(Trả lời một comment-phần 5)
Chị Hải Ý viết: “Con rất quý Cha vì thời sinh viên con tham gia ở thái hà và rất thích cha giảng. Nhưng nay con không thích cha dùng từ “CÚM TÀU”. Hãy gọi đúng tên gọi của nó cha ah. Trong hoạ có phúc, hoạ từ phúc mà ra. Hãy xem Đây là ý của chúa mẹ. Trong mọi sự việc con luôn tìm ra hướng tích cực của nó.”
***
Chị Hải Ý mến
Đoạn phản hồi chị viết đề cập đến tên gọi của dịch bệnh hiện nay và cái nhìn đức tin của chị về dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu chia sẻ cả hai thì sẽ rất dài, cho nên trong phần này tôi chỉ bàn đến vấn đề thứ nhất mà thôi.
***
Cám ơn chị đã rất chân thành nói thích và không thích cái gì nơi người khác. Biết nói như vậy sẽ giúp cho tương giao đôi bên trở nên dễ dàng và thuận thảo với nhau hơn, vì đôi bên sẽ phải đối thoại với nhau, rồi từ đó mỗi người điều chỉnh suy nghĩ và hành vi sao cho thích hợp nhất cho cuộc sống chung.
Theo tinh thần này, tôi muốn nói với chị rằng cái thích của con người cũng chỉ là một thứ tình cảm mau qua, tùy thuộc mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, mỗi thời điểm… Cái mình thích không phải là cái người thích. Cái mình thích hôm nay không chắc là cái mình thích ngày mai.
Bởi vậy, sống giữa đời cần phải biết tôn trọng sở thích của nhau. Với tôi, trong tư cách là một linh mục, cái gì vô hại, không xấu, không ác, không ở ngoài luân thường đạo lý mà người khác thích thì tôi tôn trọng. Mặc kệ họ. Miễn họ thấy ok là được!
Vì ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Mình không nên ép người khác phải theo sở thích của mình. Mà có ép cũng không thành. Trái lại, chỉ thêm căng thẳng và thậm chí là bất hòa và bất hạnh vì những cái không đâu.
Tôi dùng từ “Cúm Tầu” nếu chị không thích, tôi tuyệt đối tôn trọng, vì đấy là cảm quan và là quyền tự do của chị. Tôi không buộc chị cũng như không buộc bất cứ ai phải dùng theo tôi.
***
Tuy nhiên, chị muốn tôi gọi đúng tên của nó.
Thế thì theo chị gọi nó thế nào là đúng?
Ban đầu Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan đặt tên cho nó, gọi nó là “Virus Corona Chủng mới” (Novel Corona Virus), sau lại đổi thành Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận tiền nhiều nhất từ Tầu Cộng và Tầu Cộng đã làm áp lực để con virus này không được đặt tên theo nơi phát hiện là nước Tầu.
Vì xưa nay trong y tế quốc tế, có tập quán cứ virus hay dịch bệnh được phát hiện ở nơi nào thì gọi theo địa danh nơi đó. Thí dụ gọi là Cúm Tây Ban Nha, vì nước này công bố nó đầu tiên, gọi là virus Ebola vì nó được phát hiện ở lưu vực con sông cùng tên bên châu Phi, gọi là cúm Phúc Kiến vì nó xuất hiện đầu tiên ở Phúc Kiến, gọi là virus Marbourg vì nó được phát hiện đầu tiên ở Marboug bên Đức, vân vân. (1)
Cứ theo tập quán này, tôi nghĩ gọi là virus Vũ Hán, hay Cúm Vũ Hán thì có lẽ đúng hơn. Tôi cũng đã gọi như vậy. Tuy nhiên, cái tên Vũ Hán cũng hơi dài và cũng có vẻ xa lạ với người Việt mình, vả lại Vũ Hán là một thành phố bên Tầu nên tôi gọi luôn là Cúm Tầu cho dễ hiểu và dễ viết.
Thế thôi!
Cái tên tôi gọi cũng có thể chấp nhận được vì tôi thấy Tổng thống D. Trump của Hoa Kỳ cũng gọi là con virus này là Chinese Virus có nghĩa là Virus Tầu, hay nôm na là Cúm Tầu.
