Nếu như bánh chưng phổ biến ở miền Bắc thì bánh tét là món ăn quen thuộc trong dịp Tết ở miền Nam.
Vào dịp Tết, người Việt thường thể hiện ước muốn may mắn qua những món ăn để hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới.
Cho dù bữa ăn ngày Tết hiện nay ở khắp nơi đã có nhiều thay đổi tùy theo điều kiện cụ thể và hướng theo tiêu chí tốt cho sức khỏe, nhưng các món mang ý nghĩa may mắn này hầu như không thể thiếu trong các gia đình.
1. Bánh chưng, bánh tét
Gắn với sự tích Lang Liêu làm bánh chưng – bánh dày dâng lên vua Hùng, bánh chưng mang ý nghĩa lòng biết ơn tổ tiên, công sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ.
Bánh chưng làm từ gạo nếp, thịt heo, đậu xanh được gói thành hình vuông vức, thể hiện tinh hoa trong văn hóa nông nghiệp lúa nước của người Việt, tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Bánh chưng và bánh tét.
Bánh tét tượng trưng cho hình ảnh người mẹ bao bọc các con.
Tương tự như bánh chưng, bánh tét cũng mang ý nghĩa nhớ ông bà tổ tiên, cầu mong ấm no, sum vầy của gia đình. Bánh tét được gói trong nhiều lớp lá chuối tượng trưng cho hình ảnh mẹ che chở con, thể hiện mong muốn sum vầy, đoàn viên. Bánh tét nhân đậu màu vàng cũng gợi nhớ hình ảnh đồng lúa chín, thể hiện sự no ấm.
2. Canh khổ qua
Canh khổ qua là món ăn được cho rằng sẽ giúp đưa tiễn những muộn phiền trong năm cũ, chào đón năm mới vạn sự như ý.
Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học, văn hóa học Việt Nam, món khổ qua mang ý nghĩa cầu mong cho “cái khổ qua đi”, một hình thức chơi chữ đồng âm trong tiếng Việt. Vì thế, người ta ăn canh khổ qua để mong mọi khó khăn, khổ sở của năm cũ sẽ qua đi để đón chào một năm mới tốt đẹp hơn.
Canh khổ qua khá phổ biến trong bữa cơm thường ngày của người Việt, và món ăn này càng ý nghĩa hơn vào dịp Tết.
Bên cạnh ý nghĩa may mắn, canh khổ qua còn là món ăn tốt cho sức khỏe. Trong trái khổ qua có nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, có tác dụng giải nhiệt, tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, giảm lượng đường và cholesterol trong máu.Có nhiều cách nấu canh khổ qua như nhưng thông dụng nhất trong ngày Tết Việt Nam chính là canh khổ qua dồn thịt.
3. Thịt kho tàu
Thịt kho tàu, còn gọi là thịt kho nước dừa hay thịt kho hột vịt là món ăn được cho là thể hiện sự sung túc, dồi dào và “màu mỡ” trong năm mới.
Thịt kho tàu là món ăn phổ biến trong các gia đình dịp Tết.
Món ăn được chế biến từ thịt ba chỉ kho với hột vịt và nước dừa nấu lửa nhỏ cho đến khi thịt thật mềm. Sự hòa hợp các nguyên liệu trong món ăn này thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận.
4. Dưa hành, củ kiệu
Trong gia đình người Việt mỗi khi Tết đến thường có món dưa hành, dưa củ kiệu. Món ăn này giúp chống ngán dầu mỡ, tăng cảm giác ăn ngon miệng và tốt cho tiêu hóa.
Chả lụa, dưa hành thường không thể thiếu trong ngày Tết Việt.
Chữ ‘dưa’ có cách phát âm gần giống chữ ‘dư’ mang ý nghĩa dư dả, thịnh vượng. Vì vậy nhiều người hay nói vui rằng “ăn dưa cho cả năm dư giả, giàu có”.
5. Xôi gấc
Dĩa xôi gấc với màu đỏ cam thể hiện sự rực rỡ, vui tươi và thể hiện mong muốn một năm mới thịnh vượng.
Xôi gấc màu đỏ tươi là biểu tượng của may mắn.
Xôi gấc có vị dẻo thơm của nếp, vị bùi đặc trưng từ quả gấc cộng thêm vị béo từ nước cốt dừa thường, được xem là một món ăn may mắn cho năm mới.
5. Chả giò
Với hình dạng gợi nhớ đến thỏi vàng, chả giò cũng được xem là một món ăn mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng.
Chả giò ăn kèm với nước chấm và rau xanh là món ăn thường có mặt trong dịp lễ, Tết.
Thành phần của món chả giò cũng đa dạng tùy theo sở thích và khẩu vị của người chế biến, thường bao gồm rau củ, thịt gà, thịt heo, tôm.
6. Cá nguyên con
Cá được chế biến nguyên con, được cho là biểu tượng của sự đầy đủ, dồi dào và thịnh vượng cho năm mới. Cách chế biến cá cũng đa dạng tùy sở thích, phổ biến là chiên xù, hấp, hoặc chưng tương.
Món cá chiên xù được chế biến công phu và bày trí đẹp mắt.
Về mặt dinh dưỡng, cá là nguồn cung cấp protein tốt cho cơ thể, với nhiều acid omega-3 rất tốt cho tim mạch và mắt cũng như sức khỏe hệ thần kinh. So với thịt thì cá ít cholesterol và chất béo gây hại sức khỏe hơn, vì thế trong mâm cơm Tết ngày nay thường có nhiều món cá và giảm bớt món thịt.
7. Các loại trái cây hình tròn và mọng nước
Những loại trái cây hình tròn và mọng nước thường được chọn để trưng bày và ăn trong dịp Tết như bưởi, quýt, dưa hấu, táo, quất. Hình tròn thể hiện sự viên mãn, hạnh phúc tròn đầy. Vị ngọt và mọng nước thể hiện sự dồi dào phồn thịnh.
Màu đỏ của ruột dưa tượng trưng cho may mắn, còn vỏ màu xanh thể hiện sự hi vọng ẩn chứa niềm vui từ bên trong.
Cũng như món dưa chua, chữ ‘dưa’ trong ‘dưa hấu’ có cách phát âm gần giống chữ ‘dư’, mang ý nghĩa dư dả, thịnh vượng, nên loại quả này hầu như không vắng mặt trong mâm quả ngày Tết.
Màu vàng rực rỡ của quýt thể hiện sự vui tươi, thịnh vượng.
Ngoài ra, cam, bưởi, quýt với phần vỏ màu vàng cũng là những loại trái cây được xem là mang lại may mắn cho năm mới bởi các màu vàng, đỏ trong văn hóa Á đông mang ý nghĩa may mắn, tươi vui, phát đạt.
Thân mếnTQĐ
NHỮNG MÓN ĂN MANG Ý NGHĨA MAY MẮN CHO NĂM MỚI
Những món ăn truyền thống này thường không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết của người Việt, với ý nghĩa mang lại nhiều may mắn, bình an và no ấm trong năm mới.