LINH MỤC VÀ NHỮNG CHUYỆN TÌNH (Peter C. Tran # Mười Lúa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
May be an image of 1 person, smiling, headscarf and scarf
Ni cô Thích Nữ Hạnh Đoan.
May be an image of 2 people
Giới nhà tu Công giáo, cụ thể là các Linh Mục, cũng có chuyện tình nữa à? Có nghen! Yêu quá trời quá đất luôn! Nhưng phải nói cho có căn, có đầu có đuôi, chớ nói khơi khơi vậy, người ta hiểu lầm, tưởng là LM nào cũng yêu túi bụi, thì sẽ có người đốt nhà Mười Lúa! Nghĩa là phải nói cho rõ, là chuyện tình có thiệt, hay chuyện tình trong tiểu thuyết hoặc trên phim ảnh; phải nói cho rõ, yêu trước khi làm LM, hay làm LM rồi mới yêu; và cũng phải nói cho rõ, chuyện tình một chiều hay tình hai chiều xẹt lửa nữa,… Ôi thôi nhiều chuyện để viết lắm!
Chuyện “Tóc Mây” của VN là một tiểu thuyết hư cấu, tưởng tượng. Phim truyền hình nhiều tập “The thorn bird” của Mỹ, cũng là một chuyện tình hư cấu. Tiểu thuyết và phim ảnh là thứ giải trí cho người xem để “mua vui vài trống canh”. Nó không có thiệt nhưng nó làm cho người xem cứ tưởng là thiệt. Tiểu thuyết best seller hay phim có mức doanh thu kỷ lục là do người viết truyện, đạo diễn, diễn viên hết. Họ hay quá, giỏi quá, khiến cho người xem tưởng như là chuyện có thiệt. Thiệt và tưởng thiệt là hai thứ khác nhau xa lắm.
Còn chuyện tình LM có thiệt, ngoài đời thiệt, cũng phải phân làm hai loại: Có người trước khi làm LM đã có người yêu, yêu mùi mẫn, tính cả chuyện trầu cau, nhưng đùng cái “cắt đứt dây chuông”, bỏ đi tu. Cũng có người sau khi làm LM mà “xé rào”, lén lén lút lút đi yêu phe địch (bị phanh phui khá nhiều)! Đang yêu đương nồng nàn, tự nhiên “hứng chí” lên, bỏ đi tu để làm LM, nó khác với mấy ông đang làm LM mà nổi chứng ngựa, tháo miếng che mắt, quăng dây cương, để rượt phe địch! Trường hợp đầu gọi là “nghe theo tiếng Chúa gọi” mà hy sinh tình riêng. Trường hợp sau, gọi là “nghe theo tiếng… Satan gọi”, hay “bỏ Chúa theo tình”,….! Cũng có trường hợp LM “bị” yêu, và chuyện này xảy ra như cơm bữa! Tình một chiều, “phe địch” tương tư các LM, cũng không hiếm. Để Mười Lúa kể vài chuyện tình một chiều trước, rồi mới kể tiếp mấy chuyện yêu đương khác.
Chuyện một. Bà Út của Mười Lúa.
Mười Lúa nhớ hoài “Bà Út” dạy tui năm lớp Nhứt (Lớp Năm bây giờ) ở Hoà Hưng. Bà Út là một cách phân “ngôi thứ” giữa các bà phước đang cùng phục vụ ở một họ đạo. Bà Nhứt dĩ nhiên lớn tuổi nhứt, là “chỉ huy trưởng”, rồi Bà Nhì, Bà Ba,… và bà trẻ nhứt được gọi là Bà Út! Nghe thấy thương hết sức! Bà Út năm đó chắc trên dưới đôi mươi, vừa mới mặc áo Dòng. Trẻ lắm, trạc tuổi mấy chị của tui. Tui chỉ quen viết chuyện tào lao, không rành tả cảnh, tả tình, hay tả chân dung. Không biết phải tả Bà Út, thày của tui đẹp thế nào cho trúng. Trong mắt tui, Bà Út rất đẹp, đẹp lắm! Tả dở quá, người đẹp thành người xấu thì phản tác dụng. Thôi thì mượn người nầy so người kia.
