CÓ NÊN ĂN TẾT NỮA HAY KHÔNG ? (Nguyễn Thị Hải Hà)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

22 tháng 1, 2023

Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến Tết là nghe bàn cãi giữa bỏ Tết và giữ Tết.

Happy Li Xi GIF by Zookiz 
Great Day GIF by memecandy
Andy Van
 
Bên đòi bỏ Tết bảo rằng người Nhật đã bỏ mừng xuân Âm lịch, chỉ đón ngày đầu năm Dương lịch. Những lý do bỏ Tết tiếp theo là quá tốn kém, thêm gánh nặng kinh tế cho người kém thu nhập; đốt pháo là đốt tiền; nghỉ quá nhiều ngày khiến công việc bị đình trệ; quà cáp ngày Tết cho cấp trên tạo cơ hội cho tham nhũng; rồi cờ bạc ngày Tết có thể khiến tán gia bại sản; rằng đó là ngày lễ xuân của Trung Quốc.
 
Người muốn giữ Tết phần lớn cho rằng đó là phong tục của dân tộc, quí trọng sự tích bánh chưng bánh dầy và cổ tích về quả dưa hấu. Có người muốn giữ không khí có hoa đào hoa mai, và ngâm thơ ông đồ già bày mực Tàu giấy đỏ.
Nguyễn Bính có bài thơ như thế này.  
 
Chân bước phân vân lòng hỏi lòng.
Có nên qua đấy nữa hay không
Không nên qua đấy, nên qua đấy
Không nhớ làm sao. Qua mất công.  
Bài thơ nói về tâm trạng một người đang thầm yêu. Mỗi ngày anh đi ngang nhà cô gái để được nhìn thấy cô gái. Dung nhan ấy dường như gói trọn cả bầu trời, sông suối, hoa tươi, bướm và chim. Đọc bài thơ của Nguyễn Bính ngay sau khi có người nói chuyện ăn Tết. Hai chữ “ăn Tết” lại cùng dấu với “qua đấy” trong bài thơ, cho nên tự nhiên nó biến dạng trong tôi như thế này:
 
Chân bước phân vân lòng hỏi lòng.
Có nên ăn Tết nữa hay không
Không nên ăn Tết, nên ăn Tết?
Không nhớ làm sao. Ăn mất công.
Từ khi qua Mỹ, tôi không ăn Tết. Thập niên 1980, Hoa Kỳ ít có tiệm bán thức ăn Việt Nam.  Muốn mua chai nước mắm phải đi bộ thật xa (lúc đó tôi chưa có xe). Tết lại nhằm vào cuối Tháng Giêng hay đầu Tháng Hai Dương lịch. Miền Đông Bắc Hoa Kỳ đang giữa mùa Đông.
 
Có một năm tôi đang ở Philadelphia, ngày trước Tết trời đổ một trận bão, tuyết đóng dày cả mét. Căn chung cư tôi ở dùng hệ thống sưởi bằng lò nước nóng. Chủ chung cư thường kiếm cớ hết dầu đốt lò sưởi vào mùa Đông, nhất là cuối tuần, nên người thuê nhà có muốn phàn nàn gì cũng phải chờ đến Thứ Hai, khi người ta đi làm việc trở lại. Như vậy thì họ đỡ tốn nhiên liệu đốt lò sưởi được vài ngày.  
 
Số tiền có lẽ không làm họ giàu hơn bao nhiêu vì họ vốn đã giàu, tuy vậy thiếu sưởi trong mùa Đông có thể đưa đến cái chết của người già và trẻ em. Lúc ấy tôi chưa đi chợ, bão tuyết khiến đường phố chợ búa đều đóng cửa. Trong nhà lạnh quá, hơi nước đọng lại thành băng vòng quanh các khung cửa sổ. Ở trong nhà trùm mền mà tôi thở ra khói. Suýt tí nữa là bị chết vì lạnh và thiếu ăn vào ngày Tết.  
Những năm sau đó, ngày Tết đến rồi đi một cách vô tình. Tết rơi vào ngày làm việc trong tuần. Buổi sáng vợ chồng đi làm, con cái đi học. Vào sở có người chúc mừng lại lầm với năm mới của người Tàu (Happy Chinese New Year), tôi lại phải nhắc nhở, năm mới Âm lịch thay vì năm mới của người Trung hoa. Lunar New Year instead of Chinese New Year. 
Không phải tự nhiên mà người Việt Nam dùng chữ “ăn Tết” thay vì mừng xuân hay mừng Tết. Không phải tự nhiên mà có hai câu đối.
 
