Nguyễn chí Thiện, người khách lạ.
Ðầu thập niên 80, -theo tin đồn (1)- Nguyễn chí Thiện đã vào sứ quán Anh quốc tại Hànội, nhờ quyền lãnh ngoại của nước này bảo vệ để ông rời quê hương –đồng thời cũng là tù ngục của ông- “tìm Tự Do”. Nhưng ông đã được trả lại cho những cai tù. Cái may vượt thoát đã không đến với bản thân ông, chỉ đến với tập thơ ông sáng tác trong hai mươi năm ông bị tù, bị cải tạo, bị quản thúc ở Lao Kay, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Phòng …
Sau đó dưới nhiều tiêu đề khác nhau (2), thơ ông được xuất bản ra nước ngoài, được phổ nhạc, được dịch ra ngoại ngữ (3), được giới thiệu qua báo chí và những buổi ngâm, đọc, hội thảo… Thành phố Rotterdam của Hòa Lan đã tặng ông Giải Thưởng Thơ Rotterdam. Ân Xá Quốc Tế ghi tên ông vào danh sách những người cầm bút bị đàn áp vì chính kiến . Nhiều trung tâm quốc gia của Văn Bút Quốc Tế bầu ông làm hội viên danh dự.
Nguyễn chí Thiện hiện nay là một tác giả Việt Nam được giới văn hóa và truyền thông nói tới nhiều nhất. Riêng đối với đồng bào của ông, Nguyễn chí Thiện được tôn vinh như một anh hùng chống cộng và trở thành biểu tượng của truyền thống bất khuất của dân tộc.
Mối thiện cảm đặc biệt ấy không làm mất đi những nghi ngại theo đó có thể Nguyễn chí Thiện vẫn còn là một người khách lạ trước ngưỡng cửa của thế giới phương Tây. Vì sự cách biệt về mọi mặt giữa hai chế độ “xã hội chủ nghĩa” , nơi ông sống, và “tự do”, nơi ông tìm đến. Vì qua mấy trăm bài thơ của ông, Nguyễn chí Thiện như đã mang tới cả một thế giới hoàn toàn xa lạ với thế giới phương Tây.
Dịch toàn bộ -hay ít ra một số lượng tương đối đủ- thơ của Nguyễn chí Thiện và xuất bản dưới hình thức song ngữ, đối chiếu bản dịch với nguyên tác, là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh vì tạo cơ sở hầu tìm hiểu tác giả không qua trích dịch mà qua toàn văn tác phẩm.
Trả Nguyễn chí Thiện về địa hạt thơ
Việc cần làm để giới thiệu Nguyễn chí Thiện , trong những điều kiện đó, sẽ phải là việc trả ông về địa hạt thơ, vị trí hóa thơ ông đối với thơ trên thế giới.
Louis Aragon, một nhả thơ nổi tiếng của Pháp, đã nói, “Chỉ có điên mới viết về thơ. Thơ làm được, không giải nghĩa được….” (4). Tuy không đến nỗi vậy nhưng quả thật có những khó khăn để nói về thơ Nguyễn chí Thiện. Một phần vì những tin tức liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp văn thơ của ông đều phải tiếp nhận với mọi dè dặt. Phần khác, vấn đề dư luận phương Tây ưu tiên đặt ra không phải là phê bình tác phẩm của ông mà là bảo vệ an ninh, tự do cho ông. Sau hết, Âu Châu là nơi đả sản xuất nhiều nhà thơ lớn, nhiều trường phái về thơ, đã viết cho thơ những trang sử rất phong phú từ nội dung đến hình thức. Ðể cho thơ Nguyễn chí Thiện đi vào được không gian đó cần phải có một sự dẫn nhập thích đáng về nhân cách của ông, được biểu lộ qua thái độ trước cuộc sống đầy bất hạnh mà ông đã phải gánh chịu, về bút pháp trong thơ ông, đã phản ảnh một cách điển hình và linh động thời đại ông, về sự đóng góp -nếu có- của thơ ông trong thơ của hậu bán thế kỷ thứ 20. Người ngoại quốc, nói chung, khi đọc thơ Nguyễn chí Thiện thường nhận định rằng thơ ông tuy không có sự hỗ trợ của tu từ học (Rhétorique) mà vẫn xót xa, thống thiết, làm rung động người đọc. Ðó là một nhận định căn cứ vào thơ dịch, không phải thơ nguyên tác. Cần phá bỏ được hàng rào ngăn cách về mặt ngôn ngữ để họ đi thẳng vào thơ ông mà thẩm lượng.
