Tôi đang ngồi xem tin tức thế giới trên màn hình chiếc máy tính bảng hiệu Apple, cái máy ấy tuy là thứ vô tri vô giác, thế nhưng bây giờ lại chính là bạn, là con, là cháu của tôi trong những tháng ngày còn lại , của cuộc đời trong cái Viện dưỡng lão Club Health Care này đây, tôi sống trong một phòng riêng vì là còn tự chăm sóc bản thân được, không như những người khác lú lẫn , mất tự chủ thì phải sống chung phòng lớn 2-3 người, để còn tiện hỗ trợ nhau trong việc bấm chuông gọi điều dưỡng khi cần giúp.
Bỗng chuông điện thoại reo vang:
– Hello.
Đầu dây bên kia giọng cô con gái thứ của tôi lên tiếng:
– Con chào Ba , Ba có khoẻ không ?
– Ba khoẻ, ăn uống ngon miệng, ngủ tốt, nói chung là Ba khoẻ tụi con đừng lo lắng , ở đây Ba sống thấy rất thoải mái.
– Ba ơi ! Ba còn nhớ câu chuyện về đứa bé lai Mỹ đen , mà khi xưa Ba kể Ba tính nhận nuôi , khi người Mẹ muốn bỏ ở Quân Y Viện Nha Trang , nhưng Mẹ không chịu vì thằng bé là lại Mỹ đen, nên Mẹ sợ người đời dị nghị đó không Ba .
– Ừ Ba nhớ, nhưng sao hả con?
– Hôm nay, con có khám mắt cho một người, khi đọc hồ sơ thì con khá ngạc nhiên là anh ta có ngày tháng năm sinh trùng với con và cả nơi sinh luôn. Cho đến khi gặp anh, thì Ba biết không anh ấy là người Việt lai Mỹ đen luôn, thật quá trùng hợp phải không Ba.
– Trời, không lẽ quả đất tròn đến vậy sao?
– Trong khi thăm khám mắt, chúng con có hỏi chuyện nhau, thì anh ấy cũng rất ngạc nhiên và muốn được gặp Ba, nên con gọi điện để hỏi ý Ba đây.
– Ồ tốt thôi, con cứ nói anh ấy có thể đến gặp Ba bất cứ lúc nào nha.
– Dạ, để con thông báo lại cho anh ấy.
– Nè con, thằng Kevin và con Tina tụi nó vẫn chơi đùa khoẻ chứ?
– Dạ , hai cháu khoẻ và quậy phá lắm Ba à, để con sắp xếp cuối tuần nào đó sẽ chở hai cháu vào thăm Ba nghen.
– Ừ, vậy đi, chớ Ba nhớ tụi nó lắm rồi.
– Vậy thôi con tiếp tục làm việc đây, Ba nhớ giữ gìn sức khoẻ đó nghen, con chào tạm biệt Ba.
– Ừ.
Tiếng đặt máy đánh “cộc“ khô khan từ phía bên kia vọng lại , như tiếng gõ của vị quan toà khi kết án một người, nó gọi bằng điện thoại bàn của Bệnh Viện Mắt đó mà.
Tôi năm nay mới 67 vừa mới đúng tuổi về hưu năm ngoái, vợ của tôi đã mất cách đây 5 năm Năm ngoái sau khi về hưu, đêm đó bị tôi bị tai biến mạch máu não, nên đưa vào Bệnh Viện nằm điều trị , sau một thời gian tôi phục hồi hẵn, chỉ bị liệt nhẹ một bên cơ mặt , nhưng không hiểu sao .. sau đó tôi lại được chuyển thẳng vào cái Viện Dưỡng Lão này , chứ không được về nhà … thật là tủi thân! Sau đó tôi có hỏi nhân viên Văn phòng tại đây để biết lý do, thì mọi sự mới vỡ lẽ… đến bẽ bàng cho đời tôi.
Số là tất cả mọi người già được người thân gởi vào đây, chủ yếu là do nguyên nhân lú lẫn, hay quên hoặc mất tự chủ trong vấn đề vệ sinh cá nhân. Họ vào đây từ nhà của họ và sau khi họ đã trò chuyện với con cái, rồi thống nhất đi đến quyết định .. vậy họ đỡ tủi hơn tôi rồi, vì họ được một phần quyền quyết định.
