Nốt Nhạc Buồn (Chu Lynh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

…Không tìm được bác sĩ trực, thân nhân đành lấy chiếc xe đẩy vật liệu giữa sân bệnh viện, xúm nhau đẩy bệnh nhân xuống phòng cấp cứu. Tại đây, một bác sĩ lớn tuổi xua hết mọi người ra khỏi phòng, chỉ cho phép người mẹ và người anh ở lại.

Từ một căn phòng bên cạnh, có tiếng nhạc hiệu bắt đầu chương trình truyền hình buổi tối.

Một y tá đến đo huyết áp.   Bác sĩ rọi đèn vào mắt, xem mạch và nhíu mày. Dường như ông vừa nhận ra điều gì khác thường. Ông dùng xâu chìa khóa cạo lòng bàn chân, bàn tay, nách, nhấc cao hai cánh tay khẳng khiu, rồi ông lắc đầu nhìn vào đôi mắt kỳ lạ của bệnh nhân. Ông chích một mũi thuốc. Ông lại lắc đầu. Có lẽ ông biết mình đang hành hạ một cái xác.

Thân nhân theo dõi từng động tác của bác sĩ. Một lúc sau, ông và cô y tá cùng rời phòng.   Thân nhân cảm thấy phải làm một cái gì trong cơn tuyệt vọng. Họ tìm mua được một xô nước đá, nhúng khăn đắp lên đầu, lên ngực, rồi liên tục xoa nắn tứ chi. Họ cũng đang hành hạ một cái xác.

Ðó là bệnh nhân đặc biệt ở bệnh viện Bình Dương. Sau ngày tiếp thu, bệnh viện trở nên tồi tệ về mọi mặt. Từ một tháng nay, bệnh nhân và thân nhân trong phòng quả quyết ngoài sốt rét, người thanh niên bị tâm bệnh nặng bởi một uẩn khúc nào đó. Mỗi chiều, họ chứng kiến anh lên cơn sốt, khi vật vã trên nền xi măng dơ bẩn, khi mê man như đã trút hơi thở. Người ta thấy suốt ngày anh nhìn trần nhà như đối diện một cái gì vô hình vô tướng, hay chờ đợi một người nào đó ngoài những người thường đến thăm.

Người anh đã thuyết phục được một linh mục đến làm các nghi thức cuối cùng cho đứa em của mình. Vị linh mục mặc thường phục, kín đáo đọc kinh và xức dầu thánh một cách ngắn gọn. Ông đến cám ơn bác sĩ và rời ngay phòng cấp cứu như một chiếc bóng.

Thật bất ngờ, mọi người cùng đứng lên tránh xa bệnh nhân làm thành một vòng tròn. Họ đứng như những pho tượng, chăm chăm nhìn vào đôi mắt nứt nẻ vẫn còn mở lớn của anh, mong tìm một dấu hiệu của sự sống. Nhưng anh đã nằm yên mãi mãi.

Ba giờ sáng. Ngoài kia, có tiếng xe cộ lăn bánh. Tiếng gà gáy đâu đó dưới phố vẳng lên.

********

Những khoảnh khắc còn lại của buổi chiều cuối đông như lịm đi giữa không gian lặng câm toàn thể. Thỉnh thoảng những ngọn gió lao xao rượt đuổi nhau dưới bầu trời dìu dịu đầy mây hồng pha sắc xám, càng làm cho buổi chiều tà se thắt lại.

Từ ngọn đồi phía tây, mặt trời còn nuối tiếc quyền uy của mình, phóng ra những tia vàng ối lên những khu vườn chạy dọc theo con lộ. Ở đâu đó sau ngôi làng, trong những đám bụi rậm rải rác giữa cánh đồng khô, tiếng đa đa khàn khàn đang điểm giờ tàn của hoàng hôn, nhắc ai mau bước dồn về trả lại giang sơn cho chúng. Trên những hàng dây điện song song, những con chim én từng cụm hay rải đều ra như những nốt nhạc buồn. Chúng im lìm nhìn đoàn người đang đổ dốc tiến về nghĩa trang. Không gian tràn ngập quạnh hiu.

Dưới tàn cây bạch đàn bên đường, hai người đàn bà và một thanh niên đang nói về người nằm trong quan tài. Người thanh niên đứng bên cạnh chiếc xe thồ, áo quần tả tơi, chiếc mũ rách đội lệch trên khuôn mặt xương xẩu. Anh hỏi bâng quơ:

– Ðám tang ai mà dài thế?

– Nghe nói một người đàn ông còn trẻ, chết vì rốt rét.

– Con ông Thục đó. Người đàn bà nói giọng Huế lên tiếng.

– Tội nghiệp! Lại thêm một bà góa trong cái xóm bà góa này.

– Chị buôn bán xóm ni răng không biết ông ta? Vợ ông ta đâu có góa.

