GIÁO DỤC MỸ (Bài 2) (Peter Chánh Trần)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 3 people, people smiling

Tôi thích viết chuyện tào lao. Không khoái viết những bài đầy những dữ liệu như một luận văn tốt nghiệp, hay một bài nghiên cứu, hoặc một bài thống kê. Nói chung là khô như cơm cháy, làm cho người đọc nuốt trẹo bản họng! Trong mỗi chuyện tào lao dong dài, tui sẽ nhét bất cứ thông tin nào tui thích, nhét được bi nhiêu thì nhét, nhét vô bất cứ chỗ nào tôi thấy hạp, mà không hề sợ lạc đề. Như vậy người viết sẽ không bị gò bó bởi công thức số một La Mã, rồi số một thường, rồi trong số một thường lại thêm nào a, nào b, nào c tùm lum, phát mệt !

Rồi ! Ai thích chuyện tào lao thì mang ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Chán cứ ngừng ngang xương. Tui viết mệt cũng tự nhiên nghỉ.

Nền giáo dục của Mỹ là một nền giáo dục cưỡng bức? Đúng vậy. Cha mẹ có con mà không cho đến trường học, là phạm pháp. Hình phạt có thể là mất quyền nuôi con, hay bị tù, hoặc cả hai. Không có chuyện: “Con tui sinh ra, tui muốn làm gì thì làm!” No way! Một đứa trẻ là một con người, có đầy đủ quyền làm người, trong đó có quyền được hưởng sự giáo dục của quốc gia, chớ không phải một món đồ, hay một con vật, mà cha mẹ sở hữu. “Tui nghèo quá, nó phải ở nhà phụ giúp gia đình kiếm cơm”, càng là lý do đưa cha mẹ vô tù sớm hơn, vì vừa vi phạm luật giáo dục, vừa vi phạm luật lao động đối với trẻ vị thành niên. Cha mẹ không có một lý do nào để không đưa con cái đến trường. Nói cách khác, cho con đi học là bổn phận của cha mẹ, là luật. Vi phạm luật thì coi chừng mặc áo màu cam, ăn cơm đúng giờ có người hầu! Tù VN mặc áo sọc, tù mỹ áo màu cam.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ không muốn đưa con đến trường, mà muốn tự dạy con cái ở nhà, hay mướn thày dạy riêng cho con (homeschooling), thì vẫn có quyền làm việc đó. Mỗi Tiểu Bang có luật lệ riêng về homeschooling. Cha mẹ phải đăng ký với Sở Học Chánh nơi mình cư ngụ để chấp hành luật lệ của Tiểu Bang. Thường thì không mấy ai tự dạy con ở nhà, bởi vì nền giáo dục Mỹ có thể nói là một nền giáo dục nổi tiếng, đáng tin cậy, và có rất nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ, bắt chước. Ngoài ra, không phải cha mẹ nào cũng có thời gian và trình độ sư phạm để dạy con ở nhà như các thày cô, những người được đào tạo rất chuyên nghiệp của chính phủ. Hơn nữa, mướn thày, thì phải là dân giàu sụ mới làm nổi. Cho nên chuyện homeschooling gần như không có.

1. Trường học của Mỹ chia thành nhiều cấp:

Mỗi một cấp có thể viết chi tiết thành một bài dài. Tôi chỉ viết lướt qua, đại khái thôi.

Preschool (Cấp Vở lòng): gồm 2 lớp Preschool và Kindergarten (Vườn trẻ và Mẫu giáo).

Vườn Trẻ không bắt buộc, nhưng thường cha mẹ luôn cho con đi học vì hai mục đích: Thứ nhất, cho các cháu làm quen với không khí của trường lớp. Thứ hai, là một hình thức gởi trẻ. Vô đó chỉ ca hát, học làm quen với giấy mực, vẽ cua vẽ còng, tô màu, và nhất là học “chơi” với bạn. Lớp Vườn Trẻ phải đóng tiền, trừ những gia đình thu nhập thấp, chính phủ sẽ tài trợ. Từ lớp Mẫu Giáo đến lớp 12, bắt buộc phải đi học, và tất cả trường công đều miễn phí, bất kể giàu nghèo.

