GIÁO QUYỀN (Peter Chánh Trần)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Trong bài TRỐN QUÂN DỊCH, tui đã chia bố cục làm hai: Trốn quân dịch và Giáo quyền. Không ngờ nổi hứng viết đến 5686 chữ mà vẫn chưa hết phần một, chưa đụng gì đến phần Giáo Quyền. Đành tắt điện, chớ sẵn trớn viết luôn phần Giáo quyền, thì người viết chắc chết, và người đọc cũng ấn nút biến. Dưỡng sức xong, giờ viết tiếp phần hai, Giáo Quyền. Ai chưa đọc chuyện Trốn quân dịch (#chuyentaolao31), cứ quay đầu xe lại đọc, vì có liên quan đến phần hai này.
Cũng là chuyện tào lao thôi, biết cái gì viết cái nấy, chẳng bài bản chi cả. Ai muốn biết thêm về đạo Công Giáo, thì ghé vô đọc chơi. Người tín hữu quanh năm chỉ lo đọc kinh cầu nguyện, không để ý gì đến tổ chức của Giáo Hội, cũng đọc chơi cho biết. Bảo đảm không chết thằng tây nào! Rồi! Chuẩn bị ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, vừa nhâm nhi, vừa đọc nhe. Chán cứ nghỉ. Tui viết tới mệt thì cũng nghỉ. Đề tài hôm nay là chuyện tổ chức trong đạo, nói nôm na là giáo quyền.
Nói về mặt hành chánh, thì toà thánh Vatican (Va-ti-căn) ở Rome (La mã), nước Italy (Ý), được tổ chức như một quốc gia: Có lãnh thổ là Thành Vatican, dù bé tí tẹo. Có thủ đô là Toà Thánh Vatican. Có công dân hơn một tỷ tín hữu ở khắp thế giới. Có Tổng Thống là Đức Giáo Tông (Đức Giáo Hoàng). Có các Bộ gọi là Thánh Bộ. Có Hiến Pháp là Giáo Lý và Giáo Luật. Có Toà Đại Sứ là các Toà Khâm Sứ khắp nơi,… Người ta ví von: Vatican là một quốc gia trong một quốc gia, cũng có phần đúng về phương diện này. Tuy nhiên, Vatican là tiêu biểu của giáo quyền nhiều hơn thế quyền, và Đức Giáo Tông là vị thủ lãnh tối cao, có quyền uy tuyệt đối, mà tất cả giáo sĩ và mọi tín hữu khắp thế giới luôn tôn kính, tuân phục.
Đạo Công Giáo (CG), về mặt hành chánh, có thể nói là một tôn giáo có cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ, thống nhứt, và toàn cầu. Đặc biệt, Giáo quyền theo hệ thống hàng dọc, từ trên xuống, và sự vâng lời, tuân phục Bề Trên có thể nói là tuyệt đối. Thủ lãnh tối cao của Giáo Hội là Đức Giáo Tông. Kế đến là các Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục, và các Linh Mục. Gọp chung các vị ấy lại, gọi là giáo quyền.
1. Đức Giáo Tông (viết tắt: ĐGT hay ĐGH. Tiếng Anh: Pope)
Người Việt quen miệng gọi ngài là Đức Giáo Hoàng (ĐGH), và người CG thì gọi ngài một cách hết sức tôn kính bằng danh xưng Đức Thánh Cha (ĐTC). Danh xưng Giáo Hoàng nghe có vẻ hơi vua chúa, hơi phong kiến, hơi trần tục. Đức Thánh Cha, đối với người không theo CG, thì nghe có vẻ hơi “thần thánh hoá”! Quí vị nên làm quen với cách xưng hô, cách gọi này, cũng như người ta tôn kính và gọi ngài Đạt Lai Lạt Ma là Phật tái sinh, cũng đã sao! Tôi thích dùng chữ Đức Thánh Cha khi giao tiếp với các đồng đạo, nhưng cách chung chung, cả đạo hay không đạo, thì tui dùng danh xưng Đức Giáo Tông (theo phân tích của bạn Nguyễn Chương Mt). Có lẽ đây là danh xưng thích hợp nhứt, và tôi sẽ dùng trong bài viết này.
