NHÀ VĂN DOÃN DÂN: PHẬN ĐỜI NGHIỆT NGÃ (Lê Văn Trạch)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thế hệ chúng ta có duyên được sống qua hai thiên niên kỷ để chứng kiến những biến động lớn của dân tộc, qua đó mỗi cá nhân cũng chịu bao bất trắc, oan nghiệt, xoay vần theo vận nước cùng những nỗi khổ niềm đau chất chứa, tưởng chừng như quá tải cho một đời người, nhưng theo thời gian rồi cũng qua đi. Tuy nhiên, có những sự kiện chỉ xảy ra thoáng chốc, đôi khi không dính dáng gì đến mình lại hằn sâu vào tâm tưởng, tạo dấu ấn khó quên.
Ngày 1/5/1972 toàn bộ Sư Đoàn 3BB và các lực lượng tăng phái yểm trợ rút khỏi Quảng Trị, tôi được đi theo một đơn vị Thiết giáp, đêm đó dừng quân trước Chi khu Hải Lăng. Sáng hôm sau không theo quốc lộ mà di chuyển về phía Đông, rồi qua Mỹ Chánh. Tất cả các loại xe đều phải dừng lại ở phía nam cầu, tôi may mắn được một nhóm phóng viên nước ngoài cho theo vào Huế, rồi hai hôm sau vào Đà Nẵng.

Sau khi gặp và ổn định gia đình, ngày 6/5/1972, tôi vào Phòng 2/BTL/Quân đoàn để hỏi tình hình và thăm một số bạn đang làm việc tại đây, chúng tôi không vào phòng mà đứng ngoài hành lang, tình cờ tôi thấy một thiếu phụ còn trẻ, dáng vẻ thanh tú, từ văn phòng Trung tá Phó phòng bước ra, vừa đi vừa khóc, trên tay ôm một túi xách. Thấy tôi nhìn có vẻ thắc mắc, một anh bạn cho biết: Đó là vợ Đại úy Trần Doãn Dân, có lẽ trên đường di tản khi qua Đại lộ Kinh hoàng, Ông bị thương nặng không di chuyển được nên nhờ người lính bên cạnh mang túi xách về Quân đoàn và hôm nay chị được thông báo đến nhận?

Sau khi Bộ Tư Lệnh SĐ3 di chuyển từ căn cứ Ái Tử vào Thành cổ Quảng Trị (31/3/1972), Phòng 2/BTL/QĐI gởi Đại úy Nguyễn văn Tâm làm sĩ quan đại diện tại P2/SĐ3 như là một cách yểm trợ tinh thần vì thực chất mọi tin tức đã được báo cáo đầy đủ từng giờ. Đại úy Tâm là Trưởng ban Khai thác tài liệu thuộc Biệt đội Quân báo Quân đoàn I. Cuối năm 1970 khi được thuyên chuyển từ P2/ Bộ Tổng Tham mưu ra, tôi về làm việc dưới quyền của ông, cho nên khi ông ra Quảng Trị, chúng tôi rất thân nhau.

Ngày 8/4/1972, quân đội Bắc Việt tung 3 Sư đoàn tấn công trực diện vào tuyến phòng thủ Cửa Việt – Đông Hà – Ái Tử – Phượng Hoàng – La Vang thất bại, đặc biệt tại căn cứ Phượng Hoàng do Tiểu đoàn 6 TQLC trấn giữ, ngày 9/4/1972 đã tiêu diệt 2 Tiểu đoàn Bộ binh và 1 Tiểu đoàn xe tăng địch, nên tình hình lúc này rất yên tĩnh. Ông và tôi thường ra phố uống cafe, ăn sáng! Khoảng hai tuần sau, ông cho biết sắp về Đà Nẵng và sẽ có một sĩ quan khác ra thay… Ông giới thiệu Đại úy Trần Doãn Dân và nhắn gởi cố gắng hỗ trợ. Thời gian này ở đây cũng có một sĩ quan trước đã phục vụ tại P2/SĐ22 quen ông, có kể giai thoại là mỗi lần có người muốn gặp ông hỏi là gặp Nhà văn Doãn Dân hay Đại úy Trần Doãn Dân!

Ông ít nói, hạn chế tiếp xúc, dành nhiều thời gian để viết. Tuy thế, chúng tôi có nhiều lần nói chuyện khi cho Ông biết có đọc văn Ông trên tạp chí Bách Khoa, Văn. Ông lên án sự phi lý của chiến tranh, làm tiêu hao cả một thế hệ thanh niên của cả hai miền, đặc biệt là chia sẻ về thân phận của những nhà văn trong quân đội, không đặt đúng thiên chức của họ, nhiều người đã chết thật oan uổng!

