ÔNG GIÀ CÀ TỬNG (Hải Phong)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ông Già cứ đi qua đi lại trước gian hàng, ngắm nghía. Từ hơn tháng nay, mỗi tuần đến đây mua báo, Ông Già lại dừng chân ngắm tới ngắm lui mấy kiểu điện thoại cầm tay kiểu mới, thích thú lắm.

Ông Già chưa dám mua vì mấy lần ông nói gióng lên về việc mua điện thoại cầm tay thì đám con của ông lại đồng thanh gào lên:

– Bố chỉ vẽ! Người ta đi làm đi lụng, hay buôn bán mới cần, bố già rồi, liên lạc với ai đâu mà bày đặt, mỗi tháng phải đóng tiền cho phí, chỉ tổ nuôi hãng điện thoại thôi.

Mỗi lần thế, Ông Già lại cụt hứng tiu nghỉu, nhưng cũng vớt vát:

– Chúng bay nói thế chứ bên Cali ấy à, ngay cả bà già ngồi bán rau muống trước các cửa hàng cũng có điện thoại cầm tay. Ai nhà quê như chúng bay! Hừ hừ…

Ông Già kể đi kể lại cho đám con nghe cái chuyện ông sang Cali, đi giữa xứ Mỹ mà cứ như đang ở quê nhà, không có bóng dáng ông Mỹ nào. Người Việt ta thì lại quá sức…Việt Nam! Có bà già ra đường mặc quần đen, áo bà ba, đội nón lá, chân đi dép! Ông Già thấy lạ mắt cứ đi theo sau nhìn, bà già đang đi thì: “reng, reng” bà rút trong túi áo bà ba, xỉa chiếc điện thoại cầm tay: “hello, rồi, má nghe rồi, hai chục hột vịt lộn, hả? cái gì nữa? nói lớn coi, ừa, ừa… hai trái dừa xiêm, bye” một cách rất ư là Mỹ! Người ta văn minh thế, chứ ai như bà vợ với đám con của ông, hủ lậu, lại bần tiện.

Bây giờ đứng trước cửa tiệm, cơn ghiền của Ông Già lại nổi lên. Ông mạnh dạn bước vào, cầm chiếc điện thoại lên tay ngắm nghía. Cô hàng đon đả:

– Bác mua đi bác, kiểu đó mới về. Sắp tới Father’s Day rồi, nhiều người mua kiểu này lắm đó bác, để tặng cho Cha.

Ông Già nghĩ đến đám con mà rầu não ruột. Một tia sáng chợt lóe lên trong đầu ông. Ờ há, năm nào tới Father’s Day, tụi con ông cũng mua quà tặng Bố, thì năm nay nếu tụi nó hỏi, ông sẽ nói là ông chỉ thích cái điện thoại cầm tay thôi, chúng nó nỡ lòng nào từ chối chứ. Ông Già lim dim đôi mắt, gật gù cười mím chi cọp một mình, tưởng tượng ra lúc đi họp Hội Người Già, ông nghênh ngang bước vào, chiếc điện thoại giắt ngang thắt lưng! Ông quả quyết: nhất định phải mua, nếu các con ông không mua tặng ông thì ông sẽ tự bỏ tiền ra mua. Sao phải nghe chúng nó chớ!

Y như rằng đến cuối tuần họp mặt cả nhà đông đủ, đám con đem chuyện mua quà Father’s Day ra hỏi ý ông, Ông Già vừa tuyên bố:

– Bố thích cái điện thoại cầm tay.

thì đứa cháu ngoại 6 tuổi của ông phang luôn:

– Ðiện thoại nào mà chẳng cầm tay! Hổng lẽ Ông Ngoại cầm điện thoại bằng chân!

Cả đám con ông lại nhao nhao lên vẫn với các lý lẽ cũ, chán ngấy. Ông gạt đi:

– Bố chỉ mua để phòng hờ khi cần thôi, chẳng hạn tuần trước, ư…ư, bố vào chợ mua hành lá cho mẹ mày, xỉu ngay giữa chợ, giá có cái điện thoại cầm tay thì hay biết mấy!

– Hi hi, bố có xỉu thì lúc đó cũng nằm ngay đơ cán cuốc ra rồi, ở đó mà điện thoại, thôi đi bố ơi. Không mắc lừa bố đâu. Thôi, tụi con quyết định rồi, mua cho bố cái ghế đấm lưng!

