NGÀY QUÂN LỰC (Bùi Đức Lạc)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

LTS: Bài này đã được tác giả viết lần đầu năm 1987, đăng trên tuần báo Chuông Việt dưới bút hiệu Chính Nhân, nay được hoàn chỉnh lại, với hy vọng không làm phiền lòng người đọc.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được chính thức khai sinh vào những ngày tháng cuối năm 1954, sau ngày 20-7-1954 tức là ngày hiệp định Genève được ký kết giữa Pháp và Cộng Sản Việt Nam. Cho mãi tới ngày 1-12-1954, các cấp chỉ huy Việt Nam lần lượt nhận lãnh quyền chỉ huy các Quân Binh Chủng (chủ quyền) từ tay người Pháp; Thiếu Tướng Nguyễn văn Vỹ được bổ nhiệm làm Tổng Thanh Tra Quân Đội, thay thế Thiếu Tướng Alessandri; Thiếu Tướng Lê văn Tỵ được bổ nhiệm làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thay thế Trung Tướng Nguyễn văn Hinh; Nhưng mãi tới ngày 29 tháng 12 năm 1954 mới có hiệp ước chính thức chấm dứt chế độ Quốc Gia Liên Kết “ Quadripartisme”(chế độ này được khai sinh từ ngày quân Pháp theo chân Đồng Minh chiếm lại Đông Dương sau đệ nhị Thế Chiến) và cũng hủy bỏ hiệp định “Pau” năm 1950. Kể từ lúc đó các cơ sở Hành Chánh, Cảnh Sát, Công An và các cơ quan Tư Pháp cũng được trao trả lại chủ quyền cho người Việt Nam.

Cũng từ ngày 29-12-1954 Bộ Tham Mưu hỗn hợp Việt Pháp được cải tổ và cải danh thành Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, vào đầu năm 1956 các Bộ Tư Lệnh Quân khu được cải danh thành Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn; vào đầu năm 1958 các đơn vị Sư Đoàn Khinh Chiến, Dã Chiến cũng dần dà được canh tân thành các Sư Đoàn Bộ Binh; vào cuối năm 1965 các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Liên Đoàn Nhảy Dù cũng theo đà canh tân Quân Đội được bàng trướng thành các Sư Đoàn Tổng Trừ Bị; các Đại Đội Biệt Động Quân được thành lập thành Tiểu Đoàn rồi Liên Đoàn rồi Sư Đoàn vào năm 1975, các đơn vị Thiết Giáp cấp Chi Đoàn, Thiết Đoàn được canh tân, hiện đại hoá bằng những thiết giáp tân tiến và tăng trưởng thành các Thiết Đoàn, Trung Đoàn Thiết Giáp; các Chiến Hạm Hải Quân cũ kỹ do quân đội Pháp để lại được thay thế bằng những chiến hạm tân tiến hơn, đồng thời aò ạt nhận thêm chiến hạm mới các phòng Hải Quân bên cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn được thành lập thành các Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng; các đơn vị Không Quân từ những khu trục cơ cánh quạt được thay thế bằng những Phản Lực cơ siêu âm rồi các Phi Đoàn, Sư Đoàn Không Quân ra đời; các binh chủng, nha sở cũng được trang bị hiện đại hơn và tăng cường quân số cho phù hợp với nhu cầu cuả chiến trường và nhu cầu của các đơn vị không tác chiến. Chính vì vậy mà một vị Tướng lãnh tên tuổi ngoại Quốc (chúng ta thường có tinh thần vọng ngoại) đã phải tuyên bố xác nhận rằng : Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực tinh nhuệ và hùng hậu đứng vào hàng thứ năm trên thế giới.

Cũng từ năm đó, năm 1960 là năm mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu chao đảo theo tham vọng của một số các cấp chỉ huy, Quân Lực đã bị lợi dụng bởi tham vọng cá nhân, có khi còn bị lèo lái theo tướng số, bói toán và tử vi nữa.