Gần đây FB đăng rất nhiều về ni sư Thích Nữ Hạnh Đoan và bài viết sau cùng của sư nữ có nhan đề “Viết cho nhau lần cuối”. Nhìn hình ni sư là thấy thương liền. Đọc bài viết cũng thấy thương (cho dù niềm tin của ni sư về luân hồi, về sát sanh, về phương thức tu hành hoàn toàn khác với niềm tin của Mười Lúa). Hình chụp sau khi qui y cửa Phật, nhìn đã rất chững chạc. Theo lời tự sự, thì ni sư xuất gia lúc mới chỉ là một thiếu nữ “trăng tròn lẻ”, cái tuổi 16 đẹp nhứt đời con gái! Mười Lúa đoán chắc ni sư lúc 16 đẹp lắm, đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”! Bà Út của tui đẹp ngang ngửa ni sư Hạnh Đoan, với nước da trắng hơn, gương mặt thon hơn chút, đôi môi hơi mỏng hơn chút xíu,… đại khái vậy đó. Tả vậy đủ rồi! Để tui gởi kèm tấm hình ăn trộm được trên FB của ni sư cho người đọc xem, tất biết Bà Út tui đẹp cỡ nào. Hình không son phấn, dĩ nhiên, với tu phục nhà Phật, nhìn còn thấy đẹp vậy, nếu môi son má phấn nữa thì cỡ Ngọc Tring cũng xách dép!
Hai người đẹp như vậy, mà dứt hết chuyện thế gian, một theo Phật, một theo Chúa, thật là một quyết định làm cho Mười Lúa ngàn lần kính phục. Niềm tin và tình yêu của họ đã vượt qua tình yêu thường tình của nhân thế, mà không phải ai cũng làm được.
Thế nào cũng có đứa ghét đạo, thù đạo, sẽ chõ mỏ lên phán rằng: “Ê! Ni cô Hạnh Đoan và Bà Út của tên đu càng ba que kia, cách gì so nổi chị Phóng vĩ đại nhà tao! Đem so với hoa hậu 300 áo dài Bến Te, có cặp mắt lá răm, chân mài lá liễu, của tụi tao thì coi như thua từ vòng loại….!” Kệ đi! Nó nói chị Phóng vĩ đại hay chị đại Bến Te của nó đẹp kệ nó, cãi chi, bởi vì cái đẹp đâu có tiêu chuẩn! Chẳng phải một danh nhân nào đó từng phán, đại khái: “Trong mắt con cóc đực, thì con cóc cái là hoa hậu hoàn vũ” đó sao?
Bà Út thuơng thầm ông cha Phó mới đổi về họ đạo. Cha Phó chưa đầy 30 tuổi, người Bắc, năng nổ, hoạt bát, và nhứt là giảng trong nhà thờ thì “ăn đứt” ông cha sở già, ngoài lục tuần, mà là Nam kỳ xứ Cù Lao Giêng nữa. Cha Phó về họ đạo, làm cho họ đạo sinh động hơn bội phần. Ngoài ra, ngài còn rất tuấn tú, y như cái tên Tú lót chữ Tuấn của mình. Phe kẹp tóc đối diện với ngài, không đổ mới lạ! Bà Út của tui dù một lòng từ bỏ mọi sự thế gian, bước theo tiếng gọi phục vụ, nhưng trái tim vẫn có lúc nhão ra!
Tôi là đứa học trò cưng của Bà Út. Tui đang ở nhà xứ làm tà lọt, hầu bàn, sai vặt của cha Sở và cha Phó, để đi học, vì quê tôi trường chỉ dạy tới lớp Ba. Bà Út hay nhắc đến cha Phó, hay hỏi tôi về cha Phó. Sơ tâm sự: “Không biết sao lúc này sơ khó ngủ! Sơ đọc kinh, lần chuỗi lâu lắm mới ngủ được…” Cái đó gọi là vì ai mà thao thức thâu canh? Một lần Bà nói với tôi, đại ý: “Sơ đi xưng tội với cha Phó, mà sơ cứ ấp úng, không biết nói làm sao,….” Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu hay đoán là Bà Út của tui đã “tỏ tình” với cha Phó, hay đã xưng tội thương thầm trộm nhớ ai! Chỉ đoán thôi, chớ không biết ma sơ của tui có dám tỏ tình hay không! Những lời tâm sự như vậy, sau nầy lớn lên một chút, tôi mới hiểu được là Bà Út của tui đang thương thầm cha Phó, và có thể đã từng tỏ tình với ngài!