– Chị nói gì tôi không hiểu.

– Bà ấy theo người khác từ lâu rồi, từ hồi ông còn trong tù.

– Sao chị rành thế? Anh thồ xe hỏi

– Tôi lạ chi xóm ni. Buôn bán mỗi ngày mà. Ông ta sống với đứa con gái. Trước đây ông là sĩ quan chế độ cũ. Ði tù về làm đủ nghề, sống không nổi nên dựng nhà ở trên mẫu đất hoang trồng điều.   Quanh năm suốt tháng lẩn quẩn trong vườn. Ðó, nhà họ nằm trên đồi đó.

Người đàn bà tỏ ra rành chuyện, tiếp tục đưa thêm những chi tiết. Bà vừa kể chuyện đời tư người chết vừa phê phán tình đời đen bạc. Bỗng hai người đàn bà giật mình khi anh thồ xe sửng sốt kêu lên.

– Anh Tường!

Người thanh niên vội vã băng qua đường, chẳng màng đến chiếc xe thồ đầy than vừa ngã lăn bên đường. Nhập vào dòng người di quan, anh đưa tay làm dấu thánh. Ðó là người đàn ông duy nhất áo quần lem luốc lạc giữa đám người chít khăn trắng đi sau quan tài.

Tiếng phèng la đánh đều đều, cùng với giọng cầu kinh trầm buồn, chốc chốc bị át đi vì tiếng xe cộ qua lại, rồi lại tiếp tục rì rầm, được gió truyền đi thành một vòng cung trong thinh không.

Trong đám người đi sau quan tài, người ta chú ý một cô gái đi bên một người đàn bà lạ. Cô bé chít khăn tang sát tận chân mày, đôi mắt luôn luôn nhìn xuống mặt đường. Người đàn bà mặc chiếc sơ mi trắng, có lẻ từ một thành phố nào mới đến. Khuôn mặt cô bé ngây dại, thỉnh thoảng nấc lên rồi gục vào vai người đàn bà.

Ðoàn người tiến vào nghĩa trang, giản ra hai bên tạo thành hai cánh tay đón lấy quan tài. Ông thừa tác viên đã già, cao ráo và nghiêm nghị, rảy nước thánh lên hai hàng nến. Người ông nổi rõ trên nền trời, lúc này được viền một đường mây xám như đường vạch đen trên tờ cáo phó. Khi ông đọc xong một bài trong cuốn tang lễ, ca đoàn cất bài “Chúa gọi con về”. Giữa khoảng không bao la, tiếng hát nghe như lời thở than của phận bọt bèo hứng chịu nhiều nỗi oan khiên.

Những nắm đất rơi lộp độp trên quan tài, báo cho người sống kẻ chết giờ chia ly vĩnh viễn. Thân nhân vật vã khóc la, khuôn mặt méo mó đầm đìa nước mắt. Toán thanh niên vừa cào đất vừa cố ngăn không cho một vài người lao xuống huyệt. Huyệt được lấp đầy rất nhanh, thân nhân cảm thấy tuyệt vọng càng lúc càng gào thét dữ dội. Sau cùng họ được các thân hữu dìu về nhà. Còn lại ba người trước ngôi mộ, người đàn bà lạ, cô gái và anh thồ than đứng sau họ xa xa.

Không ai nghe được lời thì thầm của cô bé, ngoại trừ hai tiếng “Ba ơi” mấp máy giữa hai làn môi tái nhợt. Bỗng cô khóc lên tức tưởi, như thể nỗi đau đớn cuồn cuộn bên trong không thể nén lại đã vỡ ra. Người đàn bà ôm cô vào lòng. Trông nàng bình tĩnh, nhưng rồi đôi mắt bắt đầu rươm rướm. Một lát sau, cô bé chậm rãi lau nước mắt và nhìn vào hàng chữ trắng viết trên cây thánh giá vừa cắm trên mô đất. Phanxicô Nguyễn Khánh Tường. Cô lẩm bẩm như đang nói chuyện với một người.

Một lần nữa cô bé lại khóc nức nở. Người đàn bà lau nước mắt cho cô. Bỗng nàng nhìn kỹ vào đôi mắt. Ôi sao đôi mắt buồn thăm thẳm. Buồn từ bao giờ? Từ khi chào đời, từ ngày mẹ cô bỏ đi hay từ khi cha cô lâm bệnh? Ðôi mắt u buồn và quyến rũ lạ lùng. Nàng buột miệng nói khẽ.

– Ðôi mắt của anh!

Nàng dìu cô ra về. Quay lại, họ bắt gặp người thanh niên đang vội vã làm dấu thánh.

– Giang! Ngân Giang!

– Cậu Vĩnh!