Nói nôm na theo dân gian, ngài là Giáo Chủ, là vị đứng đầu, cao nhất trong một tôn giáo cho dễ hiểu. Quyền bính của ngài là tuyệt đối. Sự vâng lời Đức Giáo Tông trong đạo CG cũng có thể nó là tuyệt đối, vì mọi tín hữu tin rằng ngài là người đại diện của Chúa, để tiếp nối việc điều hành Giáo Hội, có năng quyền y như ông Peter (Phê-rô), vị Giáo Tông đầu tiên được chính Chúa Giesu chọn vậy. Đức Giáo Tông hiện tại là ngài Francisco (Phan-xi-cô), được Hồng Y Đoàn bầu lên thay cho Đức Giáo Tông Benedic XVI (Bê-nê-đíc-tô 16), người đã từ chức trước đó.
Mở ngoặc một chút về con số La Mã đi sau tên của các Đức Giáo Tông. Thí dụ Đức Giáo Tông Benedic XVI, thì con số 16 (XVI) có nghĩa là trước ngài, đã có 15 vị Giáo Tông lấy danh hiệu Benedic và ngài là vị thứ 16. Khi thấy tên Đức Giáo Tông John Paul II (Gioan Phao-lô II), có nghĩa là trước ngài đã có 1 vị chọn danh hiệu John Paul rồi. Danh hiệu là tên một vị thánh mà Đức Giáo Tông đó yêu thích, coi như gương mẫu cho mình noi theo. Riêng Đức Giáo Tông hiện tại, chỉ thấy danh hiệu mà không thấy con số, nghĩa là chưa từng có Đức Giáo Tông nào chọn danh hiệu Francisco trước ngài. Ngài là vị Giáo Tông nổi tiếng sống khó nghèo, đơn sơ, nên ngài chọn Thánh Francisco, một vị thánh gương mẫu về lãnh vực này, là chuyện cũng dễ hiểu.
Đức Giáo Tông không có nhiệm kỳ, không có ấn định tuổi hưu, nghĩa là đảm nhận cho đến chết mới thôi. Việc từ chức rất hiếm xảy ra trong GH. Đức Giáo Tông Benedic XVI, từ nhiệm, là một trong vài trường hợp vô cùng hiếm hoi trong suốt hơn 2000 năm lịch sử GH.
Người vô thần rất dị ứng với chữ “Đức”. Đố ai tìm được báo nào khi đưa tin về Đức Giáo Tông Francisco mà có chữ Đức ở đầu. Đức Đạt Lai Lạt Ma càng không thể có! Họ chỉ nói trỏng Giáo Hoàng Francisco, còn Đức Đạt Lai Lạt Ma thì dù tên ngài không có chữ Đức, tui cũng chưa từng thấy… Người thường, dù tôn giáo nào, thì nó là từ dễ dàng chấp nhận. Người ta kính cẩn gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Tăng Thống, Đức Huỳnh Giáo chủ,… dù họ không theo tôn giáo do các vị đó cai quản. Người ta coi nó nhẹ nhàng như danh xưng Tổng Thống, của bất cứ một vị Tổng Thống ở bất kỳ quốc gia lớn nhỏ nào.
CS không phải chỉ “kỵ” chữ “Đức”, mà kỵ tất cả mọi thứ dính tới tôn giáo. Tỉ như Mẹ Theresa, vừa được tuyên Thánh. Cả thế giới đều tôn kính Mẹ, vì sự tận hiến, quên mình, cả đời phục vụ cho người nghèo, chăm lo cho những kẻ bị cuộc đời hất hủi, nhưng người CS nhứt định không gọi một tiếng “Mẹ”! Tui đố ai tìm ra bất cứ một tờ báo đảng nào viết bất cứ chuyện gì về Mẹ Theresa, mà gọi một tiếng Mẹ!
Họ mượn danh người nghèo, mượn danh những kẻ bị bóc lột để làm “cách mạng”, nhưng họ không phải là “đồng chí” của những người đứng về phía người nghèo, cụ thể như Mẹ Theresa. Những tên lãnh tụ giết người không gướm tay, thì họ cung kính xưng hô Bác này Bác nọ, thậm chí còn tôn lên thành Bồ Tát rồi nhang khói mù mịt, như lên đồng! Họ chỉ lợi dụng người nghèo để tranh quyền đoạt lợi, chớ hoàn toàn không vì người nghèo.