Ngày 24/4/1972, tôi được lệnh trở lại căn cứ Ái Tử để tăng cường cho Trung úy Trần Kim Anh đang bảo vệ kho bản đồ và tài liệu ở đây, đến khi vào lại thì không thấy Ông nữa. Nếu không bỏ đi trước, chắc Ông không bị cảnh thảm thương như thế. Lúc Sư đoàn tái chỉnh trang và huấn luyện tại Phú Bài, Phòng 2 có nhận được thông báo về cái chết của Ông và từ đó tình hình diễn biến phức tạp, không còn ai nhắc đến tên Đại úy Trần Doãn Dân nữa!

Tháng 4/1973, tạp chí Văn, cơ sở văn học lúc sinh thời Ông cộng tác đã ra một số Tưởng niệm nhân giỗ đầu của Ông. Các văn nghệ sĩ như Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Hồng, Định Nguyên, Du Tử Lê đều có những bài viết về sinh hoạt văn học và những kỷ niệm đã có với Ông, có nhắc đến ngày Ông mất 29/4/1972 tại Quảng Trị, mà không nói rõ tại sao Ông có mặt ở đây. Mọi người tiếc nuối không còn nhiều cơ hội tiếp xúc, có lần đầu gặp ngắn ngủi cũng là lần gặp cuối ,thương tiếc một phong thái nho nhã, bộc trực, thẳng thắn, yêu bạn lính hơn bạn văn mặc dầu rất đam mê và nôn nóng chờ đợi những trang sách của mình, một cuộc đời nổi trôi với nhiều khó khăn trong gia đình cũng như ở đơn vị mà ít ai chia sẻ được, cũng như mọi người đều bất ngờ về cái chết của Ông, đang ở Saigon, tự nhiên nghe tin chết ở Quảng Trị!

Ba mươi tám năm sau ngày tạp chí Văn ra số kỷ niệm, tháng 4/2011, tạp chí Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư chủ biên cũng đã xuất bản số Tưởng niệm, lần này Ông được nhắc đến nhiều, chi tiết hơn trong cương vị một nhà văn và một Sĩ quan Quân báo. Ông đến với Làng Văn rất sớm và khá nổi tiếng, tạo một chỗ đứng uy tín vững vàng khi thường xuyên có mặt trên những tạp chí văn học nổi tiếng ở Saigon như Chỉ Đạo, Giai phẩm Tân Phong, Bách khoa và Văn.

Ông có một cung cách riêng khi diễn bày tâm tư. Ông viết:”… cốt đế thỏa mãn sự tò mò, muốn thấy mình được sống ở những hoàn cảnh mà mình không có và nhất là để thỏa mãn sự náo nức thích viết của mình…, tôi cứ cố gắng thành tâm với những gì tôi muốn viết, chỉ nguyên sự ham thích sáng tác và rung cảm với những hoàn cảnh mình tạo ra cũng đủ để tôi cảm thấy “vui” trong cái “buồn” của kẻ cầm bút”. Tác phẩm của Ông được độc giả đón nhận nồng nhiệt: Tập truyện “Chuyện Của Huệ” phát hành năm 1968 và “Tiếng Thì Thầm” in cuối năm 1972 lúc Ông không còn nữa!

Với bản tính bộc trực, ngay thẳng và không chịu khuất phục bất cứ áp lực phi lý nào, cho nên ra trường được chọn đi ngành Quân Báo, nhưng thường xuyên thay đổi đơn vị. Ông đã từng cãi tay đôi với Trưởng phòng 2 Sư đoàn vì chỉ trễ phép mấy ngày lúc về dự đám tang người thân. Trong Bản Cáo phó ghi Ông tử trận trên Đại lộ Kinh Hoàng, làm nhiều người tưởng Ông được thuyên chuyển từ Saigon ra Sư đoàn 3BB!!!

