sông là tôi vội vã lảng xa. Thật tội và đau lòng. Ân tình này tôi nhớ mãi, dù không phải là nhớ nhung theo kiểu yêu thương, trai gái, nhưng là ân tình của người đại ơn cứu giúp tôi.
Những ngày đầu tiên đến Cali, tôi đã viết một bản nhạc để bày tỏ nỗi nhớ người con gái tên Hoa. Bản nhạc này tôi viết vào năm 1983, có người đề nghị thu băng, nhưng chưa có cơ hội.
Người Em Nghệ Tĩnh
Em bên nớ chừ ra sao rồi nhỉ
Bờ tre xưa đã mấy độ lên măng
Giòng sông Hiếu đã bao mùa nước lũ
Và nương ngô, góc sắn có còn xanh
Ơi! Người em Nghệ Tĩnh
Môi có còn đỏ
Má có còn hồng
Mắt có còn tình như trời xanh mênh mông?
Trời bắt em long đong
Thương yêu tên tù cải tạo
Những phút lén gặp nhau, thường cách nhau hàng rào
Quà em cho ta
Khi muối, lúc khoai
Từ ấy đời ta
Cùm gông không còn có nghĩa
Bởi tình yêu em đã xóa bỏ hết lao lung
Ơi! Chiếu ấy trên sông
Em trao cho ta tấm giấy
Ta nâng niu lấy ra đọc hoài
Rằng em sẽ chờ
Chờ ngày anh được phóng thích
Ước mơ đôi ta nơi nông trường xa
Có anh cấy, em cày
Em nào ngờ đâu, những ngày đẹp ấy qua mau
Anh bỏ trốn tù
Chúng bắt em vào tra tấn, em ơi!
Cho dù thương em nhiều lắm
Mà nợ nước còn trĩu nặng hai vai
Nên anh đành lỗi hẹn
Chiều nay, bến bờ lưu vong ngóng về bên nớ
Hỏi em có còn đợi, còn chờ
Con trâu xanh chừ đã già chưa
Dòng sông Hiếu còn trong hay đục?
Một ngày nào đó
Theo đoàn quân về
Xua tan lũ giặc
Sông Hiếu mơ màng
Câu hò khoan nhặt
Em bên anh
Anh bên em
Ta bên nhau tìm lại ngày xanh
Một ngày nào đó! Một ngày nào đó!
Tôi trân quý vô cùng sự hy sinh thầm lặng của cô Hoa. Tôi nghĩ bất cứ ai trong hoàn cảnh như tôi cũng không làm sao khỏi cảm động và thương cô. Chữ “thương” ở đây không nhất thiết chỉ có nghĩa là tình cảm trai gái, mà là thương cái tình con người, thương sự hy sinh mà không hề đòi hỏi gì khác. Tôi là một người tù đói khổ, tương lai chẳng biết ra sao. Thế mà cô chọn thương tôi, sẵn sàng chờ tới ngày tôi được thả. Nếu tôi không xúc động, tôi không phải là người bình thường.
Gặp Hoa rồi, tôi có thể chọn không trốn tù để được gần nhau. Nhưng tôi vẫn tìm mọi cách để trốn và về lại với gia đình. Ngày nào đi lượm phân trâu tôi cũng đi ngang qua nhà cô Hoa. Có lần Hoa đón đường và mời tôi vào nhà. Hôm đó trời mưa lắc rắc, cô Hoa chạy ra nói:
– Bố mạ em mời anh vô nhà chơi.
Tôi nói với anh bạn đi chung:
– Bây giờ mày giúp tao, mày đi lấy phân trâu giùm tao cho đủ tiêu chuẩn. Tao vô đây chút, có gì tao sẽ trả ơn cho mày sau.
