(lethanhnhan@vietquoc.org)
Con người đã bước qua 100 tuổi mà còn ngàn dặm đi Bắc Kinh giải quyết chuyện đại sự quốc gia bế tắc giữa hai siêu cường Mỹ-Trung là thuộc ngoại hạng. Người dân Việt Nam xem y như một kẻ phản bội, bán đứng Miền Nam Việt Nam tự do cho Cộng Sản Bắc Việt qua những chuyến đi đêm với Bắc Kinh và Hà Nội vào những năm sau Mậu Thân 1968 để thu xếp Hiệp Định đình chiến Paris (hay hiệp định Mỹ rút quân trong danh dự). Là người Việt Nam yêu chuộng tự do mà không ghét Kissinger đóng góp cho sự chiến thắng của CSVN đánh chiếm miền Nam là một người bất bình thường!
Đó là suy nghĩ của người Việt yêu tự do. Người Mỹ đánh giá về Kissinger theo thực tế và đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên không màng đến đạo lý Đông phương!
Hãy tìm hiểu một Henry Kissinger của nước Mỹ ra sao? Từ đó mới thấy việc đi thăm Trung Cộng ở tuổi 100 có mục đích gì?
Kissinger người gốc Do Thái (Israel) di cư đến nước Đức có cha là Louis Kissinger làm nghề giáo dạy học, mẹ là bà Paula ở nhà nội trợ và có một người em trai tên Walter Kissinger (1924–2021) là thương gia. Họ Kissinger không phải là tổ tông của ông mà là họ Löb mới đúng. Họ Kissinger được ông cố Meyer Löb đổi tên na ná theo thị trấn Bad Kissingen của tỉnh Bavaria nước Đức vào năm 1817. Khi còn trẻ, Henry Kissinger rất thích đá bóng, từng ở trong đội bóng của SpVgg Fürth nổi tiếng nước Đức thời bấy giờ. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ năm 2022, Kissinger kể lại một cách sống động rằng: “vào năm 1933, khi mới 9 tuổi và biết tin Adolf Hitler được bầu làm Thủ Tướng Đức, điều này chứng tỏ là một bước ngoặt sâu sắc đối với gia đình Kissinger”.
Từ đó, Đức Quốc Xã (ĐQX) nắm quyền, phát động chính sách phân biệt đối xử với những người Đức gốc Do Thái, Kissinger và những người bạn gốc Do Thái của ông thường xuyên bị các thanh niên của ĐQX quấy rối và đánh đập. Có những lần vì thích đá bóng Henry Kissinger cố lẻn vào sân vận động để xem các trận đấu, bị nhân viên bảo vệ nhận ra và đánh đập đuổi đi. Do kỳ thị người gốc Do Thái của ĐQX, Kissinger không được nhận vào đội tuyển bóng đá, cha ông cũng bị sa thải nghề dạy học.
Lúc Kissinger 15 tuổi, năm 1938, ông và gia đình trốn đến London nước Anh định cư một thời gian ngắn. Mấy tháng sau, ngày 5/9/1938 cả nhà di cư đến Mỹ sống tại thành phố New York. Sau này vì nghề nghiệp “ngoại giao”, Kissinger đã giả vờ hạ thấp tầm ảnh hưởng của ĐQX đối với tuổi thơ của ông, khi viết sách ông dùng lời văn nhẹ nhàng đối với thống trị của ĐQX rằng: “Nước Đức thời trẻ của tôi có rất nhiều trật tự và rất ít công lý; đó không phải là nơi có khả năng truyền cảm hứng cho sự tôn sùng trật tự một cách trừu tượng”. Mặc dù vậy, nhiều học giả kể cả sử gia Walter Isaacson – người viết tiểu sử của Kissinger – đã không đồng ý và cho rằng những gì đã trải qua thời thơ ấu của Henry Kissinger đã ảnh hưởng đến không ít đến việc thực hiện chính sách đối ngoại của ông khi ông trở thành nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Đến định cư tại Mỹ, Kissinger học trung học ở khu Washington Heights thuộc địa hạt Manhattan, New York. Mặc dù Kissinger hòa nhập nhanh chóng vào xã hội Hoa Kỳ, nhưng ngôn ngữ vẫn còn giọng tiếng Đức của mình… Những năm Trung Học, ông đi học vào ban đêm và làm việc trong một nhà máy sản xuất dao cạo râu vào ban ngày (1).