Tình yêu chỉ có vậy. Người đọc chắc thất vọng khi tui kể câu chuyện “không có hậu”! Ờ! Ý Chúa còn thương hai bậc tu hành, nên gìn giữ họ, cho câu chuyện “không có hậu”! Ngoài việc ban ơn thêm sức cho họ vượt qua thử thách, Ngài còn an bài hơn 2000 con mắt của giáo dân trong họ đạo ngày đêm canh giữ hai vị. Nhúc nhích cái là chết với miệng lưỡi người đời! Ngài cũng đã an bài để một thời gian ngắn sau đó, cha Phó bị đám VC địa phương làm khó làm dễ, nên ngài được đổi đi họ đạo khác. Ma sơ Út của tui năm sau cũng đổi đi họ đạo khác và từ đó đến nay mất tin Bà Út. Hai vị còn sống, thì giờ nầy chắc cũng đang ngày đêm đọc kinh cầu nguyện trong nhà hưu dưỡng. Thương hết biết những kẻ tu hành, ép bỏ tình riêng, dành cả trái tim cho Chúa, cho lý tưởng phục vụ tha nhân!
Chuyện hai. Người đẹp khóc dưới núi Đức Mẹ.
Có một LM vừa chịu chức, trẻ (mới 28 tuổi), đẹp trai, vô cùng thông minh, nhứt là ăn nói rất duyên dáng. Ngài được “Bài sai” (giấy thuyên chuyển của Giám Mục, kiểu như Sự Vụ Lịnh của quân đội VNCH ngày trước) về làm Phó ở họ đạo lớn (Họ đạo Chánh Toà Cần Thơ). Có một nàng con gái miền Tây Đô (Cần Thơ của tui nổi tiếng gái đẹp không hà!) đôi mươi lẻ, thầm yêu trộm nhớ chàng LM trẻ. Ngày ngày khi cha dâng lễ trong nhà thờ, thì nàng đứng khóc dưới núi Đức Mẹ ở cuối nhà thờ! Nàng cầu xin Đức Mẹ cho mình “delete” hình ảnh của ai kia ra khỏi trái tim! Cầu hoài. Khóc hết nước mắt, mà delete không nổi. Làm thơ tỏ tình, “chàng” tỉnh bơ như chưa hề nhận và đọc! Vị LM trẻ kia thì “trơ trơ trấm trất”, trái tim dành cho Chúa không hề mẻ một miếng nhỏ nào cho nàng. Rồi chàng đổi đi một họ đạo xa tít mù khơi, ở cuối mảnh đất hình chữ S, quen gọi là “cái phao câu đất Việt”! Khoảng cách là một liều thuốc! Thời gian cũng là thần dược. Sau cùng, nàng thua, LM thắng. Rồi nàng cũng có chồng, còn cha trẻ vẫn bon bon trên con đường tận hiến!
Hơn mười năm trước, vị LM nầy có sang Mỹ, ở nhà Mười Lúa (Thầy cũ mà). Tui đâm tò mò, hỏi ngài chuyện tình năm nẳm giờ ra sao? Ngài cười hì hì: “Người đó đang định cư ở Mỹ, gần nhà cậu lắm! Năm ngoái có về VN và đích thân tìm thăm mình! Có viết tặng mình một bài thơ nữa! Mình thì cứ tỉnh bơ như con vịt điếc,…”
Khi ngài về lại VN, ngài có gởi cho Mười Lúa bài thơ đó. Người đẹp ngày xưa, vốn là một nhà thơ (có nhiều tập thơ xuất bản ở Mỹ). Có lẽ không nổi tiếng lắm, nhưng đại khái nàng là một “nàng thơ” thứ thiệt. Nay cũng đến tuổi gần đất xa trời mà cứ tính tình tang, không quên được hình bóng người muôn năm cũ! Nhà của chị thi sĩ chỉ cách nhà ML chừng 15 phút lái xe. ML cũng từng điện thoại qua lại, chị chị em em một thời gian.
Nghĩ đến cái cảnh thương thầm, thất tình một ai đó, cũng thấy thương chị quá. Chị “giành” không lại Chúa, thì đành chịu thua, để Chúa bắt cả hồn lẫn xác người mình yêu, chắc cũng đau lắm!? Một mối tình rất đẹp và cái kết theo ML cũng rất đẹp.
Giờ viết chuyện tình hai chiều. Chuyện tình hai chiều có lẽ hấp dẫn hơn tình đơn phương. Tui cũng kể hai chuyện có thiệt 100%: Một LM ở Mỹ, cũng thân quen. Một ở VN, tuy xa ngàn trùng, nhưng rất gần, vì nhân vật ấy là huynh đệ đồng môn của tui.