Thơ Nguyễn chí Thiện: bản cáo trạng.
Một điều đã được nhiều người nói tới nhiều lần: mấy trăm bài thơ của ông đã hợp thành một bản cáo trạng nghiêm khắc lên án toàn bộ chế độ Cộng sản hiện nay ở Việt Nam và cuộc đời tù tội gần ba mươi năm của ông là một tội chứng hỗ trợ cho bản cáo trạng ấy.
Nói như vậy không sai nhưng không đủ vì chỉ kể kết qủa mà không lý gì tới phương tiện mặc dầu chính phương tiện mới là điều đáng nói trước Nguyễn chí Thiện đã đóng được trên trán những người cầm quyền Cộng sản dấu ấn tội ác chống con người, chống nhân dân, chống hòa bình, chống tự do, chống công lý. Trước hết, ông là một nhà thơ. Biết bao nhiêu người đã nói những điều Nguyễn chí Thiện nói nhưng đã không tạo được tiếng vang trong dân chúng cũng như trước dư luận quốc tế như Nguyễn chí Thiện. Tuyên dương công trạng cho ông mà chỉ kể ông như một chiến sĩ chống cộng bậc nhất hay như một nhà cách mạng sắt máu là chưa đặt ông đúng vị thế xứng đáng. Sự thật ông chỉ là một nhà thơ đã dám sống chết với thơ của mình, một nhà thơ với một thân hình đau ốm, với một cuộc sống mà tất cả mọi quyền đều bị tước đoạt, nhưng với một vũ khí độc nhất là ngôn ngữ, đã duy trì được một cuộc đối kháng lâu dài chống cả một bộ máy đàn áp khổng lồ mà không bị tiêu diệt.
Thơ Nguyễn chí Thiện : Một thách đố chống bạo quyền
Vinh quang của ông chính là việc ông liên tục hiện diện trong lòng kẻ địch, như một thách đố thường trực, ngạo nghễ. Một thành tích như vậy, chỉ có một nhà thơ mới thực hiện được nhưng không phải bất cứ một nhà thơ nào cũng làm nổi.
Nguyễn chí Thiện thuộc thế hệ những người Việt Nam sinh vào thập niên 30, vào đời đúng lúc đất nước chuyển mình với cuộc chiến đấu của toàn dân giành độc lập. Như mọi thanh niên khác thuộc lớp tuổi mình, ông là sản phẩm của hai nền văn hóa Ðông và Tây, được tôi luyện và kết tinh trong cuộc vật lộn của dân tộc với định mệnh để đoạn tuyệt với kiếp sống nô lệ. Trong ông đã vang lên nhiều tiếng gọi thiêng liêng của tiền nhân, của sông núi, của tương lai. Những kiến thức văn hóa đã mang tới cho ông những nhận thức xã hội vững chắc, bén nhậy và tiến bộ để ông kịp thời nhìn thấy nơi Ðảng Cộng Sản Việt Nam hành động tiếm đoạt lịch sử, phản bội đồng bào. Và ông đã không khiếp sợ, ngang nhiên chống lại bạo quyền với chí khí, can trường của bậc trượng phu, mẫu người lý tưởng mà ý hệ áp đặt của Cộng sản đã không tẩy xóa nổi trong ký ức tập thể, trong tâm tư của lứa tuổi đã lớn lên bằng biến động của xã hội. Từ nhân cách đặc biệt ấy đã toát ra một bản lĩnh sống rất cao, giúp cho ông có đủ sức mạnh thi gan với kẻ địch.