Chính quyền của dân, do dân, vì dân, chỉ có ở các nước tư bản giãy chết, chớ hoàn toàn không có ở xứ CS. Chính quyền CS là của đảng, do đảng, và vì đảng mà thôi. Cứ nhìn thực tế coi tui nói đúng không. Khỏi cãi chi cho mệt nghen! Ai lỡ giả đui, giả điếc, thì làm ơn giả mù, giả câm luôn khi đọc những lời thật này! Chớ ném đá chi cho uổng công! Tui ném lại đó!
2. Hồng Y (viết tắt: HY. Tiếng Anh: Cardinal).
Hồng Y là những vị mang tu phục màu đỏ. Hồng Y hay Giáo Tông chỉ là cái tước vị chứ không phải là chức vị. Chức vị của các ngài là Giám Mục. Tất cả đều là Giám Mục. Một vị Giám Mục được Hồng Y Đoàn bầu lên, để thay mặt Chúa cai quản Giáo Hội, thì được mang tước vị Giáo Tông. Đức Giáo Tông còn được gọi là Giám Mục thành Rome, tương tự như ở VN gọi Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội vậy. Một vị GM tài ba, đức độ, nhiều công lao, được Đức Giáo Tông phong ban cho tước Hồng Y. HY vẫn mang chức vị và nhiệm vụ của một GM như các vị GM khác. Có khoảng 200 Hồng Y trong GH.
Hiện có 125 HY dưới 80 tuổi, là những vị trong Hồng Y Đoàn, có quyền tham gia mật nghị để bầu Giáo Tông mới. Mật nghị là bầu kín, không có ứng cử, không có đề cử. Khi đã vô phòng bầu kín rồi thì cửa đóng: Nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ cầu nguyện và họp bầu cho tới khi bầu được vị Giáo Tông mới, khói trắng được đốt lên báo hiệu, mới thôi….
VN đã có 6 vị HY:
* HY Trịnh Như Khuê (1898-1978) là vị HY đầu tiên của VN, Tổng GM Hà Nội.
* HY Trịnh Văn Căn (1921-1990), Tổng GM Hà Nội.
* HY Phạm Đình Tụng (1919-2009), Tổng GM Hà Nội.
* HY Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), Vatican.
* HY Phạm Minh Mẫn, 85 tuổi, Tổng GM Sài Gòn (hưu).
* HY Nguyễn Văn Nhơn, 81 tuổi, Tổng GM Hà Nội (hưu).
HY cũng là GM, cho nên các ngài cũng coi sóc Giáo Phận y như một GM.
Đứng đầu các Thánh Bộ ở Toà Thánh Vatican, đại đa số là các Hồng Y.
Theo giáo luật, các GM buộc phải về hưu ở tuổi 75. HY là GM, nên cũng theo qui định này.
3. Giám Mục (viết tắt: GM. Tiếng Anh: Bishop).
Là vị đứng đầu, cai quản một Giáo Phận. Giáo Phận không phân định bởi các đơn vị hành chánh của một quốc gia sở tại. Ở VN có 27 Giáo Phận, mà ba GP lớn nhất là Giáo Phận Sài Gòn, Giáo Phận Huế, Giáo Phân Hà Nội. Mỗi Giáo Phận ngoài vị Giám Mục chính, thường có một hay nhiều Giám Mục Phó hay Giám Mục Phụ Tá. Các Linh Mục và Thày Phó Tế trực thuộc quyền điều hành của Giám Mục và đương nhiên là vâng lời Giám Mục của mình tuyệt đối.
GM được để cử và chọn ra từ hàng ngũ Linh Mục. Tiêu chuẩn dĩ nhiên là đức và tài. Đạo hạnh và giỏi. Trong một Giáo Phận có vài trăm LM, thì lúc nào cũng có một hay hai LM được GM cho vào danh sách (mật) làm ứng viên GM, để khi cần, thì toà Thánh Vatican có thể xét duyệt và tấn phong chức GM.
Đạo đức khỏi bàn. Chuyện tài giỏi đương nhiên cũng có tiêu chuẩn để được đánh giá. Đạo đức cỡ nào đi chăng nữa mà học hành cứ “đội sổ” từ năm này sang năm khác, thì làm sao có thể là người ưu tú để lãnh đạo sau này. Học luôn nhứt lớp, nhưng điểm hạnh kiểm lúc nào cũng đội sổ, thì không bị loại đã may, cách gì có hể trở thành Linh Mục hay Giám Mục?