Kissinger gia nhập quân đội Mỹ
Hết trung học, Kissinger gia nhập quân đội Mỹ, dự khóa huấn luyện quân sự căn bản tại Trung Tâm huấn luyện Croft ở Spartanburg, tiểu bang South Carolina. Ngày 19/6/1943, lúc 20 tuổi, ông có quốc tịch Mỹ và đưa đến phục vụ ở Sư Đoàn 84 Bộ Binh Hoa Kỳ lúc bấy giờ đóng ở trại Howze, Texas, chừng 60 miles phía Bắc thành phố Dallas. Nhờ thông thạo tiếng Đức nên ông được phân phối vào bộ phận tình báo của Sư Đoàn 84. Trong thời gian phục vụ, Kissinger đã tình nguyện tham gia các nhiệm vụ tình báo nguy hiểm trong trận chiến Bulge ở Đức.
Trong cuộc tấn công của quân Mỹ vào Đức, dù chỉ cấp bậc binh nhì, nhưng do thiếu người biết tiếng Đức nên Kissinger được giao phụ trách điều hành thành phố Krefeld (phía tây bắc Düsseldorf). Chỉ trong vòng tám ngày, Kissinger đã thành lập một chính quyền dân sự tại địa phương. Nhờ công trạng đó, ông được thăng chức Trung Sĩ và điều động về Quân Đoàn Tình Báo Phản Công (CIC / Counter Intelligence Corps). Ở đó, Kissinger được giao chỉ huy một đội lính ở Hanover, nước Đức, chuyên truy lùng các sĩ quan Gestapo (Gestapo viết tắt của Geheime Staatspolizei – là cảnh sát đặc biệt của ĐQX ở những vùng châu Âu do Đức chiếm đóng). Qua công tác đó, Kissinger được truy tặng huy chương Ngôi Sao Đồng. Vào tháng 6/1945, được bổ nhiệm làm chỉ huy của phân đội CIC tàu điện ngầm Bensheim, quận Bergstraße của Hessen. Với nhiệm vụ này, Kissinger có quyền tuyệt đối bắt giữ mọi người, nhưng ông đã cẩn thận để tránh sự ngược đãi đối với người Đức địa phương (2).
Năm 1946, Kissinger rời quân đội Mỹ, sau đó với tư cách dân sự trở lại giảng dạy tại Trường Tình Báo Chỉ Huy Châu Âu.
Kissinger sau khi rời quân ngũ
Rời quân đội Hoa Kỳ năm 1946, sau một thời gian làm ăn tư nhân, rồi Kissinger vào Đại Học Harvard. Năm 1950, Kissinger tốt nghiệp ưu hạng cử nhân Khoa Học Chính Trị (Political Science), ông lần lượt nhận bằng MA (Master) và Tiến sĩ Chính Trị Học (PhD) cũng tại Đại học Harvard vào năm 1951 và 1954. Vào năm 1952, khi còn là sinh viên tại Đại Harvard, Kissinger chủ biên tạp chí Confluence và làm cố vấn cho giám đốc Ban Chiến Lược Tâm Lý. Luận án tiến sĩ của Kissinger đã được trao giải thưởng Charles Sumner (là tên của Thượng Nghị Sĩ Mỹ 1851-1871 thành viên sáng lập Đảng Cộng Hòa, chủ trương chống thế lực nô lệ), đây là một giải thưởng trao cho luận án xuất sắc viết về cách tiếp cận luật pháp, chính trị, lịch sử, kinh tế xã hội hoặc dân tộc của một sinh viên thuộc Khoa Chính Học ở Harvard.