Chứng từ về lịch sử và dự ước
Những điều đã khiến Nguyễn chí Thiện không giống những người cùng chống đối như ông chính là niềm rung cảm tinh tế của ông. Nhờ rung cảm đó ông nghe thấu được lòng người và, -một điều hiếm có- bắt được tần số của lịch sử. Tất cả mọi nhà tù chỉ giam giữ, hành hạ được thể xác ông và hoàn toàn bất lực trước rung cảm của ông. Với rung cảm của mình, ông như được chắp đôi cánh thiên thần bay khắp đất nước để nhìn sâu tận đáy tầng xã hội, mở rộng được tầm mắt hướng về chân trời của tương lai, tìm đường đưa tới giải thoát. Từ một nhân chứng sống của hiện tại, ông đã trở thành một nhà dự ước cho ngày mai.
Trận đánh Ðồng Lầy.
Czeslaw Milosz, nhà thơ được giải Nobel về văn học, trong một bài giảng về thơ tại Ðại học đường Harvard, đã nêu lên cách một nhà thơ cảm thụ lịch sử. Sử tính, dưới mắt một nhà thơ, không nhất thiết phải là những cảm giác mạnh mọi người đều có về những biến cố lớn như chiến tranh, ngoại xâm.v.v.., mà có thể chỉ là những lưu luyến tầm thường về cảnh vật, về người, hay một chi tiết về kiến trúc… Nhà thơ, trước đe dọa bị mất đi những gì mình yêu thương, sẽ vận dụng năng khiếu đặc biệt của mình để đo kích thước thời gian, cảm nhận dĩ vãng, dự báo tương lai. Với năng khiếu ấy, Nguyễn chí Thiện đã chụp bắt xã hội Việt Nam trong suốt quá trình nó bị Cộng sản hóa. Chụp bắt để diễn đạt một cách có chọn lọc, có cấu trúc, có cường độ, có bề rộng, bề sâu, theo cung cách một nhà thơ.
Trước đây người ta chỉ nhìn nhận là có thơ nếu có vần, có điệu. Gần đây người ta đã đi tới chấp nhận có thể có thơ không cần vần điệu. Nhưng thực chất của thơ không ở nơi vần điệu mà ở nơi hồn thơ, ở tài làm thơ. Fit orator, nascitur poeta, hùng biện nhờ luyện tập, còn thơ thì do bẩm sinh. Nguyễn chí Thiện có đủ tất cả những gì một nhà thơ cần phải có. Ðể đi tới kết luận đó, không cần mất công tìm kiếm, chỉ cần đọc bài trường thi Ðồng Lầy của ông. Với một hơi thơ dài 480 câu, bài thơ Ðồng Lầy đã cho nhìn thấy được một thảm kịch mà cả một dân tộc là diễn viên, mà kịch tính đã đạt tới những giới tuyến cuối cùng của tai họa, từ độ sâu đáy vực đến đỉnh cao của thăng hoa.
Ðồng Lầy là một trận đánh thư hùng bằng ngôn ngữ giữa Thiện và Ác, giữa Chính và Tà, diễn ra trước ánh sáng chói lòa của đạo lý, của tình người, của lịch sử.
Nguyễn chí Thiện đã lột mặt nạ cả một tập đoàn tiếm danh -Cộng sản-, bắt các phạm nhân thụ hình trên tội ác chất đầy của họ. Nguyễn chí Thiện đã thương xót từng nạn nhân một, tẩm liệm chôn cất những người đã chết, dìu đỡ những người còn sống sót, cùng đau với họ nỗi đau của cuộc đời nửa sống nửa chết. Nguyễn chí Thiện đã phá hủy những thành lũy của tuyệt vọng vây hãm cả một dân tộc và mong mở ra một sinh lộ để nó tự cứu.
Nguyễn chí Thiện đã đột nhiên xuất hiện như một thiên tướng giữa trời thơ, và sau khi chiến thắng, đã bay khỏi chiến địa. Trận đánh Ðồng Lầy đã kết thúc. Trắng đen đã rõ, chính tà đã phân định. Từ nay, Cộng sản không còn đồn lũy danh nghĩa để ẩn nấp. Gian dối, lừa lọc, đã hiện nguyên hình. Bên cạnh Ðồng Lầy, những bài thơ khác của ông chỉ còn là những vết tích hoang tàn rải rác trên chiến trường. Những thành tựu mà Nguyễn chí Thiện đã đạt được không phải là những thành tựu của chính trị mà của thơ. Nguyễn chí Thiện đã dùng thơ để tấn công kẻ địch, ông nhận diện bằng con mắt của nhà thơ. Ông đã đánh kẻ địch trên chiến trường ông lựa chọn và ông hoàn toàn làm chủ: ngôn ngữ.