Bước vô nhà, tôi nhìn vô bếp, thấy cha mẹ Hoa đang ngồi rang bắp. Cô Hoa thì đứng khép nép phía sau. Ông bố của Hoa, bắt đầu nói với tôi:
– Con Hoa của tôi, nó về khóc lóc, nói tâm sự với mạ nó bao nhiêu đêm rồi. Nó nói nó thương anh. Bây giờ tôi hỏi anh, anh có vợ chưa?
Lúc đó tôi trả lời lại liền:
– Dạ thưa bác, có. Con có vợ với 2 đứa con, mà vợ con thì đi Mỹ rồi.
– Đi Mỹ thì biết bao giờ mới được gặp lại.
Ông này thuộc gia đình liệt sĩ, có con chết trong chiến tranh chống Pháp và đánh Mỹ.
Thực tế thì tôi nói xạo với ông già, vì cách đây mấy ngày vợ tôi mới lên thăm và đem tiền cho tôi. Ổng mời tôi ăn bắp rang và tiếp tục hỏi chuyện miền Nam. Nhưng vì không có thời gian nhiều nên tôi nói:
– Bây giờ con phải đi làm chứ ở đây lâu không được!
Ngày hôm sau, đi ngang, ổng lại kêu tôi vô nữa và nói:
– Bữa trước tôi và bà nhà tôi gặp anh, tôi cũng đã nói với anh về câu chuyện con gái của tôi về nhà và bảo với tôi và mẹ nó là nó thương anh. Nó cũng còn nhỏ, chỉ mới 18 tuổi. Nó cứ khóc lóc hoài. Tôi và bà nhà tôi cũng cản và nói với nó: mình là gia đình liệt sĩ, gia đình cách mạng, nếu dính vô với những người lính ngụy như thế thì không có tương lai. Tôi cũng đã hết sức giải thích với nó nhưng mà nó một mực không chịu. Tôi chỉ còn duy nhất một đứa con gái thôi nên buộc lòng tôi phải mời anh vô đây để hỏi chuyện. Nó đã quyết một lòng như thế thì tôi nghĩ rằng, tương lai, nếu anh được cách mạng khoan hồng, chỉ định cư trú, thì tôi sẽ đứng ra lập gia đình cho anh.
Thời gian đi lượm phân bò mỗi ngày, anh em người nào muốn đổi cái gì thì tôi sẽ giúp đổi, đem áo len, quần bò để đổi lấy thức ăn thì tôi cũng nhờ Hoa giúp. Vì vậy, gia đình cô ấy cũng có một phần lợi qua việc trao đổi ấy. Gia đình của Hoa rất vui vì cũng có được mớ quần áo ấm và thuốc men chữa bệnh.
Một lần Hoa bị một cái nhọt trên tay, sưng và tấy mủ mấy ngày, không ngủ được. Tôi về trạm xá và nói chuyện với Đại úy Bác Sĩ Trần Văn Hoa – một người nhỏ nhắn, người Huế, làm việc ở trạm xá. Ông rất có cảm tình và thương tôi. Từ Long Giao cho đến ngoài Bắc, tôi với ổng lúc nào cũng đi chung với nhau, và ông cũng biết chuyện cô Hoa với tôi. Tôi nói với bác sĩ Hoa:
– Bây giờ cô Hoa có cái nhọt quá lớn, đau dữ lắm, khóc, ngủ không được. Bây giờ ông có ra đó giúp tôi được không?
Ông Hoa thuộc loại tự giác, thường được đi tắm một mình. Nghe tôi nói vậy, ổng cũng hơi sợ, nhưng vì nể tôi, nên ông nhận lời giúp.. Tôi nói:
– Bây giờ ông đi ra phía sông, sau đó ông tắp vô nhà cô ấy, ông mổ cho cô ấy. Chỉ cần mổ thôi, còn tôi có thuốc penicillin sẽ đem ra cho cô ấy uống.
