Bước vào tuổi tám mươi nhà thơ Hạ Ái Khanh (Dương Viết Điền) sức khỏe rất yếu, không còn ngồi được để thực hiện tiếp những tác phẩm còn dang dở nên nhờ Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời gian giúp anh thực hiện tuyển tập Thơ & Nhạc.
Sau 20 tác phẩm từ năm 1993 đến năm 2021 (trong đó có Nhật Ký Thuở Học Trò năm 2014 và 7 Nhật Ký Lúc Chiều Tà từ 2014 – 2021), anh ấn hành tác phẩm Những Kỷ Niệm Với Các Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2022.
Với tác phẩm nầy tôi được “vinh dự” thay anh viết Đôi Lời Phi Lộ (trang 5-8) vì trong 11 nhạc sĩ anh đề cập tôi quen biết những nhạc sĩ và đã viết bài.
Trích: “Tác phẩm Những Kỷ Niệm Với Các Nhạc Sĩ Việt Nam của nhà văn Dương Viết Điền là tuyển tập hồi ký mười một nhạc sĩ đã viết trong thời gian qua. Từ những nhạc sĩ đã quen nhau từ thời học sinh ở Đà Nẵng như Nhật Ngân, trong ngành Chiến Tranh Chính Trị như Nguyễn Đức Quang, trong trại tù Bình Điền như Đinh Miên đến những nhạc sĩ ở hải ngoại như Nguyễn Hiền, Anh Bằng, Lam Phương, Lê Văn Khoa, Tuấn Khanh, Lê Trọng Nguyễn, Lê Dinh, Hồ Xuân Mai.
Dương Viết Điền là bạn văn và cũng là bạn cùng khóa (Khóa Nguyễn Trãi I Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Đà Lạt) và cùng định cư tại Hoa Kỳ năm 1990 (Diện H.O). Anh ở Los Angeles, tôi ở Little Saigon nên có nhiều dịp gần gũi bạn bè cùng khóa và sinh hoạt văn học nghệ thuật. Thời gian sau nầy, anh không lái xe được, anh gom lại các bài viết, ấn hành tác phẩm nầy.
Khi ra trường, anh phục vụ tại Tiểu Đoàn 10 CTCT, sau đó biệt phái sang Phòng Báo Chí, Khối CTCT Quân Đoàn I nên có cơ hội quen biết với giới cầm bút trong thời gian quân ngũ.
Với bút hiệu Hạ Ái Khanh qua thi và và âm nhạc, với niềm đam mê và cảm hứng đã sáng tác một số ca khúc, khi tham gia trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tạo thêm môi trường thuận lợi cho anh tiếp xúc với các nhạc sĩ được anh trang trải qua các bài viết…
Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, nhà văn Việt Hải được xem như “gạch nối” giữa bạn tôi với các văn nghệ sĩ. Hè năm 2005, tôi ra tờ Cali Weekly, mời Nguyễn Ngọc Chấn làm chủ bút và Việt Hải làm tổng thư ký. Cùng thời điểm đó Văn Đàn Đồng Tâm ở Texas do nhà văn Doãn Quốc Sỹ, GS Tạ Xuân Thạc, GS Lê Hữu Mục, GS Nguyễn Thanh Liêm… (Đặc San Đồng Tâm do GS Tạ Xuân Thạc làm chủ nhiệm, nhà văn Việt Hải chủ bút và nhà văn Doãn Quốc Sỹ cố vấn). Chủ trương nhằm mục đích vinh danh những tác giả, tác phẩm Đã có công đóng góp cho nền văn học miền Nam VN và giới thiệu giới trẻ trong sinh hoạt văn học hải ngoại… Vì vậy trong những lần sinh hoạt, bạn tôi có cơ hội gặp gỡ các nhạc sĩ…
Nhà văn Dương Viết Điền qua những mẩu chuyện kể trong Những Kỷ Niệm Với Các Nhạc Sĩ Việt Nam. Tôi gọi là “mẩu chuyện” vì có sao viết vậy, không hư cấu, không cường điệu, màu mè… với bản chất thật thà, hiền lành ngay từ thuở ở quân trường”.
Khi định cư tại Mỹ, thời gian đầu anh dành hai năm để viết hồi ký trong lao tù Trại Ái Tử & Bình Điền. Những năm đầu của thập niên 90, tôi tham gia trong Trung Tâm Văn Bút với nhà văn Nguyễn Thạch Kiên, nhà văn Viên Luông và nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Tôi biết nhạc sĩ Nguyễn Hiền rất thận trọng, tế nhị khi viết về tác giả, tác phẩm nhưng với hồi ký nầy, ông viết Lời Giới Thiệu “… Đương nhiên sau ngày vận nước suy vong đó, chúng ta đã có một dòng văn học gồm những tù nhân chính trị viết lại sinh hoạt của họ trong các trại giam Cộng Sản. Và do vậy những cây bút ấy đã góp phần phong phú hóa cho vườn hoa văn học nghệ thuật hải ngoại thêm nhiều màu sắc. Trong số đó có văn hữu Dương Viết Điền đã viết hồi ký Trại Ái Tử & Bình Biền xuất bản năm 1993 và nay lại tái bản theo yêu cầu của độc giả hải ngoại.