Elementary School (Cấp Tiểu Học): từ lớp Một đến lớp Năm.

Khó ai tin nổi, một học sinh lớp Hai, lớp Ba, đã biết làm projects, rồi đứng trước thầy cô và cả lớp diễn giải những điều mình “nghiên cứu” như một diễn giả! Project dịch là đề án, dự án, công trình, nghe vĩ đại quá. Là một bài thuyết trình có lẽ phù hợp hơn cho học sinh. Khó có ai tin được thằng cháu lớp Bốn (9 tuổi) của tui biết nhiều về con tàu Titanic hơn cả một người lớn như ông ngoại nó, bởi vì cô giáo giao cho nó làm một project về con tàu này. Nó đọc nhiều sách trong thư viện, lấy hình ảnh, ghi chú, viết một bài “report” dài, rồi đứng trước cả lớp thuyết trình. Kích thước, trọng tải, cách đóng tàu, ai đóng, đóng năm nào, ở đâu, bao nhiêu hành khách, thuyền trưởng là ai, ngày xảy ra tai nạn, tảng bang chìm, bao nhiêu người được cứu, bao nhiêu người chìm theo con tàu,… nó nói làu làu! Tui phục nó sát đất! Ở VN thử biểu một học sinh lớp 10, đứng trước lớp, thuyết trình về một đề tài gì, chưa chắc làm được. Đứng trước đám đông là tay chân bủn rủn, miệng lắp bắp không nói thành lời rồi.

Middle School (Cấp chuyển tiếp): Lớp Sáu đến lớp Tám.

Thằng cháu lớn của tui 11 tuổi, học lớp Sáu, sau một tuần học ở trường, về nhà kể đủ thứ chuyện. Cháu cảm thấy mình lớn hẳn ra. Lớp học của cháu không còn là lớp học chỉ có một cô và hai mươi mấy đứa bạn nữa, mà mỗi ngày sáu tiết, sáu thầy cô khác nhau, và bạn thì đông vô kể. Nó bắt đầu có nhiều bạn hơn.

Có một chuyện cháu kể làm cho cả nhà ngạc nhiên hết biết. Đó là chuyện si tình của một thằng bạn học cùng lớp. Thằng nhóc mê một con bé, muốn date (hẹn hò) nhưng con bé không kết nó. Thằng nhỏ buồn hơn đưa đám, buồn tới mức khóc nức nở trong lớp! Cô giáo biết chuyện, thấy nó không học hành gì được, nên gởi nó lên văn phòng. Chuyện khó tin nhưng có thật, là chính cô giáo khuyên con bé đó lên văn phòng để an ủi (cormfort) thằng bé! Cu cậu vừa kể cho cả nhà nghe, vừa cười một cách bí ẩn, làm như nó vừa khám phá ra một thế giới mới, thế giới của tuổi dậy thì!

Người Việt đọc tới đây, chắc chắn không thể tin chuyện này. Người cổ lổ sỉ sẽ không ngần ngại phán: “Đồ con nít quỷ!” hay: “Trời! Hỉ mũi chưa sạch bày đặt yêu đương!” hoặc: “Tao hồi lên Đại Học mới bắt đầu cặp bồ! Con nít gì thành tinh vậy?!”….

