HỔ TRONG RỪNG THẲM (Trần Quản Niệm)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Khí hậu nhiệt đới miền Đông Nam Á nóng, ẩm vì mưa nhiều nên cây lá rậm rạp, xanh tươi. Cây cành chen lấn, tàng lá dầy kín, dây leo chằng chịt, nhiều khu rừng cả nghìn năm, không có dấu chân người lai vãng, đượm vẻ uy linh, rờn rợn. Nơi đó thú rừng đua nhau sinh sống. Hổ được mệnh danh là chúa tể sơn lâm. Trong bộ lông mầu vàng cam, vằn vện, với thân hình rắn chắc, uyển chuyển, khi ẩn, khi hiện trong cành lá, bụi rậm, hổ có sức mạnh vô song.

Tuy chỉ nặng từ 140 kg (300 pounds) đến 260 kg (570 pounds) hổ có thể giết những con mồi to lớn như trâu rửng, bò mộng nặng từ 1,000 pounds đến 2,000 pounds (1,000kg). Thậm chí tuy không săn loài thú to lớn như voi, nhưng voi cũng phải kiềng mặt hổ. Đôi khi có cơ hội, hổ cũng giết voi con. Hổ thường xuyên bắt hươu nai, lợn lòi, các loài thú ăn cỏ, đôi khi cà người.

Phải chứng kiến hổ sinh hoạt trong môi trường rừng thẳm mới cảm thấy hết cái oai vệ, hùng dũng của nó. Bộ đi uyển chuyển,nhẹ nhàng, âm thầm như một chiếc bóng trong rừng lá. thoắt cái, hổ là hiện thân của một sức mạnh mang lại chết chóc. Bắp thịt căng lại trong thế trườn bò, ẩn nấp. Rồi phóng vụt ra, nhẩy chồm tới con mồi, với móng sắc như dao, hổ ghì chặt con mồi xuống đất và hàm răng nhọn hoắt như mũi giáo ngoạm sâu vào cổ con mồi. Hàm nó như hai gọng kìm sắt xiết chặt lại làm con mồi ngạt thở, dẫy chết. Sau đó hổ tha mồi đi một cách nhẹ nhàng, dù con mồi nặng gấp bội. Tuy không dễ có dịp trực diện hổ trong rừng sâu, chứng kiến những động tác vừa kể, nhưng qua màn hình TV hoặc quan sát con mèo nhà bạn và phóng đại lên100 lần hơn là bạn hình dung ra động tác của hổ. Hổ là con vật lớn nhất trong 37 loài thuộc họ nhà mèo.

Bộ lông mầu vàng cam rực rỡ, thêm những sọc đen vằn vện, khuôn mặt hổ thật oai nghiêm, đầy nét vương giả, xứng đáng được tôn vinh là vua của muôn loài thú trong rừng thẳm. Với móng sắc, răng nhọn, sức dũng mãnh phi thường, tài lanh lẹ và khả năng rình rập, ẩn nấp, hổ giết các thú vật khác để sinh tồn, không phải vì bản tính khát máu như loài người quan niệm. Các thú vật được tạo hóa phú cho tài chạy nhanh, nhẩy xa, bay cao, không dễ gì làm mồi cho hổ. Kiếm được miếng ăn trong thiên nhiên cũng vất vả chật vật lắm. Trung bình trong 20 lần phục kích, hổ mới thành công giết được con mồi một lần. Những con này thường già yếu hoặc còn nhỏ, thiếu kinh nghiệm.

Hổ có mặt trên trái đất chừng 5 triệu năm trước đây. Tuy nhiên bộ xương hổ đầu tiên tìm được do các nhà khảo cổ là của con hổ sống cách đây chừng 2 triệu năm.

Hổ trong huyền thoại

Chính vì sức mạnh vô địch của hổ, thêm tài ẩn núp, rình rập để bất chợt phóng ra tấn công, hổ là mối đe dọa cho người dân miền thượng du. Trong xã hội hoang sơ thời cổ, con người là một sinh vật yếu đuối, dễ dàng khiếp sợ và khuất phục trước các sức mạnh thiên nhiên. Từ đó, các sức mạnh trên được nhân loại khoác cho vẻ kỳ bí của thần linh. Trong đó có loài mãnh hổ.

