NGƯỜI LÍNH GIÀ (Bùi Đức Tính)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Viết về Nhà Văn Quân Đội HẢI TRIỀU (Tức LÊ KHẮC ANH HÀO, BẮC PHONG SÀI GÒN)

“Người lính già xa quê hương

nghe trong tim đêm ngày trăn trở” *

Vancouver đã vào mùa thu từ lâu nay. Thời tiết sắp sang mùa đông. Nắng hay mưa tiết trời đều lạnh. Lắm khi trời nắng còn lạnh hơn lúc có mưa nhiều.

Từ chỗ đậu xe bên kia đường 12th, đi sang cổng phía nam của bệnh viện, Vancouver General Hospital, không xa cho lắm, chỉ chừng 50 bước chân. Rời khỏi xe, là biết trời đang lạnh. Cái lạnh khi thời tiết sang tháng Mười, làm các ngón tay co rút và lẫn tránh vào nơi ấm áp bên trong lớp vải áo quần. Cơn gió lùa qua, cái lạnh buốt trên làn da mặt; làm người ta hối hả bước nhanh chân hơn.

Gần bốn giờ chiều rồi!

Tội nghiệp cho những người kém may mắn, không nhà, sống lây lất qua ngày, lang thang ngoài khu phố. Giờ này, chắc họ đã phải tìm kiếm một mái hiên hay góc nhà để giữ một chỗ, hầu trốn tránh mưa gió, để còn sống sót, qua thêm một đêm trong giá lạnh; một đoạn đời còn lại, với từng ngày cứ phải lanh quanh, lẩn quẩn với lắm thứ bất hạnh, đen đủi…

Sau lớp kính dày của cửa vào, bên trong bệnh viện ấm áp, dễ chịu hơn. Màu sắc, trang trí chung quanh đây trông mỹ thuật, đem lại cảm xúc nhẹ nhàng, trang nhã. Nhưng cái gì đó vô hình, qua ánh mắt, trong hơi thở, len thấm vào lòng người tìm đến bệnh viện, làm lòng người bồi hồi, chùn bước. Ưu tư, lo lắng đến với người đến thăm viếng, vương vấn theo người ra về. Bên trong có nhiều căn phòng nhỏ. Từ tầng dưới đến các tầng trên, có hơn ngàn giường bệnh. Bệnh nhân được di chuyển lên tầng thứ 16, được hiểu rằng mình đang đến kề cận hơn với Đấng Tạo Hóa. Trong đây, cả ngàn đớn đau, quyến luyến…

Vòng đời!

Qua cửa chính, quanh sang trái là lối vào khu Jim Pattison Pavilion. Trên tầng thứ 8, phòng 740 là căn phòng nhỏ, dành cho một người. Trên giường bệnh, người lính già nằm như đang ngủ, thân quyến của anh chắc vừa bước ra ngoài. Người đi thăm ái ngại, tần ngần, xót xa đứng nhìn anh. Người lính già ốm gầy và trông già đi thật nhiều. Hơi thở anh ngắn. Màu da thiếu cạn sắc hồng của sinh lực. Nét mặt cùng những chuyển động quanh môi và mắt của anh, cho biết: anh không đang thật sự yên nghỉ.

–      Anh còn thức?

Nghe tiếng hỏi nhỏ, anh xoay nhìn sang tiếng người quen còn đứng bên ngoài phòng. Ánh mắt anh vui mừng, ân cần:

–      Vô đây!

–      Ngại anh đang ngủ…

–      Ngủ nghê gì!… nằm đó vậy mà…

–      Anh… uống chút nước?

Hướng ánh mắt đến ly nước, trên chiếc bàn nhỏ bên giường:

–      Ừ,… lấy cho anh ly nước…

Xoay ống hút cho anh ngậm, hút nước. Anh nuốt chậm, đến lần thứ hai thì ngưng, nói: “cám ơn”. Yên lặng một lúc, anh ngập ngừng:

–      Thiệt!… từ khi vào lính… quân trường… tù đày… vượt biển… chưa bao giờ… bị khổ… như lúc này!….