Đừng ngạc nhiên. Thứ nhất, con nít Mỹ dậy thì sớm hơn con nít Việt. Lên lớp Sáu, đa số ở tuổi 12. Chúng dậy thì sớm, có thể do ăn uống đầy đủ, cơ thể phát triển nhanh, hay do di truyền chủng tộc. Nhìn mấy cháu nữ sinh lớp Bảy, lớp Tám của Mỹ, khó có ai tin được là chúng còn con nít, bởi vì cơ thể chúng gần như full grown, phát triển toàn diện: vòng một hai ba rõ như một thanh nữ đôi mươi VN. Thứ hai, chúng được dạy về sex từ lớp 5, nên với chúng, mọi thứ tình cảm hay đòi hỏi của cơ thể, chúng hiểu nó là nhu cầu tự nhiên, như phải ăn, ngủ, chớ không phải là thứ gì ghê gớm, hay chuyện bị cấm kỵ… Thứ ba, trường học Mỹ không bao giờ dạy cho chúng việc biểu lộ tình cảm là tội lỗi. Họ chỉ dạy chúng biết kềm chế, đặt việc học lên trên, và dạy chúng biết “safe sex”. Chúng công khai bày tỏ tình cảm. Chuyện học sinh “xà nẹo”, công khai ôm, hôn, âu yếm nơi công cộng không phải là chuyện gì to tát. Nó rất bình thường, rất con người ở xứ này, và chẳng ai thấy khó chịu hay xì xào đồn đãi hoặc lên án.

Tôi còn nhớ, khi con gái đầu lòng lên lớp Năm, nhà trường gởi giấy về hỏi xem cha mẹ có đồng ý cho con mình học về giới tính hay không. Lúc đó ở Mỹ chưa lâu, nhưng chúng tôi đã không ngần ngại trả lời YES, bởi vì chúng tôi tin là nhà trường sẽ biết phải nói cái gì, nói cách nào cho con nít sắp bước vào tuổi dậy thì, biết về chuyện sinh lý. Cái kiểu “đánh trống lãng” như “mẹ dở nách lên là sinh ra con”, không phải là cách dạy con về sex. Chúng sẽ tò mò tìm hiểu, và sự tò mò đó còn nguy hiểm hơn là thẳng thắn dạy chúng. Để cho nhà trường, những người chuyên nghiệp, có bằng cấp, hướng dẫn chúng, không hay hơn “tay ngang” như mình hay sao?

High school (Trung Học): Lớp 9 đến 12. Họ không dùng số nữa, mà đặt tên: Lớp 9 gọi là Freshman, lớp 10 là Sophomore, lớp 11 là Junior, và sau cùng lớp 12 được gọi là Senior.

Từ lớp Một đến hết Trung Học, học sinh chỉ học một buổi, khoảng 6 tiếng đồng hồ, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Hai ngày cuối tuần nghỉ xả láng, không bao giờ có homeworks (bài làm ở nhà), hay học thêm bất cứ môn gì cả. VN học cả sáng cả chiều, học luôn thứ Bảy, và ngày nghỉ thì bài tập dồn dập! Học tới điên!

Học sinh Mỹ vừa học vừa chơi, nên còn tuổi thơ. Học trò VN học bù đầu, mất hết tuổi trẻ, mà kết quả chẳng bao nhiêu.

Cách dạy và chương trình học mới quan trọng, chớ không phải thời gian học. Bằng chứng là trường Mỹ học ít giờ, nhưng kết quả khó có ai sánh bằng.

Đại Học (College): Cử Nhân (Bachelor degree) thường phải học 4 năm sau khi tốt nghiệp Trung Học. Cao Học (Master degree, VN gọi là Thạc sĩ), học thêm 2 năm sau Cử Nhân. Tiến sĩ (Doctor degree), thêm 4 năm sau khi có bằng Cử Nhân.

Ở bậc Cử Nhân, gọi là undergraduate students, nếu học sinh xuất sắc có học bổng từ các Đại Học thì khỏi bàn, nhưng học sinh nghèo vẫn được xin Basic Grants từ chính phủ Liên Bang hay Tiểu Bang. Đó là tiền trợ cấp không cần hoàn trả. Ngoài ra, sinh viên còn có thể vay (loan) từ chính phủ với phân lời vô cùng thấp. Ra trường, có việc làm, từ từ trả lại chính phủ. Cho nên chuyện học ĐH, nghèo giàu, giỏi dở gì cũng có cơ hội như nhau.