Ông Già tiu nghỉu đi vào phòng, không thèm cãi với đám con nữa. Ai dè, ông nói chơi để hù đám con thôi mà thành thiệt. Hai hôm sau, Ông Già ra ngân hàng rút tiền để đi mua điện thoại, đang loay hoay với cái máy rút tiền thì ông lảo đảo rồi xỉu tại đó. Nhân viên ngân hàng đổ xô ra đem ông vào, bóp trán, giật tóc mai, gọi xe cấp cứu đưa Ông Già vào bệnh viện. Ở nhà, vợ ông cứ như lửa đốt, đi ra đi vào, bỏ cả cơm nước, ra balcon đứng ngóng không biết chuyện gì xảy ra mà đến giờ cơm ông cũng chưa về? Thói quen của ông, đi đâu thì đi, nhưng đến giờ cơm thể nào ông cũng mò về nhà, ăn xong lại đi tiếp! Bà vợ ông thở dài sườn sượt, đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, phone cho đám con hết nhà nọ sang nhà kia hỏi xem ông có sang nhà chúng nó không? Mãi đến chiều tối, bệnh viện mới gọi về báo tin. Cả nhà đổ xô vào thăm, Ông Già được thể, làm tới:

– Ðấy, bố đã nói, có cái điện thoại cầm tay thì mẹ chúng bay đâu phải lo sốt vó từ trưa đến giờ!

Ðám con bàn đi tính lại, chẳng phải chúng thấy Ông Già có lý, mà chỉ lo lỡ ông có chuyện gì mà chưa hoàn thành tâm nguyện thì sau này chúng ân hận. Nên cả đám cử một đại diện là cậu Út đi mua điện thoại cho Ông Già. Nói chuyện này ra, ông anh rể cười:

– Ổng còn khôn lắm, chưa “đi” sớm vậy đâu bay ơi! Ổng nói với tao hôm ở ngân hàng, ổng bị xỉu có mấy phút thôi, cô đầm giật tóc mai mấy cái là ổng đã tỉnh rồi, nhưng ổng mở he hé mắt ra thấy cô đầm đang xoa trán xoa tóc cho ổng, nên ổng khoái quá lại giả vờ nhắm mắt lại. Tụi bay trúng kế Ông Già rồi!

Nhưng lỡ hứa rồi, đám con vẫn quyết định mua điện thoại cho Ông Già. Ông cho đám con địa chỉ cái tiệm mà ông vẫn đến ngắm nghía điện thoại. Trước đó, Ông Già đã đến tiệm, dặn cô bán hàng:

– Cô nhớ nhé, nhớ nói là cái kiểu này tốt nhất nhé, nhớ nói là các kiểu khác bán hết rồi, nhớ đấy…

Dặn dò xong, tả hình dáng cậu con út với cô bán hàng, dặn dò cô nó mặc áo màu gì, quần màu gì xong, Ông Già thơ thới hân hoan ra về. Chỉ tội cho cậu con út, hôm đi mua điện thoại, không hiểu ất giáp gì mà từ xưa tới giờ cái Ông Già lười nhất thế giới lại dậy sớm, ủi cho cậu bộ quần áo, cái quần màu xanh ve mà lại đi với cái áo đỏ thật rực rỡ, trông rất ư là mauvais goût, thế mà nhất định bắt cậu phải mặc đúng cái bộ ấy cho…hên!

Thế rồi, Ông Già có chiếc điện thoại đúng như ông mơ ước. Ông nâng niu quý hóa lắm. Ði đâu ông giắt vào thắt lưng mang theo, trời lạnh ông cũng không dám khoác áo ngoài, sợ che mất cái điện thoại, người ta không trông thấy. Nhưng ông không bao giờ mở điện thoại, sợ hết pile!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về tới nhà, ông cất chiếc điện thoại lên đầu tủ cao thật cao để đám cháu không đụng tới được. Lâu lâu, ông lại vào phòng làm việc của cậu con út, kiếm cái hộp đựng giấy ướt mà cậu mua để lau chùi màn ảnh máy vi tính, rồi rút một tờ ra, chùi tới chùi lui cái khung kính nhỏ xíu của chiếc điện thoại xinh xinh. Làm một hôm cậu út la toáng cả nhà lên mắng đám cháu một trận tưng bừng, vì hộp giấy lau kính nào có rẻ đâu, mua chưa đầy một tháng đã hết sạch sành sanh!

Vợ ông hỏi số để đề phòng thỉnh thoảng có cần bó hành củ tỏi gì thì gọi để nhờ mua, ông chơi khôn, cho số, nhưng ghi ngược hai số cuối, báo hại bà già gọi hai lần thì cả hai lần là Tây trả lời. Bà Già tức sôi ruột, làu bàu luôn miệng. Các con ông luân phiên gọi thử thì lúc nào cũng là cái máy trả lời là điện thoại không mở. Chúng hỏi thì ông cãi cối cãi chầy là có mở chứ, nhưng nhét trong túi áo măng tô, không nghe kêu. Riết rồi ai cũng chán, chẳng để ý đến việc gọi cho ông nữa.

Một ngày kia ra chợ Việt Nam mua rau muống cho vợ, Ông Già định lấy le, rút điện thoại ra gọi thử thì hỡi ôi! Máy trả lời là ông hết tiền trong điện thoại rồi. Cái điện thoại mua mấy tháng nay, ông đã mở ra bao giờ đâu mà dám nói là ông hết tiền trong máy. Láo thật! Hỏi đám con thì chúng bảo đến ngày mà bố không “châm” thêm tiền vào cho nên mất hết tiền tích lũy trong đó. Chưa kể là nó còn cắt luôn đường giây của ông!

