Chị Thu và tôi bằng tuổi nhau. Nhưng vì chị là con của dì Ba, mà má tôi thứ Năm, nên tôi phải gọi là “chị” từ bé. Là con Út của một công chức tối cao đếm trên đầu ngón tay của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho đến ngày cuối cùng tháng Tư đen, năm 1975, chị Thu được gia đình chị cưng chìu và sống trong một gia đình thật gia phong, kỹ luật và thật khép kín.
Khi tôi từ Quảng Trị dọn về Bình Dương sống, tôi mới tám tuổi, học lớp Tư. Tôi nói chuyện bằng giọng nói rất nặng của người Quảng. Do không ai hiểu tôi nói gì nên không có bạn bè nào muốn chơi hay đến gần tôi cả. Chỉ có chị Thu là người độc nhất, đã cố gắng hiểu cái giọng nói nặng chình chịch của tôi, chịu khó nghe, chịu khó trò chuyện với tôi khi thấy tôi cô đơn, thui thủi chơi một mình. Sau đó, tôi rủ chị chơi đánh đủa, chơi nhảy dây, chơi cò-cò, chơi bún hạt me…., thậm chí chơi cả… đua xe đạp.! Chị Thu không biết chơi gì cả, mà tôi thì lại là… kiện tướng! Mỗi ngày tan trường về nhà, tôi tắm rửa thật nhanh để chơi chung với chị Thu. Chị không có tánh ganh tị, chơi thua tôi mà vẫn sùng bái tôi chứ không như mấy đứa con gái khác, chơi thua tôi rồi… nghỉ chơi tôi ra! Tôi đã không có bạn vì cái giọng Quảng Trị của tôi rồi, lại thêm những cái …”tài” vặt vãnh của tôi càng làm chúng bạn của tôi xa lánh tôi hơn…
Khi ấy, ba của chị Thu mới làm Phó tỉnh trưởng thôi. Ở chung trong dinh Phó Tỉnh của gia đình chị Thu một thời gian đầu khi vừa dọn từ Q. Trị về, gia đình tôi mới dọn ra một căn phố nhỏ. Đồng thời, dượng Ba tôi cũng đổi đi Vũng Tàu làm Thị Trưởng thị xã Vũng Tàu. Tôi lại được dịp vui chơi với chị Thu dầm dề suốt ba tháng hè ở Vũng Tàu. Hai đứa chúng tôi lúc ấy học lớp nhì, chuẩn bị lên lớp nhất tiểu học. Tuổi ấy ăn nhiều, ngủ nhiều, mà không biết tại sao tôi lại thức dậy rất sớm. Dinh Thị Trưởng Vũng Tàu nằm gần sát Bãi Trước. Tôi hầu như có mặt ở Bãi Trước dạo chơi mỗi ngày từ lúc trời vừa hừng sáng. Tôi thích ngắm nhìn mặt trời lên từ chân trời. Mỗi sáng, tôi tưởng tượng tôi là hung thần chui ra từ một cái bình thủy tinh trôi lạc trên biển cả tự ngàn năm… “Hung thần” tôi giơ cao bàn chân khổng lồ, từ từ để xuống… Đám dã tràng hoảng hốt, chạy tán loạn, rồi nhanh nhanh đào hầm hố trú ẩn, se-se những hạt cát nhỏ như hạt tiêu sọ, chui vội vào nhà để lánh nạn.Tưởng đã thoát thân, nào ngờ chúng lại bị những tên sóng biển hung hăng, chồm lên, đập lên thân thể nhỏ nhoi ấy bao nhiêu là bọt sóng trắng xoá, làm chúng té xiểng-niểng! Tôi đã nhiều lần ngồi bẹp xuống, dạng hai chân ra cản sóng. Lúc ấy, tôi không làm hung thần nữa, mà tôi làm một …anh hùng, tôi cố dùng thân người của tôi che bảo tố cho những căn nhà bé nhỏ ấy. Chúng dân nhỏ bé của tôi cứ chạy chạy, cào-cào, se-se những hạt cát xinh xinh để làm những hang hốc trú ngụ, rồi tức khắc lại bị sóng hủy diệt ngay trong chốc lát. Thật tội nghiệp cho chúng nó, suốt đời tạo dựng cơ ngơi, chỉ trong tích tắc, bị vùi lấp, san bằng…
Chúng tôi rất thích chơi đùa xung quanh các cây chanh, cây bưởi, cây ổi, cây na và để ngửi những mùi thơm của hoa sứ, hoa bưởi,… xen lẫn với gió biển …. Không biết phải tả thế nào cho đúng với cái hương vị và cảm giác ấy, nó thật đầy ấm áp hạnh phúc. Mái tóc chị Thu dợn quăn, tôi dùng một vài cây kẹp đen, kẹp lên tóc chị một hoa sứ. Nhìn chị xinh đẹp quá, rất giống Tây lai, đôi mắt to đen láy, mũi thật cao và thẳng tắp, nước da chị ngâm ngâm, gương mặt như những búp bê ngoại quốc.