Tiền học phí (tuition) thay đổi tuỳ trường ở từng Tiểu Bang. Trường công thì học phí rất thấp. Thí dụ một trường ĐH tư tính học phí $35,000/yr, thì trường công tính $21,000/yr cho học sinh sống ngoài Tiểu Bang, và chỉ tính $9,700/yr cho học sinh trong Tiểu Bang của mình. Trường tư đắt gấp 3 trường công! Du học sinh thì trả đắt hơn thường trú nhân hay công dân Mỹ nhiều lần, cũng là chuyện dễ hiểu. Nói chung, bốn năm đầu ĐH, tiền Basic Grants và vay thêm chút đỉnh, thì tiền học phí coi như không thành vấn đề.

Sau Cử Nhân, thì không còn Basic Grants từ chính phủ. Sinh viên giỏi thì có học bồng, dở thì phải vay tiền. Tuỳ theo Tiểu Bang, tuỳ theo trường mình theo học, tuỳ theo ngành học, mà học phí sẽ khác nhau, cho nên chuyện nợ nần sau ĐH cũng rất khác nhau. Một Dược sĩ ra trường nợ khoảng 250K. Một Nha Sĩ nợ khoảng 400K. Một Bác sĩ nợ khoảng 600K,… Nhưng lương một Dược sĩ khoảng 120K/yr, một Nha sĩ khoảng 200K/yr, một BS lương cỡ 300K/yr trở lên (ở Cali), thì con số nợ đó có đáng gì! Chỉ sợ không chịu học, chớ cơ hội thì quá dễ dàng, phải không?

Một chi tiết khác, cũng nên biết. Khi thấy người ta ghi học vị viết tắt, như BA, BS, MA, MS, PhD, MD, PharmD, DDS,… làm sao biết họ có học vị gì? Nói chung, hễ thấy chữ B thì biết người đó có bằng Bachelor degree, như BA là Bachelor of Art. Thấy chữ M thì biết là Master, như MS là Master of Science. Thấy chữ D thì biết là học vị Tiến sĩ: PhD là Doctor of Philosophy, MD là Medical Doctor, PharmD là Doctor of Pharmacy (Dược sĩ),… VN chỉ có MD mới gọi là Bác Sĩ (Doctor). Mỹ hễ tốt nghiệp Tiến sĩ thì đều được gọi bằng Doctor hết ráo.

2. Phạt và kỷ luật ở trường học.

Hôm qua thằng cháu ngoại lớn nhất của tui bị phạt one hour detention. Chữ detention trong luật pháp có nghĩa là cầm tù, bị giam, bị nhốt, bị cấm cố,… nhưng ở nhà trường thì nó không có nghĩa ghê gớm như vậy đâu. Dịch sao đây? Cấm túc? Đúng nghĩa của nó là bị phạt ở lại trường sau khi tan học. Ở lại trường một giờ, cũng không có nghĩa là bị nhốt vô phòng tối, giam trong phòng kín, hay nhốt chuồng khỉ! Cháu chỉ phải ngồi lại trong thư viện của trường đúng một tiếng đồng hồ. Chỉ có vậy thôi!

Cách phạt này xem ra nó nhẹ nhàng, nhưng cũng khá nặng. Nhẹ là vì ngồi lại trong thư viện, nơi không được nói chuyện, không được chơi giỡn chọc phá, thì chỉ có hai chọn lựa: một là đọc sách, hai là làm homeworks. Đọc sách là chuyện quá tốt. Làm homeworks cũng là chuyện vô cùng tốt. Đàng nào về nhà cũng phải làm bài, giờ ngồi thư viện làm bài cũng có khác gì đâu. Phạt vậy có vẻ như không phạt, nhẹ te, phải không? Ờ! Nhà trường Mỹ chỉ phạt có vậy!

Phạt nhẹ nhất là bị gọi lên gặp thày Hiệu Trưởng để nghe “tụng” một bài về cách thức làm một học sinh tốt. Nặng hơn là detention. Detention là hình phạt khá nặng trong trường học Mỹ rồi đó. Nặng nữa là đuổi học tạm thời trong một thời gian, dài ngắn tuỳ theo lỗi lớn nhỏ. Nặng nhất là đuổi học luôn. Tới nước này, coi như học sinh là một con ngựa bất kham, nhà trường bình thường chịu thua. Cha mẹ chỉ còn cách là kiếm trường “đặc trị” như boot camps chẳng hạn.

