NGUYỄN XUÂN VINH: MỘT ĐỜI NGƯỜI TRONG CHUYẾN BAY SIÊU THANH

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhan đề “Một đời người trong chuyến bay siêu thanh” (A Life In Supersonic Flight) là đề tựa của một bài viết của ba giáo sư Aron A Wolf (giáo sư đại học Cal Tech),, Daniel J. Scheeres (giáo sư đại học Colorado, một môn đệ của giáo sư Vinh)) và Ping Lu (giáo sư đại học UC San Diego) trong tập san của Hội Những Nhà Khoa Học Không Gian Hoa Kỳ (Amarican Astronomical Society) số 18-126 và website www,trs.jpl.nasa.gov để tôn vinh giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.

Tôi đọc bài viết này khi được tin giáo sư Vinh vừa qua đời vì tôi có cơ may được tiếp xúc với ông khoảng chục lần (phải nói thêm là mỗi lần khoảng trên dưới 5 phút !! ), và khi thấy tên ông, một người mà tôi kính trọng và cảm phục, tôi lại nhớ tới những tiếp xúc ngắn ngủi với ông, tôi thấy giờ đây chúng trở nên quí giá.

Tôi được biết về giáo sư Vinh rất sớm, khoảng năm 1959, khi tôi mới khoảng 14,15 tuổi, ở với ông anh là sĩ quan Không Quân trong Tân Sơn Nhất và thường thấy ông ngồi xe (Peugeot hay Citroen) màu đen có tài xế lái đưa ông đi làm. Thời gian đó cũng là lúc tôi được đọc cuốn Đời Phi Công của ông. Văn pháp của cuốn sách giản dị, nhưng trong sáng và thơ mộng như những bài tản văn, rất hấp dẫn với một học sinh mới lớn. Ngoài cuốn sách, tôi còn đọc những bài viết (hay dịch) của ông trên báo Phụng Sự của quân đội hồi đó như cuộc đời phi công Richard Bong, về đô đốc Yamamoto, về trận Trân Châu Cảng. Trong bài viết về trận Trân Châu Cảng, ông có làm mấy câu thơ tưởng niệm những phi công Nhật mà giờ đây tôi còn nhớ:

Như những cánh hoa anh đào tan vỡ
Xuôi trùng dương, theo vạn nẻo về đâu
Vịnh Trân Châu, muôn lớp sóng bạc đầu
Đem tro bụi ai xuôi về cố lý.

Hai năm sau, khoảng 1960, tôi lại “thấy” ông lần nữa trong dịp ông dẫn đầu một phái đoàn Không Quân đến hai trường Petrus Ký và Chu Văn An nói chuyện về KQ, có lẽ để “dụ” mấy anh sắp thi tú tài đi KQ. Sau đó được biết ông từ chức và đi Mỹ.

Bẵng đi mấy chục năm sau, khoảng năm 2000, khi tôi viết xong cuốn Đi Vào Cõi Vô Cùng, một cuốn sách về Thiên Văn Học cho những người bình thường. Là một người không chuyên môn về Vật Lý, nên tôi chỉ có thể viết về mặt ngoài những vấn đề thâm sâu, tôi nhờ người liên lạc với ông và gửi bản thảo đến ông để nhờ ông rà soát lại và viết tựa (anh bạn Hòang Khởi Phong đã đùa giỡn nói với tôi là tôi níu áo ông để ông kéo theo tôi đi vào Văn Học Sử). Ông đọc xong, viết bài tựa, và gửi thư khuyến khích. Tôi nhớ có gọi điện thoại hỏi ông tôi có phạm sai lầm trầm trọng nào không khi tôi dám đá động đến Vật Lý Lượng Tử trong cuốn sách. Ông cười, nói là “có một khoa học gia nổi tiếng đã nói là người nào tự nhận là hiểu biết về Lượng Tử thật ra là người không hiểu gì cả, cho nên điều em viết, cũng có thể đúng“. Từ lúc đó, tôi coi như đã được “quen” ông để sau đó, khi tôi về Cali, đã gặp ông mấy lần (như trên đã nói, mỗi lần khoảng 5 hay 10 phút). Tôi phải nói thêm một điều là tôi đã rất kính trọng giáo sư Hòang Xuân Hãn, chỉ có một điều là ông Hãn may mắn không ở trong vòng kiểm soát của Cộng Sản như các ông Nguỵễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo… nên được Việt Cộng ra sức lấy lòng, và ông đã tự nhận một cách ngây thơ là ông được Phạm Văn Đồng coi là bạn (được gọi ông Đồng là “anh Tô”). Trong một bài viết về những người đậu tiến sĩ Toán, ông thiên vị đến nỗi chỉ nhắc đến miền Bắc mà không hề nhắc đến những tiến sĩ trong Nam như Đặng Đình Áng, Từ Ngọc Tỉnh… và nhất là giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (ông đậu tiến sĩ Toán một văn bằng rất khó khăn, ở Paris, nơi giáo sư Hãn cư ngụ, năm 1972).

