LUẬT PHÁP MỸ-VỤ ÁN OJ SIMPSON (Peter Chánh Trần)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May, 22-2020 

“If it doesn’t fit, you must acquit.”
Ai đã từng theo dõi “vụ án thế kỷ”, xử OJ Simpson, một nghi can giết vợ cũ và người bạn trai của vợ năm 1994, thì nhứt định biết câu nói nổi tiếng của luật sư biện hộ Johnnie Cochran: “If it doesn’t fit, you must acquit”. Ý nói: “Nếu cái bao tay đó không vừa tay của anh, thì anh phải được trắng án”! Đó là câu kết luận sau cùng của bài biện hộ cho thân chủ trong phiên toà lịch sử này. “It” ám chỉ cái bao tay mà thám tử tìm thấy tại nhà của nghi can, cùng một cặp với cái bao tay có dính máu nạn nhân, được tìm thấy tại hiện trường. Người ta tin vật chứng này là của OJ Simpson, một vật chứng vô cùng quan trọng, mang tính quyết định của vụ án. Bằng chứng mạnh như vậy, thì OJ Simpson “chạy trời không khỏi nắng”!
Bài này tôi luôn dùng chữ nghi can mà không dùng chữ thủ phạm, bởi vì khi toà án chưa chứng minh được OJ Simpson là hung thủ, chưa có phán quyết (verdict), cho dù anh ta có thật sự là thủ phạm, thì anh ta vẫn vô tội. Đó là nguyên tắc căn bản của luật pháp Mỹ: INNOCENT UNTIL PROVEN GUILTY- VÔ TỘI CHO TỚI KHI ĐƯỢC CHỨNG MINH CÓ TỘI.
Nên nhớ, phe công tố phải chứng minh được nghi can có tội, bằng nhân chứng, bằng vật chứng, thì mới kết án nghi can là thủ phạm. Nó không giống một số nước lạc hậu trên thế giới hiện nay: Khi bị bắt đã gọi là can phạm, và “can phạm” phải chứng minh mình vô tội! Chưa nói tới ở những nước này còn chuyên dùng nhục hình, tra tấn dã man, để ép cung như thời phong kiến. Chưa nói tới chuyện “chạy án”, “xử theo định hướng”, “xử theo chỉ thị”,… đã gây ra không biết bao nhiêu oan sai, bất công, giết oan.
Thời gian gần đây, dư luận ở bên VN rất ồn ào về việc 17 thẩm phán “nhứt trí” bỏ phiếu 17/17, y án tử hình, với nghi can Hồ Duy Hải. Biểu quyết với đa số tuyệt đối, không có nghĩa là trúng, là công bằng, là không oan sai! Đã có biết bao nhiêu bài viết trên FB: bất mãn, chửi rủa, phê phán người xử, cách xử, luật lệ của xứ thiên đường. Tui không muốn đi vào chi tiết vụ này, bởi vì luật pháp, toà án, cảnh sát,… của VN không giống Mỹ. Tui chỉ muốn viết về vụ án OJ Simpson để người đọc ở VN thấy được sự khác biệt.
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra, vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Đọc chán cứ nghỉ. Tui viết tới mệt, hay tới không còn đủ chữ để viết nữa, thì cũng nghỉ.
Đây là vụ án nổi tiếng, cho nên có biết bao nhiêu tài liệu tiếng Anh để tham khảo. Chỉ cần vô Google, đánh hai chữ OJ, chưa kịp đánh họ Simpson, là nó nhảy ra đọc tới xỉu. Tiếng Việt cũng nhóc luôn. Ai siêng, ai tò mò muốn biết thêm thì đi hỏi chị Google. Tui chỉ viết những điều mình muốn viết, thích viết, và cần viết thôi. Chuyện tào lao mà.
OJ Simpson tên cúng cơm là Orenthal James Simpson, với nickname “The Juice”. Người Mỹ thích gọi tắt lắm. Tên dài lòng thòng đọc phát mệt, nên cứ OJ Simpson cho gọn, giống như JFK (John Fitzgerald Kennedy), Bill Clinton (William Jefferson Clinton), J.Lo (Jennifer Lynn Lopez),… Ngay cả các thương hiệu nổi tiếng họ cũng viết tắt: KFC (Kentucky Fried Chicken), CPK (California Pizza Kitchen),…
OJ là cầu thủ da đen rất nổi tiếng trong hai đội banh cà na Buffalo Bills và San Francisco 49er, trong những năm 1969-1979, với vị trí Running Back. Khi tui viết “da đen” không có ý kỳ thị gì đâu. Chẳng qua để người đọc không sống ở Mỹ biết rằng: Dân da đen Mỹ rất có năng khiếu ở hai lãnh vực thể thao và âm nhạc. Còn một thứ nổi tiếng nữa, mà thôi, nói hai được rồi. Trong tất cả các môn thể thao của Mỹ, có thể nói 80%-90% cầu thủ là da đen, vừa có sức, vừa có khiếu, và sức là yếu tố quan trọng trong mọi môn thể thao.