Người thanh niên thồ than dang hai tay ôm lấy cô bé. Anh đã nhận ra đứa cháu ruột của mình. Ôm đứa cháu trong tay, anh hiểu tất cả. Trời đất đã xui khiến anh lưu lạc kiếm kế sinh nhai, trôi về vùng kinh tế mới này chỉ vừa mấy tuần lễ. Nếu không có cuộc gặp gỡ này, thì ở nơi xa, gia đình bên ngoại cứ tin rằng cha cô đã chết trong trại tập trung, đã vượt biên, hay đã ruồng bỏ mẹ cô đi theo một người đàn bà khác.

Những đám mây đen hình thù kỳ quái đang tiến lại gần, và những lớp mây sau như bị cuốn hút bởi một lực từ phía trước đang ùn ùn kéo tới. Tiếng sấm xa xa dội lại vu vơ nghe như tiếng hòn đá lăn trên trần nhà. Một luồng gió mạnh thổi ngang lưng trời, đưa vào không trung bao la muôn vàn mảnh vụn, rồi như ngại ngùng tang tóc bên dưới không biết rơi về lối nào.

********

Trong phòng khách, hai ngọn nến cháy sáng nổi rõ khung hình người thanh niên mặc quân phục gắn alpha. Căn phòng hỗn hợp mùi tử khí, khói nhang, thuốc lá và dầu gió. Khách khứa đã ra về hết. Trên nền nhà lót chiếc chiếu hoa cũ, năm người ngồi quanh mâm trà. Thân phụ người quá cố, hai người anh ruột, một người bạn là cựu giáo sư và người đàn bà lạ. Người anh cả có làn môi thâm và cặp mắt sắc, đưa tay rút điếu thuốc trên chiếc đĩa, xoay qua người đàn bà bên cạnh:

– Cô gặp lại em tôi quá muộn. Nếu cô không có mặt hôm nay, chẳng bao giờ chúng tôi biết được mối liên hệ tình cảm giữa nó với cô. Có khi nào nó nhắc tên một người đàn bà nào trước mặt gia đình, kể cả vợ nó. Tôi có cảm tưởng, ngoài cái vẽ dửng dưng trầm lặng, đầu óc nó là một kho ký ức khóa kín mọi điều người ta muốn biết về nó.

– Anh ấy không thích bộc lộ điều gì anh nghĩ người khác không chấp nhận. Vả lại tôn giáo không mở đường cho một tình yêu ngang trái. Ðó là khổ tâm của chúng tôi. Lắm lúc anh cho rằng mối tình bị kết án là bất công. Chúng tôi đã yêu nhau, nhưng là tình yêu nằm trên thảm gai. Cuối cùng anh ấy đã về lại với gia đình. Chính sự quay về ấy làm tôi càng kính trọng và yêu anh hơn. Chúng tôi vẫn âm thầm theo dõi cuộc sống của nhau, cho đến ngày ba mươi tháng tư.

Trong cách nói của nàng có điều gì xót xa. Ngưng một lát, nàng tiếp:

– Anh ấy là người đàn ông ảnh hưởng và chi phối hầu như cả cuộc sống của tôi. Cá tính bướng bỉnh của tôi thường biến mất trước con người thâm trầm của anh. Nhưng dù cả hai yêu nhau tha thiết, anh ấy vẫn mang mặc cảm mối tình bị xúc phạm bởi dư luận. Có lẻ vì mặc cảm ấy mà anh không muốn gia đình biết đến tôi.

Người anh kế dáng bơ phờ vì những đêm thức trắng ở bệnh viện, bộ râu lởm chởm, tóc dài quá ót. Anh loay hoay vấn điếu thuốc rê, nói không ra hơi:

– Thực ra, trước năm bảy lăm, có lần nó đã kể cho tôi nghe chuyện này, nhưng không được rõ lắm. Tôi cứ ngỡ đó là một mối tình nào đó của người lính thời chiến tranh. Mới đây tôi nhớ không lầm, hôm ấy là một ngày mưa gió, chúng tôi đi lấy mây ở một cánh rừng xa về, nó bị cảm nặng. Trong cơn sốt, nó nói muốn đi Cần Thơ. Tôi tưởng nó muốn từ giã nghề rẩy. Bây giờ tôi mới hiểu nó luôn luôn nghĩ đến cô.

Ðến lượt ông cựu giáo sư lên tiếng. Ông là người bạn già sống chung với người quá cố từ hai năm nay.

– Không hiểu duyên nợ nào đưa đẩy, tôi từ miền Trung trôi dạt vào đây, sống chung với chú Tường như hai ẩn sĩ, một già một trẻ, nhưng tình cảnh lại giống nhau. Chú ấy không đến nỗi khó hiểu như người ta nhận xét. Chỉ vì chú quá trung thành với quá khứ.

