PHÁCH CHÓ (bài 2) (Peter C, Tran # Mười Lúa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Mười Lúa đã viết đề tài PHÁCH CHÓ (#phachcho, #chuyentaolao41) một lần lâu lắm rồi. Ai muốn đọc thì mời click vào hai cái hashtag đó để đọc chơi. Nay viết thêm bài thứ hai. Chuyện kỳ này liên quan đến tên táo quân Nguyễn Xuân Bắc, đang nóng hổi trên mạng cả hơn tuần nay. Viết liền kẻo nó nguội! Nhân tiện tào lao thêm vài nhân vật nổi đình nổi đám ở xứ waxakila chơi. Chỉ là viết chơi.
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi, vừa đọc chơi. Mệt cứ nghỉ. Mười Lúa viết chơi, tới mệt cũng tắt máy đi khò.
May be an illustration
1. Ăn cháo đái bát.
Cho dù Nguyễn Xuân Bắc có là Giám Đốc một rạp hát, thì cũng chỉ là một tên hề làm trò mua vui cho thiên hạ. Cái kiểu thích làm bố đời, ưa bốc phét, một loại “văn hoá” rất phổ biến, cái kiểu “biết bố mày là ai không”, chẳng hại gì được ai, chỉ làm cho chúng ghét! Tôi viết không phải vì tôi ghét hắn, mà vì tôi ghét cái loại văn hoá đi trên mây xanh này. Những kẻ quen thói “coi trời bằng hột tiêu”, thích ngồi trên đọt cây, thích đi mây về gió, rất xứng đáng nhận gạch đá của thiên hạ về xây biệt phủ. Không ai dạy dỗ chúng, chúng cứ tưởng mình là ông trời con!
Tên dép râu táo quân này hết sức láu cá! Nó chửi người xem chương trình của nó là loại “ăn cháo đái bát” và đòi vả “sếu hàm hạ” những người chê nó diễn dở. Những người não nhanh hơn tay, thấy nó viết “ngụ ngôn” nghe có vẻ vô cùng hợp lý, nên tung hô nó như thánh. Kỳ thực, lý lẽ của nó chỉ là lý lẽ của loại thất học, loại “phách chó”, loại mượn oai hùm của bọn bảo kê cho nó mà ra oai với thiên hạ. Lý lẽ nó dùng trong bài “ngụ ngôn” là một loại nguỵ biện mạt hạng!
Mười Lúa vô thẳng vấn đề, khỏi trích dẫn bài viết của hắn chi cho mệt, vì đã có rất nhiều người đăng rồi.
Có hai phe chống và binh hắn. Phe chống chiếm tuyệt đại đa số, từ báo chí lề phải, đến cộng đồng FB, từ những bậc trí thức đến giới bình dân, từ những khán giả trung thành của nó, cho đến những người không thèm coi, hay chưa bao giờ coi hắn diễn. Phe binh hắn, thì cho tới giờ này tui thấy chỉ có một người. Ông này là một tên tuổi có lẽ không mấy ai mà không biết trên chốn giang hồ FB ở VN. Tôi thường xuyên đọc bài của ông này. Tui khoái ông ta vì ông ta dám viết những điều ít ai dám, dám thọt vô cái ổ ong vò vẻ Giáo Dục và nhiều loại ổ ong khác, bằng những luận điệu khiến đối phương khó hả miệng. Tui cũng khoái cái lối viết trào phúng của ông này. Tuy nhiên, lần nầy thì tui không đồng ý với lý lẽ ông dùng để binh vực cho hắn.
Táo đã lên tiếng xin lỗi, vì đã để “nhân dân” hiểu lầm hắn! Hắn chỉ xin lỗi vì đã để người đọc hiểu lầm, chớ hắn không xin lỗi vì đã chửi “nhân dân” nghen! Nghĩa là hắn vẫn phủ nhận chuyện hắn xách mé, chửi xiên chửi xéo khán giả. Vậy thì hắn chửi ai đây?
Nói ngắn gọn vầy: Khi anh viết về con chó mà người đọc hiểu thành con mèo, hay ngược lại, thì hoặc là anh viết quá dở, hoặc là người đọc quá ngu! Ít khi có người viết nào chịu nhận mình viết dở, bởi vì cái tâm lý “văn mình, vợ người” nó luôn “quản lý” chặt chẻ lòng kiêu ngạo. Hắn cũng đâu có nhận mình viết dở, cho nên mặc nhiên hắn chê người đọc ngu. Ngu mới không hiểu ý hắn viết cái giống gì! Ngu mới trách “lầm”, trách oan cho hắn!