Chỗ đứng của Nguyễn chí Thiện trong văn học.
Thơ không khác sự sống còn non trẻ của nhân loại gì cả. Khởi đầu của sự sống là ngôn ngữ và thơ trước hết là ngôn ngữ. Thơ vì vậy gợi lại thuở ban đầu, tượng trưng cho vô nhiễm, trong trắng, vô tội. Cho nên tiếng nói của thơ tự nó là một uy lực có sức nặng không gì lay chuyển nổi, là một hệ thống vũ khí mà sức công phá không gì chống đỡ được. Bằng thơ của ông, Nguyễn chí Thiện đã hạ bút khai tử, trong lòng người, cả một chế độ. Phần còn lại, không phải việc của nhà thơ mà của người làm chính trị.
Khi nói thơ mình không phải là thơ (5), Nguyễn chí Thiện đã lựa chọn đứng lại trong “Ðồng Lầy”, như một người tu hạnh bồ tát, nguyện ở lại địa ngục với chúng sinh. Ông không mơ ước thành Thi Sơn hay Thái Sơn hoặc Hy Mã Lạp Sơn, mà chỉ muốn kết tinh được tất cả những “khổ nhục không tưởng tượng nổi của dân tộc” ông, dù thơ ông có bị lây chất dơ của một thực tại xã hội đau ốm, nghèo đói, vùi dập đám dân chúng đang rên siết dưới gông cùm của áp bức, lừa lọc, hung bạo. Ông đã hiểu rõ những gì đang chờ đợi ông, cái giá mà ông phải trả cho sự lựa chọn đó. Và ông đã trả giá.
Thơ Việt Nam có cả một quá khứ xa dài mấy ngàn năm của một cuộc sống chung giữa hai dòng thơ: thơ nói xuất phát từ dân gian và thơ viết du nhập từ Trung quốc. Giữa tiền bán thế kỷ 20, thơ của Pháp đã mang đến cho thơ Việt Nam một sức sống, hình thành thêm một dòng thơ thứ ba thường được gọi là thơ mới. Dòng thơ này đã trải qua tất cả những kinh nghiệm mà các trường phái Thi Sơn, Lãng Mạn, Tượng Trưng, Siêu Thực, Biểu Hiện… đã trải qua để đổi mới thơ của Pháp. Trong cơn thức tỉnh của dân tộc sau đệ nhị thế chiến, thơ mới lại thoát xác lần nữa.
Tại miền Nam, thơ đã rời những đỉnh cao, những tháp ngà, những hang động huyền bí để hòa mình vào số đông, để “không còn cô độc” nữa. Cuộc tái sinh của thơ miền Nam thật ra chỉ là sự biểu hiện của bản năng muốn trở lại ” thuở ban đầu “, nói tiếng nói đầu mùa của tháng Giêng để đâm chồi nẩy lộc. Trong cơn vật vã rũ bỏ những khuôn sáo đã cằn cỗi của ước lệ, có lúc nó không còn giữ được bộ mặt quen thuộc của thơ vì nó tự đập vỡ hình hài, triển khai một sức sống vũ bão, lạnh lùng, chối từ vuốt ve của mộng ước, tiện nghi của siêu thoát, son phấn của hóa trang. Nó muốn đứng giữa cuộc đời , chiếu dọi vào cuộc đời cái nhìn thơ dại để quán triệt cuộc đời mà không cần sự đưa dắt của triết thuyết hay chủ nghĩa, ý hệ.
