Lễ tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ cảnh sát quốc gia Quảng Ngãi đã anh dũng tuẩn tiết và bị cộng sản hành quyết trong quốc nạn năm 1975
Hôm 28 tháng Ba vừa qua, một số cựu nhân viên và sĩ quan cảnh sát Việt Nam gặp nhau tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, để truy điệu 169 đồng đội chết trong cuộc triệt thoái theo lệnh ngày 24 tháng Ba năm 1975, 37 ngày trước khi mất Sài Gòn.
Những nhân viên cảnh sát quốc gia Quảng Ngãi
Dịp này, trong loạt bài ký ức 40 năm, tưởng nên nhìn lại công việc sưu tầm đồng đội chết hay mất tích mà các cựu nhân viên cảnh sát Quảng Ngãi thực hiện, cũng như tìm hiểu sự tổn thất của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam trong giai đoạn tháng Ba và tháng Tư 1975:
Đây là lần đầu tiên sau 40 năm những cựu sĩ quan và nhân viên cảnh sát Quảng Ngãi công bố tên tuổi 169 đồng đội chết trong giai đoạn tháng Ba, tháng Tư 1975 khi cuộc triệt thoái từng phần xảy ra ở miền Trung.
Có mặt tại lễ truy điệu này, ông Nguyễn Văn Kông, trưởng nam của cố sĩ quan cảnh sát Nguyển Văn Phụ, bị bắt và bị giết chết tại xã Hành Đức, quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết:
Chữ Hành Đức là từ bây giờ nhưng mà thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là xã Nghĩa Hưng. Ba tôi bị bắt và bị hành quyết tại Quảng Ngãi, lúc đó tôi là sinh viên đại học Phú Thọ, gia đình có 7 em nhỏ và một mẹ ở Quảng Ngãi. Bốn mươi năm việc đó lắng đọng dần nhưng lễ truy điệu này làm tôi nhớ lại ba tôi và những đồng đội của ba tôi, những gì đến trong đời tôi từ tuổi thơ nó xuất hiện lại. Buổi lễ này thật ý nghĩa đối với tôi là một hậu duệ của quí vị Cảnh Sát Quốc Gia Quảng Ngãi. Tôi tự hào với việc làm của cha tôi cũng như những đồng đội của ông.
Trước năm 1975, tổng số nhân viên cảnh sát Quảng Ngãi là 3.125 người. Đây là số liệu được ông Hồ Anh Triết, cựu chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Quảng Ngãi, nơi được lệnh rút khỏi miền Trung ngày 24 tháng Ba năm 1975, cung cấp:
“Buổi lễ này thật ý nghĩa đối với tôi là một hậu duệ của quí vị Cảnh Sát Quốc Gia Quảng Ngãi. Tôi tự hào với việc làm của cha tôi cũng như những đồng đội của Ông”
Ông Nguyễn Văn Kông
Cách đây 40 năm những sĩ quan của tôi còn trẻ lắm, họ thiếu úy mới ra trường mới 24 , 25 tuổi. Bây giờ gặp lại tóc họ hoa râm hết. Tôi nghĩ nếu tôi không làm kịp thì tôi không cách gì có được nén hương đốt cho những người bạn của tôi đã nằm xuống. Do đó tôi phát động phong trào một nén nhang cho người nằm xuống.
Tôi chỉ nói trong lực lượng cảnh sát của Quảng Ngãi thôi, chúng tôi đã tìm được 169 tử sĩ cảnh sát đã chết dưới nhiều dạng.
Trong số 169 tử sĩ cảnh sát trong giai đoạn tháng Ba tháng Tư 75 như Hồ Anh Triết trình bày, 16 chết vì tự sát, 103 bị bắt và bị giết, 32 được coi như chết hay mất tích trên đường rút quân Quảng Ngãi Chu Lai, 18 chết trong tù cộng sản sau 30 tháng Tư 75:
Tôi cũng không tin rằng cái này đã chấm dứt bởi có những cái chết ở những vùng xa xôi mà chúng tôi chưa có điều kiện tìm được Riêng con số 169 là đã trên 5% rồi.
Bản thân ông Hồ Anh Triết, trên đường rút quân từ Quảng Ngãi đến Chu Lai, ngày 26 tháng Ba thì bị bắt, bị tù 13 năm:
Tôi ở tù từ ngày 26 tháng Ba 75, ra tù ngày 22 tháng Hai 88. Tôi bị biệt giam tại Quảng Ngãi 14 tháng, sau đó chuyển vào trại Kim Sơn cho đến tháng Chín 76 họ chuyển lên trại Gia Trung ở Pleiku. Tháng Mười Hai 76 họ chuyển tôi ra Bắc, trại Z30A ở Tam Kỳ, Nghệ Tĩnh.