Tiếng anh nói nghe thật yếu, thoang thoảng. Anh thở dài, nhìn ra khung trời thu hẹp giữa hai cánh màn…

–      Chào mừng “Đàn Em”!

Mấy chữ “Chào mừng Đàn Em!” của toán Huynh Trưởng đến đón các Đàn Em mới vào quân trường, nghe như là thân thiết, đầy tình cảm. Có điều, âm vang của Huynh Trưởng sao kinh hồn, khô khan. Huynh Trưởng đã làm cho cả một đám đông, có đến gần ngàn người, đang được gọi là Đàn Em, cảm thấy rợn người.

Đoạn đường chiến binh đầu đời, trên chiếc quân xa GMC đưa vào quân trường, thật êm đềm. Mới đấy, trong phút chốc, tất cả an vui, hồn nhiên của tuổi trẻ đã tan biến, còn lại là ngỡ ngàng.

Túi xách, túi đeo, túi lớn, túi nhỏ, mớ gia tài của tuổi học trò bồng bềnh, bây giờ trở thành những món đồ thừa thãi, vướng víu, mỗi khi thi hành lệnh di chuyển vào khối, vào hàng….

Bóng mát và hàng bã đậu bên Vũ Đình Trường trong này, trông cũng giống những cây bã đậu trên con đường học trò, nơi tuổi mới lớn tình tứ khắc tên với yêu thương và hứa hẹn. Nhưng Đàn Em thừa hiểu: Hết rồi những hẹn hứa với thơ mộng, mộng mơ!

Đàn Em nhìn nhau, linh cảm cái gì đó kinh hoàng như lời đồn, như truyền thuyết.

Trăm con tim rung động!

Đàn Em mất tinh thần!

Đàn Em đứng yên, im lặng, nhìn Huynh Trưởng chờ đợi!

–      Thao diễn… Nghỉ!

–      Nghiêm!

–      Đàn Em chuẩn bị?

Đàn Em lí nhí nói theo các Huynh Trưởng hướng dẫn:

–      Sẵn sàng!

Huynh Trưởng chỉ huy thất vọng: 

–      Huynh Trưởng CHƯA NGHE!

Thế là, mấy Huynh Trưởng hướng dẫn ngoài hàng nối theo hét lên:

–      Yếu đuối quá!

–      Đàn Em quờ quạng quá!

–      Hô lớn lên coi mấy “Ông”!

–      Hô lớn như Huynh Trưởng coi!

Đàn Em im lặng, biết lỗi.

Vũ Đình Trường im lặng, chờ đợi.

–      Thao diễn… Nghỉ!

–      NGHIÊM!

Tiếng hô “Nghiêm!” từ xa, mà nghe như Huynh Trưởng đang đứng bên cạnh từng Đàn Em.

Huynh Trưởng nghiêm nghị nhìn khắp Đàn Em.

Vũ Đình Trường ngột ngạt!

–      Đàn Em chuẩn bị?

–      SẴN SÀNG!

Vũ Đình Trường vang dậy tiếng hô “SẴN SÀNG!”

Đàn Em đã sẵn sàng!

–      Ba lô?

–      Lên!

–      Đàng trước, chạy đều… Bước!

Một! Một! Một Hai Ba Bốn! Một!

Rập! Rập! Rập! Rập!

Đàn em ráng chạy theo nhịp đếm của Huynh Trưởng!

Tiếng chân của Đàn Em nghe lạch bạch, rối loạn, lung tung; xen trong tiếng giày trận chắc nịch, nện mạnh mà thật nhịp nhàng của các Huynh Trưởng chạy hướng dẫn.

Vũ Đình Trường như cứ lớn rộng thêm, mênh mông hơn, mờ mịt hơn. Chân rã rời, hành trang nặng trĩu trên tay, trên vai. Chạy hoài, vẫn còn nghe Huynh Trưởng đếm nhịp.

Vũ Đình Trường nóng gay gắt, không khí khô khốc.