Tại miền Bắc, thơ đã bị chiếm đóng bởi ý hệ, bởi quyền lực, nên nó đã không tìm được con đường tái sinh theo bản năng. Nó phải mang cùm xích của Chủ Nghĩa, của Ðảng, bị ép buộc phải rẽ ngang vào con đường phải phục tùng, của giáo điều, của suy tôn, của gian dối. Nó không còn vô nhiễm vì đã bị ô nhiễm để chỉ còn là thủ thuật nịnh hót Bác Ðảng. Tiếng thơ đã bị bóp nghẹt sau cuộc vùng dậy ngắn ngủi của Nhân Văn Giai Phẩm.
Nguyễn chí Thiện đơn độc tiếp tục cuộc vùng dậy ấy một cách bất khuất và tài trí. Ông đã mang trong ông cả lịch sử thi ca Việt Nam để vận dụng ngôn ngữ, kết hợp ảnh tượng, sắp đặt âm thanh, phân bố ngữ điệu và nhất là đã sáng tạo ra những tên gọi mới của Tội Ác, của Ðọa Ðày, của Khổ Nhục, của Hy Vọng. Thơ của ông là chất liệu của văn học Việt Nam từ đầu hậu bán thế kỷ thứ 20. Trong đổ vỡ hoang tàn, ông đã tồn trữ được cả một kho ngôn ngữ thơ. Trong cuộc giao tranh giữa những thế lực tiến bộ và phản động của một xã hội đang chuyển mình để thay đổi vận mạng, ông cho thấy người làm thơ nên chọn thái độ nào.
Ông đã đóng góp bằng tác phẩm “Hoa địa ngục” vào cuộc tranh luận rất cổ điển giữa hai quan niệm về thơ: thơ thuần túy và thơ ngẫu cảm (6). Ông làm thơ như Goethe đã nói từ đầu thế kỷ trước, “Thơ của tôi là thơ ngẫu cảm, xuất phát từ thực tế và dựa trên thực tế. Tôi không cần đến những loại thơ bâng quơ.” (7) Thơ ông không phải là thơ của những người “nói mà không biết” mà là thơ để nói thay cho những người “biết mà không nói”. Thơ ông cũng là nguyên mẫu của một loại thơ “dấn thân”, không chịu sự chỉ huy của bất cứ chủ nghĩa, tổ chức nào. Thơ ông chỉ là những “tiếng đời nức nở” đã được ông đưa lên -nói theo cách Victor Hugo đã nói- những sự kiện lịch sử, bằng kỹ năng của bút pháp. Ông không phải chọn lọc đề tài cho thơ ông. Tất cả những gì ở chung quanh ông và đã đến với giác quan ông đều có thể biến thành thơ.
Apollinaire cho rằng nhà thơ không cần kiếm những tuyệt vời, mà có thể tìm cảm hứng ở một việc vặt hàng ngày. Một chiếc khăn tay rơi cũng đủ làm đòn bẫy để nhà thơ bẫy cả vũ trụ. Gustave Flaubert cũng có một ý kiến tương tự, “Tất cả đều tùy thuộc vào bút pháp. Truyện một con rận có thể hay hơn chuyện Alexandre.”
Nguyễn chí Thiện là một trong những ngòi bút rất hiếm ở miền Bắc còn giữ được sợi dây liên lạc của Văn Học Việt Nam trải qua những đổi thay về chính trị. Không thể nói tới thơ Việt Nam vào hậu bán thế kỷ thứ 20 mà lại bỏ quên thơ Nguyễn chí Thiện, trong đó đã được ghi khắc bước đi của lịch sử dân tộc trong hơn ba mươi năm qua.
Những tên gọi mới của tội ác.
Nhân loại đang bước vào thế kỷ thứ 21 với những kỳ công của khoa học, với tham vọng chính mình nắm trọn trong tay vận mạng của mình. Không còn chơi vơi giữa cực tiểu và cực đại, nhân loại tin đã đạt tới cực tiểu và bắt đầu cuộc hành trình tiến vào cực đại. Con người tự coi là trung tâm của chính mình. Nó hầu như biết tất cả nên mất đi những cảm giác về huyền diệu, về thiêng liêng. Vì vậy nét đậm của thơ cuối thế kỷ 20 là ủ ê, rầu rĩ.
