NHÀ VĂN NHẬT TIẾN – MẠN ĐÀM NGẮN VỚI MẶC LÂM (Vọng Ngày Xanh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhà văn Nhật Tiến Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch. Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là Những Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn.“Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến : nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo..” Cuộc mạn đàm ngắn với nhà văn trong những ngày cuối tháng 4 (Mặc Lâm, RFA-2012-05-09) http://phailentieng.blogspot.com/2020/09/nha-van-nhat-tien.htmlhttps://youtu.be/clEHKne8EXk

Posted by Vong Ngay Xanh on Tuesday, September 15, 2020

Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch. Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là Những Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn.
“Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến : nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo..”
Cuộc mạn đàm ngắn với nhà văn trong những ngày cuối tháng 4 (Mặc Lâm, RFA-2012-05-09) 

NHÀ VĂN NHẬT TIẾN

E.E - Emprunt Empreinte - Mượn Dấu Thời Gian: Nhật Tiến Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ 20.
 Năm 1951, truyện ngắn đầu tay của Nhật Tiến là “Chiến nhẫn mặt ngọc” được đăng trên tờ Giang Sơn. Đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo.

Sau 1951, Nhật Tiến cộng tác với tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh. Ngoài ra, ông còn viết cho các báo Tân Phong, Văn, Bách khoa, Văn Học, Đông Phương. Ông làm chủ bút tuần báo Thiếu Nhi từ năm 1971 cho tới 1975 do nhà sách Khai Trí xuất bản.

Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt. Hoạt động của ông trong thời gian này là viết kịch cho Đài phát thanh sau đó về Sài Gòn dạy học tại các trường tư thục.

Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch. Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là Những Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh đã viết về ông :

Truyện “Chim hót trong lồng” của Nhật Tiến. nhilinh blog
“Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến : nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ, mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo..”

Chúng tôi có cuộc mạn đàm ngắn với nhà văn trong những ngày cuối tháng 4 sau đây, mời quý vị theo dõi:

Truyện “Chim hót trong lồng” của Nhật Tiến.  

Kỷ niệm thời thơ ấu

Mặc Lâm : Trước tiên xin cảm ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện thân mật ngày hôm nay. Thưa ông, có thể nói tác phẩm đầu tay “Những người áo trắng” đã được xuất bản rất lâu, và từ tác phẩm này nói về những dòng tu kín ở Việt Nam dẫn tới tác phẩm “Chim hót trong lồng” cũng là một câu chuyện bên trong phạm vi bốn bức tường của nhà dòng, xin ông cho biết nguyên cớ nào mà ông thích viết về bốn bức tường trắng của nhà tu kín như vậy?

Nhà văn Nhật Tiến : Dạ vâng. Cảm ơn anh đã nhắc đến hai tác phẩm gần như là loại đầu tay của tôi. Cuốn “Những người áo trắng” thì tôi sáng tác vào khoảng năm 1955 hay 1956 gì đó. Đấy chỉ là một kỷ niệm của tôi vào thời còn sinh sống ở Hà Nội, khi đó tôi là một hướng đạo sinh.
Quý vị đã biết rằng hướng đạo sinh thì thường hay đi làm các công tác từ thiện, làm những việc gọi chung là giúp ích. Đoàn của tôi cũng làm những công việc như mùa đông thì chúng tôi thường hay đẩy những xe bò đi các đường phố ở Hà Nội để quyên góp quần áo của bà con trong thành phố rồi đem giúp cho những người nghèo. Hoặc giả chúng tôi tình nguyện đứng ở đầu phố Hàng Trống hoặc là Hồ Gươm để bán những cuốn sách của những tác giả thời đó, thí dụ như vở kịch của kịch sĩ Văn Thuật mà tôi còn nhớ, thì tiền tác quyền của kịch sĩ Văn Thuật mà bán được thì lại cho vào một quỹ để đem giúp đồng bào bão lụt hay người nghèo thời đó.