Chuyện một.
Tui tình cờ gặp một LM trẻ bâng, vừa chịu chức, trong một bữa ăn trưa, nhân dịp làm tài xế đưa đón vị thày tui kể ở trên sang Mỹ. Người mời là một cụ bà thân quen với thày tui và với tui luôn. Còn vị LM trẻ kia là con đỡ đầu, con cưng của cụ. Cụ ủng hộ ngài cả tinh thần lẫn vật chất khi ngài còn theo học ở Đại Chủng Viện, “lò” đào tạo LM.
Sống ở xứ bơ sữa đế quốc mà ngài có cái dáng vừa mỏng, vừa nhẹ, nhưng nét mặt sáng trưng. Cái miệng thì khỏi chê, vừa lanh vừa khéo, mà bất cứ ai gặp lần đầu cũng có cảm tình ngay. Miệng này cua gái dễ như trở bàn tay! Ờ! Theo lời bà cụ kể, thì ngài từng có bạn gái nhiều năm ngay từ thời học Trung Học: “Hai đứa nó dự định xong bốn năm ĐH, với bằng kỹ sư, có sự nghiệp vững chắc, là sẽ đám cưới. Đùng một cái, nó “trở chứng”, đòi đi tu làm LM. Con nhỏ khóc hết nước mắt, mà nó nhứt quyết đi tu! Rồi con nhỏ chịu thua, cũng có chồng. Ngày chịu chức LM, con nhỏ cũng có đến dự lễ….”
Lại thêm một cô gái giành người yêu không lại Chúa! Thua non! Rồi kẻ lấy chồng, nguời ngày ngày dâng lễ, dùng cái miệng lanh lợi đó đi rao giảng lời Chúa! Ngài được “bài sai” đi làm Phó một họ đạo Mỹ. Nay thì làm cha sở rồi! Nhìn một thanh niên mới ngoài ba mươi, đầu hớt trọc như mấy ông sư (mốt thời trang của Mỹ), khó ai tin đó là một LM, một ông cha sở của một họ đạo Mỹ. Ngài nổi tiếng giảng hay, thu hút, cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt!
Chúa có cách của Chúa, không ai biết hay hiểu được ý Ngài. Chúa mà chịu ra tay “giành”, thì đố cô nào đấu lại Ngài!
Thế nào cũng có người tò mò tọc mạch, hỏi rằng LM kia, hay các LM tu muộn ở xứ này, đã có từng “ăn qua trái cấm” không? Ở Mỹ dễ trả lời lắm, vì bọn con nít bên này hễ cặp kè là thế nào cũng có “ba cái vụ đó”! Bên này các LM đều là những kẻ tu muộn, chớ không đi tu từ hồi ỉa mới biết chùi đít, như cái thời đại của Mười Lúa hơn nửa thế kỷ trước ờ VN đâu. Tui đi tu năm học Đệ Thất. Tuổi đó mới hết ở truồng tắm sông, hỉ mũi vừa sạch, biết chùi đít mà không lủng lá hay giấy nhựt trình! Làm gì có “kinh nghiệm” yêu đương. Bên này thường họ quyết định đi tu lúc đã hoàn toàn trưởng thành, có bằng ĐH, có công danh, có sự nghiệp, và đương nhiên ba cái vụ yêu đương là chuyện bình thường của một thanh niên có tâm lý và sinh lý bình thường.
Nói tới tâm lý, sinh lý bình thường, tui lại nhớ tới chuyện một thằng bạn đồng môn, xin đi tu mà Mỹ không muốn nhận. Kể nghe chơi rồi hả quay lại chủ đề. Nó cùng lớp, cùng tuổi tui. Tui sang đây trước. Ngày tui có vợ, có con, vượt biên, nó vẫn còn tu ở bển. Thời cuộc và hoàn cảnh đưa đẩy, nó không tu tiếp, rồi cũng vượt biên sang đây, lúc tuổi quá “cứng cạy” luôn. Gần 40, nó vẫn chưa bỏ ý định đi tu, nên vác đơn đi nạp vô một nhà Dòng Mỹ. Nó kể rằng, khi tao đi phỏng vấn, một ông Cha có bằng Tiến Sĩ Tâm Lý, hỏi tao vầy:
– Anh đã từng có người yêu chưa? Từng lên giường với phụ nữ chưa?