Nhưng chị lại có thể thắc mắc tại sao tôi không gọi là Cúm Trung Quốc mà lại gọi là Cúm Tầu?
Nhà cầm quyền Trung quốc rất giận và rất ghét ai gọi giống virus đang hoành hành gieo chết chóc trên thế giới này là Virus Trung Quốc, hay Cúm Trung Quốc.
Có phải vì tôi sợ Tầu Cộng trả thù cá nhân nên tôi tránh cái tên Trung Quốc không? Không! Có phải tôi sợ thiệt hại cho người khác, cho cả tập thể nên tôi tránh cái tên Trung Quốc không? Không! Tôi không phải là lãnh tụ, hay viên chức ngoại giao, hay đại diện của một tổ chức đạo đời to tát nào, nên không phải lo bị trả đũa.
Tôi gọi là Cúm Tầu là vì những lẽ khác.
Là linh mục thừa sai, tôi chỉ có bổn phận gọi tên sự thật.
Ngày trước cha Nguyễn Thể Hiện có giúp tôi học tý chữ Nho. Ngài cắt nghĩa cho tôi hiểu danh từ Trung Quốc nguyên ngữ có nghĩa là “quốc gia trung tâm”. Người Tầu xưa nay kiêu ngạo coi nước mình là trung tâm của thế giới và dân tộc mình văn minh nhất thế giới.
Trong khi đó họ coi các dân tộc bốn phương xung quanh chẳng khác loài cầm thú. Vì thế họ mới gọi các dân này bằng các cái tên đầy vẻ miệt thị và phân biệt chủng tộc là Bắc Địch, Đông Di, Tây Nhung, Nam Man.
Thế đấy! Người Việt mình trong cái nhìn và cách gọi của người Tầu cũng chỉ là một giống man di mọi rợ mà thôi.
Vì vậy cứ mỗi lần tôi nghe thấy cái từ “Trung Quốc” thì trong tâm trí tôi lại lảng vảng cái ý tưởng: rằng Tầu là trung tâm của thế giới mà tôi và mọi người dân Việt phải hướng về; rằng tôi và mọi người Việt khác chỉ là man dân cần phải nhờ Tầu khai hóa văn minh; rằng các vua Tầu xưa cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình nay là Thiên Tử, nghĩa là Con Trời, thay mặt Trời để trị vì thiên hạ trong đó có tôi.
Như vậy, cái tên Trung Quốc gợi lên nơi tôi tư tưởng kỳ thị dân tộc mà tôi và mọi người Việt chúng ta là đối tượng bị khinh rẻ, hạ nhục. Nó cũng gợi lên tinh thần nô lệ, vì vô tình hay hữu ý, cứ nghe tên nó, thì tôi lại cảm thấy mình thuộc vùng ngoại biên và thuộc chiếu dưới sống kiếp trâu ngựa.
Không biết có phải tôi nhạy cảm quá với chuyện từ ngữ không, nhưng đấy là ý tưởng và tình cảm có thật nơi tôi.
Tôi KHÔNG CHỊU ĐƯỢC cái tên gọi gắn liền với tư tưởng sặc mùi KỲ THỊ và NÔ LỆ kia còn vì một lẽ khác. Lẽ đức tin.
Tôi biết Chúa dựng nên mọi người đều là hình ảnh của Chúa và đều bình đẳng với nhau. Chúa cũng dựng nên các dân tộc và quốc gia và Chúa cũng muốn các dân tộc và quốc gia bình đẳng với nhau. Trong mắt Chúa mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều độc đáo, đều phản ảnh vẻ huy hoàng và vinh quang của Chúa.
Vì như Kinh Thánh nói: “Chúa định biên cương cho từng dân tộc. Người chia ranh giới cho từng cõi đất.” Và cụ Lý Thường Kiệt, người chống Tầu số một và bảo vệ chủ quyền Viet Nam số một cũng nói ý đấy về sau: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách Trời).
