NHỚ NHAU HOÀI (Dương Hoàng Mai)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sài gòn vào năm 1981 cuộc sống chùn lại, như một „ Từ Hải bị chết đứng“. Phố chợ thưa người. Từng hàng xe đạp nối đuôi nhau sớm tối đạp đi làm và đạp ra chợ. Gạo trắng sau 3 năm mất mùa trở nên mặt hàng xa xỉ. Dân Saigon lúi húi khuân chở từng bao nhỏ màu xanh đậm, thứ bao dùng đựng cát xây hầm chống đạn pháo kích thưở xưa, nay chứa đầy khoai mì, và chỉ có khoai mì. Những củ cứng to nâu như rễ cây đâm lủng ra ngoài các bao chất sau lưng xe đạp. Chợ chỉ lác đác vài gian hàng, vài nhóm người đứng túm tụm trao đổi vội vã vài món hàng, như đang bán hàng lậu, bán chợ trời.
Chợ Tân Định đã vào buổi trưa, cảnh mua bán chậm dần. Mặt trời đứng bóng, người đi chợ vội vã lánh vào vài hàng quán ăn ven chợ. Bỗng có tiếng hát cất lên cao ngay phía đầu chợ, từ thân hình đang ngồi lết trên mặt đường nhựa đen sẫm, nóng rát :
“Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em, rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố, gió ở trên non gió cuốn mây về..“ *
Tiếng hát bốc cao quấn quýt, tan loãng vào không gian khô nóng như làn gió mát thổi nhẹ hồn người. Nhiều cặp mắt ngước lên nhìn người ăn xin, rồi vội vã cụp xuống, chăm chú vào các tô thức ăn, các ly trà đá đang uống chưa xong.
Cô học trò nhỏ vừa tan trường tay ôm cặp dừng chân đứng nhìn người lính đang ca. Chiếc áo xanh màu lá cây anh mặc đã bạc màu loang lỗ. Gương mặt xương xẩu, vùng ngực thóp hõm phập phồng theo nhịp hát. Hai cánh tay mạnh mẽ với bắp thịt nổi rõ chống ngộ nghĩnh lên hai chiếc dép nhựa. Anh dùng đôi tay thế cho cặp chân đã bị cụt. Hai mẫu chân còn lại thâm đen đang thò ra ống quần được cắt ngắn. Chiếc nón vải màu xanh để ngửa ven đường còn trống rỗng, vài cọng chỉ lưa thưa lòi quanh các lỗ rách trong nón. Một đồng tiền xu nhỏ như sắp lọt qua cái lỗ đó. Với thoáng ngần ngại, cô học trò cúi xuống bỏ gói đậu phọng nấu vào nón. Anh lính ngước lên, cặp mắt buồn thảm, đôi môi nhăn nhúm khô khốc như đang cố cười : „ Cám ơn cô bé !“ .
Giọng nói nhỏ hút rơi vào ánh nắng gay gắt đến loáng cả mắt. Cô học trò nhỏ vội xoay đi như bỏ chạy. Bóng áo trắng khuất dần phía đầu chợ. Người lính chợt nhớ về thưở xưa, khi tan học về chân bước tung tăng dọc theo con đường làng nhiều bóng cây râm mát. Cậu học trò nhỏ thường vứt cặp vở ven đường để trèo lên cây ổi to nhà bà bác. Nhiều trái ổi chín vàng ươm  lấp lánh trong tàn lá xanh rậm. Chân bám chặt cành cây, cậu vươn tay với hái ổi. Mùi ổi chín thơm hòa quện cùng mùi lá ổi. Tia nắng ban trưa thưở ấy không gay gắt như bây giờ. Và đôi chân… ô kìa, đôi chân như vẫn còn chập chờn đung đưa trên cành ổi.
Anh lại nhớ đến khi leo con đồi dốc thẳng đứng, vai đeo ba lô nặng chĩu, dưới ánh nắng cháy bỏng vùng Quảng Trị mồ hôi thấm ướt áo, nhưng đôi chân vẫn mạnh mẽ bước đều theo đồng đội.