Năm 1963 cơn bão loạn chính trị được khơi dậy bằng những cuộc xuống đường của học sinh, sinh viên, Phật Tử và còn một điều quyết định là theo dấu chỉ cuả đèn xanh Quốc Tế. Trung Tướng Dương văn Minh số đông các Tướng Lãnh và một số Sĩ Quan Trung Cấp đang nắm quyền chỉ huy các đơn vị chung quanh Thủ Đô Sài Gòn đã lật đổ chính phủ dân cử ngày 1-11-1963; Kết quả là hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị thảm sát trên thiết vận xa M113 ngay trong lòng Thủ Đô Sài Gòn-Chợ Lớn.

Ngày 18 tháng 11 năm 1963 Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và Trung Tá Vương văn Đông sau ba năm bôn ba nước ngoài vì đảo chánh không thành trở về nước.

Ngày 23 tháng 11 năm 1963 Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy bị ám sát tại Dallas tiểu bang Texas, phó tổng thống L. Johnson lên thay.

Hơn một tháng say mê trên chiến thắng (Cách Mạng) một Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng được thành lập do Trung Tướng Dương văn Minh làm Chủ Tịch, các ủy viên gồm các Trung Tướng Trần văn Đôn, Tôn thất Đính, Trần Thiện Khiêm, Phạm xuân Chiểu, Lê văn Kim, Lê văn Nghiêm, Mai hữu Xuân, Trần văn Minh; các Thiếu Tướng Đỗ Mậu, Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn hữu Có; Đồng thời Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũng chỉ định Đốc Phủ Sứ Nguyễn Ngọc Thơ (Phó Tổng Thống của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã đánh lừa Ba Cụt hứa nếu về đầu hàng chính phủ sẽ được khoan hồng nhưng khi Ba Cụt về đầu hàng lại cho một toán quân phục kích bắt sống Ba Cụt rồi đem xử tử ) thành lập chính phủ; Nhưng thay vì mở rộng cho các đảng phái tham gia tham chính thì chính phủ cuả Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ lại là một Chính Phủ bè phái chia rẽ rõ rệt, nhất là sự hiện cuả nhóm sĩ quan Đại Việt như Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu đổng lý văn phòng Quốc Trưởng Dương Văn Minh, Đại Tá Nhan Minh Trang chánh võ Phòng Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ, Đại Tá Nguyễn Văn Quang giám đốc nha An Ninh Quân Đội, Đại Tá Dương Hiếu Nghiã chỉ huy trưởng Thiết Giáp Binh, Đại Tá Hùynh Văn Tồn tỉnh trưởng Gia Định, nhóm này chủ trương lật đổ chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ và mời lãnh tụ Đại Việt là Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn đang sống lưu vong bên Pháp về lập chính phủ.

Nhưng âm mưu của nhóm này chưa kịp thi hành, thì bị Trung Tướng Trần Thiện Khiêm tư lệnh Quân Đoàn III phối hợp cùng Trung Tướng Nguyễn Khánh tư lệnh Quân Đoàn I, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi tư lệnh phó Quân Đoàn I dùng ưu thế trong Quân Đội dập tắt, trong phiên họp ngày 12-12-1963 tại Sài Gòn quyết định ngày 31-1-1964 lật đổ chính phủ cuả Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ, quan trọng hơn nữa là trong phiên họp này quyết định bắt giam tất cả các Tướng Lãnh chủ mưu cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và chụp cho nhóm này cái mũ là chủ trương Trung Lập, (cho đến ngày hôm nay cũng chưa có bằng cớ xác thực), ỡm ờ vẫn giữ Trung Tướng Dương Văn Minh người cầm đầu cuộc đảo chánh ở lại làm Tổng Thống, Trung Tướng Nguyễn Khánh làm Thủ Tướng, thành lập hội đồng Nhân Sĩ gồm 60 vị, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đổi tên thành Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng, Trung Tướng Nguyễn Khánh làm chủ tịch thay thế Trung Tướng Dương văn Minh, rồi đến Tam Đầu Chế (bù nhìn). Tướng Nguyễn Khánh thao túng sân khấu chính trị làm cho Quân Đội hoang mang, Dân Chúng hoài nghi, và nhìn tất cả các tuồng diễn trên sân khấu cải lương chính trị tại Sài Gòn lúc bấy giờ, như một màn bi kịch của thời đại.

