Bây giờ đến lượt tôi viết bài về giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Khi anh chị Đỗ Trọng Linh tại San Jose tổ chức tưởng niệm quý vị trong tổ chức Họp Mặt Dân Chủ vào tháng 3, chúng tôi có mạn phép nói thật lòng như sau. Ông Nguyễn Ngọc Bích ra đi nhiều người ca ngợi một người rất tử tế. Nhiều người ca ngợi một người rất tài giỏi đã ra đi. Tôi thưa rằng, sống bao lâu mình gặp biết bao nhiêu người tử tế.
Sống trong cuộc đời từ trong nước ra đến hải ngoại chúng ta gặp biết bao nhiêu người tài giỏi. Tiếc thương cũng vừa phải theo chỗ thân tình. Nhưng đối với giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, tiếc thương và thương tiếc trở đi trở lại là ở chỗ hải ngoại chúng ta vừa mất một người đang làm công chuyện. Cộng đồng của chúng ta mất một tay đang sản xuất. Ông Bích suốt 40 năm qua là người làm việc nỗ lực nhất, trong hoàn cảnh đáng kể nhất, kết quả hữu hiệu nhất và hoàn toàn tình nguyện. Khi còn ở trong nước, anh em ta, mỗi người một việc, nói chung là làm nhiệm vụ. Làm nhiều làm ít. Làm hay làm dở. Quyền cao chức trọng dù muốn dù không cũng chỉ là bổn phận công dân.
Ra đến ngoài này, ngoài chuyện sinh kế mà lại còn tham gia công việc chung, chịu đựng búa rìu dư luận, quả thực thầy Bích là tay vô địch. Không hạng nhất thì cùng hạng nhì. Ông không còn là Nguyễn Ngọc Bích. Ông chính là viên ngọc bích của cộng đồng. Ngọc bích không viết hoa. Và ngọc bích đã về trời. Anh em vẫn nói đùa. Ra đi là rửa chân leo lên ngồi trên bàn thờ. Nguyễn Ngọc Bích chẳng rửa chân đã leo lên máy bay mà đi vào chốn vô cùng. Có bạn nói rằng chết như vật thật là may mắn. Không. Lạ thì có lạ, nhưng không có cái chết nào là may mắn nhẹ nhàng. Chúng tôi không muốn mất viên ngọc bích. Chúng tôi rất tiếc đã mất đi viên ngọc quý. Cá nhân chúng tôi bao lần yểm trợ cho ông Bích và chiến hữu của ông đến San Jose qua các Nghị Hội từ thập niên 70 đến nay. Đã bao lần lên DC đòi nợ cộng đồng qua sự yểm trợ của ông Bích và chiến hữu thủ đô. Bao nhiêu năm dựa lưng vào nhau mà đứng lên, bây giờ ngọc bích lên trời mình bỗng thấy sau lưng vắng lặng. Tháng chín này mình lên thủ đô họp bạn, tảo mộ mùa Thu, biết trông cậy vào ai. Tin anh Bích chết lưng trời, tưởng chỉ có mình ta mất bạn, đọc trên báo thấy ông Bích nhà ta mới biết thêm con người thành tích tràn ngập và bằng hữu khắp bốn phương. Bài đầu tiên là hậu sinh Trịnh Hội khóc tiền bối. Một bài văn lời lẽ chân tình đôn hậu kể rõ hoàn cảnh người đi trên mây luôn luôn vợ hiền ngồi bên cạnh. Quả thực là chuyện vĩnh biệt có một không hai. Tiếp theo là bài của Đinh Quang Anh Thái viết với hình thức bản tin nhưng rất tình cảm. Tôi xin trích lại như sau để bằng hữu biết rõ về cuộc đời của người ra đi.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) vừa đột ngột qua đời ngay trên chuyến bay từ thủ đô Washington DC đi Manila, Philippines tối 2 Tháng Ba, 2016. Hiền thê của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là Tiến sĩ Đào Thị Hợi dùng điện thoại trên máy bay gọi về báo tin buồn vào lúc 9 giờ tối 2 Tháng Ba (giờ miền đông Hoa Kỳ). Bà cho biết, Giáo sư Bích vào phòng vệ sinh trên máy bay, khi về lại chỗ ngồi thì lên cơn mệt và mất ngay tại ghế ngồi. Luật sư Trịnh Hội, Giám đốc Tổ chức VOICE trụ sở tại Manila cũng đã biết tin này và đang có mặt tại phi trường Manila để đón thi hài Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh 1937 tại Hà Nội. Lúc còn nhỏ, ông học tiểu học ở Vĩnh Yên, sau đó vào trung học ở Chasseloup Laubat, Saigon.