Nó thành thật trả lời:
– Dạ chưa! Con đi tu từ nhỏ. Bỏ nhà tu là con vượt biên liền. Mà thật lòng, con cũng chưa từng nghĩ qua sẽ đi cua gái, lấy vợ, sinh con. Con chỉ một lòng muốn đi tu làm LM,…
Nó kể tiếp:
– Tưởng trả lời vậy là ngon cơm, là chứng tỏ cho ngài biết tớ còn đồng trinh, còn gin, một lòng chỉ muốn dâng mình cho Chúa, thì ổng vui mừng gật đầu cái rụp! Tớ lầm! Ổng mở to hai con mắt ngạc nhiên, làm như vừa gặp một người ngoài hành tinh tới trái đất này. Ổng phán:
– Không bình thường! Không bình thường chút nào! Anh từng tuổi này mà chưa từng yêu, chưa từng đụng đến đàn bà, chưa từng biết sex, thì không bình thường đâu! Tâm lý đã không bình thường, và ngay cả sinh lý của anh cũng là một dấu hỏi! Anh cần phải đi thử xem sinh lý của anh có trục trặc gì không,…
Nó hơi tự ái, và thủ tục cũng quá nhiêu khê, nên nó bỏ cuộc, về bển cưới vợ rước sang….
Nói vậy để người ở VN hiểu rằng ở Mỹ chẳng có ai đặt nặng chuyện “trinh tiết”, cho dù là một ứng viên LM. Họ muốn một thanh niên hoàn toàn bình thường cả tâm lý lẫn sinh lý chớ không có cái quan niệm kiểu VN. Cũng tốt thôi, bởi vì một người đã “từng trải”, đã từng có nhiều cô “đi ngang qua đời mình”, từng kinh nghiệm chuyện yêu đương, khi họ chọn đời LM, họ biết rõ họ muốn gì, chớ không có “đứng núi nầy trông núi khác”! Họ chấp nhận bỏ tình riêng, dâng mình cho Chúa để theo đuổi một tình yêu cao siêu hơn, là một quyết định đáng tin cậy hơn người chưa từng trải.
Tui khoái ông cha trẻ đầu trọc này lắm. Bà cụ còn kể cho tui nghe gia cảnh của ngài. Gia đình ngài cũng rối như canh hẹ: cha bỏ mẹ theo vợ bé từ rất lâu, còn thằng em thì sa vào đường nghiện ngập,… Ông già giờ chót biết ăn năn, quay lại giữ đạo đàng hoàng trước khi chết, còn thằng em thì tới giờ này nghe nói “vũ như cẩn”! Ở VN thời của ML, gia đình mà “bệ rạc” như vậy, thì đương sự sẽ không có cửa để vào nhà tu, và làm gì có hy vọng đi trọn đường tu đâu! Mỹ trên 18, thì tội ai làm nấy chịu, không ảnh hưởng gì tới ai cả. Nghe nói VN bi giờ cũng cởi mở hơn xưa, ngay cả cha mẹ theo đạo khác, con vẫn có thể trở thành LM.
Chuyện hai. Áo cưới màu hồng.
Hôm nay lướt FB, thấy tấm hình của một người đàn ông trung niên, mặc phẩm phục của một Giám Mục (vừa được tấn phong gần đây), chụp với một người phụ nữ cũng còn xuân, mặc áo màu hồng, làm cho Mười Lúa có một cái cảm xúc hết sức lạ kỳ, nên bật máy lên viết. Không viết liền, để nay mai sẽ quên mất, hay không còn hứng thú để viết nữa. Đây mới là lý do chính cho bài viết dài dòng chuyện tình LM này.
Ở VN, trước 75, nhà văn Lệ Hằng tung ra quyển “Tóc Mây”, kể chuyện tình của một LM với một cô sinh viên, làm cho xã hội miền Nam một thời rất ồn ào, và dĩ nhiên sách in không đủ bán, tác giả vừa nổi tiếng vừa phát tài! Người ta bàn tán, bình phẩm, khen, chống, ủng hộ, tẩy chay,… lung tung phèng lên! Nên nhớ, đây chỉ là một quyển tiểu thuyết chớ không phải chuyện có thiệt.
