GIÁO DỤC MỸ (Peter Chánh Trần # Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Làm sao có thể viết hết chuyện giáo dục của cả một nước chỉ trong một bài viết? Hơn nữa, cái đề tài nó khô như cơm cháy! Người viết chưa viết, đã thấy buồn ngủ, thì làm sao người đọc khỏi ngáp nhanh, rồi lướt lẹ? Thôi, để tui viết dạng chuyện tào lao cho dễ. Biết được cái gì, tui viết cái nấy, đụng đâu viết đó, khỏi thống kê, khỏi trích dẫn, đọc chơi cho vui vậy.
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi.
Hôm qua thằng cháu ngoại tám tuổi rưỡi, học lớp Ba, đi học về mà mặt mày dàu dàu. Tôi không biết chữ dàu dàu của dân miền Tây, diễn tả nét mặt buồn rười rượi, viết có đúng không nữa? Chữ rười rượi cũng không chắc luôn! Không chắc, nhưng cứ xài, vì tui thích chất giọng miền Tây, quê tui.
Ba nó đi làm về, không thấy nó nhào lên câu cổ ba như mọi bữa, cho nên ba nó biết là có chuyện gì xảy ra ở lớp học: có thể vì bị phạt, bị bạn bè ăn hiếp, làm bài không được,… Ba nó ôm nó vô lòng, cứ vặn hỏi hoài, mà nó vẫn không chịu nói.
Cha con chúng nó gần gũi, thân thiết lắm. Gần 9 tuổi, mà thấy ba đi làm về là từ xa phóng tới câu cổ ba. Ông già nó giang tay chụp thằng con, bồng lên, ôm nó gọn lỏn như ôm đứa bé mới lên 3. Nó khoẻ mạnh, tròn trịa, và chân thì dài gần chấm đất! Mỹ con mà! Ba nó còn trẻ, lớn con, hơn nữa đi gym tập thể dục mỗi ngày, rất khoẻ, nên mới chịu nổi cú “phi thân” thần tốc của thằng con. Tôi nhiều lần warning (cảnh cáo) thằng cháu:
– Kaden! Con không bao giờ được làm vậy với ông, với bà, hay momy của con, vì ông, bà, và mẹ của con sẽ té ngửa, gãy xương, dập mật mà chết!
Nó hiểu tiếng Việt tiếng được tiếng không, nên hỏi lại:
– What does “dập mật” mean, ông ngoại?
Giải thích cho nó biết, nó cười trả lời:
– Never!
Không biết nó muốn nói là sẽ không bao giờ mừng kiểu đó với những “yếu nhân” ông vừa dặn, hay nó nghĩ những yếu nhân đó sẽ không bao giờ yếu tới độ dễ dàng dập mật như vậy?
Không phải chỉ mình nó, mà thằng anh, hơn 10 tuổi, cũng mừng ba nó cùng một kiểu! Ba chúng nó không những không la rầy, mà còn tỏ ra rất vui mừng, sung sướng, vì được hai thằng con trai thương mình nhiều đến như vậy. Cuối tuần, hai đứa còn đòi qua phòng ba mẹ ngủ. Ba nó bị mẹ nó đuổi khỏi giường, phải hạ thổ, nằm trên miếng nệm airbed với thằng nhỏ, còn thằng lớn nằm giường với mẹ. Tuần sau lại luân phiên.
Con gái và con rể tôi tuy sinh ở VN, nhưng đều lớn lên ở đây, được giáo dục 100% kiểu Mỹ, học từ Kindergarten đến hết Doctor Degree (Mẫu giáo đến Tiến sĩ, Bác sĩ), nên phải nói là chúng hoàn toàn Mỹ: Rất gần gũi con cái. Ở VN, thời tui còn trẻ, đời nào dám nhõng nhẽo với cha má mình tới mức đó. Ăn đòn là cái chắc!
Ba nó ôm nó vô lòng, vuốt ve, vặn hỏi riết nó mới chịu nói:
– My teacher said: “There are only 10 more weeks the school year will be ended.”
