HÃY CÙNG LÀM “NGƯỜI LÍNH TRUYỀN TIN” (Huỳnh Quốc Bình)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tôi từng nghe khá nhiều người Việt Nam than phiền rằng, “Tại hải ngoại, những người chống cộng, nói và viết bài tiếng Việt chỉ để mình đọc, hay viết cho nhau đọc, nói cho nhau nghe, chứ mấy bạn ‘Mỹ con’, và người Mỹ bản xứ chẳng biết, chẳng hiểu chúng ta muốn gì, hay làm gì? Rồi tôi cũng từng nghe lời than thở rằng, “Ngày nay, số người cổ võ việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt tại hải ngoại, và số người hết lời ca ngợi tác phẩm của người khác, hoặc khen văn chương của người khác, rất nhiều, nhưng những người bỏ tiền ra mua sách, hay góp phần quảng bá những gì mình khen ngợi, hoặc mình cho rằng nhiều người khác nên biết, nên hay, vẫn còn là thiểu số. Nói tóm lại, “cái khâu” góp phần quảng bá những gì mình cho là hay, là giá trị, là cần thiết, và người khác nên biết, vẫn còn là vấn đề chúng ta cần phải bận tâm.
 
Tôi tin rằng trong vòng hơn bốn Thập Niên qua tại hải ngoại, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nhiều loại sách vở, băng nhạc, băng video phim ảnh, tài liệu chính trị, hoặc “phi chính trị”, có lợi cho sự tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, được xuất bản tại Việt Nam, nằm đầy trong các thư viện, nhiều hơn số sách vở hay phim ảnh do phía người Việt Quốc Gia tị nạn Việt cộng xuất bản. Tôi nghĩ, số sách vở và phim ảnh chống cộng của “phe ta” nằm tại tư gia của mọi người, nhiều hơn là nằm trong các thư viện.
Tuần qua, tôi hân hạnh được đọc một điện thư ngắn trong nhóm thân hữu mà tôi có địa chỉ email trong đó. Bức thư nói về một quyển sách Anh ngữ do Nhóm Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, phát hành. Điện thư ngắn mà Cựu Trung Tá Trần Văn Thư, nguyên là Tổng Hội Trưởng, Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam của cuối Thập Niên 90, gởi cho quý niên đệ của ông trong Trường Võ Bị, và một số thân hữu khác, có đoạn như sau, “Tôi đã đọc ‘hơi kỹ’ cuốn sách Biên Khảo Lịch Sử Bằng Anh Ngữ – The Vietnamese National Military Academy and The Vietnam War (1948-1975) và tôi không  thể không ngưỡng mộ, tác phậ̉m lịch sử rất giá trị này. Hy vọng tác phậ̉m tuyệt vời này cần được pḥổ biến thật sâu rộng, so với tầm mức và rất giá trị của nó…” (hết trích)
 
Nhắc đến ông Trần Văn Thư, tôi không làm công việc giới thiệu hay đánh bóng một cá nhân trong bài viết này, bởi tôi không có nhu cầu đó, và tôi tin rằng Ông Thư cũng không cần tôi làm điều đó, nhưng để tôi chứng minh với những vị chống cộng, hay quý vị xa gần, về một trong những người lính Việt Nam Cộng Hòa rất quan tâm đến chính trị Việt Nam và Hoa Kỳ, đã có sự nhận xét về quyển sách Anh ngữ mà tôi vừa đề cập.
 
Ông Trần Văn Thư, người từng tốt nghiệp Cao Học về Chính Trị Học (Political Science) tại Hoa Kỳ, cộng với những “kinh nghiệm xương máu” thời ông còn là một người lính Việt Nam Cộng Hòa, cũng như tại hải ngoại, tôi từng chứng kiến ít nhất hai lần Ông Thư đã cùng một số nhân sĩ Việt Nam và Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam tại Oregon của cuối Thập Niên 90, đối chất và bẻ gãy âm mưu của phái đoàn Việt cộng đến Oregon để tuyên truyền cho chế độ Việt cộng tại Việt Nam và kêu gọi chất xám về giúp nước, trước các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ, để tôi an tâm giới thiệu quyển sách nêu trên đến mọi người.
 