Giáo sư Bích du học Hoa Kỳ năm 1954 theo chương trình học-bổng Fulbright, học Đại học Princeton và và tốt nghiệp ngành Chính trị học năm 1958. Sau đó, ông tiếp tục theo học môn Á Đông học, Văn học cổ điển Nhật tại Columbia University, New York và có thời gian sang Nhật bằng học bổng President’s Fellowship để thu thập tài liệu cho luận án cao học. Ngoài ra, ông theo đuổi một số khóa học ngắn ở Đại học Vienna và Munich (tiếng Đức), Madrid (tiếng Y-pha-nho), USDA Graduate School (tiếng Trung và tiếng Nga).
Sau nhiều năm sống, học và làm việc ở ngoại quốc, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích về nước năm 1972, cùng vợ là Tiến sĩ Đào Thị Hợi thành lập Viện Đại Học Cửu Long ở Sài Gòn, đồng thời giữ chức Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ dân Vận Chiêu Hồi do ông Hoàng Đức Nhã làm Tổng trưởng.
Khi cộng sản chiếm miền Nam Tháng Tư năm 1975, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích rời quê nhà sang Hoa Kỳ sống tại Virginia cho tới khi ông vĩnh viễn ra đi.
Trong suốt thời gian hơn 40 năm qua, ông kiên trì đóng góp trong nhiều lãnh vực văn hóa, giáo dục, đấu tranh của người Việt Quốc Gia hải ngoại.
Thời Tổng thống George W.H Bush lãnh đạo Tòa Bạch Ốc, Giáo sư Bích được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Song Ngữ của Bộ Giáo Dục Liên Bang. Ông cũng từng là giám đốc của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ ngày đài phát thanh chương trình đầu tiên về Việt Nam vào tháng hai năm 1997. Kể từ ngày về hưu rời khỏi RFA, ông vẫn giữ chức Chủ tịch ‘Nghị Hội Toàn Quốc Của Người Việt tại Hoa Kỳ’ và tiếp tục các trước tác văn học, dịch thuật.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần, để lại một di sản đồ sộ những đóng góp của ông trong rất nhiều lãnh vực. Và ông cũng để lại tình cảm yêu mến trong lòng nhiều người Việt trong và ngoài nước.
Nói về sự ra đi đột ngột của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Nhà văn nữ Trương Anh Thụy, người cùng với Giáo sư Bích khởi xướng Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ và đã phát hành rất nhiều tác phẩm văn học, nghiên cứu trong hơn 20 năm qua, lặng đi, đứt quãng: “Sửng sốt! Đau buồn! Cùng học với Bích thời thập niên 50 bên Mỹ và làm việc chung với nhau không biết bao nhiêu công tác, không ngờ ông lại mất đột ngột không một lời giã biệt.”
Một bạn học khác của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thời du học Mỹ là ông Nguyễn Thái Sơn nói: “Buồn đau quá các bạn ơi! Bích hiền và thủy chung với tất cả mọi người. Tấm lòng như thế mà sao lại đột tử! Buồn quá các bạn ơi.” (ĐQAT-Người Việt)
Một thư viện vừa cháy
Tình cảm ơn nữa là một bằng hữu bên Paris, ông Từ Thức đặt tựa văn hóa về cái chết của nhà biên khảo Nguyễn Ngọc Bích. Cũng xin trích thêm như sau. Giáo sư Nguyễn ngọc Bích từ trần, một thư viện vừa cháy. Tin anh Nguyễn Ngọc Bích từ trần khiến bạn bè của anh, rất đông, sững sờ. Một người gần 80 tuổi thọ sinh năm 1937 ra đi là chuyện thường tình, một tin buồn, như một tin buồn đến hàng tuần, hàng tháng. Sinh, bệnh, lão tử là lẽ trời. Nhưng tin anh Bích ra đi khiến người ta bàng hoàng, bởi vì anh là người lúc nào cũng hăng say hoạt động, lúc nào cũng tươi cười, lúc nào cũng lạc quan, lúc nào cũng ân cần, khiến người ta nghĩ anh sẽ không bao giờ ra đi, hay sẽ là người cuối cùng ra đi. Người ta không tin chuyện anh ra đi, bởi vì không muốn tin, bởi vì hy vọng đó chỉ là tin đồn vô căn cứ.
Ông Hoàng Đức Nhã đọc trong tang lễ. Đoạn cuối về tin tức ra đi của ông Nguyễn Ngọc Bích, chúng tôi xin ghi lại đoạn điếu văn tiễn biệt do ông Hoàng Đức Nhã đọc trong tang lễ. Ông nói rằng.
NGÀY 19 THÁNG TƯ 1975 THEO CHỈ THỊ CỦA TỔNG THỐNG, ÔNG BÍCH THÁP TÙNG PHÁI ĐOÀN SANG HOA KỲ VẬN ĐỘNG CẤP LÃNH ĐẠO QUỐC HỘI HOA KỲ TÔN TRỌNG NHỮNG CAM KẾT CỦA TỔNG THỐNG NIXON VÀ VIỆN TRỢ CHO VNCH TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU. VAI TRÒ CỦA ÔNG BÍCH TRONG PHÁI ĐOÀN LÀ PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM TRƯỞNG DÂN VẬN TẠI HOA THỊNH ĐỐN ĐỂ VẬN ĐỘNG GIỚI BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG HOA KỲ VÀ NHỮNG NHÓM THÂN HỮU TRONG HÀNH PHÁP VÀ LẬP PHÁP HOA KỲ VỚI MỤC ĐÍCH ẢNH HƯỞNG VÀ GÂY ÁP LỰC VỚI GIỚI CHỨC LÃNH ĐẠO QUỐC HỘI.