Tướng Khánh làm nhiều trò rất ngoạn mục như hiến chương Vũng Tầu, Tam Đầu Chế (Nguyễn Khánh, Dương văn Minh, Phan khắc Sửu) phong cho ông Trần Văn Hương làm Thủ Tướng và một Thượng Hội Đồng Quốc Gia làm cố vấn (bù nhìn) cho chính phủ, vì Thượng Hội Đồng Quốc Gia không chiụ làm bù nhìn cho nên Tướng Nguyễn Khánh bắt giam các giới chức trong Thượng Hội Đồng này gồm cả nhà cách mạng Nguyễn Văn Lực (thân phụ cuả phi công Nguyễn văn Cử).

Ngày 7 tháng 6 năm 1964 Công giáo biểu tình chống chính phủ rất qui mô tại công trường Lam Sơn.

Ngày 2 tháng 8 năm 1964 chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ tuần tiễu ở vịnh Bắc Việt bị tầu tuần tiễu Bắc Việt phóng ngư lôi tấn công, ba ngày sau tầu Mỹ lại bị tấn công, Phi cơ Mỹ trả đũa oanh tạc các tầu chiến và các vị trí quân sư tại ven biển Bắc Việt.

Ngày 26 tháng 8 năm 1964 ẩu đả giữa hai nhóm nhỏ Phật Giáo và Thiên Chúa giáo tại khu Thanh Bồ Đà Nẵng làm 11 người chết, 42 người bị thương, một số nhà bị đốt. Tại Sài Gòn cũng bùng lên tình trạng Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo kình chống nhau, Linh Mục Hồ văn Vui và Thượng Tọa Thích tuệ Đăng phải ra tận nơi biểu tình của hai bên đang đối đầu nhau để hòa giải mới ổn định được tình hình, có tin cho rằng các cuộc chống chọi giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo là do Cộng Sản giật dây, cả hai bên chỉ vì thiếu suy xét, chút xíu trở thành đại họa cho đất nước, bài học này ngày nay vẫn còn nóng hổi.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964 Tướng Nguyễn Khánh lại thành lập Thượng Hội Đồng Quốc Gia với nhiệm vụ triệu tập Quốc Dân Đại Hội, soạn thảo Hiến Chương, nhưng sau đó lại bị giải tán.

Ngày 13 tháng 9 năm 1964 Đảng Đại Việt đảo chánh, do Đại Tá Hùynh văn Tồn Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh và Trung Tướng Dương văn Đức Tư Lệnh Quân Đoàn IV (bên ngoài ai cũng tưởng đây là cuộc đảo chánh do Tướng Đức chủ mưu, nhưng không phải như vậy mà sự thật chủ mưu cuộc Đảo chánh này là do nhóm Sĩ Quan Đại Việt; Tướng Dương văn Đức thuần túy là một quân nhân, ông cương trực thắng thắn nên dễ bị lợi dụng ) Tướng Nguyễn văn Thiệu lúc đó đang làm Tham Mưu Trưởng liên quân, tại Bộ Tổng Tham Mưu không có quân trong tay nên phải cầu cứu với Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi tư lệnh Sư Doàn 1 Bộ Binh về Sài Gòn để phản công; Tướng Thi nhờ vào uy tín và sự quen biết với các vị Tư Lệnh hai Binh Chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cũng như Quân Chủng Không Quân nên ông đã chỉ huy phản công, dẹp Đảo chánh thành công rất dễ dàng.