Trong thần thoại Ấn Độ, thần Shiva vừa tượng trưng cho sự Tàn Phá và sự Dinh Dưỡng. Khi tượng trưng cho sự tàn phá, thần Shiva mặc áo da hổ, cưỡi trên lưng hổ tượng trưng cho sức mạnh. Trong cổ sử Trung Hoa, có một giai đoạn hổ tượng trưng cho vương quyền. Sau này, rồng chiếm địa vị tôn quý đó, thì hổ tượng trưng cho sức mạnh của hàng dũng tướng.

Trong một thời gian khác, hổ được coi là một sinh vật có khả năng thần quyền, là sứ giả liên lạc giữa người và thần linh

Hình ảnh hổ ngồi chầu hoặc nằm ngủ bên chân các nhà sư, biểu tượng cho sức mạnh của đạo Phật hài hòa, đã thuần hóa được các mãnh lực thiên nhiên

Hổ và rồng tượng trưng cho hai sức mạnh siêu nhiên. Trong đạo Lão, hổ tượng trưng cho cái xấu, âm trong khi rồng tượng trưng cho cái tốt, dương. Trong khi đó đạo Phật quan niệm ngược lại, hổ tượng trưng dương.

Bà mẹ Triệu Thành năm ngoài 70 tuổi, có người con trai vào rừng bị hổ tha đi mất. Bà đau đớn quá, chỉ muốn chết, gào khóc rồi đến thưa quan.

Quan cười nói rằng :

– Pháp luật thì trị làm sao được hổ

Triệu mẫu càng kêu gào, lăn lộn, không sao khuyên giải được

Quan quát mắng cũng không sợ. lại thương vì già yếu, không nỡ ra uy, bèn nhận lời sẽ sai người đi bắt hổ.

Bà già nằm phục trước công đường, đợi kỳ quan hạ trát mới chịu đi.

Quan không biết tính cách nào, bèn hỏi nha dịch xem ai có thể đi được.

Một tên lính lệ tên là Lý Năng đang say rượu đến trước án, nói rằng đi được.rồi lãnh trát lui ra. Lúc ấy bà lão mới chịu về.

Tên lính lệ tỉnh rượu, hối lắm, nghĩ rằng chắc quan chỉ bầy trò ra thế, để lão bà khỏi làm nhộn đó thôi, nên cũng không lo lắm, bèn cầm trát về nộp. quan huyện giận lắm, nói rằng:

– Mày đã nói có thể bắt được, nay còn hối thế nào được nữa

Tên lệ cuống quá, xin trát đi đòi những người săn bắn. Quan bằng lòng

Tên lệ họp tất cả thợ săn lại, đêm ngày mai phục trong các hang núi, chỉ mong bắt được hổ để phụng mệnh.

Dòng dã hơn một tháng, bị m ấy trăm roi đòn. oan khổ không kêu vào đâu được. Bèn đến đền Đông Quách Nhạc, quỳ xuống vừa khóc vừa khấn.

Một lát có con hổ từ ngoài đi vào.Tên lệ kinh ngạc, chỉ sợ bị hổ quắp. Hổ bước vào, không nhìn ngang ngửa, ngồi chồm hổm ở cửa.

Tên lính lệ khấn rằng;

– Nếu có phải mày giết con người ta thì cúi đầu để ta trói

Bèn lấy dây buôc vào cồ, dắt về huyện

Quan hỏi hổ rằng :

– Có phải mày bắt con của Triệu mẫu không?

Hổ gật. Quan nói

– Giết người thì phải tội chết, đó là hình phạt từ xưa đến nay. Vả Triêu mẫu chỉ có một đứa con mà mày ăn thịt mất, người già lão sắp chết, lấy gì mà sinh sống được. Hay mày có thể làm con bà ta thì ta tha cho.

Hổ lại gật đầu. Quan bèn sai cởi trói, tha cho đi.Triệu mẫu đang lo, không biết quan có giết hổ để đền mạng cho con mình không, thì sáng mở cửa đã thấy một con hươu chết nằm ở đầu hè.. Triệu mẫu bán da, bán thịt, lấy tiền đong gạo.

Từ đấy cho thế làm thường. Có lần hổ còn ném cả tiền, lụa vào trong sân. Triệu mẫu nhờ thế cũng được phong lưu.

