NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU (Trần Đổ Cẩm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhân dịp Tết Tân Sửu năm nay, chắc quý độc giả thân mến không ít thì nhiều cũng đã sắm sửa bánh trái, hoa quả, đồ ăn, thức uống… để cùng gia đình và bạn bè thưởng Xuân. Tuy có thể không đầy đủ lệ bộ “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh” như khi còn ở quê nhà, nhưng “kiết cú như ai cũng rượu chè”, thế nào cũng có bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, mứt bí, hạt dưa v.v… cho ra vẻ ngày tết.

Nhưng dù món ăn “vật chất” có ê hề, đầy đủ bao nhiêu mà thiếu món ăn “tinh thần” là tờ báo xuân thì ngày tết cũng thiếu hẳn hương vị đậm đà, quen thuộc. Mà báo xuân không có bài Sớ Táo Quân và bài phiếm luận về con giáp cầm tinh thì chẳng khác gì mâm cơm Tết thiếu thịt kho dưa giá, mùa xuân thiếu hoa, trái đất thiếu mặt trời, đàn ông thiếu… đàn bà, nghĩa là thiếu tất cả phải không quý vị? Trong ý hướng cao đẹp đó, tác giả trân trọng cống hiến quý vị bài phiếm luận năm con Trâu, trước để hùng hồn chứng tỏ tinh thần bốn ngàn năm văn hiến “về nguồn” với hy vọng các cụ trong hội Cao Niên khỏi chê trách là ăn hotdog, hamburger nhiều nên mất gốc, sau là gửi tới quý vị một món quà tinh thần góp vui vào dịp đầu năm.

Trước khi kính mời quý vị nhàn nhã ngao du trên mình trâu, thiết tưởng cũng nên có đôi lời phi lộ, kiểu “mất lòng trước, được lòng sau” cho phải phép và nhất là tránh mọi hiểu lầm vô tình hay cố ý. Tuy mục đích trong sáng và hướng thượng của tác giả chỉ là giúp vui mọi người trong dịp xuân về khiến ai nấy đều thoải mái, vui vẻ, tươi cười như ông Địa trong đoàn múa lân, nhưng biết đâu lại không có vài vị nho chùm , “hán” rộng chuyên suy bụng ta ra bụng người hiểu lầm ý hướng rất cao đẹp nói trên? Hơn nữa, trước khi vác bút ra đi, mẹ đĩ cũng hăm he rằng nếu muốn còn hàm răng để cạp “dú sữa” hay cắn “bánh dầy”, bánh chưng, hãy khôn hồn mà kính nhi viễn chi, đừng để bị lôi kéo vào chốn thị phi giang hồ, gặp cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Cũng cần nói thêm, “phiếm luận” nguyên là chữ viết văn hoa của nền văn chương bác học, được dịch nôm trong giới văn chương bình dân là “nói phét”. Tuy “nói phét có sách, mách láo có chứng”, nhưng tựu trung vẫn là nói… dóc, nên tác giả cũng không bảo đảm hay cầu chứng tại tòa những điều nêu ra trong bài phét… luận này là đúng 72 phần dầu đâu. Vì vậy, theo đúng tôn chỉ và điều lệ của trường phái “nói phét”, tác giả đề nghị quý vị nam phụ lão ấu, già trẻ lớn bé chỉ nên “đọc qua rồi bỏ”; thảng hoặc có ai tưởng thật cũng không sao, nhưng nếu có phải đổ cả thóc giống ra mà ăn thì… ráng chịu.

Wow! Dài dòng như trên nhưng tóm tắt chỉ đi đến một kết luận rất rõ ràng: mục đích duy nhất của bài phiếm luận con Trâu chỉ để “trước mua vui, sau làm nghĩa”. Trong tinh thần dĩ hòa vi quý, tác giả không giám hàm ý, ngụ ý hay tỏ ý nói xiên, nói xéo, nói xỏ bất cứ cá nhân, phe phái, đoàn thể nào, mà ngược lại chỉ muốn suy tôn ngưỡng mộ, bốc thơm tất cả mọi tầng lớp già trẻ trai gái để vui vẻ cả làng. Nếu chẳng may trong lúc ngẫu hứng, xuân tình dào dạt, rượu vào lời ra, vô tình có lời lẽ làm phật lòng bất cứ ai, đó là lỗi lầm của… ấn công, đầu năm đầu tháng mong quý độc giả từ bi hỉ xả, niệm tình tha thứ và bỏ qua đi cho. Để chứng tỏ thiện chí “hình nhi thượng” cao đẹp đó, tác giả thành thực cầu chúc quý độc giả thân mến của bổn báo, con cái cháu chắt, cả những người thân hay không thân, một mùa xuân như ý sở cầu, vui tươi tốt đẹp, nhất bản vạn lợi, đàn ông lúc nào cũng phương phi, vui vẻ, mạnh khỏe cầy mạnh như trâu để bà xã hài lòng; còn quý “quần bận yếm mang” thì mát mẻ, tươi trẻ, da dẻ hồng hào, nghé ngọ suốt năm.

Sau thủ tục “đầu tiên” rào trước đón sau và chúc tụng đầu xuân theo đúng Tôn Ngô binh pháp “tiên lễ hậu binh”, kính mời quý vị theo mục đồng tôi cùng đi thăm họ hàng nhà Trâu.

Nhìn chung, trâu thuộc giống nhai lại như bò, do đó chúng ta thường thấy ban ngày trâu gặm cỏ hay ăn rơm cho đầy bụng, rồi tối vào chuồng nằm, thong thả “ợ” rơm cỏ từ dạ dày lên miệng để nhai lại. Trâu là bạn trung thành của nhà nông từ ngàn xưa, đã chung lưng góp sức với người để cày bừa vất vả để mang lại thóc lúa nuôi sống con người. Do đó, chọn trâu tốt giống là một trong ba điều tối quan trọng trong việc xây dựng gia đình cũng như xã hội. Nông dân Việt Nam thường nhắc:
Tậu trân, lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc ấy lọ là khó thay

Theo các nhà khảo cứu,Trâu là loài gia súc rất quen thuộc tại các nước Á Châu vốn lấy nghề nông làm căn bản như Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Dương v.v… Vào năm 1985, các khoa học gia ước lượng tổng cộng có chừng 130 triệu con trâu trên thế giới. Trong Anh ngữ, loại trâu Á đông được gọi là “water buffalo” hay trâu nước, mang tên khoa học “bubalus bubalis” để phân biệt với loại “bufalo” hay “trâu khô” có nhiều ở Châu Mỹ. Trâu nước là loại trâu ưa đầm mình dưới vũng bùn hay vũng nước. Thật ra, loại ‘buffalo” nên gọi là giống bò rừng mới đúng vì có lông dài, thuộc loại “bison”. Sách Tam Thiên Tự (ba ngàn chữ) là một cuốn sách cổ, không rõ tác giả, dạy chữ Hán (chữ Nho) cho người Việt. Sách xếp 3.000 chữ Nho và nghĩa tiếng Việt của chúng, như một bài vè, mỗi câu hai âm, khi đọc lên thì có vần cho dễ nhớ, thời trước dùng để dạy người ta học tiếng Hán có đề cập đến trâu. Trong sách có những câu vần như: “Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, cự cựa , nha răng…kết thúc với chữ cuối “Tự chữ, Từ tờ”. Trong Tam thiên tự có một lỗi lầm cho tới nay vẫn còn, đó là định nghĩa chữ ngưu, như đề tài chúng ta đang đọc. Tam thiên tự viết “Ngưu trâu, Mã ngựa”, nên vẫn có nhiều người dịch ngưu (buffalo) là trâu và dịch thủy ngưu (water buffalo) là trâu nước. trong khi thực ra ngưu là bò và thủy ngưu mới là trâu. Thôi thì ta cứ xem ngưu là trâu. Người Trung Hoa vẫn gọi “ngưu” là con bò, như trong sách nhà Phật có “Thập Ngưu Đồ” tức là mười bức tranh bò, nên trong đó vẽ con bò.