Căn cứ vào năm sinh 1938, có thể nhà văn Doãn Dân nhập ngũ vào khoảng đầu thập niên 60, nhưng chúng ta không có nhiều thông tin về giai đoạn này, cho đến khi đọc bài viết “Kỷ niệm với Doãn Dân” của nhà văn Võ Hồng trên báo Văn ngày 17/4/1973: “Tôi gặp anh Doãn Dân lần đầu vào đầu năm 1968. Lúc bấy giờ anh làm ở BTL/SĐ22 tại Qui Nhơn và chẳng biết nhân dịp nghỉ phép hay đi công tác, anh và một số anh em văn nghệ lái xe vào thẳng Nha Trang. Khi được giới thiệu, tôi cảm động cầm tay anh là bởi nhiều năm trước tôi có đọc mấy truyện của anh trên Bách Khoa, tôi yêu cái không khí lãng đãng, nhẹ nhàng, cái uyển chuyển, ngập ngừng rất tinh vi trong truyện của anh.”

Ngoài ra, còn có một nhân chứng đặc biệt khác vừa là bạn Văn, vừa là thượng cấp của Ông đã ghi khá đầy đủ nhiều khía cạnh trong bài viết “Định Mệnh”, tháng 2 năm 2011.

Nhà văn Văn Nguyên Dưỡng tức Thiếu tá Nguyễn văn Dưỡng – nguyên là quyền Chỉ huy trưởng Trung tâm Quân Báo P2/TTM, tháng 6/1968- được cử đi học khóa Tình báo Cao cấp tại Hoa kỳ. Khi về nước bị điều ra đặt thuộc quyền sử sụng P2/SĐ22 (mà Ông cho là bị đi đày), được bố trí làm phụ tá Trưởng phòng và cấp một căn phòng cạnh gia đình Trung úy Trần Doãn Dân trong cư xá Sĩ quan. Vừa là đồng sự, láng giềng, và là dân văn chương, nên hai người rất tâm đắc, thường thù tạc với nhau. “Doãn Dân người miền Bắc, chừng mực, ít nói, cũng không hay cười, nhưng khi trò chuyện thì dường như anh muốn trút bớt bầu tâm sự nặng trĩu trong lòng…anh cũng thường băn khoăn về những người có tài mà bất khả trong xã hội hay anh muốn nói về thân phận mình, một người ôm hoài bão lớn nhưng chưa nhìn thấy tương lai”.

Khoảng tháng 9/1969, Thiếu tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 thăng cấp Trung tá được điều lên làm Trưởng phòng 2/QĐ2, Thiếu tá Nguyễn văn Dưỡng thay Ông. Trong chỗ thân tình đã có từ trước, Trung úy Dân đã gặp riêng Thiếu tá Dưỡng để trình bày nguyện vọng muốn đổi về Saigon. Ông Dưỡng nói: “… Tôi nói với Doãn Dân là tôi sẵn sàng giúp chuyển đơn với hảo ý là nên thuyên chuyển về Trung ương, biết anh giỏi Anh ngữ, tôi khuyên anh nên xin về một trong hai Trung tâm hỗn hợp Việt Mỹ là CICV (Combined Intelligence Center Vietnam) hoặc CDEC (Combined Document Exploitation Center), anh nghe tôi làm đơn về CDEC và không bao lâu sau, cuối năm 1969, anh được toại nguyện…Làm việc ở Saigon đến đầu năm 1972, Doãn Dân mới thuyên chuyển ra đơn vị nào đó ở vùng hỏa tuyến chính tôi không thể nào biết được. Dĩ nhiên cần tìm hiểu vì sao Doãn Dân bị thuyên chuyển ra khỏi Saigon và tử trận tại Quảng Trị? Ai đưa đi và lý do gì?”.

Những ngày cuối tháng 4/1972, tình hình Quảng Trị trở nên xấu đi, sau hai tuần lễ bổ sung quân số và tiếp tế lương thực đạn dược, ngày 27/4, địch quân tung toàn bộ lực lượng tấn công chiếm Đông Hà, rồi Lai Phước, Ái Tử…! Để toàn dân và toàn quân thấy những khó khăn và sự chiến đấu kiên cường của các đơn vị QL/VNCH tại mặt trận này, ngày 29/4/72, Cục Điện ảnh thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị đã gởi một nhóm phóng viên do Trung tá Nguyễn Thượng Thọ tức nhà văn Lê Huy Linh Vũ dẫn đầu đã đến Thành Cổ Quảng Trị, nhóm đã có những thước phim nóng hổi về cuộc quần thảo giữa chiến xa ta và địch trên cầu Thạch Hãn, của các chiến sĩ Biệt Động Quân, những loạt pháo của Cộng quân vào thị xã và phỏng vấn Chuẩn tướng Vũ văn Giai. Trong lúc bất ngờ, nhà văn Lê Huy Linh Vũ đã gặp Đại úy Trần Doãn Dân và ghi lại cụ thể trong cuốn “Ba ngày cuối cùng tại Bộ Tư Lệnh Tướng Vũ văn Giai”… 

