Hội Ngộ Gia Đình Sư Đoàn 18 Bộ Binh (ThanhPhong/VienDongDaily)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

LITTLE SAIGON – Gia đình Sư Đoàn 18 Bộ Binh vừa tổ chức hai ngày hội ngộ tại Little Saigon, Nam California. Tiền hội ngộ vào thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015 tại Phòng Hội trong khu Del Amor, 9573 Bolsa Ave, Westminster, và ngày hội ngộ chính thức diễn ra tại nhà hàng Seafood Palace, 6731 Westminster Ave, từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều ngày Chủ Nhật hôm sau. Đặc biệt lần hội ngộ này có sự hiện diện của phu nhân Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và người anh cả của Sư Đoàn 18, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn.

Trong giây phút cảm động nhất trong lễ truy điệu anh linh các chiến sĩ SĐ 18 BB, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo rót rượu mời đàn em về uống. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Trong hàng ngũ quan khách, ngoài vị thượng khách là phu nhân Tổng Thống còn có sự hiện diện của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Chuẩn Tướng Lê Văn Tư, Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu (TQLC), Đại Tá Lê Văn Sang (Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn III), cựu Bộ Trưởng Lâm Lễ Trinh, Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn (Hội Trưởng Hội H.O.) cùng một số niên trưởng các Khóa 10 Đà Lạt, Khóa 5/68 Thủ Đức, Khu 33 Chiến Thuật, Các Phi Đoàn 223, 225 thuộc Không Lực VNCH, một số sĩ quan Tổng Hội Trưởng, Hội Trưởng các đơn vị quân đội như Trường Võ Bị Quốc Gia, Thủy Quân Lục Chiến.và Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Trung Học Châu Văn Tiếp Phước Tuy cùng đông đảo chiến hữu, thân hữu và giới truyền thông.

Pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân, Tiểu Đoàn 181 Pháo Binh điều hợp chương trình, Trước khi cử hành nghi thức khai mạc, ông mời mọi người đứng lên chào đón phu nhân Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB. Sau đó, nghi thức khai mạc diễn ra thật long trọng. Quốc kỳ VNCH, Hoa Kỳ, Quân Kỳ QL/VNCH và Hiệu kỳ Sư Đoàn 18 BB được toán quân danh dự rước vào trước lễ đài với tiếng kèn khai quân hiệu và mọi người nghiêm chỉnh chào kính.

Gia trưởng Gia Đình SĐ 18, chiến hữu Đặng Văn Phúc lên chào mừng phu nhân Tổng Thống, Thiếu Tướng Tư Lệnh, quý quan khách cũng như thân hữu và các chiến hữu.

Nghi thức chào cờ khai mạc ngày hội ngộ gia đình SĐ 18 BB. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Trước đó, người điều hợp chương trình, Pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân tuyên bố: “Sư Đoàn 18 BB Quân Lực VNCH, những người lính đã từng chiến đấu bảo vệ tổ quốc Việt Nam và tuyến thép Xuân Lộc. Ngày hôm nay chúng tôi có cơ hội để gặp lại vị niên trưởng của chúng tôi cũng như được gặp lại quý vị quan khách trong ngày lễ kỷ niệm 40 năm. Ngày hôm nay rất là quan trọng, vì có sự tham dự của vị Tư Lịnh Sư Đoàn 18 BB cho nên chúng tôi tổ chức một buổi lễ Truy Điệu long trọng để tưởng nhớ đến tất cả những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua.” Và cũng theo lời vị điều hợp, Lễ Truy Điệu là phần chính trong buổi hội ngộ nên được ban tổ chức chuẩn bị hết sức chu đáo, trang nghiêm và cảm động. Trước tiên, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo Tư Lệnh SĐ 18, Đại Tá Hứa Yến Lến Tham Mưu Trưởng Hành Quân Sư Đoàn 18, và Gia Trưởng Gia Đình SĐ 18 Đặng Văn Phúc lên đặt vòng hoa trước bàn thờ Tổ Quốc.

Trung Tá Cao Xuân Lê đọc bài điều văn thật cảm động, trong đó có đoạn: “Sư Đoàn 18 một thời oanh liệt, chiến thắng khắp miền Đông, trận Xuân Lộc quyết tử sau cùng làm nức lòng chiến hữu, thơm trang quân sử. Thế mà, một sớm một chiều đành rút bỏ. Trời ơi! Làm sao không tủi nhục, đau lòng! Tội nghiệp bao oan hồn chiến sĩ trận vong đã hy sinh mà không yên lòng nhắm mắt! Hỡi anh linh chiến sĩ trận vong. Hôm nay ngày 18 tháng 10, 2015, trên đất khách quê người, chúng tôi, cựu chiến binh Sư Đoàn 18 và bạn bè họp mặt, không phải để chén thù, chén tạc, bởi đời vong quốc nào có ai vui? Cùng nhau để vinh danh, tưởng niệm những chiến sĩ một thời đã hy sinh từ trận chiến đầu tiên khi Sư Đoàn mới thành lập đến trận sau cùng, tuyến thép Xuân Lộc lừng danh. Hỡi anh linh chiến sĩ trận vong! Dù đang lang thang nơi chân trời góc biển hay còn lãng đãng trên những chiến trường xưa, hãy về đây, uống vài ly rượu. Chuông trống hôm nay để rước vong linh người đâu lưng chiến đấu; nhang trầm hôm nay đã cuộn lấy hình hài người đã vượt thác trèo non…”

Trong lúc mọi người xúc động nghe bài điếu văn, trên lễ đài, phía bên phải bàn thờ tổ quốc, bốn chiếc nón sắt úp xuống mặt bàn phủ khăn tang trắng cùng bốn ngọn nến cháy sáng, bên cạnh lá cờ Tổ Quốc đã nhuốm máu bao chiến sĩ QL/VNCH, bốn chiến hữu SĐ 18 đứng nghiêm trang cúi đầu dâng bốn chén cơm, bốn đôi đũa như mời vong linh các anh hùng tử sĩ Sư Đoàn 18 về tận hưởng!

