NGỦ Ở MŨI (Nguyễn Ngọc Tư)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

“Nhưng ngôi nhà sàn không cửa lại có cái lý của nó. Để cho tiếng biển thật gần mình, cho người vợ trẻ nghĩ tới chồng đang bủa lưới ngoài khơi, cho những ông già nguôi niềm thương nhớ biển kể từ khi xa những cái đáy hàng khơi, cho những cậu bé đang tuổi nhổ giò mơ một giấc mênh mông, tròng trành trên chiếc ghe câu giữa bốn bề biển cả.”

No photo description available.

(Một căn nhà “cẳng cao” không cửa ở Xóm Mũi. Ảnh: Hoàng Nam)

Giong ruỗi lang thang mãi mình hóa ra người “sành điệu” lúc nào không biết. Tháng 2 quẩy túi về đồng, canh trúng mùa đìa, bắt cá lóc ký đốt rơm nướng trui ăn kèm muối ớt, uống rượu xóm Dừa (rượu Tân Lộc cũng được), dài tới tháng 4, sa mưa, ra đồng bắt ốc lác luộc với lá sả, lá ổi chấm cơm mẻ chơi. Gió chướng về đầm Bà Tường ăn cơm nguội với ghẹm muối. Tháng 10 trái mắm rụng đầy những sông những rạch ven các cửa biển, mùa săn cá dứa bắt đầu… Ăn “sành điệu” đã đành, lúc ngủ cũng đòi đi về phía biển, để ngủ ngay tại ấp Mũi, một xóm nhỏ ở cuối trời Tổ quốc.
Ở đó có những căn nhà không bao giờ khép cửa. Những căn nhà không cả vách che đằng trước, vì chẳng ai thèm tham lam của ai cái gì. Không cần giới thiệu gì cả, bản chất của xứ sở chúng tôi là đây, những ngôi nhà này. Mưa Nam hay mưa Chướng, nhà chỉ treo một cái rèm bằng mấy cái bao bố may ghép lại hoặc bằng lá chầm đóp. Không cái gì cho người ta cái cảm giác thái bình, no ấm như thế, không có gì cho ta sự gần gũi, thân thuộc như thế. Những ngôi nhà rất rộng lòng, mở trong tầm nhìn của ta một chiếc giường, một cái bàn thờ gia tiên, cái bàn trà, một bức màn vải thêu hình hai con chim loan đậu trên cành trúc, thấy nhà nó hợp với con rạch này làm sao đâu, vì khi nước ròng rạch cũng cạn lòng, phơi đáy. Nó hợp với tính cách con người của vùng đất này làm sao đâu, vì người ở đây cũng sống khoảng khoát, cởi mở, rộng rãi, hào sảng.
Người ấp Mũi ít khi làm buồng để ngủ, buồng chỉ để cho con gái, cho những cặp vợ chồng son, người xứ biển thích ngủ đằng trước nhà, chỉ cần cái mùng, khỏi chiếu, áp cái lưng trần đỏ au xuống với sàn nhà bằng gỗ đước bóng như gương đồng; vậy là được một giấc ngủ ngon. Mà đúng là ngủ ở ngoài này thì thích không chịu được.
Nhà bao nhiêu gian thì bấy nhiêu gian đầy gió. Trong cái mùi biển tanh nồng mặn mòi của những giàn lưới phơi trên giá, trong cái mùi khói ngọt bùng nhùng tỏa ra từ mẻ ung, dường như có nhà ăn cơm chiều trễ, nghe mùi béo ngậy của cá thòi lòi kho với nước cốt dừa. Và đâu đó chắc có vài người chuẩn bị lai rai, rõ ràng là mùi thơm khô mực nướng trên lò than đang tàn.
Ngủ ở ấp Mũi có “quá trình” hẳn hòi (như quá trình công tác vậy). Bao giờ lúc chạng vạng ta cũng ngồi với nhau uống vài ly cho ấm bụng, không khô mực thì hàu nướng, sò nướng chấm muối tiêu chanh. Khuya một chút, khi ngà ngà say rồi, người dưới bếp sẽ bưng lên một nồi cháo sò huyết. Trời ơi, cái mùi thơm của sò, của tiêu, của mỡ tỏi mới hít vào hơi rượu đã tan đâu hết, còn nói gì tới cảnh xì xụp húp chén cháo nóng, nó không chê vào đâu được. Xong rồi, ta quay lại uống trà.
Trà xứ biển đậm đà, nước vàng quánh, kẹo. Nên lần đầu ngủ ở ấp Mũi hẳn sẽ có người thao thức. Vì trà, vì ngủ trong phòng kín cửa với gió máy điều hòa se se quen rồi, nằm đây ngộp thiệt chớ chơi à. Còn nỗi sợ nữa, sợ bóng đêm, sợ mấy anh chàng nằm cạnh giả đò ngủ say dịch qua để… gác chân ảnh lên chân mình. Thôi, nằm canh chừng cho chắc ăn, má dặn, thân gái dặm trường… (Lạ, ở đây người ta sống chân thật với nhau đến mức để trống cả vách nhà, của cải đồ đạc cũng có mất mát gì đâu, vậy thì mắc mớ gì phải dè chừng). Gió vẫn như múa, như ca, như chạy như nấp bên ngoài cái mùng vải thơm mùi nắng. Những chiếc tàu đánh cá ầm ì chạy qua, và tiếng biển, đúng là tiếng biển lướt trên những búp lá đẫm sương trong rừng đước, rì rào rất gần. Chỉ có tiếng biển mới mênh mông một nỗi nhớ bờ như thế.
Nhưng ngôi nhà sàn không cửa lại có cái lý của nó. Để cho tiếng biển thật gần mình, cho người vợ trẻ nghĩ tới chồng đang bủa lưới ngoài khơi, cho những ông già nguôi niềm thương nhớ biển kể từ khi xa những cái đáy hàng khơi, cho những cậu bé đang tuổi nhổ giò mơ một giấc mênh mông, tròng trành trên chiếc ghe câu giữa bốn bề biển cả.
Có cái gì đó giống như ta đang ngủ ở trong một cái chòi giữ vuông giữa cánh đồng gió tơi bời, có cái gì đó như không giống. Phải chăng, ngủ ở đây, gió có vù vụt, cồn cào ta cũng không thấy lạnh, bởi đây là nhà, một mái nhà mang đầy đủ ý nghĩa của nó, có khói mẻ ung, có những hơi thở nhẹ, có con gà đứng trên ngọn cây mắm gáy le te.
Cũng vì vậy mà có cái gì đó giống như ta đang ngủ ở trong một căn chòi ngoài đáy hàng khơi, lại vừa không giống. Vẫn gió mang cái hơi nước mặn mòi, vẫn tiếng biển ì ầm nhưng thiếu cái yên ả, êm đềm thâm nâu của đất.
Tự dưng thấy coi thường cái câu “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” (không biết có bị A.Q của Lỗ Tấn nhập không?), làm nghề viết lách như ta coi bèo bèo vậy chớ “sành điệu” thấu trời.
NGUYỄN NGỌC TƯ