Trâu giúp việc đồng áng tại Việt nam

Trâu cũng như đa số các loài gia súc khác như chó, mèo, heo, ngựa, gà v.v… nguyên là loài vật sống nơi rừng núi hoang dã, sau này được loài người nuôi nấng dạy dỗ nên lâu ngày nên trở nên thuần thục trở thành gia súc. Hiện nay, giống như chó rừng (chó sói), mèo rừng, ngựa rừng, heo rừng v.v…, có nhiều loại trâu rừng sống nơi các đồng cỏ, nhất là tại Phi Châu. Trâu rừng sống từng đàn có khi tới hàng ngàn con để nương tựa và bảo vệ lẫn nhau chống lại các loại ác thú như hùm, beo, sư tử v.v… Vì vậy, cọp beo tuy rất hung dữ, nhất là khi đói mồi, nhưng cũng ít giám mạo hiểm xông vào bầy trâu rừng để kiểm ăn. Các loài thú lanh lẹ khác như hươu, nai, ngựa vằn v.v… thường “chạy” để trốn tránh đối thủ, còn trâu rừng chậm chạp, không chạy nhanh được nên phải hợp quần để chống lại giống sài lang. Khi bị cọp beo tấn công, bầy trâu rừng tập họp quây quần thành một vòng tròn lớn để bảo vệ những con nghé hoặc trâu già yếu ở bên trong, còn những con trâu khỏe mạnh có cặp sừng nhọn phòng thủ bên ngoài không cho địch thủ xâm nhập. Nếu cọp beo liều lĩnh tấn công, bầy trâu sẽ đồng loạt cúi thấp đầu xuống đưa một hàng rào sừng nhọn hoắt như vạt tre vót nhọn nêu địch thủ xông vào sẽ bị húc lòi ruột.

Trâu bầy chống lại sư tử

Sau này, vì trâu có sức mạnh, dễ nuôi, bản tính lại tương đối hiền hòa nên được loài người chiêu dụ, trở thành gia súc để kéo xe hay kéo cày, giết thịt hay lấy sữa. Có thể nói ngay từ thời tiền sử khi loài người biết trồng cấy, trâu đã là loài vật sát cánh với con người trong cuộc tranh đấu với thiên nhiên để sống còn. Do đó, đối với nông dân trâu trở thành bạn hữu thân thuộc hơn cả gà, chó, ngựa, heo v.v… Theo sách khoa học, tuy gọi được gọi chung là trâu, nhưng ngoài cách phân biệt tổng quát giữa trâu rừng và trâu nhà, còn được chia thành nhiều loại, nhiều giống. Trước hết là giống trâu Arni là một loại trâu rừng sinh sống ở rừng núi bên Ấn Độ. Trâu Arni có da màu xám hay đen, to con, khỏe mạnh nên là loại trâu được gia súc hóa từ hàng ngàn năm nay. Bên Ấn Độ, ngoài trâu giống Arni, còn có rất nhiều loại khác như Murrah, Kundi, Nili, Ravi. Tại vùng Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam và Trung Hoa, đa số các loại trâu đều thuộc về giống ‘trâu đầm” (swamp buffalo) hay trâu nước gọi tắt là trâu như thường thấy ở Việt Nam, nhất là ngoài Bắc Việt. Trâu nhà Việt Nam bắt nguồn từ giống trâu rừng Arni, trông chắc nịch và mạnh khỏe như loại bò kéo xe. Vì loại trâu nhà này to con, có thể nặng từ 250kg đến 1000kg, nên còn được dùng để xẻ thịt. Đa số trâu nhà lại Việt Nam và Trung Hoa được dùng để kéo cày, bừa hay trong công việc đồng áng. Trâu cũng được dùng để kéo xe, có thể đi tới 30 cây số trong một ngày với xe nặng hàng tấn. Các loại trâu nhà thông dụng gồm có: Albinoid, Shanghai, Tamarao… Bên Nam Mỹ còn có loại trâu Rosilho, trông khá giống trâu Việt Nam. Theo thống kê, trâu nhà được nuôi nhiều nhất tại các nước thuộc Á Châu. Ở Trung Hoa có vào khoảng từ 20 đến 25 triệu con; Thái Lan và Phi Luật Tân chừng 5 triệu con; Nepal khoảng 4 triệu con; lndonesia khoảng 2 đến triệu con; Việt Nam và Miến Điện chừng 2 triệu con.

Trâu Ấn Độ

Ngoài các chủng loại nêu trên, trâu còn có nhiều màu sắc khác nhau. Thông dụng nhất là loại trâu da xám sậm, chúng ta thường quen gọi là trâu đen. Có loại lông thưa, da màu xám nhạt gần như xanh như sách cổ có nói Lão Tử, giáo chủ của phái “thanh tịnh vô vi” thường cưỡi con “thanh ngưu” đi ngao du khắp thiên hạ. Trong nhạc phẩm “Ngày Trở Về” của nhạc sĩ Phạm Duy cũng có câu “… có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”. Ngoài hai loại trâu xám và trâu xanh, còn có loài trâu trắng tương đối hiếm.

Trâu trưởng thành nặng khoảng từ 250 đến 500 kg. Loài trâu rừng hoang dã lớn hơn thế rất nhiều, con cái có thể nặng 800 kg, con đực lên tới 1.2 tấn, và cao tới khoảng 1.8 m. Trâu rừng châu Á có cặp sừng dài nhất trong số các loài thú có sừng trên thế giới. Mới đây, tại Việt Nam, một bộ sừng trâu rừng lớn chưa từng thấy đã được phát hiện, ước đoán to hơn trâu rừng hiện nay rất nhiều. Ấn Độ là nước nuôi nhiều trâu nhất trên thế giới. Ở nước này người ta sử dụng sữa và thịt của trâu thay cho bò.

Nước Việt Nam có các đồng bằng phì nhiêu thuộc miền châu thổ sông Hồng Hà và Cửu Long do đó nông nghiệp tại nước ta đã được phát triển từ thời xa xưa. Con trâu vì vậy thường được coi như người bạn thân thiết và trở thành biểu tượng rất phổ thông của dân quê Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc chia sẻ nỗi cực nhọc với nông dân trong đời sống hàng ngày, trâu còn gắn liền với phong tục, tập quán của dân Việt từ ngàn xưa, điển hình là trâu đã được dùng để mang tên một trong mười hai con giáp. Trong số những con giáp, trâu không những là con vật lớn nhất mà có lẽ còn gần gũi với chúng ta nhất đến nỗi đã trở nên một phần tử trong gia đình, đồng cam cộng khổ như trong câu ca dao sau đây:


Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa

Tình thân này sân đậm đến nỗi lắm khi trâu còn được coi như một người bạn tâm sự thực tình quý mến, cùng chia xẻ gian lao nhọc nhằn với nông dân ngoài đồng vào những buổi trưa hè nóng bức.


Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đây ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Trong đời sống hàng ngày của dân quê, hình ảnh của con trâu quen thuộc cũng thường được nhắc nhở qua những câu tục ngữ hay ví von rất ý nhị ngụ ý khuyên răn người đời.