Trước 1975, có Giáo Hoàng Học Viện Pio X, ở Đà Lạt, là một Đại Chủng Viện rất đặc biệt, có thể ví nó như là nơi đào tạo GM tương lai! Sau khi tốt nghiệp Tiểu Chủng Viện, mỗi Giáo Phận miền Nam chỉ được gởi hai Thày vô trường này. Dĩ nhiên tiêu chuẩn cũng là đức và tài. Những đứa con ưu tú của từng Giáo Phận này, sau khi được thụ phong Linh Mục, lại là những ứng viên được gởi đi du học nước ngoài. Tương lai trở thành GM là đây. Nói chung, chọn như vậy, các vị GM làm sao mà dở! Người tín hữu và cả người đời tôn trọng các ngài cũng có lý do.
Viết đến đây, tui muốn mở ngoặc kể một câu chuyện nhỏ, có thật, trước 75.
Có một vị Giám Mục đi đến một họ đạo xa để ban Phép Thêm Sức cho các thiếu nhi. Đối với một họ đạo, đón GM là chuyện trọng đại, chiêng trốn, cờ quạt, liên hoan,… rất ì xèo. Một ông Quận Trưởng ở đó là người ngoại đạo. Khi chào hỏi Đức Giám Mục thì gọi ngài là “ông đạo”. Một cách gọi cũng bình thường, vô thưởng vô phạt, của một người ngoài đạo. Nhưng đối với người trong đạo, thì đó là một cách gọi rất kỳ cục, nếu không muốn nói là rất vô lễ. Không hiểu vì sao cái chi tiết xã giao nhỏ tí tẹo đó lọt đến tai ông Tỉnh Trưởng: Ông Quận bay chức!
Tôi viết chuyện này để nói lên nhiều thứ:
* Thứ nhứt, người tín hữu CG rất rất rất tôn kính một vị Giám Mục. Nhìn họ trọng vọng một LM, cha sở của họ tới cỡ nào, thì biết Đức Giám Mục của họ còn đáng kính tới đâu, bởi vì Giám Mục là thủ lãnh của LM, vị đứng đầu cai quản một Giáo Phận rộng lớn có vài trăm họ đạo, vài trăm LM, và hàng vạn giáo dân.
* Thứ hai, con người ta thường xử sự theo cảm tính. Họ không phân biệt được thế quyền và giáo quyền. Họ tôn kính GM của họ là chuyện của họ, mắc mớ gì phải buộc người ngoài cũng phải hành xử như mình. Đất nước đã mất đi một ông Quận (có thể rất tốt), chỉ vì một lỗi lầm ngoại giao rất nhỏ. Đáng tiếc! Ba bốn lần đáng tiếc!
* Thứ ba, không thiếu gì những kẻ muốn tiến thân bằng đầu gối. Thời Đệ I Cộng Hoà, chỉ vì muốn lấy lòng Đức Giám Mục Ngô Đình Thục, bào huynh của TT Diệm, mà mỗi dịp lễ lạc, lễ Bổn Mạng của Đức Cha Thục chẳng hạn, hàng hàng lớp lớp xe cộ của các tướng tá từ Sài gòn đổ xô về Vĩnh Long, nơi Đức Cha Thục cai quản, để quà cáp, để ra mắt,… gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sinh hoạt dân chúng, gây nhiều chuyện chướng tai gai mắt.
Cái cảnh quà cáp đó thời này cũng xảy ra mỗi dịp Tết. Quan nhỏ phong bì quan to, là chuyện thế sự của giới quan quyền tiến thân bằng đầu gối, không bàn chi. Chuyện thời Ông cụ Diệm, nó ảnh hưởng vô cùng tai hại, vì kẻ địch đã lợi dụng những chuyện như vậy để khơi dậy chuyện mâu thuẩn tôn giáo, để đánh phá chế độ.
* Thứ tư, sống trong xã hội đa phương, đa văn hoá, người ta nên có những hiểu biết tối thiểu về mọi phương diện, nhất là tôn giáo, một phương diện vô cùng nhạy cảm, tế nhị. Ông Quận kia tài cán cỡ nào không biết, nhưng tài ngoại giao, đắc nhân tâm, tôi cho điểm là cặp trứng vịt!