Một công tác khác về vấn đề từ thiện là chúng tôi hay lui tới ở cái trại mồ côi, và trại mồ côi đó bây giờ gọi là đường Nguyễn Thái Học, nhưng hồi đó gọi là đường Hàng Đẫy rồi đi sâu xuống Phố Hàng Bột. Có một trại mồ côi mà chúng tôi hay lui tới sinh hoạt ở đó. Và chính thời gian tôi sinh hoạt ở trại mồ côi này thì hình ảnh những người áo trắng như trẻ mồ côi mặc quần áo trắng, những bức tường trắng và những cô thiếu nữ ở viện mồ côi lớn tuổi hơn trông nom đàn em nhỏ đã gây cho tôi nhiều xúc động. Và sau này khi sáng tác tác phẩm dài đầu tay thì tôi đã dùng hình ảnh ở trại mồ côi đó để viết cuốn “Những người áo trắng”.

Mặc Lâm : Mọi người đều công nhận ông là một nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, đặc biệt là tác phẩm “Chim hót trong lồng” viết về một cô bé rất cảm động. Từ những nỗi niềm của cô bé đó, ông mang theo trong những chuyến vượt biên sau này… có một sự dính líu nào đó trong những hoàn cảnh của những người vượt biên, chắc chắn ông đã gặp những cô bé bất hạnh trên đường đi, ông có liên tưởng đến nỗi bất hạnh mới từ cô bé trong “Chim hót trong lồng”…?

Nhà văn Nhật Tiến : Theo tôi thì sự liên tưởng từ cô bé trong “Chim hót trong lồng” đến những cô bé vượt biên thì đó là sự liên tưởng hơi quá xa, bởi vì “Chim hót trong lồng” tôi viết từ thập niên 1960 mà chuyện vượt biên thì mãi sau ngày 30-4-1975, thành ra tôi nghĩ rằng nếu tôi viết cuốn ‘Chim hót trong lồng” thì cũng là dư âm của những hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng của tôi khi tôi viết “Những người áo trắng”.

“Chim hót trong lồng” tập truyện bị từ chối

Khi tôi sáng tác truyện “Chim hót trong lồng” thì nó cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, thành ra tôi viết rất là lẹ, có lẽ cũng là nguồn cảm xúc của tôi trong suy nghĩ những em bé mồ côi, nhất là những buổi chiều

Cuốn “Quê Nhà, Quê Người” và cuốn Tay Ngọc của Nhật Tiến RFA file

mùa thu ở Hà Nội mà nhìn ra trời đầy mây xám với những cành cây trơ trọi, mà các em lại không có ba mẹ nào đến đón ra ngoài cả, nên có nhiều cảm xúc lắm.

“Chim hót trong lồng” tôi viết từ thập niên 1960 mà chuyện vượt biên thì mãi sau ngày 30-4-1975, thành ra tôi nghĩ rằng nếu tôi viết cuốn ‘Chim hót trong lồng” thì cũng là dư âm của những hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng của tôi khi tôi viết “Những người áo trắng”

Cuốn "Quê Nhà, Quê Người" và cuốn Tay Ngọc của Nhật TiếnTôi viết trong vòng hơn một tuần là xong cuốn sách đó. Lúc bấy giờ tôi gửi cho nhà văn Nguyễn Thị Vinh làm chủ nhiệm tạp chí Tân Phong để đăng thì chị Vinh ngần ngại, chị thấy nó hơi dài, có thể là vì một phần nó hơi dài cho tân Phong vốn là một tạp chí nên nó chiếm nhiều chỗ quá và thứ hai có thể là cái đề tài đó chị Vinh không thích, thành ra khi đưa bản thảo đó cho chị Vinh thì chị từ chối.
Tôi thấy chắc là hồi đó mình cũng mới viết mà nên chắc là nó không có giá trị gì nên tôi cất đi. Đến một thời gian sau thì anh Trần Phong Giao, tôi nhớ hồi đó ảnh xin ra tạp chí Văn, chắc là vì vấn đề tài chính hay sao đó mà đến lúc giấy phép sắp hết hạn ra báo vẫn chưa đủ tài chính để ra một tờ báo đàng hoàng. Ảnh đến nhà tôi ảnh bảo: “Cậu có truyện nào không? Nó vừa vừa thôi để in trong một xấp giấy để tôi giữ cái giấy phép của tờ Văn.” Tôi bảo: “Tôi có cái truyện vừa vừa mà chị Vinh đã từ chối đấy. Cậu có lấy thì lấy.”
Tôi đưa truyện “Chim hót trong lồng’ và quả nhiên là anh Trần Phong Giao cho in trong cuốn Văn số 1. Cuốn Văn đó thật sự ra nó gần như là một cuốn chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng vì giấy phép sắp hết hạn cho nên ảnh đưa vào. Đó là một kỷ niệm. Vâng.
Nhưng không ngờ truyện đó được rất nhiều thế hệ độc giả tiếp đón. Có thể nói là trước sau tôi in tất cả mười bốn – mười lăm lần tái bản cuốn “Chim hót trong lồng”.
Mặc Lâm : Bên cạnh “Chim hót trong lồng” một tác phẩm khác cũng làm cho người ta chú ý nhiều lắm, mà đặc biệt là chính quyền Hà Nội trước đó đã chú ý rất là nhiều và họ lên án cuốn này dữ dội, đó là cuốn “Giấc ngủ chập chờn” . Ông có thể nói sơ một chút về tác phẩm này được không?