Đời là một cuộc cạnh tranh liên tục nên kẻ chậm chạp dễ bị thua thiệt. Muốn chiếm lợi thế trong công việc làm ăn, hình ảnh bầy trâu cùng kéo nhau xuống một vũng nước được gợi lên để khuyên mọi người hãy tích cực mau mắn để chiếm lợi thế như câu “trâu chậm uống nước đục”. Nhiều khi trong cuộc tranh giành quyền hành giữa những thế lực to lớn lại gây thiệt hại lây tới những kẻ thấp cổ bé miệng vô can. Vì vậy, các cụ ta thường nói “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Những người làm việc không có hệ thống hợp lý, thiếu thứ tự mạch lạc trước sau, người đời chê là “Đặt cái cày trước con trâu”. Đây là kiểu cách làm việc và lý luận của những kẻ hiện đang hô hào hợp tác với Việt Cộng để xây dựng đất nước Việt Nam. Dưới chế độ độc tài đảng trị, Việt Cộng là thủ phạm chính đang tàn phá đất nước, là trở ngại lớn nhất, vì vậy muốn tái thiết, chúng ta cần phái tiêu diệt lũ sâu bọ hại dân hại nước này trước. Để ám chỉ những ai biếng nhác, chưa làm đã muốn nghỉ, người đời có câu mỉa mai “sáng tai họ, điếc tai cày”. “Họ” là tiếng riêng của thợ cày bảo cho trâu hiểu hãy ngưng kéo cày. Khi muốn trâu kéo cày trở lại, nông phu nói “vắt, vắt” để trâu đi. Những ai thường ganh tị, gièm pha, không ưa người thành công hoặc có miếng ăn miệng để hơn mình, tục ngữ mệnh danh là “Trâu cột ghét trâu ăn”. Ngoài ra, chúng ta cũng thường nghe mọi người ví von: “Khỏe như trâu”, “Thở như trâu”, “Anh hùng chết lỗ chân trâu” v.v…

Thú chơi “chọi trâu” ở Việt nam

Ngoài những câu tục ngữ, ví von, ca dao cũng là kho tàng văn chương phong phú phản ảnh trung thực nếp sống của giới bình dân. Trong ca dao hay trong những dịp lễ tết quan trọng, con trâu cũng thường là đầu câu chuyện.

Ngày xưa khi thách cưới, ngoài trầu cau, nhà gái thường “thách” đàng trai nạp sính lễ thêm một con thú “bốn chân” ngụ ý nhỏ cũng phải là heo, lớn là trâu bò để làm đám cưới linh đình đãi họ hàng làng nước cho nở mày nở mặt. Nhưng chẳng may gặp phải chàng rể tương lai nghèo, không mua nổi con vật bốn chân nên đành phải bào chữa:

Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn
Dẫn trâu, sợ họ máu hàn
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng đau gan
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân mời làng

Đôi khi, dù chàng trai đã cố gắng hết sức để đáp ứng lời thách cưới, nhưng nhiều cô gái hợm hĩnh vẫn chanh chua cho rằng mình còn cao giá hơn nhiều:


Anh về bán ruộng cây đa
Bán cặp trâu già mới cưới đặng em.

“Ruộng cây đa” là ruộng ở đầu làng, địa điểm thuận tiện nhất nên rất quý hiếm và đắt giá.

Nói tới chuyện lứa đôi, dựng vợ gả chồng, các cụ ta ngày xưa thường kén chọn nàng dâu, chàng rể rất kỹ càng, nhiều khi chính các “đương sự” cũng không được tham khảo ý kiến, theo đúng quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Vì “Cưới vợ xem tông, lấy chồng coi giống”, chàng rể cần phải có “giống” tốt, để “cấy” một phát vào đám mạ non là kết quả trông thấy ngay. Nhưng “giống” dù có tốt mà “ruộng” cằn cỗi, nước nôi không đầy đủ thì lúa mọc làm sao được phải không quý vị? Do đó cần phải chọn lựa nàng dâu kỹ càng hơn để kiếm người “vượng phu ích tử”, lắm con nhiều cái. Nhưng ngặt một cái ngày xưa “nam nữ thụ thụ bất thân”, đâu có vụ ôm eo ếch, hôn hít, sờ mó, xào ướt, xào khô thả giàn như bây giờ. Mà chưa mở cuộc “thám hiểm” thì làm sao biết thửa ruộng của ai kia thuộc loại lá tre, lá vông hay lá mít? Ướt hay khô? Có mầu mỡ phì nhiêu không? Chỉ còn cách “trông mặt mà bắt hình dong”, xem tướng bên ngoài mà suy đoán “phần trong” vậy! Đối với dân quê mộc mạc, họ chỉ cần đem kinh nghiệm mua trâu áp dụng vào việc chọn “nái” là trúng phóc như “Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi”.

Trâu, ngoài việc trợ giúp đắc lực cho nông dân trong việc đồng áng, còn là con vật rất hữu dụng và rất có giá trị trong những dịp quan hôn tang tế. Đám cưới hoặc đình đám trong làng có “vật trâu” hay mổ bò là một đám lớn. Khi khấn vái thánh thần, hứa tạ lễ bằng trâu cũng là một dịp đền ơn quan trọng.

Đối với những cô gái trong làng hay kén chọn, phải “chổng mông mà gào” đến nỗi bị mắc bệnh “hoảng chưa”, tuy tội nặng khó tha thứ, có thể bị “gọt đầu bôi vôi”, nhưng chỉ cần nạp một con trâu cho làng xã thì cũng được tha tội. Không có trâu, chỉ còn có nước bỏ làng ra đi:


Phềnh phềnh lớn giữa lớn ra
Mẹ ơi! Con chẳng ở nhà được đâu
Ở nhà làng bắt một trâu
Cho nên con phải đâm đầu ra đi

Dân quê thuở trước thường mê tín, dị đoan, khi gặp hoạn nạn, nguy hiểm hay đi cầu thánh cầu thần cứu giúp, xin cúng trâu để đền ơn tạ lễ. Đối với những người lúc cúng vái thì hứa hẹn đủ thứ, nhưng khi tai qua nạn khỏi lại quên hết, ca dao có câu chế nhạo:


Cầu được khẩn bà một trâu
Được rồi thì có trâu đâu cho bà

Để nhắc nhở mọi người hãy nhớ tới tình tự dân tộc, đừng nên vọng ngoại hay đứng núi này trông núi nọ, kiểu như người Mỹ thường nói “the grass is greener at the other side of the fence”, (bên kia hàng rào, cỏ xanh tươi hơn), dân ta có câu nhắc nhở khéo léo:


Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Tuy là cỏ lụt nhưng là cỏ thơm

Câu này ý nghĩa cũng tương tự như “ta về ta tắm ao ta, du trong dù đục ao nhà vân hơn”. Viết đến đây, tác giả không khỏi “dở nón thán phục” các cụ ta ngày xưa, vì những câu “ví von” không những đúng phóc từ hàng ngàn năm về trước, mà chân lý còn “vượt thời gian và không gian” theo chân người Việt tỵ nạn sang mãi tận Tạp Chủng Quốc Huê Kỳ. Bằng cớ là hiện nay có thiếu gì các vị liền ông liền bà người Mỹ gốc Đại Cồ Việt, da dùng kem này kem nọ để tẩy, để cạo tối ngày nhưng vẫn vàng ủng như nghệ, mũi thì sửa lên sửa xuống hàng chục lần mà vẫn xẹp lép giống cái bánh tráng, ấy vậy mà đã quên khuấy cả “ao ta” lẫn “đồng ta”. Các vị này – nếu là giống cái – chê rằng đàn ông Việt Nam thuộc loại ao đục, nước không được trong xanh đẹp đẽ như mắt mèo của mấy tên mọi Da Đỏ nên ca bài tẩu mã. “ôm cầm sang thuyền khác” theo tụi mũi lõ, bất kể tình nghĩa. Có dè đâu chỉ trong một thời gian ngắn, khi tiền hết không còn đủ để mua “drug” thì tình cũng tan, muốn quay về cùng “quốc gia dân tộc” thì đã quá muộn. Còn đối với các vị liền ông con trai cũng phải cẩn thận, vì nhiều vị tỏ ý chê cỏ “ruộng ta” là cỏ cụt không thèm cắt, trong khi chắc lưỡi hít hà, lại khen “cỏ” của mấy cô hồng mao vừa dài vừa xanh, chỉ mới nhìn sơ thôi cũng đã đủ khoái con mắt, nếu được làm “groundskeeper!’ chắc là khoái tỉ lắm. Vâng, thưa quý vị, đám cỏ “xanh rợn chân trời” kia coi đã thật, rờ tay vào chắc mát rượi, êm mượt như nhung tơ thật, nhưng coi chừng, bèn dưới có nhiều “bug” lắm ạ, không khéo bị nó “cắn” có chầu mất giống ! Ngoài ra, nếu vô phúc, mả tổ táng phải “hàm chó, vó ngựa”, mà vớ phải đám cỏ . . . gốc Phi Châu hay gốc Xì chuyên được bón bằng “tacos” mí lị “tamales” thì có nước mà bỏ hút. Vả lại. dính dáng đến mấy đám cỏ phải gió này, nay phải tỉa, mai xén, mốt cần bón phân … làm lụng hùng hục tối ngày sáng đêm, còn gì thân thể? Chủ nhân lại chỉ cho đớp hamburger và hót dog cầm canh, nhớ mùi mắm tôm, mắm ruốc “quốc hồn quốc túy” chịu sao nổi? Thôi, nhân dịp đầu năm đầu tháng, tác giả xin có lời khuyên muốn cho gia đình đầm ấm, trên thuận dưới hòa thì “vợ bảo chồng vâng” cứ “ta cày ruộng ta”, cơm nhà quà vợ là xa lộ an toàn nhất, bí quyết của hạnh phúc lứa đôi đấy quý vị ạ.