Riêng tôi, khi ở Bệnh Viện chuẩn bị xuất viện, thì con cái tôi đã nói chuyện với Bác Sĩ và than phiền rằng tôi hay lú lẫn, quên trước quên sau .. Ôi trời ! tụi nó còn trẻ mà đôi khi còn quên tắt bếp nấu , quên nồi nước đang sôi, chứ huống hồ tôi .. Luật ở Mỹ nó thế, đất mước văn minh mà, nghe vậy là hợp lệ rồi , đây là người cần sự chăm sóc và theo dõi thường xuyên, vậy thì các cơ sở Viện Dưỡng Lão mới mọc như nấm , ăn nên làm ra được chớ và rồi con được tiếng là Đất nước có chế độ chăm sóc người già tốt nhất nhì thế giới nữa chứ .. Ôi ! cái sự đời đầy nghịch cảnh chát .. chua .
Tôi có đến ba đứa con , 2 trai , 1 gái .. con trai đầu là kỹ sư đang làm việc cho NASA , đưa con gái thứ hai là Bác Sĩ Mắt và thằng con trai út CEO của tập đoàn Dầu khí ESSO MOBIL và hai cháu ngoại , bốn cháu nội tất cả còn nhỏ , đứa lớn nhất chỉ 7 tuổi … một gia thế khủng , được chăm lo nuôi nấng ăn học từ đôi tay của người Ba già nua này , nhưng già mà sức khoẻ tôi còn rất tốt , đi đứng nhanh nhạy , đầu óc minh mẫn … thế mà thật cay nghiệt .
Ba ngày sau , tôi được thông báo có người muốn gặp , đã biết trước nên tôi đồng ý .
Bước ra , tôi trông thấy một người đàn ông trung niên , ừ tuổi bằng con gái tôi là 39 đúng rồi , anh ta là Mỹ lai đen , thân hình khá phốp pháp , cao to như di truyền của Cha anh ta vậy .
Gặp tôi anh đứng dậy bắt tay :
– Con chào Bác , rất mừng vì Bác đã cho phép con được gặp mặt .
– Chào Cậu , Cậu có muốn uống cafe , hút thuốc để nói chuyện được lâu và thoải mái không ?
– Ôi quí quá , mới gặp Bác lần đầu mà con đã cảm thấy nhẹ nhõm , thoải mái với sự ân cần của Bác rồi đấy . Dạ như vậy cũng được ạ .
– Vậy để tôi thông báo với người chịu trách nhiệm ở đây , về yêu cầu của mình nha .
Tôi đi vào trong nói chuyện với nhân viên , để họ cho phép khách của tôi bào phòng riêng và sau đó ra vườn đi dạo .
Tôi dẫn chàng trai đi vào phòng mình , để pha cafe xong :
– Bác cháu mình đem cafe ra ngoài sân vườn uống và nói chuyện nha .
– Dạ .
Chúng tôi song bước ra ngoài vườn , đi trong im lặng như để cho đối phương đủ thời gian để cảm nhận về nhau và suy nghĩ về những gì cần nói .. Ra đến nơi có bàn ghế đá và bóng râm , gió mát , chủng tôi ngồi xuống , đốt điếu thuốc tôi hỏi :
– Sao ? bây giờ tôi có thể giúp anh điều gì nào ?
– Bác có thể kể cho cháu nghe về tất cả những gì Bác biết không ạ .
Nhìn về xa xăm , như một cuộc phim quay chậm đang được tua lại cách đây 39 năm …
– Sáng hôm ấy vào thăm vợ của tôi đang nằm ở Bệnh Viện Quân Y Nha Trang , nghe vợ kể đêm qua có một người phụ nữ vừa sanh một bé trai lai Mỹ đen , đang muốn cho .. tôi đi qua nhìn thấy một đứa bé da ngâm đen nhưng thật dễ thương , trông nó còn đẹp hơn cả đứa con gái mà vợ tôi mới sinh , trán có ba nếp nhăn giống tôi , trán vồ , mũi gãy .. tôi nói với vợ hay xin nó về nuôi luôn một thể , có gì thuê người trông nom phụ , nhưng vợ tôi không chịu vì sợ người ngoài đàm tiếu sanh đôi mà một đứa đen , một đứa trắng , vậy là đi lang chạ sao ? thế nên chịu .. Mẹ cậu là một người đàn bà cao đẹp , nghe nói có chồng thường xuyên đi công tác xa , có lẽ bà có cuộc sống phóng túng nên khi sanh , phải từ Đà Nẳng vào tận Nha Trang để sanh , nếu là đứa con thuần Việt thì bế về nuôi , còn không thì … chứ làm sao ăn nói với chồng đây , lúc đó thời chiến nên những đứa trẻ như cậu sẽ được đưa vào Trại cô nhi viện chăm nuôi , nếu có ai nhận làm con nuôi thì cho … Tôi chỉ biết có vậy thôi , không biết còn giúp gì được cho cậu nữa không ?