A! Thì ra vậy! Ba nó không cần hỏi thêm, mà biết ngay lý do vì sao thằng con mình buồn dàu dàu. Nó thương cô giáo của nó lắm, và cô giáo của nó cũng rất thương nó. Chỉ còn 10 tuần nữa là chấm dứt niên học, có nghĩa là nó phải đi trường mới, không còn cơ hội gặp lại cô của nó nữa. Ba mẹ nó đã cho nó biết như vậy từ khi dọn vào căn nhà mới này, cách đây vài tháng. Ở Mỹ, nhà ở khu nào, thì học trường học ở khu đó. Nó thương cô nó lắm, và lo sợ điều đó xảy ra, nên nó buồn. Ba nó khuyên lơn, giải thích đủ thứ, nhưng dường như nỗi buồn sắp “chia tay” cô giáo của nó không giảm, mà còn tăng.
Chiều tối mẹ nó đi làm về, thấy thằng con bất thường, cũng biết ngay con có chuyện. Cơm tối xong, lại thấy nó ngồi dưới chân cầu thang một mình, mặt cũng dàu dàu. Bây giờ tới phiên mẹ nó “ra tay”. Mẹ nó đến ngồi kế bên nó:
– Con trai của mẹ! Nói cho mẹ nghe chuyện gì làm con buồn dữ vậy?
Thật sự thì con gái đã biết hết đầu đuôi câu chuyện sau khi nói chuyện với chồng, nhưng vẫn giả như chưa biết, để thằng con tự tâm sự với mẹ. Nó sà vào lòng mẹ như một đứa bé còn đòi bú, rồi vừa kể, mà nước mắt lưng tròng. Mẹ nó biết rất rõ cô nó thương nó, và nó cũng rất yêu cô giáo của nó, nên ôn tồn giải thích:
– Con trai cưng của mẹ, trên đời này không có gì vĩnh viễn cả. Mọi sự sẽ thay đổi, và sự thay đổi thường không theo ý muốn của mình. Ba mẹ chưa từng bao giờ nghĩ phải bỏ Newark để dọn về đây, bỏ nơi làm việc bao nhiêu năm, bỏ hết bạn bè thân thiết. Nhưng quyết định dọn, vì gia đình mình sẽ có cuộc sống thoải mái hơn, khá hơn. Con có biết từ nhỏ đến lúc học xong, mẹ của con đổi bao nhiêu trường không?
Mẹ nó ngưng một chút để đếm bằng ngón tay, rồi kể tiếp:
– Tất cả là 7 trường đó con! Mẹ cũng như con, cũng rất buồn khi xa thầy, xa mấy đứa bạn rất thân của mẹ. Nhưng con tin mẹ, khi con sang trường mới, con sẽ có thày mới bạn mới, có khi còn thân thiết hơn so với trường cũ. Trong đời con, con sẽ có rất nhiều thày cô, nhiều bạn thân, nhưng rồi con cũng phải xa họ. Con nghe mẹ nói nè: Không có gì là vĩnh viễn. Tới một lúc nào đó, ba con, mẹ con, ông, bà, rồi cũng phải chết! Đó là những chuyện ai cũng phải trải qua, và người sống nhứt định phải chấp nhận, và vui vẻ sống tiếp tục. Không có ai phải chết vì người thân của mình chết đi. Như vậy, chuyện con xa cô giáo con, đâu có phải là chuyện gì lớn lắm đâu, con hiểu không?
Thằng bé tuy còn nhỏ, nhưng nó thông minh lắm. Mẹ nó nói cái gì nó cũng hiểu thấu, nên gương mặt nó không còn dàu dàu như trước. Dường như chỉ có mẹ nó là biết dùng chữ nghĩa, và cách nói, giọng nói, để cho nó hiểu. Mẹ nó nói tiếp:
– Hơn nữa, mình vẫn ở gần đây, cho nên khi nào con nhớ cô giáo, con nói mẹ biết, mẹ sẽ liên lạc cô giáo để chở con về thăm cô. Học sinh cũ, khi ra trường, trưởng thành, vẫn về trường cũ thăm thày cô của mình, là chuyện thường xảy ra lắm, con biết không?