Ông Trần Văn Thư giới thiệu tác phẩm Biên Khảo Lịch Sử Bằng Anh Ngữ – The Vietnamese National Military Academy and The Vietnam War (1948-1975) và kèm theo lời giới thiệu của nhóm chủ trương, như sau.
 
GIỚI THIỆU BIÊN KHẢO LỊCH SỬ BẰNG ANH NGỮ – THE VIETNAMESE NATIONAL MILITARY ACADEMY AND THE VIỆT NAM WAR (1948 – 1975)

Biên khảo lịch sử này nhắm đến các đối tượng: Các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, các Quân Nhân Hoa Kỳ gốc Việt, các nhà nghiên cứu lịch sử Chiến Tranh Việt nam.

 
– Biên khảo lịch sử này đề cập đến sự hình thành và phát triển của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (1948 – 1975), với những đóng góp và hy sinh của những sĩ quan xuất thân từ ngôi trường này trong Chiến Tranh Việt Nam.
 
– Phát xuất từ truyền thống ái quốc của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN), lịch sử của Dân Tộc Việt Nam từ thời lập quốc cho đến hiện nay được trình bày khái quát nhưng đầy đủ, giúp cho độc giả hiểu biết về cội nguồn, việc mở mang bờ cỏi, và những thăng trầm của Đất Nước Việt Nam qua mọi thời kỳ.
 
– Chiến Tranh Việt nam được phân tích dưới nhãn quan của những Người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Biên khảo này cung cấp một cái nhìn khác về Chiến Tranh Việt nam.
 
– Những sự kiện chính trị và quân sự liên quan tới Chiến Tranh Việt Nam kể từ năm 1945 đến năm 1975, được liệt kê theo thứ tự thời gian.
 
– Đặc biệt: Bài phản biện những xuyên tạc của truyền thông Hoa Kỳ về Chiến Tranh Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều bài viết, biểu đồ, bản đồ để giúp cho độc giả có một cái nhìn tổng quát về những khía cạnh của Chiến Tranh Việt Nam, nhiều hình ảnh liên quan đến lịch sử Việt Nam, Chính Thể Việt Nam Cộng Hòa và thành phố Đà Lạt trước năm 1975.
 
– Sách dày 370 trang, khổ giấy 7”X10” là một tập tài liệu đã được biên soạn, khảo cứu, truy lục và cô đọng khá công phu, trình bày trang nhã. Sách được Amazon phát hành trên toàn thế giới vào ngày 30 tháng 12 năm 2020 với giá $15.99. Xin vào link của Amazon sau đây để mua: https://amzn.to/3pE4yMF
 
– Sách do một nhóm Cựu Sinh Viên Sĩ Quan TVBQGVN chủ trương và thực hiện. (Hết trích)
Ngoài ra, tôi cũng hân hạnh được đọc một bài viết khá chi tiết về quyển sách nêu trên, của tác giả CSVSQ Nguyễn Sanh, Khóa 28 TVBQGVN và tôi đã xin hân hạnh đăng tải trên Trang Nhà riêng của tôi tại link sau đây:
Tôi viết bài này chỉ để xin nói rằng, chúng ta hãy cùng làm “Người lính truyền tin” bằng cách mua tác phẩm này, trước cho chính mình và làm quà tặng cho con em của mình, bằng hữu, đặc biệt là cho quý bạn “Mỹ con” và “Mỹ thứ thiệt”, hoặc những ai đọc được Anh ngữ. Phần chúng ta, sau khi đọc xong, hãy gởi tặng cho các thư viện tại địa phương, hoặc đặt mua và gởi trực tiếp đến thư viện tại nơi mình cư trú. Sách có thể đặt mua trên Amazon, tại link sau đây: https://amzn.to/3pE4yMF, giá khoảng 16 Mỹ kim kể cá cước phí, rẻ hơn tiền ăn sáng, tốn kém chỉ ngang ngửa với một tô Phở Xe Lửa.
 