CS vô thần, súng đạn trang bị tới răng, chúng muốn gọi Giám Mục, LM, Hoà Thượng,… là anh Hai, anh Tám, thậm chí thằng này thằng nọ, hay gô cổ nhốt tù, là chuyện của họ. Nhưng một quan chức thời VNCH mà không biết chút gì về đạo, về ngoại giao, thì phải nói là hơi tệ.
Gần đây, có một Facebooker dám gọi một vị Giám Mục là “thằng”! Tôi đánh giá anh ta là một người thất học, kiến thức phổ thông không có, dốt xử thế, mới có những lời lẽ ngạo mạng, trịch thượng như vậy. Nếu là người đấu tranh cho dân chủ, anh ta sẽ mất hết thiện cảm từ người CG. Tệ hơn nữa, anh ta sẽ bị nghi ngờ là loại hai mang, cài cắm để đánh phá CG. Một DLV cũng không chừng! Người CG hãy cẩn thận với loại người này.
* Thứ năm, nếu tôi là vị Giám Mục đó, khi biết chuyện, tôi sẽ tìm ông Quận để nói lên một lời xin lỗi, vì mình mà ông ta bị liên luỵ. Sau đó tìm ông Tỉnh để yêu cầu huỷ bỏ một quyết định vô lý.
Dù sao, đó là một chuyện vô cùng đáng tiếc.
4. Linh Mục (viết tắt: LM. Tiếng Anh: Priest)
Linh Mục qua một quá trình đào tạo lâu dài, gian lao, đầy thử thách, mới được chọn và được phong chức bởi Giám Mục. Ai muốn tìm hiểu thêm về việc đào tạo LM ra sao, có thể đọc bài #chuyentaolao31 (Trốn quân dịch) tui viết và post trước đây.
LM được phân công về các họ đạo để phục vụ giáo dân. Một họ đạo có thể có một Linh Mục, gọi là cha sở, cộng thêm một hay hai cha phó, tuỳ theo dân số. Có khi một Linh Mục ngoài việc làm cha sở một họ chính, còn coi sóc thêm vài họ đạo lẻ. Theo hàng dọc, thì Cha Phó đương nhiên cũng nghe lời cha sở.
Ở VN, ứng viên LM là những người độc thân, và khi được thụ phong LM phải thề hứa hai điều: Tuyệt đối vâng lời Giám Mục và giữ mình “đồng trinh” cho đến chết. Nên phân biệt độc thân và đồng trinh: Người độc thân có thể gái gú, cặp bồ, miễn không kết hôn thì gọi là độc thân. LM phải thề sống đồng trinh, nghĩa là không dính dáng đến tình dục ở bất cứ dạng nào, và đương nhiên nó bao gồm chuyện độc thân trong đó. Nói cách khác, LM ở VN không vợ, không con cái.
Ở Mỹ và các nước Tây phương, ứng viên LM có thể là người đã từng có gia đình, có con cái. Khi vợ chết, muốn đi tu làm LM, vẫn được GH cho phép. Ngoài hai lời thề của LM ở trên, họ phải thề không tục huyền. Cho nên có những LM vừa được gọi là Father vừa được gọi là Daddy. Ngoài ra, còn một dạng LM có vợ có con như Mục Sư bên Tin lành. Họ là những Giáo sĩ của Chính Thống Giáo, hay Mục sư của các giáo phái Tin Lành, cải đạo sang Công Giáo, và muốn trở thành LM. Giáo Hội chấp nhận và không bắt họ bỏ vợ, nhưng họ phải thề hứa: nếu vợ chết, thì không được tục huyền.
Người VN sẽ rất ngạc nhiên về hai trường hợp này, nhưng nên biết, Giáo Luật cho phép và họ là LM chính thức, hợp lệ, đầy đủ năng quyền, đủ tư cách, như tất cả các LM trong GH. Vị LM làm phép Hôn Phối cho con gái Út của tôi là người từng có vợ, có con. Tôi rất thích bài giảng của ngài về hôn nhân, vì ngài đã từng có kinh nghiệm, chớ không phải chỉ lý thuyết suông.
Viết thêm đôi chút về tác vụ của LM.