Ngày 1 tháng 11 năm 1964 Ông Trần văn Hương được đề cử làm Thủ Tướng chánh phủ, nhưng không được bao lâu bị chống đối mạnh mẽ từ khối sinh viên Phật Tử.

Ngày 16 tháng 2 năm 1965 sau hơn ba tháng cầm quyền Thủ Tướng Trần văn Hương từ chức, rối loạn lại càng rối loạn hơn.

Ngày 19 tháng 2 năm 1965 Thiếu Tướng Lâm Văn Phát và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo lại làm thêm màn bi kịch đảo chánh trên sân khấu Sài Gòn, nhưng cũng lại bị Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Quân Đoàn I phối hợp cùng Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ Tư Lệnh Không Quân dẹp tan, nhân dịp này Tướng Nguyễn Chánh Thi với danh nghiã là Tư Lệnh Quân Đoàn Giải Phóng Thủ Đô đã yêu cầu Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu giải nhiệm Tướng Nguyễn Khánh, chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH được giao cho Trung Tướng Trần Văn Minh và ép buộc tướng Nguyễn Khánh phải xuất ngoại trị bệnh. (căn bệnh này là căn bệnh truyền nhiễm).

Ngày 25 tháng 2 năm 1965 Tướng Nguyễn Khánh lên đường lưu vong sau hơn một năm khuấy động,trước khi bước chân lên máy bay ông cầm một nắm đất và tuyên bố “Tôi đem theo đất nước Việt Nam với tôi và tôi còn trẻ tôi sẽ trở lại đất nước khi có cơ hội”.

Cũng ngày 25 tháng 2 tnăm 1965 Thủ Tướng Phan Huy Quát thành lập chánh phủ, Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu phó Thủ Tướng nhưng lại bị khối Công Giáo biểu tình chống đối, nên chánh phủ Phan Huy Quát phải giải tán sau gần bốn tháng cầm quyền đầy rối loạn, đồng thời Quốc Trưởng Phan khắc Sửu cũng nhận thấy ngôi vị của mình không có thực quyền nên đã cùng Thủ Tướng Quát thỏa thuận là nên trao quyền hành điều khiển Quốc Gia lại cho Quân Đội, sự thực các chính phủ dân sự không còn lối thoát, họ không do dân bầu mà do sự chỉ định, khi lên hay xuống cũng do chỉ định mà thôi cho nên họ hoàn toàn bất lực, không có một chút uy quyền nào.

Ngày 8 tháng 3 năm 1965 hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng, đây là đơn vị đẩu tiên của quân đội Hoa Kỳ chính thức tham chiến tại Việt Nam.

Tới đầu tháng 6 năm 1965 mọi việc đều rõ ràng, trong tình thế rối loạn này, nếu Quân Đội không nhận lãnh tạm thời điều khiển quốc gia, để tổ chức bầu cử chọn người lãnh đạo quốc gia, thì không một cá nhân hay đảng phái nào có thể đảm nhận vai trò điều khiển Quốc Gia trong giai đoạn nhiễu nhương này được.

Cho nên ngày 6 tháng 6 năm 1965 Hội Đồng Quân Lực đã nhóm họp khẩn cấp, cuộc họp này hoàn toàn do các Tướng lãnh Việt Nam chủ động, và kết quả là vẫn không bầu được một cơ cấu sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm điều khiển Quốc Gia.

Ngày 11 tháng 6 năm 1965 cuộc họp giữa chính phủ dân sự chỉ định và Hội Đồng Quân Lực từ 9:00 giờ tối cho đến 3:00 giờ sáng ngày 12 tháng 6; Trong buổi họp này Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát đồng loạt từ chức giao quyền hành cho Hội Đồng Quân Lực, mọi người đồng ý chờ quân đội chọn người, sau đó mới chọn ngày bàn giao chính thức, cuộc họp lịch sử này do sự thúc đẩy của Hoa Kỳ nhưng hoàn toàn không chịu áp lực của Hoa Kỳ, chương trình nghị sự hoàn toàn độc lập.