Hắn ta cũng không lên tiếng giải thích hay xác định cho cái “đám quần chúng ngu dốt” về hai nhân vật “mẹ” và “tôi” là ai trong câu chuyện “ngụ ngôn” rất “xì tú bịch” của hắn. Mấy chữ “đám quần chúng ngu dốt” là tui mượn chữ nghĩa từ miệng mụ TS dở hơi, “một người đàn bà có nhan sắc giống một người đàn ông không đẹp trai”, khi bả lên tiếng ủng hộ cái ông TS khùng khùng điên điên Bùi Hiền đòi thay đổi tiếng Việt năm nẳm, rồi mắng những người chống đối ông ta. Cái câu “Một người đàn bà có nhan sắc giống một người đàn ông không đẹp trai” là cái câu tả chị Doãn (của tác giả nào, truyện tên gì, quên mất mẹ rồi), tui cũng mượn về xài đỡ! Trời đất qủi thiên địa ơi ngó xuống mà coi! Đem nhan sắc của một phụ nữ đi so với một người đàn ông, đã là ác hơn Tây Độc Âu Duơng Phong rồi! So với đàn ông đẹp trai như Tom Crusise, Brat Pitt (hay ít nhất là Mười Lúa!), cũng còn châm chế được. Ai đời đem so với người đàn ông xấu trai (cỡ như ông boác miệng hô hốc, ốm nhách như con chằng hiu, đang múa bài quyền “đâm cha chém chú”), thì thiệt là tả chân một cách ác không thua gì Lý Mạc Sầu hay Mai Xuyên Phong! Lạc đề rồi! Tui sẽ viết tiếp về mụ này ở hồi kế. Giờ phải quay lại chuyện tên táo nón cối.
Một chuyện ngụ ngôn hay, là một chuyện khi người ta đọc, đọc cái hiểu ngay, hiểu chính xác câu chuyện đó ám chỉ cái gì, ám chỉ ai. Đọc Trại Súc Vật (Animal Farm by George Orwell), ai mà không hiểu tác giả muốn ám chỉ một chế độ ngu dân, độc tài, gian manh, xảo quyệt,… nên mới có thể gạt được quần chúng thất học ngu muội ham ăn bánh vẽ. Đọc chuyện ngụ ngôn của La Fontaine (Jean de La Fontaine, 1621-1695), đọc từng tiểu truyện nhỏ trong đó, ai cũng biết ngụ ý của ông tức thì. Vậy cho nên họ mới nổi tiếng vượt không gian và thời thời gian. Tên táo viết ngụ ngôn dở như hạch mà cũng bày đặt viết cho chúng chửi nát nước mấy ngày Tết! Dở cả nội dung lẫn hình thức. Chữ nghĩa câu cú cũng như cốt truyện đều lãng nhách!
Hắn tưởng ai cũng ngu, cũng không nhìn ra lối nguỵ biện “nhập môn” này? Cha nó lú, cũng còn chú nó khôn chớ! Biết bao nhiêu người phản biện khiến hắn ngậm lựu đạn! Cũng không biết bao nhiêu người không phải là “người Bắc giỏi lý luận”, cũng xúm nhau đào ông bới cha hắn, chửi hắn tối tăm mày mặt!
Trên đời này, bất cứ ai đó làm một điều gì tốt, có lợi cho mình, chỉ vì lòng tốt của họ, làm một cách vô vụ lợi, mà mình không biết ơn, còn chê lên chê xuống, thì đúng là kẻ vô ơn. Nói dễ hiểu, người ta thi ơn cho mình, mà mình không mang ơn, không biết cám ơn, còn tỏ ra mất dạy, thì đúng là phường “ăn cháo đái bát”, là quân vô loại. Còn giao dịch sòng phẳng, hai bên đều có lợi, thì không có bên nào có tư cách mắng đối phương nghen. Một thí dụ cho dễ hiểu.
Khi mình cháy túi, bạn bè cho mình mượn tiền, nói rõ là mượn, chớ không phải vay, không lấy lời, điều đó có nghĩa là người ta thi ơn cho mình. Người miền Nam không bao giờ lẫn lộn giữa mượn và vay. Mượn khác, vay khác. Vay là phải trả tiền lời như vay ngân hàng, hay vay bọn lãi cao,…
Cho mượn là do lòng tốt, là thi ơn, là nghĩa cử cao đẹp. Người mượn phải nhớ bổn phận trả nợ. Không phải chỉ trả, mà phải trả với lòng biết ơn, mang ơn, và nhứt là phải ghi nhớ trong lòng để có dịp trả ơn lại cho người ta. Đó mới là người có nhân cách. Đó mới là người đúng nghĩa con người. Mượn tiền để người ta đòi, là mất mặt rồi! Đòi không trả, còn trốn nợ, hoặc “trở mặt” với ân nhân của mình, thì đúng là loại người “ăn cháo đái bát”, còn thua thú vật, vì người xưa vẫn thường nói: “Cứu vật, vật trả ơn”. Con vật còn biết trả ơn. Không biết trả ơn, phải nói là thua con vật, thì không có quá đáng chút nào cả!