Đâu phải lúc nào chúng ta hay ai cũng có phương tiện hay điều kiện, hoặc đủ khả năng để giải thích cặn kẽ về chiến tranh Việt Nam cho các bạn trẻ Việt Nam và người ngoại quốc hiểu. Tại Sao chúng ta không “Làm người lính truyền tin”, bằng cách góp phần quảng bá quyển sách giá trị nêu trên, và những sách giá trị khác, có lợi cho công cuộc đấu tranh, ngăn chận hay chấm dứt chủ nghĩa cộng sản, đến mọi người? Thí dụ, một tác phẩm khác của tác giả ngoại quốc, mà tôi vừa được Chị Nguyễn Tâm An, người nổi tiếng thực hiện các chương trình Live Stream trên Facebook và YouTube, gởi tặng; đó là quyển Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams, có người đã thoát dịch, “Đấu Kiếm Nơi Vùng Đất Xa: Những Ước Mơ Tan Vỡ Của Miền Nam Việt Nam” của tác giả George J. Veith, cựu Đại Úy Thiết Giáp Hoa Kỳ và việc làm này của ông như thể một nỗ lực “Trả lại Sự Thật cho Miền Nam”. Sách này có bán trên Amazon giá 32 Mỹ kim kể cả cước phí. Sách đã được Bình Luận Gia Phạm Gia Đại, người có biệt danh Người Tù Cuối Cùng, tác giả Hồi Ký Những Người Tù Cuối Cùng, mà tôi có dịp hân hạnh đọc qua, giới thiệu. Hôm tháng 4 năm 2021, BLG Phạm Gia Đại đã phỏng vấn tác giả George J. Veith như thể góp phần quảng bá tác phẩm giá trị của ông bạn Mỹ chúng ta đến mọi người.

Tôi đã làm “bổn phận công dân”, tôi đã đặt mua sách The Vietnamese National Military Academy and The Vietnam War tặng cho con và rể của tôi và các bạn ấy đang đọc. Tôi sẽ mua sẵn thêm vài cuốn vừa nêu và của tác giả George J. Veith để làm quà tặng khi cần thiết, cho những ai đọc được tiếng Anh, để họ hiểu rõ chính nghĩa của những người Quốc Gia chống cộng, đặc biệt là những Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta, từng chiến đấu hào hùng để bảo vệ đất nước, cho đến ngày 30-4-75.
 
Sau cùng, xin phép cho tôi được “khoe”. Trong nhà tôi lúc nào cũng có ít nhất từ mười đến hai mươi quyển sách về niềm tin Thiên Chúa, đặc biệt về lãnh vực hạnh phúc gia đình của tác giả Mục Sư Phan Thanh Bình và những sách về chính trị, xã hội của vài tác giả khác mà tôi thích. Để làm gì? Xin thưa, việc mua sách báo hay phim ảnh giá trị, để dành tặng thân hữu, là thói quen của tôi trong mấy chục năm qua. Bất cứ tác giả nào tặng sách báo cho tôi, tôi đều ủng hộ tiền in ấn như thể một lời tri ân dành cho những người đã bỏ thì giờ, công sức, viết ra những điều bổ ích cho tôi đọc và học hỏi.
 
Liên quan đến sách The Vietnamese National Military Academy and The Vietnam War, để bảo vệ chính nghĩa Quốc Gia, để vinh danh Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, tôi xin quý vị cùng tôi nhớ câu, “Đừng yêu lính bằng lời”.
 
Huỳnh Quốc Bình