Tôi nhìn thấy ổng cũng nhát, tuy nhiên, ổng cũng đi đến chỗ hẹn để gặp tôi, sau đó tôi dẫn ổng vô nhà Hoa để mổ cho cô. Sau đó, tôi cho Hoa uống thuốc. Tối đó, cái nhọt không còn sưng nữa nên cô ấy thấy dễ chịu và ngủ được. Từ những chuyện như thế này xảy ra, những người ở tù như chúng tôi trở thành thần tượng đối với người dân xung quanh. Mỗi năm chúng tôi lãnh được hai bộ quần áo. Đặc biệt những người làm trong đội văn nghệ thường có thăm nuôi nên chúng tôi cũng đã có quần áo dư giả. Do đó mấy bộ đồ của nhà tù cho, chúng tôi cắt ra, may lại, đem cho những đứa trẻ chăn trâu, bọn nó nghèo đến nỗi không có quần mặc, phải ở truồng! Dần dà, dân trong làng rất thương mến những người trong đội văn nghệ vì chúng tôi may quần áo cho những đứa chăn trâu, người nào bệnh thì chúng tôi cung cấp thuốc cho họ uống. Có những người cả đời không có khả năng uống được thuốc penicillin nên bây giờ họ được uống khoảng 2 viên thôi là đã có hiệu quả rồi. Bố mẹ của Hoa rất cũng thích và có nhiều cảm tình với tôi. Phần Hoa thì hình như cô ấy thương tôi thật. Nhìn vẻ mặt của cô ấy có vẻ như quyến luyến, toát ra tất cả sự thương yêu.
Sáng hôm đó tôi lại tiếp tục đi lượm phân trâu, bố mẹ của Hoa gọi tôi vô và nói:
– Không ngờ bác sĩ trong Nam các anh hay quá. Cháu nó đã khóc cả đêm rồi, mà bác sĩ chỉ chữa trị cho cháu có một lần thôi là đã lành.
Một ngày nọ, tôi tấp vô một căn nhà, lấy khoai ra ăn. Đi ngang thấy Hoa ở trong đó một mình. Nhìn thấy cần cổ của cô ấy cao và trắng quá, tôi vội hôn lên đó một cái mà nguyên cả người tôi run bắn lên, mà Hoa cũng run rẩy không kém, mặt mày tái nhợt như trúng gió. Đây là sự “quan hệ” duy nhất giữa hai người từ khi biết nhau.
Trong thời gian đi lại với Hoa, thì lúc đó tôi đã có mục đích. Tuy là nay đổi món này mai đổi món kia, nhưng sau cùng tôi nói với Hoa:
– Này, anh Ánh rất thích bộ đội là những người hy sinh cho tổ quốc nên anh muốn có một bộ đồ bộ đội để làm kỷ niệm. Em ráng kiếm giùm Anh.
Tôi nói tiếp:
– Bây giờ giúp anh, đổi và giữ cho anh một bộ đồ bộ đội. Khi nào cần, anh sẽ lấy.. Sau thời gian học tập “cải tạo”, anh cảm thấy rất ngưỡng mộ những người bộ đội anh hùng. Nếu mà có nón cối và túi xách của mấy ông cán bộ thì cũng đổi luôn, giá nào cũng được, và giữ đó giúp anh để sau này mang về làm kỷ niệm. Khoảng mấy tháng sau cô ấy liên lạc với tôi và nói cô ấy đã có được những thứ tôi cần. Tôi nghĩ nếu muốn trốn thì không thể nào dùng con đường lên núi, hay qua Lào. Thứ nhất, sức khoẻ tôi không chịu nổii chuyện băng rừng, lội suối dài ngày. Thứ hai đi con đường này, không mấy ai thoát được, phần lớn bị bắt về lại, bị đánh đập, gông cùm, và một số phải bỏ mạng trên đường vượt thoát.
Phần tôi, nếu trốn khỏi trại tù, tôi sẽ tìm một con đường khác
Huỳnh Công Ánh