NHỮNG KẺ “NGÂY THƠ” VỀ CHÍNH TRI (Ngô Đình Bảo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ngây thơ là một đặc tính của tuổi thơ. Ðầu óc tuổi thơ luôn bao gồm những gì hồn nhiên, trong sáng. Ðối với tuổi thơ, không ai đặt vấn đề bắt mấy em phải dùng lý trí để suy xét một vấn đề. Ðầu óc các em là một tờ giấy trắng, chỉ biết thu thập những dữ kiện mà không có sự phán đoán chính xác .
Thưa quý vị ! Rồi theo thời gian, tuổi thơ lớn lên thành người lớn từng trải. Sự phán đoán ngày càng được hình thành dựa trên kiến thức học hỏi và kinh nghiệm đời sống. Sự khôn ngoan không phải một sớm một chiều có được mà phải tích lũy và sàng lọc theo thời gian. Thông thường một người có học vấn thường có khả năng phán đoán và nhận định tình hình sáng suốt hơn một người ít học hay vô học.
Nhưng trong môi trường chính trị, một môi trường chứa đầy thủ đoạn, dối trá, bịp bợm, đôi khi có những người trí thức vẫn có óc suy luận ngây thơ như một con nai tơ để rội bị VC lường gạt. Lý trí đầu óc của họ đã bị trái tim yêu thương của loài vô thần lấn át để rồi sau đó phải sống những chuỗi ngày ân hận, ray rứt và hối tiếc. Cần phải quân bình yêu thương và lý trí mới mong có sự chọn lựa đúng đắn và chính xác trong lãnh vực chính trị vốn là một nơi chốn điên đảo có nhiều gió tanh mưa máu mà khả năng trí thức cao chưa đủ để có sự nhận định trung thực về những diễn tiến chính trị phức tạp và rối rắm.
Mới đây nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia có cho xuất bản cuốn sách “ Hồi ký của một thằng hèn “ của nhạc sĩ Tô Hải . Trong lời tựa đề cho cuốn sách , nhà văn Lê phú Khải có kể chuyện về sự thú nhận sai lầm cuối đời của Bác sĩ Nguyễn khắc Viện như sau:
“ *Ðọc” Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, tôi bất giác nhớ đến Bác sĩ Nguyễn khắc Viện. Ông là một trí thức Việt kiều, rất hăng hái hoạt động trong phong trào Mác-xít, đảng viên Ðảng Cộng sản Pháp, đã tình nguyện về nước để tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hăng hái là thế, mà ỡ tuổi ngoài tám mươi, khi làm bản tổng kết đời mình, ông đã phải thốt lên “ Ðời tôi là đời của một thằng ngây thơ. Trong hai chữ “ thơ “ và chữ “ ngây “ tôi xin giữ lại cho mình cái chữ “ thơ “ vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ “ ngây” để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin ..vứt nó đi!”*
Nguyễn khắc Viện tự đánh giá như thế là khách quan. Cần phải tách bạch hai chuyện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cái gọi là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Một đàng là hành động theo lương tâm, một đàng là hành động theo người khác khuyến dụ, và cả ép buộc nữa. Tô Hải và Nguyễn khắc Viện: hai con người, hai số phận, cả hai đều được nhà cầm quyền cs tặng nhiều huân chương “ cao quý “, nhưng cái tương đồng giữa hai người là ở chỗ họ đều thiết tha yêu nước, nhưng không thể yêu xã hội chủ nghĩa “.
Có lẽ ai cũng biết Bác sĩ Nguyễn khắc Viện ngoài bằng cấp của một bác sĩ chuyên nghiệp, ông còn là một nhà ngữ học tài ba. Ông đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Pháp văn. Và vào cuối đời ông được chính phủ Pháp trao giải thưởng về những công trình văn hóa viết bằng tiếng Pháp của ông. Một người trí thức hàng đầu như thế mà cuối đời cũng thú nhận là đã ngây thơ khi đi theo chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa có nội dung rất đẹp trên giấy trắng mực đen nhưng là một địa ngục kinh hoàng khi xây dựng. Con tim ông sôi nổi nồng nàn thiết tha, quá mê mệt cái thiên đường xã hội chủ nghĩa mà bộ óc trí thức của ông không kềm chế và kiểm soát nổi để rồi khi về già trở nên hối tiếc ân hận vì mình đã bỏ công sức ra xây dựng một chủ nghĩa không tưởng tam vô . Dĩ nhiên Bác sĩ Nguyễn khắc Viện không phải là người trí thức duy nhất bé cái lầm về chủ nghĩa xã hội, còn có biết bao nhiêu trí thức phương Tây và Việt Nam cũng sai lầm như ông khi coi chủ nghĩa xã hội là con đường đi đến sự toàn thiện toàn mỹ cho xã hội loài người. Dù sao cuối đời ông cũng có đủ cái lương thiện trí thức để nói ra cái ngây thơ dại dột của mình. Hy vọng lỗi lầm tự bạch của ông sẽ giúp nhiều người khác tránh khỏi vết xe đổ mà ông đã đi qua. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, Nguyễn khắc Viện thấy ra cái dại của mình vào lứa tuổi ngoài tám mươi. Dù có trễ tràng nhưng còn sớm nhìn nhận ra chân lý . không biết bao nhiêu trí thức khác còn mơ màng ảo tưởng về cái chủ nghĩa xã hội phản khoa học và phi nhân bản này.