Tôi nhảy xuống một hầm trú ẩn khá rộng, trước mắt là một vị Đại úy- một Đại úy tại mặt trận, nhưng vóc dáng nho nhã, không nón sắt, tóc không chải, áo bỏ ra ngoài, chân đi dép, tay đang hí hóay trên một xấp giấy… tôi nghĩ chắc đây là một nhà văn hay ký giả gì đó, tôi lên tiếng:

– Đại úy viết cho báo nào vậy?
Nghe câu hỏi của tôi, ông trả lời:
– Xin lỗi Trung Tá, ông xuống bất ngờ, nên tôi không biết, tôi viết cho Bách Khoa, nhưng ít thôi vì không có thì giờ
– Thôi, chúng mình là dân cầm bút, nên dẹp cấp bậc đi, gọi nhau anh em được rồi.
– Xin cho biết bút danh là gì?
– Tôi là Trần Doãn Dân, khi viết ký tên là Doãn Dân
– Còn tôi là Lê Huy Linh Vũ, điện ảnh quân đội. Tôi dắt một toán phóng viên lên đây làm phóng sự chiến trường Quảng Trị đây nè.
– Ồ, hân hạnh quá! Tôi có đọc sách và xem cuốn phim về Tết Mậu Thân tại Huế của anh, hôm nay mới vinh dự được gặp.
Doãn Dân hỏi:
– Độ này có viết gì nhiều không?
– Không, có nhiều điều rắc rối, nên hai năm nay tôi không viết gì cả.
– Vậy sao hôm nay có mặt ở đây?
– À, ngồi chơi xơi nước lâu cũng chán; vả lại, quan trên nhớ tới kêu vào giao việc, nhà binh mà, bảo đi thì đi, chỉ đâu đánh đó.
– Vậy là lần này gặp may nha, tha hồ quay mà chẳng cần dàn dựng gì cả, quay được nhiều chưa?
– Cũng kha khá, cảnh dân chạy loạn, địch pháo, chiến xa ta và địch quần nhau
– Vậy chừng nào về, đường bộ à?
– Ngày mai, bằng trực thăng..
– Vậy à, nếu tôi được về với anh thì hay biết mấy
– Khó gì, anh cứ lên Khối Chiến tranh Chính trị xin một chỗ chắc được thôi, ưu tiên cho báo chí mà
– Nhưng tôi có phải là báo chí đâu
– Vậy anh ở đây với tư cách gì?
– Tôi là ĐẠI DIỆN PHÒNG 2/QĐI. Anh xem tôi như thế này mà họ cho tôi làm Phòng 2, chẳng khác gì bắt mèo ăn cứt, mình chỉ thích viết lách văn nghệ, chứ có muốn phỏng vấn tù binh đâu. Vì thế, họ tống đi cho khuất mắt, điều lên đây tăng cường cho P2/SĐ3, nhưng ở đây thừa người ra đấy, họ có thèm xài mình đâu, thành ra cứ thất tha thất thểu, xin về họ không cho, nếu có thể được, anh giúp kéo tôi về Cục Tâm lý chiến thì hay biết mấy.
Tôi bảo:
– Thân tôi lo chưa xong, nhưng mà tôi nêu tên một số bạn tôi ra đây, anh xem có quen không, họ có thể giúp được.
Tôi kể Tạ Tỵ, Nguyễn Đạt Thịnh, Văn Quang, Phạm Huấn.. Doãn Dân đều lắc đầu, nhưng đến khi nhắc đến Đặng Trần Huân thì mắt anh sáng lên và bảo:
– Đặng Trần Huân bây giờ làm ở Cục Tâm lý chiến à, làm sao liên lạc được với nó?
– Có gì đâu, anh cứ viết một lá thư, tôi sẽ mang về trao tận tay
– Được, tối nay anh em mình sẽ gặp nhau ở Câu lạc bộ, tôi sẽ viết. Mình có một đêm dài, bạn văn gặp nhau, tha hồ tâm sự…
– À, mà anh đang viết gì đó?
– Một truyện dài, đời một anh lính ba gai, nhưng cũng là một anh hùng. Cốt truyện này tôi mới thai nghén trong mấy ngày ở đây, anh xem mới một tuần mà tôi viết được 100 trang đây nè, tối mình gặp nhau, tôi sẽ tóm lược câu chuyện cho anh nghe…