Trong 20 năm, từ năm 1951-1971, với chức vụ Giám Đốc Hội Thảo Quốc Tế Harvard, Kissinger làm việc ở Đại học Harvard như là một bộ phận trong Chính Phủ Hoa Kỳ. Năm 1955, ông là cố vấn cho Ban Điều Hành Hoạt Động của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (3). Năm 1955-1956, Giám Đốc Nghiên Cứu về Vũ Khí Nguyên Tử và Chính Sách Đối Ngoại tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ. Năm 1956-1958, Giám Đốc Dự Án Nghiên Cứu Đặc Biệt Quỹ Rockefeller (3). Năm 1958-1971 Giám Đốc Chương trình Nghiên Cứu Quốc phòng Harvard. Ngoài công việc ở Harvard, ông còn làm cố vấn cho một số cơ quan chính phủ Mỹ và những tổ chức tư vấn Hoa Kỳ như Văn Phòng Nghiên Cứu Hoạt Động, Cơ quan Kiểm Soát và Giải Trừ Vũ Khí, Bộ Ngoại Giao và Tổ Chức RAND (3).
Kissinger bước vào chính trường Hoa Kỳ
Không thu mình trong những chức giám đốc ở Đại học Harvard. Với tham vọng chính trị, Kissinger muốn thao túng chính trường Hoa Kỳ. Lúc đầu Kissinger dùng chiếc bóng Nelson Rockefeller, với chức vụ “đầu tư chính trị”, Kissinger tình nguyện làm “Cố Vấn Chính Sách Đối Ngoại” cho các chiến dịch tranh cử tổng thống của Nelson Rockefeller 2 lần vào năm 1960, 1964 và (4).
Năm 1968, khi Nixon giành được sự đề cử ứng cử viên TT của Đảng Cộng Hòa tranh cử với đương kim Phó Tổng Thống Huber Humphrey của Đảng Dân Chủ, Kissinger nhanh chóng liên lạc với Richard Allen phụ tá chiến dịch tranh cử của Nixon và nói rằng ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp Ứng Cử Viên Richard Nixon thắng cử (5). Sau khi Nixon thắng cử tổng thống vào cuối năm 1968, tháng 1/1969 Nixon đăng quang Tổng Thống liền bổ nhiệm Henry Kissinger làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia được xem là “một trong những nhà lý thuyết gia quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của chính quyền Nixon”. Cũng từ đó, chiến tranh Việt Nam đi qua một lối rẽ khác.
Chính sách đối ngoại đặc thù của Kissinger
Khi Nixon đắc cử tổng thống thì Kissinger lên võ đài chính trị tại Tòa Bạch Ốc với chức vụ quân sư cao nhất nước Mỹ. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ ngồi cạnh Tổng Thống Mỹ. Sau đó kiêm luôn Bộ Trưởng Ngoại Giao của TT Nixon và Ford (6).
Không biết tài thuyết phục của Kissinger thu hút đến đâu mà nhà sử học David Rothkopf đã viết về quan hệ giữa Nixon và Kissinger rằng: “Họ là một cặp hấp dẫn tuyệt vời. Theo một cách nào đó, họ bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo lạ thường”. Kissinger là người bên ngoài đầy hấp lực, mang vẻ duyên dáng và sự kính trọng của một nhà trí thức mà TT Nixon bị thiếu. Kissinger là một công dân quốc tế, Nixon là một người Mỹ cổ điển. Kissinger có thế giới quan và điều chỉnh cách làm cho phù hợp với thời đại, Nixon có chủ nghĩa thực dụng và có tầm nhìn chiến lược tạo nền tảng cho các chính sách của họ.
Là người đề xướng chính sách ngại giao thực tế, Kissinger đóng vai trò chủ đạo đối ngoại nước Mỹ từ năm 1969-1977.