Một đội banh cà na Mỹ luôn có: Đội Tấn Công (Offense Team) và Đội Phòng Thủ (Defense Team). Trong đội tấn công, ba vị trí rất quan trọng là:
* Anh chàng ném banh (Quarterback = Thủ Quân) là quan trọng nhất. Anh này không những là tay điều quân khiển tướng, lập thế trận tấn công, mà chủ yếu là “ném banh như để”! Quarterback Joe Montana của 49er là tay ném banh huyền thoại! Ném đường dài, ném chính xác, ném đón đầu đồng đội…. “như để”!
* Quan trọng số hai là những anh chàng tiền vệ (Wide Receivers). Wide Receivers là những tay chụp banh “dính”, như tay có dán keo, để Quarterback ném xa gần, khó dễ gì cũng chụp được. Banh cà na không dễ chụp như trái banh tròn đâu! Vừa chạy, vừa né đối phương, vừa chụp! Jerry Rice cũng là tay Wide Receiver huyền thoại của 49er. Joe và Jerry, “trời sanh một cặp”, chơi loé mắt dân ghiền fooball, nhất là còn 2 phút chót của trận đấu! Wide Receiver không cần to con, mà chỉ cần biết “Lăng Ba Vi Bộ”: chạy thật nhanh, lòn lách đối phương thật giỏi để tới lằn goal.
* Những con trâu cổ Running Backs (hỏng biết dịch sao?), thì ngược lại: Phải mạnh như trâu, chuyên húc ngã đối phương, vượt rào cản phòng thủ, để ôm banh chạy như xe tăng tới gôn (goal). Họ cũng quan trọng không thua gì Wide Receivers.
OJ Simpson là một trong những con trâu này! Y rất lớn con, cao 6’1” (1.85m), nặng 210 lbs (95 kg). Khoẻ mạnh như Sâm-Son trong Cựu Ước, lại lanh lợi, nên đã lập rất nhiều thành tích trong 10 năm trên sân cỏ. Năm 1973, anh ta lập kỷ lục ôm banh chạy hơn 2000 yards (1829m) trong một mùa. Trong môn football, nhích lên 10 yard có khi trầy vi tróc vẩy nếu gặp đội phòng thủ thứ dữ! Thậm chí có khi chỉ nhích lên một yard, hay vài inches cũng không dễ. Nó hoàn toàn không giống môn túc cầu (soccer), đá một phát, banh bay cả nửa sân. Ngoài thành tích này, anh ta còn được mang rất nhiều danh hiệu cao quý, nhiều cúp danh giá. Tóm lại, anh ta là một cầu thủ, một Running Back rất tiếng tăm.
Ngoài ra, sau khi về hưu, anh ta còn là một xướng ngôn viên trong các buổi phát hình trực tiếp của các trận đấu (broadcaster). OJ còn là một diễn viên, và một chuyên viên quảng cáo…
Ai biết luật lệ của môn thể thao “trâu bò” này, sẽ mê coi nó tới quên ăn, quên ngủ, quên cả tên mình, và sẽ cho ra rìa cái môn túc cầu vô cùng nhàm chán liền! Tui viết dong dài một chút về football để người đọc biết được dân Mỹ rất mê nó, và thần tượng các tay chơi nổi tiếng cỡ nào.
Dân Mỹ ít có ai mà không biết tên tuổi OJ thời đó. Do đó, vụ án OJ Simpson là vụ án rất lớn, kéo dài hơn 9 tháng, được truyền hình trực tiếp cho dân xem. Nó tốn không biết bao nhiêu nước miếng của phóng viên truyền thanh, truyền hình, và không biết bao nhiêu giấy mực của các trang báo, từ lá cải đến các anh chàng khủng long.
Vợ của OJ, Nicole Brown, một người mẫu, Mỹ trắng gốc Đức. Năm 1977 Nicole 18 tuổi và đang làm việc tại câu lạc bộ The Daisy, ở Berver Hills, California. OJ gặp Nicole ở đây và họ bắt đầu hẹn hò, mặc dù Simpson đang có vợ, có con, có gia đình đàng hoàng. Hai năm sau, OJ ly dị vợ, và năm 1985 thì cưới Nicole. Cuộc hôn nhân thứ hai này kéo dài được 7 năm, và họ có hai đứa con.
