TỰ HÀO VỀ SVSQ NGUYỄN XUÂN VINH (KHÓA 1 TRƯỜNG BỘ BINH NAM ĐỊNH- THỦ ĐỨC)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sự Ra Đi Của Cựu Tư Lịnh Quân Chủng KQ, Cựu Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh, Đã Dâng Lên Niềm Tự Hào, Cho Những Sĩ Quan Đã Tốt Nghiệp Trường Bộ Binh Nam Định! (Thủ Đức)

Ánh lên niềm hãnh diện! khó tả!Trong tang lễ của Giáo Sư, Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh trong 2 ngày vừa qua, mà rất nhiều người theo dõi, vì đây là một “nhân tài” hiếm có của người Việt, mà cả thế giới biết tên. Rất khó để có một Nguyễn Xuân Vinh thứ hai!

Một chi tiết rất nhiều Quý Huynh Trưởng, Quý Chiến Hữu, một thời mang huy hiệu “Cư An Tư Nguy” vừa xúc động, vừa dâng lên niềm tự hào, về một Quân Trường nổi tiếng, đào tạo nhiều cấp chỉ huy nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khi Quê Hương trong thời chinh chiến. Huy hiệu Thủ Đức, của KBC 4100, (bốn thằng một mâm!) thấy xuất hiện nhiều nơi trong tang lễ.

SVSQ Nguyễn Xuân Vinh, xuất thân từ Khóa 1. Ngày xưa tại miền Bắc, thành lập tại Nam Định, nên có tên Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định. Nhưng chỉ được một khóa, thì di chuyển về miền Nam, lập tại Thủ Đức, nên còn gọi Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

-Khóa 1 (miền Bắc, Nam Định) khai giảng ngày 1 tháng 1 năm 1951, mang tên Lê Lợi.

-Khóa 1 (miền Nam, Thủ Đức) mang tên Lê Văn Duyệt.

Nhưng tất cả đều gọi một từ chung Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức, (cho dù từ miền Bắc, hay giai đoạn sau này, học từ Đồng Đế Nha Trang)

Ít nét về Quân Trường Mẹ đào tạo nhiều cấp chỉ huy lẫy lừng!Với khoảng 30 vị tướng và gần 60 mươi ngàn sĩ quan, trường đã đào tạo cho đất nước những vị chỉ huy xứng đáng với châm ngôn Cư An Tư Nguy. (Muốn sống yên vui phải biết nghĩ tới lúc khó khăn, muốn hưởng hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh!) Trong suốt cuộc chiến, hơn 20 năm bảo vệ tổ quốc, chống lại đại họa xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt, với sự yểm trợ mạnh mẽ của Nga & Tầu.

Trường Bộ Binh Thủ Đức đã là đóng góp chính, quan trọng nhất, trong việc đào tạo các sĩ quan ưu tú cho Quân lực VNCH. (Trường Võ Bị Đà Lạt, tuy vậy, lại ít hơn!) Đáp ứng cấp chỉ huy cho các Binh chủng Bộ binh, từ cấp trung đội trưởng trở đi, của các đơn vị tác chiến lẫy lừng.

Trong thời gian 26 năm, trường BB Thủ Đức, đã cung ứng cho Quân lực VNCH những vị lãnh đạo, tướng tá tài ba, đảm lược. Tướng Bộ Binh, nhiều không kể hết, có đến vài chục tướng xuất thân từ Thủ Đức!

Chỉ riêng Quân Chủng KQ, các Cựu tư lịnh, như Trung tướng Trần Văn Minh, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng từ Trường Mẹ TĐ!

47 năm sau, kể từ 75, dù Quê Hương đã im tiếng súng, bom đạn, máu lửa. Mặc dù quân đội VNCH không còn nữa, nhưng tinh thần Cư An Tư Nguy vẫn ngùn ngụt cháy trong tim tập thể những cựu SVSQ trường Mẹ.

Tinh thần bất khuất Thủ Đức đó, thể hiện dưới nhiều hình thức. Ở Hải ngoại, nơi đâu cũng có Lực Lương TĐ, Hội Ái Hữu TĐ. Chưa kể các cựu SVSQ, dù ở bất cứ cương vị nào, đều mang hết tấm lòng, nhiệt huyết và khả năng phục ích lợi Cộng Đồng và kiên trì với lý tưởng tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, độc lập, tự do. Chưa kể đồng môn nào cần giúp đỡ, là đáp ứng hữu hiệu. (Như trường hợp Cựu Đại úy Nguyễn Hữu Cầu vừa qua,)

Chút kỷ niệm, mà bất cứ SVSQ nào từ Đồi Tăng Nhơn Phú đều ghi nhớ.Bước vào quân trường Thủ Đức, đặc điểm đầu tiên của Quân trường, là thấy Huynh Trưởng nào cũng có cái miệng to như cái ống loa, la hét…cả ngày!…lẫn đêm!…(ngạc nhiên) là không bao giờ…biết mệt!

Thấy đàn em, thì như cọp đói nhìn thấy…con mồi:

-Anh kia, ra khỏi hàng quân, trình diện…coi!

Trong tư thế chào, xưng danh:

-Sinh viên sĩ quan Nguyễn Văn(g) Cu (Cư), quân số… trình diện Huynh trưởng!