Sau khi có vài lời bàn kiểu Mao Tôn Cương để lấy phước cho con cái và thay đổi không khí, nay trở lại chuyện Trâu để khỏi bị các bình luận gia văn học chê là lạc đề. Ngoài ca dao và tục ngữ, Trâu cũng còn là đề tài rất quen thuộc trong kho tàng chuyện cổ tích dân gian được nhiều người biết tới.

Đầu tiên, về sự tích con trâu, người ta kể rằng ngày xưa, Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy dương gian đói khổ, loài người không có đủ lúa gạo ăn, còn súc vật như lừa, ngựa, bò, cừu … không có đủ cỏ để gặm. Ngài bèn sai Tiên Đồng mang xuống hạ giới một bó lúa và một bó cỏ thần “gieo đâu mọc đấy” để gây giống làm thức ăn cho người và vật. Xuống tới trần gian, Tiên Đông thấy cảnh đẹp, đàn bà con gái hấp dẫn nên sao lãng nhiệm vụ, quên cả công tác được giao phó, chỉ gieo bó cỏ mà quên mất bó lúa. Do đó cỏ mọc lan tràn mà không có lúa khiến loài người vẫn thiếu thực phẩm. Ngọc Hoàng nổi giận, phạt Tiên Đồng biến thành con trâu, bắt gặm bớt cỏ để chuộc lỗi. Từ đó, loài trâu tuy phải làm việc đồng áng cực nhọc, nhưng chỉ được ăn cỏ để đền tội mê gái xưa.

Thằng Bờm đổi trâu (tranh hí họa)

Khi còn nhỏ, chắc đa số chúng ta thường được nghe kể chuyện “Thằng Bờm có cái quạt mo. phú ông xin đổi ba bò chín trâu”. Quạt mo là cái quạt làm bằng mo cau khô không đáng giá là bao. Bờm là một chàng lãng tử, suốt ngày rong chơi với cây quạt mo phe phẩy. Một ông nhà giàu thấy Bờm ta lúc nào cũng có vẻ nhàn hạ bèn gạ Bờm xin đổi của cải để lấy cái quạt mo mà phú ông cho là báu vật có công dụng giúp con người bớt được những lo lắng, phiền muộn của cuộc đời. Phú ông đề nghị đổi nào “ba bò chín trâu”, nào “ao sâu cá mè”, nào “bè gỗ lim”, “chim đồi mồi”. Nhưng Bờm ta vẫn “sài lắc” không chịu. Cuối cùng, Bờm lại bằng lòng đổi quạt mo lấy nắm xôi của phú ông. Khi nghe chuyện này, nhiều người cho rằng thằng Bờm rất dại, vì trâu bò, ruộng vườn đáng giá hơn nắm xôi rất nhiều. Nhưng biết đâu Bờm đã rất khôn, vì giàu sang phú quý trên đời lắm khi chỉ dưa đến lo âu phiền muộn, chưa chắc đã được ung dung tự tại, an hưởng như ăn nắm xôi trong tay.

Một chuyện cổ tích cũng liên quan tới Trâu trẻ con rất ưa thích dược rất nhiều người kể nhất là vào dịp Tết Trung Thu khi ngắm trăng, đó là chuyện “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Cuội là một chàng chăn trâu nổi tiếng “nói dối như Cuội”, đem lòng yêu nàng Hằng Nga trên cung Quảng. Tuy thân phận nghèo hèn nhưng tình yêu chân thành của Cuội khiến cô Hằng cảm dộng và chấp nhận. Cuội được đưa lên cung Quế để đời đời chung sống với người yêu. Do đó trên mặt trăng muôn thuở in hình chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa. Sau này nhà thơ say Tản Đà chán cảnh thế gian điên đảo, đã ao ước được làm chú Cuội:


Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi
Cung quế có ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
. . . . . . .

Nhưng trong số cổ tích, ý nhị và cảm động nhất có lẽ là câu chuyện tình Ngưu Lang và Chức Nữ. Tương truyền rằng ngày xưa có chàng Ngưu Lang là một mục đồng chăn trâu, vì cơ duyên nay mắn nên gặp được một nàng tiên trên trời tên là Chức Nữ. Hai người đem lòng yêu nhau nhưng trời không chấp nhận mối tình tiên tục này. Trời bắt hai người phải xa nhau bằng cách đầy Ngưu Lang ở một bờ sông Ngân Hà trên thượng giới, còn Chức Nữ ở bên kia sông để đời đời không bao giờ được gặp nhau. Tuy hai người bị cách mặt nhưng vẫn không xa lòng, lúc nào cũng nghĩ tới nhau. Tình yêu thắm thiết và chung thủy này khiến Trời cũng cảm động nên cho phép hai người mỗi năm được gặp nhau mỗi năm một lần vào tháng bảy. Vào ngày hội ngộ, nhiều con quạ chắp cánh liền nhau thành một cây cầu bắc qua sông Ngân để đôi tình nhân muôn thuở bước qua gặp nhau. Do đó cây cầu này được gọi là cầu Ô Thước tức là cầu quạ đen. Nước mắt mừng tủi của Ngưu Lang và Chức Nữ trong dịp hội ngộ hiếm có hàng năm biến thành những giọt mưa rơi xuống trần thế, gọi là mưa Ngâu, từ chữ Ngưu (Ngưu Lang) mà ra. Sau này, người đời thường dùng thành ngữ “vợ chồng Ngâu” để chỉ những đôi uyên ương yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải chia cách. Tưởng cũng nên biết bên Trung Hoa cũng có câu chuyện tình “đầu sông cuối sông” tương tự như chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ tuy khá hay, nhưng không thắm thiết và có ý nghĩa bằng. Đó là 4 câu thơ thường được người ta lấy ra từ bài “Trường tương tư” của Lương Ý Nương, đời Hậu Chu bên Trung Hoa:


Ngã tại Tương Giang đầu
Quân tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
(Thiếp tại đầu sông Tương
Chàng ở cuối sông Tương
Nhớ nhau nhưng chẳng gặp
Cùng uống nước sông Tương)

Chuyện kể rằng chồng bà Lương Ý Nương bị sung công, đi lính thú cho vua nhà Chu. Bà Lương Ý Nương chiều chiều ra bờ sông, nhìn về hướng xa xăm, làm bài thơ này để nhớ tới người chinh phu. Thời đó phụ nữ biết đọc biết viết có thể đếm trên đầu ngón tay, đừng nó gì đến làm thơ! Nhà vua đọc được bài thơ, cảm động quá, bèn miễn quân dịch cho người chồng để trở về với gia đình. Bốn câu thơ trên thường “được” (hay “bị”) đổi 2 chữ đầu ở 2 cầu. Đến nay, chưa biết ai đúng ai sai.