Một người trí thức thứ hai hàng đầu của miền Nam cũng mang bệnh” ngây thơ “ về chính trị là Học giả Nguyễn hiến Lê. Ông Lê đúng là một trí thức tháp ngà, suốt ngày đóng cửa để đọc sách và viết sách. Ông tự hào là người còn viết nhiều còn hơn Học giả Trương vĩnh Ký. Cả đời ông , ông viết khoảng chừng 30000 trang sách. Ông viết đủ mọi thể loại, đề tài như văn học, chính trị, toán học, học làm người v..v. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những diễn tiến chính trị tàn nhẫn đã làm ông sững sốt như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Những suy nghĩ về diễn tiến chính trị ở miền Nam của ông coi như sai bét. Ông viết hồi ký nói lên sự suy nghĩ non dại của mình trước những sự kiện phũ phàng của cuộc đời. Kiến thức ông bao la nhưng ông thiếu một yếu tố quan trọng làm nhận định thời cuộc của ông sai bét vì ông không có kinh nghiệm thực tế . Muốn có những nhận định chính xác về thời cuộc thì kiến thức chưa đủ mà cần bổ túc thêm kinh nghiệm thực tế thì mới mong có những phán đoán chính xác. Hồi ký Nguyễn hiến Lê nói rõ diễn tiến sự suy luận của ông về tình hình chính trị miền Nam như sau :
“..*Khi hội nghị Paris kết thúc năm 1973, chúng tôi mừng rằng chiến tranh sắp chấm dứt sau non ba chục năm dai dẳng, khốc liệt, toàn dân sẽ nắm tay nhau kiến thiết quốc gia. Tôi không đọc được toàn văn Hiệp ước đó, chỉ do báo chí mà biết đại khái rằng Bắc Việt, Mỹ, Mặt Trận Giải Phóng và Chính phủ dân chủ miền Nam: người của Mặt trận, người của chính phủ miền Nam thỏa thuận với nhau sẽ có ba thành phần ở miền Nam: người của Mặt trận, người của chính phủ miền Nam, và một số người ở trong nước và ngoài nước, không theo phe nào ( tức thành phần thứ ba ) ở giữa dung hòa hai thành phần trên.
Tôi đoán công việc đó khó khăn nhưng có thể thực hiện được nếu những người trong sạch, có tư cách, nhiệt tâm ở miền Nam và ở ngoại quốc về chịu ra đảm đương việc nước, và nếu Mặt trận vẫn tỏ ra vẻ ôn hòa như họ thường tuyên bố. Như vậy, sau bốn năm năm, miền Nam ổn định rồi, có thể thống nhất quốc gia được, Bắc Nam dung hòa nhau, Nam hồng thêm lên một chút, để cùng nhau kiến thiết mà tạo hạnh phúc cho dân. Riêng tôi, tôi sẵn sàng bỏ một ít tự do đi, sống thanh bạch hơn nữa, miễn là hết thấy cái nạn tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp, phè phỡn, bóc lột và thấy con người có tư cách hơn. Tôi vẫn thường nói với nhà tôi: cộng sản vào đây thì chỉ nội 48 giờ là hết cái tệ nạn đó”..* Nhưng ông đâu có ngờ rằng ông sẽ thấy nạn tham nhũng trong chế độ Cộng sản còn gấp trăm ngàn lần chế độ miền Nam. Ðây lại là một suy nghĩ dễ dãi của ông, một trí thức tháp ngà, không có điều kiện cọ xát vói thực tế nên cứ suy đoán viễn vông sai sự thật nên giờ hối hận không còn kịp vì quá muộn màng. Thưa quý vị !!

nhung-ke

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=178289155965222&id=100013524161085&comment_id=178339672626837&notif_t=like&notif_id=1478577994699855