NHẠC SĨ XUÂN TIÊN 102 TUỔI (Đinh Yên Thảo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhạc sĩ Xuân Tiên vừa bước qua tuổi 102 trong những ngày cuối tháng Một này, có thể là người nhạc sĩ thế hệ xưa thọ nhất trong làng âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Xuân Tiên sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội và vào Sài Gòn từ năm 1952. Ông từng chơi nhạc trong ban nhạc đài Phát Thanh Quân Đội trước năm 1975 và sau 1975 có tham gia trình diễn cùng vài đoàn kịch, cải lương như Kim Cương, Minh Tơ… cho đến khi sang định cư tại Úc.
Là một trong những nhạc sĩ đóng góp vào nền âm nhạc Việt Nam, ông không được nhiều khán giả đại chúng biết đến cho đến khi trung tâm Thúy Nga làm chương trình vinh danh ông cùng nhạc sĩ Thanh Sơn và Nguyễn Ánh 9, giúp một số người có cơ hội biết một số bản nhạc nổi tiếng và quen thuộc là do ông sáng tác. Như bản Khúc Hát Ân Tình đã được Thúy Nga sử dụng làm tựa cho chương trình Những Khúc Hát Ân Tình này.
“Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài.
Tìm đến phương này, một nhà thân ái.
Ơi! Tình Bắc duyên Nam là duyên
Tình chung muôn đời ta đắp xây”
(Khúc hát ân tình)
Bài hát Khúc hát ân tình hay thỉnh thoảng có người giới thiệu là Tình Bắc Duyên Nam lời của Sông Hương, được ông sáng tác sau Hiệp Định Geneva năm 1954, xem như một lời kêu gọi tương thân tương ái giữa đồng bào hai miền Nam-Bắc với người di cư vào Nam. Đó là bài hát đặc sắc, mang âm hưởng dân ca miền Bắc, không phải ca sĩ nào trình bày cũng thích hợp và thành công. Các ca sĩ như Giao Linh, Phương Dung và Tuấn Vũ đều có hát bản nhạc này, có hay vì bản nhạc và giọng ca của họ hơn là sự thích hợp và diễn xuất luyến láy trọn vẹn âm điệu của bài hát.
Tương tự như bài Duyên Tình sáng tác cùng nhạc sĩ Y Vân. Đó một bài hát khác gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Xuân Tiên. Cũng âm điệu, luyến láy làn điệu miền Bắc, thích hợp với những giọng ca thuộc thể loại này. Như Ý Lan, Ái Vân chẳng hạn. Bởi trong một cuộc phỏng vấn, nhạc sĩ Giao Tiên có cho biết là khi sáng tác, ông rất chú trọng đến giai điệu và thể điệu. Có lẽ vì ông là một nhạc sĩ chơi được rất nhiều nhạc cụ nên chú trọng điều này, chưa cần giọng ca mà chỉ chơi nhạc cụ cũng đã nghe hay.
“Biết nhau giữa độ trăng tròn
Mến nhau dưới biển mà trên non ơ vẫn tìm
Ơi, thương nhau thì mâm bánh buồng cau cũng nên duyên”
(Duyên Tình)
Nhưng đến bài Hận Đồ Bàn của ông thì đích thị là miền Nam, qua giọng ca Chế Linh thì không lẫn vào đâu được cái chất borelo đặc trưng. Nhạc sĩ Xuân Tiên kể lại ông đã ra tận Bình Định ngoài Trung để tìm hiểu văn hóa, lịch sử, các giai điệu âm nhạc của người Chàm mà viết bản nhạc nghe tha thiết, não nùng này. Là một sự công phu chứ không phải là một sáng tác ngẫu hứng bất chợt.
Nhân sinh nhật của ông, có lẽ cũng là dịp để nhắc nhớ và cảm tạ những nhạc sĩ như ông đã có những đóng góp to lớn vào nền âm nhạc Việt Nam.
Cho đến năm qua, thông tin cuối cùng về ông là ông vẫn đang sống trong một viện dưỡng lão tại Úc và người vợ chung sống với ông khoảng 80 năm đã qua đời trong năm 2021.
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Xuân Tiên chia sẻ rằng, “Dù tuổi đã nhiều, lúc nào cũng nên vui vẻ với mọi người, sống lạc quan, bỏ qua sự hờn giận, tìm sự vui tươi cho trí óc”. Có lẽ đó cũng là một bí quyết trăm tuổi của ông chăng?
Đinh Yên Thảo