Tôi xuống Câu lạc bộ thì Doãn Dân đã có ở đó. Thấy tôi, anh kêu tên… Với giọng hậm hực và căm phẫn, Doãn Dân nói nhiều về những nhà văn trong quân đội, chỉ một số ít được giao công việc thích hợp, còn phần nhiều thì lang bang, không được ở những nơi dúng mức, đúng chỗ, những công việc chẳng liên quan gì đến văn nghệ. Như trường hợp của anh, một người cầm bút mà không được viết văn, lại làm Phòng 2. Làm văn nghệ, không những không được khuyến khích mà còn xem như một trọng tội, một cái cớ cho cấp trên hành hạ, chèn ép… Anh ước mong được về Cục Tâm lý chiến, giữ bất cứ nhiệm vụ nào cũng được, miễn có một chỗ yên thân để viết.

Tôi hỏi anh đã viết thư cho Đặng Trần Huân chưa, anh nói chưa và đi tìm giấy bút, nhưng không có. Tôi bảo anh viết vào cuốn sổ tay của tôi cũng được, viết vào đây sẽ không thất lạc, tôi sẽ đem về trao tận tay Đặng Trần Huân.

Doãn Dân viết xong trao lại cho tôi và dặn dò với bao hy vọng và ngồi lim dim kể câu chuyện anh đang viết cho tôi nghe. Dưới ánh đèn leo lét, khuôn mặt anh đẹp quá, như một đứa trẻ ngây thơ bước chân vào đời. Vẻ đẹp của một người cầm bút mang bao nỗi niềm ao ước, tin rằng mình sẽ làm được một cái gì khác người!

Vẻ đẹp đó may cho Doãn Dân, anh đã giữ được vĩnh viễn vì anh đã ra đi!

Lúc tôi về đến Saigon, rút những tờ giấy ướt đẫm giao cho Đặng Trần Huân, thì anh cho biết Doãn Dân đã nằm lại trên Đại lộ Kinh hoàng (Nhóm Phóng Viên Điện Ảnh Quân Đội đến Quảng Trị từ 29/4/72 đến 01/5/72, cuộc nói chuyện giữa hai nhà văn chỉ có thể xảy ra ngày 29 hoặc 30/4, do đó ghi ngày mất của Ông 29/4/72 là không chính xác). 

Như vậy là chúng ta biết một cách chắc chắn là: Đại úy Trần Doãn Dân, từ CDEC (Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp thuộc Phòng 2/TTM được thuyên chuyển ra Phòng 2/BTL/QĐI tại Đà Nẵng, rồi được cử làm Đại diện tại Phòng 2, Sư Đoàn 3.  Để bổ sung thêm, chúng ta hãy nghe nhà văn Võ Hồng kể tiếp: “Cái kỷ niệm gần nhất, kề sát với ngày chết của anh là bức thư anh gởi cho tôi, hôm tháng 2/1972 từ Đà Nẵng. Tôi biên thư trả lời và viết địa chỉ của anh lên phong bì. Tôi lúng túng không biết KBC của anh là 4103 hay 4109, tôi dò hỏi xem có ai có người quen làm việc ở Đà Nẵng để biết KBC của anh, nhưng không có ai cả. Cuối cùng, tôi quyết định viết con số 3. Một tháng sau, thư bị trả lui…

Ngày 27/4/72, tôi lại nhận được thư của anh và ghi địa chỉ cụ thể là KBC 4109 (Bộ Tư Lệnh Quân đoàn I). Ba ngày sau, nghe tin anh tử trận!!!”

Mọi người biết tin nhà văn Doãn Dân chết trên Đại lộ Kinh hoàng, nên đều nghĩ Ông ở Sư đoàn 3 rồi di tản, cũng có người viết Ông bị lãnh nguyên quả pháo… Tuy nhiên, căn cứ vào việc túi xách của Ông được mang về BTL/QĐI, chúng ta có thể suy luận rằng Ông bị thương nặng, không thể di chuyển, nên nhờ một người lính nào đó mang hộ Ông và Ông nằm lại rồi qua đời.