Simpson nhiều lần bị phiền hà với luật pháp về tội bạo hành gia đình. Nicole nộp đơn ly dị năm 1992 và sống với hai con ở Brentwood, Los Angeles, California. Sau khi ly dị, họ lại tái hợp. Vẫn chứng nào tật nấy, Simpson lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Nicole, và ngày 25-10-1993, Nicole gọi 911, có ghi âm: “He is going to beat the shit out of me!” Dịch nôm na: Nó sắp uýnh tui té cứt rồi nè! Đây là lần sau cùng họ chia tay, và không quay lại nữa.
Sau đó Nicole “tới lui” với Ron Goldman, một người hầu bàn trong restaurant. Không biết có share giường chiếu gì không, hay chỉ là bạn thường, nhưng cả hai cùng bị giết đêm 12/06/1994 một cách hết sức dã man, và người ta nghi ngờ Simpson là thủ phạm vì ghen tuông.
Tối ngày 12/06/1994, Nicole lúc đó 35 tuổi, bị đâm tới chết bên ngoài căn nhà của cô, cùng với người bạn trai, Ron Goldman, 25 tuổi. Nocole bị 7 nhát dao, khiến hai động mạch cổ hai bên đứt lìa, và các đốt xương cổ phía say gáy bị cắt sâu gần một inch, khiến đầu gần như lìa khỏi cổ! Chứng tỏ hung thủ rất sát máu, hung hăng, hận thù vô cùng sâu đậm.
Nghi can đầu tiên chính là Simpson. Cảnh sát lập tức xin trát toà để xét nhà và bắt nghi can để điều tra, nhưng Simpson đã lánh mặt, ở nhà một người bạn thân lâu năm, sau này là một trong những luật sư biện hộ cho Simpson trong Dream Team. Đội luật sư hơn 10 người, toàn “thứ dữ”, Simpson chi tiền tới tán gia bại sản, để mướn họ biện hộ cho mình, được gọi là Dream Team. Năm ngày sau, tức 17/06/1994, OJ Simpson mới bị bắt.
Tôi còn nhớ rất rõ, TV chiếu trực tiếp cái màn: cảnh sát bám theo chiếc xe SUV Ford Bronco màu trắng của Simpson trên freeway hôm đó. Không như những cảnh rượt đuổi bạt mạng với vận tốc cao, Simpson chạy tà tà mà không thèm ngừng theo lệnh cảnh cảnh sát. Sau cùng thì cũng đầu hàng và chịu đưa tay cho cảnh sát còng.
Chỉ dựa vào những dữ liệu được ghi lại, người ta có thể đoán gió đoán mưa, đại khái: Simpson là anh chàng Mỹ đen luôn ghen tuông với cô vợ trẻ da trắng nõn nà, thơm như múi mít. Simpson là một kẻ thất phu, chỉ được cái chơi banh giỏi mà nổi tiếng và giàu có. Simpson có một lịch sử dài đánh đập vợ, rình rập theo dõi vợ, thậm chí hăm he giết vợ. Cả hai người “có vẻ” không thuộc dạng con nhà lành: Đang có vợ con đàng hoàng vẫn “thả dê”, và nàng biết người ta có gia đình vẫn nhào vô “phá gia cang”,… Anh ta trở thành nghi can đầu tiên là vậy.
Vụ án không có nhân chứng. Chỉ mỗi một vật chứng quan trọng là cái bao tay thám tử tìm thấy ở nhà OJ, cùng một cặp với cái bao tay có dính máu nạn nhân, được tìm thấy ở hiện trường.
Toà án Mỹ chỉ căn cứ vào nhân chứng và vật chứng để định tội. Quan toà cũng không một mình ra phán quyết, mà có Bồi Thẩm Đoàn. Trong các vụ án hình sự, trọng tội, thường có 12 người, được chọn ra từ hàng trăm người. Trong tiến trình chọn lựa Bồi Thẩm Đoàn, nếu một người tỏ ra quá khích, kỳ thị, thiên vị, cảm tính, thiếu óc phán đoán, hay đã từng làm việc trong ngành pháp luật như cảnh sát, thám tử,… sẽ bị loại ngay. Thường BTĐ gồm cả nam, nữ, sắc tộc, màu da, trình độ, nghề nghiệp,… Đương nhiên họ được hướng dẫn rất kỹ lưỡng về luật pháp, nguyên tắc của toà, cách xử,…
Cái bao tay đó thật sự đã không vừa với bàn tay mập ú nu của Simpson trước mặt Quan toà, Công cố viên, Bồi thẩm đoàn, và những người thân tham gia phiên xử hôm đó. Và anh ta được trắng án như lời kết luận của luật sư biện hộ! Chuyện đời “coi vậy mà hỏng phải vậy”!