Những ngày Hè ở Vũng Tàu là những chuỗi ngày êm đẹp nhất cuộc đời niên thiếu của tôi. Dượng Ba chỉ làm Thị Trưởng VT có vài năm, rồi lại đổi về Cần Thơ. Dượng lên chức là Giám Sát ba tỉnh miền Tây. Tôi lại có dịp nghỉ Hè ở Cần Thơ, đi xe lôi. Thức ăn ở đây ngon lắm, các chị người làm nấu cho chúng tôi các món ăn mà khi ở Bình Dương, Quảng trị, tôi chưa bao giờ được ăn. Thấy tôi thích món gì, chị Thu nhờ chị bếp làm lại món ấy chỉ cho riêng tôi ăn. Tôi được chị Thu chìu chuộng và quý tôi lắm. Và ngược lại, tôi cũng xem chị Thu như bạn chí thân, tất cả những gì bí mật của tôi, chị Thu đều biết cả.
Dượng Ba như diều gặp gió, lên chức cứ mỗi một, vài năm. Dượng trở về Sài Gòn làm Thứ Trưởng, rồi leo lên làm Tổng Trưởng luôn bao nhiêu năm cho đến tháng Tư đen, 1975. Trong nhà lúc nào cũng có đông người làm; tài xế, các chị nấu ăn, dọn dẹp…, các thầy giáo cô giáo dạy kèm… Và thật tội nghiệp chị Thu, chị càng… khờ trân !!!… Chuyện gì chị cũng không biết! Chị không biết … cầm chổi quét nhà. Tôi phải chỉ chị cách cầm chổi quét dài tay ra, và phải đè hơi mạnh xuống để không có bụi lên. Chị không biết tên các loại rau ở chợ, vì chị có được đi chợ, được ra khỏi nhà tung hoành như tôi bao giờ đâu?! Chị ăn cá thu, mà nói đấy là cá… lóc chị cũng không cãi ! ( vì có biết đâu mà cãi!) Trong lúc tôi đi học bằng xe lam xe đò, thì chị Thu trước khi bước ra khỏi nhà, đã có tài xế mở cửa, rồi đưa đến tận trường học. Chiều về chị Thu được tài xế đón. Nhà nào của chị Thu ở cũng rào hai, ba lớp kẽm gai với các lính gác 24/ 24, tường rào cao kín mít, cách biệt với thế giới bên ngoài. Trong lúc ấy chị Thu và các anh chị con của dì dượng Ba được thầy cô giáo đến tận nhà dạy thêm, học ở trường xong rồi học ở nhà. Các thầy thì dạy cho các anh, các cô giáo thì dạy cho các chị thật nghiêm nhặt. Các chị quả là tội nghiệp, hầu như không bao giờ được ra đường một mình. Còn tôi thích gì thì xin tiền má tôi để tự mua. Năm tôi học lớp 7, tôi đã tự học đệm guitar. Sau đó, tôi ghi danh học lớp guitar trong trường. Mới đàn bài tập số 7 của Carulli thôi, chị Thu đã thích lắm rồi, khen tôi không ngớt, bắt tôi đàn đi đàn lại cho chị nghe mãi. Chị là khán thính giả đầu tiên và rất ngưỡng mộ tôi, lúc nào chị cũng khen tôi, rồi chị nở những nụ cười thật hồn nhiên với tôi. Chị Thu “thán phục” tôi vì chị ở lầu son gác tía, không thể có “được” những cái tôi “có” ! Năm tôi mới học lớp 10 thôi, tôi lôi cái thư của người … hàng xóm cho chị xem. Anh hàng xóm này dám cả gan bấm chuông cho tôi ra mở cổng, rồi trao cái thư để tôi đọc. Xui cho chàng, đang đứng cầm cái thư thứ nhì xớ rớ trước cổng nhà tôi bấm chuông, thì ba tôi ra… quát cho một tràng! Cái mặt của anh ta xanh lè và… biến… mất tiêu!… Tôi kể đến đâu, chị cười ngặt nghẽo đến đó. Rồi tôi lại kể chuyện … thâm sâu bí cốc của tôi. Chuyện… chỉ có một … đôi mắt của một người, cứ nhìn theo tôi khi chiếc xe lam mỗi sáng chở tôi đi học, cả chiều đi lẫn chiều về… Tôi đã vấn vương đôi mắt ấy…, tôi cũng thật ngượng nghịu, mắc cở mỗi khi đi ngang qua đấy… Chị Thu chớp-chớp đôi mắt bồ câu đen nhánh của chị, nghe tôi kể, nhìn tôi mơ mộng và cũng rưng rưng cảm động cho chuyện tình thật nhỏ bé của tôi…….
Gia đình chị ra đi vào giờ phút chót của tháng Tư đen. Chị Thu qua qua Mỹ, lấy chồng cùng năm tôi ở Việt Nam lập gia đình. Chồng của chị là một giảng viên đại học. Anh hay đi giảng dạy ít nước trên thế giới.
Anh Sang lớn hơn chị Thu đúng mười tuổi. Anh là du học sinh năm 1965 rồi ở lại Mỹ làm việc luôn. Anh người Huế, tuy rất nhớ thương cha mẹ, anh em, bà con, dòng họ của anh lắm, nhưng anh nhất định không chịu về Việt Nam chơi, mà chỉ bảo lãnh gia đình qua Mỹ cho anh được thăm. Anh nói:
– “Anh đã nhìn thấy Việt Cộng bắn chết nguyên một gia đình bên cạnh nhà anh. Các trẻ con thật thơ ngây, không có một tội gì cả mà cũng bị Việt cộng bắn xối xả vào thân thể chúng nó. Anh làm sao quên được hình ảnh ấy? Anh chỉ cần nhìn thấy đôi dép râu là anh đã rùng mình, đã rợn cả da gà lên rồi, anh không muốn về Việt Nam là vậy, dù anh nhớ quê hương, gia đình vô cùng.”