Ở Mỹ, bộ phim truyền hình “The thorn bird”, được chiếu 4 ngày từ 27 đến 30 tháng 3, năm 1983, cũng làm cho xã hội Mỹ ồn ào dữ lắm. Đây là bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Úc, xuất bản năm 1977. Sách bán như tôm tươi, và phim cũng thành công ngoài sức tưởng tượng. Dĩ nhiên, cả hai đều là chuyện giả tưởng!
Chuyện tiểu thuyết, chuyện phim ai muốn nghĩ sao thì nghĩ và ai muốn tin hay hỏng tin cũng không sao cả. Nói tóm lại là nhà sản xuất kinh doanh kiếm tiền, còn người thưởng thức thuần tuý là bỏ tiền ra mua một sở thích – sở thích đọc sách hay sở thích xem phim. Đơn giản chỉ có vậy.
Tui không phải nhà văn, cũng không là đạo diễn, nên muốn cạnh tranh với họ là chuyện “đội đá vá trời”. Tui chỉ muốn viết, muốn kể lại những chuyện tình có thiệt, tui biết rõ, không thêm mắm muối, theo cách kể nhà quê của mình. Chuyện của tui có thật, và là những chuyện tình đẹp như chuyện thần tiên! Còn chuyện mấy cha “phá rào”, ăn vụng,… ai muốn viết thì viết, tui không thấy hứng thú.
Câu chuyện sau đây Mười Lúa lấy thông tin từ một sư huynh đồng môn, những thông tin rất đáng tin cậy, vì anh và nhân vật chính sống trong cùng một họ đạo. Những nhân vật chính trong chuyện, tui đều biết, có quen hết. Sư huynh tui vẫn còn sống và bài viết của anh về nhân vật chính vẫn còn trên FB. Ai muốn đọc IB tui gởi cho đọc chơi.
Có một chú bé nhà quê, quê dữ lắm, quê hơn Mười Lúa, con nhà nông dĩ nhiên, ở miệt Chương Thiện (gần U minh rồi), nhưng rất rất rất thông minh và hiếu học. Thời Tiểu học, vừa đi học vừa bán bánh lá dừa giúp mẹ. Một hôm ế hàng, ngồi buồn thiu trước cửa nhà Xứ, thì ông cha Sở ra hỏi thăm rồi mua hết thúng bánh, cho các Thày và các sơ trong nhà xứ. Thời đó VC tịch thu Đại Chủng Viện, nên các Thày phải “sơ tán”, phải “chạy giặc”, về các họ đạo để chờ thời, và học chui. Thúng bánh lá dừa chẳng là cao lương mỹ vị gì, nhưng cũng no bụng các thày trong những ngày ăn độn, và nhứt là cậu bé mừng vui như trở cờ trong bụng. Cậu rất có cảm tình với cha sở, bắt đầu quí mến ngài và các Thày kể từ hôm đó. Hình ảnh chiếc áo chùng đen đã ghi nhẹ vào lòng chú bé nhà quê kia rồi!
Chú bé đã học hết chữ nghĩa trường làng, phải “du học” sang họ đạo khác mới có lớp cao hơn, bằng cách ngày ngày chống xuồng qua cái lung mênh mông, làm Mười Lúa cũng nhớ cái thời mình phải đi “du học”, và học với Bà Út. Lớn lên trong chốn đồng ruộng, cậu bé cũng đã từng đi chăn trâu, như Mười Lúa, có điều coi bộ nhà ML còn khá hơn cậu bé này một bậc, vì cậu chăn trâu mướn, còn ML chăn trâu nhà.
Sau bao gian nan vất vả, bi giờ cậu đã là một thanh niên khoẻ mạnh, đẹp trai, và đậu đầu bảng vào trường ĐH Cần Thơ. Một tương lai tươi sáng đang hé mở, chờ đợi. Nhiều cô bắt đầu để ý chàng trai trẻ, trong đó có một cô thôn nữ xinh đẹp, đạo hạnh, nết na, lại là con của một “đại gia” miền sông nước. Cậu đáp lại tình yêu ấy, và họ yêu nhau tha thiết, hẹn thề khi công thành danh toại, vinh qui bái tổ, thì “kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau” về dinh! Một mái ấm gia đình, một tương lai tươi đẹp đang chờ họ một cách hiển nhiên. Đó là một ước mơ, một viễn ảnh tươi đẹp mà bất cứ đôi trái gái nào cũng mong chờ. Cha mẹ hai bên cũng không có lý do gì mà không tác hợp cho đôi trai tài gái sắc. Đàng trai đã mang lễ vật xin cưới, trong đó có một xấp vải màu hồng dùng để may áo cưới cô dâu.