Có điều thắc mắc của nhà văn Văn Nguyên Dưỡng là lý do Ông rời CDEC vẫn chưa có câu trả lời, vì không có ai để kiểm chứng! Điều ngạc nhiên nữa là Ông đến P2/BTL/QĐ vào thời điểm nào cũng không ai nhớ. Tôi đã nhiều lần hỏi các sĩ quan ở đây, nhưng không ai biết, kể cả tên Ông (Trong lúc đi tìm dữ liệu cho bài viết này, qua một người bạn, có tiếp xúc được với Cựu Thiếu Tá Phạm văn Đức làm việc tại CDEC từ 1970 đến 1975 cho biết tại Trung Tâm này không có Sĩ Quan nào tên là Trần Doãn Dân cả!).

Căn cứ vào nhiều bài viết Tưởng niệm Ông, chúng ta có thể ghi nhận, sắp xếp theo trình tự để tương đối nắm được những diễn biến vào thời điểm đó:

Tết năm Nhâm Tý 1972 Ông vẫn còn ở Saigon – theo nhà văn Định Nguyên ghi lại trong bài viết “Doãn Dân – Cát bụi”, thì ngày Mồng Ba Tết (17/2/72), nhà văn Doãn Dân đã đến thăm. Sau đó cùng với nhà văn Đào Trường Phúc ghé nhà em gái Doãn Dân ở Thị Nghè và đã gặp cụ thân sinh cùng vợ anh ở đó và theo lời đề nghị của Ông, đến thăm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

Có lẽ ăn Tết xong, Ông ra Đà Nẵng liền, vì theo nhà văn Võ Hồng, Ông nhận thư Doãn Dân vào tháng 2 để mời ra dự tuần lễ Văn Hóa nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cũng có nhận được lời mời như thế trong thư đề ngày 3/3/72. Có thể lúc ra Đà Nẵng, Ông đem theo cả gia đình, cần nhiều thời gian để ổn định mọi thứ, nên chậm vào đơn vị, hơn nữa hình như Ông cũng được nhà văn Duy Lam mời vào Ban Tổ chức Tuần Văn Hóa dự định tiến hành vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Đến khi trình diện thì nhận Sự Vụ Lệnh ra làm sĩ quan Đại diện tại P2/SĐ3BB??? Câu hỏi vĩnh viễn bị bỏ ngỏ! Có điều chắc chắn là từ Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp thuộc P2/TTM, Ông được thuyên chuyển ra Phòng 2/QĐI, chứ không trực tiếp ra SD3 như nhiều người ngộ nhận!!!

Bốn mươi tám năm đã qua, vóc dáng Ông chỉ còn lờ mờ trong tâm trí tôi, nhưng dòng nước mắt trên khuôn mặt thất thần đau thương của Chị, với dáng đi thiểu não bước xuống từng bậc thềm ở Quân Đoàn ngày nào vẫn còn hiện rõ trong tôi khi nhớ đến.

Người lính với bao gian truân, thảm khốc trên chiến trường, rồi thương tật hoặc phải nằm xuống, đó là trách nhiệm phải hy sinh hay nói cách khác: Đền xong nợ nước, nhưng vợ con họ chịu bao mất mát, lâm cảnh bơ vơ, thua thiệt cả đời! Thân phận họ thật sự đắng cay, vượt quá sự chịu đựng!

Cuộc đời Ông canh cánh bên lòng những hoài bão làm được điều gì đó cho đời, cho đất nước, cuối cùng không thực hiện được, ngay cả điều đã sẵn trong tầm tay: 

Câu chuyện về người lính trận viết ra trong cơn binh lửa: Những chi tiết rất thật, cũng theo Ông về với cát bụi và như nhà văn Văn Nguyên Dưỡng đã viết “Tất cả đều do định mệnh, định mệnh quyết định số phận từng người”. 

Qua góp nhặt từ nhiều bài viết, hệ thống lại để có câu trả lời tương đối rõ ràng về những ngày tháng cuối đời của Ông.

Ông đi, không ai biết, đến không ai hay, khi nhắm mắt cũng không ai thấy, gia đình không có được nắm tro hay huyệt mộ của Ông để lui tới! Có phận đời nào tang thương nghiệt ngã hơn không? Những dòng chữ muộn màng này như nén hương lòng Tưởng niệm Đại úy Trần Doãn Dân – một nhà văn, cũng là một chiến hữu mà tôi may mắn được gặp trong không gian chẳng bình an chút nào…

Xin Ông yên nghỉ với cát bụi vĩnh hằng….

Tác giả: Lê văn Trạch
P2/SĐ3BB
Tháng 4, 2020.

Đặng Hoàng Sơn/Việt Nam Văn Hiến.

ĐHS.