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin viết đôi điều tôi biết về giáo sư Vinh, con người khoa học và con người văn học.

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN VINH:

Như nhiều người đã biết, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh sinh năm 1930, tại Yên Báy. Sau khi tốt nghiệp trung học, đậu xong chứng chỉ Toán Học Đại Cương thì ông được gọi động viên vào khóa 1 Nam Định. Nhưng có lẽ vì có khả năng Toán Học, ông được gửi vào Thủ Đức để học ngành Công Binh. Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy, ông phục vụ ngành này mấy tháng thì được chấp nhận sang Pháp học ngành Không Quân tại trường Salon de Provence. Trong thời gian học tại trường, khóa sinh phải học vài chứng chỉ Toán học, ông nói với tôi là vì nhiều chứng chỉ trường không dạy, nên cho khóa sinh đi học ở trường đại học Marseille gần đó. Ông nhân tiện lấy thêm một số lớp để hoàn thành bằng Cử Nhân rồi Cao Học Toán rồi về nước năm 1954. Mang cấp bậc Trung Úy, ông phục vụ ở Nha Trang. Khi đó, ông được Bộ Quốc Phòng cho phép ra ngoài dạy thêm Toán ở trường trung học Võ Tánh. Năm sau, ông thuyên chuyển về Sài Gòn, làm việc ở nhiều chức vụ như trưởng phòng 4 KQ, phụ tá tùy viên quân sự ở Mỹ, kể cả phòng Tâm Lý Chiến trước khi được cử làm Tham Mưu Trưởng Không Quân (dưới quyền đại tá Trần Văn Hổ). Năm 1958, ông được thăng lên làm Tư Lệnh Không Quân. Làm được bốn năm, ông xin từ chức, rời chức vụ năm 1962 và sang Mỹ tiếp tục việc học. Trong một bài phỏng vấn, có người hỏi có phải là ông từ chức vì bị nghi ngờ sau vụ ném bom của hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử không, ông cho biết đó không phải lý do, vì lúc xảy ra biến cố, ông đang công du ngọai quốc và khi về nước, ông vẫn tiếp tục làm Tư Lệnh thêm bốn tháng sau mới tự động xin từ chức và đi du học. Ông đậu bằng tiến sĩ Cơ Học Không Gian tại đại học Colorado, sau đó bắt đầu nghề dạy học, thăng chức từ phụ tá giáo sư, giáo sư và khi từ chức, là emeritus professor của đại học Michigan. Ông cũng được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở khắp nơi trên thế giới và được bầu làm thành viên của Hàn Lâm Viện Hàng Không và Không Gian Pháp cũng như Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế. Trong thời gian giảng dạy và nghiên cứu, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quí về Khoa Học Không Gian. Nhưng giải thưởng đầu tiên của con người đa tài này lại là Giải Văn Chương Tòan Quốc đầu thập niên 1960 với tác phẩm Đời Phi Công. Một người em gái của ông, kẹt lại ngoài Bắc, đời sống rất cơ cực nhưng đã nổi tiếng làm thơ rất hay là bà Nguyễn Thị Hoài Thanh. Tuy không được tiếp xúc nhiều với ông, nhưng tôi biết ông có một căn bản văn học rất uyên thâm. Trong đoạn kết bài Tựa ông viết cho tôi, ông nhắc đến hai câu ca dao mà tôi, một thằng tự hào là “nhà quê” nhưng không biết :”Ai về trách họ Hy, Hòa. Nhuận năm sao chẳng nhuận vài trống canh” và ông giải thích là câu ca dao diễn tả tâm trạng một người thiếu phụ muốn đêm dài thêm để có thêm được những giây phút ấm áp bên chồng. (Hi , Hòa là họ của hai viên quan coi về thiên văn và ngày tháng đời vua Nghiêu )