Thằng bé cười. Nó “thông” rồi. Mẹ nó thật sự biết “giải huyệt” cho nó. Ông nó ngồi nghe, quan sát mẹ con nó tâm tình, mà cảm thấy tiếc nuối: Phải chi mình biết cách giáo dục con cái kiểu này thật sớm, để dạy bầy con của mình, như con gái đang dạy cháu. Hoàn toàn không la rầy, nhiếc móc, kiểu VN, đại loại: “Con trai gì mà yếu đuối? Con trai gì mà mít ướt như con gái? Cô giáo thôi mà, làm gì phải buồn dữ vậy? Xa mẹ mày, mày có buồn vậy không?…”
Lối giáo dục VN chỉ là: tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, tiên học lễ hậu học văn, thương cho roi cho vọt,… nhưng dường như mình không thấy được cái sợi dây tình cảm rất thiêng liêng, rất thần thánh, nhưng rất thân thương, rất gần gũi, nối kết thày-trò-cha mẹ lại với nhau như vậy. Thày và trò dù có quí mến nhau, cũng có khoảng cách rõ ràng. Cha mẹ và con cái dù thương nhau cỡ nào, cũng có lằn ranh giới hạn. Không có chuyện câu vai bá cổ, giỡn hớt với nhau như đôi bạn. Thằng cháu luôn chào cô giáo, mẹ, ông, bà, của nó bằng một cái hug (ôm) rất chân tình. Chào ba nó bằng một cú phóng lên câu cổ. Có khi nó còn đòi ngồi trên vai cho ba nó cõng nữa.
Con gái tôi cũng thường kể cho tôi nghe chuyện học hành của hai thằng cháu ở trường, sau mỗi lần đi gặp thày cô của chúng về. Ở Mỹ, mỗi học kỳ, ngoài phiếu điểm (report) thường lệ về kết quả học hành của học sinh được gởi về nhà, họ còn có parent conference: Cha mẹ được sắp xếp chừng 10 đến 15 phút, gặp riêng với thày cô của con mình. Dịp này thày cô cho biết việc học hành, sinh hoạt, hạnh kiểm, giao tiếp với bạn bè,… của con mình ra sao. Cha mẹ cũng cho thày cô biết những ưu khuyết điểm của con mình, về đủ mọi phương diện, để thày cô biết mà ứng xử, để có cách thích hợp dạy dỗ riêng cho hiệu quả hơn. Đây là buổi họp vô cùng quan trọng. Nó giúp tạo nên một nhịp cầu giữa thày-trò-cha mẹ. Nó là một mắt xích liên kết để việc giáo dục trở nên vô cùng hữu hiệu. Nó không như ở VN: Cha mẹ giao đứt con cái cho thày cô, dạy sao thì dạy.
Nói thí dụ: Cha mẹ cho cô biết con mình là một đứa năng động, không thể ngồi yên dù một giây. Cô biết tính nết nó, thì sẽ kiên nhẫn hơn với thằng bé, mà không cảm thấy khó chịu, hay quá khắt khe, vì cô hiểu: “trời sinh ra nó như vậy”. Không những hiểu, thông cảm, cô còn biểu con gái tôi mua một loại dụng cụ đặc biệt, gọi là exercise band, để ngay trước ghế ngồi của thằng bé. Để chi? Khi nó thấy “chân khí tích tụ tới đan điền, gần lên tới não, sắp tẩu hoả nhập ma”, thì hai chân cứ dậm liên hồi lên cái cọng dây thun to tổ bố đó cho hạ nhiệt! Dậm thoải mái, ngay trong giờ lớp, trước mặt bạn học, một cách tự nhiên. Không ai phiền hà gì cả.
Một chuyện khác.
Tháng trước, thằng cháu lớn vừa gặp ông khi ông tới đón, thì mắt rưng rưng muốn khóc. Ông hỏi cháu:
– Tristan! Chuyện gì xảy ra vậy con?
Nó vừa kể vừa ấm ức:
– Lớp con có nhỏ bạn, hay khóc. Chuyện vui buồn gì cũng khóc. Mới vừa rồi, nhà nó có chuyện lộn xộn. Nó lại khóc. Có thằng bạn chọc quê nó. Thằng bạn khác định đi méc cô giáo, và nó nói con cũng là đồng bọn, cũng chọc con bé, nên nó tính đi méc luôn con. Con nói con không có chọc, nhưng nó cứ nói có, bla,… bla,…
– Con nghe ông nói: Làm con trai, dám làm thì dám chịu. Nếu con có chọc con bé đó, thì hãy nhận lỗi, xin lỗi, và chịu phạt như thằng bạn kia. Nhưng nếu con không có, thì hãy mạnh dạn biện minh cho mình trước mặt cô giáo và mọi người. Con cũng có thể kêu đứa bạn nào có mặt hôm đó, làm chứng cho con. Con không cần phải sợ, không cần phải khóc. Con trai không dễ khóc. Phải biết tự giải quyết mọi chuyện, OK?
Tôi không nghe Tristan nhắc tới chuyện này nữa, có nghĩa là nó đã “giải quyết” êm xuôi rồi.
Chuyện xem ra rất nhỏ, nhưng nó nói lên điều gì?