Lối văn hồi ký ghi những kỷ niệm trong thời gian đi tù “cải Tạo” như kể chuyện đã hấp dẫn người đọc tìm hiểu về tâm tư của tác giả cùng những bạn tù và chế độ các trại giam của Cộng Sản…”
Sau đó với tác phẩm Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân năm 2003, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết lời Bạt. (Hai tác phẩm nầy khi tôi phụ trách Section B nhật báo Sài Gòn Nhỏ, bạn tôi gởi file Microsoft Word để trích đăng trên trang báo).
Dương Viết Điền làm thơ (với bút hiệu Hạ Ái Khanh), viết văn, sáng tác nhạc và viết nhiều bài về văn học nghệ thuật.
Tôi và Việt Hải bạn văn đã lâu nhưng ở xa còn Dương Viết Điền và Việt Hải cùng ở Los Angeles nên mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật đều có nhau. Tình bạn văn nghệ từ Văn Đàn Đồng Tâm cho đến Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian gần hai thập niên qua vẫn bên nhau, nhưng rất tiếc vì anh mang nhiều căn bệnh hiểm nghèo (hậu quả trong 10 năm tù) nên cuối đời bỏ cuộc.
Dương Viết Điền có chí ham học, anh kể cho tôi nghe, sau những năm lao tù, sức khỏe yếu nên được làm chăn trâu. Vợ anh thăm nuôi, giấu trong thức ăn khô cuốn tự điến Anh Việt bỏ túi, anh xé ra từng trang, bọc nylon, chôn cạnh chuồng trâu, mỗi ngày cố gắng học thuộc 2 trang… cho đến khi hết cuốn tự điển. Cũng nhờ chú tâm học thuộc và ôn lại nên quên bớt những nỗi đau của người tù. Vì vậy anh đã thực hiện hai tập thơ Anh Ngữ Speechless năm 2000 và song ngữ Nghẹn Ngào (Speechless) năm 2009.
Khi bước vào tuổi bảy mươi, Dương Viết Điền dành hết thời gian để thực thực Nhật Ký Lúc Chiều Tà gồm 7 quyển khoảng hai nghìn trang ghi lại quãng đời từ thời trai trẻ, trong quân trường, ngoài đơn vị, trong lao tù, ở hải ngoại với nhiều lần hội ngộ cùng bạn bè gần xa… Anh có trí nhớ rất tốt để hồi tưởng và viết rất chân tình. Anh còn dẫn chứng qua tất cả emails (nguyên văn) trao đổi với nhau… Nếu viết về anh qua nhật ký ghi lại, có lẽ vài chục trang cũng chưa nói hết.
Với tuyển tập Thơ, Nhạc nầy chỉ là những sáng tác tượng trưng trong toàn bộ tác phẩm của anh. Và có lẽ ở tuổi tám mươi, tuổi hoàng hôn của cuộc đời, có thêm đứa con tinh thần lưu niệm. Khi anh gọi cho tôi, mày ngày nào cũng cà phê, thuốc lá liên miên nhưng vẫn còn khỏe, minh mẫn, viết văn phụ trách tờ báo. Tao bây giờ quá yếu, chờ ngày… tôi thật xúc động.
Tôi rất thích bài viết Mày – Tao của nhà văn Song Thao: “Ngày nay, tuổi đã… hạc, tôi và anh bạn tiểu học ngày xưa vẫn không bỏ được lối xưng hô mày – tao. Khi xưng hô với nhau như vậy, chúng tôi như sống lại tình bạn chân thật ngày còn nhỏ nhít. Chẳng ai cảm thấy bị khinh miệt hay nhục mạ. Chỉ có tình bạn thời lòng còn trong trắng, chẳng có chút tính toán nào, mới làm cho mày – tao trở nên hết sức hồn nhiên…
Thời chiến mày – tao là ngôn ngữ của dân nhà binh, chẳng họ hàng hang hốc chi mà sống với nhau như anh em một nhà, cùng chia nhau bom đạn, che chở nhau như tình nhân. Rồi khi chinh chiến tàn lụi, mang thân kẻ thua trận, cùng nhau hứng sự thù hận trong các trại tù, đám chiến bại lại chia nhau tủi nhục, lại nảy sinh ra tình mày – tao. Mày – tao trong sinh hoạt hàng ngày vun những người tù cam chịu tủi nhục thành một gia đình.
Mày – tao là sản phẩm dịu dàng của thời học trò, thời lính hoặc thời tù đày”.
Trong nhóm NVNT & Tiếng Thời gian, chỉ có Dương Viết Điền và tôi với “mày – tao”. Điền ơi! Nếu chẳng may, lỡ dại mày “bỏ” tao trong cuộc chơi nầy. Buồn vô cùng… Ngày xưa cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Dương Khuê “Bác Dương thôi đã thôi rồi. Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta… Tuổi già hạt lệ như sương. Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”. Nay chưa biết được ai khóc ai, là họ mày hay tên tao! Thôi thì đứa còn lại khóc tiễn người đi.
Little Saigon, June 2024
Vương Trùng Dương