Sống gần chú tôi biết, chú rất yêu cuộc sống hiện tại của mình, nhưng lối sống của chú có vẽ như muốn tránh mặt cái xã hội này, để quay về với cỏ cây. Chú thích làm vườn. Chú nói chính từ cỏ cây mà chú nghiệm ra nhiều điều thú vị.

Tuy còn trẻ mà chú có những nhận xét xác đáng về thời cuộc. Mới đây trên giường bệnh, chú còn phiếm luận câu “bút nói mực khóc giấy cười” trong bài thơ của tôi. Chú đã tâm sự với tôi khá nhiều, nhưng không bao giờ đả động đến chuyện tình cảm. Ðó là một con người cần phải gần gũi mới hiểu được. Theo tôi, những ngày cuối đời của chú Tường trên mảnh đất này rất thú vị và đầy ý nghĩa. Nếu cô cần biết thêm, tôi sẵn lòng giúp cô.

– Cám ơn chú, cháu rất muốn nghe chú nói về anh ấy.

– Nhưng làm sao cô đến được cái ấp hẻo lánh này?

– Thật tình cờ, thưa chú. Không hiểu sao cháu luôn luôn tin tưởng có ngày sẽ gặp lại anh ấy. Chuyện xảy ra cách đây ba ngày. Cháu làm việc cho một công ty xuất khẩu ở Cần Thơ. Cháu đi công tác ở Sài Gòn. Trong khi chờ Bộ Công Nghiệp duyệt hợp đồng, cháu ghé thăm một người bạn trước đây làm chung hãng Pacific. Tại đó cháu gặp một người đàn bà. Trong câu chuyện làm quen, bà ấy cho biết vừa nhận được tin em chồng chết vì sốt rét. Cháu tò mò hỏi. Bà ấy nói tên người em chồng. Cháu lần theo địa chỉ đến đây, cố tin rằng đó chỉ là trùng tên. Cháu xúc động đến mức không thể khóc được nữa. Bao nhiêu năm tìm kiếm để có một ngày tái ngộ phũ phàng. Xin mọi người hiểu cho, đã từ lâu dù không được sống với nhau, cháu vẫn coi anh Tường như người chồng.

Nàng không nói nữa. Mọi người cũng lặng thinh. Suốt buổi nói chuyện, thân phụ chỉ ngồi nghe. Ông chính là người thừa tác viên được Tòa Giám Mục địa phương chỉ định thay thế linh mục để cử hành một vài nghi thức phụng vụ tại xứ đạo, khi mà việc truyền giáo bị cấm đoán khắp nơi. Dường như ông đang có một biến chuyển trong tư tưởng. Mọi người chờ đợi ông lên tiếng. Ông chậm rãi nhấc ly trà.

– Cô là người mang chìa khóa đến mở cánh cửa cuộc đời con tôi mà bao lâu nay nó khóa kín không cho ai biết. Bây giờ tôi mới biết cô là người đàn bà duy nhất trong trái tim nó. Âu cũng là số phận. Từ nay, tôi muốn coi cô như người trong gia đình.

– Cám ơn bác. Ðiều này cháu đã ao ước từ lâu.

– Dường như cô có điều gì đắn đo muốn nói phải không?

Người đàn bà đã hết xa lạ. Nhưng nàng hơi bối rối, rồi như đã có ý định, nàng nói rất chậm:

– Cháu không có tin tức gì về anh ấy, kể từ ngày anh bỏ cả sản nghiệp chạy về Sài Gòn, có lẽ anh sợ ở lại Cần Thơ sẽ nguy hiểm. Một số sĩ quan đơn vị anh bị bắt và mất tích. Cháu tìm anh khắp nơi. Cháu tin rằng anh còn ở lại Việt Nam. Cháu muốn nói đến … giọt máu của anh ấy, bé Tường Vi. Anh Tường không biết được cháu mang thai. Cháu dự tính báo cho anh tin này vào ngày cháu khai trương quán cà phê, nhưng chưa đến ngày thì mất nước. Anh rời Cần Thơ quá đột ngột, cháu không hay biết, ngay cả bạn bè và lối xóm của anh cũng không biết gì hơn, vì mỗi người mỗi ngả hối hả trốn chạy. Bé Tường Vi đã tám tuổi, thông minh và cương quyết như anh ấy. Một ngày gần đây cháu sẽ đưa bé về thăm Nội.

Thân phụ nói với giọng ấm áp:

– Cô yên tâm. Gia đình sẽ mở rộng vòng tay đón cháu. Cô hãy nán lại vài ngày. Ðêm đã khuya rồi.

– Rất tiếc, ngày mai cháu sẽ trở lại Sài Gòn để về Cần Thơ trong ngày. Thưa Bác, sáng mai cháu muốn thăm ngôi nhà anh Tường đã ở.

– Cháu Ngân Giang sẽ dẫn cô đi.

*********

– Cháu chưa biết tên cô.