Hổ phụng dưỡngTriệu mẫu quá hơn là con đẻ, trong bụng thầm cám ơn hổ. Thỉnh thoảng hổ đến nằm ngoài thềm, suốt ngày không đi. Người và vật đều cùng được yên ổn, không có ý hại lẫn nhau.Được vài năm Triệu mẫu chết, hổ vào nhà kêu rầm lên. Số tiền dành dụm được cũng đủ làm ma chay, người trong họ đứng ra chôn cất cho. Khi đắp mồ xong, hổ chạy vội đến, những người đưa đám bỏ chạy chạy cả. Hổ đến thẳng trước mộ, kêu rống như sấm động, một chốc mới đi.Thổ dân lập miếu “nghĩa hổ” ở cửa Đông để thờ. Đời nay vẫn còn.

Câu chuyện trên trích từ Liễu Trai Chí Dị, cho thấy hổ từng được thờ phượng. Ngày trước , ở Việt Nam vào dịp Tết, nguời ta còn bán tranh giấy vẽ hình hổ gọi là quan bạch hổ, hay bạch hổ tư ớng quân để dân chúng mua về thờ. Dân tộc Á Đông tại các nước lân cận Việt Nam cũng có tục lệ tương tự.

Trong xã hội cổ xưa, dân gian kính trọng hổ nên không dám nhắc tới tên, mà gọi chệch đi là hùm, cọp, khái, ông ba mươi, Bất đắc dĩ phải gọi đến hổ thì hổ được gọi là ông hổ.

Hổ trong văn chuơng

Lều của bậc tướng lãnh được gọi là hổ truớng. Trong lều, ghế ngôi của vị này có bọc da hổ, bốn chân ghế chạm móng hổ. Hổ phù là phù hiệu hình đầu cọp của quan tướng xưa. Hổ bảng hay bảng hổ là bảng ghi tên người đậu khoa võ cử. Hang cọp gọi là hổ huyệt. Như vậy hổ huyệt chỉ nơi cực kỳ nguy hiểm (không vào hổ huyệt sao bắt được hổ con) Nhưng bà Hồ Xuân Hương thì lại ví von đến chốn dễ thương, anh hùng nào cũng ham muốn (chốn ấy hang hùm, chớ mó tay). Dễ thương nhưng không phải không nguy hiểm, thân bại danh liệt, tán gia bại sản, mất cả giang san.

Cốt cảnh cáo loài người đừng làm điều gì độc ác, xấu xa mà tiếng để muôn đời bêu riếu. Hổ chết để da, người ta chết để tiếng.

Có mẹ nào mà chẳng thương con, dù dữ dằn cách mấy. Hổ dữ còn không ăn thịt con. Vào thủa tiền nhân vào khai phá miền Cà Mâu hoang vu, họ đối đầu với muôn ngàn nguy hiểm của thiên nhiên. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.

Cho rằng hổ có quyền lực thần linh, nên người ta tin tưởng nạn nhân bị hổ ăn thịt, biến thành ma trành, theo hầu và chỉ đường cho hổ biết những nơi nguy hiểm, hầm bẫy hay thợ săn mai phục. Lâu ngày hổ thành tinh, khi nhàn rỗi, hiện hình thành ông già râu bạc, ngồi nghe ma trành đàn hát mua vui. Truyện Thần Hổ của TCHYA là một truyện huyền bí đường rừng xây dựng trên huyền thoại này.

Bô lông hổ mầu vàng nhưng loài hổ ở miền xứ tuyết Siberia, lông mầu trắng, Hổ xám không thấy sách vở nào ghi nhận qua hình ảnh, trừ câu ví von hổ xám Cai Lậy, chỉ loại cường hào ác bá hùng cứ một phương, nhiễu hại dân lành.

Bộ mặt vằn vện của hỏ̉ lúc bình thường trông oai nghiêm bình thản, nhưng khi nhe nanh múa vuốt trông rất dữ tợn.Chưa cho thế là đủ, binh chủng Biệt Động Quân trước 1975 chọn huy hiệu cọp ba đầu rằn cho thêm phần dữ dằn, khích động tinh thần chiến đấu của binh sĩ.

Cáo mụợn oai hùm ám chỉ những tên nịnh hót gian ác, mượn thế lực của người khác, hù dọa đồng hương để kiếm ăn.