Thứ nhất, con nít Mỹ sao mà nó hiền lành, ngây thơ, thật thà, và trong trắng như thiên thần. Con trai 10 tuổi ở VN đã quậy tối trời ông địa rồi! Chọc ghẹo, phá phách bạn học, thậm chí đánh lộn, cũng là chuyện thường. Làm lỗi, chối trước cái đã, còn khuya mới nhận lỗi. Dường như không ai dạy chúng biết nhận lỗi, xin lỗi cả.
Thứ hai, giáo dục của Mỹ tuyệt đối cấm chế nhạo, chọc ghẹo, dè bỉu bạn học. Ăn hiếp bạn (bully) càng bị nghiêm cấm và bị phạt nặng lắm. Chúng được dạy: Chỉ có khen, chớ không có chuyện chê bai người khác. Chê mái tóc xấu, chê quần áo, chê răng khểnh, chê dáng đi, chê giọng nói, chê nụ cười, chê “mít ướt” như trường hợp trên,… đều là bất lịch sự, làm tổn thương (hurt feeling) người khác. Họ dạy con nít từ lúc hỉ mũi chưa sạch, cho nên cái văn hoá chê bai kiểu VN, hoàn toàn không có ở xã hội Mỹ.
Thứ ba, thày giáo Mỹ không bao giờ làm tổn thương học trò. Họ luôn luôn tìm điểm mạnh của học trò để khuyến khích. Chê hay mắng nhiếc “đồ ngu, đồ dốt, đồ hư, đồ mất dạy,…” hoàn toàn không có trong học đường.
Hình phạt luôn có, nhưng nó không bao giờ mang tính cách sỉ nhục, gây tổn thương thể xác hay tinh thần của đứa trẻ. Càng không thể vì những phiền muộn bực dọc riêng tư của thày, rồi trút giận lên đầu học sinh. Phạt nhẹ thì giờ ra chơi không được ra sân chơi, chép phạt câu gì đó năm mười lần,… Phạt nặng là lên văn phòng Hiệu Trưởng, nghe Hiệu Trưởng khuyên răn vài câu. Khi phải lên văn phòng HT, chính bản thân học sinh đó đã cảm nhận được mình phạm lỗi không nhỏ. Sẽ chừa. Hình phạt nặng nhất là gởi trả về nhà cho cha mẹ, một ngày, hai ngày,… một tuần. Cũng có những đứa trẻ hư, bất trị, phạm lỗi quá nặng mà phạt vẫn không hiệu quả, thì sẽ bị đuổi học luôn. Đến nước này, cha mẹ chỉ còn một đường binh: Đưa con vào boot camp, nơi đó họ có cách dạy dỗ đặt biệt, nghiêm khắc như quân trường. Đứa trẻ cứng cỏi cỡ nào, cũng nhão thành bún, trở nên ngoan hiền lại.
Thứ tư, học sinh Mỹ rất bạo dạn, tự tin. Ai dự lớp học Mỹ sẽ thấy một điều: Từ lớp Kindergaten chúng đều đồng loạt giơ tay mỗi khi cô giáo đưa ra bất cứ câu hỏi gì. Có khi chúng trả lời rất tức cười, rất ngây ngô, nhưng tuyệt nhiên cô giáo và bạn học không bao giờ cười hay chế diễu chúng. Cần đứng trước lớp để trình bày một đề tài gì, học sinh Việt run như cầy sấy, còn học sinh Mỹ tỉnh bơ như chỗ không người. Vì sự tự tin, nên khi Tristan nghe ông nhắc, chắc chắn đã mạnh dạn thanh minh cho mình. Chúng vào đời bằng sự tự tin, nên chúng dễ thành công hơn là vậy.
Để tôi viết sơ một chút về tổ chức trường học Mỹ.
Trường học Mỹ chia thành ba cấp: Elementary School (lớp 1 đến 5), Middle School (lớp 6 đến lớp 8, và High School (lớp 9 đến 12).
Các lớp Vườn Trẻ (Preschool), hay lớp Mẫu giáo (Kindergarten) thường ở các trung tâm giữ trẻ. Tuy nhiên, cũng có một số trường Elementary school có luôn lớp Kindergarten.
Đối với học sinh Mỹ, có lẽ thời gian đầu đời ở nhà trẻ, và Elementary School là quan trọng nhất. Chúng yêu thích trường học hay sợ trường học, là ở thời gian này.