Khi gặp anh, tôi hay dùng ít tiếng Huế, ít tiếng Bắc, ít tiếng Nam trộn chung nhau chỉ trong một câu nói, như:
– ” Đi.. MÔ rồi cũng… DÌA quê nhà ở Hà … LỘI thôi, MI nghe …CHỬA ?!…”
Và anh chị cười ngặt nghẽo vì cái rắn mắt của tôi…
Anh cũng là một người yêu âm nhạc và nghệ thuật. Khi tôi qua Florida thăm anh chị lần đầu, tôi và anh cùng… ngưỡng mộ nhau!. Anh thì ngạc nhiên khi thấy tôi sử dụng được nhiều nhạc cụ. Và tôi thì ngạc nhiên vì anh chơi guitar thật ngọt ngào, thật tình cảm.
Anh mê nhất là đọc sách. Tủ sách của anh có nhiều sách nghiên cứu về phong thủy, tử vi. Tôi thì không tin bói toán, tử vi, phong thủy cho lắm khi ấy. Nhưng, sau khi anh đã làm những chuyện mà tôi chỉ biết gọi là …”phù phép”, tôi mới bắt đầu tin:
Vào năm 1997, Lan, em gái kế của tôi, cùng chồng và hai con từ Úc Châu đi du lịch ít nước Á Đông, rồi ghé Mỹ, ghé Canada thăm gia đình tôi là lâu nhất.Trước khi đi chơi, vợ chồng Lan vừa mới xong thủ tục mua một căn nhà thứ nhì. Phải bỏ trống hơn hai tháng vì mua vào lúc chuẩn bị đi du lịch. Sau khi trở về lại Úc, vợ chồng Lan phải đi làm lại, để bù vào những khoảng tiền xài rất nhiều cho cái chuyến du lịch hơn hai tháng trời ấy.
Lan về Úc được hơn mười ngày, bỗng dưng Lan gọi điện thoại qua cho tôi, giọng thật là buồn :
– “Chị Kim ơi! Sở của em thải bớt người ra năm nay. Trong danh sách sáu người bị mất việc ấy, có …em!. Em vừa mới mua nhà chưa có người thuê, lại đang có bầu, lại vừa xài tiền rất nhiều trong chuyến đi du lịch kỳ rồi. Em phải làm sao sống đây khi bị mất job như vầy?!…”
Tôi không ngờ mọi việc lại xảy ra cùng một lúc như vậy. Thật là…họa vô đơn chí !
Sau khi an ủi Lan vài câu, tôi bỗng dưng nhớ ra anh Sang. Họa may anh sẽ…phù phép gì được chăng?! Tôi bảo Lan :
– “Lan gọi điện thoại qua Mỹ cho anh Sang đi. Cứ kể hết cho anh Sang nghe, biết đâu anh ấy sẽ giúp được gì chăng?!”
Độ chừng hai tuần sau đó, Lan lại gọi qua tôi. Thật là lạ lùng và kỳ diệu, Lan kể cho tôi nghe, chứ nếu người nào đó kể chuyện này, tôi chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ tin..
… Lan nghe lời tôi bảo, Lan đã gọi qua Mỹ cho anh Sang. Lan nói rằng Lan không hy vọng gì anh Sang sẽ “phù phép” được cho Lan. Nhưng Lan cũng cần gọi cho anh chị Sang và Thu để cám ơn anh chị đã tiếp đãi gia đình Lan quá sức nồng hậu. Rồi sau đó, Lan đã kể chuyện Lan bị mất job khi anh Sang hỏi thăm.
Anh Sang bắt Lan kể tỉ mỉ mọi việc. Anh đã “rầy” Lan :
-“Khi mua nhà mới, người mua không được để nhà trống không, lạnh lẽo như thế. Lan còn hên hơn nhiều người lắm. Không mất mạng, gãy tay què chân , mà chỉ có … mất job là còn may mắn đấy !… “
Anh nói :
-” Muốn có job lại, muốn mọi việc trở lại quỷ đạo, Lan phải thay toàn bộ đồ đạc, nệm gối, màn cửa trong phòng ngủ của hai vợ chồng. Tất cả đều phải mới toanh 100%!”
Lan suy nghĩ và bàn với chồng có nên nghe lời anh Sang hay không?!. Đâu dể gì mà bỏ toàn bộ đồ đạc cũ để thay thế đồ mới trong hoàn cảnh thất nghiệp này?!. Chồng của Lan không dám nói Yes… No, mà để tuỳ Lan quyết định.
Ngày cuối cùng ở trong sở làm, sau khi ăn tiệc tiễn đưa, Lan quyết định: mua ngay một bộ nệm giường với drap mới, gối mới, chăn, màn cửa… mới toàn bộ.