* Chuyện “đi kẻ liệt”: Nửa đêm có người gõ cửa, báo tin có người hấp hối, muốn gặp LM để xưng tội, dọn mình chết, thì dù đang ngáy ngủ, dù bên ngoài trời giông bão, dù làm biếng tới cỡ nào, dù ở gần hay ở xa, LM cũng phải cấp tốc đi ngay. Tui nói cấp tốc, có nghĩa là không có hẹn lại tới sáng, không chờ tạnh mưa, mà phải đi liền, y như ở Mỹ bấm 911 trong trường hợp khẩn cấp. Xe cấp cứu hay cảnh sát Mỹ đáp ứng ngay vì sinh mạng con người, thì LM đáp ứng tức thì vì linh hồn con người. Linh hồn còn quan trọng hơn thân xác nữa!
* Chuyện ngồi toà giải tội, nghe người ta xưng tội.
Có người cho rằng LM cũng là con người, làm sao có quyền tha tội? Lấy thí dụ rất đơn giản cho dễ hiểu. Một quan toà ở Mỹ, đàn ông, đàn bà, già trẻ, da màu gì cũng có. Họ là những người bình thường như mọi công dân Mỹ. Nhưng khi họ khoác áo Toà, ngồi trên Toà, thì mọi phán quyết của họ: tha, phạt, phạt thế nào, là tối hậu. Tất cả phải tuân hành. Tại sao? Bởi vì luật pháp trao cho họ có cái quyền đó, và phán quyết của Toà là phán quyết của một người quyền hành tuyệt đối. Tui chỉ thí dụ quan toà của Mỹ, và cả các nước tư bản giãy chết, trừ thiên đường VN ra nghen.
Tương tự như vậy: Chính Chúa Giesu đã thành lập Bí Tích Giải Tội, và chính Ngài ban cho các Tông Đồ quyền tha tội: “Sự gì các con cầm buộc thì Cha ta trên trời cũng cầm buộc. Sự gì các con tha, Cha ta trên trời cũng tha.” LM khi được thụ phong, là nhận được năng quyền tha tội này.
Người tín hữu khi đi xưng tội, họ coi LM là một vị quan toà được trao cho quyền tha tội từ Chúa. Cho nên quí vị thấy tui kể lần trước: Đức Giáo Tông, Đức Giám Mục, vẫn đi xưng tội với những LM thuộc cấp của mình. Tui cũng kể chuyện thằng bạn từ Mỹ về VN, gặp lại thằng bạn cũ, chung trường, chung lớp, cùng ăn cùng chơi trong nhiều năm, nay là LM. Nó ngồi dưới gốc cây xưng tội với “thằng” bạn LM của mình một cách kính cẩn, tự nhiên. Lúc đó, thằng bạn ngày xưa không là bạn, mà là người đại diện Chúa để tha tội cho nó.
Chuỵện ngồi toà giải tội cho giáo dân chẳng sướng ích gì đâu. Trong những dịp lễ lớn, nhất là mùa chay, mùa Phục Sinh, người giáo dân phải đi xưng tội theo luật buộc. Đó là mùa “đông keng”, cho nên LM ngồi toà giải tội tới mục xương sống, từ giờ này sang giờ khác! Mệt lắm! Chưa nói tới, có rất nhiều người miệng mồm ba năm không đánh răng một lần, ngửi muốn ói! Đó là lời tâm sự của một vị LM quen thân.
5. Thày Phó tế, còn gọi là Thày sáu.
Viết theo hàng dọc, thì không thể bỏ qua chức Phó tế.
Phó tế là chức chuyển tiếp từ bậc Thày lên chức Linh Mục, gọi là Phó Tế chuyển tiếp. Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo Linh Mục, đương sự được Giám Mục phong chức Phó Tế. Một thời gian ngắn, chừng 6 tháng, sẽ được thụ phong chức Linh Mục.
Ngoài chức Phó Tế chuyển tiếp này, còn một dạng Phó Tế nữa, gọi là Phó Tế vĩnh viễn (Thày Sáu Vĩnh Viễn). Đây là những giáo dân đạo đức, có tinh thần phục vụ, có khả năng rao giảng, được Giám Mục phong chức Phó tế để giúp các Linh Mục. Họ là những người có gia đình, có con cái như mọi giáo dân khác. Phó tế không được giải tội, không được cử hành Thánh lễ như Linh Mục. Ở VN gần như không có Phó Tế Vĩnh Viễn. Ở Mỹ và các nước Tây Phương, Phó Tế Vĩnh Viễn nhoi trời. Nhạc sĩ Vũ Thành An (ở Mỹ, tác giả những bài Không Tên rất nổi tiếng) là một Phó Tế Vĩnh Viễn. Ông là người ngoại đạo. Khi ở tù cải tạo nhiều năm, ông mới theo đạo CG và khi sang Mỹ ông mới đi tu làm Thày sáu. Phó tế có thể giảng trong nhà thờ, rửa tội, cử hành nghi thức an táng, dạy giáo lý,… Phó tế trực thuộc họ đạo mình sinh sống và làm việc dưới quyền các LM.