Nhà trường Mỹ, dù học sinh phạm tội “tày trời” cỡ nào, thày cô giáo cũng không được có bất cứ hành vi, hay lời nói nào xúc phạm đến thể xác hay tinh thần của học sinh. Đánh, véo lỗ tai, khẻ tay, bắt quì nhiều giờ, bắt đứng khoanh tay quay mặt vô tường,… là chuyện không bao giờ có. Chửi bới, nhiếc móc, hạ nhục học sinh,… càng không thể có. Đó là luật. Thày cô giáo nào không tuân thủ, chuyện đầu tiên là mất việc, và kế tiếp là sẽ rất phiền hà với luật pháp. Luật là luật. Không có chuyện “huyện binh huyện, phủ binh phủ”. Không có chuyện đặc miễn theo kiểu có thẻ đảng. Bên này phạm tội thì dân hay quan gì cũng vô tù y như nhau. Đánh học sinh đến thương tích, cho uống nước lau giẻ, quì hằng giờ, ở Mỹ coi như ăn cơm tù là cái chắc. Giáo dục của Mỹ hoàn toàn khác giáo dục ở VN.

Cháu tui năm nay mới có 11 tuổi. Sắp bước vào tuổi dậy thì. Mặt đã bắt đầu có mụt mụn đầu tiên hồi tuần rồi. Nó là thằng bé thông minh, học toàn A, và nhất là hiền lành và ngoan ngoãn từ nhỏ. Cho nên khi nghe nói nó bị detention, cả nhà ai cũng ngạc nhiên. Tui nghe cũng ngạc nhiên, nhưng thầm nghĩ: có thể cháu nó đến tuổi dậy thì, tuổi phá, tuổi “nhứt quỉ nhì ma thứ ba học trò”, có gì lạ đâu! Tôi ôn tồn hỏi cháu:

– Chuyện gì vậy con? Tại sao con bị phạt detention vậy, nói ngoại nghe.

– Dạ ông! Trong giờ thể dục (PE=Physical education), thày giáo bắt chạy bộ nửa mile (khoảng 900 mét). Con đau chân quá, chạy hết nổi, nên con cut corner (chạy tắt), không theo lộ trình. Thày nói con cheat (gian lận), nên thày phạt con.

– Ông đã nghe con nói con bị đau chân mấy lần trước rồi. Sao con không giải thích cho thày giáo, hay xin thày giáo miễn cho con chạy bộ một bữa?

– Dạ! Con có nói, nhưng thày giáo biểu phải mang giấy chứng nhận từ bác sĩ là con bị đau chân, thì thày mới miễn được.

Tôi biết cháu nó bị đau chân thiệt, chớ không phải gian dối, mánh mung, vì nó đã nói cho tôi nghe vài lần rồi. Tôi nghĩ, chắc tại cháu chạy nhiều thì đau chút sẽ hết, nên cũng không coi đó là chuyện gì lớn lao, rồi quên luôn.

Tôi hỏi cháu tiếp:

– Đôi giày con mang đi học có thoải mái không? Có chật quá không?

– Rất thoải mái, con thích giày đó lắm.

Một ý nghĩ thoáng lên trong đầu tôi:

– Ừ! Mà sao ông thấy con chơi basketball, con chạy liên tục cả nửa giờ, không thấy con than đau? Như vậy không phải tại con chạy bộ nhiều quá sức trong giờ PE làm con đau, vì khi chơi, con chạy nhanh, chạy nhiều gấp mấy lần chạy bộ trong giờ học PE. Chắc chắn là tại đôi giày làm cho con đau. Ngày mai, khi con đi học, con bỏ đôi giày chơi thể thao vô bọc nylon, nhét nó vô backpack (cái bị đeo trên lưng), khi tới giờ PE thì con thay giày. Nếu không còn đau nữa, thì đúng là tại đôi giày con mang đi học có vấn đề.

– Nhưng mà chỉ có 5 phút để thay đồ, con không đủ giờ để mang đôi giày thể thao đó đâu ông!