Trong dân gian còn có truyện Trạng Quỳnh chọi trâu khiến sứ Tàu phải thán phục, chịu thua. Nguyên nước Tàu lúc nào cũng nuôi mộng thôn tính nước ta, nhưng sau nhiều lần bị đại bại nên không giám xua quân xâm lăng như trước. Một hôm, vua Tàu sai sứ sang nước ta, giả tiếng thăm viếng nhưng kỳ thực dò xét xem nước ta có nhiều nhân tài hay không để tùy nghi hành động. Sứ Tàu đem theo một con trâu cổ rất to lớn và hung dữ rồi thách vua ta đưa trâu ra chọi thi, nếu bị thua phải triều cống nước Tàu. Vua ta thấy trâu Tàu khỏe quá nên rất lo ngại, bèn triệu Trạng Quỳnh vào cung vấn kế. Trạng Quỳnh chỉ xin vua một con nghé nhỏ, gầy đói ốm yếu để chọi với trâu Tàu. Đến ngày thi dấu, Trạng Quỳnh bỏ đói con nghé không cho bú sữa nên khi gặp trâu Tàu, con nghé xông vào bụng con trâu lớn để tìm vú mẹ. Trâu Tàu tuy to lớn nhưng chỉ quen chọi với trâu lớn, nay gặp con nghé nhỏ khát sữa cứ lủi đầu vào hai chân sau nên bỏ chạy. Trạng Quỳnh còn dọa sứ Tàu: “Trâu Tàu to lớn như vậy mà còn bị thua một con nghé nhỏ của Việt Nam, nếu đưa trâu Việt ra, chắc trâu Tàu chết mất xác”. Sứ Tàu chịu phục, về tâu với vua Tàu là Việt Nam có rất nhiều nhân tài, không thể xâm lấn được.

Ai cũng biết tại Hà Nội có Hồ Tây rất lớn là thắng cảnh ngay trong thành phố. Theo cổ tích có một con trâu bằng vàng ròng dưới đáy hồ, gọi là “Trâu vàng Hồ Tây”. Nguyên vào thời nhà Lý, có một nhà sư pháp thuật cao cường tên là Không Lộ. Một ngày kia, sư Không Lộ lên đường sang Trung Quốc, mang theo một cái túi nhỏ. Nhà sư xin yết kiến vua nhà Tống, để quyên một ít kim khí, chỉ cần đầy túi đem về đúc thành tượng Phật. Vua bảo quan đưa sư Không Lộ vào tận kho, chọn lựa tùy thích vàng hay đồng, miễn là chỉ đựng đầy túi thôi. Vừa bước vào cửa kho, sư Không Lộ trông thấy một con trâu to lớn, đúc toàn bằng vàng ròng đứng nghênh ngang, như muốn canh giữ kho vua. Ở gian chính giữa, có cất giữ một số kim khí hiếm quý hơn vàng, gọi là đồng đen. Sư Không Lộ bèn giở phép thuật thần thông, mở cái túi vải nhỏ ra, thâu tóm quá phân nữa số đồng đen trong kho vàng bạc của vua Tống. Vua Tống nổi giận, ra lệnh chém đầu nhà sư nước Nam nhỏ bé, sư Không Lộ vội vàng thoát ra khỏi kho báu vật, nhanh nhẹn vượt qua hoàng thành. Trở về nước, Sư Không Lộ đúc một cái chuông bằng đồng đen lấy ở Tàu về. Vào ngày lễ khánh thành chuông đồng đen, sư Không Lộ cầm chày đánh lên tiếng chuông đầu tiên, tiếng chuông vang xa, rung động đến ngàn vạn dặm. Con trâu vàng ở kho tàng vua Tống nghe tiếng chuông đồng, bỗng phóng chạy về phương Nam. Thấy con trâu vàng chạy đến, nhà sư bèn lăn chuông xuống Hồ Tây. Chuông đen rung vang một lần cuối cùng, trước khi rơi xuống nước. Con trâu vàng, theo đó, cũng nhảy xuống Hồ Tây biến mất theo chuông đáy hồ. Những người thợ rèn nước Việt đã dựng nên một ngôi đền thờ bên cạnh Hồ Tây, để nhớ ơn nhà sư Không Lộ đã dạy cho họ phương pháp đúc đồng. Vua nhà Lý đã ban sắc phong tặng sư Không Lộ biệt danh là Thần Thợ Đúc.

Trong lịch sử Việt Nam, có vị anh hùng “Cờ Lau Tập Trận” Đinh Bộ Lĩnh xuất thân từ trẻ chăn trâu. Ông là người động Hoa Lư (nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), thuở nhỏ mồ côi cha nên về quê ơ với chú. Lúc đó nước ta đang vào thời Hậu Ngô, bị nạn 12 sứ quân, mỗi người chiếm một nơi xưng hùng xưng bá. Các sứ quân đánh nhau liên miên gây ra nội loạn, dân chúng vô cùng khốn khổ. ông Đinh Bộ Lĩnh thường đi chơi với đám trẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu và lấy bông lau làm cờ tập trận. Có lần ông cho giết cả trâu của chú để làm tiệc “khao quân”. Lớn lên, ông theo sứ quân Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu (thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Sau đó ông nắm binh quyền, dẹp được loạn 12 sứ quân khiến nước nhà được thái bình thịnh trị, nên được dân chúng tôn là Vạn Thắng Vương. Đến năm Mậu Thìn (968), ông lên ngôi Hoàng Đế, đóng đô tại Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca, có đoạn nói về vua Đinh Tiên Hoàng như sau :


Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,
Con quan Thứ Sử ở thành Hoa Lư,
Khác thường từ thuở còn thơ,
Rủ đoàn mục tử mở cờ bông lau …

Trong sử sách còn có ông Đào Duy Từ thuở nhỏ cũng là mục đồng, con của Đào Tá Hán là kép hát và Bà Kim Chi là người hiếu học, nên sau được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên được phong chức Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu, Quan Quản nội ngoại quân cơ, Tham lý quốc chánh. Đào Duy Từ là người có công đắp xây lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc và lũy Định Bắc Trường Thành dọc theo sông Nhật Lệ tục gọi là Lũy Thầy Đồng Hới để ngăn chận quân Chúa Trịnh

Về mặt phong tục tập quán, mỗi năm vào ngày mùng 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm, dân Đồ Sơn lại tưng bừng bước vào một lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần thượng võ: Hội chọi trâu. Để có ngày hội độc đáo này, người dân Đồ Sơn không tiếc công của để đi tìm mua bằng được những trâu ưng ý từ khắp mọi nơi để về làm lễ “nhập tổng” tôn lên thành ông trâu…

Hội chọi trâu có từ bao giờ, chưa ai rõ, nhưng truyền thuyết về hội chọi trâu gắn với tục thờ thần Điểm Tước – lúc Đồ Sơn vẫn chỉ là miền đất hoang vắng đầy sình lầy, lau sậy cách đây vài trăm năm và câu ca truyền tụng vẫn còn đến bây giờ:


Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu

Gần đây, dưới thời Pháp thuộc tại miền Nam có ông Nguyễn Văn Lạc, còn được gọi là Học Lạc làm bài thơ “Vịnh Con Trâu”, ví bọn Việt gian bán nước giống như những con trâu to đầu nhưng đần độn, chẳng phân biệt được chính tà, những lời nói phải đối với chúng chàng khác gì “đờn khảy tai trâu”:


Mài sừng cho lắm vẫn là trâu
Ngẫm lại mà coi thực lớn đầu
Trong bụng lam nham ba lá sách
Ngoài cằm lém đém một hàm râu
Mắc mưu đốt đít quay đầu chạy
Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu
Nghé ngọ ngàn đời quen nghé ngọ
Năm cung đơn khảy biết nghe đâu?