Người cho vay thì khác xa người cho mượn. Họ cho vay là để thu lợi, chớ không phải “tình cho không biếu không”. Ngân hàng cho vay luôn coi giò coi cẳng người vay, kèm theo rất nhiều điều kiện, và hai bên phải đồng ý với nhau thì dịch vụ cho vay mới thành. Con nợ giựt nợ, thì sẽ có luật pháp, có toà án phân xử. Người vay vì lý do gì mà không thể trả đúng hạn, chủ nợ cũng không thể chửi bới họ là “ăn cháo đái bát”, là vô ơn nghen! Không có ơn nghĩa gì ở đây cả. Tất cả chỉ là một sự giao dịch sòng phẳng. Ở Mỹ, luật pháp còn cho phép người ta khai khánh tận, xù nợ luôn đó!
Nên nhớ, anh cho vay là anh đầu tư. Đầu tư luôn luôn có rủi ro. Lời anh hí hửng bỏ túi. Lỗ hay mất vốn, là rủi ro của anh. Chẳng có ơn nghĩa gì ở dịch vụ cho vay lấy lời để anh kể ơn, và anh càng không có tư cách mắng con nợ là bọn vô ơn! Lý luận rằng anh là người cho vay, nhờ anh cho người đó vay mà hắn làm ăn phát đạt trở thành đại gia, hay cứu hắn khỏi phá sản,… rồi anh có quyền kể ơn, hay quyền “xài xể” con nợ, là loại lý lẽ nguỵ biện. Ở Mỹ, chỉ cần hăm doạ con nợ thôi, cũng lôi thôi với pháp luật liền đó! Cho xã hội đen đến đốt nhà con nợ như kiểu Tàu, Việt Nam,… thử coi tù mọt gông không cho biết!
Anh làm hề diễn cho dân coi, được trả lương từ tiền thuế dân đóng, cho nên diễn là bổ phận của anh, là một giao dịch sòng phẳng, chớ ơn nghĩa gì ở đây. Anh diễn dở người ta chê, người ta tẩy chay anh, là chuyện dĩ nhiên. Họ trả lương anh mà? Đáng lẽ họ phải lôi cổ anh xuống khỏi sân khấu, đá đít anh văng ra khỏi đài mới đáng! Trẻ trâu như anh mới ăn nói ngược đời và xấc xược như vậy! Cái thứ đẻ ngược!
Quay sang chuyện gói bánh chưng của bu thằng cu Bắc trong câu chuyện “ngụ ngôn” của hắn:
– Bu nó gói bánh chưng mặn, lạt, gói vuông, gói méo, nó hoàn toàn không có thể chê bu nó.
– Bu nó thay vì gói bằng nếp, bà ta dùng bo bo, loại thực phẩm đảng dùng nuôi dân sau 75, nuốt trẹo bản họng, nó cũng không được chê. Thay vì xài đậu xanh (đỗ), mẹ nó trộn cám heo (cám lợn), nó cũng phải ăn ngon lành, không được chê một lời nào.
– Xin lỗi người đọc trước, dù cho mẹ nó có bỏ qq vô bánh chưng, nó cũng phải ăn và không được chê!
Tại sao? Vì bu nó đã chịu cực chịu khổ một cách vô điều kiện, nấu cho nó ăn. Bu nó hoàn toàn không có lợi lộc gì khi thức khuya dậy sớm, ngồi cong xương sống gói từng cái bánh cho nó dọng. Nó không hề “mướn” bu nó gói bánh chưng, mà đó là một sự hy sinh cho con cái, là “tình cho không biếu không”. Dám chê thì đúng là đứa con mất dạy! Dám chê là loài vô ơn! Dám chê là thằng con bất hiếu! Dám chê thì đúng là phường “ăn cháo đái bát”! Ăn mà còn chê hả, dọng vô mặt vài đấm cho hộc máu mồm. Tát qua tát lại cho sếu hàm, cho gẫy không còn một cái răng cũng chưa đáng đời đâu! Nó nói phải lắm. Bu nó phải tát cho nó nên người!
Nhưng nếu nó ra chợ mua bánh chưng về ăn thì khác nghen. Người bán bán kiếm lời, và nó bỏ tiền ra mua. Làm bánh ngon thì người ta khen, trở lại mua nữa. Làm dở như hạch, người ta có quyền chê, còn đồn đãi, còn đưa lên mạng, cho sập tiệm! Người bán không thể nào nói rằng tui thức khuya dậy sớm, làm cực khổ muốn chết, hả họng ăn còn bày đặt chê, tui vả cho tụt lưỡi! Hắn đang đóng vai bà bán bánh mà chửi người mua bánh, cho nên tui nói nó là thằng đẻ ngược!