Về tới nhà, Lan đẩy hết đồ đạc cũ vào garage. Sáng hôm sau thì đồ đạc mới toanh được chở đến nhà. Lan dọn dẹp cái phòng ngủ mới chỉ được đôi ba ngày thì bỗng dưng, ông xếp lớn của Lan gọi phone cho Lan! Ông ta muốn giữ Lan lại. Và ông muốn Lan… học thêm một số việc của những người vừa bị thải ra… Sáu người bị nghỉ việc, chỉ có một người được gọi trở về làm việc trở lại, đó là Lan! Lan được đi Thụy sĩ tu nghiệp, lên chức, lương cũng được tăng vọt….
Anh Sang cũng là một người chồng, người cha rất tốt, rất hiếm trên đời. Chị Thu của tôi ngờ nghệch tất cả mọi thứ, lấy chồng rồi tưởng khá hơn, nào ngờ chị vẫn là một cô tiểu thư không biết làm gì cả, vẫn y hệt thời vàng son xa xưa! Anh Sang thương chị Thu lắm, anh không cần chị làm bất cứ gì. Không bao giờ anh để chị phải buồn lòng.
Tôi đã chí thân với chị Thu từ bé rồi, mà tôi nói chuyện với anh Sang cũng thật là hợp, như anh em ruột thịt. Tôi chỉ dẫn anh cách trồng Lan, cây cối, rau cải. Anh và tôi thức rất khuya mỗi đêm khi có dịp gặp nhau, nói chuyện về các nhà văn Việt Nam xưa, nay, các nhạc sỹ, các nhạc phẩm, ngay cả chính trị, kỹ thuật. Kiến thức của anh rất rộng, anh giảng dạy cho tôi hiểu biết thêm về đạo Phật, về thiền, về kinh kệ khi nghe tôi kể những giấc mơ lạ lùng trong đời tôi. Anh cũng giảng dạy tôi về thuật tử vi, bói tướng và phong thủy rất nhiều. Ở bên Mỹ, anh giúp rất nhiều người xem địa lý, phong thủy khi mua nhà, mua cơ sở làm ăn. Anh thích nghiên cứu, và anh không lấy tiền ai cả, rất nổi tiếng vì anh “phù phép” thật thành công. Anh cũng bắt tôi kể những chuổ̃i ngày tôi phải sống sau khi Sài Gòn mất năm 75 ra sao, ba má tôi bị tù cải tạo ra sao, tôi đi vượt biên và bị tù như thế nào… Rồi đời sống sau khi định cư, ngay cả bấy giờ… Anh và chị Thu chảy nước mắt theo từng câu chuyện tôi kể, thương tôi lắm. Và anh chị bỏ bao nhiêu là thì giờ và tiền bạc để cho ba mẹ con tôi được vui trọn hai tuần lễ gặp gỡ bên Florida.
Anh Sang có ba chiếc xe hơi. Anh lái chiếc xe hơi Mercerdes màu nâu đỏ cũ kỷ như đồ cổ, ô-dề như cái nhà biết đi, mà anh kể là của một “thân chủ” phong thủy đã tặng đền ơn anh cách đây hơn mười năm để anh đi làm. Chiếc xe đã rất già nua như một bà lão hom hem, mỗi lần nổ máy là ” bà lão” này ho khục-khặc rân trời! Chiếc xe thứ hai là của chị Thu chuyên để chở con cái đi học. Đó là chiếc Volvo đời mới, màu vàng. Nhìn vào màu sắc và loại xe, tôi đã nhạy bén, biết anh yêu quý vợ con như thế nào: xe Volvo là xe tăng cứng cáp, các loại xe khác mà đụng vào nó chỉ có ôm lấy đau thương mà thôi! Anh đã đặt mua xe màu vàng cho chị Thu, vì anh muốn chị lái xe ra đường được an lành, không bị tai nạn (màu vàng tượng trưng sự hoà bình!).
Anh Sang bắt tôi phải nhận cái chìa khoá xe của chiếc xe Toyota bảy chỗ ngồi, còn thơm phức mùi ghế da, mới chạy độ gần chục ngàn cây số thôi. Chiếc này anh chỉ để đi chơi xa với vợ con. Mỗi năm năm, anh lại thay một chiếc xe van mới. Anh giao chìa khóa xe cho tôi, muốn đi chơi đâu thì có xe đi, mặc dù tôi thật ái ngại, không muốn làm phiền. Nhưng chị Thu bảo tôi mà không nhận là anh chị rất buồn. Tôi đành phải nhận mà cảm động vô cùng. (Ở các xứ Âu Mỹ, không ai dám đưa xe của mình cho người khác lái, rủi ro rất cao, mà chưa nói đến chuyện bảo hiểm, chuyện ra toà… Ngay cả anh em trong nhà, nhiều người cũng không chịu giao chìa khoá, thà chủ nhân tự lái và chở giùm người nhà đi đây đó mà thôi). Chiều về, anh Sang mới lấy xe đó chở cả nhà đi chơi và đi ăn. Rồi anh len lén… châm bình xăng đầy tràn. Anh chu đáo lắm, anh lại đi mua cả bánh, nước uống các loại cho chúng tôi để vào trong tủ lạnh nhỏ trong phòng ngủ của chúng tôi, để cả trong xe hơi tự hồi nào… Anh biết con tôi khó ăn hơn con của anh, anh mua cho chúng kẹo bánh, chip… đầy nhà, rồi mua luôn các vé đi Disney World, các shows nổi tiếng thế giới của Florida như Holywood , Universal, các buổi hòa nhạc, các phim chiếu ở rạp lúc ấy đều được anh nghiên cứu và dẫn cả nhà đi liên tục suốt thời gian chúng tôi ở bên ấy… Anh tốn rất nhiều tiền cho ba mẹ con tôi, cho tôi thấy rất rõ là anh quý mến tôi, mà chánh yếu là vì vợ anh, chị Thu thương tôi cùng tuổi mà số phận tôi lềnh bềnh trôi theo lục bình lên xuống ( lời chị Thu bảo) nên anh cũng thương mẹ con tôi thật đặc biệt. Những chuyện gì chị Thu biết về tôi, anh cũng biết cả. Anh cũng ngạc nhiên vì anh không ngờ tôi xốc vác chứ không như chị Thu… Anh đứng sững nhìn tôi đóng các đinh nẹp lại các sợi dây điện của dàn máy karaoke và các dàn computer lại cho gọn ghẻ, lau chùi cửa kính cửa sổ cho thật trong chỉ bằng những giấy báo, cầm kềm tỉa lại các các cây hồng, cây cam, xiết chặt lại những con ốc của vòi nước bị long ra.. Rồi anh buột miệng nói như nói với chính anh :
– “Anh không biết khi … không có anh, Thu có sống và đứng lên được giống như Kim không?”.