Khi nói trong bụng lũ trâu bò phản quốc chỉ có “lam nham ba lá sách’, chắc ông Học lạc muốn ám chỉ sự ngu dốt của chúng. Người xưa quan niệm rằng sự khôn ngoan, biết phải quấy của con người đều được chứa trong bụng như các câu nói “hung trung binh giáp, chưởng thượng kinh luân” hay “binh giáp tàng hung trung”. Trong bụng rỗng tuếch, chỉ có vài ba lá sách, không thể nào là người biết đạo thánh hiền được. Còn “lém đém một hàm râu” là tướng mạo của những kẻ nham hiểm, nịnh thần, đúng như câu “người trung mặt đỏ đôi tròng bạc, đứa nịnh râu đen mấy sợi còi”. Trong tuồng hát bộ, những vai trung thần đều vẽ mặt đỏ, mang bộ râu rậm, dài như Quan Vân Trường. Còn vai nịnh thần, phản nghịch như Tần Cối, Tào Tháo thì râu loe hoe, hệt như mấy sợi lông … cằm của bác Hồ.

Nhà chí sĩ Học Lạc cũng chê lũ Việt gian ngu si như bầy trâu “mắc mưu đốt đít quay đầu chạy”. Đây là tích thời Chiến Quốc, thái tử Điền Đan nước Tề bầy “Hỏa Ngưu Trận” để đánh bại quân Yên do tướng Kỵ Kiếp cầm đầu tại thành Tức Mặc. Trong trận đánh nổi tiếng này, Điền Đan bắt hàng ngàn con trâu, cột dao nhọn vào sừng, lấy vải vẽ đủ mầu xanh đỏ khoác trên mình, sau đuôi cột những bó cỏ khô tẩm dầu. Còn quân lính nước Tề cũng mặc quần áo vẽ rồng rắn lòe loẹt, giả làm thần binh. Đến đêm, Điền Dan xua trâu ra, đốt cỏ đàng sau đuôi khiến trâu bị nóng, lồng lộn xông vào trại quân Yên. Đa số quân Yên còn đang ngủ, bừng mắt dậy thấy “thần binh” và “thần vật” đang tàn phá tơi bời nên đâm đầu bỏ chạy. Bầy trâu bị đốt đít nóng quá, bạ đâu húc đó làm doanh trại quân Yên tan hoang, binh lính lớp chết lớp bị thương hoàn toàn tan rã. Quân Tề đại thắng trận này.

Cũng nên nói, cụ Phan Văn Trị làm thêm bài thơ “Vịnh Con Chó Chết Trôi” để ví bọn Việt gian tuy dược Pháp cho giữ những chức trọng quyền cao, nhưng đây chỉ là những “xú danh”. cũng hôi thối như xác con chó chết trôi:


Sống thời bắt thỏ, thỏ lêu rêu
Thác thả dòng sông xác nổi phều
Vằn vện sắc còn phơi lẫn đẫn
Thúi tha danh hỡi nổi lêu bêu
. . . . . . . .

Đọc xong hai bài thơ “Trâu, Chó” nói trên, chúng ta có cảm tưởng như các cụ đã sống lại để chửi bọn trâu chó Việt Cộng ngu dần phản dân hại nước. Thế mà ngày nay tại hải ngoại vẫn còn những bọn xôi thịt, luôn miệng hô hào hòa hợp, hòa giải, giao lưu với bè lũ hôi tanh như “con chó chết trôi” để kiếm ăn, chẳng khác nào “bầy tôm tép” và “lũ quạ diều” sống bám vào xác con chó chết trôi Cộng Sản. Sớm muộn gì con chó chết trôi này cũng bị trận gió dân chủ, làn sóng tự do dồi dập cho tan tành, chỉ còn mùi xú uế để lại ngàn năm. Riêng việc so sánh lũ quỷ đỏ với con Trâu thì sợ bất công cho con vật này. Tuy trong bụng chỉ có “lam nham ba lá sách” và “ngoài cằm lém đém một hàm râu”, nhưng Trâu còn giúp được nông dân trong việc đồng áng, không nham hiểm và bỉ ổi hại dân hại nước như bè lũ cáo Hồ.

Đề cập tới bọn Việt Cộng tàn ác, không thể không nhắc tới lũ quỷ sứ “dầu trâu mặt ngựa” của Diêm Vương dưới âm phủ chuyên đi bắt hồn người sống trên dương gian. Nổi tiếng nhất trong dám quỷ này là hai tên phán quan, được mệnh danh là “hắc bạch vô thường” vì một tên chuyên mặc đồ đen, còn tên kia mặc đồ trắng. Hai tên phán quan này cầm cuốn sổ tử lên dương gian điểm danh những người “tới số” rồi sai hai quỷ “ngưu đầu mã diện” bắt hồn về âm phủ. Vì vậy, khi nghe tới dám quỷ “đầu trâu mặt ngựa” này, người trần ai cũng kinh sợ và chán ghét. Hiện nay tại Việt Nam, có hàng hà sa số đám quỷ đỏ đầu trâu mặt ngựa tên Việt Cộng đang ngự trị, trách nào dân chúng chẳng bị hành hạ đến tột cùng.

Cũng như Việt Nam, Trung Hoa là một xứ sống về nông nghiệp, nên cũng có khá nhiều truyện liền quan đến Trâu. Ngoài “Hỏa Ngưu Trận” thời Chiến Quốc như đã kể, trong Tam Quốc Chí còn có truyện “trâu gỗ, ngựa gỗ” của quân sư Khổng Minh dùng để đánh quân nhà Ngụy do Tư Mã Ý cầm đầu. Một trong những lần “Lục xuất Kỳ Sơn”, quân Hán vì viễn chinh xa hậu cứ nên gặp trở ngại về vấn đề vận chuyển lương thực. Vì đường sá quá xa xôi lại gập ghềnh khúc khuỷu nên việc tiếp tế lương thảo cho quân lính rất khó khăn. Quân Sư Khổng Minh liền vẽ họa đồ, giao cho thợ mộc đóng hàng ngàn con trâu gỗ, ngựa gỗ có thể chạy nhảy được như trâu ngựa sống. Đàn trâu ngựa này được dùng để vận chuyển lương thực nên quân Hán đủ sức bao vây Tư Mã Ý lâu ngày. Từ trước đến nay, Tư Mã Ý chỉ cố thủ vì biết trước quân Hán không sớm thì muộn sẽ phải rút lui vì đường xa thiếu lương, nay thấy trâu ngựa gỗ tải lương đều đặn nên rất lo sợ. Ít lâu sau, Khổng Minh cố ý để quân Ngụy bắt được vài con trâu ngựa gỗ nên Tư Mã Ý cũng bắt chước tự chế ra để tải lương. Đến lúc đó, Khổng Minh ngầm cho người vặn ngược lưỡi của trâu, ngựa gỗ khiến quân Ngụy đẩy mãi mà trâu ngựa cứ đứng ì ra. Sau đó, quân Hán đánh tới khiến quân Ngụy phải bỏ chạy. Lúc đó, quân Hán chỉ việc vặn lưỡi lại, trâu ngựa gỗ tải đầy lương thực lại đi đứng được như thường. Trận này, quân Hán đại thắng, lại còn thu được rất nhiều lương thảo. Tư Mã Ý phải phục Không Minh là người nhà trời.

Trong truyện Tây Du Ký kể lại sự tích Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh cũng có tên Ngưu Ma Vương mình người đầu trâu. Ma vương này là chồng của Thiết Phiến Công Chúa, chủ nhân của hỏa diệm sơn. Một hôm thầy trò Đường Tăng đi đến vùng hỏa diệm sơn nhưng vì thời tiết quá nóng nên không thể nào đi qua được. Đệ tử lớn của Đường Tăng là Tôn Hành Giả biết chỉ có quạt ba tiêu (tàu lá chuối) của Thiết Phiến Công Chúa mới quạt cho thời tiết dịu lại được. Nhưng công chúa nhất định không cho mượn quạt vì lúc trước, họ Tôn đã cầu Phật Di Lạc bắt Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương và công chúa làm đệ tử. Hồng Hài Nhi vì sinh đẻ nơi núi lửa nên lúc nào cũng di chuyển bằng xe bánh lửa (hỏa luân xa). Sau này, Hành Giả nhờ Phật giúp đỡ cũng mượn được quạt, giúp Đường Tăng vượt hỏa diệm sơn, sang đến Tây Trúc cầu được kinh Phật.