Nhà văn Nhật Tiến : Ồ! Cuốn “Giấc ngủ chập chờn” tôi sáng tác vào giữa thập niên 1960, may lúc bấy giờ cuộc chiến ở Việt Nam cũng dữ dội lắm, tràn lan khắp mọi miền. Tôi viết về hoàn cảnh của một vùng xôi đậu. “Xôi đậu” có nghĩa là một nửa xôi một nửa đậu, tức là một vùng tranh tối tranh sáng. Ban ngày thì do quốc gia kiểm soát, nhưng ban đêm thì do bên kia, thành ra dân chúng sống trong vùng đó thì gia đình rất là phân tán, có anh em thì theo bên này, có anh em thì theo bên kia, và họ chết đi vì cuộc chiến.

Cả đám thanh niên và con nít ở cái làng đó họ thân thiết với nhau và sống trong thanh bình lắm. Nhưng đến lúc cuộc chiến tràn về thì anh em giết nhau, hàng xóm đồng bào giết nhau, gây ra thảm cảnh đau khổ trong cuộc chiến. Tôi viết tất cả những hoàn cảnh đó và với cái nội dung như vậy thì chế độ mới đánh giá cuốn đó là cực kỳ phản động vì nó tố cáo một sự thực là không phải Mặt Trận Giải Phóng Mền Nam là do quần chúng bất mãn chế độ mà nổi dậy. Tôi thấy sự thực không phải như vậy thành ra chế độ cộng sản họ lên án.
Mặc Lâm: Chế độ cộng sản lên án tác phẩm này nhưng sau đó theo chúng tôi biết cũng có một tác phẩm in chung với Nhật Tuấn được một nhà xuất bản trong nước in. Ông có thể cho biết sự thực như thế nào không?

Sự thực về cuốn “Quê nhà, quê người”


Nhà văn Nhật Tiến :
 Vâng. Đó là cuốn “Quê nhà, quê người”. Cuốn sách này gây sóng gió và bị dư luận hải ngoại chống đối rất nặng nề, nhưng thực sự là như thế này. Quan điểm của tôi trong thời điểm vào khoảng đầu thập niên 1990, tức là sau khi phong trào văn nghệ phản kháng ở trong nước đã phát động thì tôi hy vọng rằng anh em cầm bút ở hải ngoại có thể tiếp sức với những anh em cầm bút phản kháng ở trong nước để có thể làm nên một cuộc kết nối với nhau, tìm ra một con đường hỗ trợ cho nhau trong công việc đòi hỏi tự do – dân chủ cho đất nước. Đó là quan điểm của tôi khi tôi nghĩ rằng làm những công việc hỗ trợ những người cầm bút ở trong nước, vì những người đó là những người chống đối chế độ, chứ không phải tôi chủ trương giao lưu với chế độ, bởi vì chế độ này là một thứ cường quyền, và tôi không bào giờ chủ trương hợp tác với cường quyền hết, bởi vì cái chế độ đó đẻ ra bao nhiêu là tham nhũng, bất công, mất tự do, mất dân chủ.

