Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất THÍCH QUẢNG ĐỘ (1928-2020)
Đến khi ông mất đi nhiều người mới chợt nhận ra rằng nước Nam đã mất một vị Chân Sư.
Uyên bác, ôn hòa và cũng rất kiên định trên con đường lèo lái con thuyền Đạo Pháp trong bối cảnh bão dông của dân tộc, Hòa Thượng Thích Quảng Độ -nói như nhà văn Trần Trung Đạo, là một nhà sư “Vô Úy” của Bi, Trí, Dũng.
Cho đến khi ông mất, nhiều người mới vỡ ra về góc đau thương của Phật Giáo Việt Nam và lịch sử Việt. Những kiếp nạn mà các nhà sư chân chính phải gánh cùng và cho dân tộc Việt.
Những vị cao tăng uyên bác về kiến thức, kiên định trong Chánh Pháp, từ bi trong đại nạn.
Có rất nhiều bài viết về Hòa Thượng, trong vai trò Đệ Ngũ Tăng Thống, lảy ra một phần lịch sử Phật Giáo Việt Nam và nước Việt Nam.
Những bằng chứng giấy trắng mực đen ghi lại việc các nhà sư tự thiêu, bị đày đọa cho chết vì không chấp nhận quốc doanh hoá Phật giáo.
Mỗi bài viết đều khiến lòng người chùng xuống, rưng rưng.
Với 45 năm sống trong chính quyền Cộng Sản, có thể nói đó là 45 năm Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị giam cầm và tù đày, không cách này thì cũng cách khác.
Và dù trong những lúc bi đát đen tối nhất ông không bao giờ lỗi nhịp với tâm mình.
“Vẫn một lòng son với nước non” như câu thơ trong bài ‘Chiều Đông’ mà ông làm những năm bị đày ải ở Thái Bình.
Chiến tranh Việt Nam, như người ta nói đến, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Hòa Thượng nhìn thấy đó là một cuộc “người Việt dày xéo quê hương đất Việt”!
Trên con đường lưu đày, biết cuộc sống đi về đâu, trách nhiệm với Phật Pháp với dân tộc sẽ quán xuyến như thế nào, nhưng ông biết là “sẽ không bao giờ khuất phục’.
Tôi nguyện sẽ không bao giờ khuất phục
những kẻ chỉ biết tin nơi bạo lực
nuôi hận thù và giết chết tình thương
đường tôi đi – buổi sáng nay
tràn ngập ánh thái dương
và cảnh vật reo vui chào tiễn biệt
miền Nam ôi!
niềm nhớ thương nói sao cho xiết
thôi xin tạm biệt người
và hẹn hội mùa Xuân.
Khi bị giam ở nhà tù Ba Sao, một địa ngục trần gian với các tù nhân chính trị, nơi chôn vùi hơn 600 quan chức VNCH, giữa thanh âm của sự chết chóc Ngài lắng nghe tiếng động của con tim mình
Màn đêm dày đặc phủ xà lim
Có khoản gì rơi giữa khoản im
Lắng mãi tôi nghe rồi mới biết
Thì ra tiếng động của con tim
Có rất nhiều bài viết về Hòa Thượng Thích Quảng Độ vào dịp ông đi xa, trong phạm vi của chương trình cùng Mai Hoa và Nhà văn Trần Trung Đạo đọc lại những bài thơ được Hoà Thượng làm trong những hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã nhất của đời ông.
Nhưng thông điệp ông để lại rât rõ ràng, dân tộc Việt muốn thoát khỏi kiếp nạn thì không được thoả hiệp và khuất phục trước cái ác.
Trích ‘Tôn giáo và Chính trị’ do Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch, đăng trên tập san Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh:
“… làm thế nào để điều hòa giữa tôn giáo và chính trị? Cả hai đều có chung một mục đích, đều là nhu cầu căn bản cho sự sống. Chính trị và tôn giáo đều là những yếu tố quan trọng của nền văn minh nhân loại, ta không thể tách rời hai yếu tố đó. Chính trị tự nó không phải là một điều xấu, nhưng khi nó bị những kẻ tàn bạo lạm dụng thì nó trở nên xấu. Nếu không có cảnh sát bảo vệ nhân dân chống lại trộm cướp, nếu không có quân đội bảo vệ quốc gia chống lại ngoại xâm thì chính sự sống của ta lâm nguy. Bởi thế ta phải biết ơn những người cầm quyền chính. Nhưng nếu họ phản bội nhân dân thì họ phải bị lên án và trừng trị.