Tháng Tám 1985 ông Hồ Anh Triết được đưa về B14 trại biệt giam ở Thanh Liệt, Thanh Trì, cho đến ngày được thả. Số phận của những vị chỉ huy, sĩ quan hoặc nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia sau năm 1975 là tù tội và những trại giam như các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Người cựu sĩ quan cảnh sát chịu trách nhiệm tìm kiếm, sưu tầm tung tích đồng đội ở Quảng Ngãi là ông Thái Văn Hòa, cựu tù cộng sản 9 năm:
Cấp bậc sau cùng của tôi trước 75 là thiếu tá cảnh sát, chức vụ của tôi là Trưởng F Đặc Biệt Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Quảng Ngãi..
Cho đến thứ Bảy vừa rồi tức ngày tổ chức lễ tưởng niệm thì con số được xác nhận là 169. Đối với người cảnh sát quốc gia, khi ghi nhận một nguồn tin liên quan đến người A, người B, người C nào đó thì chúng tôi phải có trách nhiệm phối kiểm nguồn tin đó có xác thực hay không. Chúng tôi giải thích như vậy để phối kiểm là 169 người đã được xác nhận đúng sự thật.
“Trong nỗ lực truy tầm, đánh phá, tiêu diệt hạ tầng cơ sở cộng sản thì Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia xếp loại A, trao cho Quảng Ngãi giái nhất về đánh phá hạ tầng cơ sở cộng sản. Vì vậy khi chiếm được Quảng Ngãi thì đây là cơ hội trả thù”
Ông Thái Văn Hòa
Những Anh Hùng Tuẩn Tiết
Trong 16 cảnh sát tự kết liễu đời mình để khỏi bị bắt và bị đi tù, ông Thái Văn Hòa nêu ba trường hợp đặc biệt:
Cấp bậc của số anh em này không lớn nhưng trong quá trình làm việc họ là những người trực tiếp tìm kiếm, truy lùng, tiêu diệt hạ tầng cơ sở cộng sản. Thứ nhất là trung sĩ Huỳnh Trần Bá, thứ hai là trung sĩ Nguyễn Văn Quế, thứ ba là anh Quách Thành Bá. Đây là những trường hợp đặc biệt, nếu bị bắt thì cộng sản cũng giết họ, cho nên họ đã chọn cái chết.
Về phần 103 cảnh sát Quảng Ngãi được coi như mất tích hoặc chết trên đường triệt thoái thì sao:
Cho đến giờ này, sau 40 năm, phần lớn gia đình vẫn không tìm được người thân của mình. Khi bắt được, riêng tại Nghĩa Hành, họ gom trên một trăm người thuộc thành phần nghĩa quân, địa phương quân, cảnh sát, viên chức xã ấp, nhốt vô trong một cái lô cốt rồi cho mìn nổ. Cho nên trong số cảnh sát nằm trong trường hợp đó đến giờ này gia đình cũng không biết người thân mình nằm ở đâu.
“Sáng 30 tháng Tư 1975, khi bộ đội miền Bắc khỏi sự tiến về Sai Gòn, trong số những vị tướng tá Việt Nam Cộng Hòa tuẩn tiết có hai sĩ quan cao cấp ngành Cảnh Sát Quốc Gia”
Công việc tìm kiếm tung tích đồng đội cảnh sát, đã chết hay bị giết, xem ra dễ hơn công việc đi tìm vợ con của họ. Ông Trịnh Văn Đường, hạ sĩ quan cảnh sát, giải thích như vậy:
Bởi vì sau 1975 thân nhân của Cảnh Sát Quốc Gia bị ngược đãi. Họ không cho ở địa phương, một là đi kinh tế mới, hai là phải chia gia đình ra đi trốn nên tìm kiếm thân nhân rất khó khăn. Chúng tôi tìm hơn một năm mà chỉ được 83 người. Tết Ất Mùi vừa qua thì gởi về một chút quà để gia đình nhân ngày Tết đốt giùm cho chúng tôi một nén hương với những người đã nằm xuống sau 40 năm.
“Sáng 30 tháng Tư 1975, khi bộ đội miền Bắc khỏi sự tiến về Sai Gòn, trong số những vị tướng tá Việt Nam Cộng Hòa tuẩn tiết có hai sĩ quan cao cấp ngành Cảnh Sát Quốc Gia.”
Vị thứ nhất, trung tá Nguyễn Văn Long, chánh sở tư pháp Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia khu một, tự sát dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến ngay trung tâm thành phố Sài Gòn.
Vị thứ hai, thiếu tá Đặng Sĩ Vĩnh, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, đã cùng vợ và 7 con trong đó trung úy Đặng Trần Vinh là trưởng nam, uống thuốc độc tự vẫn.
Sau 30 tháng Tư, tất cả sĩ quan cảnh sát quốc gia đều bị tù từ 3 cho đến 17 năm tùy theo cấp bậc. Ngay cả những hạ sĩ quan có làm việc trong lực lượng cảnh sát đặc biệt cũng bị đi cải tạo từ 5 đến 7 năm.
Con số sĩ quan cảnh sát cấp úy và cấp tá bị tập trung cải tạo từ 30 tháng Tư cho đến hết năm 1992, có nghĩa từ 15 năm đến 17 năm tù, là 34 người, tương đương với thời gian tù tội của các sĩ quan quân đội miền Nam.
THANH TRÚC/RFA