Câu nói vô tình của anh bày tỏ một nỗi lo lắng, như một nỗi niềm sâu kín của anh mà tôi đã ngờ ngợ ngay khi ấy rồi, sau này mới hiểu ra…
Thỉnh thoảng anh Sang qua Canada dạy học, chị Thu cũng đi theo để ở chơi với tôi. Anh rất thích những quyển sách mà tôi mua khi đi về Việt Nam lần đầu tiên, tôi đã đóng một container đựng toàn sách tôi đã mua từ bên đó. Anh đưa tay vuốt từng quyển, nâng niu chúng. Tôi có thói quen đọc sách rất cẩn thận. Tôi tối đại kỵ… thấm nước bọt vào ngón tay để lật sách. Do đó, kẹt lắm tôi mới đi mượn sách ở thư viện đọc. Tôi cũng không muốn ai đụng vào sách của tôi cả, cho nên, tủ sách chính của tôi được đặt trong phòng ngủ! Lúc ấy, chưa có .. eBook để đọc như thời đại bây giờ. Mà ngay như bây giờ, tôi vẫn thích cầm sách để đọc, để lật tới, lật lui, để nghiền ngẫm, thú vị hơn là dùng ngón tay “quẹt-quẹt” trên cái Ipad để đọc truyện!
Từ khi mất nước 1975, anh chưa về thăm gia đình ở Huế bao giờ. Tiểu bang Florida, ngay thành phố anh ở ít người Việt, không có sách truyện Việt Nam để đọc. Lại càng không có những quyển sách quý như tôi vừa mới khoe với anh. Nhớ lại hồi nhỏ, tôi vì mê đọc sách, mà đã đi lạc ba tôi trong một hội chợ lúc mới học tiểu học. Ba tôi đi tìm tôi khắp nơi, tưởng tôi bị … mẹ mìn bắt cóc! Nào ngờ tôi đang ngồi bẹp dưới đất trong một gian hàng sách để đọc truyện, mặc cho ông đi qua, bà đi lại… cho đến khi nghe tiếng loa phóng thanh gọi tên tôi! Còn anh Sang thì siêu đẳng hơn tôi, anh đến nhà người bạn học chơi, mê tơi tủ sách ở nhà ấy… Anh ở lì nhà đó đọc sách cho tới khuya. Gia đình ấy bảo anh phải về nhà ngủ vì ba má anh chắc trông rồi, anh nói láo là ba má anh …đi công việc xa nhà rồi, anh xin được ngủ lại! Anh kể, anh thức trắng đêm ấy để ” ngốn” cho xong quyển Vô Gia Đình, rồi đến các tác phẩm nổi tiếng của Victor Hugo, “xơi tái” luôn cuốn Dũng ĐaKao của Duyên Anh. Sáng hôm sau khi đi học, ba anh cầm roi đợi anh ở ngay cổng trường vì anh đi qua đêm không xin phép, để cả nhà lo lắng…
Tôi cũng giống như đa số các bà nội trợ. Tôi rất thích sắm sửa đồ bếp. Đặc biệt, tôi có một bộ ly, chén bát màu xanh thẩm, của Pháp làm. Có thể để trong microwave, và cũng có thể rửa chén bằng máy được. Chị Thu và anh Sang rất thích cái bộ chén dĩa này. Bên Mỹ, chị Thu không để ý đến chuyện nồi niêu son chảo, các máy móc nhà bếp như tôi, anh Sang muốn mua gì thì mua. Buổi tối vừa đến Florida, chị nấu một nồi phở to cho cả nhà ăn. Chị vui thật là vui, mời tôi rất nhiệt tình :
– “Ăn phở đi Kim. Chị Thu nấu đó à nhe! Chị vui ghê đi, nấu được nồi phở lần đầu tiên trong đời đó nhá … Cũng … dễ quá đi chứ… (!) Kim ăn đi, ăn cũng ngon mà phải không? ( ! ) Kim qua đây chơi, chị phải tự tay nấu cho Kim thấy chị cũng biết nấu ăn rồi chứ bộ! Anh Sang …khen chị lắm đó… “.