– Vi Hân. Phan Thị Vi Hân.

– Cháu không ngờ người ấy là cô.

– Nghĩa là ba cháu đã nói với cháu về cô?

– Thưa không. Ba cháu chưa bao giờ nói về cô trước mặt cháu. Gần đây cháu biết được.

– Bằng cách nào?

– Cháu sẽ dành cho cô một ngạc nhiên.

– Cô cũng có một ngạc nhiên dành cho cháu. Cháu có một đứa em … cùng cha khác mẹ.

– Cháu … không hiểu.

Vi Hân chậm rãi thuật lại những ngày cuối cùng miền Nam sụp đổ tại Cần Thơ. Nàng rất đỗi ân hận đã không sớm cho anh biết tin đứa con sắp ra đời. Giọng bùi ngùi, nàng quan sát khuôn mặt Ngân Giang. Cô bé mở to cặp mắt lắng nghe từng lời, rồi bất ngờ, với nét mặt ngây thơ rạng rỡ, cô ôm chầm lấy nàng.

– Em cháu bây giờ ở đâu?

Họ đứng đó, ôm nhau bên đường lộ như bóng dáng hai mẹ con vừa nhận ra nhau sau bao năm xa cách. Một chiếc xe đò vụt qua khiến họ giật mình.

Hai người chầm chậm leo lên ngọn đồi. Bóng nắng mai đã rút ngắn lại, bầu trời cao từng lớp mây nhạt. Gió hiu hiu vừa đủ cho vài chùm lá lay động. Thiên nhiên như đang chuyển dịch âm thầm, kín đáo pha trộn sinh khí cho mùa xuân sắp đến.

Vi Hân không đủ thì giờ để say sưa cảnh đồng nội. Nàng như chơi vơi giữa giòng nước. Mỗi bước đi là rũ bỏ những gì đã có để cảm thấy đơn độc hơn. Nàng nghĩ, bây giờ cuộc sống không còn dịp để khai phá hay để hoàn tất những gì còn dang dở, mà phải rẽ vào một hướng đi khác. Một thực thể mới ra đời, quét sạch cả màu hồng và sáng tạo. Nàng phải sống cùng một lúc hai hình thái đối nghịch. Con người thật của nàng chỉ hiện rõ về đêm trong tiếng thở dài, con người thứ hai như phải nhảy theo một vũ điệu mất hình thù để mà tồn tại.

Cuộc đời nàng, cuộc đời con gái rồi cuộc đời làm mẹ, luôn luôn chỉ dành cho một người. Tâm hồn vỡ từng mảnh cũng vì một người. Mảnh vỡ còn đó mà người thì đã ra đi. Người đàn ông nàng yêu thương không được yên hàn trong vòng tay nàng, cũng như nàng không được làm mọi điều thương mến cho người mình yêu. Có phải đó là bản chất của tình yêu ngang trái hay bản chất của số phận nàng?

Ngân Giang chỉ ngôi nhà sau hàng điều bên trái con đường. Ðó là ngôi nhà duy nhất trên mô đất cao, phía sau là khu vườn khá rộng. Ngôi nhà tranh vách đất, như những ngôi nhà cùng dãy nhìn ra đường. Nàng thấy khung cảnh sao hiền hòa và có vẽ quen thuộc với nàng. Ðường nét của ngôi nhà và khu vườn như là đường nét cuộc đời anh ấy.

– Ngân Giang này. Cháu đi chậm lại một chút.

Nàng nắm tay cô bé, mắt vẫn không rời cảnh trí bên trái.

– Cháu tính chuyện chỗ ở như thế nào?

– Cháu đã dọn về trên Nội.

– Phải chi cô gặp ba cháu sớm hơn. Cô sẽ bàn với cháu một việc quan trọng, sau khi cô về thu xếp công việc của công ty.

– Lúc này cháu không biết phải làm gì. Mọi việc xảy ra quá nhanh, cháu suy nghĩ không kịp. Sau khi ba cháu mất, cháu không dám nghĩ đến tương lai.

– Ở hoàn cảnh cháu, chắc cô cũng thế. Nhưng Ngân Giang này, nghe cô nói đây.   Phải tìm cho mình một động lực, đừng để bị hoàn cảnh khuất phục. Cháu biết không, cô sống đến hôm nay với một địa vị nhiều người thèm muốn, cũng nhờ một động lực bẩy cô đi lên. Ðó là tình yêu cô dành cho ba cháu. Ba cháu đã dạy cô bài học chung thủy bằng chính cuộc sống của ba cháu. Ba cháu và cô yêu nhau rồi xa nhau, vì tôn giáo, vì dư luận, vì gia đình, những quan tòa không nhân nhượng. Nhưng xa nhau mà mối tình vẫn cứ lớn lên. Ba cháu chắc phải để lại cho cháu những bài học quý giá. Cháu hãy can đảm lên. Cô muốn thay mẹ cháu săn sóc cháu như một đứa con, cháu nghĩ thế nào?