Ngày 12 tháng 6 năm 1965 các vị Tướng Lãnh và những vị có chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn trở lên họp từ 9:00 giờ sáng cho đến 9:00 giờ tối tại Bộ Tư Lệnh Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến dưới sự canh gác vô cùng cẩn mật; Cuộc họp bàn cãi rất sôi nổi về việc chọn một người ra điều khiển Quốc Gia với danh xưng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, không ai tình nguyện, nên các vị sau đây lần lượt được đề cử : – Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu – Trung Tướng Nguyễn hữu Có – Trung Tướng Nguyễn chánh Thi – Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ.

Lúc đầu Trung Tướng Thiệu và Trung Tướng Có từ chối quyết liệt , sau đó Trung Tướng Thi cũng từ chối cuối cùng Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ nhận lãnh, sau cùng đi tới kết quả thành phần lãnh đạo như sau:

Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu Tham Mưu Trưởng Liên Quân làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (Quốc Trưởng).

Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ Tư lệnh Không Quân làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng).

Đồng thời các Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng được lần lượt thay thế bằng các quân nhân (không có kinh nghiệm về hành chánh và cai quản) và lấy tên là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Tỉnh hay Quận…

Nhưng để có thời gian chuẩn bị thành lập nội các, cho nên đến ngày 19 tháng 6 năm 1965, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương mới chính thức tuyên bố nhận lãnh trách nhiệm lèo lái Quốc Gia và tuyên bố thành phần nội các; cùng quyết định tăng phụ cấp cho binh sĩ; cũng như chọn ngày 19 thang 6 là ngày Quân Lực (Hiện nay tại hải ngoại các cựu Quân Nhân chúng ta phải giữ ngày này là giềng mối để nắm tay nhau, công kích ngày Quân Lực là mục đích tiếp tay cho kẻ thù chung của Dân Tộc, gây chia rẽ trong hàng ngũ Quân Nhân; Cũng như công kích bản Quốc Ca của chúng ta là mục đích gây chia rẽ trong hàng ngũ Quốc Gia, gây xáo trộn trong cuộc sống đầy ưu phiền nghi kỵ, cả hai tình huống quan trọng này, một bên chống một bên thuận là cả Cộng Đồng Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản phải tan nát khó hàn gắn, bây giờ không phải là lúc bàn đến việc thay đổi điên rồ này, nếu chúng ta suy nghĩ chín chắn thì chúng ta phải đón nhận như trong gia phả vậy, hay giở cũng là của tiền nhân để lại, phải chấp nhận đễ làm bài học quý giá sau này, tốt hay xấu thì cũng là tấm gương soi để noi theo hay sửa chữa, con cháu chúng ta cần học hỏi trong cả bài học hay cũng như bài học dở, từ cổ chí kim không có một quốc gia nào, hay một vị nguyên thủ nào hoàn hảo cả) .

Năm 1965 cũng chính là năm mà Cộng Sản Việt Nam nhận định rằng : Sau gần hai năm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm các Tướng lãnh đã lo tranh giành quyền lực không chú ý gì đến quyền lợi của Quốc Gia Dân Tộc, không còn chú ý đến nhiệm vụ chính là Hành Quân bảo vệ dân, tiễu trừ Cộng Sản nữa. Nắm cơ hội này chúng đã gửi các Sư Đoàn Chính Quy ào ạt Nam Tiến với mục đích là thôn tính trọn miền Nam; Nhìn rõ ý đồ đó nên Tổng Thống Hoa Kỳ L. Johnson đã quyết định đổ bộ các đại đơn vị Hoa Kỳ vào tham chiến kịp thời, nếu không QLVNCH với vũ khí lúc đó còn thô sơ (Garant, carbine và đại liên 30) khó có thể ngăn cản sự tấn công cuả đạo quân được trang bị tối tân hơn (AK 47, B40, B41 và hoả tiễn điều khiển điạ điạ cũng như điạ không). Tuy vậy QLVNCH cũng phản tỉnh sau hai năm mơ màng nên lệnh tổng động viên được ban hành, Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm cấp thời được bổ nhiệm làm Giám Đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng để thi hành lệnh Tổng Động Viên trước tình thế khẩn trương của đất nước, các Quân Binh Chủng cũng được bành trướng chẳng hạn như Lữ Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến được thành lập thành Sư Đoàn.