NHƯ CHÚNG TA BIẾT NỖ LỰC GIỜ THỨ 25 CỦA VNCH KHÔNG THÀNH CÔNG. NHƯNG SỰ KIỆN ĐÁNG GHI NHẬN VÀ THÁN PHỤC LÀ ÔNG BÍCH QUAY VỀ SAIGON NGÀY 26 THÁNG 4 ĐỂ TRÌNH DIỆN VÀ PHÚC TRÌNH ĐẦY ĐỦ VỚI THƯỢNG CẤP
Đi để làm gì. Bây giờ là tháng tư 2016 tức là 41 năm sau cái tháng tư 1975. Sáng ngày 30 tháng tư oan nghiệt đó. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh quân đoàn 4 còn ở tư dinh Cần Thơ. Tướng Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng buông súng ở Sài Gòn. Ông Nam lệnh cho tùy viên gọi một vài sỹ quan thuộc cấp. Trung úy tùy viên vào báo cáo thiếu tướng quý vị đã di tản rồi. Vị tư lệnh cô đơn bình tĩnh nói rằng. Đi cả rồi à. Đi để làm gì. Vâng thưa thiếu tướng. Vào cái thời điểm 41 năm về trước một nửa các tướng lãnh, các sĩ quan cao cấp, các giới chức trong chính phủ đã ra đi. Anh em tự bào chữa rằng chính tổng thống cuối cùng đã ra lệnh đầu hàng, đi được thì đi thôi. Không ai có thể trả lời được câu hỏi của người anh hùng tư lệnh quân đoàn 4 tuẫn tiết ở miền Tây vào sáng ngày 1 tháng 5-1975. Đi để làm gì ? Truyền thống quân đội Pháp có khẩu lệnh vào lúc nguy cấp phải tự động tan hàng gọi là “Sauve qui peut”, Mạnh ai nấy chạy. Đi lúc đó chỉ để tìm đường sống mà thôi. Nhất thời chưa ai biết rồi đây ngoài ý nghĩa sinh tồn, ta sẽ làm gì. Không biết đi để làm gì. Nhưng giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và nhiều người khác đã sớm tìm ra câu trả lời. Họ đi để làm những chuyện mà họ đã làm trong suốt 40 năm qua. Trên tất cả mọi lãnh vực. Cuộc sống dù dang dở trên trời xanh nhưng ông đã làm tròn nhiệm vụ. Người chiến sĩ văn hóa của Bắc kỳ, chưa từng mặc áo lính nhưng vẫn xứng đáng về trình diện ông tướng Trung kỳ chết ở miền Nam.
Chuẩn bị cho 49 ngày.
Vì nợ ân tình, vì kính trọng con người và sự nghiệp, đáp lời mời của thân quyến và anh chị em trên DC, chúng tôi hân hạnh sẽ đứng ra tổ chức tưởng niệm 49 ngày giáo sư Nguyễn Ngọc Bích vào lúc 2 giờ chiều thứ bẩy 14 tháng 5-2016 tại phòng đại hội đồng của quận hạt Santa Clara, số 70 W Hedding San Jose. Xin mời quý đồng hương tham dự. Việc tổ chức sẽ thực hiện cùng một ngày tại nhiều nơi trên thế giới và Hoa Kỳ. Dự trù tại Pháp và Canađa. Tại 2 miền Nam và Bắc CA, tại thủ đô DC và Texas. Chương trình gồm có phần nghi lễ và tưởng niệm. Chiếu phim về cuộc đời của ông Nguyễn Ngọc Bích. Thân quyến ông Bích sẽ nhận bản tuyên dương của chính quyền địa phương. Các chiến hữu của nhiều tổ chức sẽ có dịp chia xẻ tâm tình. Sẽ phát hành tuyển tập Nguyễn Ngọc Bích. Đây là dịp mọi người tưởng nhớ về một chiến sĩ VNCH dành 40 năm tranh đấu cho mặt trận dân vận và quốc tế vận tại hải ngoại. Con người đã nỗ lực trên trường văn trận bút trên mọi lãnh vực. Từ văn hóa, xã hội, nghệ thuật, chính trị, ngoại giao. Con người đã tham dự thực sự và nhiệt thành vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Sau cùng trong mọi hoàn cảnh, Nguyễn Ngọc Bích luôn luôn đấu tranh với một nụ cười.
(Giao Chỉ-San Jose)