Tôi kiên nhẫn dạy thằng cháu:

– Con nghe ông nói nè! Con sắp bước vào tuổi teen. Con lớn rồi. Con phải biết học cách tự giải quyết vấn đề. Trước nhất con phải tìm cho ra nguyên nhân làm cho con đau chân. Con nên tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi: Tại sao đau? Tại sao chơi banh không đau mà chạy bộ đau? Khi con đặt câu hỏi như vậy, thì tự nhiên con sẽ có câu trả lời: Con sẽ nghi ngờ đôi giày con mang đi học không thích hợp cho việc chạy bộ. Nghi thì phải thử. Thử mà thấy mình nghi đúng, thì nói mom con mua cho con đôi giày khác để chạy bộ trong những ngày có lớp PE trong tuần. Con hiểu ý ông không?

– Dạ con hiểu rồi.

– Còn chuyện không có thì giờ để thay giày, con nghe ông nói nè: Mỗi bữa cơm con cần bao nhiêu thời gian để ăn xong?

– Chừng 20 minutes!

-Con có biết người lính ở trong quân trường họ ăn trong bao lâu không? Chỉ có hai phút hoặc ít hơn nữa!

– No way! How can you finish your meal in 2 minutes? I don’t believe it! (Không cách nào! Làm sao có thể ăn trong hai phút? Con hỏng tin!)

– Có thời gian, con ăn trong 10 phút, 20 phút, nửa tiếng, không sao. Nhưng ngoài chiến trường, dù phải nuốt trọng, không kịp nhai, cũng phải nuốt để sống, vì chiến trường đâu phải là nơi để con thưởng thức bữa ăn! Cho nên con chỉ có 5 phút thay đồ, thì con phải làm thật nhanh cho kịp thay đồ và thay luôn giày. Con phải làm cho được chuyện đó.

Thằng bé thấy khó quá, nên nảy ra sáng kiến:

– Hay là thứ Hai và thứ Sáu, hai ngày có lớp PE, con sẽ mang giày thể thao đi học?

– Đúng rồi! Very good idea! Con đã học xong bài học tìm cách giải quyết vấn đề rồi đó. Cháu ông thông minh mà! Nếu không còn đau chân nữa, thì coi như lý do là tại đôi giày. Chừng đó nói mom con mua cho con đôi giày chạy bộ, OK.

Chuyện chạy tắt nó nhỏ xíu, có đáng gì mà phạt cháu tôi? Không! Không nhỏ chút nào đối với nền giáo dục Mỹ! Đó là sự gian dối (cheating)! Gian dối một chuyện rất nhỏ, thì từ từ sẽ gian dối chuyện lớn hơn! Ông bà mình cũng từng nói: “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Nhỏ ăn cắp một cọng dây thun của bạn. Lớn lên sẽ ăn cắp một con bò. Làm quan thì đốn hết rừng, đào hết mỏ, bán hết biển của quốc gia. Nhỏ mà gian dối, lớn lên sẽ là một tên quan chức bất lương, một thành phần bất hảo của xã hội.

Nhà trường phải là nơi đào tạo ra những công dân lương thiện. Đó là trách nhiệm của chính phủ, của Bộ Giáo Dục. Người dân trả lương nuôi họ để họ có bổn phận phải làm việc đào tạo công dân tốt. Tui thấy rất “bịnh” đối với những tên dư luận viên cao cấp, luôn ra rả mỗi ngày để bênh vực ông bà ông vãi chúng: “Quan từ dân mà ra. Dân không tốt, quan sao tốt? Phải trách dân chớ đừng trách quan,…”

Đúng là cái thứ đẻ ngược nên lấy cái đít đặt lên cái đầu! Chúng “trồng người” cái kiểu gì mà trồng cái đầu xuống đất! Không lạ khi đất nước giao cho bọn ngu ngục “trồng người”, đã và đang cho ra lò những quái thai thời đại!