Cùng là hai người gói bánh chưng, nhưng nó chỉ có thể chê con mẹ gói bánh bán. Hai người đàn bà cùng làm một việc gói bánh, nhưng chỉ có bu nó mới có quyền mắng nó là cái đồ “ăn cháo đái bát”. Vấn đề mấu chốt của cái lý lẽ bình dân như vậy mà hắn cũng không “nắm”, thì viết “ngụ ngôn” bị thiên hạ xúm lại “đánh hội đồng”, hè nhau chửi tắt bếp đâu có gì lạ. Nó diễn hài là múa máy ăn lương, chớ có phải khua môi mua mép “từ thiện”, là làm chuyện “chùa” đâu mà đòi người coi phải mang ơn nó? Nó đóng vai “mẹ” để đòi vả tét mồm khán giả đóng vai “tôi”, là cái thứ đẻ ngược nên ăn nói cũng ngược đời! Bị chửi đáng kiếp lắm!
Viết chút xíu về phe binh hắn. Tôi chỉ mới thấy duy nhứt có một người binh hắn. Ông ta cho rằng chữ “tôi” trong câu chuyện của cu Bắc không phải là “đám quần chúng ngu dốt”, mà là những kẻ “chăn dắt” hắn, tức là nhà đài, là tuyên giáo, tóm lại là cái phe trả tiền cho hắn, ban cho hắn chức tước, ban danh hiệu rồi bắt hắn phải làm mọi cho họ mà không hề thấy sự cống hiến của hắn. Hắn chửi bọn này là bọn “ăn cháo đái bát” chớ không phải chửi người xem hắn diễn, như đại đa số hiểu! Chẳng hợp lý tí xíu nào cho cái lý lẽ này.
Theo lý luận này, thì hắn cũng đóng vai “mẹ” để mắng lại cái bọn kia đóng vai “tôi”, cái bọn vô ơn, bóc lột sức lao động của hắn mà coi hắn như chó! Nghe qua lý lẽ này thì tự dưng ai cũng phải mủi lòng thương cảm cho hắn, chớ không còn chê trách hắn nữa, vì mục tiêu bây giờ từ người xem, chuyển sang cái đám nhà đài và tuyên giáo, đúng không?
Đây là nguỵ biện, loại nguỵ biện có tên là “cá trích đỏ” (Red Herring fallacy). Người nguỵ biện chuyển vấn đề đang tranh luận sang một mục tiêu khác. Người ta đang bàn tán chuyện hắn chửi người xem hắn diễn là phường “ăn cháo đái bát”, thì ông ta chuyển hướng mục tiêu rằng hắn đang chửi nhà đài và tuyên giáo. Lập luận đó sẽ có nhiều người tin, quay sang thương cảm hắn liền. Ngụy biện là vậy đó. (Mười Lúa đang viết dang dở đề tài nguỵ biện, sẽ post nay mai).
Nguỵ biện là những lý lẽ xem ra rất có lý, nhưng kỳ thực, nó là những lập luận sai bét, hoặc thiếu sót, hoặc không ăn nhập gì với vấn đề đang tranh biện, và thường nó mang đầy tính ma le trong đó, hoăc nó được dùng để đánh lạc hướng chuyện đang tranh luận sang một hướng khác. Nguỵ biện có thể được chứng minh là sai bằng những lập luận có tính thuyết phục hơn.
Người ta đang xúm vào chửi rủa tên trẻ trâu này, đòi lột lon giám đốc của hắn, đòi chánh quyền phải “trừng trị” hắn, đòi tống cổ hắn,… thì hôm nay tui đọc được một câu nữa từ người binh hắn: “Trong hệ thống công quyền, từ anh trưởng thôn đến cô thư kí quèn ở công sở, vô số đứa không phải bốc phét mà làm bố đời thật, hành dân đến ra bã, sao chẳng ai dám đòi tống chúng ra khỏi cái thể chế mà Cụ Hồ dạy là “đầy tớ của dân”? Đây cũng là nguỵ biện. Người ta đang bàn chuyện tống tên trẻ trâu ra khỏi cái ghế giám đốc rạp hát. Muốn phản biện lại điều đó thì dùng lý lẽ nào có tính thuyết phục cao siêu hơn, tại sao không nên tống hắn ra khỏi ghế. Chuyện đám chú ôn kia bốc phét, thích làm bố đời và hành dân ra bã, là chuyện có thật, nhưng là chuyện hoàn toàn không dính líu gì đến chuyện người ta đang tranh cãi! Xen nó vô để dẫn người ta quay qua hướng khác, khiến họ quay qua chửi đám chú ôn kia mà quên tên hề, là loại nguỵ biệt cá trích nữa đó!
