ÔNG GIà BA TRI (Brian Vu/ SaiGonTrongToi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of one or more people

*** Giai Thoại Nam Kỳ

Ông già Ba Tri hay già Ba Tri là một nhân vật có thật có thật trong lịch sử, tên Thái Hữu Kiểm hay còn gọi là Cả Kiểm, sống vào đầu thời Minh Mạng (tức khoảng đầu thế kỷ 19). Ông nổi tiếng với chuyện cùng mấy ông già khác, đã không ngại khó khăn, đi bộ từ huyện Ba Tri, Bến Tre ra tới Kinh thành Huế để nộp đơn kiện cho vua Minh Mạng, đòi lại công bằng cho những người dân ở Ba Tri.
Cho tới nay, cụm từ “Ông già Ba Tri” đã trở thành một thành ngữ phổ biến trong dân gian, để chỉ những ông già gân, cứng cỏi, cương quyết đấu tranh để bảo vệ công lý cho đến cùng.
Ông Thái Hữu Kiểm là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, gốc ở Quảng Ngãi, sinh cơ lập nghiệp ở Ba Tri từ thế kỷ I8. (BV/Sài Gòn trong tôi) Ông Xưa từng có công giúp chúa Nguyễn Ánh, được phong chức “Trùm cả An Bình Đông” quận Ba Tri.
Lúc đó là năm 1742, năm Cảnh Hưng thứ 3, ở phủ Tư Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi) vào mùa gió Nam, có một đoàn người xuống ghe bầu xuôi theo biển Đông đi về phương Nam, vào khai hoang vùng đất Ngao Châu (nay là huyện Ba Tri, Bến Tre). Người dẫn đoàn người di cư ấy tên là Thái Hữu Xưa. Ông Xưa có mang theo người con trai là Thái Hữu Chư và người cháu nội là Thái Hữu Kiểm.
Đến năm Canh Thìn 1806, năm Minh Mạng thứ 5, lúc này, cậu bé Kiểm ngày nào đã lớn, trở thành một người đàn ông khỏe mạnh, lực lưỡng, gan dạ và dũng cảm. Ông Kiểm có công lớn trong việc thuyết phục hàng trăm hộ dân vùng miền Trung vào khai phá xứ hoang sơ, nê địa Ngao Châu.
Do có những công trạng đó nên ông Kiểm được vua phong là Bác Phẩm Bá Hộ, rồi lần lượt lên chức Trùm Trưởng, Trùm Cả ở làng An Bình Đông (vùng thị trấn Ba Tri ngày nay).
Năm 1806, ông Kiểm cho xây dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, giúp cho dân cư ở khu này có nơi làm ăn sinh sống. (BV/Sài Gòn trong tôi)
Trước đó, ở làng An Hòa Tây, cách chợ An Bình Đông chừng 3km đã có chợ, gọi là chợ Ngoài. Sau khi lập chợ Trong thì chợ Ngoài mua bán thưa thớt dần. Tên Xã Hạc (không phải Cai việc Hạc) dĩ nhiên nổi cơn thịnh nộ, tức giận vì mất lợi nhuận và vì sĩ diện, đã sai dân làng hắn đắp đập ngăn con rạch ở xã này để chắn lối, không cho ghe thuyền khách thương hồ từ sông Hàm Luông vào chợ Trong.
Bất bình trước hành động ngang ngược của tên Xã Hạc, cụ Kiểm đã làm đơn, thuyết phục dân làng An Bình Đông đồng ký tên… rồi cùng dân làng lên huyện kiện Xã Hạc. Tên quan huyện do ăn hối lộ, đút lót của tên Xã Hạc nên bênh vực cho hắn ta và vì thế, đơn kiện của cụ Kiệm dĩ nhiên là bị xử thua. (BV/Sài Gòn trong tôi)
Không chịu thua, cụ Kiểm tiếp tục mang đơn lên Phủ kiện tiếp. Tại Phủ, cụ Kiểm lại bị thất kiện vì trên Phủ phán rằng: “Người ta đắp đập trong xã người ta mà kiện tụng cái gì?”.