Cũng là một điều dĩ nhiên nếu nhà thơ Nguyễn chí Thiện được tiếp đón như một khách lạ. Con người hôm nay có thể đã quên đi bộ mặt hôm qua của mình và, tới một lúc nào đó, không cảm thấy sự cần thiết phải quay về dĩ vãng tìm hình bóng cũ. Nên trách người làm thơ không rảo bước hay trách người đi trước đã quá mau? Một câu hỏi không nên vội trả lời.
Nguyễn chí Thiện cũng như nhiều nhà thơ Việt Nam khác đã xuất nạp vào lương tâm con người những từ chứng của một nhân chứng thời đại. Nếu thơ hiện nay không còn bị huyền diệu, thiêng liêng quyến rũ, không còn phải giữ vai trò ứng trước hạnh phúc, nó vẫn còn phải nói đến đau khổ của con người, những đau khổ không phải là sản phẩm của tưởng tượng mà của thực tế. Chủ nghĩa cộng sãn đã được loan báo như một phương thuốc cứu khổ không thể tránh khỏi. Dân chủ tự do được ca ngợi như hạnh phúc không có không được của con người. Cuộc tranh chấp giữa Cộng sản và tự do đã tạo ra cho dân tộc Việt Nam những đau khổ, nhục nhã cho đến nay chưa có tên gọi. Ðó là bản kết toán hùng hồn mà thơ Nguyễn chí Thiện đã đưa ra trước dư luận.
Cái khó khi nói về thơ Nguyễn chí Thiện có lẽ là việc phải tìm ra được những tên gọi để đánh giá sự thành công của ông trong cuộc dấn thân đầy can đảm mà ông đã làm để thể nghiệm và nói lên một cách đích thực những đau khổ và nhục nhã ấy. Nguyễn chí Thiện không có, hay chưa có, hào quang của một nhà thơ lớn. Sự thật ông không mang hoài bão đó. Ông rất khiêm nhường. Ông đã nói những điều ông nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy bằng kinh nghiệm bản thân. Ông không đòi quyền, chiếm quyền hay trao đổi quyền lợi, nghĩa là ông không có tham vọng chính trị. Ông chỉ có một mơ ước là thơ ông có thể giúp càng nhiều người ý thức được rằng chủ nghĩa Cộng sản là họa lớn của nhân loại. Như họa lớn đã đến với người Việt Nam kể từ khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền tại nước này. Chưa biết những người đọc thơ ông sẽ tiếp thu ra sao thông điệp của ông. Nhưng chắc chắn họ sẽ phải se lòng vì sự vắng mặt của ông trên cõi đời này. Ai có thể nói chắc rằng ông vẫn còn bị cùm xích trong một nhà tù đâu đó hay ông đang “khóc âm thầm trong đất”, thương nhớ những vần thơ ông đã “viết ra trong đêm tối đê hèn”? (8)
(1) Chú thích của TPV: Vì tác giả viết bài này rất sớm, nên ông chỉ dựa vào những bàn tán, trao đổi trong dư luận.
(2) Bản Chúc Thư của một người Việt Nam, Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, Quê Hương Tù Ngục, Hoa Địa Ngục.
(3) Nhạc Phạm Duy, thơ dịch Phương Anh, Văn Bút Pháp, Hòa Lan.
(4) Do Bernard Delvaille trích dẫn trong tạp chí Magazine Litterairé số 247).
(5) Thơ của tôi không phải là thơ.
Mà là tiếng cuộc đời nức nở (Thơ Của Tôi – năm 1970 – trang 195 HĐN)
(6) Poesie de circonstance, occasional Verses, Gelegenheitsgedicht, stichotvoréniyé na slouchai, poesia d’occasione
(7) J. P. Eckermann “Gesprache mit Goethe”, Brockhaus Leipzig, 1916.
(8) Chú thích của TPV: Cũng vì được viết rất sớm, khi tông tích và số phận cố thi sĩ chưa ai biết, nên tác giả đã có những lời này. Tuy nhiên, câu: “Nhưng chắc chắn họ sẽ phải se lòng vì sự vắng mặt của ông trên cõi đời này” lại có giá trị như một lời tiên tri về tâm trạng nhiều người trước tin nhà thơ vĩnh viễn giã từ chúng ta hôm 02-10-2013.