Vậy thì giải thích làm sao? Tìm thấy nó trong nhà của nghi can mà không phải của nghi can là sao? Không có chuyện hai cộng hai bằng bốn ở đây nghen! Miệng lưỡi luật sư đâu có vừa: Thám tử framed (gài bẫy) nghi can, bằng cách thấm máu nạn nhân vào một cái, còn cái kia thì mang quăng vào nhà nghi can để phá án, thì sao? Kẻ thù của nghi can sau khi giết người, thì cố tình bỏ lại hiện trường một cái, còn cái kia đem ném nó vào nhà nghi can để vu oan giá hoạ cho Simpson thì sao? Ngoài hai lý lẽ đó, người ta cũng nghĩ: Ai ngu gì sau khi giết người thì cởi một cái bao tay quăng lại hiện trường, còn cái kia thì mang về nhà, để “làm kỷ niệm” à? Thiếu gì cách giải thích, nghe rất thuyết phục.
Không ai tận mắt thấy nghi can giết hai mạng người. Không ai thấy nghi can đeo cái bao tay đó khi đâm hai nạn nhân! Chỉ có cái bao tay là tang chứng chủ yếu, và nó không vừa với bàn tay của nghi can, thì làm sao nói nó thuộc về nghi can. OJ Simpson được Bồi Thẩm Đoàn bỏ phiếu vô tội, và Toà tha bỗng.
Vài nhận định trước khi kết luận:
* Những lời ghi âm khi Nicole gọi 911, chuyện ghen tuông, đánh vợ, rình rập vợ, hăm he giết vợ, cũng được trưng ra trong phiên xử. Điều đó cho thấy Simpson có động lực giết vợ, nhưng bằng chứng giết vợ thì không có. Nên nhớ “động lực giết người” và “bằng chứng giết người” là hai chuyện khác nhau, chớ không là một. “Động lực giết người” thường chỉ là yếu tố giúp các thám tử tập trung tìm nghi can, chớ không phải chứng cớ buộc tội.
* Nhân chứng, vật chứng mới là yếu tố quyết định có tội hay vô tội. Không nhân chứng, không vật chứng, hay những chứng cứ yếu ớt, làm sao chứng minh có tội? Toà phải xử trắng án thôi.
* Hồ Duy Hải mà ở Mỹ thì Bồi Thẩm Đoàn sẽ bỏ phiếu 100% vô tội, và Toà sẽ tuyên trắng án ngay lập tức, chớ không cù nhầy cù cưa nhốt nghi can mười mấy năm đâu. Hoàn toàn không có nhân chứng. Chỉ có vật chứng: Cái thớt, cái ghế, và con dao là hung khí đã không được trưng ra trước toà, ngược lại đã bị thiêu huỷ và được thay bằng những thứ mua về từ chợ! Nếu ba vật chứng quan trọng đó có chứa dấu tay, mồ hôi, tế bào da,… có chứa DNA của Hồ Duy Hải, thì tại sao đem phi tang? Chứng cứ như vậy đủ để luận tội và kết án mà không sợ chút gì oan sai cả. Điều tra kiểu gì? Xử kiểu gì? Toà kiểu gì? Luật pháp kiểu gì? Không cần có kiến thức về luật pháp, một bà nhà quê cũng thấy đó là một tiến trình quái dị đầy toan tính!
* Cho dù Hồ Duy Hải có ghi âm lời thú tội, có viết bản thú tội, thì những lời thú tội của nghi can ở VN, chẳng có giá trị gì, bởi vì CA VN vẫn dùng nhục hình để ép cung nghi phạm. Thử giao cho bạn một tên công an nhiều tuổi đảng, yêu boác của nó hơn yêu cha mẹ. Bạn đem nó bỏ lên lò nướng BBQ, cho lửa cháy quéo lông mẹ lông con, coi nó có nhận tội đã hiếp dâm và giết hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi không cho biết! Ép cung là “cách phá án thần sầu quỉ khóc” của xứ thiên đường, vậy mà cũng tự hào được!
* Hai ba lần kháng cáo của HDH, đều được xử lại bởi một quan toà, thì dù có kháng cáo 100 lần, kết quả cũng “same shit”! Luật chi kỳ dị và lạc hậu đến như vậy?