– Hả, ngon lành chưa? Nhìn điệu bộ nhà quê quá, anh mà là Sinh viên SQ cái giống gì?

-Là Tân khóa sinh, biết chưa?

Hỏi han cho có vẻ lịch sự xã giao vậy thôi, nhưng rồi huynh trưởng cũng lạnh lùng giơ ba ngón tay ra, thông minh thì hiểu ý ngay, có nghĩa là 30 cái hít đất! còn gọi là “bôm!”

Xong những cử chỉ thân thiện xã giao tình nghĩa đàn anh, làm đàn em, đứng lên là muốn… té xuống đất!

Chưa hết, bò 7 món, mới chỉ thưởng thức có món đầu! Sau khi có lệnh, vậy là cả đám, xếp hàng như sắp sửa…đưa đám ma! gần cả ngàn nhân mạng chứ ít sao, nối đuôi như con rắn, vác “sac marin,” lắc la lắc lẻo, như đoàn bà bầu…đi đẻ! chạy diễu quanh Vũ đình trường chào ra mắt Quân trường! Đã mệt chết (cha) còn luôn luôn khổ, điên đầu vì cái miệng:

– Ê, anh kia chạy lẹ lên, chạy gì như rùa, như sên bò vậy? Mới chạy chưa hết vòng 1, là bắt đầu thấy cảnh tân khóa sinh nghỉ chơi, mồ hôi như tắm, nằm lăn, sùi bọt mép! Vòng 2, xác bất động nằm la liệt như…bãi chiến trường!

Các tuần Huấn nhục sau đó mới thật gay go. Mở mắt ra là chạy! trường nhìn vậy mà…đầy ma! Bất cứ lúc nào cũng chạy như bị…ma đuổi! Hên may những khóa sau này, còn ôm “Em 16” chạy, đã thấy mệt chết (mẹ) vì em! (ham chi 16 trăng tròn!) Hướng chi những khóa trước, phải ôm cây Garant M1, nặng 4 kí rưỡi, chạy đông, chạy tây, từ phòng học nầy qua phòng học khác cả ngày, chạy ra bãi tập bắn, khổ….không thể tả! Địa ngục trần gian, còn…sướng hơn! Trong thời gian này, nhiều tân khóa sinh nằm mơ, nếu có ông Tiên hiện ra hỏi, muốn giết ai? Không cần suy nghĩ: “Xin giết hết tất cả huynh trưởng!” Nhưng khi đeo con cá, hay ra trường rồi, thì lại thương nhau như anh em ruột thịt!

Rồi thời gian qua mau! Khổ hoài cũng quen! Thì qua khỏi những tuần huấn nhục, là thăng cấp Sinh viên Sĩ quan, mang cái Alpha dzàng khè ngạo nghễ, được tự lập, hết còn cấp trưởng phải chăn dắt, giáo dục, dậy dỗ, mắng chửi, cho…nên người!…có tư cách! Từ đây, mỗi SVSQ lần lượt làm tuần sự Tiểu đội, Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn.

Chương trình học căn bản quân sự gồm: Từ cơ bản thao diễn, tới chiến thuật, kể cả tâm lý chiến, lãnh đạo chỉ huy. Các khả năng tác chiến: Tại các bãi tập bắn, kỹ thuật đánh sáp lá cà! xử dụng vũ khí cộng đồng, đại liên, súng cối, kể cả căn bản pháo binh. À, còn cả kỹ thuật truyền tin, mìn bẫy…

Rồi 9 tháng quân trường cũng qua mau, chút chuyện vừa kể cho thấy: Đó chỉ là một, trong hàng trăm ngàn trường hợp, hình ảnh các thanh niên, tuổi trẻ Miền Nam ngạo nghễ, từng đoàn gia nhập Quân Đội VNCH, trong thời chinh chiến, khi quê hương trong cơn nguy biến:

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt.

Xếp bút nghiên theo việc binh đao.

Ra trường, bắt đầu là một sĩ quan, trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy, thể hiện phương châm, mà ngày nào vẫn còn khoác trên người bộ Quân Phục, là còn: Danh Dự – Tổ Quốc – Trách Nhiệm.

Nhưng mỗi người Lính còn có một số mệnh riêng, sống chết, hên xui, dành cho mình, nên mới có câu:

Rời Thủ Đức nhiều người thành cấp tướng!

Nhưng muôn vạn, thành…Chiến Sĩ Vô Danh!

Cảm tạ cái chết của SVSQ Nguyễn Xuân Vinh Khóa 1. Nhắc lại cái tình Đồng Đội, Chiến Hữu đẹp muôn thủa: “Cất tiếng lên nào, hòa thành bài ca vui tươi!” (Thủ Đức hành khúc)

Kết! với lời nhắn:Quý Huynh Ơi! Một Ngày Thủ Đức, Cả Đời Thủ Đức! Thủ Đức Mãi Mãi Gọi Ta Về Trong Ký Ức! Dù Qua Hơn Nửa Thế Kỷ, Vẫn Không Bao Giờ Quên! Tình Này Quý Lắm!

Nhớ Nhé: “Con Người Không Thể Tắm Hai Lần, Trên Một Dòng Sông!”