Trở lại chuyện Xuân Bắc.
Sự thật chỉ có hắn mới biết rõ “tôi” và “mẹ” trong câu chuyện của hắn là ai. Hắn lấy lý do hắn viết “ngụ ngôn” nên không lên tiếng xác định nhân vật. Mà làm sao dám lên tiếng? Nói “tôi” là đám “quần chúng ngu dốt”, hay nói “tôi” là đám “chăn dắt” hắn, đàng nào cũng chết không kịp ngáp.
Chuyện “tôi” là đám khán giả, những người coi hắn diễn, không bàn thêm, vì như tui đã viết, tuyệt đại đa số đều hiểu rằng “tôi” được hắn dùng để ám chỉ họ. Tui chỉ bàn “tôi” là những kẻ “chăn dắt” hắn, như ông ta giả định. Khi hiểu như vậy, đồng nghĩa với việc hắn cũng là “mẹ” trong câu chuyện, đúng không?
Thứ nhứt, giả định “tôi” tức là nhà đài và tuyên giáo, là kẻ trả lương cho hắn, là kẻ cất nhắc hắn làm giám đốc giám điếc gì đó, rồi gắn lon NSƯT hay NSND con khỉ khô gì nữa, nghĩa là họ là chủ của hắn, còn hắn dù đóng vai “mẹ”, nhưng kỳ thực, chỉ là một tên đầy tớ ăn lương. Trên đời này, đầy tớ phải có bổn phận cụp đuôi vâng lời những người chủ của mình, y như một nhân viên phải nghe lời chủ. Một công nhân làm ăn lương, chủ không có mang ơn anh và đương nhiên anh không có quyền kể ơn con mẹ gì hết. Anh làm tận lực, anh cho là đã “cống hiến” hết mình cho chủ, nhưng chủ vẫn không vừa lòng, anh cũng không thể mắng chủ là cái đồ vô ơn! Thậm chí chủ có đuổi việc anh đi nữa, bất cứ vì lý do gì, anh cũng không thể nào nói “cái đồ ăn cháo đái bát” được! Nó đơn giản chỉ là một hợp đồng hai bên đều có lợi, không ai mang ơn ai cả. Anh được việc, tui trả lương. Anh nát việc, tui đuổi. Anh còn thích công việc và đồng lương thì anh làm, anh không thích thì đi kiếm việc khác. Anh không thể là “mẹ” để mắng cái đám “tôi” ăn cháo đái bát ở giả định này! Cho nên giả định của ông ta không đứng vững.
Thứ hai, hắn có dám chửi chủ hắn hay không? Tôi nói một ngàn lần hắn cũng không dám! Lý do? Một là là hắn làm ăn lương, dĩ nhiên sợ mất việc. Hai, hắn là bầy tôi, dám hỗn với bề trên không, nhứt là loại bề trên này rất ngang tàng, chém giết hay bỏ tù ai cũng được? Hắn có uống gan hùm, ăn mật gấu cũng không dám ví mình là “mẹ” để tát vỡ mồm nhà đài và tuyên giáo. Nếu hắn dám, tôi thề sẽ lập bàn thờ, nhang khói nghi ngút ngày đêm, để thờ hắn! Hỏi thiệt những ai dành cho hắn nhiều cảm tình, và hỏi luôn những ai xưa nay coi hắn là thần tượng một câu: Quí vị có tin là hắn dám đòi vả tét mồm nhà đài và tuyên giáo không? Hắn có dám chửi cái đám “chăn dắt” hắn là lũ “ăn cháo đái bát” không? Hắn dám, đồng nghĩa với việc hắn tự “đái vô nồi cơm” hắn ăn xưa nay, và chuẩn bị khăn gói đi đếm kiến! Cho nên giả định của ông ta hoàn toàn không hợp tình, cũng chẳng hợp lý!
Tóm lại, đọc một chuyện ngụ ngôn, người đọc chỉ đoán ý đồ của tác giả. Chỉ có người viết mới biết mình muốn ám chỉ ai, ám chỉ điều gì. Người viết dở, khó có ai đoán được. Mười Lúa vẫn đoán rằng hắn đóng vai “mẹ” để chửi khán giả đóng vai “tôi” bằng những câu chửi mất dạy, thiếu giáo dục nhứt.