Nhìn lên sân khấu chính trị ngày nay, những người còn một chút lương tri, đeo mang một lý tưởng hay có một ý thức cao về công lí và bình đẳng không phải đau lòng. Chính trị đã trở nên đồng nghĩa với phát –xít, đế quốc, quân phiệt và giành dật quyền hành để thỏa mãn thú tính. Những sự kiện này không thể kéo dài. Nếu người ta chiến đấu trên bình diện thú vật thì người ta cũng sẽ chết như thú vật. Nếu người ta sùng bái thú vật trong con người thì người ta cũng sẽ hạ xuống hàng thú vật.
Chính ở đây mà tôn giáo cần thiết để dóng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh. Tôn giáo biểu hiện những khát vọng tâm linh của con người và nói: “Nếu anh muốn có hòa bình và hạnh phúc, hãy xây dựng đời sống của anh trên những nguyên lý tinh thần và luân lí cao cả”. Con người càng tham lam bao nhiêu thì hạnh phúc càng xa vời bấy nhiêu. Bằng những thủ đoạn man trá và những hành động bạo tàn người ta có thể thành công trong một lúc nào đó nhưng người ta phải nhớ rằng chính vì thế mà người ta thường xuyên hủy diệt mầm mống hạnh phúc của cá nhân cũng như của cả dân tộc.
Thật vậy, chính trị và tôn giáo chỉ là hai phương diện của cùng một sức mạnh kiến tạo công bằng cho quốc gia. Tôn giáo thực hiện điều đó bằng cách nỗ lực tiêu trừ tội ác qua sự chuyển hóa bản tính con người bằng sự giáo huấn, giảng dạy, còn chính trị thì thể hiện nó bằng cách thay đổi hoàn cảnh và dùng sức mạnh diệt trừ tất cả tội ác. Khi nào cả hai tiến trình này được hợp lại, chúng ta sẽ có một quốc gia lí tưởng được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc…”
Tóm tắt tiểu sử Hòa thượng Thích Quảng Độ
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ – Đức Đệ Ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong di huấn cuối đời của mình ông muốn tang sự ông được thực hiện đơn giản, không điếu văn không tiểu sử không phúng điếu vòng hoa. Sau khi mất ba ngày thì hỏa táng và rãi tro xuống biển.
Hòa thượng Thích Quảng Độ, sinh năm 1928 tại Thái Bình với tên Đặng Phúc Tuệ. Năm 1954, ông di cư vào Nam và trở thành một nhân vật lãnh đạo Phật giáo.
Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhiều lần bị chính quyền cộng sản đưa ra tòa và kết án tù, hai lần bị trục xuất về quê quán Thái Bình, dù ông đã rời đó từ năm 17 tuổi khi xuât gia đi tu.
Sau 4 năm giam cầm ông ở trại tù Ba Sao Nam Hà thì chính quyền buộc phải thả ông ra dưới sức ép của quốc tế. Tuy nhiên cũng từ đó ông gần như hoàn toàn bị giam lỏng ở Thanh Minh Thiền Viện.
Hòa thượng Thích Quảng Độ từng là giảng sư đại học, một nhà văn, một dịch giả với một kho tác phẩm rất đáng kính nể trong đó phải kể đến bộ Phật Quang Đại Tự Điển 8 cuốn hơi 10 ngàn trang được ông làm trong thời gian ở tù.
Với 9 lần được đề cử Nobel Hòa Bình, được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto vinh danh các nhà hoạt động nhân quyền năm 2006, giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini vào năm 2003, tên tuổi ông đi vào lịch sử Việt Nam nói chung và Phật Giáo nói riêng như là một vị chân tu thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và ông đã trở thành những nhân chứng cho một thời kỳ biến động khủng khiếp cho đạo giáo cũng như cho dân tộc Việt.