LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA MỘT TÁC GIẢ NGƯỜI TIỆP VIẾT VỀ NHÀ VĂN NHẤT LINH (Nguyễn Doãn Nho/NV)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bà Maria Strasakova sinh năm 1980 tại Tiệp, từng sống ở Việt Nam khi còn bé và nói tiếng Việt rất giỏi, là giảng viên tại Phân Khoa Nghiên Cứu Á Châu ở đại học Palacky University và đại học Metropolitan University Prague, Cộng Hòa Tiệp (Czech Republic). (Hình: Metropolitan University Prague)

KENNEDALE, Texas (NV) – Trong thời gian tôi “cố thủ” ở trong nhà để phòng tránh dịch bệnh COVID-19, thật là một ngạc nhiên vô cùng thú vị khi được nhà văn Nguyễn Tường Thiết gửi cho đọc tập sách viết về văn học Việt Nam (bằng tiếng Anh) của một tác giả người Tiệp (Czech) (1): “Life and Writings of Nguyễn Tường Tam/ Život a dílo Nguyễn Tường Tama” (Cuộc Đời và Sự Nghiệp Viết Lách của Nguyễn Tường Tam).

Đây là luận án tiến sĩ của bà Maria Strasakova trình tại Đại Học Karlova, Prague, thủ đô nước Cộng Hòa Tiệp vào năm 2011, dày 346 trang, dựng lại hình ảnh một Nhất Linh toàn diện, từ việc viết văn, làm báo cho đến các hoạt động chính trị. Xin giới thiệu cùng độc giả một số nét chính trong tập luận án này.

Để viết về cuộc đời của Nhất Linh, tác giả cho biết đã sử dụng hai tập biên khảo, “Thân Thế và Sự Nghiệp Nhất Linh” của Lê Hữu Mục và “Chân Dung Nhất Linh” của Nhật Thịnh, cùng các hồi ký, hồi ức và tài liệu của các thành viên trong gia đình Nhất Linh như người chị Nguyễn Thị Thế, người em ruột Nguyễn Tường Bách, người con trai Nguyễn Tường Thiết, các người cháu Thế Uyên, Tường Hùng và nhiều bài viết khác của bạn bè, đồng nghiệp của Nhất Linh, ghi lại nhiều đoạn đời hoạt động khác nhau của ông, chẳng hạn như Tú Mỡ, Hoàng Xuân Hãn… Ngoài ra, bà còn tham khảo hàng trăm tài liệu khác viết về lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam của nhiều tác giả khác, trong cũng như ngoài nước.

Bà Maria Strasakova đã soi rọi cuộc đời và sự nghiệp viết lách của Nhất Linh dưới lăng kính của một lý thuyết văn học mới gọi là “Tân Duy Sử” (New Historicism). Lý thuyết này nghiên cứu văn chương trong tương quan với các biến chuyển xã hội và lịch sử, theo đó, văn chương có tính lịch sử, không phải là một hoạt động tách biệt của con người. Tác phẩm và tác giả là một cấu trúc xã hội, kết quả của các xung lực xã hội và chính trị, nên cả hai không thể hiểu ra ngoài ngữ cảnh văn hóa và xã hội lúc chúng xuất hiện. Kết quả là, tác giả hay nhà phê bình văn chương, trong khi phân tích bất kỳ một sản phẩm văn hóa nào, cũng đều là tù nhân của “sử tính” riêng của mình, không ai có thể thoát ra khỏi các hình thái và ảnh hưởng xã hội và văn hóa trong đó mình sống.

Áp dụng luận điểm này vào việc nghiên cứu, tác giả Strasakova không chỉ bàn về Nhất Linh như chỉ là một nhà văn, nhà báo hay nhà chính trị mà đề cập đến rất nhiều khung cảnh và biến động xã hội, văn hóa, chính trị ở Việt Nam trước cũng như trong thời gian mà Nhất Linh sống có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Mặt khác, bà cũng sử dụng các sáng tác văn chương của Nhất Linh để soi sáng hay chỉ rõ những biến cố lịch sử có thể đã có một ảnh hưởng quan trọng không chỉ trong các sáng tác mà còn trong cuộc đời ông.

Theo bà, “Nguyễn Tường Tam đã sáng tác và tiến hành các hoạt động chính trị của mình trong một kỷ nguyên trong đó văn chương Việt Nam cũng như xã hội Việt Nam đang phải trải qua một sự chuyển đổi tận gốc rễ do sự đụng độ giữa xã hội truyền thống Việt Nam với văn minh Tây phương và các giá trị của nó gây ra. Nguyễn Tường Tam, tự bản thân, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi này.”

Luận án có bốn phần chính nghiên cứu về Nhất Linh:

-Chương 2 nghiên cứu về bối cảnh lịch sử, văn hóa của Việt Nam trong khúc quanh giữa hai thế kỷ 19 và 20 với những thay đổi lớn lao về ngôn ngữ, văn hóa, văn chương, xã hội và báo chí giữa buổi giao thời giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Tây phương, giữa truyền thống và hiện đại.