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Dây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
 
Bạn thấy đó, trong hai câu trên có đến ba món ăn. Thịt mỡ, dưa hành, và bánh chưng. Hằng năm sắp Tết là má tôi làm củ kiệu. Kiệu được nhặt sạch, cắt ngọn, sắp vào chai, đầu kiệu quay ra ngoài, tròn trịa xinh đẹp như hạt sen. Nước kiệu vừa chua vừa ngọt. Củ kiệu vừa thơm vừa dòn. Ngày Giao thừa thì đã nấu xong nồi thịt kho nước dừa tươi chung với cá lóc.  Những ngày đầu năm, nếu không muốn ăn cơm thì nhúng bánh tráng gói với củ kiệu và thịt kho, ngon đáo để. 
 
Thế nào cũng có một nồi canh khổ qua dồn thịt hay cá thát lát. Mãi về sau tôi mới biết ăn canh khổ qua là biểu tượng của sự hy vọng, là cái khổ của năm cũ sẽ trôi qua. Má tôi gói bánh tét chứ không gói bánh chưng. Bánh tét có hai loại, bánh mặn có nhân đậu xanh với chút mỡ ở giữa nhân bánh, và bánh nhân chuối. Nhân chuối sau khi nấu trở nên màu tím đỏ, ngọt tươm mật. Ở Hoa Kỳ, bánh tét nhân chuối không ngon bằng ở quê nhà, vì không có chuối ngon.
 Năm 2005, gia đình cô em chồng của tôi sang định cư ở Mỹ. Những người xa xứ đều mang theo hành trang tượng trưng cho quê hương. Hành trang quê hương của tôi là một ít ca dao đọng lại trong trí nhớ, không ích lợi gì mà cũng chẳng ăn được. Cô em chồng mang hành trang là bí quyết nấu các món ăn truyền thống đầy hương vị quê hương. Ngày Tết cô đãi anh chị em và các cháu các món ăn độc đáo do chính tay cô làm.  
 
Có những món cô đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Bên cạnh canh khổ qua và thịt kho còn có tôm chua thịt lợn luộc, rượu ủ bằng trái cây, dưa hành, củ cải ngâm nước mắm, giò thủ, và bánh chưng. Đặc biệt, cô gói bánh chưng bằng lá chuối. Lá chuối bên Mỹ rất đắt tiền và không phải lúc nào cũng có, nhiều khi phải đặt mua trước để dùng trong dịp Tết. Ngày Tết, cô đãi đại gia đình ăn liên tiếp hai ngày, tất niên và tân niên.
 
Giỗ ông bà cha mẹ, cô đãi những món ăn thuần túy không có bán trong nhà hàng. Canh rau đay. Cà bung. Gỏi rau muống da heo. Rau đay và rau muống cô mang hạt từ Việt Nam sang, tự trồng. Nói thật, ngày còn ở Việt Nam, tôi chưa hề được ăn canh rau đay, cà bung, và những món ăn đặc thù miền Bắc.
 
Theo người Bắc, chuyện giỗ chạp hay tết nhất là trách nhiệm của trưởng nam. Bạn chẳng từng nghe câu ca dao:
Mẹ thương con mẹ lắm thay
Thương thì thương vậy chẳng tày trưởng nam.
Trưởng nam nào có gì đâu
Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam.
 
Cô em chồng là con gái út lẽ ra có thể lẩn tránh công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, nhờ tài nấu nướng lại thêm tánh hào phóng, nhà vợ chồng cô biến thành nơi mọi người tề tựu để ăn Tết.  Những đầu bếp danh tiếng đều bảo rằng nguyên liệu cần thiết để nấu một món ăn tuyệt ngon là tình yêu. Nấu ăn ngon đòi hỏi nhiều công sức, khả năng nêm nếm thật tinh tế, sự kiên nhẫn để chăm chút món ăn. Khó mà nấu một món thật ngon nếu người nấu không có cảm tình với người ăn. Người được ăn một món thật ngon luôn luôn có mỹ cảm với người nấu.
 
______________
 
Tóm lại, Tết với tôi có chữ ăn đi trước. Có nên ăn Tết nữa hay không? Có chứ. Tết và ngày giỗ, ngoài việc được thưởng thức hương vị quê hương, người Việt ly hương còn giữ gìn phong tục Việt không bị dần phai nhạt. Gặp nhau trước là ăn Tết, sau là thắt chặt tình thân gia đình. Ai không muốn ăn Tết thì không ăn, đâu cần phải tuyên bố bỏ Tết.
 
Thay vì nghỉ bảy ngày, mười ngày thì nghỉ ba ngày thôi. Sợ lãng phí tham nhũng ư? Mấy trăm ngày còn lại trong năm và biết bao nhiêu dịp lễ khác để lãng phí và tham nhũng, đâu cứ gì ngày Tết người ta mới làm. Người Nhật bỏ Tết đâu có nghĩa là người Việt Nam cũng nên bắt chước.  Ngày Tết đã là ngày của người Việt từ hằng ngàn năm nay, đâu phải chỉ riêng của Trung Hoa.
 
Riêng tôi. Ăn Tết chứ. Không ăn thì thèm, nhớ, và tiếc. Chỉ có điều, quan trọng nhất, là ai nấu Tết đây…