NGUYỄN XUÂN VINH – NHÀ KHOA HỌC:

Dĩ nhiên, trong lãnh vực này, tôi gần như mù tịt. Nhưng tôi xin tạm dịch lại đoạn mở đầu bài viết của ba giáo sư đại học uy tín kể trên đã viết về ông trên tờ đặc san dành riêng cho những nhà khoa học không gian Hoa Kỳ. Đoạn văn dịch này, có thể có sơ sót vì nhiều từ ngữ chuyên môn.

“Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên đã hình thành cách tiếp cận rất thâm sâu và mang tính cách lý thuyết cho vấn đề động lực học của một phi thuyền không gian và sự kềm chế những tình huống khi cả hai động lực của quĩ đạo phi thuyền với động lực của bầu khí quyển đều có vai trò quan trọng. Công trình của ông đã đặt nền móng cho lãnh vực này và còn tiếp tục tạo dựng nó một cách vững chãi. Nghiên cứu của ông đã xác định rõ ràng là làm sao mà trong bất cứ một tình huống nào đó, khi bị tác dụng bởi cả hai động lực, phi thuyền có thể được chế ngự bằng những vận hành và những phương cách tận dụng cả hai động lực kể trên một cách hoàn hảo, liền lạc và gọn gàng.

Triển khai xa hơn về lý thuyết, những đóng góp của ông đã bao trùm toàn bộ lãnh vực này: ông đã viết những sách giáo khoa được xử dụng rộng rãi, ông đã viết những bài nghiên cứu thâm sâu về sự hiểu biết lý thuyết của lãnh vực này , ông cũng khai triển những phương cách áp dụng lý thuyết của ông trong vấn đề điều khiển tối ưu những chuyến bay và cuối cùng là ông đã huấn luyện một tầng lớp những sinh viên để họ lại tiếp tục đóng góp thêm vào kho tàng kiến thức trong cơ học phi hành.

Tuy nhiên, những thành tựu của giáo sư Vinh trong cơ học phi hành không gian còn vượt quá điều này mà còn lan sang nhiều chủ đề khác. Những nghiên cứu của ông đã ảnh hưởng đến những lãnh vực khác như lý thuyết kiểm soát tối ưu, cơ học không gian, động lực học thiên thể (astrodynamics), hướng dẫn phi hành, cơ học phi hành trong khí quyển và còn nhiều điều khác. Tại đại học Michigan, ông dạy sinh viên về tất cả những chủ đề này, kể cả đỡ đầu cho 30 người đệ dự án tiến sĩ. Những sinh viên này cũng đã nổi bật trong lãnh vực cơ học phi hành không gian. Họ đã trở nên những giáo sư của những đại học nghiên cứu hay những nhà nghiên cứu cấp quốc gia hay quốc tế cũng như của những phòng thí nghiệm về khoa học không gian. Ngoài việc lưu lại dấu ấn của riêng ông, di sản ông để lại là cả một lớp những nhà nghiên cứu để cho họ quảng bá cái phong cách trình bày thanh nhã và cách tiếp cận về cơ học không gian độc đáo của ông. Giáo sư Vinh đã là một nhân vật đầu đàn tạo hứng khởi cho ngành cơ học phi hành không gian cũng như cho động lực học thiên thể. Phong cách viết một cách thâm sâu và có hệ thống trong ba cuốn sách và hơn 100 bài giảng của ông là một phong cách riêng biệt. Phong cách này hiển nhiên là một sự kết hợp giữa giáo dục và những trải nghiệm trong đời : phi công, thi sĩ, tiểu thuyết gia, tư lệnh Không Quân và tiến sĩ về Kỹ sư Hàng không và tiến sĩ Toán. Trong sách của ông, ông đã đưa ra những kết quả quan trọng, bao gồm cả những kết quả nghiên cứu của riêng ông, trước đó đã bàng bạc trong văn chương và được trình bày theo một chiều hướng nhất quán. Những điều trong cuốn sách luôn luôn được chuẩn bị cẩn thận, với sự chọn lựa kỹ lưỡng những biến số, với sự sắp đặt toán học tế nhị cho những bài toán, những chứa đựng thâm sâu trong những tính cách đặc trưng tổng quát của những giải đáp, và tiến trình hợp lý khi trình bày của những chủ đề. Những cuốn sách ông viết đã là nguồn tài nguyên giá trị trong cộng đồng khoa học không gian. Chúng tôi vẫn dùng sách của ông và giới thiệu cho sinh viên.”