Năm 1966 là năm đầu tiên lấy ngày 19-6 là ngày QUÂN LỰC; Một cuộc diễn binh rất quy mô trên đường Trần Hưng Đạo Thành Phố Sài Gòn Chợ Lớn, dưới đất các đoàn quân anh hùng lần lượt đi qua khán đài, trên trời các phi cơ đủ loại biểu diễn ngoạn mục mang lại niềm tin ở sức mạnh cuả Quân Đội cho dân chúng, nhất là sau một năm tình hình chính trị và quân sự được ổn định dân chúng lại càng an lòng hơn.

Ngày 19-6-1975 không một nơi nào trên trái đất này tổ chức ngày Quân Lực cho QLVNCH, nhưng chắc chắn nó được âm thầm tưởng nhớ trong trí trong tâm cuả các quân nhân còn đang bàng hoàng trước cơn đại nạn cuả đất nước; để rồi người may mắn phiêu bạt khắp Năm Châu, người kém may mắn đang trong các lao tù Cộng Sản, người kiên cường bất Khuất đang hiên ngang chiến đấu trong lòng đất mẹ Việt Nam. Nhưng dù ở phương trời nào hoàn cảnh nào các quân nhân QLVNCH lúc nào cũng một lòng son sắt quyết tâm sẽ tổ chức ngày Quân Lực rạng rỡ trên quê hương Việt Nam Mến Yêu.

Trên một phần tư thế kỷ, biết bao nhiêu đau thươmg chồng chất, biết bao nhiêu khổ aỉ cực hình, biết bao nhiêu tan vỡ tận cùng mang theo những chia lià ngăn cách để lại cho chúng ta những khắc khoải mong chờ ngày quang phục quê hương, mục tiêu hợp quần những người cựu Quân Nhân QLVNCH chưa nắm trọn trong tay, vì chúng ta còn lấn cấn trong những thủ đoạn ma mãnh mưu cầu lợi ích riêng tư cho một đơn vị hay cho một nhóm, mà chưa nhận điện được những lợi ích chung cho cộng đồng cho xứ sở!!! kèm theo chúng ta đang bị quân thù cài người đánh phá, vì vậy khối Quân Nhân phải cực kỳ sáng suốt mới nhận rõ được quân thù, nếu chúng ta không nắm tay cùng nhau, chúng ta sẽ bị lịch sử lên án nặng nề, về những việc làm hiện tại của chúng ta, chúng ta thật sự thua trận giặc vừa qua, để lại một dân tộc vốn kiêu hùng, nhưng trớ trêu thay đang làm nô lệ cho chính những người cùng huyết tộc, hơn thế nữa tiếp tục ngày hôm nay chúng ta đang thua trận giặc tàn khốc hơn đó là trận giặc làm tay sai, trận giặc chia rẽ do quân thù điều khiển, và bị xúi bẩy bởi những người không một ngày cầm súng, hoặc còn tệ hại hơn nữa, chính họ là những người đã chỉ điểm cho quân thù tiêu diệt chúng ta, chúng ta thật sự đang làm nhơ bộ chinh y của chính chúng ta, đau đớn thay.

Xin Hồn Thiêng Sông Núi xin tinh anh của Giòng Giống Tiên Rồng dẫn dắt con cháu Lạc Hồng biết tương nhượng nhau, xích lại gần nhau và biết cùng nhau nhìn về quê hương bên kia bờ đại dương, cùng đau trong niềm đau chung của Dân Tộc…

Bùi Ðức Lạc