-Chương 3 đề cập đến cuộc đời của Nhất Linh từ thuở thiếu thời cho đến ngày mất, qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ hoạt động chính trị, báo chí, văn chương, lui về ẩn dật, rồi trở lại hoạt động văn hóa, và sau đó, trở lại chính trường. Tác giả giành một phần khá chi tiết đề cập đến những tình huống đưa đến cái chết của Nhất Linh và đám tang rất lớn của ông ở Sài Gòn vào năm 1963.

-Chương 4 bàn về hoạt động báo chí của Nhất Linh qua hai tờ tạp chí Phong Hóa và Ngày Nay.

-Chương 5 bàn về các sáng tác văn chương của Nhất Linh. Dựa theo lý thuyết Tân Duy Sử, tác giả không phân tích chỉ nội dung các tác phẩm mà còn liên hệ đối chiếu chúng với cuộc đời tác giả, với các tác phẩm và tác giả khác và với hoàn cảnh xã hội bên ngoài diễn ra cùng thời kỳ.

Dù là một người ngoại quốc, nhưng học giả Maria Strasakova đã dựng lại một cách sống động chân dung và sự nghiệp của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. (Hình: Metropolitan University Prague)

Bà Maria Strasakova cho rằng, những tác phẩm viết trước khi đi Pháp như “Nho Phong,” “Người Quay Tơ,” trong đó, nhân vật phụ nữ là những người hoàn toàn phản ảnh đạo đức Nho Giáo. Nhưng sau khi ông đi Pháp ba năm (1927-1930) về, những nhân vật phụ nữ trong các tác phẩm của ông hoàn toàn thay đổi. Sở dĩ thế vì  trong thời gian ở Pháp, Nhất Linh chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân trong các tác phẩm của André Gide, một nhà văn thời danh của Pháp lúc bấy giờ. Một trong những nguyên tắc chính của chủ nghĩa cá nhân là “hành động tự do” (l’acte gratuit). Các nhân vật của Gide phá tung mọi ràng buộc, sẵn sàng hy sinh bằng mọi giá, kể cả mạng sống của mình, để bảo vệ nó. Họ mạnh mẽ chống lại các định chế gia đình, vì cho rằng các định chế đó là sức mạnh đàn áp tự do và ngăn cản con người hoàn thành hạnh phúc cá nhân riêng của mình. Ảnh hưởng đó tìm thấy trong các tác phẩm Nhất Linh viết sau khi trở về từ Pháp.

Theo bà Strasakova, xã hội Việt Nam của thập niên 1930 là một xã hội giao thời giữa hai nền văn hóa với nhiều xung đột mãnh liệt. Những trí thức Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Khổng Giáo truyền thống lại vừa chịu ảnh hưởng của tư tưởng tự do Tây phương, cố gắng giải quyết sự xung đột đó bằng cách sản xuất ra một số lượng lớn các tác phẩm văn chương qua hình thức truyện ngắn và truyện dài. Thể loại văn chương học hỏi được từ văn hóa Pháp này cung cấp cho họ một không gian, qua đó, họ có thể kết hợp lại các tình huống khó xử về mặt tình cảm và tri thức đang xâm chiếm và chi phối họ.

Các thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và đặc biệt Nhất Linh, là những đại biểu điển hình cho hình thức văn chương mới mẻ này. Các tác phẩm của họ phản ảnh sự xung đột văn hóa mãnh liệt của các giá trị mâu thuẫn nhau giữa cái cũ (xã hội truyền thống Việt Nam dựa trên các giá trị Khổng Giáo) và cái mới (văn hóa Tây phương được người Pháp mang vào).

Tác giả Strasakova khẳng định rằng giai đoạn 10 năm từ 1930 đến 1940, là thời gian thành công nhất và hữu ích nhất trong cuộc đời của Nhất Linh, vừa như một nhà báo vừa như một nhà văn, mà đáng kể nhất là sự thành lập Tự Lực Văn Đoàn, kích thích sự thay đổi về xã hội cũng như văn chương của Việt Nam cả về hình thức lẫn nội dung.

Trong thời gian này, Nhất Linh đã xuất bản bảy tiểu thuyết được đăng từng kỳ trong các tạp chí Phong Hóa và Ngày Nay. Bà Strasakova nhận xét, trong nửa đầu tập niên 1930 tác phẩm của ông quan tâm đến tình yêu lãng mạn, đến những phụ nữ trẻ trong xã hội truyền thống Việt Nam và sự nổi loạn của họ chống lại cơ cấu áp bức của gia đình. Sau năm 1936, Nhất Linh thay đổi đề tài, bắt đầu tập trung chú ý vào những con người bình thường khác, đặc biệt là người nông dân, và các phương cách cải tiến hoàn cảnh sống khốn cùng của họ.