* Công lý đi giao cho những tên thất học, nhờ “hồng” mà leo lên ghế quan toà, nó cũng tương tự như Y tá, Cán sự thâm niên, từ từ được “đôn” lên làm Bác sĩ, thì hậu quả khỏi nói, ai cũng biết!
Kết luận:
Nghi can không có bổn phận phải chứng minh mình vô tội. Luật pháp nói chung, công tố viên, và các thám tử nói riêng, có bổn phận phải chứng minh nghi can có tội. Nguyên tắc này hợp lý nhất. Những kẻ có học luật, học phá án, có trình độ nghiệp vụ, thì biết cách buộc tội. Nghi can làm sao đủ trình độ, làm sao biết cách tự bào chữa? Mướn Luật Sư bào chữa có khi còn thua, làm sao một “tay ngang” có thể thắng được hệ thống toà án đầy luật lệ và uy quyền với vô vàn mánh khoé?
Sau vụ xử, dư luận chia làm hai phe. Một phe tin tưởng tuyệt đối vào luật lệ và toà án, và cho rằng phiên xử công minh, fair trial, OJ vô tội.
Một phe cho rằng nhờ luật sư giỏi nên OJ thoát tội, chớ anh ta nhứt định là hung thủ. Nghe đồn rằng LS Johnnie Cochran đã bày cho OJ ăn uống thả dàn, lên cân một cách bất thường, bàn tay trở nên to dày, không cách gì đeo được cái bao tay. Nếu, tôi nói nếu, OJ thực sự là hung thủ, mà nhờ mánh khoé của LS để thoát tội, thì đây là một trò táng tận lương tâm. Kẻ giết người vẫn nhởn nhơ trên sự đau khổ của nhiều người, còn LS thì hốt hết gia tài của OJ (chi phí), đồng thời trở nên nổi tiếng, càng giàu có hơn nữa. Những người tin OJ có tội thì cầu mong cho OJ bị quả báo! Trời tru đất diệt!
Năm 2007, Simpson vô tù vì tội cướp có vũ khí ở Nevada, với bản án 33 năm! Tháng 10, 2017, OJ được tha có điều kiện sau hơn 9 năm ngồi gỡ lịch. Còn tay Luật Sư Jonnie Cochran? Năm 2003 ông ta được chẩn đoán có khối u ác tính trong não, một dạng cancer, và chết tháng 3/2005. Phạm tội phải bị tù, và ai cũng chết, là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Nhưng những người tin nhân quả, thì nói hai người này, kẻ bị tù, người chết ung thư, là bị quả báo!
Những kẻ lưu manh “ngồi trên luật pháp”, những đứa tán tận lương tâm, cố tình bao che cho thủ phạm, nhứt là bắt người vô tội gánh tội thay kẻ ác, vì tiền, vì danh, vì bất cứ lý do gì, rồi cũng sẽ nhận quả báo!
Peter Chánh Trần.
TB:
– Tài sản hơn 20 triệu của OJ, vô túi hơn 10 tay LS giỏi trong Dream Team. Sau khi xong vụ án, OJ khai phá sản, và số tiền 33.5 triệu toà án dân sự phán quyết cho 2 gia đình nạn nhân sau đó, hoàn toàn không nhận được một xu nào!
– Johnnie Cochran trở nên nổi tiếng không riêng ở Mỹ, mà cả thế giới. Ông ta mở văn phòng luật trên 15 Tiểu Bang, và nhận những case khó nuốt, nên giàu càng giàu, nổi tiếng càng nổi tiếng.
– Tui khuyên bốn đứa con: Các con học ngành nào, chọn nghề nào cũng được, nhưng đừng chọn làm Luật Sư. Ai thích, ai chọn, để họ chọn, mình chọn thứ khác, bởi vì: Luật Sư lương thiện, giữ lương tâm trong sáng, thường sẽ nghèo mạt, còn Luật Sư giỏi thì thường rất gian ác! Luật Sư ác: Có tội, cãi cho vô tội hay nhẹ tội, là ác. Luật Sư ác: Không tội, gài cho có tội, cũng là ác. Không làm ác, ai trả thù lao, ai mướn? Tui dùng chữ “thường” chớ không “luôn luôn”, cho nên quí vị Luật Sư chỉ nên xét mình. Một Luật Sư lương thiện, không cần ném đá tui chi cho mệt.
Thien Le, Quang Dang Tran and 451 others
130 Comments
93 Shares
Like
Comment

Share