Anh quệt tay áo lau mồ hôi trán, nhìn xuống bắp đùi như muốn thấy lại đôi chân đang leo dốc ngày nào. Hình ảnh thực tế khiến cổ họng anh khô rát, anh lần tay tháo mở túi vải đeo sau lưng, hối hả kéo chiếc bi đông xanh, mở nắp, ngửa cổ uống vài hớp nước cuối cùng. Tất cả gia tài, sự nghiệp đời lính của anh giờ chỉ còn lại chiếc bi đông quý giá này. Bóng một bà già cặp giỏ đi chợ chậm chạp bước ngang qua khiến anh nhớ lại rằng hôm nay anh phải về thăm mẹ, dẫu biết sẽ đau đớn thế nào mỗi khi bắt gặp cặp mắt mẹ lén nhìn anh. Nhớ khi xưa dừng chân cùng đồng đội, anh ngồi buông đàn,  hát trên đồi cao:
„ Mẹ ơi quê hương lầm than …Làm trai hai vai nợ mang „ ***.

Giọt mồ hôi hay giọt nước mắt mặn đắng chợt lăn trên đầu môi. Anh bậm miệng, quay ra sau lưng cố nhét cây đàn guitar cũ mèm vào túi đeo. Chậm chạp chống trên hai cánh tay người lính lê từng bước hướng ra cửa chợ. Đôi dép mòn mỏng như chảy nhão trên mặt đường nhiều đá dăm khô khốc. Thân thể nhẹ tênh giúp anh di chuyển nhanh hơn.
Lúc ra đến bến sông Sài Gòn, trời đã xế chiều nhưng nắng hãy còn gắt. Dòng người chen chúc nối đuôi đổ xô nhau hối hả giành chổ đi lên phà. Con phà trông như cái trứng vịt lớn sơn trắng có nhiều chổ lở sơn, chìa khoảng thân sắt đen rỉ sét theo thời gian. Chiếc phà chở khách từ trước 1975 đến nay vẫn còn chạy đều đặn giúp người người hàng ngày qua lại. Tiếng xe Honda rồ máy, tiếng xe đạp được khiêng nhấc chạm vào nhau lách cách, tiếng người la mắng ở tấm bục sắt lớn nối cửa lên phà với bến tàu.
Người đi bộ không chen vào cửa chính dành cho người đi xe được, họ lách qua hai cửa hẹp hai bên hông. Khoảng lách hẹp, người ta thường phải nghiêng người khi bước vào phà. Chổ cửa hẹp không có tấm nối giữa phà và bến tàu, một khoảng trống cho thấy mảng nước sông xanh đục đang chảy rất xiết phía dưới. Nhiều bà mẹ nắm chặt con, nhấc bỗng nó lên, như sợ đứa trẻ có thể lọt vào lỗ hổng đó. Có tiếng hối thúc, chưởi thề phía sau lưng, người lính bậm môi, cố chống mạnh hai cánh tay vào sàn bến tàu sắt bỏng rát, đu người vào phà. Vượt qua ! Anh đã vượt qua khoảng trống có nước chảy xoáy, luôn với cây đàn cũ mèm đeo lủng lẳng sau lưng. Anh lết vội vào một góc con phà. Quệt tay áo lau mồ hôi trán, anh quơ tay ra sau lưng kéo cây đàn vào lòng. Vuốt nhẹ mặt đàn, khẽ nắn vài cung nhịp, anh buông tiếng hát.
„ Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn…mà nghe nức nở trong lòng…“ **
Con phà lừ đừ nhẹ nhàng trôi ra giữa sông, gió mát từ bến thổi vào phà, tiếng hát theo gió lan xa, tan loãng dần, như dòng đời vẫn chảy xuôi theo năm tháng…
Dương Hoàng Mai.
Munich 19.06.2020
Chú thích

1) * và *** Bản nhạc „ Nhớ nhau hoài“ của nhạc sĩ Anh Việt Thu.
 2) ** Bản nhạc „ Nửa Đêm Biên Giới“ của nhạc sĩ Anh Bằng.