Dzũng Chinh & Những Đồi Hoa Sim

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ DZŨNG CHINH

Nhạc sĩ Dzũng Chinh tác giả 2 nhạc phẩm bất hủ “Những đồi hoa sim” và “Tha la xóm đạo” được giới yêu âm nhạc yêu thích nhất.

Dzũng Chinh chỉ là bút danh còn tên thật là Nguyễn Bá Chính. Đi quân dịch vào năm 1965. Vài năm sau khi ra trường, có lẽ chán nản với cấp bực trung sĩ, anh xin học khóa sĩ quan nhưng rồi nghe tin Dzũng Chinh chết tại Qui Nhơn (Có tài liệu ghi, khi vào đời lính, anh được điều xuống miền Tây, và trong một chuyến công tác, xe anh bị trúng mìn trên QL 4, lúc đó Dzũng Chinh mang cấp bậc chuẩn úy, được đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp với bia ký là “Cố Thiếu úy Nguyễn Bá Chinh”). Nên tài liệu về người nhạc sĩ vắn số này rất ít, anh chỉ để lại đời nhạc phẩm “Những đồi hoa sim” và “Tha La xóm đạo” cùng một số nhạc phẩm khác không được nổi cho lắm.

Lời ca : “…mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến không hẹn được ngày về, và đường về… thênh thang… màu hoa tím loang dài trong bóng tối…” đã giống như định mệnh của người nhạc sĩ tài hoa không may mắn với đời. Trên những đồi cát chập chùng nắng gió Qui Nhơn, màu hoa sim của Hữu Loan miền Bắc đã thấm vào hồn của Dzũng Chinh miền Nam để sống mãi trong lòng mọi người. Khi người ta yêu, cũng giống như khi người ta chết, có một thời họ ủ đau thương trên dòng mực của mình.

Ngày Dzũng Chinh phổ biến bản nhạc này, lúc đó anh đang còn là sinh viên ĐH Luật khoa Saigon, khoảng 1961-62 qua tiếng hát của “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung. Ngoài bản nhạc “Những đồi hoa sim”, anh còn phổ một số bài khác như “Tha La xóm đạo” (thơ Vũ Anh Khanh), “Các anh đi” (tác giả Hoàng Trung Thông), v..v…

Theo wikipedia: 

Dzũng Chinh tên thật là Nguyễn Bá Chính (một số tài liệu ghi là Nguyễn Văn Chính).

Khi sáng tác bản nhạc Những đồi hoa sim, ông còn đang là sinh viên Luật khoa Sài Gòn. Sau khi bài này nổi tiếng với tiếng hátPhương Dung (1961-1962), Dzũng Chinh được động viên vào lính và đi quân dịch vào năm 1965.

Khi được điều động về Trà Vinh, nhạc sĩ Trúc Phương viết bài Để trả lời một câu hỏi tặng ông.

Dzũng Chinh tử trận ngày 1/3/1969 với cấp bậc cuối cùng là Thiếu úy và được đưa về nghĩa trang Quân đội Gò Vấp chôn cất. Người bạn của ông là nhạc sĩ Thanh Sơn nghe tin bạn mình mất có viết bài hát Đọc tin trên báo, thâu vào đĩa nhựa Thiên Thai 45 do Trúc Ly ca.

NHỮNG ĐỒI HOA SIM

07.05.2012, DongNhacXua.com : Trong một bài viết trước về bản “Áo anh sút chỉ đường tà“, chúng tôi đã giới thiệu bài hát phổ từ bài thơ “Màu tím hoa sim” thành công nhất. Hôm nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu một bản nhạc cũng phổ từ bài thơ này: bản “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh. Có thể nói không quá lời rằng “Những đồi hoa sim” là tiêu biểu của dòng nhạc bolero trữ tình, một đặc sản văn hóa của miền Nam ngày trước. Ảnh bìa: hcmutrans.edu.vn

“Con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, ca sỹ được cho là thành công nhất với “Những đồi hoa sim”

ĐÔI CHUYỆN BÊN LỀ
Nguồn: http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/dzung-chinh

Ngày Dzũng Chinh phổ biến bản nhạc này, lúc đó ông đang còn là sinh viên Luật khoa Saigon, với cái tên cha sinh mẹ đẻ là Nguyễn Bá Chinh. Sau khi bản nhạc nổi tiếng qua tiếng hát của ca sĩ Phương Dung (khoảng 1961-62), ông phải vào lính, khóa mấy Thủ Đức thì tại hạ không nhớ….Tốt nghiệp, ông được điều xuống miền Tây, và trong một chuyến công tác, xe ông bị trúng mìn trên QL 4, chuẩn úy Nguyễn Bá Chinh chết, được đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp với bia ký là “Cố Thiếu úy Nguyễn Bá Chinh”. Ngoài bản nhạc “Những đồi hoa sim”, ông còn nổi tiếng với bản “Tha La xóm đạo” (thơ Vũ Anh Khanh).

Sau khi tàu hỏa Thống Nhất chạy được vài chuyến (1976), thì Hữu Loan đã vào Nam thăm thân nhân trên chuyến tàu này. Khi xuống ga Saigon, ông tình cờ nghe một giọng hát những lời có phần….quen quen. Tìm, thì thấy một người ăn mày….cụt chân (khiếm cước cái bang) đang ôm cây Ghi-ta cũ mèm ngồi ở góc sân ga, đang dạo và hát rất đúng nhịp bài hát của Dzũng Chinh. Hữu Loan ngồi nghe hết bản nhạc, rồi mới gợi chuyện, hỏi người hát rong ấy về bản nhạc và nguyên nhân nào làm anh cụt chân, người kia trả lời “…bị thương ở trận Bình Long anh dũng….”

Hữu Loan ái ngại, và yêu cầu anh kia hát lại, ông ngồi nghe hết bản nhạc rồi đứng dậy, móc hết tiền còn trong túi đưa cho “người nghệ sĩ nghèo”, kèm theo lời cảm ơn và nói cho anh nghe “…Tôi là tác giả bài thơ đó !”

Ông bỏ đi trong sự ngẩn ngơ của người ăn xin…….

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.


(Cập nhật 17.08.2014, nguồn: http://cafevannghe.wordpress.com, facebook.com/dongnhacxua)