Dứt bài điếu văn, vị anh cả của Sư Đoàn bước lên trước chiếc bàn vừa nói, ông cúi đầu xúc động, đưa tay đón lấy chai rượu từ tay một trong bốn người lính Sư Đoàn trao, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, người hùng của mặt trận sau cùng, tuyến thép Xuân Lộc, một thời khi cộng quân nghe danh ông và Sư Đoàn 18 đã phải khiếp vía kinh hồn, thế mà nay, tay cầm chai rượu, ông cố mím môi giữ cho nước mắt khỏi tràn ra, nhưng không được.

Đứng gần ông, chúng tôi thấy những giọt nước mắt và gương mặt vô cùng đau khổ của một vị Tướng, khi nghĩ đến bao đàn em của mình đã hy sinh ngã gục, nghĩ đến nỗi oan ức, tủi nhục của một Sư Đoàn phải chấp nhận buông súng dù tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Sư Đoàn không hề nao núng! Tay cầm chai rượu, ông mở nắp đưa lên trước bốn chiếc nón sắt thầm thì cùng đàn em đã ra đi rồi dốc miệng chai xuống, từng giọt rượu màu vàng rải trên bàn, trên bốn chiếc nón sắt, thật bùi ngùi, xúc động.
Sau đó, vị Tư Lệnh có lời tâm tình cùng các chiến hữu của mình. Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã nhắc lại những trang sử oai hùng của Sư Đoàn 18, và ông nói, trong tiền hội ngộ, ông và anh em chiến sĩ Sư Đoàn 18 đã khóc, đã cười với nhau. Dù cá nhân ông và toàn thể chiến sĩ Sư Đoàn 18 được ca ngợi là những người lính chiến đấu anh dũng tại tuyến thép Xuân Lộc để bảo vệ thủ đô Saigon trong những ngày sau cùng của cuộc chiến, nhưng vị Tư Lệnh vẫn khẳng định rằng, những chiến thắng oai hùng của Sư Đoàn 18 có được, không phải chỉ do Sư Đoàn 18 mà còn có sự tiếp tay của các binh chủng, các đơn vị bạn.

Để trấn an các chiến sĩ, vị Tướng tư Lệnh nhắn nhủ: “Các anh em chiến sĩ Sư Đoàn 18, anh em đừng bao giờ mặc cảm mình là người thua trận. Chúng ta không thua, tất cả chỉ là sự sắp xếp của ngoại bang. Chúng ta chỉ buông súng vì không còn đạn dược chứ chúng ta không đầu hàng. Quân, Dân, Cán, Chính miền Nam đã phải chấp nhận một điều không thể chấp nhận được, phải chịu đựng một điều không thể chịu đựng được, phải sống khổ sở, lầm than. Nhưng chúng ta vẫn còn tương lai xán lạn; tương lai đó là thế hệ con em chúng ta, chúng đang làm rạng danh cho nòi giống Việt, và chúng sẽ nối tiếp những gì cha anh chúng còn dang dở cho một quê hương Việt Nam tự do, dân chủ và không còn chế độ cộng sản bạo tàn cai trị..

Sau đó, các chiến sĩ Sư Đoàn 18 lên trước sân khấu cùng hợp ca những nhạc phẩm như “Sư Đoàn 18 Hành Khúc – Cờ Bay, Cờ Bay…” làm không khí trầm buồn trong ngày truy điệu bỗng trở nên hừng hực khí thế đấu tranh.

Trong cuốn Lược Sử QL/VNCH do Đại Tá Trần Ngọc Thống, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân và cố Trung Úy Lê Đình Thụy biên soạn ghi: “Sư Đoàn 18 BB thành lập ngày 16 tháng 5, 1965 tại Xuân Lộc, Long Khánh. Danh xưng ban đầu là Sư Đoàn 10 BB, được hình thành từ các Trung Đoàn 43, 48 và 52 biệt lập cùng cac đơn vị yểm trợ và tác chiến kỹ thuật cùng Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh và các Tiểu Đoàn Pháo Binh. Ngày 1 tháng Một,1967, Sư Đoàn 10 BB được cải danh thành Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Sư Đoàn chịu trách nhiệm Khu 33 Chiến Thuật bao gồm Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy và Đặc Khu Vũng Tàu. Với các chiến công lẫy lừng, các chiến sĩ SĐ 18 được tưởng thưởng mang dây biểu chương màu Quân Công Bội Tinh. Kể từ ngày thành lập đến tháng 4/1975, các vị Tư Lệnh Sư Đoàn theo thứ tự thời gian gồm: Đại Tá Nguyễn Văn Mạnh, Chuẩn Tướng Lữ Lan, Đại Tá Đỗ Kế Giai, Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ, Đại Tá (sau lên Thiếu Tướng) Lê Minh Đảo.”