3. Bạo lực học đường (bully)

Đứa cháu lớn nhứt của tui đang bước vô ngưỡng cửa trung học, và cũng sắp bước vào tuổi teen (teenagers). Teenagers là tuổi từ 13 đến 19: Thirteen, fourteen, fifteen,… nineteen, tuổi nào cũng tận cùng bằng “teen”. Khi nói tuổi teen, thì người Mỹ hiểu là đứa bé vào tuổi dậy thì, tuổi quậy, tuổi phá, tuổi nổi loạn, trước khi trưởng thành.

Ở VN cũng vậy. Tôi nhớ những năm Đệ Lục (lớp 7), đệ Ngũ (lớp 8)😎 là những năm phá phách tối trời ông địa! Cái tuổi được người Việt gọi là “nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò”! Đệ Tứ (lớp 9) vẫn còn phá chút chút. Bắt đầu lớp Đệ Tam (lớp 10), khi đó đã lên Trung Học Đê Nhị Cấp, thì chững chạc hơn, đàng hoàng hơn, để chuẩn bị thành một Tú Tài.

Chuyện phá làng phá xóm, chuyện đánh lộn đánh lạo, chuyện ăn hiếp bạn học, ở Mỹ cũng có, vì con nít thì ở đâu, thời nào chẳng vậy. Cái khác là mức độ, tần suất, và việc giáo dục của quốc gia.

Ở Mỹ, chuyện bully được nhà trường quan tâm đặc biệt từ vườn trẻ, chớ không phải chờ tới tuổi dậy thì đâu. Một đứa trẻ hay chọc phá, hiếp đáp bạn học sẽ bị phạt, sẽ có giấy gởi về nhà cho cha mẹ. Vẫn bị gởi lên văn phòng Hiệu Trưởng, gởi về nhà, đuổi học tạm hay đuổi luôn như thường. Đứa trẻ bị bắt nạt, thí dụ bị bạn học xô té trầy xước, chắc chắn sẽ được nhà trường gởi giấy về báo cho cha mẹ hai phía biết.

Biết con và đám cháu mình là người Việt, nhỏ con, có thể dễ bị ăn hiếp, cho nên chúng tôi thường xuyên căn dặn: “Ở trong lớp, có đứa nào ăn hiếp (bully) con, con đừng sợ, phải nói cho cô giáo biết, và về nhà nói cho ở nhà biết. Người lớn sẽ giúp con giải quyết. Nhớ, mình không đi gây sự, nhưng nếu có đứa nào gây sự và hiếp đáp con, con nhứt định không sợ, phải chống trả, nghe không con….”

Ngoài chuyện dặn dò thường xuyên, tôi khuyến khích chúng học võ để phòng thân. Đứa nào muốn học, học tới đâu tôi cũng đóng tiền cho học. Tới ba đứa cháu, con gái tôi cũng ép chúng học võ. Trước là rèn luyện sức khoẻ, lòng tự tin, và sau là tự vệ, để khỏi bị hiếp đáp. Tốn tiền, tốn nhiều lắm, nhưng đó là món tiền đáng đầu tư cho con cháu.

Ba đứa cháu tôi 11, 9, và 4 tuổi, tôi chở đi học Tae Kwon Do mỗi ngày. Nếu chúng có black belt thì còn sợ ai ăn hiếp? Học phí gần 3K/năm cho một cháu. Muốn lấy black belt cần ít nhất cũng ba bốn năm, và một đứa tốn không dưới 10K! Võ đường có black belt club: chỉ cần đóng 4K cho một cháu, đóng trước, đóng một lần, thì họ bảo đảm sẽ dạy cho tới khi nào thi đậu black belt mới thôi. Mỗi tuần muốn đi học mấy ngày cũng được, học tới bao nhiêu năm cũng đươc. Đóng cái cụp 12K cho ba đứa con, không là số tiền nhỏ. Nhưng cần xài thì có đau bụng cũng xài.