Một trong những tác phẩm được bà Strasakova phân tích khá kỹ là “Đoạn Tuyệt,” vì theo bà, đây là tác phẩm mà Nhất Linh đề cao chủ nghĩa cá nhân và phê phán một cách không kiêng dè hình thức gia đình truyền thống. Tuy nhiên, cũng theo tác giả, chủ nghĩa cá nhân này không bao giờ đạt tới mức độ của Gide. Ngoài “Đời Mưa Gió” viết chung với Khái Hưng, trong đó, nhân vật nữ của Nhất Linh ít nhiều tỏ ra có ý muốn đoạn tuyệt hẳn với truyền thống, nhưng thất bại, còn nói chung, hầu hết các nhân vật nữ khác chỉ cố gắng giải thoát họ khỏi sự chi phối của gia đình truyền thống trong tư tưởng, và họ chưa bao giờ thực sự thực hiện bất cứ một hành động mạnh mẽ hay triệt để nào nhằm phá vỡ truyền thống đó.

Thành thử, mặc dầu lớn tiếng kêu gọi từ bỏ hẳn truyền thống Khổng Giáo, nhưng qua cuộc đời cũng như qua tác phẩm, Nhất Linh lại là “hiện thân của một người quân tử kiểu Không Giáo thực sự và trong tác phẩm của mình, ông thường, có lẽ một cách vô tình, phục hồi các giá trị Khổng Giáo,” theo bà Strasakova.

Từ điểm này, bà cho rằng Nhất Linh quả thật là một mẫu người quân tử chân chính đúng nghĩa của Khổng Giáo. Điều đó biểu lộ ngay trong cái thú chơi lan của ông. Tác giả Strasakova cho rằng Nhất Linh chơi lan không chỉ là một hình thức tiêu khiển mà là một ám ảnh, biểu lộ gián tiếp tính cách quân tử đó. Bà khẳng định: “Điều trông có vẻ nghịch lý là Tam [Nhất Linh], một người nhiệt tình chống-Khổng Giáo lại tự gắn mình vào biểu tượng Khổng Giáo của cây lan. Do đó, kết luận duy nhất của chúng tôi là ông đã thấm nhuần các giá trị Khổng Giáo hơn là chính ông có thể nhận biết.” (2)

Từ đó, bà Strasakova tìm thấy cuộc đời của Nhất Linh có nhiều điểm tương đồng với cuộc đời của một nhà thơ Trung Hoa mười mấy thế kỷ trước, Khuất Nguyên. Cả hai đều là người chính trực, học rộng tài cao; cả hai đều hoạt động chính trị và có lúc làm bộ trưởng, Khuất Nguyên là quan đầu triều của vua Sở Hoài Vương, Nhất Linh làm bộ trưởng ngoại giao của chính phủ Hồ Chí Minh; cả hai đều được sự tin cậy trong thời gian đầu rồi sau đó bị vu khống là có âm mưu lật đổ, bị mất chức và đều từ bỏ chính trường, sống ẩn cư; và cuối cùng, cả hai đều tự sát.

Dù là một người ngoại quốc, nhưng với tinh thần làm việc chuyên nghiệp của một học giả, bà Maria Strasakova quả là đã dựng lại một cách sống động chân dung và sự nghiệp của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một trong những nhà văn có công rất lớn, nếu không phải là lớn nhất, đối với nền văn học Việt Nam hiện đại.

Bà sinh năm 1980 tại Tiệp, từng sống ở Việt Nam khi còn bé và nói tiếng Việt rất giỏi, là giảng viên tại Phân Khoa Nghiên Cứu Á Châu ở đại học Palacky University và đại học Metropolitan University Prague, Cộng Hòa Tiệp (Czech Republic).

Ngoài tập luận án “Life and Writings of Nguyễn Tưòng Tam,” bà còn viết nhiều tiểu luận khác về Việt Nam như: “The Process of Modernization of Vietnamese Literature” (Tiến Trình Hiện Đại Hóa Văn Chương Việt Nam), “The Lives of Vietnamese Women in the Czech Republic” (Cuộc Sống của Phụ Nữ Việt Nam ở Cộng Hòa Tiệp), “The Influence of European Translations on the Naissance of Vietnamese Literature” (Ảnh Hưởng của các Dịch Phẩm Âu Châu trên sự Khai Sinh Văn Chương Việt Nam).

Ngoài ra, bà còn có một số sách và tiểu luận viết chung với các tác giả khác như: “History of Viet Nam” (Lịch Sử Việt Nam), “Dictionary of Vietnamese Literature” (Tự Điển Văn Học Việt Nam)…

 (Trần Doãn Nho) [qd]

Chú thích:

(1) Cộng Hòa Tiệp (Czech Republic) là một nước độc lập, tách ra khỏi quốc gia Tiệp Khắc (Czecho-Slovakia) trước đây vào ngày 1 Tháng Giêng, 1993, sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ.

(2) It may seem paradoxical, that Tam as an ardent anti-Confucian had associated himself with the Confucian symbol of an orchid. The only conclusion that we can make is that he had been imbued with Confucian values more than he himself might have realized.