Tôi nhìn tô phở mà ngao ngán trong lòng. Không hề có một mùi vị phở, nước phở thì đen và đục, mà miếng thịt bò cũng đen không thua kém! Không có hành lá lẫn hành Tây trắng thái mỏng… Nước dùng nhạt muối, thiếu đường, thiếu ngọt từ thịt xương… Tương ăn phở chị đã không chế biến lại, mặn như muối. Bánh phở thì trụng quá nhũn.. Cả tô phở, chỉ ăn được mấy viên bò viên ! (Vì nhờ đây là thịt bò viên đông lạnh bán ở chợ, chứ không phải chị Thu làm….)
Hai đứa con tôi quay qua nhìn tôi, cũng như tôi, đang không biết phải…làm sao cho phải phép. Trong khi ấy, chị Thu và anh Sang … húp lấy húp để cái tô Phở tái đen ấy! Tôi trợn trắng con mắt, ráng ăn thêm vài gắp, và cáo lỗi vì đã lỡ ăn hơi nhiều trên máy bay rồi. Tôi thật thương chị Thu, chị vẫn … khờ khạo như xưa! May mà chị có người chồng quá tốt, quá dễ tính, quá thương vợ con như anh Sang. Lúc nào anh cũng khen chị.
Các con của anh chị thật ngoan và lễ độ vô cùng.Chị dạy các cháu khi đi ngang qua người lớn đang nói chuyện, phải cúi đầu. Thật tội nghiệp thằng nhóc nhỏ nhất, nó cúi đầu thật sát vào người, còng cái lưng xuống, khuỵu-khuỵu cái chân khi đi ngang qua tôi và lí nhí nói:
– Dạ thưa, cho con xin phép…
Trước ngày chúng tôi lên máy bay về lại Canada, tôi chạy xe đi chợ. Tôi pha sẵn một.. bình to nước mắm cho chị. Tôi pha tương để ăn gỏi cuốn, ăn phở thật nhiều. Tôi bầm nhuyễn tỏi thật nhỏ, ngâm trong dầu olive để xào nấu cho nhanh mà vẫn để dành được rất lâu trong tủ lạnh.Tôi dạy chị cách luộc rau cho xanh tươi, cuốn gỏi cuốn cho chặt và đẹp mà không rách, cách kho thịt, kho cá, cách thái thịt bò sao cho mỏng, cho mềm, tôi mài lại tất cả dao cho thật bén… Tôi cũng kho một nồi thịt kho như nồi thịt Tết để chị và gia đình dùng sau khi tôi về, ướp mấy ký thịt nướng, thịt xá xíu, rồi tôi hấp chín sơ qua, cất từng phần vào freezer cho chị. Khi cần ăn, chỉ cần chiên, hay nướng lớn lửa là có ăn ngay. Tôi cũng ra một tiệm bán cây cảnh rất lớn, mua một tá cây kiểng có những lá màu đỏ, xanh, vàng trộn lẫn. Tôi biết anh tin vào phong thủy, nên tôi đã chọn cây này. Lá vàng để tượng trưng cho hòa bình. Lá đỏ tượng trưng cho sung mãn, tài lộc. Lá xanh tượng trưng cho sức khỏe. Tôi trồng xuống vòng hết mặt tiền nhà. Nhà lớn quá, một tá chậu không ăn thua gì, nhưng tôi thấy căn nhà đẹp hơn và như có sinh khí hơn. Anh khen tôi đã có kiến thức về phong thủy hơn xưa nhiều. Tôi lên máy bay về lại Canada, tôi mặc một quần jean màu vàng, áo chemise trắng hoa vàng… Anh gật gù khen tôi biết cách ” ăn mặc” khi đi xa. Tôi không hề biết rằng, sau khi tôi lên máy bay buổi trưa, thì ngay chiều tối hôm ấy, ở Florida có một cơn bão rất lớn trong lịch sữ đến. Tên cơn bão này là Prince, nó bốc dỡ hết hàng ngàn căn nhà, và hầu như tất cả nhà hàng xóm quanh nhà anh chị đều bị hư hại 80%. Cái nhà kho bằng thép rất lớn của anh sau vườn bị con trốt cuốn hút lên trời, rồi rơi xuống khuôn viên của một ngôi chùa cách đấy không xa. Các cây ăn trái như cam quýt, táo lê… trồng cả chục năm rồi, thế mà cũng biến mất gốc, để lại những lỗ lởm chởm trong sân vườn sau. Dĩ nhiên, phía trước nhà của anh, những cây cảnh tôi vừa mới trồng tặng anh chị cũng không cánh mà bay, chẳng để lại một dấu tích gì cả! Thật là kỳ diệu, lạ lùng và thật may mắn không thể giải thích, căn nhà to lớn của anh chị chỉ mất đi có vài viên ngói đỏ, không thiệt hại gì nặng nề gì cả. Hàng xóm của anh đều phải vào trại tạm cư để ở. Anh kể, vừa thương xót cho những người bị mất mát tài sản này, vừa có chút tự hào là anh đã ứng dụng phong thủy vô trong kiến trúc nhà của anh rất nhiều nên tất cả tai nạn nếu có đến, cũng đến rất nhẹ. Và anh cũng không quên cám ơn tôi đã tặng cho anh các cây kiểng thật đúng ngày giờ! Anh nói, chúng nó đã bị con trốt bốc đi, thế mạng cho gia đình anh. Chúng nó giống như lá bùa hộ mạng trấn trước căn nhà của anh, mà tôi đã để lại cho gia đình anh. Thật là cái duyên, cái phước phần của hai anh chị em tôi.