– Thưa cô, cháu hiểu. Bây giờ mời cô rẽ vào cổng này.

Nàng thầm phục sự kín đáo và khôn ngoan của Ngân Giang. Phải chăng tâm hồn anh phản chiếu lại nơi con anh. Em đang gần anh đây. Em sẽ ôm con anh vào lòng như thể anh đã ôm em vào lòng ngày em lăn lội tuyến đường giao tranh đến đơn vị đóng quân của anh.

Họ băng qua một khoảng đất trống đến một giàn mướp khô héo, bên dưới là hai hàng bông phấn và lưu ly thảo. Một hàng chuối cao cặp theo hồi nhà, có lẽ chủ nhân trồng để ngăn những cơn gió làm tốc mái. Vườn bao quanh là những hàng điều thẳng tắp, những luống mì còn non, vài cây đu đủ thấp lè tè trĩu trái hứa hẹn ít hoa lợi. Dưới cái nắng, màu đất trắng bạc cho thấy chủ nhân phải bỏ nhiều công sức nhiều năm mới biến đổi được loại đất ít màu mỡ này.

Nàng tưởng tượng, anh ấy trong dáng gầy guộc, làn da sạm nắng, hai bàn chân trần, thích thú đi giữa rừng điều sum suê trái, lách từng bụi chuối, luồn giữa những hàng mì, lom khom dưới cây đu đủ tìm trái chín, rồi quay về vườn hoa nhổ cỏ. Có thể anh sẽ ngồi xuống trên chiếc vỏ đạn pháo binh bên cây vú sữa ngắm dòng xe cộ qua lại. Ðất đã ấp ủ anh, nuôi sống anh, làm bạn với anh những ngày tháng cuối đời. Có phải anh coi mảnh đất này là nguồn giải thoát, để quên đi những oan trái cũ hay những áp đặt mới? Băn khoăn của anh ngày xưa về hoàn thiện cuộc đời cuối cùng đơn giản thế sao?

– Cháu sẽ mở cửa, nhưng cháu không dám ở lâu trong nhà.

Vi Hân bước qua khung cửa tre, nhìn vào bên trong. Phòng khách kê một chiếc bàn gỗ và hai ghế băng thô sơ. Bên trên là kệ sách gắn vào vách đất. Hai cuốn tiểu thuyết Pháp, vài tập san ngoại ngữ cũ, mấy chồng sách vở của Ngân Giang. Trên vách buồng ngủ bằng gỗ lạng đan hình quả trám là bức ảnh Ðức Mẹ bồng con lánh nạn sang Ai Cập và hai con mèo bằng thạch cao, phần thưởng hạng nhất của Ngân Giang. Buồng ngủ vỏn vẹn hai chiếc giường tre, cái tủ nhỏ đựng quần áo và một va ly da may lại.

Bước vào bếp, nàng chỉ thấy cái lò đất, vài cái soong nhỏ. Anh ấy không tích trữ một thứ gì phòng xa, như thể nguồn lương thực nuôi sống gia đình mỗi ngày được lấy từ một nơi khác. Nàng liên tưởng đến một đạo sĩ nơi thâm sơn cùng cốc.

Cô bé kéo nàng trở lại phòng khách chỉ chiếc bàn, giọng bùi ngùi:

– Ðây là nơi ba cháu ngồi viết hàng đêm, quay lưng lại phòng ngủ, mải mê viết, không còn nghe cháu giục đi ngủ. Rồi khi thức giấc, thấy ba cháu đang nấu ăn sáng cho cháu đi học. Không biết ba cháu có ngủ không. Mà thôi cháu không muốn nhắc nữa.

– Cháu nói ba cháu viết? Viết hồi ký?

– Vâng. Ðó là nỗi đam mê không gì cản nổi. Ngày hay đêm, rảnh là ba cháu ngồi vào bàn viết.

– Cháu ngồi xuống đi. Ba cháu viết hồi ký từ bao giờ, đã xong chưa?

– Khoảng sáu năm nay. Nghĩa là sau khi đi cải tạo về. Viết đi viết lại ba bốn lần. Lễ Phục Sinh vừa rồi, cuốn hồi ký kể như hoàn tất, nhưng ba cháu còn muốn sửa đổi vài chương.

– Ngân Giang này, cháu chiều cô được không? Cô muốn đọc cuốn hồi ký đó, đúng hơn cho cô mượn một thời gian.

– Lúc còn sống, ba cháu cho rằng mình không phải là nhà văn nên không có ý nghĩ xuất bản.   Hơn nữa có những đoạn ba cháu quả quyết, nếu phổ biến ở Việt Nam, ba cháu sẽ đi tù cho đến chết.