Nên biết: chỉ có Giám Mục, Linh Mục, và Phó Tế mới được gọi là Giáo sĩ. Tất cả các nữ tu, các thày dòng, được gọi chung là Tu Sĩ.
Lại mở thêm cái ngoặc nói về các Dòng Tu một chút. Các Dòng có thể nói vừa theo hàng dọc, vừa theo hàng ngang. Hàng dọc là họ tuyệt đối tuân lệnh Đức Giáo Tông. Hàng ngang là họ độc lập với giáo quyền sở tại, nghĩa là họ có tổ chức nội bộ độc lập, có luật Dòng riêng, có sinh hoạt riêng, không trực tiếp chịu sự lãnh đạo của Giám Mục nơi họ hoạt động.
Ở VN các Dòng tu khá quen thuộc như Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Phan-xi-cô (Franciscan), Dòng Châu Sơn, Dòng Tiểu Đệ, Dòng La-San,… Bên nữ, có Dòng Chúa Quan Phòng, Dòng Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn (Vincent De Paul), Dòng Kín,…
Nhiều Dòng Nam có các thày dòng cũng làm Linh Mục, thí dụ Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Phan-Xi-Cô,… Các Linh Mục Dòng chỉ nghe lệnh của cha Bề Trên Dòng, chớ không nghe lệnh của Giám Mục. Cho nên nói họ độc lập ở hàng ngang là vậy.
Nói chung, tất cả các Dòng đều phải khấn ba điều: Vâng lời, đồng trinh, và sống khó nghèo.
Hệ thống giáo quyền theo hàng dọc từ trên xuống hay theo hàng ngang, phải nói là rất tôn ti trật tự, và sự vâng lời Bề Trên là tuyệt đối. Không lạ khi thấy giáo dân nghe lời cha sở của mình có khi còn hơn nghe lời cha mẹ. Các cụ già lụ khụ vẫn nghe lời cha sở trẻ măng của mình. Hiếm khi người ta thấy có chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong bất cứ đẵng cấp nào trong Giáo Hội, là do ở tinh thần vâng lời nầy.
Nếu có dịp tham dự lễ tấn phong LM, người ta sẽ khó quên cái cảnh tiến chức (Phó tế) mặc lễ phục nằm sấp trước bàn thờ để cùng Giám Mục, giáo dân cầu nguyện. Nằm để biết mình thấp. Nằm để tỏ sự tuân phục giáo quyền, trực tiếp là Giám Mục của mình. Đức Giám Mục chủ phong sẽ hỏi tiến chức hai câu hỏi quan trọng: Con có hứa vâng lời ta và những người kế vị ta không? Con có hứa giữ mình trong sạch, sống độc thân suốt đời không? Đương nhiên ai cũng biết câu trả lời là gì rồi. Không lấy gì làm lạ, một LM lão thành vẫn nghe lời vị Giám Mục trẻ tuổi, có khi vị đó đã từng là học trò của mình ngày trước.
Trong quân đội, một ông Thượng sĩ già vẫn phải răm rắp nghe lệnh một chú Thiếu Uý mới ra trường, miệng còn hôi sữa, đít còn quấn tã. Quân lệnh như núi, thi hành trước kiếu nại sau, rất gắt củ kiệu, không nghe lời, bị áp dụng quân kỷ, là dở sống dở chết liền! Trong đạo CG cũng tương tự, có điều tất cả là ở tinh thần vâng phục, tự nguyện là chính, chớ không do hình phạt.
Gần đây người ta bàn tán xôn xao chuyện các cha DCCT ở Kỳ Đồng, Sài gòn, nhận lệnh thuyên chuyển nhiệm sở từ cha Bề Trên Dòng. Đó là một sinh hoạt nội bộ bình thường, và đã là LM thì nhứt định phải vâng lời. Tu để phục vụ. Không phục vụ ở nhiệm sở này, thì sẽ được phân công phục vụ ở nhiệm sở khác. Không làm công tác này, sẽ được giao phó công tác khác. Lánh nặng tìm nhẹ, thích làm theo ý mình, thì tu làm chi?