Cũng trong bài tôn vinh trên, có đăng một đoạn trong thư tiến cử ông để ông được giải thưởng khoa học cao quí AAS Brouwe năm 2006, tiến sĩ James Longuski, giáo sư đại học Purdue, người đã từng là môn đệ của ông, được ông đỡ đầu luận án tiến sĩ, đã viết về đóng góp của ông trong ba cuốn sách “Trong thập niên vừa qua, hầu hết những bài viết mà tôi đọc trong phạm vi cơ học phi hành hay đạn đạo tối ưu trong bầu khí quyển đều đã nhắc đến hai cuốn sách đầu tiên. Cuốn sách thứ ba là cuốn sách bực thày về sự vận hành của phi cơ. Đó là cuốn sách lý tưởng cho những sinh viên cao cấp hay những sinh viên đã có bằng cử nhân, vì cuốn sách đó đã đưa ra một số những ý niệm tế nhị, trải đường cho một nghiên cứu sâu hơn. Ba cuốn sách này sẽ trở thành kinh điển vì giáo sư Vinh đã tạo ra sự gắn bó liền lạc và thanh nhã (elegant) giữa toán học lý thuyết và cơ học thực dụng.”

Những công trình nghiên cứu của giáo sư Vinh được coi như độc đáo có lẽ vì giáo sư tinh thông cả Toán Học, Vật Lý Học lẫn Cơ Học, như nhan đề luận án Tiến Sĩ của ông: “Geometrical studies of orbital transfer problems” (Những nghiên cứu Hình Học Không Gian của Những Vấn Đề Chuyển Đổi Quĩ Đạo”) hay nhan đề ba cuốn sách Hyperesonic and Planetary Entry Flight Mechanics, Optimal Trajectories in Atmospheric Flight và Flight Mechanics of High Performance Aircraft. Dĩ nhiên, tôi không thể đọc nổi những cuốn sách này, nhưng theo ba tác giả trên, văn phong của giáo sư Vinh khi viết sách hay trong những bài thuyết trình khoa học đều có khí chất của một văn sĩ và thi sĩ. Tôi còn nhớ khoảng năm 1962, giáo sư Vinh đã có một bài nói chuyện mang tên “Một vài hàm số tình cảm trong truyện Kiều”.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên vào Google để thấy có một phương trình hay công thức có tên : “Vinh’s Universal Entry Equation”, áp dụng cho những phi thuyền có vận tốc siêu thanh khi đi vào bầu khí quyển một hành tinh.

GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN VINH – MỘT NHÀ GIÁO.