Trong 8 năm lèo lái nền ngoại giao nước Mỹ, Kissinger chủ trương chính sách hòa đàm và đối thoại với kẻ thù, như đối thoại để giảm căng thẳng giữa Mỹ-Liên Xô. Hòa hoãn đàm phán với thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai năm 1971, nối lại quan hệ hữu nghị Mỹ-Trung để chống Liên Xô. Đôi khi bất chấp danh dự và uy tín – “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, Kissinger xem quyền lợi là trên hết kể cả việc đàm phán để tháo chạy trong chiến tranh Việt Nam bất chấp hậu quả đạo đức…
Kissinger nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình
Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải thưởng chung Nobel Hòa Bình năm 1973 nhờ đàm phán Hiệp định đình chiến Paris tại Việt Nam. Lê Đức Thọ không nhận giải thưởng Nobel (7), vì y biết rằng đó là hiệp định đình chiến lừa bịp, sợ nhận rồi “mở miệng mắc quai”. Chỉ tội nghiệp cho Ủy Ban treo Giải Nobel lúc đó “hàng giả mà tưởng thiệt”. Kissinger là “kiến trúc sư” của Hiệp định Ba Lê, chắc chắn cũng biết đó là hiệp định hòa bình lừa bịp, nên lúc đó ông đã không đến Na Uy để nhận giải Nobel mà nhờ Đại Sứ Mỹ tại Pháp đến nhận tiền thưởng và trao tặng tiền cho tổ chức từ thiện, sau này đề nghị trả lại huy chương Nobel Hòa Bình của mình (8), có lẽ nhìn thấy cảnh tượng khổ đau của người Việt dưới chế độ Cộng Sản do quyết định vô đạo đức của mình trước đây chăng?!
Đàm phán với kẻ thù
Khi bước vào Tòa Bạch Ốc giữ chức Cố Vấn An Ninh Quốc Gia vào đầu năm 1969 và được Nixon bật đèn xanh muốn liên minh với Trung Cộng (9). Tháng 4/1970, cả Nixon và Kissinger đều hứa với TT Đài Loan Tưởng Kinh Quốc rằng hãy yên tâm và cho biết Mỹ đang muốn bắt tay với Trung Cộng (10).
Kissinger có hai chuyến thăm Trung Cộng vào tháng 7 và tháng 10/1971, chuyến đầu được thực hiện bí mật gặp Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai lúc đó đang phụ trách chính sách đối ngoại (11) để trao đổi lần đầu. Trong chuyến đi Bắc Kinh này, Kissinger nhượng bộ Chu Ân Lai bằng cách hứa sẽ rút lực lượng Mỹ ra khỏi Đài Loan. Để chứng minh lời nói, đợt đầu Mỹ rút 1/3 quân số, phần còn lại sẽ rút hết khi chiến tranh Việt Nam kết thúc (12). Điều này rõ ràng số phận cuộc chiến Việt Nam đã được định đoạt từ năm 1971 chứ không phải chờ đến khi ký hiệp định Ba Lê tháng 1/1973 mới biết.
Lần thứ 2, tháng 10/1971, Kissinger đi Bắc Kinh công khai. Lần này, số phận Đài Loan được định đoạt trên chính trường quốc tế, Trung Cộng sẽ thay chiếc ghế thường trực của Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc (13). Điểm đáng sợ ở đây là Kissinger “tráo bài ba lá” để tránh tiếng bị quốc tế cáo buộc bỏ rơi một đồng minh lâu đời như Đài Loan, Kissinger giả vờ tìm kiếm một giải pháp theo đó cả Trung Cộng và Đài Loan đều là thành viên của Liên Hiệp Quốc! Mặc dù Kissinger biết chắc “chỉ có một mình Bắc Kinh đại diện tại LHQ mà thôi” (14).
Thế là xong, những chuyến đi của Kissinger đã phá vỡ tảng băng ngoại giao Mỹ-Trung từ năm 1949 là thế đó, cuộc gặp thượng đỉnh năm 1972 giữa Nixon-Mao đã chính thức hóa bang giao giữa hai nước, chấm dứt 23 năm ngoại giao thù địch. Với kết quả tạo liên minh chiến lược Mỹ-Trung chống Liên Xô. Ngoại giao của Kissinger đã dẫn đến thành lập “văn phòng liên lạc” ở thủ đô của hai nước. Và bắt đầu trao đổi kinh tế và văn hóa giữa hai bên.