Đại đa số thày giáo ở hai cấp này là cô giáo. Tôi chưa từng thấy thầy giáo ở cấp này. Có thể là do chương trình đào tạo sư phạm cấp này khó khăn, gắt gao, đòi hỏi người thày ngoài khả năng dạy học, còn phải giàu tình thương, đủ kiên nhẫn với trẻ. Hai đặc tính này phải nói phái nữ ăn đứt cánh đàn ông.
Lương thày giáo ở Mỹ dĩ nhiên không phải là lương chết đói. Tuy nhiên, nói chung, nó không cao bằng lương những người có bằng cấp tương đương ở những ngành nghề khác như kỹ sư chẳng hạn. Nhưng thày giáo không thiếu.
Họ chọn ngành sư phạm, không vì tiền, nhưng vì sở thích, và nhất là vì lòng yêu thương trẻ con. Không yêu thương chúng, làm sao đủ kiên nhẫn để dạy chúng được.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến một hình ảnh vô cùng thân thương, vô cùng cảm động, mà có lẽ cả đời tôi không bao giờ quên.
Năm đó Kaden học Kindergarten. Nó là một trong những đứa trẻ nhất trong lớp. Luật quy định: The child must be 5 years old on or before September 1st to be admitting to Kindergarten. Tuổi ở Mỹ tính luôn ngày và tháng chớ không phải chỉ tính năm. Muốn vô lớp Mẫu giáo, đứa trẻ phải đủ 5 tuổi, tính đến ngày 1 tháng Chín của năm nhập học. Kaden sinh ngày 19/8, đủ tiêu chuẩn nhập học. Cháu chỉ cần sinh sau ngày 1/9, trễ hơn 12 ngày, tức là qua ngày 2/9, thì phải chờ năm sau mới vô lớp Mẫu giáo được, dù chỉ qua một ngày, sau ngày quy định. Không có du di, không có thông cảm, và dĩ nhiên vô phương “lo lót”, vì đó là luật. Kaden nhỏ tuổi, lại là người Việt, nên cháu là đứa bé vừa trẻ lại vừa nhỏ con, đúng nghĩa “bé nhất lớp”.
Hôm đó trường tổ chức sinh hoạt văn nghệ trong Hội Trường. Tôi đến lớp đón Kaden sớm hơn thường lệ, mới chứng kiến được cái cảnh thằng cháu mình nằm dưới sàn gạch, gác đầu lên đùi cô giáo của nó ngủ say sưa, trong khi người ta ca hát rùm beng! Xong Văn nghệ, cô giáo dẫn học trò về lớp mình để cha mẹ đón. Một đám hơn 20 em xếp hàng tung tăng đi theo cô, còn Kaden thì được cô giáo vác trên vai! Thay vì đánh thức nó dậy, cô không nỡ, nên vác trên vai cho nó ngủ thêm 5 phút, cho thẳng giấc!
Ôi! Một hình ảnh tuyệt vời! Tôi có cảm giác cô là mẹ của Kaden chớ không phải cô giáo của nó!
Ở đây, dĩ nhiên, thày không được đánh phạt trò, cha mẹ cũng không được đánh con cái. Đó là luật. Phạm luật sẽ bị chế tài: Thày giáo sẽ mất việc, vô tù, hoặc cả hai. Cha mẹ mất quyền nuôi giữ con, vô tù, hay cả hai.
Khi cô giáo thấy học sinh có dấu hiệu bị hành hạ, ngược đãi, bổn phận của họ là gọi 911, để cảnh sát tới điều tra. Biết, hay nghi ngờ, mà không gọi, tù như chơi!
Rõ ràng nền giáo dục Mỹ không những không theo lối dạy “thương cho roi cho vọt” kiểu Á Đông, mà còn đi ngược lại 180 độ. Câu hỏi đặt ra là: Như vậy giáo dục Mỹ thành công hay thất bại? Cứ nhìn cả thế giới tìm đủ mọi cách đưa con cái sang đây để học, thì biết câu trả lời. Khỏi bàn nhiều.
