PHẠM DUY

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Gần 100 năm trước, năm 1921, có một người Việt Nam chào đời, lớn lên cậu chỉ tự học nhạc, vậy mà về sau trở thành một ca sỹ, một nhạc công, một nhạc sỹ- một Giáo Sư Nhạc Ngữ tại Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, và là một nhà Nghiên Cứu Âm Nhạc lớn của Việt Nam.

Đó là nhạc sỹ PHẠM DUY! 
+CA SỸ – Vâng Phạm Duy đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với vai trò ca sỹ. Với giọng hát điêu luyện, đậm chất Việt của mình, ông đã đưa tên tuổi các nhạc sĩ như Đặng Thế Phong, Văn Cao đi khắp đất nước Việt Nam. 
Hãy nghe Nguyễn Văn Cổn viết về giọng hát Phạm Duy – trên tờ Revue Radio Indochine tháng 1 năm 1944 :
“… Người thiếu niên này với gương mặt gầy ốm, một cặp mắt hiền từ và mơ màng sau cặp kính trắng, với cách cử chỉ khoan thai và nhã nhặn, đó là Phạm Duy(…) 
Có lẽ trong tiếng hát của Phạm Duy, chúng ta thấy một cái gì hơi xa xăm, buồn tủi, phải chăng đời của nghệ sĩ như đầy những sự nhớ nhung, thương tiếc, đợi chờ, mà tiếng hát Phạm Duy là tiếng lòng thổn thức (…) … 
Nhưng nói về nghệ thuật, thì có lẽ Phạm Duy là một tài tử thứ nhất hát những bài âm nhạc cải cách với một giọng hoàn toàn Việt Nam…”
—-
Còn nhạc sỹ Văn Cao nói như thế này : “ Phạm Duy là kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”. 
+NHẠC SỸ- Phạm Duy là nhạc sỹ Việt Nam duy nhất có trên 2000 nhạc phẩm do ông sáng tác, phổ nhạc từ thơ, hay đặt lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại quốc. 
+NHÀ NGHIÊN CỨU ÂM NHẠC – Với 4 tập Hồi Ký được đánh giá cao về phương diện Văn Học lẫn Tư Liệu- những ghi chép trải qua hơn 70 năm hoạt động âm nhạc của ông. 
2. 
Vậy rồi ngày 27 tháng 1 năm 2013 – Phạm Duy đi về thiên cổ. 
Tôi nhớ câu thơ xưa: 
Ngô đồng nhất diệp lạc
thiên hạ cộng tri thu 
có nghĩa là: 
Một lá ngô đồng rơi 
thiên hạ đều biết mùa thu tới …
Dẫu bây giờ không còn mùa Thu! Thu qua rồi! Nhưng thiên hạ đều biết có một vì sao sáng đã rơi! 
Vâng Phạm Duy đã đi rồi! 
Tôi muốn gởi ông bài thơ sau đây :
BÀI THƠ PHẠM DUY 
Áo anh sứt chỉ đường tà
Đường chiều lá rụng tình ca hẹn hò
Cỏ hồng nước mắt mùa thu
Vần thơ sầu rụng rong ca phố buồn
Ngày trở về quán bên đường
Đưa em tìm động hoa vàng ngày xưa
Giọt mưa trên lá viễn du
Bên cầu biên giới tiếng thu người về
Thuyền viễn xứ bà mẹ quê
Quê nghèo người lính trẻ về miền trung
Ngậm ngùi hoa rụng ven sông
Bên ni bên nớ chỉ chừng đó thôi
Nếu một mai em sẽ qua đời
Nghìn trùng xa cách mưa rơi tuổi hồng
Cô hái mơ nụ tầm xuân
Tìm nhau ngày đó chúng mình về đây
Mây trôi trôi hết một đời
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau
Bài ca trăng bài ca sao
Gọi em là đóa hoa sầu đêm xuân
Đường em đi dạ lai hương
Khi xưa ta bé cây đàn bỏ quên
Lan buồn mộ khúc bến xuân
Nắng chiều rực rỡ cuộc tình tàn nhớ thương ….
Mầu thời gian thú đau thương
Khúc ca ly biệt chủ nhật buồn mưa rơi
Một bàn tay một cành mai 
Cơn đau tình ái tiếng đàn tôi tình cầm
……
Tôi nghĩ chắc hẳn nhạc sỹ Phạm Duy và các bạn đã nhìn ra bài thơ này rồi! 
Vâng đó là một bài thơ mà TỪNG CÂU TỪNG CHỮ là của ông, không thêm, không bớt một chút nào. Bởi nó được làm từ MỘT SỐ TỰA BÀI HÁT của ông…
Tôi chỉ là người sắp đặt lại. Chỉ vậy thôi!
3. 
TRĂNG, NƯỚC & TÌNH YÊU 
Đối với nhiều người trong thế hệ của tôi Phạm Duy có tên thật là Việt Nam – và ông cũng chẳng phải là người! 
Ông là một ÔNG TRĂNG! 
Và ánh trăng vằng vặc ấy sẽ còn sáng soi nhiều đời nữa. Ông giờ ở xa nhưng nhạc của ông ở trong lòng chúng tôi. Ông nổi tiếng đến mức trở nên bình thường, nhưng nhạc ông thì không bao giờ bình thường! 
Khó tìm được bài nào bình thường. 
Thành ra cũng khó tìm ra bài nào đỉnh cao nhất. Thành ra cũng khó tìm ra người nào hát hay nhất. Kể cả Thái Thanh! 
Bài hát thành công là bài hát gây xúc động khi nhạc trỗi lên và người ca sĩ cất tiếng. 
Thế nhưng ông trăng có những bài hát khủng khiếp hơn nhiều. Đó là những bài hát không cần hát, chỉ cần nhẩm đọc thôi là đã thấy rưng rưng:
Tiếng nước tôi ! 
Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi …
Tiếng nước tôi ! 
Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, 
nước ơi …
(Tình ca)
Tôi chưa bao giờ nghe ai kêu Việt Nam bằng hai tiếng NƯỚC ƠI! 
Sống động và yêu thương quá! Và chính vì thế nó chứa đầy nước mắt của bao thế hệ người Việt, vì hai chữ đó họ sẽ sống và chết với quê hương.
Còn tình yêu của ông thì chẳng bao giờ có thể gọi là đẹp, bởi nó quá đẹp và quá bụi …
Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên dòng sông Danube
Những đêm sáng sao
(Bên Cầu Biên Giới )
Tôi nhớ hồi đó có người bạn nói rằng : 
-Lạy Chúa! Cả đời con chỉ mong làm được mấy câu như thế này thôi! 
Và tôi tin là anh ấy nói thật ! 
Còn hôm nay, ông trăng đã đi rồi! 
Tuỳ bút Nguyễn Đại Hoàng – năm 2013.
*
*     *

Nhạc sĩ Phạm Duy: Cuộc Đời & Tác Phẩm (Playlist)
https://phailentieng.blogspot.com/2023/02/pham-duy.html?fbclid=IwAR3lg3eOKOClrZAqKychEXsPHUqMhQQ4FLOzj3ye9yxl17ug2VIQ_aEUqSI