Bán đứng đồng minh bất chấp đạo lý!
Không phải chờ khi được bổ nhiệm làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cho Nixon, mà khi còn ở Đại Học Harvard, Kissinger đã đề xuất một sáng kiến ông đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Washington và Hà Nội đầu năm 1967. Không phải đợi đến tháng 5 năm 1968 mới bắt đầu hiệp định Ba Lê.
Không giống như Nixon, Kissinger ít (hay nói đúng hơn không có) quan tâm đến sự sống còn của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) (15), mặc dù có nguồn tin cho rằng Kissinger có hỗ trợ miền Nam Việt Nam để duy trì thế cường quốc toàn cầu của Hoa Kỳ, nếu miền Nam Việt Nam bị bỏ rơi nhanh chóng (16) nó trở thành hội chứng (syndrome/một tập hợp những thứ cảm xúc hoặc hành động thường tạo thành dị ứng lâu dài…) trong dân chúng Mỹ và làm mất niềm tin của đồng minh thế giới tự do.
Cần một cuộc hòa đàm để Mỹ rút quân và chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã có sẵn trong tim óc của Kissinger. Hòa đàm mở ra từ tháng 5/1968, đi vào bế tắc vào cuối năm 1969 do sự phản đối của phái đoàn VNCH (17), Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu không muốn quân Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam. Do sự thất vọng với ông Thiệu, Kissinger quyết định bắt đầu đàm phán hòa bình riêng và bí mật với Lê Đức Thọ ở Paris song song với cuộc đàm phán chính thức ngoài phòng hội mà phía VNCH không hề hay biết gì cả (18).
Ngày 01/08/1972, Kissinger gặp Lê Đức Thọ ở Paris, là lần đầu tiên, Kissinger sẵn sàng thỏa hiệp với Lê Đức Thọ rằng các điều khoản chính trị và quân sự của hiệp định đình chiến Paris có thể được giải quyết riêng giữa Washington và Hà Nội. Điều này nói lên không còn cần thiết một kế hoạch lật đổ chính phủ Thiệu như một điều kiện tiên quyết nếu Thiệu không chịu ký vào hiệp định đình chiến Paris (19).
Ngày 8/10/1972, tại một cuộc gặp bí mật của Kissinger và Lê Đức Thọ ở Paris, Lê Đức Thọ có một đề xuất quan trọng cuộc đàm phán (20) là lệnh ngừng bắn để người Mỹ rút toàn bộ lực lượng quân sự ra khỏi Nam Việt Nam đổi lấy việc trả tự do cho tất cả tù binh của Mỹ ở Bắc Việt được trả về Mỹ (21). Công thức quân hai bên Bắc Việt và Mỹ tại Nam Việt Nam đều rút về bị loại bỏ (21). Kissinger chấp nhận đề nghị của Lê Đức Thọ như một thỏa thuận tốt nhất.
Vào cuối năm 1972, cả Kissinger và Nixon đều thất vọng với việc Nguyễn Văn Thiệu từ chối chấp nhận bất kỳ loại thỏa thuận hòa bình nào kêu gọi quân đội Mỹ rút đi (22) tại Nam Việt Nam. Ngày 21/10/1972, Kissinger và đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đến Sài Gòn để trình cho Nguyễn Văn Thiệu bản hiệp định hòa bình mới này (22). TT Thiệu từ chối ký hiệp định hòa bình và yêu cầu sửa đổi nhiều điều làm Kissinger rất cay cú nói với Nixon rằng “tôi sắp phát điên lên rồi” (22).