Trên đời này, cái loại người khi còn khố rách áo ôm thì xưng “chúng cháu”, lúc lên hương một chút thì vảnh mặt chó lên xưng “chúng ông”, “biết bố mày là ai không”, như tên hề này không ít. Còn nhiều lắm, đếm không hết. Chúng cần phải học những bài học đích đáng cho chừa cái tật “phách chó”!
2. “Vùng cấm”.
Tui chỉ viết hai chữ “vùng cấm” chắc chắn ai cũng biết tui nói tới đứa nào rồi, phải không? Loại người luôn nghĩ mình là “vùng cấm” bất khả xâm phạm, là cái tên ca sĩ có giọng hát chỉ đáng hát bè, hát cho heo nái nghe đẻ sai, chớ còn “ai trồng khoai đất này”! Hắn bang sang đây chỉ hát cho đám du học sinh nghe, hay đám Việt kiều có thẻ đảng, chớ dân Việt kiều thứ thiệt ai thèm nghe! Tui cũng tò mò nghe thử hắn hát rồi. Đúng là hát bè cũng không đáng! Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã công khai chê, thì sai sao được! Tui không đủ can đảm, cũng không đủ kiên nhẫn để nghe được nửa bài y hát! Lý Tống còn kỵ y ngàn lần Mười Lúa, nên đã tặng y một shot hơi cay làm kỷ niệm nhớ đời rồi!
Tôi chưa từng thấy một ca sĩ, một nghệ sĩ nào trước 75 mà hách dịch, phách chó, coi thường người khác, nhứt là coi thường khán giả, những người bỏ tiền ra nuôi mình như vậy! Ở cái xứ mù anh chột làm vua nên hắn còn kiếm ăn được. Ngày nào hết thời, sa cơ thất thế, hắn “hạ cánh” bên này, tui nghỉ muốn yên thân cũng khó, huống hồ chạy show kiếm tiền. Đừng có phách chó, chúng ghét nghe Đờm!
3. “Ca sĩ miền Nam dốt”.
Chắc người đọc cũng đoán ra ngay tui muốn nói “cao nhân” nào luôn, phải không? Nà cô làng Thanh Nam đi-và ở Hà Lội đấy nhé! Nguyên văn: “Miền Nam có nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông”. Bị thiên hạ chửi lại: “Nhiều người học tiến sĩ thanh nhạc, nhưng vẫn là thợ hát!”.
Cô ta chê thậm tệ môn phái hát Bolero phía trong. Mười Lúa tò mò cũng muốn xem coi cô ta hát hay cỡ nào mà phách dữ thần thiên địa. Trời! Nghe chưa xong một bản Hạ Trắng của TCS, tui bực bội tới độ muốn đập bỏ cái lap top! Nghe thêm một bản thứ hai, Diễm Xưa, tui nghĩ trong lòng: Nếu có ai ép tui phải nghe hết hai bản nhạc do con nhỏ này “thể hiện”, nếu không chịu nghe, sẽ bóp cò cái pằng vô màng tang, tui thà để người ta bóp cò chết quách, chớ không thể nào để bị cô ta hành hạ hai cái lỗ tai và hai con mắt cùng một lượt! Thiệt tình là tui đã từng rất mê nhạc Trịnh (thế hệ của tui ai mà hỏng vậy), nhưng từ ngày hắn lòi cái đuôi acqgtmcs, lên đài Sài gòn hát bài Nối Vòng Tay Lớn, vào cái ngày dép râu nón cối rầm rập nhập quan, là tui cho hắn ra rìa! Ngay cả nghe nhạc của hắn tui cũng không thèm nghe, và ai hát nhạc hắn tui cũng mất cảm tình! Tui ghét tận mạng cái bọn nội tuyến! Hai bản nhạc êm dịu, trữ tình, du dương,… từng mê hoặc lòng người thời VNCH, mà con nhỏ này nó rống, nó hát ép hơi như người nín địt (đánh rắm) nhiều ngày, cần phải xả vậy! Nó cũng bắt chước phong trào vừa hát vừa nhảy, nhưng nhìn nó nhảy, xin lỗi y như con khỉ mắc phong, phát ớn! Fans của “đi va” này thế nào cũng nổi điên khi nghe tui chê thần tượng của họ thậm tệ. Thế nào họ cũng nhảy đỏng lên, ca hoài cái câu xưa như trái đất: “Mười Lúa có biết “đồ rê mi fa sol la si” gì hông mà bày đặt chê người khác!? Wait a minute! Bộ không biết nấu ăn thì không thể chê nhà hàng nấu dở hả! Thằng đầu bếp nó dọn cám xú lên bàn, cũng không được chê à? Đừng có dùng lối nguỵ biện này để phản biện, xưa và thấp lắm nghen! Tui nói dở như hạch là dở như hạch! Hỏng tin mở thử nghe coi, có muốn đi tự vận không cho biết! Coi có bao nhiêu người ấn likes thì biết nó hay cỡ nào!