Hãy để các ngài vui vẻ lên đường đến nhiệm sở mới. Quan trọng hơn nữa: đừng tiếp tay với những kẻ xưa nay chướng tai gai mắt việc tri ân TPB, tìm đủ cách để dẹp mà chưa làm được. Chúng sẽ đâm thọt, tạo mâu thuẩn, xúi giục, phao tin, chuyện nhỏ hoá to,… miễn cái gân gà đó biến mất là mục tiêu sau cùng. Hãy sáng suốt, đừng mắc mưu gian kế. Chúng đang ngồi tréo ngoãy, rung đùi coi nội bộ kình chống nhau và sẽ “Khui Lon” ăn mừng, vì “bất chiến tự nhiên thành”! Nói ít hiểu nhiều nhe quí vị, nhất là những người xưa nay giàu lòng bác ái, không nệ hy sinh, hãy tiếp tục hy sinh, nhớ đừng nhẹ dạ để bị lừa, bị lọt bẫy kẻ gian!
Thấy một LM nào đó khi nhận lệnh thuyên chuyển mà mặt mày buồn so, thì biết sự vâng lời, lòng đạo đức, tinh thần phục vụ của vị đó tới đâu liền. Người không rành chuyện đạo mới “lời ong tiếng ve”. Người biết chuyện đạo, thì ít nhiều cũng mất cảm tình với những LM như vậy. Tu mà còn tham sân si, là tự hạ giá trị mình xuống, bởi vì người đời tôn trọng các bậc tu hành không phải vì chiếc áo thày tu, mà ở đạo hạnh!
GH Mỹ có qui định rõ ràng: Một LM không ở một họ đạo quá 10 năm. Tại sao? Thứ nhứt, nếu đó là một LM thánh thiện, tài ba, thì ngài nên thuyên chuyển đến họ đạo khác để cho họ đạo mới được hưởng tài cán của ngài. Thứ hai, nếu ngài là một LM yếu kém, thí dụ giảng dở ẹc, giáo dân luôn ngủ gục hay bỏ ra ngoài hút thuốc, mà không đổi ngài đi nơi khác, có phải là bất công với giáo dân ở họ đạo đó, vì bắt họ phải chịu đựng lâu dài? San sẻ, tốt xấu gì cũng san sẻ, thì mới công bình. Tu mà đòi sung sướng, đòi ở họ đạo giàu có, đầy đủ phương tiện cho sướng thân, thì đó không phải là một LM tốt. Mình chọn miếng bánh ngon, còn các LM khác phải chọn miếng bánh dở, tự mình cũng cảm thấy ích kỷ, chưa nói tới lòng đạo đức.
Chuyện hơi cũ ai cũng biết: Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, một người nổi tiếng, được ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại. Đùng một cái Ngài nhận lệnh về hưu, một hình thức đổi nhiệm sở. Nói khó nghe một chút là bị bãi nhiệm. Người không biết chuyện đạo sẽ rất bất bình, ta thán, trách móc, thậm chí phẩn nộ với Vatican, nhưng người hiểu biết giáo quyền, thì coi đó là một chuyện rất bình thường. Tui tin rằng chính ngài cũng vui vẻ vâng lời, không than van, oán trách hay xin xỏ gì cả. Tu mà! Tu như vậy mới là tu. Tu mà vẫn còn tham sân si, còn ham quyền, ham tước, ham danh, ham lợi, thì chứng tỏ mình chưa phải là một chân tu. Tôi kính phục ngài. Ở đây, tôi chỉ muốn đề cập đến Đức Vâng Phục trong giáo quyền, một đức tính làm cho GH trở nên thống nhất, có sức mạnh toàn cầu, mà bỏ qua hết mọi thứ liên quan đến chính trị này nọ. Đừng có ai nhảy vô phanh phui chuyện chính trị trong sự kiện này nhe. Làm ơn.
Định viết chừng 2000 chữ. Coi lại cũng hơn 5000 rồi! Trời! Sao tui nhiều chuyện dữ vậy ta? Thôi, ngừng ở đây. Hẹn lần sau tào lao tiếp.
Peter Chánh Trần