Mặc dù ban đầu Nixon ủng hộ Kissinger chống lại Nguyễn Văn Thiệu, nhưng H.R. Haldeman (White House Chief of Staff) và John Ehrlichman (Cố vấn Tòa Bạch Ốc, Phụ tá cho Tổng thống Nixon về các vấn đề đối nội) thúc TT Nixon xem xét lại, cho rằng sự phản đối của TT Thiệu là có cơ sở (23). Vì vậy, Nixon muốn sửa đổi dự thảo hiệp định hòa bình Paris lần cuối, và ra lệnh cho Kissinger trở lại Paris để buộc Thọ chấp nhận sự sửa đổi đó (23). Kissinger biết trước những điều sửa đổi của Nixon muốn là “không thể nào” vì Lê Đức Thọ sẽ không bao giờ chấp nhận (23). Đúng như dự đoán, Thọ từ chối quyết liệt xem xét bất kỳ điều nào trong số những điều mà Nixon muốn sửa đổi. Ngày 13/12/1972, Kissinger rời Paris đi Hà Nội (24). Trong giai đoạn này, Kissinger cực kỳ giận dữ sau khi Lê Đức Thọ rời bỏ khỏi phòng họp ở Paris. Kissinger nói với Nixon rằng: “Chúng là một lũ khốn nạn, bẩn thỉu” (24).
Cả Nixon và Kissinger tức giận trước thái độ của Lê Đức Thọ nên đã giáng cho CSVN một đòn chí tử “oanh tạc 12 ngày đêm liên tục trên bầu trời Hà Nội trong Lễ Giáng Sinh năm 1972”. Hành động dằn mặt này của Mỹ để CSVN ngoan ngoãn chứ không phải dội bom để chiến thắng như một tin đồn gần đây cho rằng “lúc đó Hà Nội muốn đầu hàng”.
Dù sao thì Hà Nội cũng sợ xanh máu mặt, ngày 08/01/1973, Thọ đồng ý trở lại phòng đàm phán với Kissinger ở Paris và có một thỏa thuận, về cơ bản các điểm chính giống như thỏa thuận mà Nixon đã từ chối vào tháng 10/1972 cùng thêm những nhượng bộ lặt vặt bên ngoài tỏ ra xuống nước đối với Mỹ (25).
Nguyễn Văn Thiệu một lần nữa từ chối ký vào hiệp định hòa bình. Tuy vậy, sau khi nhận được tối hậu thư bảo đảm của Nixon làm TT Thiệu có hy vọng nên ông miễn cưỡng chấp nhận hiệp định hòa bình Ba Lê (26). Ngày 27/01/1973, Kissinger và Thọ ký một hiệp định hòa bình kêu gọi rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ khỏi Việt Nam trước tháng 3/1973 để đổi lấy việc Cộng Sản Bắc Việt trả tự do cho tất cả tù binh Mỹ đang giam giữ tại Bắc Việt (26).
Kissinger 100 tuổi đi không vững còn đến Bắc Kinh để làm gì trong lúc này?
Henry Kissinger đã đến thăm Trung Cộng cả 100 lần trong 100 tuổi thọ trên trần gian này. Có thể nói là người đi thăm Trung Cộng nhiều nhất, hầu hết các chuyến đi là âm thầm như những cuộc hò hẹn “tình nhân” – nhưng lần đi này thì truyền thông, báo chí của Mỹ, Trung Cộng và khắp thế giới đều đưa tin đầy đủ.
Nhìn chung của chuyến đi đặc biệt này thì phía Trung Cộng xem đây là cơ hội để gợi ý với Mỹ rằng họ sẽ có thái độ tốt hơn với Hoa Kỳ đã có từ thời Kissinger – ý muốn Mỹ-Trung không nên căng thẳng quá sẽ đứt dây cả hai đều té ngã. Phía Mỹ, cũng không muốn quá căng thẳng lâm vào chiến tranh hiện nay thì nguy hiểm khó lường. Với Kissinger, chuyến thăm là cơ hội để thực hiện “đường lối ngoại giao hòa hoãn khắc cốt ghi tâm” của mình; đồng thời, duy trì ảnh hưởng (power) cá nhân đối với nước Mỹ dù đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ nắm quyền.