4. Phách chó kiểu nhà giàu.
Tiêu biểu cho loại phách chó này phải kể chị đại Nguyễn Phương Hằng. Chị Hằng “đếm hột xoàn”, luôn miệng kêu người thu hình hột xoàn của chị “thâu gần vô, chiếu gần vô,…” cho thiên hạ coi hột xoàn lớn cỡ nào, tính bằng bao nhiêu triệu đô! Chuyện của “người đẹp” này viết cả cuốn sách cũng không viết hết.
Ngay khi tui nghe cô này vô cớ lôi Trương Quốc Huy của N10 TV ra chửi, là tui nói với bà chủ nhà tôi liền: “Con mẹ này sắp đi gỡ lịch trong nhà đá!” Nghe hơi ngược đời phải không? Ai đời kẻ đi chửi “phản động” mà sắp bị đảng nhốt? Đoán vậy mới cao cơ! Trương Quốc Huy có thù cá nhân gì với bả như khứa PVM đâu mà bả chửi? Bả cũng đâu phải là loại bưng bô có tiếng xưa nay, tối ngày ra rả chửi “phản động”. Vậy, động lực nào khiến mẻ đào ông bới cha chú Huy nhà tui? Lý do duy nhứt là “lấy điểm”. Tại sao phải lấy điểm? Vì rục rịch bị vô lò nên lấy điểm để đảng ghi công mà mắt nhắm mắt mở cho qua phà! Sống cả đời với đảng mà không biết đảng là quá dở! Đảng chỉ biết lợi ích của đảng. Dù cha mẹ ruột nó cũng đấu tố. “Đẹp” và nhiều hột xoàn như chị là cái giống đách gì trong mắt đảng ta? Đảng nhốt xong, hốt sạch, coi như một công hai việc, một ná hai chim!
Khi nghe mụ kêu tên cúng cơm của ông chủ tịch thành Hồ PVM ra chửi công khai, tui cũng nói với bà chủ nhà tui liền: “Ngày ‘nhập kho’ của mụ này tới rồi!” Cũng dễ đoán mà! Cho dù PVM là tên cùng hung cực ác đi nữa, nhưng vẫn là người của đảng. Đụng tới “người nhà” của đảng, làm sao đảng không ra tay tức thì để bịt miệng! Xấu che, tốt khoe, đời nào chẳng vậy!
Tôi ghét loại người có tiền rủng rỉnh rồi coi thiên hạ như rơm rác. Có tiền mới có quyền nói. Có sắc đẹp mới có quyền lớn họng. Loại phách chó như vậy, lúc sa cơ, có ai chạnh lòng thương xót? Những người một tiếng chị Hằng, hai tiếng chị Hằng, giờ này ở đâu? Độn thổ để tránh liên luỵ còn không kịp, làm gì có chuyện ra mặt đòi “công lý” cho chị?
Cuộc đời lên voi xuống chó. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Giàu không phải là thước đo địa vị. Đẹp cũng không phải là tiêu chuẩn đo nhân cách. Đừng có phách chó chúng ghét.
5. Tiến sĩ thì muốn nói gì cũng được?
Ai thường theo dõi chuyện VN, đọc cái tựa, dư sức biết tui muốn nhắm tới ai liền. “Người đàn bà có nhan sắc của người đàn ông không đẹp trai” chớ ai vô đây. Không đẹp và quyến rũ như Ngọc Trinh thôi, nhưng là tiến sĩ đó nghen!
Tôi ở Mỹ hơn 40 năm, nên tôi bị nhiễm cái văn hoá của xứ này sâu đậm lắm. Người Mỹ luôn khen chớ không biết chê. Dù có xấu như ve kêu, họ cũng tìm ra một ưu điểm nào đó để khen đối phương. Tìm đỏ con mắt cũng không ra, thì họ cũng không chú ý đến những khuyết tật của người khác để chê bai đâu. Nhạo báng những khuyết tật của người khác là hành động vô giáo dục, là tàn nhẫn, là điều đại kỵ trong giao tiếp. Tôi thích cái văn hoá này lắm. Người ta lé, lùn, đi hai hàng, ngực lép, đít vêu, răng hô, mũi xẹp,… là khuyết tật không ai muốn. Có nhiều thứ trên đời đâu phải mình muốn là được. Mình sinh ra đẹp trai hơn người, thông minh hơn người, hoàn toàn không do mình tự chọn, vì nếu chọn được, ai ngu gì không chọn, và làm gì có người dốt nát trên đời này. Tất cả là do Thượng Đế ban cho, tui tin vậy. Cái thứ mình không tự tạo ra, thì có gì để hãnh diện, để làm phách? Có ai muốn mình sinh ra trong một gia đình nghèo nàn không? Có ai muốn mình sinh ra mà xấu như Chung Vô Diệm không? Cho nên đừng có đem những bất hạnh của người khác ra chế nhạo. Vui trên sự đau khổ của người khác là dã man lắm!
