ĐƯỜNG TỰ DO- CON ĐƯỜNG XƯA NỔI TIẾNG NHẤT SÀI GÒN (Trần Hưng/TriThucVN)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Đường Catinat, đường Tự Do, ngày nay được gọi là đường Đồng Khởi, là con đường xưa nhất Sài Gòn, xuất hiện từ trước khi Pháp đánh Gia Định năm 1859. Trải qua lịch sử lâu dài, con đường này là bộ mặt trung tâm của Sài Gòn, gắn liền với chiều dài lịch sử của thành phố.

Thời nhà Nguyễn, đầu con đường này giáp với bến bờ sông, nơi các vua Nguyễn đến đây nghỉ ngơi, nên bến này được gọi là bến Ngự.

Sau khi Pháp chiếm Gia Định năm 1859, người Pháp đầu tiên mô tả con đường này vào năm 1861 là Pallu de la Barrière viết như sau: “Du khách đến Sài Gòn nhìn thấy bên hữu ngạn con sông một loại đường phố mà hai bên bị đứt quãng bởi những khoảng trống lớn. Phần lớn nhà cửa làm bằng cây lợp lá cọ ngắn; số khác ít hơn, làm bằng đá. Mái nhà lợp bằng ngói đỏ làm vui mắt và tạo được cảm giác yên bình…”.

Người Pháp bắt đầu quy hoạch lại khu vực này, với tầm nhìn đưa nó thành đô thị kiểu châu Âu. Có 26 con đường hình thành trong thời gian này, con đường đầu tiên được tráng nhựa là đường số 16, “Rue no. 16”. Sau khi các con đường được tráng nhựa, Đề đốc De La Grandière đặt tên cho từng con đường vào ngày 1/2/1865. Đường 16 được đặt tên là đường Catinat, trở thành bộ mặt trung tâm của Sài Gòn.


Đường Catinat xưa kia. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)

Catinat là tên của một Thống chế Pháp phục vụ dưới thời vua Louis 14. Người Pháp từng lấy tên Catinat đặt cho một con tàu đánh Gia Định năm 1859, và đến ngày 1/2/1865, Đề đốc De La Grandière lại dùng tên Catinat đặt cho con đường trung tâm Sài Gòn.

Đường Catinat có chiều dài 630 mét, chạy đến cuối con đường là nhà thờ Đức Bà, phía đất trống trước nhà thờ Đức Bà là “Quảng trường Đồng hồ” (Place de l’Horloge).


Nhà thờ Đức Bà chụp từ đường Catinat. (Ảnh từ Madeinsaigon.vn)

Năm 1878, Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, đã quyết định xây dựng nhà hàng khách sạn ở con đường này. Sau 2 năm, khách sạn Continental được khánh thành.

Continental là khách sạn cổ nhất của Sài Gòn và là một trong những khách sạn cổ xưa nhất Việt Nam. Bề dày lịch sử của nó gắn liền với thành phố Sài Gòn. Nơi đây từng tiếp đón thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, Nobel Văn chương năm 1913.


Khách sạn Continental. (Ảnh từ Madeinsaigon.vn)

Ngày 1/1/1900, nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố) được khánh thành trên giao lộ đường Bonard (nay là đường Lê Lợi) và đường Catinat, nơi đây thường xuyên có các đoàn biểu diễn đến từ phương Tây.

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Sài Gòn mới chỉ có diện tích 3km2, là thành phố được quy hoạch có cảnh quan hài hòa đẹp mắt. Du khách từ châu Âu hay các nơi trên thế giới xem Sài Gòn là “Perle de l’Orient”, nghĩa là Paris của phương Đông.