Tôi đã bỏ nước ra đi, đời nào tôi làm cái chuyện giao lưu với họ. Nhưng mà những người cầm bút ở trong nước đứng trong hàng ngũ văn nghệ phản kháng, đứng trong hàng ngũ những người đòi hỏi tự do cầm bút của mình, thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Và tôi hợp tác với Nhật Tuấn trên quan điểm đó. Lúc bấy giờ Nhật Tuấn đang làm nhà xuất bản Văn Học ở trong nước và cậu ấy cũng đã là một cây bút nổi tiếng từ trước năm 1975. Cậu ấy đề nghị là “Bây giờ anh em mình hợp tác in chung một cuốn. Anh viết những chuyện xảy ra ở hải ngoại và em viết những chuyện xảy ra ở trong nước. Những chuyện xảy ra ở hải ngoại thì gọi là “Quê người”, và những chuyện ở trong nước thì gọi là “Quê nhà”. Đó là tên truyện “Quê nhà, quê người” ra đời trong hoàn cảnh đó.
Tôi gom một số truyện đã viết ở hải ngoại và được đăng rất nhiều trên báo chí ở hải ngoại và đưa cho Tuấn, thì Tuấn in ra thôi, chứ hoàn toàn không có một chính sách, một chủ trương hay một kế hoạch nào tiến hành trong việc giao lưu mà có lợi cho cộng sản cả.
Nhân dịp này tôi cảm ơn anh Mặc Lâm đã dành cho tôi cơ hội để tôi có thể nói rõ hơn một lần về cuốn sách “Quê nhà, quê người” này.

Mặc Lâm : Thưa, một câu hỏi cuối cùng. Thưa ông, cũng hơn 60 năm cầm bút ông là cây viết có thể nói rất là kỳ cựu kể từ khi nhóm Tự Lực Văn Đoàn sinh hoạt cho tới ngày nay và vẫn còn sáng suốt, vẫn còn mạnh khỏe và vẫn còn có thể sáng tác được….

Nhà văn Nhật Tiến : Cảm ơn anh.

Mặc Lâm : Thưa ông, điều còn đọng lại nơi ông duy nhất hiện nay mà ông muốn chia sẻ với thính giả nói chung là điều gì ạ ?

Nhà văn Nhật Tiến : Vâng. Xin cảm ơn anh Mặc Lâm, trước tiên tôi xin được cải chính một chút ít. Đối với Tự Lực Văn Đoàn thì là những bậc trưởng thượng và đi trước tôi rất là xa, và tôi không dính líu gì đến sự nghiệp của Tự Lực Văn Đoàn cả. Tôi chỉ là một hậu duệ, một độc giả đọc Tự Lực Văn Đoàn mà thôi.
Còn đặt vấn đề những năm cuối của sự nghiệp – nếu có thể gọi là sự nghiệp – 60 năm cầm bút của tôi như anh Mặc Lâm hỏi là còn đọng lại những điều gì nhất thì phải nói ngay thế này, là tôi rất đau buồn khi nhìn thấy cái khung cảnh sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại này nó có nhiều ngòi bút quấy hôi bôi nhọ nhiều quá. Nếu anh chịu khó vào những trang web trên Net hoặc đọc một số báo, thì anh thấy nhiều cây bút đã lạm dụng sự tự do ở xứ sở này để viết nên những bài không còn đúng nghĩa là chữ nghĩa nữa. Nó quấy hôi bôi nhọ, nó làm cho nhếch nhác bộ mặt văn học hải ngoại.Khi tôi nghĩ tới điều đó thì tôi rất đau buồn và có lẽ rằng tôi sẽ phải làm cái việc cuối đời tức là góp phần dọn dẹp cho sạch sẻ cái môi trường chữ nghĩa từ lâu bị quấy hôi bôi nhọ như thế này.
Mặc Lâm : Dạ vâng. Một lần nữa xin cảm ơn nhà văn Nhật Tiến đã dành cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do một buổi nói chuyện rất là thú vị với nhiều chi tiết như thế này. Xim cảm ơn ông.

Nhà văn Nhật Tiến : Cảm ơn anh Mặc Lâm. Kính chào quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Mặc Lâm,   RFA
*
*     *
NHÀ VĂN NHẬT TIẾN (1) và ĐÔI GUỐC TRẮNG
(Văn Hóa Ngày Nay-Tập 2-Tháng 7-1958)

Tôi đứng trên vệ đê nhìn xuống. Chuối xanh cả một vùng ven sông. Nắng lấp loáng trên những tầu lá. Vào buổi trưa, bốn bề êm ả quá. Chỉ có tiếng gió rì rào, tiếng chim chiêm chiếp và mơ-hồ có tiếng một nhà máy ở xa xa vẳng lại.