Vậy Trời muốn Dân tộc và Đất nước Việt Nam ta tồn tại và bình đẳng với Tầu và với mọi dân nước khác. (2)
Cũng trong tư cách là người có đức tin, tôi biết chỉ có Nước Trời mới là nơi tôi hướng về và chỉ có Chúa Giêsu mới thật là Con Trời, Đấng yêu thương, chăm sóc và dẫn tôi về Trời, chứ không phải các thiên tử của Trung Quốc như ông Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm hay kế nhiệm ông.
Đấy chị xem, cái tên gọi Trung Quốc quá nhạy cảm với tôi! Nó gợi đến sự bất bình đẳng và sự kỳ thị chủng tộc. Nó cũng gợi lên nơi tôi cái gì đó nếu không hiển nhiên trái đức tin, thì cũng không đúng với tinh thần và ý muốn của Chúa. Do đó tôi không gọi Trung Quốc mà thay vào đó tôi gọi là Tầu (3).
Tại sao dùng tên gọi này?
Vì tôi thấy tổ tiên mình ngày xưa đã gọi vậy.
Tổ tiên mình gọi quốc gia ở phía Bắc mình là Tầu. Rồi dân bên đó sang gọi là người Tầu, tiếng dân đó nói gọi là tiếng Tầu, hàng từ đó sang gọi là hàng Tầu, trà từ đó sang gọi trà Tầu, gốm từ đó sang gọi gốm Tầu, cơm từ đó sang gọi cơm Tầu, vân vân. Thậm chí hồi bé ở Miền Bắc quê tôi, tôi thấy người ta vẫn gọi bệnh ghẻ có cái là GHẺ TẦU, vì nghe nói bệnh này do TẦU PHÙ, nghĩa là do lính của Tưởng Giới Thạch truyền sang hồi năm 1945.
Tôi không biết các cụ có gắn việc gọi tên này với ý thức về vấn đề chủ quyền quốc gia- dân tộc của Việt Nam không. Nếu có thì đúng là tổ tiên mình thật là những người khôn ngoan, có tầm nhìn xa trông rộng. Dù sao thì tôi cũng thấy cách gọi như vậy rất hay và rất tiện.
Cứ theo đó bây giờ tôi gọi cơn dịch dịch bệnh Covid-19 từ Tầu sang hiện nay là CÚM TẦU hay DỊCH CÚM TẦU.
Gọi như vậy có thể lại đúng hơn cả, căn cứ theo TẬP TỤC Y TẾ QUỐC TẾ, theo TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM và theo CÁI NHÌN ĐỨC TIN CỦA TÔI. Amen./.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
(Còn tiếp phần 6)
(1) Thông tin lấy từ: https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-52030014
(2) Chính trong cái nhìn đức tin tôi mới hiểu tại sao ở châu Âu, từ thế kỷ thứ VI-V, Kitô giáo phổ biến đến đâu thì các quốc gia dân tộc lần lượt ra đời đến đó. Ngược lại, trong thế kỷ XX, khi các thế lực vô thần thắng thế, thì các quốc gia dân tộc bị thôn tính. Rồi sau đó, đức tin Kitô giáo lại là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định giúp các dân tộc ở Trung và Đông Âu giải thoát mình khỏi sự thống trị của CS và lấy lại được chủ quyền quốc gia dân tộc của mình.
Trên phương diện thực tế lịch sử người ta thấy khi đón nhận Chúa, lại là lúc mình ý thức đến căn tính dân tộc, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hóa của mình nhất. Ngược lại, khi vô thần thì người ta lại coi thường căn tính dân tộc và chủ quyền quốc gia, cũng như phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc nhất.
Vì vậy tôi không ngạc nhiên khi CSVN trước giờ luôn lơ là với vấn đề chủ quyền quốc gia-dân tộc và luôn tỏ là là bầy tôi trung thành của CSQT, mà cụ thể là Nga và Tầu.
(3) Tôi thấy cái tên gọi Trung Quốc thì hình như mới được dùng phổ biến ở Việt Nam từ mấy chục năm nay dưới thời cộng sản, trước là ở Miền Bắc từ năm 1954 sau là ở Miền Nam từ năm 1975.