Truyện “Tiết Nhân quý Chinh Đông” cũng kể họ Tiết nguyên là con cọp trắng (bạch hổ) biến hình. Vì cơ duyên, Nhân quý ăn được mấy cái bánh hình trâu, cọp nên có sức mạnh của chín trâu ba cọp hợp lại Nhân quý có công cứu giá vua Đường Lý Thể Dân nên được phong chức nguyên soái trong cuộc chinh đông. Con của Tiết Nhân quý là Tiết Đinh San và vợ là Phàn Lê Huê sau này cũng giúp vua Đường trong cuộc chinh Tây. Tưởng cũng nên biết quân sư nhà Đường tên Từ Mậu Công là người thông về thiên văn, địa lý nhưng lại có cái mũi lớn như mũi trâu nên những người trong nhóm bạn của Đường Thế Dân như Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo v.v… gọi là lão quân sư mũi trâu. Truyền thuyết Trung Hoa còn có truyện Hứa Do, Sào Phủ liên quan tới Trâu. Hứa Do được tiếng là người hiền nên một hôm được vua Nghiêu gọi đến để truyền ngôi cho. Nghe xong, Hứa Do không trả lời, chỉ lặng lẻ bỏ đi vào chốn rừng sâu, tìm tới một dòng nước để rửa tai. Lúc đó có một người chán trâu tên Sào Phủ cũng đang dẫn trâu đến cho uống nước. Sào Phủ hỏi tại sao Hứa Do lại phải rửa tai’? Hứa Do bèn kể chuyện vì đã trót nghe vua Nghiêu nói về việc truyền ngôi là những lời “dơ bẩn” nên rửa tai cho sạch. Sào Phủ nghe xong liền dắt trâu bỏ đi không cho uống nước nữa. Hứa Do hỏi lý do. Sào Phủ nói dòng nước đã bị tai Hứa Do làm bẩn, nếu để trâu uống sẽ dơ cả miệng trâu! Nghe xong truyện này, chúng ta có cảm tưởng Hứa Do là một thứ “quân tử “Tàu”‘ chắc đã là người hiền, mà đúng ra là người gàn vì chỉ biết “xử” không biết “xuất”, lại rất ích kỷ, thiếu quyền biến, chưa xứng đáng là một kẻ sĩ. So với các hiền nhân quân tử Việt Nam như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ, Hứa Do còn kém xa. Cụ Trạng Trình chỉ về ở ẩn, thong dong tu tập tại am Bạch Vân, không màng danh lợi, hưởng thú an nhàn với “một mai, một cuốc, một cần câu’ sau khi đã trả lộc vua, đền ơn nước. Còn cụ Nguyễn Công Trứ “lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất” nhưng vẫn “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”. Lúc “rồng mây khi gặp hội ưa duyên”, cụ đã “đem tất cả sở tồn làm sở dụng, trong lang miếu ra tài lương đống, ngoài biên thùy rạch mũi can tương” Chỉ khi nào “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” , bổn phận của kẻ sĩ giúp dân giúp nước đã chu toàn, Uy Viễn Tướng Công mới hưởng thú “thảnh thơi thơi túi rượu bầu. Biết rõ lẽ xuất xử, ngộ biến tòng quyền, tự giác nhi giác tha và dùng tài kinh bang tế thế để giúp đời mới xứng danh hiền nhân quân tử, đáng cho mọi người kính phục.

Về tôn giáo, sách nhà Phật có “Mười bức tranh trâu” (thập ngưu đồ) để dẫn giải tiến trình tu tập của chúng sinh qua mười giai đoạn, từ lúc còn bị bức màn Vô Minh che lấp cho tới khi ngộ được Phật Tánh. Bức tranh đầu tiên có tựa đề “Vị mục”, khi đó con bò trong tranh màu đen tuyền, tượng trưng cho bản tánh còn dã man nên mục đồng phải chăn dắt cẩn thận. Qua nhiều giai đoạn khai hóa, tới bức tranh số mười mang tựa đề “song dẫn” (có nghĩa là “diệt”) được cụ thể hóa bằng một vòng tròn trắng đơn giản. Lúc này đã đạt tới Chân Như cảnh giới nên cả bò lẫn người cùng cảnh vật đều hòa đồng vào trạng thái “Chân không” chẳng có bò, chẳng có mục đồng và cũng chẳng còn đời.

Tới đây chúng ta đã “phiếm” qua nhiều đề tài, cũng như trải qua lắm giai đoạn với trâu là “nhân vật” chính. Bây giờ để thay đổi không khí cho vui nhà vui cửa trong dịp Tết, và thể theo lời yêu cầu của giới “quần bận, yểm mang” ưa xin xâm hái lộc, tưởng cũng nên bàn qua về mục tướng số, vận mạng trong năm con Trâu. Đầu năm đầu tháng, có lẽ cũng nên biết qua vận hên, xổ xui trong năm mới để còn “tùy cơ ứng biến”.

Mục tử vi Tây Phương có Kim Ngưu (Taurus) là một trong mười hai chòm sao của vòng Hoàng Đạo (Zodiac), tương tự như mười hai con giáp trong âm lịch. Điều khác nhau là chu kỳ (giáp một vòng) của Hoàng Đạo là một năm trong khi chu kỳ của con giáp là mười hai năm, nghĩa là cứ mười hai năm mới trở lại con giáp cũ. Nếu nhìn lên bầu trời về hướng đông vào một đêm quang đãng, Kim Ngưu là một chòm sao nhỏ hơi mờ, trông giống hình con bò rừng (bison). Nếu lấy chòm sao Orion (Hiệp Sĩ) với những sao rất sáng và dễ nhận như Betelgeuse, Rigel làm chuẩn, chòm Kim Ngưu nằm ngay bên trên, đối diện với Sirus là ngôi sao thuộc loại sáng nhất trên bầu trời. Những người sinh vào khoảng từ 20-4 đến 19-5 đều mang tuổi Kim Ngưu. Khi đánh bạc, dân Kim Ngưu đều thuộc họ “Paul húc” nên chơi rất bạo.

Qua tử vi, bói toán Đông Phương, chẳng cằn phải là thầy bói … mò chính cống, ai cũng biết số phần của giới đàn ông không những chẳng khá mà còn có thể coi là “hẩm hiu’. Như thường lệ và theo định luật chắc như đinh đóng cột của cuộc đời, vào bất cứ năm nào, dưới sự cai trị của bất cứ con giáp nào, số phận của bọn “đần ông chúng ta” (tác giả xác định và xác nhận chiến tuyến từ đây) lúc nào cũng đen đủi vì chẳng bao giờ chống lại được chủ nhân của những cái… đen như mõm chó! Thân phận chúng ta hẩm hiu đến nỗi cho tới giờ phút này, quý vị nào nào chưa là “liệt sĩ”, còn “ngóc đầu, ngóc cổ” lên được để cầm cự với giới quần hồng đã là khá lắm rồi. Cho đến năm con Trâu năm nay, vì “định mạng đã an bài”, trâu được sinh ra đời để “kéo cày trả nợ” nên số phận của các đấng mày râu lại càng bi đát. Từ ngày sống kiếp lang thang tị nạn, chúng ta đã được phép “cày” thả cửa. “cày” miết, “cày mút mùa… lệ thủy”, “cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm” đến hai ba job, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời để trả nợ. Nào là nợ cơm áo, nợ tiền nhà, tiền xe, tiền bà xã “kề-đít ca”, tiền bảo hiểm, tiền điện nước v.v… và nhất là nợ đời! Năm nay vì cầm tinh con Trâu nên cái ách êm ái và dễ thương trên cổ lại càng phây phây, đó là chưa kể mỗi ngày một thêm “nặng ký”, do đó các đấng mày râu hãy coi chừng: không khéo sẽ bị tẩu hỏa nhập ma khi còn phải “cày” thêm cái mảnh đất xéo “nhất thốn thổ”! Riêng với các vị mày râu sồn sồn, thường về thăm quê hương dưới dạng “Việt Kiều yêu nước” để sắm tuồng “trâu già ăn mạ non” cùng các kiều nữ bia ôm, cà phê ôm … bần đạo vì lòng nhân đạo khuyên hãy coi chừng. Đi đêm lâu ngày sẽ gặp ma. Ngoài bọn ma cô ma cậu đội nón tai bèo, chân đi dép râu lột hết đô la mồ hôi nước mắt, còn có thể bị ma “AIDS”, nguyên gốc Thái Lan, Đại Hàn nó nhập khiến đời tàn trong hang lạnh luôn, ấy là chưa kể vô phúc bị bà xã vồ được sẽ mất cả chì lẫn chài, chỉ còn đường bị gậy!