Tình cờ chàng biết được Giáo Phận đang tuyển sinh vào các lớp dự tu (Lúc này VC trả lại Đại Chủng Viện, cho nhận tu sinh, nhưng rất giới hạn, cho nên muốn được nhận, phải qua các lớp dự tu khá gắt gao). Bấy lâu nay chỉ lo học hành, lo hoạch định cho tương lai, quên bẵng hình bóng chiếc áo dòng của cha Sở ngày xưa, thì dường như ước muốn làm LM bỗng trổi dậy.
Chuyện lớn rồi! Bên tình cho em, bên tình cho Chúa, rồi phải ăn nói làm sao với người yêu, với gia đình mình, và gia đình nàng? Phụ bạc người yêu cho dù là vì lý tưởng cao cả, cũng là một hành động khó được chấp nhận! Đính hôn rồi huỷ hôn là làm “mất duyên” con gái ngườii ta, nếu không muốn nói là làm nhục “đàng gái”! Rối như tơ vò. Cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho mình biết lựa lời thuyết phục người yêu, thuyết phục gia đình hai bên để không ai bị tổn thương.
Biết được ý định của chàng, dĩ nhiên nàng bị sốc. Tình là cái chi chi mà nó mãnh liệt tới mức khi thất tình, bất kể đàn ông hay đàn bà, đều có thể “mua bao thuốc chuột uống cho rồi đời”! Cũng may, cô gái con nhà đạo hạnh, biết người yêu không phải phụ bạc, mà hy sinh tình riêng cho tình Chúa, cho lý tưởng phục vụ tha nhân, nên sau cùng nàng cũng chịu thua, “giành” không lại Chúa!
Rồi chàng được nhận vào Đại Chủng Viện và nàng cũng lên xe hoa theo chồng vài năm sau đó. Ngày cưới của nàng, chú bé chống xuồng ngày xưa được phép Bề Trên về tham dự đám cưới của người yêu, để chúc phúc cho họ.
Ngày trọng đại của chú bé chống xuồng cũng đến. Cha mẹ, anh em, bà con dòng họ của chú và cả gia đình “cha mẹ vợ hụt” cũng có mặt đông đủ để tham dự lễ truyền chức LM cho chàng. Ít có người biết hay để ý đến chiếc áo màu hồng nàng đang mặc. Chỉ có chàng, nàng, và gia đình hai họ mới biết, đó là chiếc áo cưới chàng tặng nàng năm xưa! Một hội ngộ kỳ thú, cảm động vô cùng! Một tình yêu không giống một mối tình nào trên đời này cả!
Hôm nay tôi đăng tấm hình người phụ nữ trung niên, lặn lội ngàn dặm từ Mỹ về tham dự lễ tấn phong Giám Mục. Giám Mục là chàng. Người phụ nữ đứng kề bên là nàng. Cũng một chiếc áo màu hồng. Chỉ có người trong cuộc mới biết ý nghĩa của chiếc áo màu hồng. Chỉ có ai biết chuyện mới rơi lệ, mới cảm kích cho một cuộc tình có cái kết đẹp như chuyện thần thoại! Họ không tay trong tay như đôi tình nhân, như một cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng họ là biểu tượng của một tình yêu hoàn toàn vượt qua tình yêu trai gái.
Trái tim của họ là một cặp tim đẹp nhứt, là hy lễ cao quý nhứt đời, dâng lên Đấng Toàn Năng. Đây là bức hình đẹp nhứt, ý nghĩa nhứt mà nàng post lên FB với một ghi chú đơn giản: “Hôm nay về quê hương về tham dự lễ truyền chức Đức Giám Mục….” Nàng trân trọng gọi chàng là “Đức Giám Mục” như bao nhiêu giáo dân xưng hô với một vị chủ chăn.
Ý Chúa nhiệm mầu! Không có ơn Chúa giúp, chắc gì có ai qua nổi cái ải tình yêu trai gái! Hãy dâng lời cảm tạ Chúa. Hãy cùng cầu nguyện cho Đức Tân Giám Mục, luôn là một chủ chăn như lòng Chúa mong muốn. Xin Chúa chúc lành cho người con gái mặc chiếc áo màu hồng, không phải trong ngày cưới, mà là ngày dâng hiến người yêu của mình cho Chúa. Amen.
Peter C. Tran