Lần này, ngày 20/07/2023 Tập Cận Bình tiếp Kissinger tại Biệt phủ Điếu Ngư Đài với bức tranh treo tường rất lớn mô tả “hoa Mận nở vào mùa Đông”. Điều này xem như bật đèn xanh hoa nở trái mùa mà vẫn nở được.
Kissinger được đón tiếp long trọng hơn cả Ngoại Trưởng Antony Blinken, ngoài gặp lãnh tụ Trung Cộng Tập Cận Bình, Kissinger còn gặp hai giới lãnh đạo quân sự và ngoại giao của Bắc Kinh là Bộ Trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc và Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị. Ba chóp bu của Trung Cộng đều khen ngợi Kissinger là thân thiện và nhạy bén. Nói chung, Kissinger đến Bắc Kinh với một tín hiệu “hòa hoãn, đối thoại” mà cả hai, Mỹ đưa ông đi, Trung Cộng tiếp đón ông đến đều mong đợi…
Không một công tác gì mà phái một ông già 100 tuổi đi thi hành – còn sức đâu? Kissinger đi không vững phải có người dìu bên cạnh cho khỏi té thì còn làm gì được nữa. Thậm chí, ăn còn cầm muỗng nĩa không vững huống gì những việc đội đá vá trời. Ngoài cái “nhãn hiệu” của “made in hòa hoãn và đối thoại” chứ không đối đầu chiến tranh thì hình ảnh của Henry Kissinger thích hợp nhất.
Hóa ra, những “ồn ào” tại Đài Loan khói lửa mịt mù, Biển Đông dậy sóng… chỉ là đòn gió… Nếu Washington gửi Kissinger đến Bắc Kinh để cầu hòa thì đại cuộc đã sai lầm rồi. Tại sao?
Trường hợp không giải quyết Trung Cộng hiện nay thì mai này sẽ là đại họa cho nhân loại! Lúc này những hành động của Trung Cộng chỉ là mang hình tượng “nhỏ như con cóc muốn phình to bằng con bò”. Nền kinh tế Trung Cộng đang trong giai đoạn rất bết bát, quân sự thì yếu kém thua Mỹ hàng chục năm. Khi Trung Cộng đang yếu, giải quyết nó thì thắng thua đã định trước mắt. Chờ chục năm nữa Trung Cộng đuổi kịp Mỹ thì việc giải quyết bất phân thắng bại và Mỹ phải trả một giá quá đắc.
Hoa Kỳ ngày 4 tháng 8 năm 2023
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Chú Thích:
1) https://archive.org/details/kissinger00walt
2) https://www.nobelprize.org/prizes/peace/1973/kissinger/biographical/
3) https://en.wikipedia.org/wiki/Murray_Rothbard
4) https://en.wikipedia.org/wiki/Henry_Kissinger#CITEREFKarnow1983
5) https://web.archive.org/web/20090121140145/http://www.whitehouse.gov/administration/eop/nsc/
6) https://www.nobelprize.org/prizes/peace/1973/tho/facts/
7) https://en.wikipedia.org/wiki/Henry_Kissinger#CITEREFFerguson2015
8) Bernkopf Tucker 2005, p. 117.
9) Bernkopf Tucker 2005, p. 119.
10) Dube, Clayton. “Getting to Beijing: Henry Kissinger’s Secret 1971 Trip”. USC U.S.-China Institute. Archived from the original on November 10, 2013. Retrieved July 21, 2011.
12) Bernkopf Tucker 2005, pp. 128–130.
13) Bernkopf Tucker 2005, p. 130.
14) Karnow (1983), pp. 588–589.
15) Karnow (1983), p. 635.
16) Karnow (1983), p. 624.
17) Karnow (1983), p. 623.
18) Karnow (1983), p. 633.
19) Karnow (1983), pp. 647–648.
20) Karnow (1983), p. 648.
21) Karnow (1983), p. 650.
22) Karnow (1983), p. 651.
23) Karnow (1983), p. 652.
24) Karnow (1983), pp. 652–653.
25) Karnow (1983), p. 654.