Đọc đến đây, trong lúc các “đấng mày râu, rầu thúi ruột”, chắc các vị khác phái đang nhe hàm răng ngà ngọc cười hinh hích mà kháo nhau rằng: “Ê! Bọn đần ông đã xui xẻo tận mạng như vậy, chắc sổ chúng mình năm nay sẽ vô cùng hên, có thể thừa thắng xông lên dễ dàng”. Nói như vậy không những vừa tàn nhẫn, vừa vô nhân dạo mà còn rất… đúng! Đàn bà nói là trời nói, đâu có bao giờ sai, chỉ thiếu… chính xác thôi! Vậy năm nay, số mạng các vị thuộc phái nữ sẽ rất hanh thông là đúng rồi, nhưng hên tới mức nào? Dù tác giả có bị các bạn đồng… hội đồng thuyền buộc tội “đâm sau lưng chiến sĩ’, hay nghiêm khắc khiển trách là “thờ bà”, nhưng vì lương tâm nghề nghiệp cũng phải nói thật, nói ngay, nói thẳng, không thể áp lực của “nhu quyền” mà bẻ cong ngòi bút “bic”. Trong năm con trâu này, liền bà con gái tha hồ lên nước xỏ mũi đàn ông cũng như mặc tình múa gậy vườn hoang đến độ “cơm no, trâu cưỡi”. Ruộng nương của quý vị sẽ được trâu cày bừa, “take care” cẩn thận không bị mốc meo đâu mà sợ. Con trâu già của quý vị, ngoài việc chăm chỉ làm việc đồng áng, cày bừa đúng cữ lúc ruộng ướt cũng như ruộng khô, mà khi cao hứng, quý vị còn có quyền thơ thới hân hoan “lật ngược thế cờ”, nhong nhong cưỡi trâu… mệt nghỉ? Riêng đối với các vị nữ nhi choai choai “vú sừng trâu” đến tuổi muốn chồng, tác giả có lời khuyên nên chọn lựa cẩn thận, cần theo đúng câu châm ngôn “trâu ta ăn cỏ đồng ta…”. Nếu cứ vọng ngoại, nhìn qua hàng rào, ham mấy tên mũi lõ mắt xanh, cuộc đời chẳng mấy lúc sẽ uổng phí và tàn tạ như đóa “hoa nhài cắm bãi phân trâu”.

Qua phần tử vi đẩu số, khi năm Mậu Tý chấm dứt thì năm Tân Sửu bắt đầu, từ lúc giao thừa đêm chúa nhật 25 tháng 1 năm 2009 cho đến nửa đêm thứ bảy ngày 13 tháng 2 năm 2010. Theo ngũ hành can chi, Tân Sửu năm nay thuộc hành hỏa, mạng Tích Lịch Hỏa, thuộc hào Âm, có can Kỷ thuộc mạng Thổ và chi Sửu cũng thuộc mạng Thổ, do đó được gọi là “Can Chi Tương Hòa”. Nếu coi Can Chi là Trời và Đất, thì người tuổi Tân Sửu hay trong năm Tân Sửu, mọi chuyện tương đối thuận lợi vì trời đất giao hòa, vật chất và tinh thần đều thăng tiến và vững chắc.

Theo các thầy bói chính gốc, người tuổi Sửu thường là những người có đầy đủ những phẩm chất tốt, họ được biết đến bởi tính cách cần cù, chăm chỉ. Họ cũng là những người kiên định, mạnh mẽ, thực tế, và có ý chí vững vàng trong cuộc sống. Những ai sinh vào năm Sửu thường nhẫn nại, có khả năng chịu đựng cao, và nhờ đó có thể vượt qua được bao sóng gió cuộc đời. Nhưng có đôi khi tính cương quyết khiến họ trở nên bướng bỉnh, cứng nhắc bởi lẽ một khi đã quyết định thực hiện điều gì, họ khó có thể thay đổi mục tiêu của mình.

Anh em nhà Sửu là những người trung thành, tin vào đạo lý truyền thống, và luôn gìn giữ chuẩn mực. Thực vậy, an toàn là một trong tiêu chí sống quan trọng của họ. Nói chung, họ không thuộc típ người ưa mạo hiểm, chỉ làm những gì quen thuộc vạch ra sẵn cho mình. Chính vì lẽ đó mà họ thường hay quay lại guồng sống ưa thích để tìm đến niềm khuây khỏa và yên bình trong tâm hồn.

Người tuổi Sửu thường hướng về thiên nhiên. Nếu sống nơi thôn quê, họ thích nhà mình có vườn tược bao quanh. Đối với họ, gia đình là lẽ sống, là nguồn yêu thương, đó không chỉ đơn giản là nơi đi chốn về mà còn là nơi mà họ cảm thấy dễ chịu và được xoa dịu nhất. Màu tím là màu đặc trưng cho người tuổi Sửu.

Về mặt nghề nghiệp,người tuổi Sửu có ý thức và đáng tin cậy, người tuổi Sửu thường có đôi vai to rộng, luôn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm về mình. Họ luôn được cấp trên tin tưởng vì tính chu đáo và hiệu quả trong công việc được giao. Người tuổi Sửu làm việc độc lập sẽ tốt hơn khi làm theo nhóm. Dù có vẻ không màng đến danh lợi, chỉ biết cặm cụi làm việc, nhưng bao công sức họ bỏ ra sẽ được đền đáp, vì thế mà sớm muộn gì họ cũng vươn lên vị trí dẫn đầu trong công việc.

Sang phần tình cảm, tuổi Sửu không phải là cung mệnh tách biệt, rụt rè nhất trong 12 con giáp, chỉ vì họ muốn được riêng một mình. Thông thường, những người này thường có một nhóm bạn, tuy không nhiều nhưng là những người bạn trung thành, thân tín. Trong chuyện tình cảm, họ không phải là người lụy vì tình hay quá đa sầu đa cảm, nhưng họ yêu một cách sâu sắc. Một khi dành hết trái tim cho ai, họ sẽ chung thủy, ít khi nào thay đổi.

Kính thưa quý độc giả, bài “phét luận” về năm con Trâu đến đây cũng đã khá dài. Bữa tiệc vui vẻ, linh đình đến đâu cũng phải tàn, huống chi một bài viết… vô duyên, dở ẹc như bài này lại càng nên chấm dứt sớm cho được việc chính phủ. Vậy xin hẹn gặp lại vào năm con Cọp. Trước khi ngừng bút để cùng mẹ đĩ thơ thới “vui xuân kẻo hết xuân đi”, tác giả thành thực cầu chúc quý vị cùng bửu quyến vạn sự như ý, thăng quan tiến chức, làm ăn buôn bán phát tài và nhất là quanh năm mạnh khỏe như… trâu. Hy vọng trong tương lai không xa lũ quỉ đỏ đầu trâu mặt ngựa Việt Cộng về chầu Diêm Chúa, đất nước Việt Nam thực sự có tự do dân chủ. Khi đó, chúng ta sẽ có dịp ăn Tết tại quê nhà, nâng ly chén chú chén anh, sống những ngày tháng êm đềm nơi quê cha đất tổ, ngồi mình trâu nhàn nhã trên bờ đê, tai nghe tiếng sáo diều vi vu trong những buổi trưa hè.

Trần Đỗ Cẩm