Tuy nhiên,cũng có ngoại lệ. Đó là trường hợp những người nổi tiếng (public figures), hay các chính trị gia nghen! Coi ông Trump nhạo báng ông Biden và ngược lại. Coi dân San Francisco nó ghét ông Trump rồi làm hình nộm với cái bụng phệ và cẳng giữa teo ngắt như hột đậu phông lép! Bà TS Đoàn Hương là một public figure, có mấy người không biết bà ta, nhứt là những phát ngôn để đời của bà ta. Những người chống ông Bùi Hiền, bà ta gọi họ là “đám quần chúng ngu dốt”; “hoa hậu đúng là con điên, không ai lấy con điên làm vợ”; “Đàn bà là giống cực kỳ khó hiểu. Các vị không thể biết hết được người đàn bà đang nằm cạnh mình đâu. Đừng nghĩ rằng nó nằm cạnh mình, nó ôm mình, nó âu yếm mình, nó yêu mình, nó là của mình. Có khi nó lại của ông hàng xóm”;….
Đó là ý kiến cá nhân của mụ ấy, trúng sai gì kệ đi! Nhưng tui bịnh nhứt khi nghe bà ta kể chuyện về các công nhân Mỹ ở thành phố New York lúc tan sở. Nghe bà ta kể cho đám sinh viên ngồi ngóc mỏ lên nghe, tui có cảm tưởng bà đang tả cái cảnh tượng của thời kỳ nô lệ cả ngàn năm trước. Tội nghiệp những người “chỉ đi mưa” (chưa đi Mỹ), phải nghe những lời dối trá, bịa đặt, nhồi sọ một cách hết sức trân tráo, trơ trẽn của mụ ấy. Người nào sống ở Mỹ, nghe bà ta kể chuyện nầy, đều cảm thấy bà ta rất đáng khinh! Trình độ của một bậc TS mà tệ hại đến mức đó sao! Có ai tìm được cái clip này, làm ơn bỏ lên dùm cho mọi người nghe thử coi tui có nói sai không. Ngay cả tên một thành phố nổi tiếng khắp thế giới mà bà ta, một TS, cũng không biết phát âm ra sao. New York được bà ta đọc là Niêu-Ót!
Cái đáng ghét nhứt của “người đàn bà có dung nhan của người đàn ông không đẹp trai” này là cái thái độ hách dịch, trịch thượng, dùng chữ “phách chó” cho dễ hiểu!
Bài đã quá dài. Định viết về anh Vượng Vin, mà chắc phải ngừng. Chỉ nhắn với anh Vượng vài câu: Anh ở bển có kẻ chống lưng, có kẻ ăn chia, anh tha hồ hốt bạc trên xương máu và mồ hôi nước mắt của hàng vạn số kiếp. Anh giàu số một của xứ Waxakila là chuyện không có gì khó hiểu. Anh sang đây, chớ có phách chó mà có ngày cái quần tà lỏn cũng không còn để bó cái cẳng số ba của anh. Ngày đó không xa đâu! Xứ này cạnh tranh công bằng, không ai làm ô dù cho anh. Quan trọng nhứt, nơi đây có rất nhiều cao thù võ lâm đáng bậc sư tổ của anh. Elon Mask chỉ hắt hơi nhẹ một cái, anh đi ăn mày liền! Tôi là người Việt, đáng lẽ tui phải vô cùng hãnh diện khi có một người Việt thành công làm rạng rỡ giống nòi, nhưng cách làm ăn của anh hoàn toàn không có gì để tui tự hào cả. Ngược lại còn thấy xấu hổ!
Tôi viết bài nầy không phải chỉ nhắm vào tên trẻ trâu nón cối dép râu Xuân Bắc, vì hắn ta chẳng là cái đinh gì trên đời này mà phải chú ý cho mất giờ! Tui muốn mượn hành động trẻ trâu của hắn để tào lao thêm nhiều chuyện khác. Viết coi có ai bị “thốn” hay không? Thốn thì chừa! Chưa thốn thì chớ bắt chước chi cái văn hoá “phách chó” cho chúng ghét! Vậy thôi!
Má tui hay xài cái chữ “phách chó”dữ lắm. Má tui mà còn sống, thế nào bả cũng tặng cho lũ này một câu “đồ cái thứ phách chó!”
Peter Tran