Ơi, EM BÉ VIỆT-NAM! (Trần Thúc Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Unsafe water and sanitation still account for a significant number of communicable diseases, with three million children deprived of clean water.
Chuyến tàu ấy ngày đưa ta về Nam,
Trời phương Bắc còn nguyên màu trắng đục,
Quê-hương cũ tặng ta bao nhiêu điều…
……………….
Những thương tâm đã bật máu đôi môi,
Những gian-lao đã đủ lệch vai người…
Bỏ lại sau lưng của bảy năm trên đất Bắc , mà quê-hương của thuở thiếu thời là Thái-bình, bỏ lại sau lưng trại giam cuối là Cổng Trời (mà nếu phải đi tiếp nữa sẽ là lên .. cõi trời..) sát biên-giới Việt-Trung với núi đá vôi khô khốc…Bỏ lại những nấm mộ của anh em đã trở thành xiêu-lạc từ trại giam này đến trại giam khác… Đoàn tàu đưa số tù còn may mắn kế tiếp nhau từng đợt xuôi dần về Nam…
Và đây, mừng tủi khi chuyến tàu đã chuyển dần vào ranh-giới Quảng-trị,
Đây rồi nhé oà vui trời Quảng-trị
Cổ thành xưa bừng dậy chiến công xưa,
Sông Nhỉ ngẫn ngơ – Phò-trạch đón ta về
Nghe trong gió nỗi đau còn lẫn khuất…
Đoàn taù đã vào ga Huế, có lệnh cấm không cho ai đến gần.. Nhưng khi biết tin đoàn tàu chở tù từ Bắc vào, một vài người phu-nữ bán rong đã cố-gắng tiếp cận với cái mẹt bánh kẹo nhỏ bé, ráng hết sức quăng lọt vào cửa sổ toa,,, mặc cho bảo-vệ rượt đuổi…sự xúc động của các chị tràn lên trong đôi mắt,,,
Đó là năm 1982, tù chưa được về, họ bị đưa tiếp vào Xuân-lộc – Long-khánh.. Nhưng phân trại D1, D2, D3..Z1, Z2, Z3… cầm giữ không biết được ngày về! Nhưng dù sao vấn-đề thăm nuôi người tù cũng giảm bớt cho thân-nhân bao nhiêu là gian khổ nếu ra Bắc rồi lặn lội vào rừng vào núi bằng xe trâu của người dân-tộc!
Kinh-tế tập-trung, ngăn sông cấm chợ, công-nhân nhà nước còn thiếu trước hụt sau,, ngoài dân thì thê thảm hơn, huống chi là tù, mà lại là tù “cải tạo” … Toàn dân mua kèm theo khẩu-phần phân-phối gạo là khoai, sắn, bobo… Nói là gạo nhưng đầy bông cỏ hoặc sạn …Tù thì phải lao-động từ đất để có cái ăn + nộp cho trại theo chỉ-tiêu..
Kẻm gai bao la bao quanh trại để giữ tù khi cho tù ra ngoài trồng tỉa hoặc thu hoạch,, Những ngày ấy phiá ngoài hàng rào, một số em bé tóc tai cháy nắng, áo quần xốc xếch, chân không giày dép quanh quẩn bên ngoài, đôi mắt trẻ thơ nhìn những người tù và những củ khoai củ mì họ vừa lật từ đất lên… Chúng là con cái của những ngôi nhà nghèo khổ nằm dưới chân núi Chứa-chan,,,
Kín đáo liếc nhìn mấy tên quản-giáo, vài ba người tù cải-tạo nhanh tay vụt mạnh ra ngoài cho các em củ khoai, trái bắp.. Tù thì đông, nếu phát hiện thì chẳng bắt được tay ai, những tên canh tù nhanh chân chạy vòng ra ngoài cổng rào đuổi theo với chiếc gậy trên tay.., sự tức giận của chúng không chỉ là giật lại…mà củ mì củ khoai ấy sẽ bị ném mạnh xuống đất và chà dí nát bỡi bàn chân của chúng…
Trong các bé thơ quen mặt khốn-khổ ấy, sau này nhà tôi, TrầnThúcVũ, đã gặp lại trên chuyến tàu hỏa, một bé gái đã trở thành một người “nhảy tàu” rất giỏi, một cái “nghề” xem như đánh đu với sinh mạng của mình: Những người đi buôn chuyến, họ tránh bị bắt hàng, hay bị đủ thứ thuế, từ quản-lý thị-trường, đủ loại từ dưới ga cho đến trên tàu.. họ thuê người ôm hàng nhảy xuống trước khi tàu vào ga,,,
Và đây là Bài Thơ đau xót của nhà tôi (Anh ấy đã ra đi từ tháng 6.2005):
ƠI, EM BÉ VIỆT-NAM!