Qua những gốc chuối, bên kia là mặt sông. Nước xanh ngắt. Sóng nước nhòe trong ánh nắng loang-loáng như bạc.Tôi đi xuống dưới ấy. Lối cát trong vườn chuối phẳng lì. Hơi đất phù sa từ mé sông đưa lên âm ẩm. Quanh tôi đầy bóng mát; ánh nắng nghiêng nghiêng trên những tầu lá xanh và mỏng. Những bẹ chuối đang nở hoa.
Có vết chân ai đi trên lối cát. Tôi nhìn ra bờ sông. Bốn bề vắng lặng. Vết đi in sâu xuống thành một hố xinh xinh. Những vết guốc gót nhỏ với bàn chân thon. Tôi lại chăm chú nhìn ra bờ sông. Nắng nhấp nháy chói mắt. Không có ai ở ngoài ấy cả.
Vết guốc quanh co trong vườn chuối. Tôi nghĩ đến một thiếu nữ có mái tóc đen dài, có cặp môi mộng đỏ. Lần theo vết guốc ấy, tôi tưởng tượng đến một cuộc đi chơi của hai người trong bóng mát.
Vết guốc mất dấu ở ven sông. Cát ở đây đẫm nước nên mịn hẳn. Sóng giạt lên bờ rồi rút ra xa. Mấy lớp bọt vàng bị bỏ rơi lại, sùi lên rồi ngấm xuống.
Tôi nhìn vào những lùm cây chìa ra mặt nước. Mấy quả sung chín rơi lõm bõm. Và có một đôi guốc. Đôi guốc trắng nằm ở ven sông, lấm-tấm đất phù sa đỏ.
Tự nhiên tôi hồi hộp. Ở đây không phải có một mình tôi. Có hai người. Tôi và một thiếu nữ đang tắm ở sau bụi cây sung; tôi nhìn về phía ấy, và tưởng tượng sau bụi cây phải là một tà áo trắng mắc vào cành, gió đưa phơ phất. Tôi không nghĩ đến một mảnh quần lụa vo tròn trên bờ cỏ, nhưng nghĩ đến một mái tóc đen dài giãi trên mặt sóng, một thân hình óng ả đang đắm mình dưới làn nước veo. Có tiếng chim hót gần đây. Tôi ước gì mình được là con chim.
Ngoài mặt sông, sóng vẫn nhấp nhô rồi giạt lên bờ cát. Trời xanh lơ lơ. Khúc sông lấp loáng ánh nắng, lượn mình quanh những lùm cỏ, bụi cây. Bờ bên kia là ruộng mía. Đằng sau tôi là lối cát đi trong vườn chuối. Lối cát in những vết guốc lốm đốm chạy vòng lên chân đê.
Ở đây không có mình tôi. Có hai người. Hai đứa. Tôi mỉm cười, trầm ngâm.
Nhưng rồi tôi cũng phải ngược lại lối cũ. Bịn rịn đấy, nhưng cũng đành. Nếu không tôi sẽ xấu hổ với những con chim đang hót ở bờ sông.

Tôi bỏ lại phía sau đôi guốc trắng. Đôi guốc trắng nằm trên lòng cát mịn, có lấm tấm đất phù sa đỏ. Giá mang về được một chiếc để sau này khi quen nhau, lấy nhau rồi hai đứa cùng giở ra xem. Yêu biết mấy.

Và rồi tôi lại đứng trên vệ đê nhìn xuống dưới ấy. Chuối xanh cả một vùng ven sông. Nắng lấp loáng qua những tầu lá. Có những con chim đang chuyền cành. Có một mái tóc đen dài giãi trên mặt sóng và có một đôi guốc trắng nằm ở bờ sông.
Đôi guốc mà chẳng bao giờ còn có người đi.
Vì sáng hôm sau… có tin một thiếu nữ trầm mình ở chỗ ấy.
Nhật Tiến
(Văn Hóa Ngày Nay-Tập 2-Tháng 7-1958)