MINH ĐỨC HOÀI TRINH, HOA XANH ĐẾN TẬN NGÀN SAU

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh (1930-2017) thuộc dòng dõi quan lại của triều đình Huế. Ở tuổi 15, bà đi theo kháng chiến vài năm và về lại Huế tiếp tục việc học. Bà sang Pháp theo học ngành báo chí và Hán văn. Ra trường, bà làm phóng viên cho đài ORTF và có mặt ở các chiến trường ở Âu châu, Phi châu và Á châu, trong đó có chiến trường Việt-Nam. Từ năm 1973 đến 1975, bà giảng dạy khoa báo chí tại viện đại học Vạn Hạnh (Sài-Gòn).

Sau biến cố 30 tháng tư năm 1975 bà trở lại cộng tác với đài ORTF ở Paris, thành lập Hội Văn bút Việt-Nam Hải ngoại và vận động để được công nhận hội viên Hội văn bút quốc tế vào năm 1979. Bà sáng tác hơn 25 tác phẩm gồm truyện ngắn, bút ký, văn, thơ với nhiều bút danh như Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Bà sống tại quận Cam, Hoa-Kỳ từ năm 1982 cho đến ngày qua đời. 

****

Từ những chuyến dong ruỗi thời trai trẻ, nơi gia trang cụ thượng thư Võ Chuẩn ở Huế, trong vùng kháng chiến ở Thanh-Hóa cho đến mùa đông lạnh lẽo ở Paris, nhạc sĩ Phạm Duy ba lần được gặp và có dịp quen biết với nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh.

Sau mấy năm xa cách, nỗi cô đơn và mất mát trong chốn tình trường đã hằn lên dung nhan mỹ miều của người con gái sông Hương vốn chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa Á, Âu. Hai bài thơ tình buồn thê thiết “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình” của nàng đã gợi trong lòng chàng nhạc sĩ lãng mạn và tài hoa Phạm Duy những rung cảm tuyệt vời. Thơ, nhạc được giao duyên và chắp cánh bay vào làng tân nhạc Việt-Nam một cách quyến rũ đến mê hồn. Từ bài thơ năm chữ với vần điệu bằng phẳng được nhạc sĩ thêm câu, thêm chữ tạo thành những nét cuồng quay, nức nở trên khung nhạc khiến cho người nghe ngậm ngùi tiếc nuối cho một cuộc tinh đẹp đẽ đã không còn hiện hữu ..

Hẵn người thôi đã quên ta

Trăng thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ

Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta

Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ

Lời thơ Minh Đức Hoài Trinh như nỗi niềm tuyệt vọng hay một lời trăn trối sau cùng khi hoa xanh chưa kịp nở mà tình xanh đã vội tàn phai ..

Kiếp nào có yêu nhau

Nhớ tìm khi chưa nở

Hoa xanh tận ngàn sau

Tình xanh không lo sợ

Và nhạc sĩ Phạm Duy thổn thức thêm vào “Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười” như nói thêm giùm tác giả nỗi xót xa, nghẹn ngào khi cuộc tình đã xa khơi, vòng tay buông lơi và sẽ không bao giờ nhìn thấy nhau được nữa. 

Ở bài thơ “Đừng bỏ em một mình” nỗi cô đơn của tác giả không chỉ riêng ở trần gian mà còn đi sâu vào một cõi khác. Dù đêm trăng lạnh lẽo, lúc mưa chiều rào rạt hay khi rừng xa quằn quại gió, những người yêu nhau vẫn cần có nhau và cái chết sẽ không bao giờ dừng lại ở đó ..

Đừng bỏ em một mình

Môi vệ thần không linh

Tiếng thời gian rền rĩ

Đường nghĩa trang gập ghềnh

 Khi vào nhạc, điệp ngữ “Đừng bỏ em một mình” được lập đi, lập lại rất nhiều lần trong bài hát như than van, như cầu khẩn của một tâm hồn trống trải, cô đơn dù đã lìa xa nhân thế. Người con gái bé nhỏ, yếu đuối thường sợ gió, sợ mưa, sợ côn trùng rỉa rúc thân hình và sợ cả tiếng búa nện đinh khi một mình dưới đáy huyệt sâu ..

Đừng bỏ em một mình

Đừng bỏ em một mình

Đường về nghĩa trang mông mênh, đừng bỏ em

Đừng bỏ em một mình

Đừng bỏ em một mình

Cùng một lũ, cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh từng thừa nhận, nếu không có nét nhạc tài tình của Phạm Duy thì “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình” đã không có một sức sống mãnh liệt qua nhiều thập niên. Hai bài hát là lời yêu cầu, lời van xin được cất lên trong sự thảng thốt và tận cùng của nỗi tuyệt vọng.

Nhắc đến nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, người yêu thi ca thường nhớ đến những bài thơ tình yêu dang dở, điển hình là “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình”. Những vần thơ ray rức và dằn vặt như con tim vừa lỡ nhịp, yêu nhau thật nhiều mà phải ngậm ngùi xa nhau. 

Tài hoa của Minh Đức Hoài Trinh không chỉ trong lĩnh vực văn chương hay chữ nghĩa, thơ phú hay báo chí, bà còn là một phóng viên chiến trường lừng lẫy, hoạt động ở những nơi tuyến đầu lửa bỏng, dầu sôi.

Người yêu thơ ngậm ngùi thương tiếc một nữ sĩ tài hoa đã nói lên giùm họ tiếng lòng bị đè nén bởi định kiến xã hội qua những dòng thơ thật nhiều xúc cảm. Cuộc sống này không chỉ là hưởng thụ vật chất xa hoa mà thi ca là món ăn tinh thần cần thiết như đất đá vẫn đợi mưa rào và biển lớn vẫn chờ mong những dòng sông nhỏ.

TV, 29.03.2024 (Easter 2024) 

*************************

NHỚ MẸ / AI TRỞ VỀ XỨ VIỆT

Nhạc Võ Tá Hân – Thơ Minh Đức Hoài Trinh

Ai trở về xứ Việt
Mang giùm ta thư này
Nơi quê hương có mẹ già đơn chiếc
Thư viết rằng :
“Ta nhớ mẹ nơi đây”
Thương mẹ màu tóc trắng
Mỗi khi nhìn áng mây
Đôi mắt mờ xa vắng
Khi sương chiều đang xây
Khi cành cây rớt lá
Tơi tả trong bóng nắng
Khi mùa đông buốt giá
Thương mấy đốt xương gầy
Có ai về xứ Việt
Nhắn hộ ta đôi lời
Nơi phương Tây xa ấy
Ta hận thương biết mấy
Đâu những giờ yến tiệc
Bên nồi cơm vun đầy
Thơm bay làn khói trắng
Nhưng mẹ giờ xa vắng
Ta vẫn thầm luyến tiếc
Nhớ khi nằm gối tay
Nghe văng vẳng câu hát
Tiếng mẹ hiền đâu đây…