Thời gian gần đây người ta xôn xao, chuyện cô giáo bắt phạt học trò quỳ 40 phút, phụ huynh bắt cô giáo quỳ lại 40 phút, rồi dân chúng chia hai phe binh và chống, thậm chí chửi bới nhau, trong khi chính quyền và “Bộ Thày Đời” của ông Bộ ngọng, thì dường như lúng ta lúng túng, không biết binh đường nào…
Những người cấp tiến, nhìn xa, biết rộng, thì lên án chuyện cô giáo đánh phạt học sinh. Đó là bạo hành học đường, là phạm pháp. Những kẻ bảo thủ thì lên án phụ huynh sao binh con mà bắt cô giáo quỳ. Như vậy làm cho con nít hư. Đại đa số những kẻ bảo thủ đều dùng cái lý luận nghe rất quen tai: Ngày xưa tui đi học, bị phạt, bị đánh, có sao đâu, và nhờ vậy tui mới nên người….
Tui hoàn toàn không đồng ý lập luận như vậy. Nó chẳng khác gì chuyện thời tiền sử: Mẹ sinh con ra đem xuống bờ suối trấn nước (tắm). Đứa nào khoẻ mạnh thì sống, đứa nào yếu thì chết, theo qui luật “thiên nhiên chọn lọc”. Thời tiền sử, con người sống được đến 25 hay 30 tuổi là coi như “đại thọ”. Người sống sót cũng lý luận: Mẹ tui cũng trấn nước tui, mà có sao đâu, tui vẫn sống! Vậy những đứa trẻ chết tức tửi thì sao?
Tui viết ngoài đề một chút. Tương tự như vậy. Chừng 40 năm về trước, đàn bà sinh con thì bắt nằm lửa, kiêng cữ đủ thứ, mà chuyện tử vong xảy ra như cơm bữa, có khi chết cả mẹ lẫn con. Bây giờ khoa học tiến bộ vượt bực, thuốc men và phương tiện y học tân tiến, sản phụ và em bé chết là chuyện rất hiếm. Nhưng chuyện sinh nở kiểu “tiền sử”, cũng có người phát động, với cái lý luận cùn mằn: Tui ngày xưa cũng nằm lửa nóng cháy đít, cũng kiêng cữ đủ thứ, có sao đâu? Hoặc: con chó, con heo, con trâu, con bò, sinh con theo cách tự nhiên, có cần ai đỡ, có cần thuốc men, có cần cắt rún,… gì đâu?
Những bà mẹ và những đứa con chết lãng xẹt, do cái lối sinh nở thời “tiền sử”, làm sao có cơ hội lên tiếng để nguyền rủa những kẻ “lội ngược dòng” này!?
Tỉnh táo lại đi các thánh! Bi giờ là thế kỷ 21 rồi! Giữa những thứ tốt, ta chọn thứ tốt nhất. Giữa hai cái xấu, ta chọn cái xấu ít. Đó là nguyên tắc chọn lựa thông minh. Ai ngu gì giữa một đống thứ tốt, lại chạy đi tìm cái dở ẹc để chọn?
Trở lại chuyện giáo dục.
Nếu cho tôi thay cái ông Bộ Ngọng, tui sẽ đề nghị: Coi giáo dục của lước lào hay nhất, thành công nhất, tui sẽ copy nguyên con, mang về xài cho khoẻ. Cải tiến chi cho mệt. Cải tiến miết mà hỏng lên cơm cháo gì. Càng cải tiến, ló không tiến, mà ló càng nùi, mới chết!
Nam Hàn đã rất can đảm dẹp cái tự ái ba xu, cái tự hào vặt, đã bưng nguyên con phương pháp giáo dục của Nhựt về làm của. Coi họ tiến bộ đến mức nào? Tự ái làm ccc (cái con chó) gì cho mệt!
Nền giáo dục 4000 năm văn hiến, chẳng qua cũng là copy của Tàu, chút chút của Tây. Nay có copy những cái hay, cái mới của thế giới văn minh, thì cũng là chuyện nhỏ như đầu kim, có gì mà tự ái?
Cái mấu chốt vẫn là: Nếu bưng nguyên con về, thì làm sao gắn cái đuôi XHCN, làm sao nhồi sọ những thứ cần nhồi để chế độ khỏi sụm bà chè! Chế độ quan trọng hơn cả sự tồn vong của đất nước, thì giáo dục là cái thá gì! Nó cũng tương tự như kiểu “Kinh Tế Thị Trường theo định hướng XHCN”! Râu ông cắm vô mông bà! Không làm vậy, còn đường nào để khuynh đảo thị trường, để chấm mút? Nó là một kiểu kinh tế quái dị, không giống bất cứ con giáp nào!
Thôi thì dân ta quá xui xẻo, để những kẻ vừa ngu vừa tham làm thày, thì ráng cắn răng chịu đựng tiếp đi.
Peter Chánh Trần