Uất ức vì bọn huyện, phủ ăn của hối lộ đã xử ép mình, cụ Kiểm đã cương quyết đưa vụ bất chính kia ra đến triều đình.
Già mà gân, ông Kiểm nói: Kiện lên quan hổng được, lão kiện lên… vua.
Ngặt một nỗi, thời đó làm gì có internet hay báo chí, nên ổng hổng thể dùng smart phone hoặc gửi email hoặc lên blog để kêu cứu vua được! Con đường chắc chắn nhất để khiếu kiện là… đi bộ ra kinh đô gặp vua.
Không chấp nhận phán quyết bất công trên. Ông Kiểm liền cùng hai kỳ lão là Tham Trưởng Nguyễn Văn Tới và Hương Trưởng Lê Văn Lợi cùng đi để làm nhân chứng.
Thế là cả ba người cùng nhau khăn gói quả mướp với cơm đùm, cơm nắm, và ít tiền lộ phí dọc đường, đi bộ từ Ba Tri ra kinh thành Huế (lộ trình khoảng hơn 1000 cây số) – để đưa đơn lên nhờ vua phúc thẩm lại phán quyết bất công kia của phủ và huyện.
Các bạn biết từ Ba Tri ra Huế bao xa hông? Theo bản đồ hiện nay với đường sá đàng hoàng là chỉ có khoảng … 1.035 cây số thôi hà! Mà hồi đó dĩ nhiên là hổng có xe khách chất lượng cao với giường nằm, lại càng hổng có xe lửa, tàu thủy hoặc máy bay gì ráo trọi. Những tuyến đường đi lại ở miền Tây thời đó thì sông rạch chằng chịt chứ đâu có quá xá mấy cây cầu dây văng hiện đại hoặc xa lộ như thời bây giờ.
Sáu tháng vượt truông, băng suối qua hơn ngàn cây số nhưng ba cụ vẫn bền chí và không nản lòng. (Sài Gòn trong tôi – Nguyễn Nhật Minh Hiếu)Cuối cùng, Trời đã không phụ lòng người, ba kỳ lão kiên cường cũng đã tới kinh thành Huế để đệ đơn kiện lên vua Minh Mạng.
Sau khi xem xong đơn kiện và nghe hết sự tình, Vua Minh Mạng hết sức cảm phục trước ý chí kiên cường của ba kỳ lão Ba Tri. Vua bèn cho gọi cụ Kiểm và hai kỳ lão cùng vào hầu để hỏi rõ thêm chi tiết. Sau khi vua biết được lợi ích của dân làng An Bình Đông và quanh vùng bị Xã Hạc cậy quyền, cậy thế và cậy của bức hiếp, vua bèn truyền lệnh cho phủ và huyện phải cho phá đập ngay bởi rạch là rạch chung.
Sau vụ đó thì chợ Trong có tên mới là chợ Đập và sau khi đã được thông thương, chợ Trong đã phồn vinh, việc buôn bán của cư dân trong vùng đã sầm uất trở lại. (BV/Sài Gòn trong tôi)
Thế là từ đó, ông Kiểm được người dân tặng cho cái biệt danh thân thương là “Ông già Ba Tri”. Và cũng từ đó, thành ngữ Ông già Ba Tri ra đời để chỉ mấy ông già gân, đã dám chơi là chơi tới bến!
***
Trùm Cả Thái Hữu Kiểm là một điển hình về bản tính cương trực, bản lĩnh, bất khuất trước cường quyền, đã can đảm đứng lên đấu tranh vì công lý, đem lợi ích về cho người dân. Từ đó, thành ngữ “Ông già Ba Tri” đã trở thành một thành ngữ chung để chỉ cốt cách cương trực, thẳng tính của những con người phương Nam.
Ngày nay, ngôi nhà từ đường của dòng họ Thái Hữu, nằm bên con đường mang tên Thái Hữu Kiểm ở thị trấn Ba Tri, Bến Tre.
(Brian Vu/ Sài Gòn trong tôi)