Chuyện đánh hội đồng bạn học, tuột quần áo, quay clip đưa lên FB thường xảy ra ở VN là chuyện gần như không có ở nước Mỹ. Nếu có, thì không những nhà trường, mà cảnh sát sẽ vào cuộc. Nhà trường không bao giờ che giấu vì sợ trường mất tiếng (bệnh thành tích), ngược lại họ phải có bổn phận báo cáo cho cơ quan công quyền. Tuỳ theo mức độ vi phạm, học sinh bạo hành bạn học và cha mẹ các học sinh đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc gây ra tổn thương đến tinh thần và thể xác của nạn nhân. Chuyện thưa kiện nhà trường, thưa thày giáo, thưa kiện thủ phạm và cha mẹ của thủ phạm, là chuyện không tránh khỏi ở xứ này. Tù tội, tốn tiền toà, tiền luật sư là chuyện đương nhiên. Những tội nghiêm trọng, con nít vẫn bị xử như người trưởng thành.

Giáo dục học đường, kèm theo luật pháp nghiêm minh, thì mới có thể đào tạo ra một lớp người tốt cho xã hội được. Lập một chương trình Giáo dục, xây dựng một hệ thống pháp luật, là trách nhiệm của chính phủ. Tôi lập lại lần nữa: Tôi rất ghét và khinh những tên dư luận viên luôn miệng nguỵ biện: “Muốn chính phủ tốt, người dân phải tốt trước, bởi vì chính quyền từ dân mà ra! Dân không tốt, làm sao đòi chính quyền tốt,…” Lý luận ngược ngạo đó chỉ gạt được dân ngu mà thôi!

Nhìn chi nước Mỹ, hay các nước phương Tây xa xôi. Hãy nhìn một Nam Hàn, một nước Nhật.

Nếu chính quyền có luật pháp nghiêm minh, có những người lãnh đạo cương trực, vì dân vì nước như Tổng Thống Phác Chánh Hy, “bắn bỏ tất cả những thằng hối lộ, thâm thụt công quỹ dù một đồng”, thì đố cha đứa nào còn dám nhận hối lộ, ăn cắp tài nguyên quốc gia, hay thâm thụt công quỹ! Nếu luật pháp nghiêm minh, dù Tổng Thống hối lộ cũng cách chức, cũng bỏ tù như bà TT Nam Hàn, con ruột Phác Chánh Hy, thì tự động đất nước sẽ sạch trơn! “Quân pháp bất vị thân”, nghĩa của nó là vậy.

Không một ai có thể đứng trên hay đứng ngoài luật pháp. Không có chuyện dân ăn cắp con vịt tù 6 năm, còn quan ăn cắp một núi tiền, chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm! Bày đặt đốt lò, rồi tuỳ hứng, lâu lâu chọn một vài cây củi mình không ưa, bỏ vô đốt cho có lệ, phe địch thì đốt phe ta thì tha, thì ngàn năm nữa, chính quyền vẫn là một bọn sâu dân mọt nước từ trên tới dưới!

Nhìn nước Nhật, coi chương trình giáo dục và đào tạo của họ. Tại sao cũng là dân Á Châu, mà người Nhật đi tới đâu cũng được người ta nể phục? Giáo dục mà ra. Giáo dục tốt mới có những con người có nhân cách như vậy. Dân làm sao tự nhiên tốt nếu không được giáo dục đàng hoàng từ chính phủ?

Giáo dục là một tiến trình dài hạn, cần có những nhà lãnh đạo khôn ngoan, cương quyết, hết lòng vì tiền đồ dân tộc. Một lũ bần nông ăn hại đái khai cầm quyền, thì trông mong gì đất nước theo kịp nền văn minh của thế giới. Hãy ngừng chửi rủa cái ngọn. Hãy lo bứng cái gốc đã bị hoại tử mới là chuyện nên làm.

Quản Trọng, Tể Tướng nước Tề, gần 700 năm trước Công Nguyên đã biết việc đào tạo con người quan trọng cỡ nào, và thời gian không phải một năm, mười năm, mà là là cả đời, cả trăm năm:

Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.
Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn.

Dịch:
Kế hoạch một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế hoạch 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế hoạch trọn đời, chi bằng trồng người.

Trồng người là một kế hoạch trăm năm. Sai một li sẽ đi ngàn dậm!

Peter Chánh Trần