Tuổi trẻ thở dồn dập, áo quần xốc xếch. Tuổi trẻ lếch thếch, thê thảm, ráng sức chạy theo các Đàn Anh. Không mấy chốc, tuổi trẻ lao chao, lần lượt nghiêng ngã, nằm dài trên lớp sỏi nóng bỏng của Vũ Đình Trường hay tơi tả bên những chiếc lá bã đậu rơi rụng dưới hàng cây.

Một! Hai! Ba! Bốn!

Một! Một! Một Hai Ba Bốn! Một!

Rập! Rập! Rập! Rập!

Rập! Rập! Rập! Rập! Rập! Rập! Rập!

Tuổi trẻ nằm nhìn trời cao, nghẹn thở; tưởng như mình “chết được, chắc sướng hơn!”. Đàn Em chưa kịp yên thân, đã thấy mấy Huynh Trưởng như những “hung thần” ập ào tới thăm hỏi:

– Đàn Em yếu đuối quá?

– Tính “qua mặt” Huynh Trưởng hả “Ông”?

– Đứng dậy coi “Ông”?

– Chạy tiếp theo Huynh Trưởng coi “Ông”?

Rập! Rập! Rập! Rập!

Một! Hai! Ba! Bốn!

Tiếng chân, tiếng đếm nhịp, tiếng la hét, thúc dục vang dậy.

Vũ Đình Trường chói chang ánh nắng, bụi tung mịt mù.

Vũ Đình Trường mênh mông, lờ mờ trong đôi mắt kiệt lực.

Đoạn đường chiến binh chỉ mới là khởi đầu!

Đàn Em có “yếu đuối” thật!

Đàn Em có “ma giáo”, có “qua mặt” Huynh Trưởng thật!

Nhưng Đàn Em đã nhận hiểu Trách Nhiệm, đã theo gót chân, theo nhịp đếm của Huynh Trưởng để trưởng thành và hãnh diện quỳ xuống nhận “Alpha” trên vai áo, từ các “Đàn Anh”.

Huynh Trưởng không còn là những “hung thần” mà thật sự chính là những Đàn Anh tận tình với Đàn Em, thật thương kính!

Và rồi, tuổi trẻ đã đứng dậy, hiên ngang trong quân phục Đại Lễ. Đàn Em được rời Trường Mẹ.

Tuổi trẻ đã thật sự trở thành người lính, với lời thề: Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm. Người lính già giặn hơn, già đi thật nhanh trong khói lửa, qua chiến trận. Người lính già gan lì hơn, chai đá hơn trong các trại tù gọi là “cải tạo của cộng sản.

Đoạn đường chiến binh bất tận!

Tuổi trẻ biết xót xa mất mát bên thi thể không vẹn toàn của đồng bào, chiến hữu. Và tuổi trẻ đã biết đến cái đớn đau thật tột cùng, khi mất cả quê hương!

Dạo này mưa nhiều hơn ở những miền đất thấp và nhiều hôm có tuyết rơi trên vùng núi, miền cao. Hôm nay, trời mưa suốt cả ngày. Chưa đến 3 giờ chiều, trông âm u, tưởng chừng như chiều tối. Mưa tầm tã. Đất trời buồn bã.

“Người lính già xa quê hương

Nhưng trong tim chưa tàn ánh lửa

Vẫn ước một ngày theo bước Quang Trung

Vẫn thấy quê hương đêm ngày réo gọi

Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về

Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm

Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương” *

Tiếng hát thật buồn, ngân vang trong khúc phim ngắn về một đoạn đời của người lính già.

Lòng người đến chào tiển anh, lặng đi trong bùi ngùi. 

Bây giờ, người lính già đang nằm đây, trong ôm ấp của lá quốc kỳ, chắc hẳn anh “thấy còn hơi ấm non sông”!

Người lính già đã về yên nghỉ trong bình an!

Bùi Đức Tính

…………………………………………………………………………

* Người Lính Già Xa Quê Hương – Nhật Ngân