Hổ bộ, tướng đi như hổ

Hổ cốt, xương hổ khí nóng, vị cay, không độc thường dùng để nấu cao và ngâm ruợu. Họa hổ, hoạ bì, không họa cốt, ám chỉ con nguời trông bề ngoài như thế, nhưng không biết lòng dạ thế nào

Hổ quyền, cũi nhốt hổ

Hổ thị, cái nhìn hung dữ như muốn ăn gan người

Hổ tướng, viên tướng dũng mãnh và tài giỏi

Hổ cứ, cop ngồi. Nơi hổ cứ

Hổ trong tiệm thuốc Bắc

Ngày nay, dân số thế giới ngày càng đông, người ta khai phá rừng để trồng trọt nên đất sống của hổ bị thu hẹp dần. Thêm vào đó, hổ bị con người với súng ống tối tân, săn bắn như một thú tiêu khiển trưởng giả, hoặc giới con buôn hạ sát để bán da làm vật trang hoàng, xương và các bộ phận khác làm thuốc.

Châu Á (Việt, Thái, Miên, Lào, Mã Lai) còn chừng 1,500 con hổ, Bengal còn 4,000, Sumatra chừng 500. Chẳng bao lâu, nếu không có biện pháp bảo vệ tích cực, hổ sẽ bị tuyệt chủng. Mất đi một sinh vật đẹp tuyệt vời như hổ trên quả đất này, quả là điều đáng tiếc lắm thay.

Niềm tin vào linh dược do bộ phận của loài dã thú mang lại, chính là nguy cơ diệt chủng của hổ trong tương lai. Số phận của 6,000 con còn lại trên thế giới không sáng sủa. Theo hội bảo vệ động vật quý hiếm thì 3 trong 8 loài hổ có trên mặt đất đã biến mất. Ở Ấn Độ, nơi vẫn còn nhiều hổ sinh sống, trung bình hàng năm có 300 con bị thợ săn sát hại. bán cho ba Tầu làm thuốc.

Tầu và Đại Hàn không bỏ sót một phần nào của cơ thể hổ. Bộ phận sinh dục hổ đực được dùng để chữa bệnh lao xương. lao tủy (?). Bao tử là thuốc trị bệnh dạ dầy. Răng được nghiền thành bột dùng chữa vết thương ở cơ quan sinh dục người nữ. Xương nấu cao, chữa bệnh đau xương, nhức mỏi, tăng cường sinh lực cho người bất lực. Thậm chí phân hổ cũng dùng chữa bỏng và làm thuốc cai nghiện rượu (?)

Ngoài ra móng hổ, răng hổ đươc bịt vàng đeo ở cổ như vật trang sức, cũng để xua đuổi ma quỷ. Da hổ dùng làm vật trang hoàng.

Dân miền thượng du Việt Nam nhổ râu hổ khi săn được, cắm vào măng tre, ít lâu sau, râu hóa thành một loài sâu cực độc, họ phơi khô, nghiền thành bột làm thuốc độc ám hại kẻ thù.

Mới đây tại phi trường Los Angeles quan thuế bắt được một Hoa kiều gốc Mỹ về tội dấu trong hành lý một bộ xương hổ và 200 mật gấu đã sấy khô. Nếu lọt vào phố Tầu, trị giá những món quốc cấm này lên đến 800,000 đô la. Người Trung Quốc và Đại Hàn đã chuyển vào các nước Tây Phương những loại thuốc chế biến từ hổ gồm 15,079 kiện thuốc viên, 5,000 lít rượu thuốc và 31,500 miếng cao hổ cốt, trị giá lên đến nhiều triệu đô la. Dĩ nhiên không hiếm loại giả mạo.

Ngoài ra hổ còn bị buôn bán bất hợp, nuôi như một con thú quí cốt giựt le cùng hàng xóm. Năm 1997 tại Philadelphia cảnh sát tìm thấy một con hổ con được nuôi trong apartment giữa thành phố. Người chủ cho biết anh ta mua với giá $6,000 và nuôi bằng thịt gà bán ngoài siêu thị.

Hổ trong sở thú

Ngày nay và các thế hệ sau, có lẽ chúng ta chỉ thấy hổ trong sở thú. Dù cố gắng tạo cảnh trí thiên nhiên, nhưng làm sao bằng khoảng trời đất thênh thang nơi rừng sâu bí hiểm mà hổ tung hoành như một vị chúa tể. Cái tâm trạng não nề của hùm thiêng sa cơ sống âm thầm sau song sắt đã được Thế Lữ diễn tả đầy đủ trong bài thơ sau đây mà chúng tôi sao lục để quý độc giả tường lãm, nói lên phần nào tâm sự người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị Cộng Sản cầm tù sau 1975. (Lời con hổ ở vườn Bách thú) nhà thơ Thế Lữ. (Tặng nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam)

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? *

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta nương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
– Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!