– Vậy thì cô càng cần đọc. Cô sẽ gởi lại cháu những tập truyện ngày trước ba cháu đã viết.

Ngân Giang mở lớn cặp mắt mầng rỡ:

– Cám ơn cô. Ba cháu nói toàn bộ những bài viết ấy đã thất lạc.

– Ngày xưa cô là độc giả đặc biệt mà.

– Thú vị quá. Vậy thì cháu sẽ trao đổi hai chiều.

Niềm vui bất ngờ khiến họ hồn nhiên như trẻ thơ, với tiếng cười tự nhiên trời dành cho phái nữ. Tiếc thay khoảnh khắc hồn nhiên ngắn ngủi không làm cho họ quên được đau thương lớn lao hiện tại. Tâm hồn họ như những thảo nguyên đang hứng chịu bảo tố tàn phá.

Ðột nhiên Vi Hân nhìn lên bàn thờ. Dưới bức hình Chúa Giêsu quỳ cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, là tấm ảnh của anh chụp tại một tiệm Tàu trong lần công tác tại Ba Xuyên. Nàng đi với anh hôm đó. Nàng đã theo anh như một trợ lực, bởi xót xa tinh thần anh có thể đổ xuống bất ngờ vì những xung đột có nguy cơ phá vỡ gia đình anh. Nàng đứng lên thắp ba nén nhang.

Nàng đứng đó bất động. Thoạt đầu, niềm xúc động nhẹ nhàng, rồi như bắt gặp mối giao cảm với người đã khuất, thân nàng rung lên. Tình yêu và đau thương đã lộ diện, không chút e dè và kìm hãm.

“Anh yêu dấu của em, biển cả sâu thẳm của em, hạnh phúc đầy bất trắc của em. Em đã vĩnh viễn mất anh. Chúng ta đã gặp nhau, xa nhau, rồi lại tìm thấy nhau và bây giờ mất nhau mãi mãi. Em tin trời đã sinh chúng ta ra để yêu nhau trên cuộc trần này và sẽ sống với nhau ở một bầu trời khác, nơi đó có lẽ hạnh phúc sẽ êm ả không hằn lên vết thương oan nghiệt. Ngày xưa em cứ ngỡ trời đã đẩy chúng ta về mỗi góc trời khác nhau, chịu cuộc lưu đày tình ái, rồi đến hạn kỳ kéo chúng ta về một cuộc hạnh ngộ. Bây giờ em mới thấy số phận em thật bất hạnh.

“Em có sai lầm không, khi nghĩ rằng trong cuộc tìm kiếm quên lãng của anh, em chỉ là đốm sáng nhỏ, hết vẽ yêu kiều, không còn rạo rực, bởi vì anh tin em đã tìm thấy một nụ cười. Ngày ấy giọng hát anh buồn như đã lạc vào Tuổi Xa Người, và tình yêu chúng ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng của phân ly. Chúng ta yêu nhau trong nỗi dày xéo của con tim và cảm thức quyền lực vô biên từ chối một hạnh phúc trọn đời. Nhưng em vẫn coi tình yêu này như một tặng phẩm hiếm có trời dành riêng cho em.

“Tình yêu đã sống được ngần ấy năm tháng. Một mảnh đời cho cả một đời. Anh cho thế là đủ, anh tưởng ra đi là yên ổn? Nhưng em thì không. Em đã tìm anh khắp nơi, cố tin rằng anh còn sống sót. Anh có biết không, bao nhiêu biến cố đến với em sau khi anh đột ngột rời Cần Thơ không để lại một tin tức, như thể đất đã mở ra và nuốt mất anh.

“Em đã có nhiều cơ hội rời khỏi Việt Nam, nhưng vì anh, tất cả vì anh, em phải ở lại. Em đã trải qua những tháng trong nhà giam bẩn thỉu, bệnh hoạn, đói khát, đối chất với những kẻ đã chiếm đoạt tài sản của em. Chưa hết, họ còn chụp lên đầu em những thứ tội tưởng tượng, và đê tiện hơn nữa, họ còn nhờ người gạ gẫm thân xác em. Nhờ một người bạn có thế lực, em đã trở về từ hố tuyệt vọng. Trong khi chờ đợi tin tức về anh, với tất cả nghị lực và hóa trang hợp thời, em cố ngóc đầu lên, dần dần tạo được một địa vị trong xã hội. Họ không hiểu gì về em, ngược lại em thấu rõ tất cả ti tiện và dối trá nơi họ. Ngày nào em cũng tự hỏi, bao giờ gặp lại anh để kết thúc màn kịch này.

“Ôi anh yêu, ngày xưa chúng ta chỉ sống cho nhau một đoạn đời ngắn ngủi mà sao vô vàn kỷ niệm. Bây giờ tất cả đã sụp đổ. Ðã bao lần em cố tạo ra ý nghĩ tình yêu chúng ta chỉ là sự giao cảm thường tình. Nhưng thật là sự tưởng tượng đầy xúc phạm.