Viết cho những em bé Việt-nam khốn-khổ trên cánh đồng đày đọa Z.30A, Xưân-lộc,
Ơi, Em bé Việt-nam-thống-khổ!
Lỡ sinh ra giữa buổi nhiểu-nhương
Dẫu bom đạn đã lui về quá-khứ
Mà đời em còn nặng chĩu tang-thương,
“Thời-đại mới” của bao ngày ngóng đợi
Là đây em, đói rét với lầm than
Bao nước mắt, máu xương đem đánh đổi
Được gì không hay chỉ những cơ-hàn!
Thôi vậy nhé! Giấc trưa cơn nắng đổ
Em lang thang trên từng thửa “ruộng tù”
Nắng cháy xém che thịt da vàng vỏ
Tìm thấy gì trên những luống khoai, ngô!
Bắp đã bẻ và khoai kia đã rỡ
Sắn đã đào trơ lại gốc tiêu sơ
Những trái bắp, củ khoai ta dấu vội
Thân-phận tù mà vẫn đỡ hơn em,,
Vẫn còn chút dành cho em lả đói
Bé thơ ơi, lòng thẹn bóng đêm đêm!
Roi từng vết quặn thân em bỏng rát
Phận đói nghèo đâu phải lỗi nơi em
Em có tội chỉ bỡi sinh nhầm lúc
Buổi nhiểu-nhương sao có được buồng tim!
Ta cam chịu những gông xiềng đày ải
Chỉ xin em giữ lấy mảnh trời chung
Quê-hương đó bao nhiêu rồi dầu dãi
Năm mươi năm nào thấy sớm mai hồng,
Ta cúi mặt xin vì em nhận lỗi
Lòng thẹn lòng đâu lẽ một mình ta
Ôi, những kẻ quẩn quanh danh với lợi
Ngoãnh mặt đi quên bẵng cả sơn-hà!
Em đau xót cùng ta cơn khốn cực
Chung cùng em xơ-xác cuộc trăm năm
KHOAI MỘT CỦ KHÁT-KHAO TỪ BỮA TRƯỚC,
SẮN TỪNG CHIỀU SAY-ĐẮNG-CẢ-QUÊ-HƯƠNG!
Thôi đành vậy, vẫn riêng nguồn hạnh-phúc
(Hạnh-phúc đời dẫu chỉ mẫu khoai kia)
Ta tự hỏi nào ai người thấu được
Lòng yêu-thương một chút ngọt-ngào chia
Bao nhiêu buổi đông tàn,
Bao nhiêu cơn nắng hạ
Mà đời em chưa một buổi xuân thơm
Mắt ngơ-ngác giữa dòng đời sỏi đá
Đời dạy em ngổ-ngáo những hờn căm
Hỡi em bé Việt-nam nhọc-nhằn lả khát
Lại đây em, xin nhận chút cơm tù
Ta đổi lấy bằng mồ-hôi nước mắt
Bằng bấy nhiêu chua xót cuộc đời ta
Và thêm nữa, cả bằng lòng hèn nhát
Vì bao năm lơ-đểnh một sơn-hà!
Bao năm đã qua đi em đã lớn
Ta đã buồn trắng xoá cả canh thâu
Em đã lớn nhưng đời chưa quá muộn
Vì tương-lai khuây-khỏa vết roi thù
Đất Mẹ đã nghẹn-ngào lên tiếng gọi
Hàn gắn đời bằng những đoá yêu-thương
Tan-tác đã đủ chưa lòng oán-hận!
Máu còn tanh sao nỡ mãi căm hờn!
Em biết đấy, bao hồn oan rên xiết
Dưới mồ sâu tủi nhục vẫn khôn nguôi
Dẫu thắng, bại vẫn “nồi da xáo thịt”
Thì xin em chắp lại mạch hương đời!
Hỡi cô bé Việt-nam một thuở nào tóc cháy
Giữ cho hồn thơm mộng buổi tròn trăng
Để nhớ thương từ thoáng chốc Thu sang
Để rộn rả như Xuân ngoài cửa nắng
Hãy khuây lãng một thuở nào mật đắng
Những lằn roi bầm tím buổi chiều xưa
Mưa lẫn nắng bủa vây “Thời táng tận”
Để một lần có được nắng đong đưa…
Xuân-lộc, 1984
Trần-Thúc-Vũ,