Theo thời gian, tình cảm con người có thể thay đổi. Chính sách ngoại giao có thể thay đổi nhưng lịch sử thì không thể thay đổi. Làm sao loài người có thể quên đi thảm họa mà Đức Quốc Xã, Quân Phiệt Nhật gieo lên đầu nhân loại từ 1939-1945? Làm sao người Việt Nam có thể quên đi một ngàn năm đô hộ giặc Tàu và một trăm năm đô hộ giặc Tây? Làm sao lịch sử có thể quên đi bao nỗi thống khổ mà Đảng CSVN gieo lên đầu người dân Miền Nam sau ngày 30/4/1975? Làm sao thế giới có thể quên được rằng 700,000 người Việt đã bỏ xác giữa biển khơi để 3,000,000 người Việt có mặt khắp thế giới ngày hôm nay? Một số người Việt ở hải ngoại ngày nay đã quên nhưng sử sách, tài liệu, phim ảnh thì không thể nào quên vì sử sách, tài liệu, phim ảnh nó khách quan, nó vô tư và không biết quên. Và nó sẽ sống mãi với thời gian cho đến khi loài người tận thế.
GIÃ TỪ BIÊN CƯƠNG CỦA TỔ QUỐC
Chiếc thương thuyền trước mặt,
Gã tài công la lên:
Hải phận quốc tế!
Hải phận quốc tế bà con ơi!
Chúng ta thoát rồi!
Cả con tàu reo vui.
Người ta líu lo mừng rỡ.
Nhưng sao lòng ta chua xót?
Tổ Quốc hỡi thôi từ nay vĩnh biệt!
Con xa rồi mẹ có biết hay không?
Nhau con chôn từ thuở mới lọt lòng,
Nay vứt bỏ để sống đời lưu xứ!
Con muốn khóc để nhớ thương Tổ Quốc.
Đó là tim, là máu của đời con.
Là tổ tiên là lịch sử từng trang.
Dù có chết con vẫn chôn đáy huyệt.
Sao bỗng dưng con phải lià xa nhỉ?
Định mệnh nào chia xẻ thịt và xương?
Tình ngàn năm chỉ bỗng chốc đoạn trường!
Tổ Quốc hỡi cho con xin giã biệt!
Đào Văn Bình
(trích Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển xb năm 2002)