Khi di dân từ Canada qua Úc sống cách đây 15 năm, tôi quyết định đóng hết sách vào thùng, gửi tất cả qua cho anh Sang chị Thu. Sách của tôi vẫn như mới toanh, không gãy nếp, vẫn còn thơm mùi giấy như chiếc xe hơi Toyota ngày nào anh đưa cho ba mẹ con tôi dùng để đi chơi. Anh rất vui khi nhận được thùng quà của tôi, và hứa sẽ qua Úc thăm tôi. Anh nói rằng, sau khi anh đọc xong sách của tôi, anh sẽ biếu hết cho thư viện ở đây. Khi anh cần đọc lại, chỉ việc ra mượn lại. Làm như vậy, anh thấy vui hơn là giữ sách cho riêng mình đọc trong nhà. Tôi ngạc nhiên, rồi tôi bỗng thấy tự mắc cở vì từ xưa đến giờ, tôi chưa hề có ý nghĩ phải san sẻ cho bất cứ ai những sách mà tôi rất quý này. Tôi càng quý anh, và phải học ở anh cái tấm lòng quảng đại ấy…
Thỉnh thoảng, tôi cũng gọi điện thoại cho anh Sang và chị Thu để hỏi thăm tuy không đều đặn như lúc còn ở bên Canada nữa vì tôi quá bận rộn cho đời sống mới của Úc.
Anh Sang không khỏe, anh bị tiểu đường, lại thêm cao mỡ trong máu. Anh đã giấu chị Thu vì anh không muốn chị lo. Anh dẫn cả nhà về Việt Nam, anh đã không giữ nổi lời thề ngày xưa. Anh đi thăm Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Đi từ Bắc chí Nam. Tôi rất nhạy bén, tôi đã hỏi chị Thu kỹ về sức khỏe của anh. Chị Thu bảo tôi :
– ” Thấy vậy mà ảnh… khỏe lắm Kim ơi ( ! ). Ảnh đi làm về, còn cắt cỏ, … nấu cơm, dạy con cái học hành… Ảnh nói chị mà?!…( ! ). Ảnh nói ảnh khỏe lắm, không sao hết, bác sỹ chỉ làm quan trọng hoá vấn đề thôi (?!)…”
Tôi không tin chị Thu nói. Cái gì đã làm anh thôi thúc đi về Việt Nam từ Nam ra Bắc? Khi tôi phoned hỏi thẳng anh tại sao anh về Việt Nam mà khi xưa anh đã từng nói: “Chết anh cũng không về?!”. Anh ngập ngừng, ấp úng nói với tôi :
– ” Thì cứ coi như mình đã …chết rồi đi !!!… Nhưng, ít ra, mình được đi về thăm quê cha đất tổ với vợ con mình trước khi chết. Chứ mai mốt anh chết đi rồi, ai sẽ dẫn vợ con của anh đi về quê đây?!…Chị Thu đâu thể nào đi về VN một mình được…”
Ở bên Úc, năm 2012, vào khoảng tháng Tết này, tôi đi chợ về. Tôi muốn rang mè bằng microwave. Tôi thường rang chỉ một phút là được. Tôi trãi mè đều lên trên cái đĩa màu xanh của Pháp mà tôi đem từ bên Canada qua đây. Rồi tôi đặt vào trong microwave. Cái màn ảnh của microwave chỉ giờ lúc ấy đúng 7:00 tối. Tôi bấm số 1:00 , tức là một phút. Tôi vừa quay lưng đi đến cái sink để rửa tay, bỗng tôi nghe một tiếng nổ thật to như có tiếng súng trong nhà bếp…
– ” Bùm…”
Phản xạ đầu tiên của một người từng sống qua thời chiến tranh, tôi ngồi thụp ngay xuống đất, nấp vào góc tủ nhà bếp, tim đập loạn xà ngầu lên…
Rồi tiếp theo đó là tiếng loãng-xoãng, rào-rào hình như trong microwave.
Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng này trong cả cuộc đời nấu ăn của tôi. Tôi nhìn dáo dác, nhà chỉ có một mình tôi thôi. Tôi bò đến gần microwave, đúng là tiếng lẽng-xẽng, rào-rào nhỏ dần, nhỏ dần ngay trong cái microwave. Trên cái màn ảnh, vẫn còn con số 0:40 tức là nó mới chạy có hai mươi giây thôi. Còn bốn mươi giây nữa mới hết một phút…. Tôi mở cửa microwave ra để xem sao. Vừa mở ra, loãng-xoảng, loãng-xoảng…, các mảnh vụn thật nhỏ lại tiếp tục rào- rào rơi ra ngoài … Tôi lật đật đóng cửa microwave lại. Thật là dể sợ quá, cái đĩa xanh, khi bể hoà với những hạt mè trắng, bắn đầy những mảnh vỡ rất nhỏ trong lòng cái microwave. Bộ chén đĩa này tôi xài đã đến hơn hai mươi năm. Thỉnh thoảng có làm rơi vỡ một, hai cái, nhưng chưa bao giờ tự động vỡ trong microwave chỉ với 20 giây cooking như thế này. Tôi thật là sợ, lo lắng, không biết cái gì đã làm cái đĩa nó nổ tung như vậy? Mè khô, đĩa cũng khô ráo bình thường. Tôi thấy rõ ràng là một điềm rất lạ, rất gở… Tôi cầm điện thoại lên gọi liền cho má tôi đang ở cách nhà tôi 700 km. Má tôi vẫn khỏe. Tôi gọi điện thoại hết cả nhà. Tôi gọi vòng vòng và chỉ nói chuyện… vẫn vơ với mọi người. Gia đình tôi ai cũng bình thường. Hai đứa con tôi vẫn bình thường. Tôi cố gắng quên chuyện chiếc đĩa bể này. Hôm sau, tôi mới dọn dẹp cái nhà bếp và cái microwave. Những mảnh vỡ vụn nát như pha lê của cái đĩa, tôi cất lại trong một chậu chưng hoa để thế sỏi trắng, nhìn cũng đẹp mắt. Nhưng thật sự, cái đĩa vở nó vẫn ám ảnh tôi suốt cả tuần lễ ấy.
Lan, em tôi, chuyển tiếp một cái thư không ai muốn nhận từ bên Mỹ. Thư của chị Sáu, là chị của chị Thu, báo tin anh Sang vừa mất ở nhà thương vào thứ bảy, đổi qua giờ Úc, nó đúng 7 giờ tối. Anh mất đúng vào ngày, vào giờ cái dĩa trong microwave nổ tung….
Anh Sang đã chuẩn bị cho sự ra đi của anh thật kỹ lưỡng. Anh đã ghi xuống những gì chị Thu sẽ phải gắng làm khi anh mất. Đám tang của anh, không nhận vòng hoa hay phúng điếu. Anh nhắn lại với tất cả bạn bè và bà con, hãy dùng tiền ấy cứu giúp người nghèo, viện trẻ em mồ côi, hay cứu giúp người tàn tật giùm anh, anh sẽ vui hơn. Tôi đã đi chùa niệm Phật hôm nhận hung tin, và sau đó an ủi chị Thu rất nhiều. Không biết chị Thu làm sao sống đây khi chị thiếu vắng anh bên cạnh dù về vật chất, chị không thiếu thốn… Chị Thu nghẹn ngào nói trên điện thoại với tôi là chị đã biết… tự kho thịt ngon nhờ cách tôi chỉ!..Và chị cũng tự pha chế lấy nước mắm được luôn rồi nhờ công thức tôi để lại!… Rồi chị oà lên khóc trong điện thoại với tôi… Hai chị em tôi cùng ôm cái điện thoại và cùng khóc ròng cho những mất mát, những chia lìa….
*******************
Đêm hôm qua, đang ngủ trên lầu, tôi bỗng nghe…. “choảng”… thật lớn, tôi điếng cả người, tỉnh hẳn. Mở thật to mắt ra, tôi cố gắng lắng nghe thêm có tiếng động gì nữa không. Đồng hồ chỉ mới có 2 giờ sáng. Tôi sống một mình, tôi không quá nhát giống như những phụ nữ khác. Nhưng, tôi cũng biết… sợ chứ ! Đêm khuya mà nhà chỉ mình tôi, có tiếng động đồ thủy tinh bị đụng vở như thế, không cướp trộm thì cũng chó mèo vấp vào… Mà tôi nào có nuôi chó hay mèo đâu?!. Tôi chờ thêm một phút, hít một hơi thật sâu, gắng bình tâm, nhè nhẹ bước xuống giường. Tôi cầm theo cái đèn pin lớn, nó có thể là vũ khí được khi cần tự vệ. Tôi cũng cầm sẵn cái cell phone trong tay, mở phone ra để có đủ ánh sáng tối thiểu cho tôi. Tôi bấm sẵn số 000, số để gọi police ở Úc. Chỉ cần nhấn nút “call” nữa là police sẽ đến cứu tôi ngay nếu có chuyện gì xãy ra… Tôi rón rén, nhè nhẹ xuống lầu..
Bật hết đèn dưới lầu lên, cái chậu cây kiểng xanh bằng sứ tôi đặt trên cái chân đứng đang ngã… quỵ! Nước chảy lai láng, miễng chai lẫn sỏi trắng văng đầy trên sàn nhà. Chỉ có con chim bằng sứ màu đỏ thì còn nguyên. Tôi xem kỹ, trong ba cái chân đứng để chịu sức nặng của chậu sứ, có một cái bị lõng ốc, nên nó tự di chuyển, rồi khi không còn cân bằng, nó ngã té nhào… và cái bình hoa cũng… nhào té, rồi bể tan.
Tôi ngồi thừ người ra suy nghĩ khá lâu, có một cái gì đó vướng mắc trong đầu tôi. Tôi quyết định lên computer để tìm lại những thư cũ. Đến gần sáng, tôi tìm được cái email của chị Sáu báo tin ngày anh Sang mất.
Anh mất năm 2012, và đúng hôm nay là ngày … giỗ thứ mười của anh….
Feb/ 2022