HỘI ÁI HỮU TÂY SƠN BÌNH ĐỊNH NAM CALI TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 37, CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA NĂM THỨ 235 (Feb.18)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Người Tây Sơn Bình Định tại Little Saigon

kỷ niệm 235 năm chiến thắng Đống Đa

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Đại lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Đống Đa Xuân Kỷ Dậu 1789 với chủ đề “Mừng Xuân Mới, Nhớ Ngày Tây Sơn” vừa được Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 18 Tháng Hai, Mùng Chín Tết Giáp Thìn, tại khu vực tượng đài Vua Quang Trung, góc đường Euclid và đường Emperor Quang Trung, thành phố Garden Grove.

Tiến Sĩ Cai Văn Khiêm, trưởng ban tổ chức, phát biểu khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ngày đại lễ năm nay là năm thứ 37 kỷ niệm chiến thắng Đống Đa do Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định tại hải ngoại tổ chức hằng năm, để tưởng niệm người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược bờ cõi, đem lại nền độc lập tự chủ cho nước nhà.

Tiến Sĩ Cai Văn Khiêm, trưởng ban tổ chức, nói: “Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định tổ chức ngày đại lễ Tây Sơn để dâng nén hương tôn vinh Vua Quang Trung và nhà Tây Sơn với hai chiến công rực rỡ trong lịch sử Việt Nam, đó là chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút mùa Xuân Ất Tỵ 1785, và chiến thắng Đống Đa mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Đây là những chiến thắng oai hùng và chính nghĩa, vì chúng ta đánh đuổi ngoại xâm để bảo vệ tổ quốc, không tham vọng bá quyền, chính nghĩa hòa bình không xâm lăng.”

“Nhà Tây Sơn không còn nữa nhưng tinh thần Tây Sơn vẫn còn đây, và lòng yêu nước của người dân Việt vẫn còn đây. Nhân đại lễ Tây Sơn hôm nay, chúng tôi hâm nóng lại tình yêu quê hương của chúng ta, trong ý nghĩa đó chúng tôi kính mong quý vị cùng hợp tác phục vụ cộng đồng và phục vụ quê hương. Đây còn là dịp để hội có cơ hội chúc Tết đến quý đồng hương, chúc thế giới hòa bình, quê hương yên vui, chúc mọi người mạnh khỏe và tràn đầy hạnh phúc yêu thương,” ông trưởng ban tổ chức nói thêm.

Các vị trong Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định dâng hương trong ngày đại lễ kỷ niệm 235 chiến thắng Đống Đa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ, hội trưởng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, nhắc lại: “Năm 1789, tính đến nay là đã 235 năm, với các thiết bị thô sơ, với tầm vông, dao kiếm, voi và ngựa, binh sĩ phải chạy bộ, hai người khiêng một, ăn bánh tráng, bánh tét, bánh chưng, vừa chạy vừa ăn… Thế mà đã có một cuộc hành quân thần tốc vô tiền khoáng hậu. Từ miền Trung Việt Nam, trong vòng 55 ngày đêm vượt ngàn dặm đường bộ, đại quân của Vua Quang Trung đã kịp đến kinh thành Thăng Long trước Tết Kỷ Dậu 1789.”

“Quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị làm chủ soái, chiếm nước ta theo lời cầu cứu của vua quan nhà Lê, vào Thăng Long dễ dàng nên chủ quan, tự kiêu tự mãn, chúng yên tâm vui chơi ba ngày Tết. Vua Quang Trung lợi dụng thế bất ngờ trong binh pháp, đêm Mùng Bốn rạng ngày Mùng Năm Tết Kỷ Dậu 1789, đại quân Tây Sơn chia ra các cánh quân đồng loạt tấn công vào toàn thể các đồn và căn cứ Ngọc Hồi, Hà Hồi, Đống Đa, Thăng Long thành. Bị bất ngờ trở tay không kịp, Tôn Sĩ Nghị và bè lũ giặc Thanh đã không kịp mang áo giáp, chạy qua cầu phao sông Hồng thây chết nổi đầy sông, Sầm Nghi Đống phải tự sát vì không chạy thoát,” ông kể tiếp.

Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ, hội trưởng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, nói về ý nghĩa chiến thắng Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Chiến công lừng lẫy có một không hai do thiên tài Vua Quang Trung đã đem lại độc lập tự chủ, đã làm cho Vua Càn Long nhà Thanh phải thán phục, bỏ ý định xâm lăng nước ta. Ông đã đuổi được giặc xâm lược, đem lại thanh bình không được bao lâu thì bất ngờ qua đời vì bạo bệnh, giữa lúc nhà Tây Sơn phải chống chọi với quân nhà Nguyễn mưu cầu phục quốc,” ông nói thêm.

Tiếp đến, nghi thức tế lễ khi ba hồi chiêng trống nổi lên, do Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định trang trọng thiết lễ trước tượng đài Đại Đế Quang Trung, lần lượt các phái đoàn dâng nén tâm hương kính nhớ người anh hùng dân tộc áo vải đất Tây Sơn cùng tướng sĩ đã đánh đuổi giặc Thanh ra khỏi bờ cõi, mang lại tự do độc lập cho nước nhà.

Tam ca Thanh Nguyên, Ái Phương, Jennifer Thùy hát “Cô Gái Việt” trong ngày đại lễ chiến thắng Đống Đa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong khi đó, bài văn tế Vua Quang Trung do ông Lê Anh Dũng, một người gốc Bình Định, tuyên đọc, vang lên sang sảng như phảng phất anh linh chiến sĩ trong trận chiến thắng Đống Đa năm xưa về chứng giám trong khói hương nghi ngút.

Trong ngày đại lễ, nhiều vị cao niên cũng đến tham dự, như bà quả phụ Trần Đình Vọng, cựu tỉnh trưởng Bình Định, năm nay đã 101 tuổi nhưng hằng năm đều dự lễ kỷ niệm đại thắng Tây Sơn; Giáo Sư Lê Văn Ba, sáng lập viên đầu tiên và là cố vấn Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định; và còn nhiều vị khác…

Phần văn nghệ sôi nổi khi Ban Văn Nghệ Tây Sơn cùng Hội Bà Triệu đồng ca bài “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương để chúc Xuân đến tất cả mọi người.

Trình diễn thời trang áo dài “Cánh Thiệp Đầu Xuân” trong ngày đại lễ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiết mục biểu diễn của hai ca sĩ Hương Thơ và Thúy Vi trong bài song kiếm cho thấy tinh thần chiến đấu của người Việt trong lịch sử dũng mãnh như thế nào, chỉ với mục đích bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lược của ngoại bang.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc cũng đóng góp trong chương trình khi ông đệm đàn guitar cho Phong Dinh hát bài “Mùa Xuân Tiếng Hát Tha Phương,” một sáng tác của ông năm 1980 tại Canada nói lên nỗi nhớ quê nhà khi định cư xứ người.

Trải qua mấy trăm năm vật đổi sao dời, gương bất khuất, chí kiêu hùng, tài lãnh đạo, tài thao lược của Vua Quang Trung, vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn, vẫn mãi mãi là tấm gương cho hậu thế.

Trong nắng đẹp mùa Xuân, mỗi nén hương thắp lên là một nén hương lòng của người con Việt xa xứ, luôn giữ vững tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm. [qd]