Biết có nhờ đám con cũng chẳng đứa nào giúp, ông đành gọi phone cho ông con rể, nhờ can thiệp dùm. Ðầu giây bên kia, anh con rể làu bàu:

– Trời ơi! Ðêm qua con trực tới 4 giờ sáng, mới bảnh mắt ba gọi phone kiểu này thì chết con rồi. Thôi, đằng nào ba cũng đâu có xài điện thoại đâu, bỏ thêm tiền vô mần chi? Nếu chỉ mang điện thoại để lấy le thì mang điện thoại….không tiền cũng được rồi!

Ông tức điên người, tự ra hãng điện thoại khiếu nại, ấy thế mà cũng xong.

********

Thấm thoát, mgày mai lại đến ngày đi sinh hoạt hàng tháng của Hội Người Già rồi, ông nhất định lấy le chơi! Lần này là ông quyết tâm xài thiệt đó, không phải giỡn đâu.

Ðến giờ đi, ông dặn vợ ông:

– Này Bà Già, “người ta” đi họp Hội Người Già nhé! Sợ quên giờ uống thuốc, đến đúng 2 giờ, Bà Già nhớ phone nhắc người ta uống thuốc nhé, nhớ đấy, quan trọng lắm đấy…

Lần này thì Ông Già ghi số phone cẩn thận lắm, không ghi ngược hai số cuối nữa. Rồi lại sợ bà vợ quên, để cho chắc ăn, Ông Già lại gọi ông con rể ra, dặn dò:

– Bà Già hay quên lắm, anh nhớ nhé, đến 2 giờ 5 phút anh gọi nhắc tôi uống thuốc nhé.

Anh con rể biết tỏng Ông Già rồi, cười cười:

– Rồi, ba cứ yên tâm, nhớ mở phone. Tới 2 giờ 5 phút con sẽ gọi cho Ông Già mở điện thoại ra lấy le với các cụ!

– Ấy, anh thật biết điều. Nhà này chỉ có anh là hiểu tôi.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hai giờ năm phút. Ông Già đang đi qua đi lại trong phòng sinh hoạt của Hội Người Già. Ðây đó, các cụ túm năm tụm ba, nhóm thì xoa mạt chược, nhóm thì đánh tổ tôm, vui ra phết. Ông Già thì chẳng có bộ môn nào ra hồn, cứ đi tới đi lui, nóng lòng chờ tiếng điện thoại reo, thì:

– Tằng tằng tăng tăng… tinh tinh, tinh tinh, tinh tinh… tằng tằng tằng tăng tăng…. tinh tinh, tinh tinh, tinh tinh…

tiếng điện thoại tân kỳ trong giòng nhạc Beau Danube Bleu thánh thót vang lên trong căn phòng kín, mọi người đổ xô mắt nhìn về phía có tiếng nhạc điện thoại ngân nga.

Ông Già giật thót người, lần đầu tiên nghe tiếng điện thoại của chính mình vừa “hát” inh ỏi, vừa rung rung đập bình bịch vào mạng sườn, ông giật bắn người, luống ca luống cuống. Ông vênh mặt lên, loay hoay mãi chưa rút được chiếc điện thoại ra khỏi chiếc bao bằng da giắt ngang thắt lưng thì một cậu trẻ, đang ngồi chờ mẹ cậu đánh mạt chược, thấy thế chạy lại giúp Ông Già. Ông lúng ta lúng túng, đưa điện thoại lên áp vào tai, cười duyên dáng: “a lô, a lô” mãi không nghe được gì ráo trọi. Cậu trẻ lại cười:

– Ông ơi, ông phải bấm vào nút này mới nghe được.

Ông Già quê xệ tẽn tò, chữa thẹn:

– Cám ơn cháu, thiệt tình! Mới đổi cái điện thoại mới, chưa quen, hì hì…

Cả đám ông già bà cả trong phòng cười vuốt đuôi theo:

– Hì hì….

*******

Chị bạn tôi đang lái xe bon bon, rà rà thắng khi chiếc đèn vàng đằng trước vừa bật sáng, nghe tôi kể tới đó thì cười ngất, nói:

– Ông Già đó hình như hơi hơi “cà tửng” bà nhỉ?

Tôi cười theo:

– Cà tửng quá chớ còn hơi hơi gì nữa.

– Mà cũng cà chớn nữa, phải không bà?

– Ừ, thì cũng hơi hơi…

Xe đi gần đến khu thương xá. Bà bạn bẻ tay lái rẽ vào, loanh quanh tìm chỗ đậu xe, nhưng vẫn thắc mắc về cái chuyện Ông Già, chị hỏi tôi:

– Ủa, ai kể bà nghe chuyện cái Ông Già kỳ cục đó dzậy?

Tôi lắc đầu:

– Ðâu có ai kể đâu.

– Vậy chớ sao bà biết? Bà quen ổng à?

Tôi chợt nghệt mặt ra:

– Thì… thì… ổng là… Ông Già tui mà!

Hải Phong