Kiến trúc khách sạn Continental nằm trên con đường Catinat vừa cổ kính lại sang trọng. Khiến Sài Gòn trở thành Paris của phương Đông. (Ảnh: Đỗ Thanh Phong/Flickr)

Nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam là Nguyễn Liên Phong trong quyển “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” (xuất ban năm 1909) đã mô tả đường Catinat thời kỳ này như sau:

“Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
..Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương [đan]
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi”

Một phụ nữ Pháp là M. Vassal, trong quyển ký Mes trois ans d’ Annam (Ba năm sống ở Việt Nam) do nhà nhà xuất bản Hachette (Paris) xuất bản năm 1912 có đoạn mô tả: “Chúng tôi ngồi ăn tối trên sân thượng nhà hàng Continental. Dù đã khuya, những bàn ăn chất đầy rượu mạnh và thức uống lạnh vẫn còn đông khách. Con đường (Catinat) im ắng, nhưng đồng thời cũng rất náo nhiệt. Xe kéo chạy thật êm trên những chiếc bánh cao su, người phu xe nện đôi chân trần xuống đất mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào…”.

Năm 1925, một thương nhân người Hoa giàu có nổi tiếng Sài Gòn là Hui Bon Hoa (chú Hỏa) đã xây dựng khách sạn và rạp hát cùng tên Majestic, nằm ở góc đường Catinat và Luro (tức Tôn Đức Thắng ngày nay). Khách sạn ban đầu có 3 tầng lầu, 44 phòng ngủ do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Khách sạn này được xây dựng theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng lúc bấy giờ, cổ kính và sang trọng bậc nhất ở Sài Gòn. Bến sông trước mặt khách sạn sau đó được xây dựng thành công viên.


Khách sạn Majestic lúc xây xong. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)

Năm 1930, Tổng biên tập của một tờ báo Pháp là ông Henry Edouard Charigny de Lachevrotière đã xây dựng khách sạn Grand Hotel Saigon ở góc đường Catinat và Vannier (Ngô Đức Kế). Đến năm 1937 thì khách sạn này được đổi tên thành Saigon Palace.

Đến thời Việt Nam Cộng Hoà, đường Catinat đổi tên thành đường Tự Do.

Vào thời thuộc Pháp, cuối đường Catinat, nơi giao với Nhà Hát Lớn (tức Nhà Hát thành phố ngày nay), là quán cà phê kiêm khách sạn Café de la Terrace. Đến năm 1957 nơi đây được xây dựng thành khách sạn Caravelle bởi các nhà đầu tư lớn của Air France và chính phủ Úc. Khách sạn nổi tiếng này được khai trương vào đêm giáng sinh năm 1959.


Khách sạn Caravelle năm 1963. (Ảnh: Mạnh Hải/Flickr)

Năm 1958, “Saigon Đại Lữ Quán” được xây dựng và trở thành tòa nhà nổi tiếng của thành phố. Đây là tòa nhà hiện đại và cao bậc nhất ở Sài Gòn, cũng là điểm họp mặt của giới trí thức và chính khách lúc đó.

Sau năm 1975, đường Tự Do đổi tên thành đường Đồng Khởi, khách sạn Caravelle được đổi tên thành khách sạn Độc Lập. Từ đó khách sạn này suy sụp và hầu như không hoạt động, người dân sau này đi ngang qua không biết đây là khách sạn Caravelle nổi tiếng xưa kia.

Năm 1992, Tổng công ty du lịch thành phố cùng công ty đầu tư khách sạn Singapore đã thành lập liên doanh để nâng cấp khách sạn và lấy lại tên cũ là Caravelle. Tuy nhiên Giáo hội Công giáo ở thành phố không đồng ý việc phá bỏ khách sạn xây mới, muốn không chỉ phục hồi tên gọi mà còn giữ lại cả bộ mặt cho khách sạn. Sau này các nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn và hồi phụcc lại khách sạn Caravelle, nhờ đó mà khách sạn tiếp tục phát triển đến ngày nay.

Ngay này đường Đồng Khởi vẫn là tuyến đường trung tâm của Sài Gòn.