Là một nhà khoa học, một phi công, một thi nhân, một nhà văn, nhưng đáng kể nhất là ông cũng là một nhà giáo. Bắt đầu khởi nghiệp nhà giáo từ khi ông là trung úy và dạy ở trường Võ Tánh, Nha Trang. Mấy năm sau, vào Sài Gòn, ông dạy Toán một hai năm ở trường trung học Petrus Ký và Chu Văn An. Trong thời gian đó, tôi nhớ là ông đã viết một cuốn sách Tóan. Sau 1962, ông sang Mỹ, suốt gần 30 năm, ông đã dạy ở Michigan và đã được Michigan ghi công với một danh xưng cao quí nhất của một giáo sư đại học là emeritus professor. Trong những năm đó, ông đã đào tạo cả ngàn kỹ sư ngành Không Gian, trong đó, có khoảng 30 người, quốc tịch từ Âu sang Á được ông đỡ đầu cho những luận án tiến sĩ., kể cả luận án Tiến sĩ Toán của Pháp. Nhiều người đã trở thành những giáo sư đại học nổi tiếng. Ba tác giả kể lại những bài giảng dạy của ông đều rõ ràng, rành mạch, đặc biệt là những tài liệu giảng dạy đều lấy từ những ghi chép của riêng ông, vì lúc đó, chưa có một cuốn text book nào nói đến nhiều về những chủ đề ông giảng dạy. Ba tác giả cũng nhắc đến âm sắc tiếng Anh của ông có pha chút âm sắc tiếng Việt, thỉnh thoảng ông lại bật ra một chữ tiếng Pháp và nhất là ông hay dùng “dry humour” (nói một câu khôi hài nhưng không cười) để lớp học bớt khô khan. Giáo sư Lu Ping kể lại là một hôm, giáo sư Vinh vào phòng làm việc của ông, viết lên bảng đen phương trình 2x > 5x (2x lớn hơn 5x vì x là 1 số âm). Nhưng tại sao không thể viết thế khi cùng loại bỏ x ở 2 vế của phương trình (2 không thể > 5). Ông đố giáo sư Ping giải thích, và sáng hôm sau, sau khi ông Ping mầy mò giải thích được thì giáo sư Vinh tủm tỉm cười bỏ đi. Nhưng dù thế nào, giáo sư Vinh cũng rất ưu ái với sinh viên Việt Nam. Hãy nghe ông kể lại sự kính trọng nhưng thân mật của sinh viên Việt Nam học tại đại học Michigan,

“Hàng năm, mới bắt đầu vào xuân, còn gần hai tháng mới hết niên học, tôi thấy các sinh viên nhắc nhở : “Chúng em tổ chức đại hội mùa xuân sớm một chút để còn bắt đầu học thi. Thầy nhớ viết bài sớm cho Đặc San chúng em. Còn chờ bài của Thầy mới in. Sau đó chúng em phải học thi”. Đặt ống điện thọai xuống sau câu “Thôi em bye thầy ạ!”. Tôi cũng không nhớ là tôi vừa nói chuyện với anh nào, chị nào. Sinh viên đại học Michigan, là người Việt ai cũng gọi tôi là Thầy tuy thực sự theo học trong lớp chỉ có một người. Còn lại toàn là sinh viên ngoại quốc. Tuy vậy tôi vẫn thấy gần sinh viên Việt Nam hơn”.

Trên đây là bài viết ngắn về vài kỷ niệm nhỏ của tôi với giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, mà chính yếu là những đoạn dịch về những đóng góp của của ông trong những vấn đề quĩ đạo phi thuyền trong không gian. Dù khi ông ở San Jose, ông có gọi tôi đến nhà nói chuyện, nhưng tôi thấy tôi chỉ là một hậu sinh, tôi không đủ thân thiết và kiến thức để có thể mạn đàm với ông những vấn đề khoa học cao xa, những câu chuyện văn chương triết lý. Ông nổi tiếng là một người nghiêm túc, nhưng đằng sau cái bề ngoài nghiêm túc của một vị chỉ huy cao cấp, một nhà giáo và một khoa học gia danh tiếng, theo tôi, căn bản của ông là một thi nhân, mà biểu hiện là hình ảnh một phi công trẻ tuổi một mình bay dưới ánh trăng trên bầu trời Marakeck, đã tức cảnh mà cất lên tiếng hát “Với những người sầu cô quạnh. Vui lên hội Mùa Hoa. Tiếng sênh ca. Tan mối sầu vô tận…” Hôm qua, ông đã chấm dứt phi vụ siêu thanh của ông và có lẽ, ông đã hòa nhập vào cái bầu trời mà ông đã bay, đã tìm hiểu và yêu thích.

Hoàng Xuân Trường