– Thưa Bác , suốt thời gian qua cháu chỉ thắt mắc về lý do tại sao Mẹ lại bỏ cháu mà thôi. Bây giờ qua chuyện Bác kể cháu đã biết lý do rồi .. cháu cũng vì thắc mắc lý do đó, mà đem lòng thù hận đàn bà và chấp nhận sống độc thân cho tới tận bây giờ.
Bỗng bất ngờ không kềm chế được, tôi bật cười vang .. ha .. ha .. ha .. Tiếng cười chất chứa một sự chua chát, khinh thường cái sự đời, như luôn trớ trêu phận người.
– Có gì mà Bác cười nghe cảm giác chua chát đến vậy ạ.
– Tôi cười vì chợt nhận ra anh suy nghĩ ấu trĩ và tôi thì ngu muội đến phũ phàng .. anh thử nghĩ mà xem, sau ‘giải phóng” tôi vượt biên sang Mỹ , một thân một mình đi cày bán mạng để dành dụm tiền bạc gởi về phụ vợ nuôi con và lo mua nhà để bảo lãnh vợ con sang đoàn tụ .. bảo lãnh vợ con sang , thì phải cày bán mạng hơn nữa để lo cho con ăn học .. nay ba đứa con đã lo cho yên bề gia thất, học vị Kỹ sư, Bác Sĩ, Tổng giám đốc .. nhưng rồi sao? tụi nó thông đồng quyết định tống khứ Ba của tụi nó vô đây, mặc dù tôi tỉnh táo không lú lẫn, khoẻ mạnh nhanh nhẹn không mất tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, mặc kệ người Ba đã tận tuỵ dầy công , hy sinh nuôi chúng khôn lớn thành đạt như hôm nay .. nhưng cũng lỗi ở tôi , vì đi làm nhiều quá không có thời gian để dạy bảo chúng thành người trước .. thay vì thành danh .
Thế nên , anh hãy quẳng cái suy nghĩ hận thù đàn bà ấy đi , cho tâm trí nó nhẹ nhàng và vui vẻ sống những năm tháng còn lại của cuộc đời , đừng quá đau đầu về nó mà uổng phí tuổi trẻ , nghe không ?
Tôi mà biết trước cái sự đời như thế vậy, tôi đã mặc kệ vợ con ở Việt Nam , mà ăn chơi bay nhảy cho khỏi uổng phí tuổi trẻ của tôi rồi.
Tiếng cười chua chát lại vang lên nghe thắt ruột , nhưng lần này là kèm theo hai dòng lệ tuôn rơi đầy đau xót.
Anh cám ơn và từ giã Bác ấy ra về, anh thầm cảm ơn buổi nói chuyện này , chẳng những giúp anh biết rõ lý do vì sao Mẹ bỏ mình, mà còn chứng kiến và hiểu hơn về mãng đời còn tăm tối hơn cả mình, thế mà chính người đang mang mãnh đời đầy cay nghiệt đó , vẫn cố tiếp sức cho anh đi tiếp quãng đời còn lại bằng chính câu chuyện của đời mình . Nhưng Bác ấy đâu biết rằng, anh đã không kể hết về đời mình .. rằng anh đi ghép với một gia đình cũng có ba con nhỏ , khi qua Mỹ anh xem họ như gia đình mình , vì là anh lớn .. anh không đi học mà đi làm luôn để phụ giúp gia đình nuôi các em , cho đến khi các em học xong bác sĩ, kỹ sư và sắp chuẩn bị kết hôn , thì Cha Mẹ bảo anh ra riêng sống .. chỉ vì sợ mang tiếng với thông gia .. thế là anh đành xách valy ra đi, với vốn tiếng Anh ít ỏi lượm lặt từ cuộc sống khi đã gần 40.
Bỗng anh chợt bật cười khanh khách một mình .. mắt cay nồng , tim đau nhói .. cho kiếp người của Bác ấy và cho anh!!!