“Bây giờ em phải lo cho con chúng ta yên ổn nơi phương trời khác. Ôi, nào anh có biết con chúng ta chào đời trong hoàn cảnh khốn khổ như thế nào. Anh không được nhìn thấy bé Tường Vi, cũng vầng trán cao như anh. Nó đã sống thiếu tình cha như bé Ngân Giang thiếu tình mẹ, nhưng nó đã biết coi thường những tiếng reo hò ngoài đường phố.

“Em tin anh đang ở quanh đây. Giải khăn tang này em bằng lòng phủ lên cả cuộc đời mình, để cho em, cho anh, xác tín chúng ta đã yêu nhau một tình yêu trọn vẹn.

“Ôi, anh yêu dấu. Anh là lẽ sống của đời em, là lưỡi gươm xuyên suốt con tim. Hãy phù hộ cho em và con cái, những kẻ liễu yếu có thể sống yên ổn những ngày còn lại. Trong chốc lát nữa em sẽ ra đi, rời bỏ căn nhà nhân chứng này, ngôi mộ giấu kín anh mãi mãi và khoảng trời nghèo nàn cuối cùng của anh. Yêu anh, mãi mãi em yêu anh, biển cả sâu thẳm của em, vĩnh biệt anh…”

Một cơn gió lạnh lùa vào nhà, xoáy vòng, ba nén nhang lay động. Một lúc sau, gió ra đi, lượn như con rắn khổng lồ, làm tốc mái nhà, làm ngã nghiêng cây cối, quần thảo khắp khu vườn như tìm kiếm một cái gì, rồi như đã tìm thấy, gió tràn xuống thung lũng.

Vi Hân rùng mình. Quay lại, nàng không thấy Ngân Giang đâu nữa. Lát sau, từ phòng ngủ bước ra, cô bé cầm một cuốn tập dày bao kỹ bằng giấy báo.

– Cuốn hồi ký của ba cháu đây, thưa cô.

********

Người đàn bà xa lạ ấy là câu chuyện trên đầu môi cho người dân quê ngoài rẫy, trong quán cà phê, hay sau bữa ăn tối. Mặc cho những hoài nghi về mối liên hệ giữa nàng và đứa con mình, gia đình vẫn im lặng. Vi Hân trở lại vùng kinh tế mới như đã hứa. Nhưng không ai thấy nàng đem con về thăm gia đình Nội. Câu chuyện được trao đổi kín đáo trong ngôi nhà đầu ngõ vỏn vẹn trong vài tiếng đồng hồ, sau đó nàng ra về.

Cho đến một hôm, khi dân quê bắt đầu lục tục vào rừng, sau những ngày đầu xuân chóng vánh qua mau, Vi Hân lại xuất hiện với chiếc xe gắn máy và bộ áo quần giản dị khác với những lần trước. Dường như mọi việc đã được sắp đặt kỹ lưỡng, sau khi gặp gỡ mọi người trong gia đình, nàng bước ra sân cùng Ngân Giang với một túi hành lý nhỏ trên tay. Những cái xoa đầu, những vòng tay ôm chặt, những ánh mắt bịn rịn, cho thấy một cuộc chia tay của họ với gia đình cho một chuyến đi xa.

Chiếc xe chạy ra đường nhựa. Ngân Giang quay lại nhìn thân thuộc và xóm làng lần cuối. Khi xe lên ngọn đồi, lòng cô quặn thắt. Ngôi nhà tranh đang rũ mái buồn bã, ngôi nhà đã không đủ sức bảo toàn hai con người, ngôi nhà của tuổi thơ gắn liền với những ngày tháng cơ cực nhưng tràn đầy tình phụ tử. Và kìa, ngôi mộ bên phải với cây thánh giá nhô lên cao. Ngân Giang rưng rưng nước mắt, không tuôn trào như trong buổi chiều tiễn đưa cha cô xuống lòng đất, nhưng cô cảm nhận nước mắt bây giờ như một giòng máu đang chảy ngược lại vào tim.

Ðó là lần cuối cùng người đàn bà đến cái ấp hẻo lánh này. Kể từ đó người ta không biết gì về cô bé Ngân Giang hay người đàn bà xa lạ có tên Phan Thị Vi Hân nữa. Có thể họ đã yên ổn sau một chuyến mạo hiểm ngàn dặm. Có thể họ đã gục ngã nơi cánh rừng hiểm trở nào đó, đã bị hải tặc cưỡng hiếp hay đã làm mồi cho cá biển dưới đại dương. Và có thể họ đang ở trong một trại tập trung nào đó trên cái xứ sở dẫy đầy trại tập trung nầy.

Virginia, 10-2006

Chu Lynh